BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Hôm nay chúng tôi giảng về bài Ðại Từ Bi Kinh. Bài kinh thì dài nhưng rất tiếc theo thì giờ sắp xếp chúng ta chỉ có 40 phút. Tuy vậy, chúng tôi sẽ cố gắng để quý vị có một ít ý niệm về bài Từ Bi Kinh.
*
Ðầu tiên, tôi xin nói sơ một chút về lịch sử của bài kinh này. Bài Kinh được trích từ bộ Sutta Nipata (Kinh Tập), trong Tiểu Bộ Kinh của Kinh Tạng Pali. Ở trong Chú giải có đề cập đến nguồn gốc của bài Từ Bi Kinh. Ở trong Chánh tạng thì để nguyên bản là bài Kinh mà chúng ta đang tụng đọc. Ở trong Chú giải ghi rằng, vào thời Ðức Phật có nhiều vị Tỳ Kheo vào rừng để tu tập cũng như chúng ta hôm nay tìm lên rừng núi để tu tập vậy. Khi vào sống trong rừng thì trú xứ của chư vị là các cội cây. Nhưng vì giới đức trong sạch của các vị lúc phát triển thiền định đã làm nóng nảy các vị chư thiên bậc thấp ở chung quanh. Họ cảm thấy bất an nên nghĩ cách khiến các vị Tỳ Kheo rời bỏ khu rừng, trả lại trú xứ cho họ. Những loại phi nhân này biến hiện thành những quái vật làm kinh sợ các vị Tỳ Kheo. Chư vị Tỳ Kheo hành thiền định trở về gặp Ðức Phật để trình bày những khó khăn gặp phải trong rừng vắng và Ðức Phật vì lòng từ mẫn đã truyền dạy bài kinh với nhiều mục đích.
Mục đích thứ nhất đây là bài kinh để các vị Tỳ Kheo hành thiền trong rừng trì tụng. Việc trì tụng này sẽ đem lại sự an lành, mát mẻ đối với những loài chúng sanh ở chung quanh, hữu hình hay vô hình, nghĩa là có mặt lẫn khuất mặt.
Ðiểm thứ hai, bản kinh chứa đựng nghĩa lý cũng như phương thức tu học về lòng Từ bi. Ðiều này sẽ giúp cho các vị Tỳ Kheo tăng tiến trong đời sống tu tập, đặc biệt phương pháp tu tập về lòng Từ. Ngoài ra, ở các khóa gia Phật giáo, đây là một bài kinh quan trọng vì giá trị lịch sử của nó: Bài kinh đã được Ðức Phật thuyết như một thứ kinh hộ mạng cho các vị Tỳ Kheo hành thiền ở những nơi hoang vắng nguy hiểm. Bài kinh được trì tụng như một trong những bài kinh quan trọng thuộc về kinh Paritta tức là Kinh Cầu An, kinh an lành hay là kinh hộ trì . Những bài kinh này mang lại năng lực an lành cho các vị Tỳ Kheo, những nam cư sĩ, nữ cư sĩ và bài kinh này trở nên rất phổ thông, cơ hồ như trong những dịp tụng kinh an lành đều có tụng bài kinh này. Thực sự Thầy của chúng tôi cũng có đề cập rằng bài kinh này không chỉ tụng để cho người sống được an lành mà người chết cũng hưởng được lợi lạc. Kinh này cũng có thể gọi là kinh âm siêu dương thới. Trong những khóa lễ cầu siêu, chư Tăng cũng có tụng một đoạn trong Từ Bi Kinh này. Vì niềm tin đó, vì ý nghĩa đó nên bài kinh được phổ biến rất rộng. Hiện nay trong các khóa lễ đại chúng, đặc biệt là khóa lễ Cầu an đều có trì tụng bài kinh này. Như vậy một cách tổng quát, quý vị đã có thể biết sơ lược về bài kinh.
Hôm nay chúng ta cùng lắng tâm để tìm hiểu lời kinh. Vì đây là một bài kinh ngắn nên lời kinh rất xúc tích, ý nghĩa rất cô đọng. Mỗi một đoạn, một câu, một chữ của lời kinh đều có giá trị và chúng ta cần suy nghĩ rất kỹ.
*
Trước hết chúng tôi giảng về hai chữ Từ Bi để quý vị thấy rõ ý nghĩa thế nào là Từ, thế nào là Bi. Từ Bi thường được nói chung với nhau. Có người hiểu Từ Bi như là tấm lòng vị tha. Trên thực tế, chữ Từ có nghĩa là một tâm hồn mát mẻ, an hòa. Tâm hồn đó sở dĩ được mát mẻ, an hòa vì nó luôn luôn mong mỏi các chúng sanh khác được hạnh phúc, an lành. Ðối tượng của lòng Từ là tất cả chúng sanh, không phân biệt một ai. Bi là lòng rung động trước sự đau khổ của chúng sanh. Như vậy Bi hay Bi Mẫn lấy chúng sanh đau khổ làm đối tượng. Dù Từ hay Bi, dù đối tượng có khác nhau nhưng Từ Bi thường đi chung với nhau vì đối với tất cả chúng sanh, một hành giả tu tập lòng Từ đều mong mỏi họ được hạnh phúc. Tóm lại, Từ Bi có nghĩa là một tấm lòng nghĩ đến tha nhân, ở trong ý nghĩ đó không có biên giới phân biệt thân sơ, xa gần, thương ghét. Ðó gọi là Từ Bi.
Bài Từ Bi Kinh này chúng tôi sẽ đọc một lần rồi phân đoạn nó ra. Quý vị có thể nhớ từng đoạn một và sau đó chúng ta sẽ trở về tìm hiểu ý nghĩa từng đoạn.
Người hằng mong thanh tịnh,
Nên thể hiện pháp lành,
Có khả năng, chất phác,
Hiền hòa, không kiêu mạn,
Sống dễ dàng, tri túc,
Thanh đạm, không rộn ràng,
Lục căn luôn trong sáng,
Trí tuệ càng hiển minh,
Chuyên cần, không quyến niệm,
Không làm việc ác nhỏ,
Mà bậc trí hiền chê.
