BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Khi một vị Tỷ-kheo nghe và ngộ lý Tứ đế thì vị ấy chứng được cái gì? Họ được "vĩnh ly trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, dĩ kiến đạo tích".
Dĩ kiến đạo tích tức là thấy được dấu đạo, như thấy được cái dấu của con trâu, từ cái dấu ấy mà lần tìm thì sẽ thấy con trâu. Ở đây, ngộ lý Tứ đế cũng như mới tìm thấy dấu chân trâu, chứ chưa phải là trâu thật. Nhưng nhờ thấy đúng cái dấu chân đó thì nó mới hướng dẫn chúng ta tìm ra con trâu thật. Nếu không nhờ dấu chân của nó, thì dù có đi loanh quanh hoài chúng ta cũng không biết trâu đi hướng nào.
Ðắc kiến đạo tích cũng y như vậy. Ðó mới chỉ là chứng quả Tu-đà-hoàn mà thôi.
Trong bài kinh Năm Vị (*) này, chúng ta thấy Phật gọi: "Này các Tỷ-kheo!". Vậy các Tỷ-kheo ấy là ai? Ðó chính là năm anh em Kiều-trần-như. Khi nghe Ngài nói lý Tứ đế rồi thì cả năm vị đều đắc kiến Ðạo tích. Khi đắc kiến Ðạo tích rồi cả năm đồng xin: "Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài cho năm anh em chúng con xuất gia". [ Ở đây cần chú ý, khi đắc kiến Ðạo tích chưa phải trở thành một vị Tỷ-kheo ] Bấy giờ Phật nói: "Ðược". Ngài gọi: "Thiện lai Tỷ-kheo, tu phát tự lạc, Ca-sa trước thân, tức thành Sa-môn". Câu này là một câu nếp.
Ngày xưa, khi một đệ tử tới xin xuất gia với đức Phật, Ngài không có mở Ðại giới đàn, làm phép Yết-ma, thỉnh tam sư thất chứng như bây giờ truyền thọ Tỷ-kheo giới. Ðối với Phật lúc ấy chưa có Tỷ-kheo tăng để làm yết-ma, thứ đến chính ngay đức Phật, ngài là Pháp chủ, Ngài là Giáo chủ, cho nên Ngài cho phép ai xuất gia thì người đó trở thành một Tỷ-kheo, trở thành người xuất gia. Sau này các hàng đệ tử Phật không được phép làm như vậy. Nếu các hàng đệ tử Phật ai cũng nói "Thiện lai Tỷ-kheo", bắt chước như Phật thì lộn xộn vô cùng! Khi năm vị Tỷ-kheo này nghe pháp Tứ đế thì đắc Pháp nhãn tịnh (được con mắt Pháp thanh tịnh), liền xin Phật xuất gia làm Sa-môn và Ngài dạy: "Thiện lai Tỳ kheo! Tu phát tự lạc, Ca-sa trước thân, tức thành Sa-môn". Nghĩa là: "Lành thay Tỷ-kheo! Khi ấy râu tóc tự rụng, Ca-sa mặc vào thân, tức thành Sa-môn".
Thời đức Phật lúc đầu, ai tới xin tu với Ngài thì Ngài chỉ nói "Thiện lai Tỷ-kheo" là đầy đủ giới pháp, trở thành Tỷ-kheo. Bây giờ chúng ta không thể bắt chước và cũng không ai có quyền bắt chước Ngài mà gọi "Thiện lai Tỷ-kheo" được, tất cả phải qua Yết-ma truyền giới, đủ tam sư thất chứng mới thành một Tỷ-kheo. Cho nên Tỷ-kheo sau này là Yết-ma Tỷ-kheo chứ không phải là Thiện lai Tỷ-kheo được.
"Thiện lai Tỷ-kheo" chữ Pàli viết: "Ehi Bhikkhu". Ehi là thiện lai, Bhikkhu là Tỷ-kheo, chữ Sanskrit là Bhishu.
Vậy Bhikkhu có nghĩa gì? Trong Luật, Sa-di dịch là Tức từ, còn Tỷ-kheo có ba nghĩa: 1. Khất sĩ, 2. Bố Ma, 3. Phá ác.
