BuddhaSasana
Home Page
This document is
written in Vietnamese, with Unicode Times font
Giới thiệu
Bài kinh này rút từ kinh "Phật thuyết như vậy" (Itivuttaka), 1 trong 15 quyển thuộc Tiểu Bộ (Khuđaka Nikâya), Pâli Text Society, trang 52; HT Minh Châu đã dịch, Tu Thư Phật học, Vạn Hạnh ấn hành năm 1982. Nội dung nói về ba loại mắt: Nhục nhãn, Thiên nhãn và Tuệ nhãn.
Nhục nhãn là mắt thường không bệnh tật của người đời, thấy được màu sắc và hình tướng, như chúng ta thường thấy. Không có gì cần phải nói về loại mắt này. Phật chỉ nêu ra như một sự thật trong đời.
Thiên nhãn (dibba-cakku) là loại mắt thanh tịnh thấy xa, nhất là thấy được chúng sanh qua lại, lên xuống trong vòng sống chết chết sống:chúng sanh tạo nghiệp nhân xấu ác thì phải chịu lấy quả báo đau khổ trong các cảnh giới thấp kém, chúng sanh nào tạo nghiệp nhân tốt lành thì được hưởng quả báo an vui. Như vậy có thiên nhãn tức là có trí thức, biết được đâu là con đường đi lên, con đường giải thoát:
"Thiên nhãn thấy được đạo
từ đó trí thức sanh ".Song Thiên nhãn mới chỉ kiến đạo mà chưa đạt đạo.
Tuệ nhãn (pãnnã-cakku) là loại mắt vừa thấy đạo vừa đạt đạo. Trí tuệ không chỉ là trí thức. Mà trí thức thì gồm trong trí tuệ.
Tuệ nhãn thấy rõ ba pháp ấn: Khổ (dukka), Vô thường (anicca) và Vô ngã (anatta) thể hiện trong cuộc đời, và sống theo tám chánh đạo (Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định); do đó thực hiện được giải thoát qua bốn quả vị niết bàn:Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn và Giải thoát (Alahan) như kinh nói:
"Tuệ nhãn là hơn hết
Ai chứng được mắt ấy
Giải thoát mọi khổ đau"Tuệ nhãn là mắt của Phật mà mỗi người có thể phát triển bằng cách nghe học, suy tư và thực nghiệm theo kinh nghiệm giác ngộ của Phật.
Chánh kinh
Ðiều này do Thế Tôn nói, bậc A la hán nói và tôi được nghe:
-- Này các Tỳ kheo, có ba loại mắt. Những gì là ba? Ba loại mắt là nhục nhãn, thiên nhãn và tuệ nhãn.
Thế Tôn đã nói về ý nghĩa này. Ðây là điều được nói:
Nhục nhãn và thiên nhãn
Tuệ nhãn là hơn hết
Ba loại con mắt này
Vô thượng nhân nói ra.
Nhục nhãn (thường) sanh khởi
Thiên nhãn thấy được đạo.
Từ đó trí thức sanh.
Tuệ nhãn là hơn hết
Ai chứng được mắt ấy
Giải thoát mọi khổ đau.Ý nghĩa này do Thế Tôn nói và tôi được nghe.
Source: Người Cư Sĩ, France, http://www.multimania.com/cusi/