Nguyện thái bình an lạc,
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc.Chúng sanh dù yếu mạnh,
Lớn nhỏ hoặc trung bình,
Thấp cao không đồng đẳng
Hết thảy chúng hữu tình,
Lòng từ không phân biệt,
Hữu hình hoặc vô hình,
Ðã sinh hoặc chưa sinh,
Gần xa không kể xiết,
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc.Ðừng lừa đảo lẫn nhau,
Chớ bất mãn điều gì,
Ðừng mong ai đau khổ,
Vì tâm niệm sân si,
Hoặc vì nuôi oán tưởng.Như mẹ giàu tình thương,
Suốt đời lo che chở,
Ðứa con một của mình,
Hãy phát tâm vô lượng,
Ðến tất cả sinh linh,
Từ Bi gieo cùng khắp,
Cả thế gian khổ hải,
Trên dưới và quanh mình,
Không hẹp hòi oan trái,
Không hờn giận căm thù,
Khi đi, đứng, ngồi, nằm,
Bao giờ còn thức tỉnh,
Giữ niệm từ bi này,
Thân tâm thường thanh tịnh,
Phạm hạnh chính là đây.Ai xả ly kiến thủ,
Có giới hạnh nghiêm trì,
Ðạt chánh tri viên mãn,
Không ai nhiễm dục trần,
Thoát ly đường sanh tử.*
1. Ðoạn đầu tiên từ câu: Người hằng mong thanh tịnh, ... đến câu: Tràn đầy muôn hạnh phúc.
Ðoạn này Ðức Thế tôn đề cập đến những đức tính liên quan đến lòng Từ. Người nào vốn đã có sẵn những đức tính này thì việc phát triển lòng từ đối với họ là một điều vô cùng hiển nhiên. Ðây cũng là những đức tính cần thiết để đi song song với lòng từ. Lát nữa chúng tôi sẽ giảng cho quý vị tại sao lại cần có những đức tính này để đưa lòng Từ đến một trình độ hoàn hảo.
2. Ðoạn hai từ câu: Chúng sanh dù yếu mạnh, ... đến câu: Tràn đầy muôn hạnh phúc.
Ðoạn này Ðức Thế Tôn đề cập đến đối tượng của lòng từ. Việc định nghĩa thế nào là một đối tượng, thế nào là những chúng sanh, thế nào là cảnh giới mà lòng từ chan hòa, lát nữa chúng ta sẽ đề cập đến. Chúng ta hiểu tại sao Ðức Phật đề cập đến những đối tượng có hình tướng phân biệt hoặc không phân biệt, dị dạng hay đồng dạng. Ở đây chúng ta chỉ nên hiểu đoạn này Phật đề cập đến đối tượng của lòng từ.
3. Ðoạn 3 từ câu: Ðừng lừa đảo lẫn nhau, ... đến câu: Hoặc vì nuôi oán tưởng.
Ở đây Ngài đề cập đến một số chướng duyên. Bởi vì nếu chướng duyên hay ác pháp tăng trưởng mạnh mẽ trong lòng người nào thì lòng từ sẽ yếu đi hoặc bị tiêu diệt, gây cản trở không cho hành giả tu tập lòng từ.
4. Ðoạn 4 từ câu: Như mẹ giàu tình thương, ... đến câu: Phạm hạnh chính là đây.
Ðọan này đáng lẽ chia làm hai nhưng chúng tôi gom thành một đoạn. Trong đoạn này Ðức Thế Tôn mượn hình ảnh và tâm trạng của một bà mẹ. Bà mẹ đó chỉ có một đứa con duy nhất. Tâm hồn bao la, tình thương bát ngát, ngút ngàn của người mẹ đối với đứa con một của mình như thế nào, thì Ðức Phật mượn trạng thái đó để diễn đạt trạng thái của lòng từ. Ở đây là một thí dụ rất tế nhị mà lát nữa chúng tôi sẽ trình bày cho quý vị thấy tại sao Ðức Thế Tôn lại dùng thí dụ này để diễn đạt trạng thái của tình thương. Ðức Thế Tôn cũng đề cập đến sự khai triển lòng từ trong điều kiện tu tập lòng từ của hành giả. Hãy hướng lòng Từ của mình đến mười phương, tám hướng, đến tất cả khắp nơi. Lòng Từ này phải được duy trì trong những điều kiện tích cực và lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng để gìn giữ nó trong tất cả oai nghi nghĩa là trong mọi thời gian, mọi tác động, mọi tư thế trong đời sống hàng ngày. Ðoạn này đề cập chung đến trạng thái lòng từ và ở trong đó sự phát triển lòng từ sẽ không ngăn ngại đối với tất cả chúng sanh.
5. Ðoạn sau cùng, Ðức Phật nói: Ai xả ly kiến thủ, ... Thoát ly đường sanh tử.
Ai xả ly kiến thủ: Người nào xa lìa được những vọng chấp, những tư kiến. Ðó là những tư kiến ngăn ngại lòng từ. Ở đây Ðức Thế Tôn đề cập đến một kết quả rất thiết thực, rất đáng mong cầu, một kết quả rất là cao: người đó cuối cùng sẽ thành tựu đạo quả giác ngộ, người đó có thể nhờ tâm niệm về lòng từ mà đưa trình độ tu tập của mình đến nơi viên mãn.
Ðoạn sau cùng Ðức Thế Tôn đề cập đến kết quả, một kết quả sau cùng vừa thiết thực, vừa vi diệu, thù thắng. Ðó là đạo quả giải thoát.
*
Bây giờ tôi sẽ trở lại từ đầu và đi qua từng câu một. Chúng ta không có thì giờ nên chỉ đi qua từng câu một. Mặc dầu nó sẽ khô khan nhưng chúng tôi không có thì giờ để trình bày vấn đề sâu sát hơn. Mong rằng quý vị sẽ hiểu lời kinh, đặc biệt là khi trì tụng.
Người hằng mong thanh tịnh
Nên thể hiện pháp lành.Chúng sanh muốn có một đời sống an hòa, tịnh lạc. Pháp lành tức là những thiện pháp cần được thể hiện cụ thể. Ðiều này có nghĩa là những gì chúng ta nghĩ là tốt, biết là tốt thì điều đó chưa có nghĩa là cái tốt nó đã thấm nhuần trong người chúng ta. Nó cần được thể hiện cụ thể qua cuộc sống, cần được tu tập, tôi luyện, cần được thể hiện ra bên ngoài bằng hành động qua thân, khẩu và ý. Sự thể hiện như vậy là một trợ duyên khiến cho thiện tâm của chúng ta được tốt lành, phong phú. Chúng tôi lấy thí dụ là quý vị mang thực phẩm đến chùa cúng cho chư tăng, tại sao khi cúng dường cho chư tăng quý vị thường đưa tay bưng cái bàn lên và chư tăng đưa hai tay để nhận? Quý vị có thể dọn thức ăn để đó rồi kính mời chư Tăng, nói rằng: "Thực phẩm đã dọn, mời chư Tăng đến ăn" giống như tất cả lời mời ăn uống nào khác mà chúng ta nói với khách. Nhưng tại sao khi thỉnh chư Tăng độ cơm là phải làm như vậy? Lòng cung kính đó là ý nghiệp. Lời tác bạch mà quý vị đọc ra để cúng dường thực phẩm chư Tăng là khẩu nghiệp. Quý vị trao đến tận tay, đó là thân nghiệp. Như vậy đó là sự thể hiện trọn vẹn một pháp lành. Sự thể hiện đó nằm trong thân, khẩu, ý, nó sẽ giúp cho đạo tâm, đạo nghiệp của quý vị được tăng trưởng mạnh mẽ. Ðó là sự thể hiện trọn vẹn. Hoặc khi chúng ta đọc kinh cũng vậy. Những lời kinh được đọc thành lời, thân chúng ta ở trong tư thế thành kính, tâm chúng ta hài hòa trong từng lời kinh, từng cử chỉ, trong từng động tác quỳ, chắp tay, lạy xuống. Trong sự thể hiện qua thân, khẩu, ý như vậy thì thiện nghiệp, thiện tâm của chúng ta sẽ được tôi luyện, huân tập một cách cụ thể và nhờ vậy mới được tăng trưởng.