1. Khất sĩ: Là người mang bình bát đi xin ăn. Thời đức Phật là thời Ngài với bình bát đi khất thực để nuôi sống thân mạng. Cho nên người nào đến với Ngài để xin xuất gia, khi được Ngài chấp thuận, Ngài liền hỏi họ đã có bình bát chưa, nếu chưa thì về sắm cho đủ đã. Chính đức Phật, Ngài cũng phải dùng bình bát để khất thực, vì vậy mà đời sống của Ngài và các đệ tử rất an lạc. Ở Ấn Ðộ ngày xưa, hạng người khất sĩ được dân chúng trọng vọng, đó là một hạng người cao quý. Khất sĩ là ý nghĩa như vậy.
2. Bố Ma: Là Ma thấy sợ lắm. Ma thấy một người đi tu theo Phật nó nghĩ rằng quân của nó sẽ bị hao mòn, sẽ bị giảm thiển nên đâm ra lo sợ, gọi là làm ma sợ.
3. Phá ác: Là phá giặc phiền não.
Chữ Tỷ-kheo nguyên là dịch âm chữ Bhikkhu mà thôi. Người Trung Hoa còn dịch âm ra chữ Hán là Bí-sô, Sa-môn, Tỷ-kheo. Bí-sô theo sách Phiên Dịch Danh Nghĩa ghi Bí-sô là một thứ cỏ thơm trên núi Tuyết. Loại cỏ này có năm đặc tính :
- Thể tánh nhu nhuyến.
- Dẫn mạn bàng bố.
- Hinh hương viễn văn.
- Năng liệu đông thống.
- Bất bội nhật quang.Ðó là năm đặc tính của chữ Bí-sô. Phật giáo lấy ý này để chỉ cho một vị Tỷ-kheo cũng có đủ các đức tính ấy. Bây giờ chúng ta tìm hiểu năm đặc tính trên là gì?
- Thể tánh nhu nhuyến: Vì nó ví dụ cho thể tánh của vị Tỷ-kheo đã có một sự tu tập chín chắn rồi thì thân, khẩu, ý, tất cả đều nhu nhuyến, mềm mại, dịu dàng, không thô tháo, không hung bạo, không dữ dằn.
- Dẫn mạn bàng bố: Mạn là cây cỏ mọc tràn ra, mọc dài ra, bò lan ra. Chữ bàng là tràn lan ra. Ở đây ví dụ cho vị Tỷ-kheo với một chiếc y, một bình bát, đi khắp thế gian để mà truyền bá chánh pháp, lợi lạc quần sinh.
- Hinh hương viễn văn: Vì mùi thơm của nó bay xa lắm. Ở đây ví dụ cho giới đức của vị Tỷ-kheo. Giới đức này ai nghe cũng thích, ai tiếp xúc cũng ưa.
- Năng liệu đông thống: Ðó là vị thuốc chữa được sự đau nhức. Ở đây ví dụ cho vị Tỷ-kheo có khả năng chữa được phiền não đau nhức cho chúng sinh.
- Bất bội nhật quang: Là không ngược với ánh sáng mặt trời (mặt trời hướng về ngả nào thì nó hướng theo ngả đó). Ở đây ví dụ cho vị Tỷ-kheo không đi ngược lại với ánh sáng Phật pháp, luôn luôn có Chánh tri kiến, Chánh tư duy, đi đúng với giáo pháp của Phật, không đi ngược lại, không quay lưng lại với Kinh, Luật, Luận của Phật.
Muốn nắm được tinh yếu của giáo lý Phật dạy thì phải học, phải tìm hiểu, Nếu không hiểu gì Phật pháp cả thì khi có người khác họ xuyên tạc, họ nói tôi đọc câu đó từ trong kinh Kim-cang, mình không biết cũng tán đồng theo, thì mình coi như "tức đồng mà thuyết". Thành thử nếu chúng ta không học, thì người khác có thể xuyên tạc, léo lắt, quanh co, đổ cho Phật nói để chê bai, mà mình không cải chánh lại còn tán thành theo câu họ nói, tức là đi ngược lại với ánh sáng Phật pháp.
