Dẫn
nhập
Sau khi Ðức Thế Tôn nhập-diệt,
tôn-giả Ma Ha Ca Diếp (Mahàkassapa) lãnh đạo 500 vị A la hán mở đại hội
kết tập pháp tạng lần thứ nhất. Kế đến, khoảng 100 năm sau, 700
vị A la hán lại kết tập pháp tạng lần thứ hai, dưới sự chủ trì của
trưởng lão Nhất Thiết Khứ và Ly Bà Ða. Thế rồi, cách chừng 118 năm
sau đó, 1000 vị A la hán lại kết tập pháp tạng lần thứ ba, dưới sự chủ
trì của tôn giả Mục Kiền Liên Tử Ðế Tu (Moggaliputta-tissa). Lần
kết tập này mới bắt đầu biên tập luận điển. Sau đó, vương tử Ma
Sẩn Ðà (Mahinda) đem Tam tạng này truyền sang Tích Lan và được gọi
là Tam tạng Thánh giáo Pàli (Pàli Tipitaka). Các điển tịch Ðại Tạng kinh
hiện còn nói về niên đại thành lập không nhất trí. Do đó, niên
đại thành lập chậm nhất được suy đoán là vào khoảng thế kỷ thứ
hai đến thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Nhưng theo Ðảo sử Tích
Lan thì lần đầu tiên Tam tạng được ghi chép trên lá bối tại Tích Lan là
vào khoảng năm 83 trước Tây lịch, dưới triều vua Sinhala Vattagamani Abhaya.
Tam tạng này chứa đựng tinh hoa giáo lý của Ðức Phật, gồm có tạng Luật
(Vinaya pitaka), tạng Kinh (Sutta pitaka) và tạng Luận (Abhi dhamma pitaka), tất cả
41 tập.
Nội dung
Phần một: Luật tạng (Vinaya pitaka)
Luật tạng nhằm thuyết minh về những
giới cấm và những chế định mà đời sống của Tăng già cần phải thực
hành. Tương tự như Luật tạng Pàli, Hán dịch Bắc truyền gồm có các bộ
sau đây:
1. Tứ Phần luật, 60 quyển;
2. Ngũ Phần luật, 30 quyển;
3. Thập Tụng luật, 60 quyển;
4. Ma Ha Tăng Kỳ luật, 40 quyển;
5. Căn bản Thuyết Nhất thiết hữu bộ Tì nại da, 50 quyển.
Bốn quyển đầu nội dung hoàn toàn tương
đồng với Luật Pàli. Ðây chính là 4 bộ Luật mà xưa nay thường được nói
đến. Hơn nữa, Luật của Tây Tạng cũng tương đương với tạng luật này.
Những bộ luật này đều phát xuất từ một nguồn gốc, nội dung đại thể
nhất trí, chỉ vì bộ phái truyền thừa bất đồng mà có sự sai khác ít
nhiều. Ðiều đáng chú ý là sự hình thành của Luật Pàli, Tứ
Phần, Ngũ Phần là sớm hơn tất cả. Và bộ Luật Pàli đối với các bộ Luật
khác được xem là hoàn chỉnh nhất.
Nội dung tổ chức của Luật Pàli gồm 3 bộ
phận cấu thành:
1. Kinh Phân biệt;
2. Kiền độ;
3. Phụ tùy.
Những giới bản bằng tiếng Phạn của bộ
Luật này đã được Bá Hi Hòa (Paul Pelliot) phát hiện tại Trung Á, nhưng
bài tựa và tiêu đề của 4 giới Ba la di đã bị mất.
1. Kinh Phân Biệt (Sutta Vibhanga):
Phần này được chia làm 2 loại như sau:
A. Ðại phân biệt biệt (Mahà Vibhanga)
tức là giới bản của Tỳ kheo, gồm có 8 nhóm:
1. Ba la di (Pàràjika): Tương đương với
tội cực hình của Tỳ kheo, người vi phạm bị mất tư cách của Tỳ kheo và bị
trục xuất ra khỏi Tăng đoàn. Giới này gồm có 4 điều: Theo ý nghĩa
được giải thích thì người phạm giới này sẽ bị Tăng đoàn đả kích; còn
theo sự giải thích của Bắc truyền Hán dịch thì gọi là Ðoạn đầu (bị
chặt đứt đầu); Thối một (bị thoái hóa); Tha thắng (bị kẻ khác đánh bại).