Như vậy câu đầu tiên: Người hằng mong thanh tịnh, Nên thể hiện pháp lành. Bất cứ những ai mong muốn các thiện pháp phát sanh thì cần phải thực hiện pháp lành, có khả năng là một, chất phác là hai. Ðó là câu kệ chúng ta sắp giảng. Có khả năng là người đó thấy rằng đời sống của mình là đời sống có niềm tin rằng mình có một cái gì đó để cống hiến cho đời. Ðiều này chúng ta có thể làm được.
Một tâm hồn phát triển lòng từ bi không thể là một tâm hồn yếu đuối, nhu nhược, càng chắc chắn không phải là một tâm hồn thụ động. Khi chúng ta thương người, thương đời thì chúng ta cảm thấy mình có niềm tin nhiều về khả năng của mình. Và ta cảm thấy đời sống cuả mình không phải là đời sống vô trật tự mà là đời sống có dâng hiến, có khả năng và thực chất của nó. Ở trong niềm tin mạnh mẽ như vậy, ở trong chính khả năng của mình, chúng ta mới nghĩ đến người khác. Những tâm hồn yếu đuối không bao giờ trang trải lòng từ bi cho người khác, trừ phi họ có niềm tin về chính mình, về khả năng của mình. Yếu tố về khả năng là một yếu tố khác.
Chất phác có nghĩa là một tâm hồn đôn hậu, thuần phác, một tâm hồn giản dị. Chữ chất phác ở đây không phải đi với chữ thật thà như ta thường nghĩ. Chất phác ở đây là tâm hồn không máy móc. Lấy ví dụ Thầy Tử Lộ nói với Ðức Khổng Tử rằng: "Ở nơi Thầy có những điều tôi rất kính phục. Thầy thấy một cái tốt của người mà có thể quên đi trăm cái xấu của người thì Thầy là người dễ tánh". Ðối với chúng ta chữ dễ tánh là một người ba phải. Một người thật thà là một người hiền, đến độ ngu được. Sự đôn hậu, thuần phác mà Phật dạy ở đây là chúng ta không tính toán, so đo quá, không máy móc quá. Chúng ta có thể sống, có thể nhìn thấy cái tốt của người mà quên đi cái xấu của họ. Ðó là dễ tánh. Một người dễ tánh là người có thể mở rộng vòng tay, có thể bao dung nhiều người khác nhau.
Ở trong Tả truyện có chép một chuyện cũng đáng để chúng ta suy nghĩ về lòng Từ. Thầy Huệ Tử dùng gàu để tát nước vào ruộng. Một người đi ngang nói rằng, tôi biết một loại cơ giới, máy móc có thể giúp phương tiện dẫn nước vào ruộng mau lẹ hơn và có hiệu năng hơn. Thầy Huệ tử nói rằng: Bản tính ai cũng trọng cơ giới, hễ chuộng cơ giới thì chuộng cơ sự, mà cơ sự thì có cơ tâm, cơ tâm thì có phiền não.
Ðiều này có nghĩa là hễ tâm hồn chúng ta máy móc quá thì thương yêu sẽ không phát sinh. Chúng ta tính toán nhiều quá thì đời sống chúng ta khó mà phát triển tâm từ, chúng ta không thể nhìn đời với một cặp mắt ôn nhu, thuần hòa, thuần phác. Tâm hồn chúng ta phải rộng rãi, chúng ta đừng để ý quá nhiều chi tiết. Cái gì cần để ý thì chúng ta để ý, nhưng cái gì cần quên đi thì chúng ta có thể quên được. Do đó chữ chất phác ở đây không có nghĩa là thật thà mà là một tâm hồn rộng lớn. Quý vị có thể hiểu như chữ dễ tánh mà Thầy Tử Lộ đã dành cho Ðức Khổng Tử, nghĩa là có thể thấy cái tốt của người mà quên đi trăm cái xấu. Ðó là một tâm hồn rất thích hợp và rất cần thiết để phát triển lòng từ.
Hiền hòa, không kiêu mạn
Hiền hòa, không kiêu mạn là một đời sống vô hại, không bao giờ tạo cho người khác có cảm giác bị đe dọa. Trong đạo Phật có đề cập đến Vô Úy Thí. Vô úy thí là một tặng vật cho cuộc đời. Tặng vật đó là sự an lành. Quý vị sống ở quê hương này, một quê hương mà quý vị ít có cảm nhận được là xã hội này đã cho quý vị những tặng phẩm giá trị vô cùng. Nếu quý vị nào sang Hoa Kỳ rồi trở về, quý vị thấy xã hội này thật là đáng sống. Ở đây, quý vị không quá lo sợ, phập phồng. Nhà quý vị không cần có nhiều cửa sắt, ổ khóa. Xe đậu bên ngoài cũng yên tâm, không phập phồng lo sợ thì đó đã là một tặng phẩm cuộc đời dành cho quý vị. Ðức Thế Tôn cũng đề cập đến Vô Úy Thí, có nghĩa là mình cho người khác sự không sợ hãi, một cảm giác an lành.
Một người giữ ngũ giới cũng có thể là một Vô Úy Thí. Người ấy không sát sanh mà tôn trọng sự sống của người khác. Không những chỉ tôn trọng sự sống của người khác, ta còn phải tôn trọng sở hữu của người khác. Không phải tôn trọng sở hữu của người khác mà còn phải tôn trọng hạnh phúc của họ. Chúng ta còn tôn trọng danh dự của người khác bằng cách không lừa đảo, không nói dối. Ta còn tôn trọng ổn định của đời sống người khác bằng chính lịch sự cá nhân là không say sưa, rượu chè có nghĩa là chúng ta tôn trọng sinh mạng, tôn trọng tài sản, tôn trọng sự hạnh phúc, tôn trọng danh dự và tôn trọng đời sống an hòa. Quý vị giữ giới có nghĩa là quý vị cho người khác một đời sống an lành, nghĩa là sống với sự vô hại, gần những người vô hại. Như vậy chữ " Hiền Hòa " ở đây Phật muốn nói đến một đời sống vô hại, một đời sống của người có giới, một người có thể mang lại cho người khác một cảm giác an lành, bình an, thoải mái, không kiêu mạn.