Ngày trước ở đây, có một người dịch kinh, ông ta nói Cấp-cô-độc là một đại thương gia ở Hoa Kỳ mà cũng có người đi quyên tiền để ấn tống! Câu "Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên", Cấp-cô-độc là một đại thí chủ cúng dường tịnh xá Kỳ Hoàn cho Phật, thế mà có người dịch là một đại thương gia ở Hoa Kỳ (Kỳ thọ). Họ dịch chữ Kỳ là nước Hoa Kỳ! Thế cho nên muốn không đi ngược lại ánh sáng thì phải biết Phật pháp. Nếu không biết Phật pháp thì không biết đâu mà mò, không biết đi ngược hay không đi ngược. Họ đi ngược mình cũng không biết, mà đi xuôi mình cũng chẳng hay. Có học mới biết, còn không học thì làm sao mà biết được!
Tóm lại, muốn không đi ngược với Phật pháp thì phải hiểu Phật pháp, biết cái tinh hoa của Phật pháp để nắm cho vững. Ðạo lý vô ngã, vô thường, nhân quả, luân hồi... phải nắm cho thật vững, nếu không thì sẽ đi ngược lại ánh sáng của Phật.
Cỏ Bí-sô có năm đặc tính như vậy, cho nên dùng cỏ Bí-sô để chỉ cho một vị Tỷ-kheo. Thành thử chữ Tỷ-kheo ở đây là một chữ đặc biệt, chỉ ở trong Phật giáo mới dùng, còn các tôn giáo khác thì không xưng Tỷ-kheo, mà họ chỉ xưng Sa-môn thôi.
Như vậy ở Ấn Ðộ khi nói Tỷ-kheo,Tỷ-kheo-ni là thuần túy chỉ cho người xuất gia ở trong nhà Phật; trái lại, khi nói Sa-môn có ý nói chung cho những người thoát ly gia đình đi xuất gia bất cứ ở trong giáo phái nào, cũng đều gọi là Sa-môn hết. Vì vậy cho nên người xuất gia trong đạo Phật cũng gọi là Sa-môn, ở ngoại đạo cũng gọi là Sa-môn.
Những ai thoát ly gia đình, đi xuất gia đều gọi là Sa-môn. Riêng Bà-la-môn thì chỉ có giai cấp Bà-la-môn mới gọi là Bà-la-môn, còn các giai cấp khác không gọi là Bà-la-môn.
Sau khi năm vị Tỷ-kheo trong nhóm Kiều-trần-như nghe pháp Tứ đế, kiến Ðạo tích rồi, xin Phật đi xuất gia thì Ngài nói: "Thiện lai Tỷ-kheo", tu phát tự lạc, Ca-sa trước thân, tức thành Sa-môn. Ở đây, tôi sẽ giải thích một số từ chuyên môn mà chúng ta đã nhắc ở trên :
- Tu phát tự lạc (râu tóc tự rụng): Tự rụng là thế nào? Ngài nói vậy, nó rụng liền hay sao? Ở đây Ngài cho phép cạo bỏ râu tóc chứ không phải nó tự rụng liền đâu!
- Ca-sa trước thân: Ðó là Ngài cho phép sắm y Ca-sa mà mặc. Thành thử khi nói Thiện lai Tỷ-kheo tức là Phật đã phú Pháp, phú Giới cho rồi. Ðó là phần tinh thần, nhưng còn hình thức thì sao? Tức là phải cạo bỏ râu tóc, phải mặc áo Ca-sa, chứ để áo thế gian coi sao được. Như vậy về mặt tinh thần là Phật đã phu cho Giới pháp bằng cách gọi Thiện lai Tỷ-kheo là đã đầy đủ 250 giới. Về hình thức, râu tóc phải cạo, Ca-sa mặc vào thân, bấy giờ mới trở thành một vị Tỷ-kheo với đầy đủ ý nghĩa của nó.
- Khi đã thành Tỷ-kheo như vậy rồi, Phật mới giảng bài kinh Vô ngã này. Phật gọi:
"Này các Tỷ-kheo, Sắc này là vô ngã. Nếu Sắc là ngã, thời Sắc không thể dẫn đến khổ não và có thể mong rằng Sắc của tôi là như thế này, Sắc của tôi không thể như thế này. Này các Tỷ-kheo, vì Sắc là vô ngã, nên Sắc dẫn đến khổ não và không thể mong rằng Sắc của tôi là như thế này, mong rằng Sắc của tôi không thể như thế này".
