BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Con Người Chân Thật

Thích Thanh Từ


Giới Thiệu: Trích trong quyển "Xuân Trong Cửa Thiền" của
Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Thiền Viện Thường Chiếu, 1989.

(...) Như tôi là một phàm tăng, sống trong thời mạt pháp, lại thêm phước mỏng nghiệp dầy. Nhưng trên đường tu với tâm cố gắng mãnh liệt, tôi vẫn tin được mình có con người chân thật, lòng tin của tôi kiên cố không có chút nghi ngờ. Tôi không nói vấn đề tu chứng chi cả, chỉ nói lòng tin vững chắc, đó là: nơi tôi có con người chân thật.

Ngày trước tôi có mặc cảm là tôi không có được phước duyên như quí Hòa Thượng đi tu từ thuở nhỏ, năm bảy tuổi, hay mười một mười hai tuổi. Ðến năm ngoài hai mươi tuổi tôi mới xuất gia, kể ra là quá muộn rồi, thật là "phước mỏng, nghiệp dầy"! Khi vào chùa tôi lại được biết mình tu vào thời mạt pháp, chắc không sao tiến nổi! Tu là để gieo duyên lành cho đời sau tiếp tục, chớ không có chút hy vọng gì tìm ra đạo lý cao siêu!

Các Thầy Tổ của chúng tôi thường hay nhắc: "Mình sanh thời mạt pháp, thôi thì dùng Lục Tự Di Ðà, niệm Phật rồi sau Phật rước về nước của Ngài. Qua được bên ấy, dù là hàng hạ sanh, hạ phẩm cũng còn vui hơn cõi Ta Bà đau khổ nầy". Yên lòng như vậy, tôi không nghĩ gì hơn là cố gắng gieo chút duyên lành với Phật Pháp.

Tuy nhiên, tôi có thói quen là làm việc gì cũng không dám tự mãn. Dù Thầy Tổ có dạy như vậy, nhưng khi học kinh điển, tôi thấy Ðức Phật do ngồi thiền mà thành đạo. Tôi không chấp nhận niệm Phật để được về nước Phật làm con dân của Ngài, như vậy chắc là buồn lắm. Vì thế tôi mò mẫm cố làm sao thấy được điều mà Phật đã dạy.

Chúng tôi thấy rõ ràng là Ðức Phật do ngồi thiền dưới cội bồ đề mà được giác ngộ, chớ không phải niệm Phật mà được giác ngộ. Vì vậy, noi gương Ngài tôi tập ngồi thiền. Nhưng khổ nỗi, ai dạy mình ngồi, đọc sách nào đây? Tôi mới lục trong Tạng Kinh, đọc thêm các sách Thiền Tông. Sao mà khó hiểu quá! Tôi rất bi quan, đúng là mình sanh thời mạt pháp, không có phương cách nào tiến tu nổi!

Nhưng tôi có một niềm tin vững chắc là mình phải tu thiền mới mong đạt đạo, vì đó là con đường mà Phật và Chư Tổ đã đi. Thế nên tôi quyết chí tu thiền, mặc sự việc sẽ ra sao thì ra. Tôi lấy bản thân mình làm thí nghiệm, sống được cũng tốt, mà chết đi cũng tốt. Chứ vô lý làm sao, Ðức Phật tu một đàng, mà không lẽ mình tu một nẻo?

Và sau đó khi bắt đầu thực hành, chúng tôi phải dò dẫm lần hồi vì không có thầy, không có bạn hướng dẫn đàng hoàng. Nhờ hồng ân của Chư Phật Tổ chúng tôi thấy được một chút đạo lý để giữ vững niềm tin rằng mình có một con người chân thật. Và chúng tôi khẳng định điều đó, không còn nghi ngờ gì nữa. Giả sử bây giờ có bao nhiêu lý luận nào hay cách mấy mà nói không có con người chân thật, tôi vẫn lắc đầu không bao giờ chấp nhận.