Không kiêu mạn có nghĩa là không so đo. Ðối với Ðức Phật, không phải khi chúng ta nghĩ rằng mình hơn người, điều đó mới là kiêu mạn. Trong A Tỳ Ðàm, tất cả những trạng thái nào khi ta so sánh giữa mình và người: Mình bằng người, hơn người hoặc thua người thì đều là kiêu mạn. Theo cái nhìn của Ðức Phật thì ở trong đời không ai có thể so sánh với ai. Ðừng nói gì giữa người với người mà cả giữa người với vật. Chúng ta thấy một con Vật, con vật đó là một chúng sanh và chúng ta cũng là một chúng sanh. Trong một giai đoạn nào đó trong tiến trình luân hồi, chúng sanh đó sanh làm loài vật, nhưng mà nó cũng có thể sanh làm loài người. Và sự thể hiện bên ngoài trong một giai đoạn nhất thời không có nghĩa là sự so sánh yếu kém, hơn thua giữa chúng sanh này với chúng sanh khác. Trong vô lượng kiếp luân hồi, chúng sanh huân tập nhiều nghiệp báo mà cũng nhiều thiện ác. Mỗi người đều có tham, sân, si. Ở một căn bản nào đó, tất cả chúng ta đều rất giống nhau.
Vì vậy sự so sánh giữa một con người với một con người là một sự vô lý, cũng là một sự nông nổi, ngu xuẩn. Như Ðức Thế Tôn đã nói: Một khúc gỗ muốn trôi ra biển cả, nhưng nếu nó bị mắc cạn thì sẽ không trôi đến đâu cả. Hễ tâm kiêu mạn phát sinh trong lòng người nào thì người đó không tiến hóa được. Tại sao? Nếu mình thấy mình hơn ngừơi thì mình sẽ không tiến hóa được. Nếu thấy mình thua người thì mình sẽ bị mặc cảm và cũng không tiến hóa được. Và khi đem so sánh mình với người thì đó là một tâm trạng khó phân biệt. Lấy cái hơn, cái thua làm trọng, lấy thông minh trí tuệ làm trọng, cái giàu cái nghèo làm trọng, cái đẹp cái xấu làm trọng thì như vậy ở trong sự kiêu mạn đó, lòng từ không thể nào phát triển. Như vậy đức tánh từ hay sự phát triển lòng từ phải được thực hành song song với đức tánh không kiêu mạn. Do đó Ðức Thế Tôn đề cập đến: " Hiền hòa, không kiêu mạn" là những đức tánh giúp hành giả phát triển tốt đẹp lòng từ.
Thanh đạm, không rộn ràng
Thanh đạm là một đời sống giản dị. Ăn cũng giản dị, ngủ cũng giản dị. Chúng ta không làm khổ vợ, khổ chồng, khổ con, làm khổ những người chung quanh vì nhu cầu của mình. Người nào mà đời sống đòi hỏi cao quá, tiêu chuẩn cao quá, thì không thể phát triển được lòng từ. Nhu cầu đời sống càng dễ dàng thì việc phát triển lòng từ càng tốt đẹp.
Ðời sống mà Ðức Phật khuyên nên có, không chỉ hàng xuất gia mà còn đối với hàng tại gia, là một đời sống giản dị, dễ nuôi. Chúng ta sống giản dị dễ nuôi, không làm khổ chình mình mà cũng không làm khổ người chung quanh vì cái ăn, cái mặc, cái ngủ của mình cùng những nhu cầu của đời sống. Hễ ta quá chú trọng đến nhu cầu của mình thì chúng ta phải lo cho mình nhiều hơn. Và chúng ta sẽ làm khổ người khác nhiều hơn. Ở các quốc gia mà đời sống con người quá cao, như các quốc gia Tây Phương chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy những tâm hồn rất tùy tiện, đến độ tàn nhẫn vì chỉ nghĩ đến cá nhân của mình mà quên đi lợi ích của bao nhiêu người khác. Chúng ta đừng trách họ vì nếu nhu cầu chúng ta cao quá, tiêu chuẩn sống quá cao thì chúng ta cũng trở nên ích kỷ và chắc chắn là lòng từ sẽ bị cản trở rất nhiều.
Không rộn ràng - là đời sống không lăng xăng, không cưu mang. Ðiều này không có nghĩa là chúng ta sống một cuộc sống quá đơn giản, không làm việc gì hết. Ðời sống không rộn ràng ở đây không có nghĩa là chúng ta kéo năng lực mình xuống ở mức độ thấp nhất. Chúng ta chỉ làm 1, 2 việc mỗi ngày, không phải như vậy. Ông Peter Rate, Viện Trưởng Viện Ðại Học Kennel có nói: Trong 50 năm, từ khi tôi làm việc trong trường cho đến khi tôi về hưu, tôi có một kinh nghiệm. Nếu tôi có thể tin tưởng một người nào đó, nếu tôi nghĩ tôi có thể giao phó công việc cho một người nào đó, thì tôi sẽ giao phó cho người có chương trình bận rộn nhất. Tại sao? Vì người nào bận rộn nhất là chứng tỏ họ có khả năng để quản trị lấy thời gian của họ. Họ sẽ có thì giờ riêng cho họ và họ cũng có thì giờ để làm nhiều việc khác. Nếu họ nhận công việc mà tôi giao phó, họ sẽ hoàn thành một cách tốt đẹp.
Ðiều này cho chúng ta thấy rằng chữ "rộn ràng" ở đây không có nghĩa là đời sống chúng ta không đa đoan. Một người đa đoan mà biết quản trị rất ngăn nắp thời gian của mình thì người đó sẽ có những giây phút rất thanh thản. Còn một người quản trị vụng về thì giờ của mình thì dù người đó chỉ làm 1, 2 việc, người đó vẫn lăng xăng, lộn xộn. Thế nào là lăng xăng, lộn xộn? Là một lúc ôm đồm nhiều việc. Nếu chúng ta có 10 việc phải làm một ngày thì chúng ta chia để làm trong 10 thì giờ khác nhau: Buổi sáng làm bao nhiêu việc, buổi trưa, chiều làm bao nhiêu việc thì đời sống sẽ không rộn ràng. Nhưng nếu một lúc mà làm 3 - 4 việc: Chúng ta vừa điểm tâm, vừa coi báo, vừa xem TV, vừa nghe điện thoại thì quả thật lăng xăng quá nhiều. Trong đời sống nhiêu khê như vậy, mình cảm thấy rằng thời gian nó làm chủ mình, cuộc đời nó đang lôi kéo mình. Mình đâu có thì giờ để nghĩ về cuộc đời đâu, mình phải trả nợ đời, riết rồi mình cảm thấy là mình đã mất đi chính mình. Mà đã mất đi chính mình thì ta không còn thì giờ để mong cầu sự an lành cho kẻ khác vì chính mình luôn luôn sống trong thời gian bất an. Không rộn ràng là yếu tố để phát triển lòng từ.