Trong đoạn kinh này, đầu tiên Phật nêu Sắc là vô ngã. Xưa nay, ai cũng nói Sắc là ngã, bây giờ Phật nói Sắc là vô ngã, Ngài nói như vậy có ý gì? Trước tiên Ngài nêu lên một tiêu đề để khẳng định: Sắc là vô ngã(Nhân minh gọi là Lập tôn). Nhưng vì sao Sắc là vô ngã? Vì nếu Sắc là ngã thời Sắc không dẫn đến đau khổ và có thể mong rằng Sắc của tôi là thế này, Sắc của tôi không thể như thế này (Nhân).
Vậy Sắc là gì mà dẫn đến đau khổ? Ðây là nói cái thân xác của chúng ta. Thân xác của chúng ta nói Sắc là ngã là vì quan niệm chấp thủ cái mũi này là của tôi, cái tay này là của tôi... Nếu như cái mũi là tôi thật, thì nó không dẫn tới đau khổ. Vì chấp thủ là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi nên có thể mong rằng hắn luôn luôn mướt, trơn, đẹp; mong rằng cái mũi này, cái sắc này như thế này, chứ đừng như thế kia; nghĩa là nó phải đẹp, phải tốt, ai thấy cũng thích chứ đừng méo, đừng xẹo, đừng sứt, đừng có như thế kia; nếu Sắc là ngã thì phải y như vậy. Lý do của Phật đưa ra ở đây là: Sắc là ngã, thì cái mũi này tất nhiên không dẫn đến đau khổ. Vì Sắc không phải là ngã cho nên mới dẫn đến đau khổ. Vì vậy mới không mong rằng Sắc của ta như thế này, Sắc của ta không như thế này. Vì cái mặt này không phải là ngã cho nên cái mặt này mới dẫn đến sự nhăn nheo, đau nhức, khổ não. Chứ cái mặt này là ngã thì tức nhiên cái mặt này ta muốn nó phải trơn, phải láng, phải đẹp, ai thấy cũng ưa, chứ đừng có cái méo mó, thì nó làm theo, phải như vậy mới nói là ngã. Nếu Sắc là ngã thì tạo sao ta muốn nó đừng nhăn mà nó vẫn nhăn? Ta muốn tai đừng điếc, nó vẫn cứ điếc; mũi đừng trịt, nó cứ trịt... như vậy nó cứ dẫn tới đau khổ. Ðiều đó chứng tỏ Sắc là vô ngã nên ta không có một sự tự tại gì đối với Sắc hết. Nó muốn sao thì muốn, ta cũng đành chịu thôi. Như vậy, Sắc là vô ngã. Từ đó kết luận: Mũi này, mắt này, lưỡi này, thân này... tất cả đều là vô ngã. Sắc như vậy, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều vô ngã như vậy.
"Này các Tỷ-kheo, Thọ là Ngã. Nếu Thọ là ngã, thời Thọ không thể dẫn đến khổ não, và có thể mong rằng, Thọ của tôi là như thế này, mong rằng Thọ của tôi không phải như thế này. Vì Thọ là vô ngã, nên Thọ dẫn đến khổ não và không thể mong rằng: Thọ của tôi như thế này, và mong rằng Thọ của Tôi không thể như thế này".
Như vậy Thọ là gì? Là cảm giác vui buồn, không vui không buồn, mừng, lo... Cảm giác đó hằng ngày chúng ta thường gặp. Người ta chấp ngã là chấp cái gì? Là chấp cái sắc thân này làm ta, nếu không có sắc thân này thì có ai chấp cái không không để làm ta đâu, chấp cái hư không, cái trống không làm ta đâu. Mà người ta chấp ngã là chấp sắc thân này làm ngã. Sắc thân là gì? Là tai, mắt, mũi, lưỡi, thân. Chấp tai là ngã, mũi là ngã... tức chấp Sắc là ngã, ngoài ra còn chấp sự cảm giác, cảm xúc như vui buồn, không vui không buồn cho đó là ngã nên mới sinh đau khổ.
"Này các Tỷ-kheo, Tưởng là vô ngã, nếu Tưởng là ngã, thời Tưởng không thể dẫn đến khổ não và có thể mong rằng, Tưởng của tôi như thế này, mong rằng Tưởng của tôi không thể như thế này. Này các Tỷ-kheo, vì Tưởng là vô ngã, nên Tưởng dẫn đến khổ não, và không thể mong rằng, Tưởng của tôi như thế này, mong rằng Tưởng của tôi không phải như thế này".
