oOo
Ðức Phật trải qua quá trình hành Bồ tát đạo, rèn luyện trí tuệ và đạo đức thánh thiện, ban vui cứu khổ muôn loài, cho đến viên mãn Bồ tát hạnh đạt đến hiểu biết siêu tuyệt, sử dụng các pháp hoàn toàn tự tại.
Ngày nay, đi theo Phật đạo là đạo trí tuệ, chúng ta cần tìm hiểu, học hỏi giáo lý để thực hành đúng, có được nếp sống an vui trong hiện đời, tạo nhân tốt cho kiếp tái sanh thăng hoa. Chúng ta tuần tự tiến bước tu học đúng đắn, cuộc sống mỗi ngày, mỗi đời phải tốt đẹp hơn, cho đến khi đạt quả vị toàn giác.
Ðể tiến tu có kết quả, thiết nghĩ tất yếu chúng ta phải nương theo kinh điển. Chúng ta đi chùa kính lễ ánh từ bi của Phật, dù chỉ đọc một câu kinh, nhưng hiểu được nghĩa lý. Tinh ba của câu kinh đó thấm vô tâm ta, đến khi gặp việc xảy ra tương ứng với lời Phật dạy, tự nhiên tác động cho ta tẩy sạch trần cấu bợn nhơ.
Thí dụ tụng kinh Bát Ðại Nhân Giác hay 8 điều đức Phật đã thề nghiệm trên bước đường tu, đưa Ngài đến quả vị toàn giác. Chúng ta chỉ nhớ một ý Phật dạy quán sát mạng người ngắn ngủi, vạn vật vô thường. Ý tưởng này luôn hiện hữu trong đời sống, tạo thành năng lực giúp ta xả ly được những gì quý giá mà ta bị mất mát trên cuộc đời. Riêng tôi, khi tiễn đưa các bậc tôn túc kính mến đi về thế giới khác, khiến tôi liên tưởng đến cái ngày vô thường của chính mình, tự động ý thức buông bỏ xâm chiếm tâm hồn và nghĩ ngay đến thế giới thường hằng.
Thiết nghĩ ai phát tâm bồ đề tu theo Phật, đều ý thức sâu sắc rằng thế giới hạn hẹp, ngắn ngủi, tạm bợ này không phải là chỗ ở thực, từ đó luôn hướng tâm và làm mọi việc để đi đến được cõi chơn thường. Thế giới cao sang tốt đẹp lâu dài hơn cõi Ta Bà này, gần nhất là Phật chỉ cho chúng ta các cõi trời, thọ mạng đến 84.000 tuổi. Cao hơn, đức Phật cho chúng ta biết cảnh giới chơn thường vĩnh cửu bình an: Niết bàn an lạc giải thoát hay An dưỡng quốc Tây phương Cực Lạc, thế giới Ðông phương tịnh lưu ly, Thường Tịch quang chơn cảnh ...
Khi đưa ra các mô hình thế giới hoàn toàn tốt đẹp, thanh tịnh, giải thoát, không chút nhiễm ô tội lỗi, đức Phật mới dạy phương cách sống như thế nào để có đủ hành trang đi đến cảnh giới đó.
Ðức Phật dạy muốn sanh về cõi Trời phải tạo thập thiện nghiệp, làm những việc tốt, giúp đỡ người, không làm mất lòng người. Tôi luôn cân nhắc điều này, có ý làm người buồn thì không thì không bao giờ dám, những lỗi vô tình không sao tránh khỏi, nên tôi thường sám hối, tìm cách gieo vào lòng người tình cảm tốt. Nỗ lực làm điều tốt, lợi lạc cho người, giúp được thì không nề hà, nhịn được thì sẵn sàng nhịn, đó là hạt nhân đơm hoa kết trái cho ta ở thiên đường.
Trái lại, không giúp đỡ người, làm điều xấu ác, thù nghịch là tạo hạt nhân đi xuống 3 đường ác, chưa chết thì cũng vào vòng tù tội. Ðến chết, cận tử nghiệp dẫn thần thức đi, thấy bị níu kéo, bắt bớ, đánh đập, chạy trốn chui vô hang hóc, là lọt vô đường súc sanh. Ðối với người tội lỗi ấy, tâm họ hoảng loạn, không yên, không thể nào nhiếp tâm niệm Phật được.
Nếu còn quyến luyến cõi này và không phạm lỗi sát, đạo, dâm, thần thức họ lang thang đến gặp chỗ nào đã từng quan hệ, thương mến thì nghiệp duyên ấy dẫn họ vô thọ sanh gia đình đó.
Ðối với người chuyên niệm Phật do tu quán thuần thục cảnh giới Tây phương Cực lạc. Vì vậy, tâm được thanh thản, nhiếp tâm chánh niệm, thấy được đức Phật Di Ðà và Thánh chúng đến tiếp độ vãng sanh. Thực tế cho thấy các vị Hòa thượng có cận tử nghiệp rất tốt, nên quán tưởng được Phật hiện hữu trước mặt và biết trước giờ chết. Sau đó, từ giã bạn bè, đúng giờ hẹn, không bịnh tật, ngồi chắp tay niệm Phật rồi viên tịch.
Hoặc người chuyên nhập định, khi lìa bỏ huyễn thân, tất cả nghiệp, phiền não lắng yên, thiện ác đều dứt bật, thâm nhập vào cõi Vô dư Niết bàn.
Tóm lại, chúng ta đi theo lộ trình Phật dạy, nỗ lực cải thiện ý nghĩ, lời nói, việc làm cho đúng chánh pháp. Thực hiện được thân khẩu ý nghiệp tốt lành như vậy thì trong cuộc sống hiện tại, chúng ta đã hưởng được hạnh phúc, không bị lo sợ buỗn khổ quấy rầy, được người cảm tình, tin tưởng, hợp tác. Thành quả đạo đức của hiện đời sẽ là hạt nhân tốt đẹp, tạo nên cận tử nghiệp tốt đưa chúng ta đi về cảnh giới thiện, an lạc, vững bền.
Mong rằng Tăng Ni Phật tử, tùy tâm ý mỗi người lựa chọn cảnh giới vĩnh cửu nào thì nương theo lời Phật dạy mà chuẩn bị tư lương đầy đủ cho con đường trở về sớm được như ý nguyện.
(TBGN, 11-1996)
Sincere thanks to anh Nguyen Quang Trung for re-typing this article.