BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Ðạo Lý
Thích Thiện Châu
I - Giới thiệu
Bài Kinh này thuộc Tăng Chi bộ (Anguttaranikâya, tập 1, trang 173-177, bản in của Pâli Text Society, London). Nội dung gồm hai phần:
1 - Không như thật và không lợi ích
Phần nhất, Phật trình bầy tóm tắt ba lý thuyết ngoại đạo, tuy thích hợp với những quan điểm giáo lý truyền thống của các đạo giáo song không như thật và không lợi ích. Không như thật vì túc nghiệp ( nghiệp hành động đã làm trong đời trước), sự tạo hóa của đấng Tự tại và không nhân duyên không thể là nguyên nhân hay sự giải thích về nguyên nhân của khổ vui nơi con người. Túc nghiệp ảnh hưởng nhưng không thể là yếu tố quyết định hoàn toàn khổ vui. Sự tạo hoá của đấng Tự tại chỉ là tín ngưỡng về quyền năng của thần linh mà không thật là nguyên nhân khổ vui. Còn không nhân duyên là quan điểm phủ nhận hoàn toàn các điều kiện khách quan và chủ quan gây nên khổ vui, trong khi đó khổ vui cũng như sự vật có ra do nhiều nhân duyên chứ không phải là ngẫu nhiên.
Không lợi ích vì ba lý thuyết trên tuy lý luận khác nhau song vẫn giống nhau ở điểm là gạt bỏ ý chí và hành động chủ quan, làm cho con người vọng niệm, thụ động, chấp nhận số phận, ỷ lại tha lực, không tha thiết với vấn đề tu dưỡng đạo đức, xây dựng cuộc sống an lành và hướng về giác ngộ giải thoát.
Những lý thuyết sai lầm, khuyết điểm này đã bị Phật chỉ trích cách đây hơn 2500 năm. Tuy thế, ngày nay người ta cũng còn tìm thấy một cách dễ dàng tính chất định mệnh, thần quyền và lý luận thiếu nghiêm túc trong những lý lẽ giải thích về nguyên nhân khổ vui nơi con người trong kinh sách của các đạo giáo đang lưu hành. Cũng có nhiều người, vì không hiểu Phật lý căn bản, đã
- dùng lý thuyết nghiệp báo (karmavi pâka) như lý thuyết định mệnh,
- xem Phật như thần linh và xếp ngang hàng với thượng đế (Phật-Trời),
- mê tín rủi may, bói toán, số phận mà không quan sát sự vật với ánh sáng của đạo lý Duyên khởi (paticcasamuppâda).2 - Như thật và lợi ích
Phần hai, Phật trình bày tổng quát đạo lý như thật và lợi ích. Trước hết, Phật phân tích những yếu tố cấu tạo sự sống con người. Ấy là sáu giới (dhâtu, élément). Ðịa giới - chất cứng, thủy giới - chất lỏng, hỏa giới - sức nóng, phong giới - sức động, không giới - khoảng trống, hệ thuộc vật lý là vật lý và thức giới - tâm linh là tâm lý. Vật lý và tâm lý (Rupa, Nâma) là những gì hiện hữu nơi con người và đồng hình thành sự sống linh động của con người.
Sự sống của con người được thể hiện đầy đủ là do sự tiếp xúc của sáu giác quan đối với sáu đối tượng. Khi sáu giác quan tiếp xúc với sáu đối tượng thì liền theo đó cảm tình khổ vui và trung tính hiện ra.
Như vậy khổ vui của con người có ra là do những nhân duyên chủ quan, khách quan chứ không do túc nghiệp, sự tạo hoá của đấng Tự tại hay không nhân duyên.
Xa hơn, căn cứ theo đạo lý Duyên khởi, Phật trình bày sự thật về cuộc đời (Khổ và khổ nhân) và lý tưởng để thay đổi cuộc đời (khổ diệt và con đường diệt khổ) trong bốn chân lý cao thượng.
Về Khổ, Phật chỉ rõ những nỗi khổ căn bản mà ai ai cũng phải chịu như sanh già bệnh chết và những nỗi khổ phụ thuộc có nhiều hay ít do con người tạo nên như sầu bi khổ ưu não, oán thù tụ hội, thương yêu, biệt ly, mong cầu không được. Về nhân khổ, Phật phân tích quá trình dẫn đến khổ não là 12 nhân duyên mà chúng ta có thể tóm tắt trong ba điểm: mê lầm ---> hành động ích kỷ ---> đau khổ.
