BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Thủy tịnh hành (Sangârava)

Hòa thượng Thích Thiện Châu


I - Chánh kinh

Lúc bấy giờ , Thế tôn ở tại Sâvatthi, và Bàlamôn Sangârava cũng ở tại Sâvatthi (1) là nhà Thủy tịnh hành (2) tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước.

Rồi tôn giả Ânanda, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Sâvatthi khất thực. Sau khi khất thực ở Sâvatthi, dùng cơm xong, trên đường khất thực trở về, đi đến Thế tôn; Sau khi đến, kính lễ Thế tôn rồi, Ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ânanda bạch Thế tôn: "Bạch Thế tôn, có Bàlamôn Sangârava tại Sâvatthi, là nhà Thủy tịnh hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước. Lành thay, Thế tôn, nếu Thế tôn dủ lòng thương xót đi đến trú xứ của Bàlamôn Sangârava.".

Thế tôn im lặng nhận lời.

Rồi Thế tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của Bàlamôn Sangârava, sau khi đến, ngồi trên chỗ soạn sẵn.

Rồi Bàlamôn Sangârava đi đến Thế tôn; Sau khi đến, chào hỏi Thế tôn; Sau khi chào hỏi thân hữu, ngồi xuống một bên.

Thế tôn nói với Bàlamôn Sangârava đang ngồi một bên: "Có thật chăng, nầy Bàlamôn, người là nhà Thủy tịnh hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước?"

"Ðúng như thế, tôn giả Gotama".

"Nầy Bàlamôn, nhắm đến lợi ích gì mà người là nhà Thủy tịnh hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước?"

"Nơi đây, tôn giả Gotama, tôi ban ngày tạo nghiệp ác (3) thì buổi chiều tắm để gột sạch, ban đêm tạo nghiệp ác, thì buổi sáng tắm để gột sạch. Tôn giả Gotama, vì nhắm đến lợi ích ấy mà tôi là nhà Thủy tịnh hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước."

" Nầy Bàlamôn, chánh pháp (4) là ao hồ, giới (5) là bến nước, không nhớp nhúa, được thiện nhân ca ngợi. Ấy thật là nơi bậc minh trí tắm thân thể sạch sẽ, chứng qua bờ bên kia (6)"

Nghe nói như vậy, Bàlamôn Sangârava bạch Thế tôn: "Thật là vi diệu, Tôn giả Gotama; mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ (7); Từ nay cho đến chết, con xin trọn đời qui y."

II- Chú thích

Câu (1) và đoạn nầy được dịch thoát để khỏi rườm rà và rõ ràng.

Thủy tịnh hành: tu hành theo sự tin tưởng nước có thể trừ sạch các nghiệp ác.

Nghiệp ác: các hành động xấu xa, ác hại đưa đến kết quả đau khổ cho mình, cho người trong hiện tại và tương lai. Theo Phật giáo có 10 nghiệp ác: về thân có 3 (sát sanh, trộm cướp, tà hạnh), về miệng có 4 (nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói thô ác), về ý có 3 (tham lam, tàn bạo, hiểu sai).

Chánh pháp (Dharmma, Dharma): ở đây có ý nghĩa Chân lý hay là Ðạo lý do Phật tổ giảng dạy, tóm tắt trong 4 chân lý vi diệu: khổ, khổ nhân, khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt (đạo). Ðạo lý nầy nói rõ thực tế của cuộc đời (khổ, khổ nhân) và lý tưởng giải thoát (khổ diệt, đạo). Chánh pháp là ao hồ có nghĩa là chánh pháp có khả năng trừ sạch các nghiệp ác, nguyên nhân của đau khổ, cũng như nước ở ao hồ có thể trừ sạch bụi bậm dính nơi người, nguyên nhân của ghẻ hủi.

Giới (sla): Giới là trạng thái tâm ý hay ý chí quyết định không làm hay làm, không nói hay nói, thể hiện qua ngôn ngữ và hành động. Ở đây có nghĩa là thiện giới (kusalasla), nền tảng của tất cả hành trình trong Phật giáo, và là 1 trong 3 điều tu học: giới, định, tuệ. Rõ hơn, giới chỉ cho các giới điều như 5, 8, 10, 227 hoặc 250 giới, v.v... Giới trong nghĩa rộng là giáo pháp của Phật mà bài kệ sau đây có thể tóm tắt:

Bỏ các điều ác,
Làm các điều lành,
Thanh tịnh tâm ý,
Ấy lời Phật dạy.  -- (Pháp cú, 183)

Giới là bến nước có nghĩa từ bến giới người ta có thể ra tới ao hồ Chánh pháp để rồi gột sạch tất cả bụi trần phiền não.