2. Tăng già bà thi sa (Sanghàdisesa): Tội này
tuy cũng nặng nhưng kém hơn Ba la di một bậc. Người vi phạm tuy không mất tư
cách của Tỳ kheo nhưng phải ở riêng thực hành 6 ngày đêm pháp tùy hỷ
(làm cho Tăng chúng hoan hỷ). Sau đó, Tăng sẽ giải tội (xuất tội). Giới
này gồm có 13 điều.
3. Bất định pháp (Aniyata): Tôi không
thể quyết định được. Khi Tỳ kheo ngồi một mình với phụ nữ ở
chỗ khuất hoặc chỗtrống và bị một tín nữ thuần thành phát hiện,
báo cho Tăng biết. Tăng sẽ tùy theo sự tường thuật ấy mà kết một
trong 3 tội: Ba la di, Tăng tàn, hoặc Ba dật đề.
4. Ni tát kì ba dật đề
(Nissaggiya-pàcittiya): Tỳ kheo cất chứa những y phục và vật dụng quá quy
định, do đó, phải đem những vật ấy ra xả giữa chúng Tăng hoặc cho người
khác, rồi sám hối tội phạm. Gọi là "Xả đoạ", nghĩa là xả bỏ
tài vật đã vi phạm và sám hối tội đoạ địa ngục. Giới này gồm có 30
điều .
5. Ba dật đề (Pàcittiya): Cũng như pháp
Ni tát kì ba dật đề (xả đoạ) ở trên, nhưng tội này không liên quan
đến tài vật mà liên quan đến các vấn đề như vọng ngữ, sát
sinh, uống rượu v.v.. và các tội thuộc về phiền não, chấp trước.
Người phạm tội này sám hối trước 3 vị Tỳ kheo thanh tịnh. Giới này gồm có
92 điều, Bắc truyền gọi là Ðơn đọa.
6. Ba la đề xá ni (Pàtidesanìya): Nghĩa
là hướng đến người khác mà sám hối. Hán dịch là Hối quá, nghĩa là
phải đối diện với người khác mà tự bạch sám hối tội phạm. Giới này
gồm 4 điều, liên quan đến việc ăn uống.
7. Chúng học (Sekhiya): Nguyên ngữ có
nghĩa là học tập, đây không phải là tên tội mà là những việc cần
phải học, cho nên còn gọi là Ưng đương học. Giới này thuộc
về oai nghi, liên quan đến tác phong của Tỳ kheo khi tiếp xúc với
người thế tục. Nếu Tỳ kheo cố ý phạm thì phải sám hối với một
Thượng toạ, còn khi vô tình phạm thì sám hối bằng cách tự trách tâm mình.
Giới này gồm 75 điều. Bắc truyền đến 100 điều.
8. Diệt tránh (Adhikarana-samatha): Ðây
không phải là tên tội mà là những phương thức dùng để giải quyết
các sự tranh chấp, xung đột gây nên mối bất hòa giữa Tăng đoàn. Nếu
Thượng tọa không giải quyết được những rắc rối xảy ra trong chúng
thì phạm tội Ðột cát la (hành vi xấu).
B. Tiểu phân biệt hay Tỳ kheo ni phân
biệt:
- Ba la di: Gồm 8 giới, nhiều hơn Tỳ kheo 4 giới.
- Tăng già bà thi sa: Gồm 17 giới, nhiều hơn Tỳ kheo 4
giới.
- Xả đoạ: Gồm 30 giới, giống như Tỳ kheo.
- Ba dật đề: Gồm 166 giới, nhiều hơn Tỳ kheo 74
giới.
- Ba la đề đề xá ni: Gồm 8 giới, nhiều hơn Tỳ
kheo 4 giới.
- Chúng học: Gồm 75 giới, giống như Tỳ kheo.
- Diệt tránh: Gồm 7 điều, giống như Tỳ kheo.
Tỳ kheo ni không có giới Bất định như Tỳ
kheo.
II. Kiền Ðộ (Khandha)
Kiền độ có nghĩa làkhối, nhóm hay
chuyên đề, được chia làm 2 phần lớn và nhỏ như sau:
A. Ðại phẩm (Mahà-bhanga)
Ðại phẩm bao gồm 10 Kiền độ, trình bày
về những chế độ, quy tắc, nghi thức và nguyên nhân thành lập giới
luật.
1. Ðại kiền độ (Mahà-khandha): Nói
về nguyên nhân Ðức Phật thành đạo, đến việc Xá Lợi Phất, Mục
Kiền Liên xuất gia, cùng những phương thức thọ giới Cụ túc và các
quy tắc khác. Kiền độ này gồm có 10 phẩm.