Lục căn luôn trong sáng
Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Lục căn luôn trong sáng là không bị chi phối quá nhiều bởi năm cảnh bên ngoài. Chúng ta ghiền thuốc cũng là một sự lệ thuộc vào tỷ căn. Chúng ta thích xem tranh, xem TV cũng là một lệ thuộc vào nhãn căn. Chúng ta thích bất cứ cái gì, nếu đó là một sở thích thông thường thì điều đó vô hại; nhưng nếu nó là một cái gì dẫn đến độ ghiền, đến sự lệ thuộc, nô lệ thì có lẽ đời sống chúng ta sẽ không có nhiều thì giờ để suy nghĩ đến tha nhân, mang lại sự an lành cho người khác.
Ðức Phật nói một người lục căn luôn trong sáng tức là đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, người đó không hề cảm thấy khoái lạc đến độ mất đi sự quân bình của đời sống. Như vậy, chúng ta là người sống trong cuộc đời này, mắt phải thấy, tai phải nghe, mũi phải ngửi, lưỡi phải liếm, thân phải xúc chạm và ý phải suy nghĩ. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ tìm trong những điều đó những cái khả ái, khả ý, có những cái đáng hoan hỷ, đáng ưa thích. Nhưng để giữ lục căn luôn trong sáng, chúng ta nên tiết độ ở mức vừa phải. Thấy tranh thì cũng thích, thấy cảnh thì cũng thưởng thức mà ở mức vừa phải, đừng quá đam mê. Khi đã lệ thuộc, đã bám víu rồi thì chắc chắn đời sống chúng ta sẽ nghiêng về hướng đó và chúng ta không thể phát triển về hướng khác được. Sáu cảnh chi phối chúng ta rất nhiều, đối với chúng nó ta nên giữ tâm quân bình để có thể sống không lệ thuộc. Có như vậy mới phát triển được tâm Từ.
Trí tuệ càng hiển minh
Lục căn luôn trong sáng thì chắc trí tuệ càng hiển lộ. Một khu vườn có quá nhiều cỏ dại, cây độc thì ở đó cây lành, trái ngọt không sanh sôi nẩy nở được. Người nào muốn trí tuệ phát triển trong khu vườn của mình thì những phiền não, ác pháp phải được lắng đọng, được gạn sạch để cây lành, trái ngọt tăng trưởng. Trí tuệ không thể phát triển trong điều kiện tán loạn, lao chao. Trí tuệ chỉ phát triển trong những tâm hồn bình tĩnh. Trí tuệ không thể phát triển trong một tâm hồn có quá nhiều dính mắc mà chỉ phát triển trong tâm hồn tương đối nhu nhuyễn, xả ly. Ðây là một ví dụ cụ thể cho ta thấy Phật đề cập đến lòng từ đi đôi với trí tuệ. Lòng Từ không phải là một thứ xa xỉ phẩm của đời sống tinh thần. Lòng từ là một sự trưởng thành thực sự của đời sống. Một người có thể nhìn cuộc đời với ánh mắt thương yêu là tâm hồn người đó đã trưởng thành rất nhiều. Sự trưởng thành ở đây có nghĩa là có một sự hiểu biết rất là già dặn. Có nhiều chướng duyên, như sự kỳ thị, cũng làm chúng ta ngăn ngại lòng Từ. Muốn hết sự kỳ thị, chúng ta cần trình độ trưởng thành về văn hóa, một trí tuệ rất là sắc bén thì mới vượt được khỏi biên giới của sự kỳ thị.
Chúng ta nặng về đời sống nhu cầu. Nhu cầu chúng ta nặng quá. làm phiền toái những người chung quanh quá nhiều. Không phải đơn giản mà chúng ta có thể giải thoát được. Một người có nhu cầu nhẹ nhàng, người đó có sự trưởng thành rất là lớn.
Có người đề cập đến lòng Từ trong đạo Phật như là một tình cảm ủy mị. Ðiều này hoàn toàn sai lầm. Một tình cảm ủy mị là khi nào bị cột chặt vào đối tượng. Ðó là một tình cảm thụ động, một tình cảm bị lôi kéo, quyến rủ. Ở đây lòng Từ tỏa rộng ra. Sự tỏa rộng đó cần một mức độ trưởng thành, một sự già dặn thật sự của tâm hồn, một sự già dặn đòi hỏi rất nhiều trí tuệ. Không ai phát triển lòng từ đến độ trở thành một người mê tín. Một người càng có nhiều lòng Từ thì trí tuệ họ càng minh mẫn, càng sáng suốt. Do đó yếu tố phát triển về trí tuệ rất là cần thiết. quý vị đừng tưởng mình tu hành trau dồi về tâm từ thì không cần lòng tin. Chính những sự phát triển về trí tuệ thắp ánh sáng tuệ giác trong lòng mình và giúp chúng ta vượt qua nhiều biên giới của đời sống. Những biên giới đó giúp cho lòng từ chúng ta được thăng hoa mãi mãi.
Không làm việc ác nhỏ
Mà bậc trí hiền chêViệc ác nhỏ là nhưng việc ác mà chúng ta nghĩ rằng nó nhẹ, nó tầm thường, nó không đáng kể. Nhưng mà hễ trong lòng chúng ta còn dung dưỡng những ác nghiệp nhỏ thì coi chừng những ác nghiệp này có thể là một trở ngại rất lớn.