Tôi dám ví mình như ngài Ðại Mai Pháp Thường. Ngài Pháp Thường sau khi tham vấn Mã Tổ rồi, ngài về núi Ðại Mai ở ẩn. Mã Tổ nghe tin ngài ở trên núi mà không biết ngài ngộ cái gì, cho nên sai một vị tăng đến thăm dò. Vị tăng đến hỏi:

- Ngài gặp Mã Tổ đã được cái gì mà về ở núi nầy?

Ngài đáp:

- Tôi chỉ nghe Mã Tổ nói "Tức Tâm Tức Phật", tôi nhận được lý đó nên về ở núi nầy.

Vị tăng nói:

- Thế nhưng gần đây tôi lại nghe Mã Tổ nói "Phi Tâm Phi Phật".

Ngài trả lời:

- Ông già đó lại mê hoặc người. Dù ông ta nói "Phi Tâm Phi Phật", nhưng tôi chỉ biết "Tức Tâm Tức Phật" thôi.

Nghe xong, vị tăng trở về bạch lại với Mã Tổ. Mã Tổ nói với tăng chúng: "Trái mai đã chín!". Như vậy "chín" nghĩa là sao? Chính Mã Tổ là thầy của ngài, đã nói "Tức Tâm Tức Phật" mà bây giờ đổi lại "Phi Tâm Phi Phật". Ngài Pháp Thường vẫn vững lòng tin, khiến ngài tu không thối chuyển.

Tuy tôi tu không bằng ngài Ðại Mai, nhưng tôi tin chắc rằng nơi mình có cái không sanh không diệt. Dù ai có nói gì đi nữa, tôi vẫn khẳng định rằng nơi mình có con người chân thật, bất sanh bất diệt. Vì có con người chân thật đó, chúng ta mới giải thoát, chúng ta mới nhập Niết Bàn. Nếu không thì ai giải thoát? Ai nhập Niết Bàn?

Cái chân thật nơi mình không phải là điều xa xôi huyền bí mà rất là thực tế. Nếu chúng ta cố dụng tâm nghiền ngẫm thì sẽ thấy được điều đó, không nghi ngờ. Khi thấy được cái chân thật rồi, dù ta chưa làm chủ thân nầy, dù ta chưa tự tại trong sanh tử, song chúng ta không phải khổ đau khi mất nó.

Riêng tôi tuy chưa làm chủ được thân, nhưng tôi tin chắc rằng mất thân nầy tôi không lo sợ. Và những ai có chí tu hành cũng đừng mặc cảm như tôi ngày trước, cho rằng mình sanh thời mạt pháp, phước mỏng nghiệp dầy, v.v..., mà phải thấy rằng chúng ta còn có duyên với đạo, chúng ta mới được sự nhắc nhở của thầy, của bạn, và đọc được bao nhiêu kinh sách của Phật, chưa phải là chúng ta vô phần.

Ngày trước chúng tôi rất bi quan khi nghĩ rằng thời mạt pháp người tu không bao giờ có chứng, có đắc, còn thời chánh pháp thì tu hành mới mong đắc quả. Nhưng sau nầy học sử Phật Giáo rồi, chúng tôi mới thấy không hẳn luôn luôn như vậy. Thời chánh pháp, khi Ðức Phật còn tại thế vẫn có nhiều Tỳ Kheo thối bồ đề tâm vì không quyết chí tu hành. Còn thời mạt pháp, nếu chúng ta quyết tâm trên đường tu, cũng có thể tiến được. Chánh pháp hay mạt pháp là cốt ở tâm mình, nếu mình không quyết chí tu hành thì ngay trong thời chánh pháp cũng xem như là mạt pháp!

Vì vậy, chúng ta không có mặc cảm là mình sanh thời mạt pháp rồi thả trôi cuộc đời tu hành, mỗi ngày hai thời khóa tụng gọi là gieo chút duyên lành với đạo! Chúng ta không nên bi quan như vậy mà phải nỗ lực tiến tu, mới có thể chuyển mạt pháp thành chánh pháp. Tinh thần của người tu là dù sống trong thời buổi nào, chúng ta cũng phải cố gắng vươn lên, tu hành tinh tấn cho đến ngày công hạnh viên mãn. (...)

oOo

Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu, 1989


[Trở về trang Thư Mục]