Chấp Tưởng là gì? Tưởng là tưởng tượng, ý tưởng, nhìn thấy sự vật gì, bây giờ đây đem cái tâm so đo tưởng cái này qua cái khác, kéo quá khứ xuống hiện tại, kéo vị lai lên quá khứ... đó gọi là Tưởng. Nếu người ta chấp ngã, bỏ ngoài cái đò ra, thì chấp cái gì làm ngã? Họ chấp Tưởng làm ngã nên sinh đau khổ.
"Này các Tỷ-kheo, Hành là vô ngã. Nếu Hành là ngã thời Hành không thể dẫn đến khổ não và có thể mong rằng Hành của tôi như thế này, mong rằng Hành của tôi không phải như thế này. Này các Tỷ-kheo, vì Hành là vô ngã, nên Hành dẫn đến khổ não và không thể mong rằng Hành của tôi như tôi như thế này, và không thể mong rằng Hành của tôi không phải như thế này".
Chấp Hành là gì? Chấp Hành là ngã, là chấp ý chí tác động, ý chí hành động.
Nếu không chấp ý chí hành động, thì chấp cái gì làm ngã? Là chấp sự nhận biết hằng ngày của mình tiếp xúc với sự vật: Nhận biết cái nọ, nhận biết cái kia nói nó là ngã. Nếu bỏ cái nhận biết đó ra thì chấp cái gì làm ngã. Cho nên nói chấp ngã không ngoài chấp năm thứ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đó làm ngã. Do đó cho nên Phật nhắm vào nơi chỗ chúng sinh chấp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức đó để phá trừ cái ngã chấp đó đi. Ngài phá bằng cách nêu lên cái Sắc là vô ngã. Vì Sắc là ngã cho nên nó mới dẫn tới đau khổ. Ví dụ Răng rụng, Mũi sứt, Tai điếc sẽ dẫn tới đau khổ. Và người ta không thể mong nó được theo ý muốn của mình; mong nó đừng như thế này, chứ đừng như thế kia, không thể được. Sắc như vậy, thì Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng như vậy.
"Này các Tỷ-kheo, Thức là vô ngã. Nếu Thức là ngã, thời Thức không thể dẫn đến khổ não và có thể mong rằng Thức của tôi như thế này, mong rằng Thức của tôi không phải như thế này. Này các Tỷ-kheo, vì Thức là vô ngã, nên Thức dẫn đến khổ não và không thể mong rằng, Thức của tôi như thế này, mong rằng Thức của tôi không phải như thế này.
- Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, Sắc là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường.
- Cái gì vô thường là khổ hay vui?
- Bạch Thế Tôn, là khổ.
- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?"
- Bạch Thế Tôn, không.
- Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường.
- Cái gì vô thường là khổ hay vui?
- Bạch Thế Tôn, là khổ.
- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?"
- Bạch Thế Tôn, không.
- Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm Sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: "Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi".
- Phàm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì... quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, thắng hay liệt, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: "Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi".
Bây giờ Phật tiến thêm một bước nữa, Ngài hỏi các Tỷ-kheo: "Sắc là thường hay vô thường?". Các Tỷ-kheo nói: "Vô thường". Ngài chứng minh: Ví dụ như vừa nói cái thân này là tôi thì nó biến đi rồi, thành thân khác rồi. Có người nói tóc là của tôi, vừa sờ lên đầu thấy còn mướt, nhưng khi sờ lại thì nó đã khác đi rồi, nó đã có những sợi bạc. Nó bạc trong từng giây, từng phút, từng sát na, trong khi anh vừa nói tóc tôi xanh thì nó bạc rồi. Như vậy có nói ngã được không? Nên nói nó là vô thường. Thọ vô thường, Tưởng vô thường, Hành vô thường, Thức vô thường. Có ai trong khi thọ vui mà muốn cho cái vui ấy tiêu đi không? Chắc không. Nhưng mà nó cứ tiêu mất, cứ trôi qua, không theo ý muốn của người ta. Con người muốn một cách, nó biến đổi một cách, nó không theo ý muốn của con người, vì thế cho nên sinh ra đau khổ. Khổ có ba thứ: Khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Khổ khổ tức là cái khổ của khổ thọ. Hành khổ là cái khổ của bất khổ bất lạc thọ. Hoại khổ là cái khổ của lạc thọ. Ba cái thọ đó không có cái nào là cái vui hoàn toàn mà chính ba cái thọ đó là ba cái khổ. Như vậy Sắc vô thường, Thọ vô thường, Tưởng vô thường, Hành vô thường, Thức vô thường. Vì vô thường cho nên vô ngã.