Người ta nói rằng: "Ðường đi khó, không khó vì ngăn song cách núi mà khó vì lòng người ...", nó lấn cấn khiến chúng ta không đi được. Ðối với chúng ta, có nhiều khi việc quốc gia đại sự, cái đại nguyện giải thoát, không làm cho chúng ta chùn lòng mà một vài trở ngại nhỏ trong lòng chúng ta thôi thì điều đó lại là một trở ngại rất lớn lao. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật cũng dạy:
Chớ khinh chuyện nhỏ không làm
Rằng không kết quả đến ta bao giờ
Nước kia từng giọt nhỏ hờ
Bình kia tràn chảy bao giờ có hayNước nhiễu xuống từng gịot thì lâu ngày nó cũng đầy. Các ác nghiệp, dù chỉ là một thói quen rất nhỏ, nhưng khi trở thành thường nghiệp rồi thì nó vẫn chi phối con người chúng ta rất nhiều. Trong thế giới tâm linh, cái nhỏ đừng xem thường nó:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
(Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không)Có những cái rất nhỏ mà có thể lớn bằng tam thiên đại thiên thế giới này, do đó chúng ta không thể khinh thường một đốm lửa nhỏ. Ở trong nội tâm chúng ta, những việc ác nhỏ tầm thường vẫn có thể có tác hại rất lớn. Do đó mà các vị Tôn Cổ Ðức ngày xưa, không phải các vị nói câu này mà không có kinh nghiệm. Có những niệm rất nhỏ nhưng đó lại là những ngăn ngại vô vàn. Chúng ta chỉ vì thương vì ghét một chút xíu thôi mà có thể làm hỏng đạo nghiệp của cả cuộc đời mình. Chúng ta không tin phải không? Có đôi khi chúng ta không làm một việc vì không thích một người nào đang có mặt ở đó, và vì vậy đời sống chúng ta phải đi vào một sự sai lầm. Thành ra nên coi chừng cái niệm của ta. Có thể một niệm nhỏ, một niệm rất nhỏ nhưng nó sẽ trở nên rất là nguy hiểm và vì vậy đừng:
Khinh thường việc ác nhỏ
Mà bậc trí hiền chêRồi:
Nguyện thái bình an lạc
Nguyện tất cả sinh linh
Tràn đầy muôn hạnh phúc*
Chúng ta đã qua đoạn Ðức Phật nói về những yếu tố thuận lợi để phát triển lòng Từ. Bây giờ chúng ta đến đoạn kế tiếp, khi Ðức Phật giảng về đối tượng của lòng Từ. Ðoạn Kinh kế tiếp là:
Chúng sanh dù yếu mạnh
Lớn nhỏ hoặc trung bình,
Thấp cao không đồng đẳng
Hết thảy chúng hữu tình,
Lòng Từ không phân biệt,
Hữu hình hoặc vô hình,
Ðã sinh hoặc chưa sinh,
Gần xa không kể xiết,
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúcTrước khi đi vào chi tiết của đoạn kinh này, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề rất là quan trọng. Hôm qua trong bài giảng về năm màu cờ Phật giáo, chúng tôi có đề cập đến những điều trong pháp tu dưỡng tâm tánh của người Phật tử. Tâm hồn của chúng ta cần chọn đối tượng theo cảnh bên ngoài hoặc tâm bên trong, đối tượng đó luôn luôn có ảnh hưởng rất lớn lao cho tâm hồn của chúng ta. Người hành giả tu tập là người biết hướng tâm của mình vào những đối tượng hay cảnh của tâm, những đối tượng, những cảnh đó có thể giúp chúng ta có điều kiện để phát triển tâm hồn của mình. Lấy thí dụ là nếu chúng ta sống gần những nguời hay chỉ trích, trêu chọc thì quả thật nếu có thể vượt qua được những khó khăn trong tâm là một điều quý báu. Nhưng thông thường, chúng ta ít khi có đủ can đảm để thành đạt, tiến bộ mau lẹ như vậy. Trong thời kỳ mà các thiền sư gọi là sơ phát tâm -- mới phát tâm -- thì thuận duyên, thuận cảnh luôn luôn là đối tượng và luôn luôn cần thiết để trau dồi tâm của mình, dù là tâm từ hay tâm định. Ngoại cảnh hay đối tượng của tâm chiếm hữu một vai trò quan trọng như vậy cho nên ngừơi phát tâm tu tập phải luôn luôn trắc nghiệm rõ đối tượng nào mà tâm mình hướng đến. Như quý vị hành thiền quán thì hơi thở là quan trọng: Chúng ta hiểu hơi thở, sự vận hành hơi thở và sự hiện hữu của hơi thở.
Như vậy đối tượng của tâm Từ là chúng sanh. Ðối tượng của tâm Từ tương đối là một vấn đề tế nhị hơn bình thường. Vì sao vậy? Con người chúng ta chỉ có hai trở ngại, đó là nhân và ngã. Nhân và ngã tức là nghĩ về mình và người. Tình cảm của chúng ta, cảm xúc trong lòng cũng như cái vui hay buồn là đều do ta nghĩ đến ta. Bây giờ tự nhiên tâm ta dang trải rộng cho tất cả mọi người thì không phải là điều đơn giản. Càng không thể đơn giản được là ta phải nghĩ như thế nào về những người đó. Chúng tôi nghe nói rằng cũng là cục đất mà mỗi người nhìn một cách khác. Nhà địa chất, nhà nông nhìn khác nhau. Chúng sanh trong đời này cũng vậy. Chúng sanh có dị biệt, khác nhau về tâm tánh nhưng làm thế nào mà chúng ta có được cái nhìn có thể dung hợp được tất cả mọi người và có thể dang rộng vòng tay ra để ôm tất cả mọi người. Ðiều đó không dễ.
Trước khi đề cập đến những câu kệ trong bài Kinh, chúng tôi xin kể ra một thí dụ để quý vị thấy sự mầu nhiệm của tâm linh và qua sự mầu nhiệm này, quý vị sẽ hiểu tại sao Ðức Phật lại khuyên ta nên luyện tâm Từ.
Trong cái đồng hồ nhỏ mà chúng ta thường dùng, mặt đồng hồ chừng 5 phân, thì kim dồng hồ quay một vòng tròn mất bao lâu? 12 tiếng phải không? Bây giờ chu vi của đồng gồ là 5 mét thì quý vị thấy thế nào, mất bao lâu thì kim mới quay hết vòng đó? Cũng 12 tiếng. Dù rằng đó là mặt đồng hồ nhỏ hay đồng hồ lớn treo trên building đi nữa, thì hết vòng tròn đó cũng mất 12 giờ. Không phải mặt đồng hồ lớn ra mà kim đồng hồ đi chậm lại, mất thì giờ lâu hơn. Và cũng không phải vì đồng hồ nhỏ lại mà kim mất ít thì giờ hơn. Tất cả cũng là 12 tiếng. Tại sao? Vì nó xuất phát từ một tâm điểm và tâm điểm đó đi theo góc độ. Do vậy, dù chu vi mặt đồng hồ có lớn hay nhỏ đi nữa thì vẫn 12 tiếng.
Chúng ta hay có mặc cảm như vậy. Chúng ta nghĩ tâm hồn của mình không thể mang hết cả vũ trụ được vì nó quá nhỏ bé. Không phải như vậy. Trong đời sống tâm linh, hễ tâm của mình bao quát, rộng lớn thì ta có thể chuyên chở cả thế giới này được. Nhưng hễ tâm của mình hẹp hòi, thì dù chỉ là một mảy may bên ngoài chúng ta cũng không thể cưu mang được.