2. Bố tát kiền độ (Uposatha-khandha):
Trình bày về thể thức tụng giới của Tăng đoàn vào mỗi nửa
tháng.
3. An cư kiền độ (Vassupanayika-khandha):
Trình bày về quy chế an cư của Tăng đoàn mỗi năm 3 tháng vào mùa
mưa hay mùa hạ.
4. Tự tứ kiền độ (Pavàrana-khandha):
Trình bày về cách thức Tự tứ - yêu cầu Tăng đoàn chỉ bảo những sai
phạm của mình - sau khi an cư kết thúc.
5. Bì cách kiền độ (Camma-khandha):
Ðề cập về cách thức dùng các loại da đối với chúng Tỳ kheo.
6. Dược kiền độ (Bhesajja-khandha):
Thuyết minh về các loại thuốc mà các Tỳ kheo được phép sử dụng.
7. Ca thi na kiền độ (Kathina-khandha):
Thuyết minh về y công đức, tức y được tưởng thưởng sau muà An cư.
8. Y kiền độ (Civana-khandha): Thuyết
minh về vấn đề y phục của Tỳ kheo.
9. Chiêm ba kiền độ (Campà-khandha):
Ðề cập đến những việc rắc rối xảy ra tại Chiêm Ba.
10. Kiều thưởng di kiền độ
(Kosambi-khandha): Ðề cập đến những sự xung đột xảy ra tại Kiều
Thưởng Di.
B. Tiểu phẩm (Culla-vagga)
Sau Ðại phẩm là Tiểu phẩm, tức là
những chuyên đề nhỏ hơn, và được chia thành 12 loại, hay 12 Kiền
độ.
1. Yết ma kiền độ (Kamma-khandha):
Thuyết minh về các phương pháp thực hiện việc yết ma.
2. Biệt trú kiền độ
(Pasivàsika-khandha): Thuyết minh thể thức xử phạt Biệt trú đối với
Tỳ kheo phạm tội Tăng tàn mà che giấu.
3. Tập kiền độ (Samuccaya-khandha):
Thuyết minh về phương thức xử trí đối với Tỳ kheo phạm tội Tăng
tàn.
4. Diệt tránh kiền độ
(Samatha-khandha): Thuyết minh về phương pháp dập tắt những sự xung đột
trong nội bộ Tăng đoàn.
5. Tiểu sự kiền độ (Khuddaka
vatthy-khandha): Những quy định về các tư cụ và các việc khác trong
nếp sinh hoạt của Tỳ kheo.
6. Ngoạ tọa cụ kiền độ
(Sesàsana-khandha): Những quy định về cách thức kiến lập tinh xá và
các dụng cụ dùng để ngồi, nằm của các Tỳ kheo.
7. Phá Tăng kiền độ
(Sanghabhedaka-khandha): Thuyết minh về nhân duyên xuất gia của các đồng
tử dòng họ Thích và sự kiện Ðề Bà Ðạt Ða phá Tăng.
8. Nghi pháp kiền độ (Vatta-khandha):
Trình bày về thể thức tập hợp Tăng chúng để giải quyết các
công việc.
9. Già thuyết giới kiền độ
(Patimakhàthapana-khandha): Thuyết minh về thể thức ngăn cản Tỳ kheo
phạm tội tụng giới.
10. Tỳ kheo ni kiền độ (Bikkhuni-khandha):
Thuyết minh về những qui định liên quan đến sinh hoạt của Tỳ kheo
ni.
11. Ngũ bách (kết tập) kiền độ
(Pãncasatika-khandha): Thuyết minh về việc 500 Tỳ kheo kết tập
pháp tạng lần đầu tiên tại thành Vương Xá, sau khi Phật vừa nhập diệt.
12. Thất bách (kết tập) kiền độ
(Sattasatika-khandha): Sau Phật diệt độ khoảng 100 năm, nhóm Tỳ kheo ở Bạt
Kỳ đề xướng 10 điều phi pháp, do đó, 700 Tỳ kheo tập hợp tại Tỳ Xá
Li để giải quyết việc ấy, đồng thời kết tập pháp tạng.
III. Phụ Tùy (Parivàra)
Phần này thuộc về phụ lục, dùng để
toát yếu những điểm chính của 2 phần trên: Kinh Phân biệt và
Kiền độ. Phương thức biên soạn phần lớn dùng lối kệ tụng để
cho dễ đọc tụng.