Về khổ diệt, Phật nêu lên sự tiêu diệt toàn bộ quá trình gồm 12 nhân duyên mà vô minh hay mê lầm là khâu quan trọng. Vô minh bị tiêu diệt thì hành động ích kỷ không còn, không có hành động ích kỷ thì đau khổ không hiện ra.
Về con đường diệt khổ, Phật giới thiệu một giải pháp chân chánh: tu dưỡng theo con đường tám nẻo, gồm ba điểm: Sống theo giới luật (giới), tu tập thiền định (định) và phát triển trí tuệ (tuệ).
Như vậy, Phật giải thích khổ vui là những gì hiện hữu ngay nơi con người ; muốn diệt trừ đau khổ không thể làm gì khác hơn là hủy bỏ nguyên nhân của nó tức là mê lầm và hành động ích kỷ bằng cách thực hiện giới, định và tuệ ; và một khi có đủ giới định và tuệ thì an vui thể hiện ngay ở đây và bây giờ.
Vì xem đời sống ngắn ngủi của kiếp người chỉ làmột giai đoạn trong quá trình sống - chết - chết - sống của mỗi chúng sanh, cho nên khi trình bầy sự thật về cuộc đời, Phật đề cập cả những nỗi khổ căn bản và khi trình bầy lý tưởng để thay đổi cuộc đời, Phật đưa ra một giải pháp trọn vẹn nhằm giác ngộ giải thoát con người với quá trình sống chết sâu thẳm lâu dài của nó.
Lẽ dĩ nhiên, với mục đích diệt khổ cho chúng sanh, Phật không những không bỏ quên mà con tán thán và ca ngợi những cố gắng và mọi phương pháp nhằm thăng hoa một cách quân bình đời sống con người và xã hội loài người.
II - Chánh kinh
Các tỳ kheo, có ba lý thuyết ngoại đạo (1), bị người trí thẩm vấn, nạn vấn và thảo luận, dù thích hợp với truyền thống, làm chỗ dựa cho sự không hành động (2)
Ba lý thuyết ngoại đạo
Các tỳ kheo, có một số Samôn Bà la môn nói và chấp như vầy: Tất cả khổ vui , không khổ không vui mà con người cảm thọ đều do túc nghiệp (3). Có một số Samôn Bà la môn nói và chấp như vầy: Tất cả khổ vui, không khổ không vui mà con người cảm thọ đều do sự tạo hoá của đấng tự tại (4). Có một số Samôn Bà la môn nói và chấp như vầy: Tất cả khổ vui , không khổ không vui mà con người cảm thọ đều không nhân duyên (5).
Này các tỳ kheo, đối với các Samôn Bà la môn nói và chấp như vầy: Tất cả khổ vui , không khổ không vui mà con người cảm thọ đều do túc nghiệp, sự tạo hoá của đấng tự tại, không nhân duyên (*), Ta đến với họ và nói như vầy: Các Tôn giả, có thật chăng các vị nói và chấp như vầy: Tất cả khổ vui , không khổ không vui mà con người cảm thọ đều do túc nghiệp, sự tạo hoá của đấng Tự tại, không nhân duyên? (*)
Ðược ta hỏi như vậy thì họ trả lời: Vâng, đúng như thế. (*)
Lý thuyết bị chỉ trích
Ta bèn nói với họ như vầy: Các Tôn giả như thế thì do túc nghiệp, sự tạo hoá của đấng Tự tại, không nhân duyên (*), mà có những kẻ giết hại sanh linh, lấy của không cho, sống không phạm hạnh (6), nói dối trá, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói phù phiếm, tham lam, tàn bạo, tà kiến (7). Nhưng các Tỳ kheo, ai dựa vào túc nghiệp, sự tạo hoá của đấng Tự tại, không nhân duyên (*), như là lý lẽ vững chắc sẽ không có ước muốn, siêng năng, đây là điều nên làm, đây là điều không nên làm. Như thế thì điều nên làm, điều không nên làm không thể hiện hữu một cách chắc chắn vững vàng được (8), danh từ Samôn không thể áp dụng một cách đúng đắn để chỉ cho các vị, bởi vì (các vị) sống trong vọng niệm và không phòng hộ.
Các Tỳ kheo, đây là ba (*) sự chỉ trích đúng đắn của ta đối với các Samôn Bà la môn nói và chấp như vậy. Các Tỳ kheo, đây là ba lý thuyết ngoại đạo, bị người trí thẩm vấn, nạn vấn thảo luận, dù thích hợp với truyền thống làm chỗ dựa cho sự không hành động.