Kế tiếp Phật lại hỏi: "Vậy cái gì vô thường, cái đó khổ hay vui? Các Tỷ-kheo trả lời: "Cái gì vô thường, cái đó đưa đến đau khổ". Nên nhớ rằng chữ này cắt nghĩa như thế mới đúng. Mặc dầu Phật hỏi cái gì vô thường, cái đó khổ hay vui, thì nên hiểu: Cái gì vô thường, cái đó đưa đến khổ hay vui, vì chính cái vô thường nó không khổ không vui gì hết. Ví dụ cái hoa sáng nở ra, chiều tối rụng đi. Sáng nở chiều tàn, đó là vô thờng. Chính từ bản chất cái hoa nó không khổ không vui gì hết nhưng nó đưa tới cái khổ cái vui cho người ta, vậy nên nói vô thường đưa đến khổ hay vui? Cái vô thường đưa đến khổ.
Phật lại hỏi tiếp: "Vậy cái vô thường đưa đến khổ như vậy nên chăng, có hợp lý chăng khi nói cái này là ta, cái này là của ta, cái này là tự ngã của ta. Cái gì vô thường, đã khổ như vậy có nên chăng, có hợp lý chăng cho rằng cài này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức vô thường, khổ, không tự tại thì có nên chăng, có hợp lý chăng cho cái Sắc này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi".
Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như vậy.
Vì sao Phật nêu tiêu đề Sắc là vô ngã? Vì nó không tự tại, nó muốn đau thì đau, nó muốn lành thì lành, nó muốn béo thì béo, nó muốn gầy thì gầy, ta không có quyền gì đối với nó cả. Vì vậy cho nên nói nó là vô ngã, vô thường, đưa đến đau khổ. Ba lý do Ngài nêu lên là không tự tại, là vô thường, dẫn đến khổ đau, cho nên không phải là ngã. Khi Sắc là vô thường, đưa đến đau khổ, vậy có hợp lý chăng khi nói Sắc này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi? Ngài hỏi có hợp lý chăng có nghĩa là không hợp lý. Nếu ai bám vào cái không hợp lý mà chấp tức gọi là vô minh. Không hợp lý mà chấp là phi lý, phi lý là vô minh. Ba luận đề: "Cái này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi" là một cái chấp vô minh. Cái này là của tôi là có tâm ngã ái, ưa đắm cái đó, nên chấp cái này là của tôi. Khi đã ưa của tôi rồi thì tự kiêu căng, tự cho mình là lớn, là cao, là hơn ở trong cái ngã chấp của mình. Vì ngã mạn nên chấp cái này là tôi, rồi vì cái ngã kiến nên chấp cái này là tự ngã của tôi.
Phật dạy cho chúng ta biết rằng, Sắc nó không tự tại, nó vô thường, nó đưa đến đau khổ, vì thế Sắc là vô ngã. Sắc vô ngã rõ ràng như vậy rồi, bây giờ đây có hợp lý chăng khi chấp Sắc này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Thọ, Tưởng, Hành, Thức có hợp lý chăng... khi chấp cái này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Ðây là một lối dạy hết sức đơn giản mà rất cụ thể, sâu sắc, chỉ đúng cái nguồn gốc đau khổ của chúng sinh. Ngài hỏi thế cốt để cho người đối diện tự trả trả lời lấy. Lẽ tất nhiên người có trí khi nghe như vậy thì biết không hợp lý tí nào khi chấp Sắc... là ngã.
Bây giờ Ngài mới kết luận: "Do vậy này các Tỷ-kheo, phàm Sắc gì quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được quán sát như thật với chánh trí như sau: Cái này không phải là tôi, cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi".