Phần hai: Kinh tạng (Sutta-pitaka)
Tạng kinh này được chia thành 5 bộ là:
Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ. Trường Bộ
và Trung Bộ được sắp theo hình thức của kinh, tức kinh dài và kinh trung
bình. Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ được sắp theo thể tài của kinh. Còn
Tăng Chi Bộ thì được sắp theo pháp số từ ít đến nhiều. Ta có
thể trình bày rõ hơn như sau:
I. Kinh Trường Bộ (Digha-nikàya)
Bộ kinh này tập hợp những bài kinh dài,
gồm tất cả 34 kinh, tương đương với kinh Trường A Hàm thuộc Hán tạng.
II. Kinh Trung Bộ (Majjhima-nikàya)
Bộ kinh này tập hợp những bài kinh trung
bình, gồm tất cả 152 kinh, tương đương với kinh Trung A Hàm thuộc Hán tạng.
III. Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta-nikàya)
Bộ kinh này tập hợp những bài kinh cùng
chung thể loại theo sự tương quan của từng vấn đề, gồm tất cả 7.762
kinh, tương đương với kinh Tạp A Hàm thuộc Hán tạng.
IV. Kinh Tăng Chi Bộ (Angutta-nikàya)
Bộ kinh này được sắp theo pháp số, chia
thành 11 chương, từ chương một pháp đến chương 11 pháp, gồm tất cả 171
phẩm, 2.203 kinh (có chỗ nói 2.198 kinh, hoặc 2.308 kinh). Tương đương với
bộ kinh này là kinh Tăng Nhất A Hàm thuộc Hán tạng.
V. Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka-nikàya)
Bộ kinh này tập hợp những bài kinh
tương đối nhỏ, và không có tương đương trong Hán tạng. Nội dung được
chia thành 15 loại như sau:
1. Tiểu tụng kinh (Khuddaka-pàtha): Nội
dung bao gồm 9 loại:
a. Văn 3 quy y; b. Văn 10 giới; c. Ba mươi hai
thân phần; d. Văn chất vấn Sa di; e. Kinh Cát tường; f. Kinh Tam Bảo; g. Kinh Hộ
ngoại; h. Kinh Phục tạng; i. Kinh Từ bi.
Bốn loại đầu từ trong kinh luật chép ra,
văn cú giản lược, nhằm giúp những kẻ sơ học dễ dàng đọc tụng. Kinh
Cát tường, kinh Tam bảo và kinh Từ bi thuộc về một bộ trong Kinh tập. Kinh
Hộ ngoại được rút ra từ Ngạ quỉ sự, Kinh Phục tạng thuyết minh về
phương pháp giữ gìn sự giàu có.
2. Pháp Cú kinh (Dhammapada): Những câu kệ
này có tác dụng rất mãnh liệt làm cho hành giả phấn khởi nỗ lực
tiến tu, vì thế được giới Phật giáo rất xem trọng. Ðây vừa là
nấc thang của những người mới học, vừa là tạng bí áo của những người
đã thâm nhập. Bộ này gồm có 26 phẩm, 423 bài kệ.
3. Tự thuyết kinh (Udàna): Bộ này còn
được dịch là "Vô vấn tự thuyết", nghĩa là không do ai hỏi mà
Phật tự trình bày; hay còn gọi là "Cảm hứng ngữ" tức là những
lời cảm hứng. Bộ này gồm có 8 phẩm, mỗi phẩm gồm 10 kinh, cộng tất cả 80
kinh.
4. Như thị ngữ (Itivuttaka): Ðây là bộ thứ
tư của kinh Tiểu Bộ, được biên tập theo lối trùng tụng từ một pháp
tăng dần đến nhiều pháp, gồm có 4 tập, 112 kinh. Bộ này tương
truyền do nữ cư sĩ DhammapàlaKhijiuttara nghe Phật thuyết giảng rồi
về tường thuật lại.
5. Kinh tập (Sutta-nipàta): Thể văn của
bộ này theo lối kệ tụng, gồm 5 phẩm, 71 kinh. Bộ này gồm những kinh được
xem là xưa nhất, gần với thời Ðức Phật hơn hết.
6. Thiên cung sự (Vimàna-vatthu): Bộ này
được chia làm 7 phẩm, 85 mẩu chuyện, thuyết minh về những người
được sinh lên cõi trời hưởng hạnh phúc, rồi thuật lại những nỗi khổ
đau bi thảm trong kiếp ngạ quỉ trước kia của mình. Hễ ai gây nhân lành
thì được hưởng phước báo an lạc, ai gây nhân bất thiện thì phải chịu
quả báo đau khổ, nó có tác dụng cổ vũ mọi người bố thí cúng dường,
làm những việc phước đức. Bộ này và Ngạ quỉ sự liên quan với nhau rất
mật thiết. Về thể tài và ý nghĩa thì 2 bộ này vô cùng nhất
trí.