Và các Tỳ kheo, đây là đạo lý do ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không ô nhiễm, không đáng chê, không bị các Samôn, Bà la môn có trí quở trách. Và các Tỳ kheo, thế nào là đạo lý do ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không ô nhiễm, không đáng chê, không bị các Samôn Bà la môn có trí quở trách?
Ðạo lý của Phật
Các Tỳ kheo, sáu giới (dhâtu), sáu Xúc-xứ (phassâyatana), mười tám ý-cận-hành (manopavicârâ), bốn chân lý cao thượng (ariyasacca) (*), là đạo lý do ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không ô nhiễm, không đáng chê, không bị các Samôn Bà la môn có trí quở trách.
Giới, Xúc-xứ, Ý-cận- hành
Ðây làsáu giới (*): điạ giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thúc giới (10);
Ðây làsáu Xúc-xứ (*): Xúc-xứ nơi mắt, Xúc-xứ nơi tai, Xúc-xứ nơi mũi, Xúc-xứ nơi lưỡi, Xúc-xứ nơi thân, Xúc-xứ nơi ý (11) (*);
Ðây là mười tám Ý-cận-hành (12) (*): Mắt khi thấy sắc, hướng đến sắc làm chỗ nương cho hỷ, ưu, xả; tai khi nghe tiếng, hướng đến tiếng làm chỗ nương cho hỷ, ưu, xả; mũi khi ngửi mùi, hướng đến mùi, làm chỗ nương cho hỷ, ưu, xả; lưỡi khi nếm vị, hướng đến vị, làm chỗ nương cho hỷ, ưu, xả; thân khi xúc vật, hướng đến vật, làm chỗ nương cho hỷ, ưu, xả; ý khi biết pháp (13) hướng đến pháp, làm chỗ nương cho hỷ, ưu, xả (*).
Bốn chân lý
Ðây là bốn chân lý cao thượng (*). Do chấp thủ sáu giới, các Tỳ kheo, nên có nhập thai, do nhập thai nên có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ. Ðối với người có cảm thọ (14), các Tỳ kheo, Ta nói rõ: đây là khổ, đây là nhơn khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường diệt khổ.
Khổ
Các Tỳ kheo, thế nào là chân lý cao thượng về khổ?
Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ ưu não là khổ, oán thù tụ hội là khổ, thương yêu biệt ly là khổ, cầu không được là khổ; Tóm lại năm thủ uẩn là khổ (15). Các Tỳ kheo, ấy là chân lý cao thượng về khổ.
Nhơn khổ
Các Tỳ kheo, thế nào là chân lý cao thượng về nhơn khổ?
Duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có lão, tử, sầu bi khổ ưu não. Như thế là nhơn của toàn bộ khổ uẩn. Các Tỳ kheo, ấy là chân lý cao thượng về nhơn khổ.
Khổ diệt
Các Tỳ kheo, thế nào là chân lý cao thượng về khổ diệt?
Do vô minh diệt không dư tàn nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, sáu xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên lão, tử, sầu bi khổ não đều diệt. Như thế làsự tiêu diệt toàn bộ khổ uẩn. Các Tỳ kheo, ấy là chân lý cao thượng về khổ diệt.
Con đường diệt khổ
Các Tỳ kheo, thế nào là chân lý cao thượng về con đường diệt khổ?
Ðây là con đường tám nẻo cao thượng, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Các Tỳ kheo, ấy là con đường diệt khổ.
Kết luận
Các Tỳ kheo, sáu giới, sáu Xúc-xứ, mười tám ý-cận-hành, bốn chân lý cao thượng (*) là đạo lý do ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không ô nhiễm, không đáng chê, không bị các Samôn Bà la môn có trí quở trách. Ðiều đã được nói như thế là do nhân duyên như thế.
III - Chú thích sơ lược
(1) Lúc Phật ở đời có rất nhiều ngoại đạo. Tính ra có đến 62 phái. Song ba lý thuyết được Phật trình bầy trong bản kinh này có thể tóm tắt được tất cả lý thuyết của ngoại đạo. Danh từ ngoại đạo không những chỉ các đạo giáo không phải đạo Phật mà còn chỉ các đạo giáo không như thật và không lợi ích.
(2) Sự không hành động được dịch từ chữ akiriya; dịch giả không dịch làvô vi, vì chữ vô vi trái nghĩa với chữ hữu vi (asãnkhata <> sankhata) trong Phật lý không có nghĩa là thụ động.