Bây giờ trên con đường thực tập thiền quán, chúng ta sẽ đối diện một vấn đề trăn trở là phải hướng tâm mình đến một đối tượng, một đối tượng vô thưởng vô phạt, đó là hơi thở. Ðối với chúng ta hơi thở là một cái gì tự nhiên, do vậy quý vị có thể gom tâm vào hơi thở một cách dễ dàng, chỉ chú tâm vào đó thôi. Nhưng mà đối với chúng sanh thì chuyện không đơn giản như vậy. Chúng ta ngồi ở đây, với 10, 20 người thì cảm tình của chúng ta đối với họ khác nhau. Chúng ta đối với một người nam khác một người nữ. Già, trẻ, giàu, nghèo, đẹp, xấu v.v.. Chính những cái đó Phật gọi là phân biệt, những phân biệt nhân cách và làm nên sự khác biệt giữa người với người.
Thế thì đối với chúng sanh, khi chúng ta niệm lòng Từ, ta có thể nguyện cho tất cả được an vui không? Nếu chỉ niệm như vậy thì quá bao quát. Cho nên chúng ta phải nhìn chúng sanh với những điều khác biệt, nhưng cái nhìn khác biệt đó không ảnh hưởng gì đến chúng ta. Hai người khác biệt nhau vì cái giàu, cái nghèo của họ; người đẹp, người xấu cũng khác biệt nhau. Nhưng chúng ta đâu có nên phân biệt như vậy. Ngày xưa Ðức Phật dạy, khi một người hành Tâm Từ, nếu phải nhìn sự khác biệt của chúng sanh thì hãy nhìn sự khác biệt theo nghiệp lực. Nghiệp lực gọi là dị hình, dị tướng, dị lực, có nghĩa là chúng sanh yếu, mạnh, lớn, nhỏ, hoặc trung bình, thấp cao không đồng đẳng.
Câu:
Chúng sanh dù yếu mạnh,
Lớn nhỏ hoặc trung bình,
Thấp cao không đồng đẳngÐức Phật muốn nói đến hình thức, thể chất và dạng của chúng sanh thôi. Ngài không khuyên chúng ta nhìn vào một cái gì khác hơn như là giàu, nghèo, đẹp, xấu. Ðây là hình thức chân thật. Nhìn vào hình thức đó, lòng Từ của chúng ta không bị tổn thương. Nếu chúng ta thấy rằng giữa người và người có sự khác biệt, nhưng sự khác biệt đó là do hình tướng và nghiệp quả; thì quả thật cái nhìn đó rất xác thực và không có gì ngăn ngại chúng ta phát triển tâm Từ hết. Ngược lại, nếu ta thấy có sự khác biệt giữa người và người: đẹp, xấu, giàu, nghèo, quyền thế, không quyền thế; thì lòng Từ chúng ta không phát triển được.
Hết thảy chúng hữu tình,
Lòng Từ không phân biệt,
Hữu hình hoặc vô hìnhHữu hình là những chúng sanh ta có thể thấy tận mắt được. Vô hình là những chúng sanh không thấy bằng mắt được. Người có âm đức là người sống có hậu, có thể nhìn thấy cái mà mắt mình không thể thấy được. Lấy ví dụ là thông thường khi thích cái gì đó, ta chỉ thích những gì mà mắt có thể thấy thôi chứ ít nghĩ đến chuyện về lâu về dài. Chúng ta làm chuyện gì thì cũng chỉ làm những chuyện vì những người đang có mặt tại đó mà thôi chứ chuyện về lâu về dài, ta không nghĩ tới. Chúng ta sống thì chỉ nghĩ đến những loại hữu hình mà không nghĩ đến loại vô hình. Sự huân tập âm đức của một con người, đức tánh nhân hậu, lòng từ của con người đó; có cái mình nhìn thấy mà có cái không thấy.
Chính cái không thấy là điểm tế nhị mà mình cần nghĩ đến. Nếu người nào sống trên đời mà đối tượng của lòng Từ không chỉ với những chúng sanh có mặt mà còn khuất mặt nữa; thì đó là người có một tâm hồn đủ sức chan hòa. Tại sao vậy? Vì tâm hồn người đó có quân bình. Người ta thấy một điều quan trọng rằng, nếu người nào làm việc gì không phải chỉ vì mục đích hiện tại mà còn nghĩ đến cái nhân, cái quả về lâu dài thì Ðức Phật gọi vị đó là tri nhân tri quả. Cái buồn của mình bây giờ, mình biết là do nguyên nhân nào; nguyên nhân đó mình không thể thấy bằng mắt được, nhưng mình hiểu được cái sâu xa của nó. Khi đang làm điều gì mà ta biết quả sau này sẽ sanh khởi như thế nào -- mặc dù quả đó chưa đến, thì cũng gọi là tri nhân tri quả. Tri nhân tri quả là ta có thể nhìn thấy được cái gì cụ thể, tận mắt cũng như cái gì không thể thấy được. Tâm hồn của một người nhân hậu và giàu âm đức có thể nghĩ xa, nghĩ gần, đến những loài hữu hình hoặc vô hình.
Vì vậy, quý vị Phật tử thấy khi nào chúng ta trì tụng kinh điển, Ðức Phật luôn khuyên chúng ta: Nguyện cho khắp Pháp giới chúng sanh được an lành, nguyện cho chúng sanh được tấn phát, và rồi chúng ta cũng hồi hướng đến chúng sanh khắp ba giới, bốn loài. Ban đầu thì chúng ta có thể xem thường những người đó, nhưng về sau ta mới thấy sự hiện diện của họ.
Trong đời sống hàng ngày chúng ta không lo tu, chúng ta quên lãng. Nhưng chúng ta quên rằng, những lúc bình thường nhất là những lúc chúng ta có nhiều cơ hội để tu tập lòng từ nhất. Bây giờ quý vị đến đây, hình ảnh thân thương của chư tăng, cái không khí nhẹ nhàng của những người bạn đạo, đó là cơ hội hành trì thích hợp nhất; và chúng ta phải biết tận dụng nó để tu tập lòng từ. Tại vì sao? Vì đây là lúc chúng ta ít bất mãn nhất. Khi mà lòng từ đã lớn mạnh, đã chịu đựng được rồi thì ta mới đem ra ngoài mưa nắng được; nhưng nếu nó là một cánh hoa mới nở, chúng ta đem ra ngoài nắng gay gắt quá, sợ nó chịu không nổi. Do vậy, điều đầu tiên là phải cố gắng để phát triển những tình cảm cao thượng trong lòng. Chúng tôi có nghe nhiều Phật tử than rằng, con muốn tu lắm mà không có căn, có phiền não chắc là tu không được. Thưa quý vị, không ai là không có phiền não, trừ khi đắc đạo, chứng quả ! Tất cả chúng ta đều có những phiền não giống nhau. Hễ ở trong hoàn cảnh nào thì thường có những phản ứng, những nếp sống gần gần với những hoàn cảnh đó.