7. Ngạ quỷ sự (Peta-vatthu): Bộ này gồm
sáu phẩm, 51 mẩu chuyện. Về giá tri của nó như đã trình bày ở Thiên
cung sự.
8. Trưởng lão kệ (Thera-gàthà): Bộ này
gồm có 1.279 bài kệ của 264 vị trưởng lão, chia thành 21 chương, từ
chương một kệ đến chương cuối cùng 71 kệ. Phần kệ tụng là
do các vị trưởng lão nói lên hạnh tu, quả chứng của chính mình.
9. Trưởng lão ni kệ (Theri-gàthà): Bộ
này gồm có 522 kệ do 73 vị trưởng lão Ni trình bày, được chia thành 16
chương. Nội dung của bộ này với trưởng lão kệ nói lên tinh thần
thiểu dục, tri túc, nhàm chán nếp sinh hoạt của trần thế, nỗ
lực thực hiện nếp sống tự tại giải thoát của các đệ tử Ðức
Phật . Có thể nói những vần thi kệ này rất gần gũi với những bài
kệ của các Thiền sư Trung Hoa.
10. Thí dụ (Apadàna): Thể văn của bộ
này theo lối kệ tụng, được chia làm 4 chương:
a. Phật thí dụ; b. Bích chi Phật; c. Trưởng
lão thí dụ; d. Trưởng lão Ni thí dụ.
Tuy chia làm 4 chương nhưng chủ yếu là
Trưởng lão thí dụ. Các trưởng lão đệ tử Phật tự thuật lại nhân hạnh
kiếp trước của mình, trải qua nhiều đời, nhiều kiếp, cuối
cùng được theo Phật Thích Ca xuất gia tu hành, chứng đắc cứu cánh giải
thoát.
11. Bản sinh kinh (Jàtaka): Trong Tiểu Bộ
kinh, chỉ có bộ này là dài nhất và được hoàn thành khá muộn so với các
bộ khác. Toàn bộ gồm có 547 mẩu truyện Bản sinh. Bộ này được lưu hành
rất phổ biến tại Tích Lan và được xem là tư liệu chủ yếu dùng
để tuyên dương Phật pháp. Theo Gandhavamasa thì nguyên bản Pàli chỉ có
kệ tụng, còn bản văn là do ngôn ngữ Tích Lan được chuyển dịch thành
tiếng Pàli.
12. Vô ngại giải đạo (Patisambhidà-magga):
Nội dung bản kinh này phân loại trình bày về đường hướng tu hành giải
thoát. Toàn kinh được chia làm 3 phẩm là: Ðại phẩm, Song kết phẩm và
Tuệ phẩm, đồng thời mỗi phẩm có phụ thêm 10 luận. Ở đây Ðại
phẩm là trung tâm của toàn kinh. Bản kinh này tuy thuộc về Kinh tạng, nhưng
hình thức và nội dung lại mang tính chất của một luận thư.
13. Phật chủng tánh kinh (Budha-vamsa): Kinh
này gồm 28 phẩm, do kệ tụng hợp thành, thuyết minh về chủng tộc,
nhân hạnh của Ðức Thích Ca trong đời quá khứ. Ðoạn nói về 7 Ðức Phật
quá khứ từ Phật Tì Bà Thi đến Ðức Thích Ca trong kinh này cũng được
tìm thấy trong kinh Ðại bản và kinh A sá nang chi thuộc kinh Trường Bộ. Trong
kinh tạng Pàli bản kinh này với Thí dụ và Sở hành tàng bị xem là được
biên tập muộn màng nhất.
14. Sở hành tàng (Cariyà-pitaka): Bộ này còn
được dịch là Nhược dụng tàng, nội dung tự thuật về những việc làm
(sở hành) của Ðức Thế Tôn trong các kiếp quá khứ, tức những cố sự
Bản sanh của Ðức Phật, được chia thành 7 Ba la mật, gồm 35 mẩu chuyện.
15. Nghĩa thích (Niddesa): Bộ sách này nhằm
chú thích về Kinh tập của Tiểu Bộ kinh. Nội dung được chia làm 2
phần: Ðại nghĩa thích (Mahà-niddesa) và Tiểu nghĩa thích (Culla-niddesa).
Ðại nghĩa thích dùng chú thích phẩm thứ tư của Kinh tập tức phẩm Nghĩa.