Ở trên Ngài mới nói Sắc theo nghĩa hẹp là Sắc thân, bây giờ Ngài mới nói Sắc theo nghĩa rộng hơn. Là bất cứ cái Sắc gì quá khứ, hiện tại, vị lai, trong ngoài, thô tế, liệt thắng, xa gần cần phải quán sát như thật (Chữ như thật này là đúng như sự thật, sự thật của nó như thế nào, quán sát đúng như nó, chứ đừng quán sát khác đi). Người ta thường thường vì tự ngã, vì tham vọng cho nên quán sát không đúng như sự thật. Ví dụ, có cái hoa mọc nơi bìa rừng. Hai người đi ngang qua, một người nhìn qua bỏ đi, một người lại khen cái hoa đẹp và muốn hái cái hoa này cho mình. Chúng ta thử hỏi, thế thì người ấy có quán đúng như thật không? Chắc không. Nó không quán đúng như thật với chánh trí. Có chánh trí mới quán như thật. Nó như thế nào thì quáng đúng như thế. Nó là vô thường thì phải quán nó là vô thường; nó là vô ngã thì phải quán nó là vô ngã; nó đưa đến đau khổ thì phải quán nó đưa đến đau khổ, chứ đừng quán khác đi. Nhưng thường thường người ta hay quán khác đi, hay quán theo lòng tham muốn chứ không quán theo chánh trí. Ðối với chúng ta, cái gì cũng thường hết, cho nên cái gì cũng ưa giữ chứ không ưa bỏ. Vì quán không đúng như thật, đi ngược lại sự thật nên gây đau khổ. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ cái thân là phải thường thôi, nhưng bất chợt có một bộ phận nào hư hỏng thì đau khổ vô cùng, tại sao? Vì mình đi ngược sự thật như thế, không quán với chánh trí như vậy, nên gây đau khổ. Bây giờ phải quán sát như thật với chánh trí, sự vật như thế nào, phải quán đúng nó như thế ấy, gọi là quán như thật với chánh trí. Như là của tôi, Sắc này không phải là tự ngã của tôi. Ðây là một công án nếu nói theo ngôn ngữ Thiền.
Trên kia, có người chưa hiểu Sắc vô ngã, vô thường là gì, nên mới suy nghĩ bất hợp lý rằng, Sắc này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Bây giờ họ đã hiểu, biết rõ ràng rồi, nên họ quán đúng như thật với chánh trí: Cái này không phải là tôi, cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi. Cho đến Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng quán như vậy.
"Này các Tỷ-kheo, thật vậy, đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham; do ly tham, vị ấy giải thoát; khi giải thoát, biết rằng đã giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên, ta đã được giải thoát. Vị ấy biết rõ: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa".
Khi một người, một Thánh đệ tử đa văn biết rõ lời dạy trên của Phật: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô ngã như vậy, bây giờ họ nhàm chán đối với Sắc, với Thọ, với Tưởng, với Hành, với Thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham, do ly tham, vị ấy giải thoát. Khi giải thoát vị ấy biết mình giải thoát. Trong sự giải thoát đó khởi lên trí biết rằng: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại thân này nữa. Ðó là giải thoát hoàn toàn, chứng được quả A-la-hán. Như vậy muốn chứng quả A-la-hán, phải trải bốn giai đoạn: Văn, Yểm, Ly, Thoát.
- Thế nào là đa văn Thánh đệ tử? Ða văn Thánh đệ tử là người nghe hiểu được lý vô ngã của Phật. Trái lại, không nghe hiểu được lý vô ngã của Phật thì gọi là "vô văn phàm phu". Nghe hiểu được lý Tứ đế của Phật gọi là đa văn Thánh đệ tử, gọi là Văn. Vì văn được cái lý vô ngã của Phật nên mới Yểm.
- Thế nào là Yểm? Yểm là chán nó, nhàm nó, không đắm say nó, gọi là Yểm. Do Yểm cho nên Ly (ly tham, lìa tham), do ly tham nên được giải thoát. Vậy kết quả của sự giải thoát đó như thế nào? Chính là: "Thử sinh dĩ tận, phạm hạnh dĩ tập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu".
Trên con đường giải thoát, chúng ta thấy có bốn giai đoạn Văn, Yểm, Ly, Thoát là vậy. Khi đã không nghe thì cứ khư khư cho rằng Sắc là ngã, Thọ là ngã, Tưởng là ngã, Hành là ngã, Thức là ngã. Hoặc cái này là ta, cái này là của ta, cái này là tự ngã của ta. Do không nghe nên chấp như vậy. Bây giờ đây nghe rõ lý vô ngã của Phật rồi thì hiểu khác đi. Vì hiểu khác đi cho nên mới chán Sắc, chán Thọ, chán Tưởng, chán Hành, chán Thức. Do chán nên ly tham đối với Sắc, ly tham đối với Thọ, ly tham đối với Tưởng, ly tham đối với Hành, ly tham đối với Thức. Do ly tham nên mới được giải thoát. Ðó là một bài kinh mà đức Phật đã dạy, nên khi phân tích, chúng ta thấy nó thấm thía vô cùng.