(3) Túc nghiệp (Pubba-Kata-Hetu) chỉ cho hành động đã làm trong đời trước; Túc nghiệp luận là lý thuyết của ngoại đạo mang tính chất định mệnh, trong khi đó đạo lý nghiệp báo (Karma-vipâka) chủ trương rằng hành động quá khứ, kể cả những hành động trong phút trước, chỉ có ảnh hưởng mà không là yếu tố quyết định khổ vui; vì nếu có ý chí và đủ điều kiện người ta có thể đổi khổ thành vui, nghĩa là chuyển nghiệp. Ðạo lý nghiệp báo phải được đặt trong toàn bộ Phật lý mà trọng tâm là đạo lý Duyên-Khởi. Hiểu đạo lý nghiệp báo một cách máy móc và một chiều tức là biến đạo lý giải thoát của Phật thành lý thuyết định mệnh của ngoại đạo.
(4) Sự sáng tạo của đấng Tự tại (issaranimâna) là sự tín ngưỡng về quyền năng của Thần linh. Tín ngưỡng này rất phổ thông. Hầu hết các Nhất thần giáo đều chủ trương rằng tất cả sự vật trong thế gian đều là sản phẩm bị tạo hoá bởi một đấng toàn trí toàn năng. Ðạo Phật không hề chủ trương có một đấng tạo hoá; Do đó xem Phật như trời là điều sai lầm rất lớn.
(5) Không nhân duyên (ahetu-apaccaya) tức là quan điểm cho rằng sự vật có ra một cách ngẫu nhiên mà không do điều kiện nào hết. Lý thuyết này làm cho con người có thái độ chấp nhận số phận, phó mặc cho rủi may, trái ngược hoàn toàn với đạo lý duyên khởi của Phật.
(6) Sống không phạm hạnh: chạy theo dục lạc, không thanh tịnh.
(7) Tức là mười điều bất thiện thể hiện qua hành động, lời nói và tâm ý.
(8) Khi đã chấp nhận ba lý thuyết ngoại đạo, người ta mất cả ý chí và không còn siêng năng để tráng điều ác làm điều lành, nghĩa là không có ý muốn tu dưỡng đạo đức, giác ngộ giải thoát cho mình cho người.
(9) Chức năng của tu sĩ (Samôn) là tu dưỡng, sống trong sự tỉnh giác của tâm ý, giữ gìn và phát triển khả năng trí tuệ. Nhưng nếu tất cả đều do túc nghiệp, sự tạo hoá của đấng Tự tại và không nhân duyên thì chức năng của tu sĩ không thể hiện hữu hay trở thành vô dụng.
(10) Sáu giới (dhâtu) Chúng sanh hay con người là tên gọi chỉ cho sự tổng hợp của sáu yếu tố. Sáu yếu tố này có thể được tóm thâu trong hai phần:
- Vật lý (rùpa): điạ giới, thủy giới, hoả giới, phong giới, không giới và
- Tâm lý (nàma): thức giớiNơi con người thì có đủ vật lý và tâm lý. Còn ngoài sự vật thì chỉ có vật lý.
(11) Sáu xúc xứ (phassâyatana) Xúc xứ là ấn tượng tình cảm hay lý trí, một trong những nhân tố tâm lý liên hệ mật thiết với tất cả nhận thức của sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khi đối diện với sáu đối tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; và cũng là cơ sở cho những tình cảm khổ, vui và trung tính.
(12) Ý cận hành (Manopavicara) những hành trang gắn liền với tâm ý; Có 18 loại: 6 loại thuộc về hỷ, 6 loại thuộc về ưu, 6 loại thuộc về xả, không hỷ không ưu.
(13) Pháp (dharma) những đối tượng bên trong của tâm ý.
(14) Cảm thọ ở đây có nghĩa là hay biết chứ không riêng gì cảm giác, cảm tình.
(15) So với bản kinh Chuyển pháp luân thì có lẽ văn bản Pâli thiếu các câu "oán thù tụ hội là khổ, thương yêu biệt ly là khổ" dịch giả thêm hai câu này.
(*) Những dấu này chỉ cho sự rút gọn để khỏi có sự lặp đi lặp lại trong bản dịch.
Thích Thiện Châu
Chân thành cám ơn Ðh Ðoàn Viết Hiệp đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính
Source: Người Cư Sĩ, France, http://www.multimania.com/cusi/