Tiểu nghĩa thích dùng chú thích phẩm thứ 5 của Kinh tập túc phẩm Bỉ ngạn
đạo và phần kết luận. Toàn sách chủ yếu dựa vào các từ ngữ mà
giải thích ý nghĩa.
Phần ba: Luận tạng
So với Luật tạng và Kinh tạng thì Luận tạng
được trước thuật muộn hơn, bắt đầu từ lần kết tập pháp tạng thứ 3
trở đi, còn hai lần ketá tập thứ nhất và thứ nhì thì chưa có. Do đó, các
nhà Phật học thế giới cho là không mang tính chất nguyên thỉ, vì vậy
mà họ ít trọng thị. Tuy thế, đối với Phật giáo Tích Lan và
Miến Ðiện lại gọi đây là Vi diệu pháp, cho nên đôi khi còn
xem trọng hơn cả Kinh và Luật. Bộ này gồm có 7 quyển như sau:
1. Pháp tập luận (Dhamma-sangani): Nội
dung quyển sách này nhằm phân loại giải thích tất cả các pháp. Ðây là
một trong 7 bộ luận thuộc phân biệt Thượng tọa bộ Tích Lan. Quyển
sách nêu ra Thiện pháp, Bất thiện pháp, Vô ký pháp v.v... bao gồm
122 mục thuộc bản luận gốc, và Hữu lậu pháp, Vô lậu pháp v.v... gồm 42 loại
thuộc danh mục của bản kinh gốc để giải thích.
2. Phân biệt luận (Vibhanga): Bộ
này nhằm phân tích, giải thích tất cả các pháp trên nhiều phương
diện. Có người cho rằng bộ này là tục biên của Pháp tập luận. Trong các
luận thư thuộc Hữu bộ thì Pháp uẩn tức luận rất giống với quyển này.
Bộ luận này gồm có 18 phân biệt (phẩm), 15 phẩm đầu trình bày 2 phần
là: Kinh Phân biệt, Luận Phân biệt và những chất vấn. Ba phẩm cuối
chia làm 2 đoạn là Bản mẫu và Quảng thích để giải thích các pháp.
3. Giới luận (Dhàtu-kathà): Nội dung
trình bày về mối quan hệ giữa các pháp Uẩn, Xứ, Giới được thu
nhiếp, không thu nhiếp, có tương ưng hay không tương ưng. Bộ này
tương đương với các quyển 3, quyển 8, 9, 10 và quyển 18 của phẩm
loại túc luận thuộc Luận tạng Hán dịch.
4. Nhân thi thiết luận
(Puggala-pannatti): Bộ luận này nhằm phân loại thuyết minh về
"bổ đặc già la" (Puggala: con người), chủ yếu luận về 6 phần:
Uẩn, xứ, giới, căn, đế, nhân. Nội dung chia làm Mẫu luận và phần giải
thích, nhưng phần giải thích là bộ phận chủ yếu. Mọi người đều
công nhận bộ này và phân biệt luận là 2 bộ được trước tác sớm nhất.
Bộ luận này có mối quan hệ mật thiết với phẩm Nhân (người) trong bộ
"Xá Lợi Phất A tì đàm luận" và "Tập dị môn túc luận"
thuộc hệ Hán dịch.
5. Song luận (Yamaka): Ðây là bộ luận
thứ 5 thuộc văn hệ Pàli của Nam truyền. Nội dung nhằm thuyết minh
tính chất hỗ tương của các pháp có nhiếp nhập hay không nhiếp
nhập, và các mối quan hệ sinh khởi, biến diệt, bao gồm 10 phẩm: 1.
Căn bản song luận; 2. Uẩn song luận; 3. Xứ song luận; 4. Giới song luận; 5.
Ðế song luận; 6. Hành song luận; 7. Tuỳ miên song luận; 8. Tâm song luận; 9.
Pháp song luận; 10. Căn song luận. Trong mỗi phẩm này lại chia ra 3 phần:
phần Thi thiết, phần Chuyển dịch và phần Biến tri.
6. Phát thú luận (Patthàra-kathà): Bộ
luận này thuyết minh về mối quan hệ giữa 122 môn với 24 duyên. Phần
đầu là phần thiết trí của luận mẫu và phần riêng biệt thuộc Duyên
phần; tiếp đến thuật về Bản văn, do 24 phát thú (vấn đề) mà
thành lập.