Bờ bên kia: giác ngộ giải thoát hoàn toàn, tức là Niết bàn không còn sống chết luân hồi đau khổ.

Cư sĩ: Những người vẫn sống với gia đình, xã hội, song lấy chánh pháp làm kim chỉ nam cho cuộc sống tâm linh. Nói cách khác, cư sĩ là người qui y ba ngôi báu và sống theo năm giới.

III- Luận giải

Bản kinh nầy rút ra từ "Tương ưng bộ" (Samyuttanikâya) tập I, trang 182-183 (Pâli Text Society).

Nội dung kinh là Phật giáo hoá cho Bàlamôn Sangârava, nhà Thủy tịnh hành. Trong thời Phật có những người tin rằng nước có quyền năng thần lực có thể trừ sạch tội lỗi; Do đó, họ thường tắm rửa với mục đích là được thanh tịnh. Ngày nay, ở Ấn Ðộ cũng còn rất nhiều người tin tưởng và tu hành như thế. Rất nhiều người Ấn Ðộ tin rằng sông Hằng (Gange), nhất là ở khúc sông chảy qua Bénarès (Vanarasi) là thiêng liêng. Người sống tắm rửa ở sông Hằng thì hết tội được phước. Người chết mà xương tro hay thể xác, nếu được bỏ xuống sông Hằng thì linh hồn được lên thiên giới. Không riêng gì ở Ấn Ðộ, ở Âu Mỹ cũng có một vài giáo phái, có lẽ vì ảnh hưởng của Ấn Ðộ giáo, vẫn giữ phép rửa tội bằng nước, người chịu phép rửa tội phải ngụp lặn xuống nước. Ở Nhật bản cũng có nhiều người theo Thủy tịnh hành, người ta thường ngâm tắm ở các suối nước, ngay cả trong mùa đông, như một hành động tu dưỡng và cầu nguyện.

Phật tổ không hề bác bỏ quan niệm thanh tịnh hoá thân tâm của Bàlamôn Sangârava mà chỉ khuyên ông ta thay đổi phương pháp tu hành: thay vì rửa tội bằng nước thì nên thanh tịnh hoá thân tâm bằng cách sống đạo và giữ gìn giới luật, bỏ ác làm lành, giữ gìn tâm ý cho trong sạch.

Lý lẽ thật là rõ ràng và giản dị. Nghiệp ác không gì khác hơn là những hành động, lời nói, ý nghĩa xấu hại cho mình, cho người trong hiện tại cũng như tương lai. Do đó muốn trừ sạch nghiệp ác, không thể làm cách nào khác hơn là dừng lại nghiệp ác và tạo ra nghiệp lành và lần lần không còn tạo ra nghiệp nữa. Quan trọng và xâu sa hơn là gạn lọc tâm ý bằng thiền quán không để cho tâm ý nhơ bẩn bởi tham sân si mà làm cho tâm ý sáng đẹp với từ bi trí tuệ. Nói cách khác giữ gìn giới luật và sống theo Chánh pháp là phương pháp có hiệu quả nhất trong sự nghiệp tu hành tức là thanh tịnh hoá thân tâm. Phương pháp nầy được các bậc minh trí làm theo và kết quả là vượt khỏi dòng sống chết khổ đau và đạt đến bờ bên kia giác ngộ, giải thoát, an vui tự tại.

Có lẽ ngày nay trong giới Phật giáo không có những nhà Thủy tịnh hành, song không phải không có những người tin tưởng hời hợt một cách tương tợ. Có nhiều người hiểu lầm tu dưỡng là kiêng cử: người ta ăn chay, giữ giới để không phạm vào những điều Phật cấm mà không biết rằng ăn chay chỉ là vì từ bi, giữ giới là vì thanh tịnh. Có nhiều người hiểu sai tu hành là cúng lễ: người ta quá bận rộn với nghi thức lễ bái mà không biết đó chỉ là hình thức diễn tả lòng cung kính mà chưa phải là tu hành. Ðó là chưa kể đến những người mê tín dị đoan và những người "tà mạng" sống nhờ vào mê tín dị đoan. Trong số người theo chơn Phật, có không ít những người chấp chước hình thức bên ngoài mà không đi sâu vào đời sống tâm linh hoặc chỉ dừng lại ở nấc thang "tín ngưỡng" mà không bước lên nấc thang tu dưỡng. Tin đạo là tốt song chưa đủ. Tu đạo, chứng đạo mới là thiết yếu cho những người muốn giác ngộ, giải thoát như Phật.

Thích Thiện Châu dịch từ Pâli


Source: Người Cư Sĩ, France, http://www.multimania.com/cusi/


[Trở về trang Thư Mục]