Ðây là một phép tu tuần tự, có nghe mới chán, có chán mới lìa, có lìa mới giải thoát. Khi đã thoát rồi biết rõ rằng ta đã được giải thoát, biết rõ rằng thử sinh dĩ tận, phạm hạnh dĩ tập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu. Thành thử trong kinh Nikaya, bất cứ lúc nào, khi một vị đã chứng quả A-la-hán cũng đều có câu: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa. Còn câu Viễn ly trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, dĩ kiến đạo tích là câu để nói khi kiến đạo tức đã chứng Tu-đà-hoàn. Bốn câu trên là câu kết. Còn ba câu dưới mới bắt đầu tu Ðạo, mới thấy Ðạo. Bốn câu trên kia là tu đã có kết quả, đã đạt Ðạo. Thử sinh dĩ tận tức sinh thân này đến đây rồi thì thôi (chấm dứt) chứ không còn tiếp tục nữa. Cho nên khi giáng sinh Ngài cũng đã nói: "Ngã thử thai sinh, thử sinh dĩ tận".
- Phạm hạnh dĩ tập là gì? Tức là tu hạnh thanh tịnh, được vững vàng, được lập rồi.
- Sở tác dĩ biện là gì? Việc cần làm đã làm xong, đến đây là vô học rồi. Trái lại địa vị hữu học là chưa chứng quả A-la-hán, từ quả A-na-hàm trở xuống, vị ấy việc cần làm chưa làm xong, phạm hạnh chưa lập, còn làm, còn học nữa, chưa gọi là sở tác dĩ biện được. Ðến A-la-hán thì việc cần làm đã làm xong, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu (không còn thọ thân sau nữa). Bốn câu này nói lên khi chứng được quả A-la-hán, cũng như nói viễn ly trần cấu... dĩ kiến đạo tích để nói đã chứng quả Tu-đà-hoàn mà thôi. Một bên kiến Ðạo, một bên chứng Ðạo, còn tu Ðạo là giai đoạn giữa.
Bốn câu Thử sinh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu là đối chiếu với đạo lý Tứ đế :
- Thử sinh dĩ tận: Là đối với Khổ đế. Tức là cuộc đời khổ đến đây đã tận rồi, đối với khổ đã hết rồi, chấm dứt rồi.
- Phạm hạnh dĩ lập: Là đối với Ðạo đế. Tức là hạnh thanh tịnh tu tập giờ đây đã lập được rồi, đã thành tựu rồi.
- Sở tác dĩ biện: Là đối với Diệt đế. Tức việc làm đã làm xong, hết làm rồi.
- Bất thọ hậu hữu: Là đối với Tập đế. Tức không còn trở lại trạng thái này nữa, không còn trở lại thân sau nữa. Vì Tập đế là nguyên nhân sinh ra khổ, giờ đây Tập đế dứt cho nên không có thọ cái thân sau nữa. Chữ Bất thọ hậu hữu này là dịch: Không còn trở lại trạng thái này nữa mới sát. Còn dịch không còn trở lại thế gian này nữa là chưa sát, vì không phải thoát ly thế gian, trốn thế gian, mà chính ở thế gian này, nhưng không còn ở trong trạng thái thế gian như các chúng sinh khác; cho nên phải dịch không còn trở lại trạng thái này nữa (bất thọ hậu hữu).
Tóm lại, đây là một bài kinh hết sức súc tích. Từ đây về sau, bất cứ lý vô ngã nào cũng bắt đầu từ đây mà diễn dịch ra hết, không có gì khác./.
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
(Trích "Ngũ Uẩn Vô Ngã", Sài Gòn, 1999)(*) Kinh nầy còn có tên là Kinh Vô Ngã Tướng, Tương Ưng Bộ III-66
(Chân thành cám ơn chị Hải Hạnh đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính -- B. Anson, tháng 3-2000)