7. Luận sự (Kathà-vatthu): Tác phẩm
này trình bày lập trường của Ðại tự phái ở Tích Lan nhằm mục đích đả
phá những chấp trước sai khác của các bộ phái. Tương truyền bộ luận
này do Mục Kiền Liên Tử Ðế Tu (Moggaliputta-tissa), người chủ trì cuộc
kết tập pháp tạng lần thứ 3, trước tác. Trọn bộ gồm 213 phẩm, 217
luận. Cuối mỗi phẩm đều có bài tụng tóm tắt. Nội dung của bản luận
này có mối quan hệ mật thiết với Di Lan Vương vấn kinh.
Phụ lục
Ngoài 3 tạng giáo kể trên, Ðại tạng Nam
truyền Tích Lan còn thu thập một số tác phẩm khác vào Ðại tạng gồm các
trước tác sau đây:
1. Di Lan Vương vấn kinh (Milinda-panha):
Kinh này so với kinh Na Tiên Tỳ kheo thuộc Hán tạng thì đại đồng tiểu
dị. Nội dung nguyên thỉ chia làm 2 quyển, phần mở đầu và phần đối thoại
chính. Phần đầu lược thuật về hành trạng của vua Di Lan và Tỳ kheo
Nàgasena (Na tiên). Phần hai đề cập đến cuộc đối thoại giữa hai
người về các vấn đề như: Duyên khởi, vô ngã, nghiệp báo, luân
hồi v.v... vốn là những giáo lý căn bản của Phật giáo nguyên thỉ.
"Nhưng cách trình bày thật là sắc sảo, mạnh mẽ, sáng sủa, tinh vi và
nhất là sống động, luôn luôn kèm theo nhiều thí dụ rất sát ý,
khiến người đọc thấy tâm hồn mình phấn khởi một cách phơi phới.
Ðặc điểm độc đáo chính là ở đây. Và chính vì đặc điểm độc
đáo ấy mà Milindapanha được Giáo hội Phật giáo Tích Lan tôn thờ ngang hàng
với Thánh điển Ngũ bộ kinh; Phật giáo Miến Ðiện thì xếp
Milindapanha vào Thánh điển hẳn... Trải qua thời gian, Phật giáo Tích Lan
thêm dần dần vào, ngày nay thành ra 7 quyển.
Bộ kinh này ngày nay đã được dịch sang
các thứ tiếng: Anh, Nhật, Pháp, Ðức, Ý và Việt Nam.
2. Ðảo vương thống sử (Dipa-vamsa):
Gọi tắt là Ðảo sử hay Châu sử, được biên soạn khoảng thế kỷ
thứ tư, thứ năm, không rõ tác giả. Ðây là loại sử thi biên niên tối cổ
của Tích Lan. Ai muốn nghiên cứu về Phật giáo Tích Lan thì không thể
thiếu bộ sử này. Bộ sách được chia thành 37 chương, tường thuật vắn
tắt về sự sinh hoạt của Phật, về sự tích Ngài Mahinda đến Tích
Lan truyền giáo; đồng thời đề cập đến 3 lần kết tập pháp
tạng, lịch sử của các bộ phái và sự quy y Phật giáo của vua A Dục .
3. Tiểu vương thống sử (Culla-vamsa):
Còn gọi là Tiểu sử; đây là bộ sử biên niên nói về mối quan
hệ giữa vương triều với Phật giáo tại Tích Lan. Bộ này là tục biên
của Ðại sử (Ðại vương thống sử). Học giả của Tích Lan trước đây đem
Ðại sử và Tiểu sử viết chung thành một bộ và gọi là Ðại sử.
Về sau, vị học giả tiếng Pàli người Ðức là Uy Khiêm Cái Cách
Nhĩ (Wilhelm Geiyer, 1856-1943) đem chia ra thành Ðại sử và Tiểu sử, rồi
dịch sang tiếng Ðức, hiệu đính lại nguyên điển, và đem xuất
bản.
4. Thanh tịnh đạo luận (Visudahi-magga):
Bộ luận này gồm 3 quyển, chia làm 23 chương, do Phật Âm (Buddhaghosa), vị
cao tăng người Ấn Ðộ, trước tác khoảng thế kỷ thứ 5 Tây lịch.
Nội dung nhằm giải thích giáo nghĩa của Thượng tọa bộ, chủ yếu là
Tam vô lậu học, được trình bày theo thứ tự Giới, Ðịnh, và Tuệ.
Quyển sách này là một luận thư có quyền uy tối cao đối với Phật
giáo Nam truyền. Nội dung của nó ví như một bộ bách khoa toàn thư, giải
thích khá tường tận về những điểm giáo lý căn bản, có thể
so sánh với bộ Ðại tì bà sa luận của Thượng tọa hữu bộ. Hiện nay,
bộ luận này đã được dịch sang các thứ tiếng: Hán, Nhật, Anh và
Việt.
