BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Giác Ngộ

Thích Thiện Châu


I - Giới thiệu

Bài Kinh này rút từ Tương Ưng bộ (Samyutta Nikâya, tập V, 83. Pali Text Society). TT Minh Châu đã dịch trọn bộ 5quyển, Tu thư Phật Học xuất bản năm 1982.

Nội dung kinh nói về 7 giác chi, những yếu tố dẫn đến giác ngộ. Ðức Phật ví dụ bảy giác chi này giống như những cây kèo, tất cả đều qui tụ về nóc nhọn của mái nhà. Trong nhiều bộ kinh khác cũng nhắc đến bản kinh này. Kinh này được xem trọng vì tính chất dẫn đến giác ngộ, niết bàn. Các phật tử thuộc hệ nguyên thủy thường tụng đọc kinh này để tu dưỡng và cầu an lành, tránh những điều bất hạnh. Ý cầu an lành có thể hiểu được nếu xét theo đạo lý: thân và tâm ảnh hưởng lẫn nhau, tâm ý ô nhiễm có thể gây ra nhiều tai hại cho thân thể và làm chết người. Tâm ý thanh tịnh có thể chữa trị được bịnh nạn nơi thân thể. Một người ôm ấp những điều buồn giận quá đỗi và lâu ngày có thể bị đau tim, đau ruột, mặt mày nổi nhiều ung nhọt. Trái lại, một người tâm ý lúc nào cũng bình tĩnh (định), vui vẻ (hỷ), và nhẹ nhàng giải thoát (khinh an) thì thân thể thường khoẻ mạnh, vui tươi. Dầu đau ốm, một bịnh nhân có tinh thần bình tĩnh, lạc quan thì có hy vọng mau lành bịnh hơn một người bịnh mà tâm ý luôn bi quan, hoảng hốt.

Do đó, người tu hành không những nên đọc tụng các bản kinh có nội dung hướng về giác ngộ giải thoát mà còn phải áp dụng ý kinh trong cuộc sống hằng ngày thì mới thu hoạch được nhiều kết quả trong sự nghiệp tu dưỡng.

II - Chánh kinh

Tỳ kheo đi đến nơi Thế tôn, sau khi đến, ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên rồi, Tỳ kheo ấy bạch Thế tôn: Giác chi, giác chi, bạch Thế tôn, được gọi như vậy. Như thế nào bạch Thế tôn gọi là giác chi ?

- Này Tỳ kheo, đưa đến giác ngộ nên gọi là giác chi [1].

Ở đây, Tỳ kheo tu tập niệm giác chi [2], trạch pháp giác chi [3], tinh tấn giác chi [4], hỷ giác chi [5], khinh an giác chi [6], định giác chi [7], xả giác chi [8], liên hệ viễn ly, liên hệ ly tham, liên hệ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ [9].

Ðưa đến giác ngộ, này Tỳ kheo nên gọi Giác chi.

III - Chú thích sơ lược

[1]. Giác chi (bojjanga): định nghĩa của Phật thật rõ ràng: yếu tố giúp người tu hành giác ngộ. Bảy giác chi là những yếu tố tiềm ẩn nơi mỗi người. Nếu được phát triển chúng sẽ là phương tiện giúp chúng ta đạt được ba minh (tevijja):

1- Túc mạng minh (nhớ các kiếp trước)
2- Thiên nhãn minh (thấy rõ và xa)
3- Lậu tận minh (phiền não tiêu sạch) Mục đích của đạo Phật là giác ngộ. Có giác ngộ thì mới giải thoát. Với mục đích này, đạo Phật vốn là một đạo lý giác ngộ chứ không phải là tôn giáo thần quyền chú trọng cầu xin cứu rỗi.

[2]. Niệm (sati): Chú ý, quán niệm, trạng thái thức tỉnh thường xuyên và hoàn toàn đối với bản thân và sự vật. Nhờ có niệm giác chi mà hành động, ngôn ngữ và tâm ý được kiểm soát. Thiếu niệm giác chi thì không thể có sự hiểu biết và trí tuệ

[3]. Trạch pháp (dhammavicaya): sự hoài nghi có chừng mức, phân tích khách quan, lựa chọn đúng đắn và hiểu biết tường tận. Trạch pháp giác chi là một loài đá thử vàng giúp ta thấy được chơn lý dưới ánh sáng của đạo lý Duyên sanh, Vô ngã, Vô thường.

[4]. Tinh tấn (viriya): Tiến bộ, chuyên cần, không mệt mỏi, nhiệt tâm, dũng cảm trên đường đạo.

[5]. Hỷ (pti): hoan hỷ và không hề buồn nản trong sự thực hiện lý tưởng.

[6]. Khinh an (passaddhi): sự nhẹ nhàng an tịnh cuả thân tâm như nước hồ thu trong lặng phản chiếu trăng rằm.

[7]. Ðịnh (samâdhi): sự ổn định, vững chắc của tâm ý như cây nến ở vào nơi không gió, không chao động, vững vàng. Ðịnh giúp ta diệt trừ phiền não, thanh tịnh hoá tâm ý và phát triển trí tuệ.

[8]. Xả (Upekkhâ): Quân bình, tự tại, không thiên chấp; có thể ví như trạng thái của một chiếc thuyền tiến tới một cách không nghiêng ngả, lao chao trên giòng sông.

[9]. Bảy giác chi này làm cho người tu hành xa lìa điều xấu ác (viễn ly), từ bỏ tham muốn dục lạc (ly tham), đoạn diệt phiền não, nguyên nhân đau khổ, và hướng đến sự từ bỏ những gì không chơn thật và không an lạc.

Thích Thiện Châu


Chân thành cám ơn Ðh Ðoàn Viết Hiệp đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính


Source: Người Cư Sĩ, France, http://www.multimania.com/cusi/


[Trở về trang Thư Mục]