5. Nhiếp A tì đạt ma nghĩa luận
(Abhidhammattha-sanghaha): Bộ luận này do A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha) soạn, nội
dung trình bày những điểm cương yếu trong giáo lý A tì đạt ma
của phân biệt Thượng toạ bộ Tích Lan, được chia làm 9 phẩm.
6. A Dục Vương khắc văn (Dhamma-lipi):
Còn gọi là A Dục vương pháp sắc, chỉ cho những bản cáo thị bằng giáo
pháp, do vua A Dục cho khắc tại những hang động và trụ đá v.v... Niên đại
khắc văn khoảng năm 250 trước Tây lịch. Văn tự được dùng tương tự như
loại phương ngôn của Phạn văn và Pàli văn. Ngày nay, người ta đã phát
hiện được tại những tảng đá lớn và nhỏ gồm 7 chỗ, trụ đá gồm 10
trụ, những bài kinh và những thạch bản gồm chừng 5 loại.
Tam Tạng thánh giáo này khởi thủy bằng
tiếng Pàli thuộc Phật giáo Tích Lan, gồm có 41 tập, trải qua thời gian dần
dần nó được dịch sang các tiếng:
- Myanmar (Miến Ðiện) (gồm thành 21 tập)
- Thái Lan (gồm 45 tập)
- Campuchia (gồm 52 tập)
- Anh văn (gồm 46 tập)
- Nhật văn (gồm 65 tập)
- Hán văn (gồm 65 tập)
Trong tạng Nhật văn được phân phối như
sau:
- Luật tạng gồm 5 tập đầu, từ tập 1 đến tập 5.
- Kinh tạng gồm tất cả 39 tập, từ tập 6 đến tập 44.
- Luận tạng gồm tất cả 14 tập, từ tập 45 đến tập 58.
Phần phụ lục gồm 7 tập, từ tập 59 đến
tập 65. Trong đây, các tập 11, 16, 22, 48, 59 đều có 2 quyển thượng và
hạ, riêng tập 65 gồm có 3 quyển.
Theo quan điểm của các nhà Phật học
quốc tế có uy tín mà cụ thể là Pháp sư Ấn Thuận và Kimura Taiken
thì chỉ công nhận tạng Luật và Kinh là Thánh giáo, còn tạng Luận và các
tác phẩm khác thì không công nhận. Vì các tác phẩm này được trước tác
theo quan điểm riêng của bộ phái và được hình thành khá muộn màng
không phải thuần túy nguyên thủy, thậm chí một số kinh trong Tiểu Bộ cũng
rơi vào tình trạng ấy.
Tuy vậy, Pháp sư Ấn Thuận vẫn tán thành
việc soạn thuật những tác phẩm Phật giáo phù hợp với thời đại, để
cập nhật hóa giáo lý Ðức Phật, làm cho giáo lý đạo Phật luôn luôn
sinh động, hiện thực, thích hợp với mọi trào lưu tiến hóa của
nhân loại. Có như vậy, chánh pháp thậm thâm vi diệu của Ðức Ðạo Sư
mới thực sự đem lại lợi ích cho mọi người và mọi thời đại.
-ooOoo-
Tài liệu sử dụng:
- Hán dịch Nam truyền Ðại tạng kinh, Luật bộ tập 1-5,
chủ nhiệm: Thích Bồ Diệu, Dân Quốc 7-1990.
- Nguyên thủy Phật giáo Thánh điển chi tập thành,
Ấn Thuận trước, Ðài Bắc, 1988, tr. 859-870.
- Cao Hữu Ðính, Kinh Na Tiên Tỳ kheo, Minh Ðức xuất bản,
1971. Lời nói đầu, tr.4-5
- Phật Quang đại từ điển, chủ biên: Từ Di, Ðài Bắc,
xb. 1989, tr. 4088. Ngoài ra nhiều chỗ khác cũng dùng tư liệu của từ
điển này.
- Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, HT.
Thích Quảng Ðộ dịch, Khuông Việt xb. 1971, tr. 14.
Ngoài ra còn dùng Nam truyền Ðại tạng
kinh sách dẫn, Thủy Dã Hoằng Nguyên trước, Nhật Bản học thuật Chấn hưng
hội phát hành, Ðông Kinh 1960.
(Nguyệt-san Giác Ngộ)
-ooOoo- |