Chính vì hiểu được điều này nên ta có một niềm hy vọng. Người Phật tử sống là phải hy vọng. Niềm hy vọng lớn nhất là chúng ta có thể tự sửa chữa mình và phát triển những tình cảm tốt đẹp. Trong Therapy, tức là những phương pháp trị liệu tâm lý học của người Tây phương, người ta nói rằng những thói quen xấu do tập quán mà thành thì cũng do tập quán mà diệt. Ban đầu chúng ta tạo ra thói quen, nhưng lâu ngày thói quen điều khiển chúng ta. Hễ trong lòng chúng ta có cái gì xấu thì hãy tin rằng cái đó do huân tập. Tại sao anh A, anh B không có cái đó mà ta có? Tại chúng ta tập phải không? Chúng ta tập cho nó có được thì cũng tập cho nó mất đi được, nếu như ta khó chịu. Nhưng chúng ta đừng đòi hỏi mình nhiều quá. Bây giờ, nếu bảo rằng quý vị đi vô chùa, lạy Phật ba lạy thì thân rũ sạch bụi trần; điều đó không có, chỉ có trong truyện chưởng, trong tiểu thuyết mà thôi. Không ai có thể làm chuyện một sớm một chiều như vậy, nó mất nhiều thời gian lắm.
Do đó, việc có được một người bạn, một tri kỷ, một người hiểu chúng ta là một điều cần thiết. Nhờ có người hiểu chúng ta, ta sẽ ít trở nên bối rối, bất mãn. Có những lúc yếu đuối, chúng ta rất cần một người nâng đỡ; không mong được tri kỷ như Bá Nha Tử Kỳ nhưng là một người nào đó có thể hiểu ta. Khi ta lầm lỗi thì người đó không dìm ta xuống vũng bùn mà nâng đỡ ta, cho ta có niềm hy vọng để phục hồi lại, để sửa đổi.
Ngoài ra chúng ta cũng cần có những hoàn cảnh tương đối thuận tiện. Ðiều bất hạnh ở đời là gì? Hạnh phúc ở đời là gì? Trong Hạnh Phúc Kinh, Ðức Phật nói rằng nơi trú xứ nên thân cận với bạn hiền thì đó là hạnh phúc cao thượng. Tại sao? Vì đó là môi trường để ta huân tập thiện pháp. Do vậy, nếu quý vị thấy thời gian nào mình tương đối rảnh rỗi nhất, tâm hồn chúng ta thanh thản nhất thì nên biết đó là thời tiết tốt nhất để gieo hạt giống Bồ đề, hạt giống thiện. Ở đây có bao giờ quý vị trồng hoa vào mùa tuyết không? Không có phải không? Chúng ta chỉ trồng vào mùa thích hợp thôi. Khi nào quý vị đến chùa, lúc vui vẻ nhất, cởi mở nhất thì nên ráng niệm Phật, lo tu chứ quý vị giận lên thì không tu được đâu. Nếu quý vị đang phiền não về việc mất đồ đạc, vì thất tình, vì gây gỗ ông hàng xóm thì đừng mong tu. Lúc đó ta chỉ niệm Phật thôi. Lúc tâm hồn ta bình yên là lúc tu tốt nhất, ngược lại khi phiền não là lúc khó tu nhất. quý vị hãy tin tưởng mạnh mẽ rằng không ai trong chúng ta xấu hoàn toàn hết. Chúng ta có những tình cảm cao thượng rất là quý . Tôi được biết có vài người rất là hà tiện, nhưng nếu cuộc đời mở rộng lòng họ chút xíu, có những hoàn cảnh có thể gợi lên trong tâm hồn họ những tình cảm cao thượng, thì những lúc đó họ vẫn rộng rãi như thường.
Ðôi khi chúng tôi nghe quý vị than phiền là có những người không chịu đem tiền xài những chuyện xứng đáng mà chỉ làm phước; cúng ông thầy nào thì chỉ cúng một ông mà thôi. Hay là họ chỉ biết làm chuyện đó mà không làm chuyện khác. Chúng ta không nên trách như vậy. Khi nào người ta làm phước được, dù chỉ là cái phước khiêm tốn, hẹp hòi nhất thì ta cũng nên hoan hỷ nở nụ cười cho họ, tại vì nếu không có những trường hợp đó thì họ không bao giờ làm phước. Do đó, có cơ hội nào khiến người ta có thể làm tốt thì ta nên khuyến khích. Còn chúng ta cũng vậy. Khi nào ta làm được một việc phước hết sức nhỏ, dù người ta có chê mình đi nữa thì cũng ráng làm. Tại sao? Vì đó là cơ hội của ta.
Ai trong chúng ta cũng có những tình cảm cao thượng, nghĩa là nếu có hoàn cảnh thuận lợi thì nó sẽ phát triển và chắc chắn là sẽ lớn mạnh. Nó sẽ lớn dần theo thời gian và chúng ta phải luôn luôn cho nó một sự cảm thông. Chúng ta cảm thông với đời được thì cũng cảm thông với chính mình được. Ðừng tự trách mình hay mặc cảm tự ty rồi không lớn lên được. Ở đây quý vị thấy là sự phát triển của tình cảm và lòng từ ái, giống như bà mẹ đối với đứa con một rất là khó. Chúng tôi nhìn nhận là khó. Chúng ta hãy nhìn những đứa bé. Khi còn nhỏ, nó thích đồ chơi, ta biểu nó bỏ đồ chơi, đừng la lối um xùm, đừng chạy giỡn nữa, đừng tranh ăn với em út, thì nó có bỏ được không? Biểu nó bỏ từng cái, nó cũng không bao giờ bỏ được. Nhưng mà đời sống còn những cái hay cái đẹp hơn nên khi lớn lên từ từ thì nó bỏ hết. Quý vị cứ tin tưởng đi. Lòng từ bi mà chúng ta thấy lý tưởng quá; cơ hồ như không bao giờ có thể làm được, nhưng chúng ta sẽ làm được khi nào tâm hồn chúng ta tăng trưởng trong những điều kiện nào đó. Lấy thí dụ trong thiện pháp, chỉ cần một thiện pháp phát triển thôi thì những thiện pháp khác sẽ tăng trưởng theo.
*
Là người con Phật, chúng ta đừng nghĩ là lòng từ bi đã tả trong kinh điển, như bà mẹ đối với đứa con là quá lý tưởng, vượt ngoài tầm tay chúng ta. Khi có đủ điều kiện phát triển, chúng ta sẽ thấy sự thành đạt rất là dễ dàng. Hồi xưa, khi mới vào chùa, lúc đó tôi 8 tuổi, Thầy của tôi là ngài Tịnh Sự, chúng tôi sống với ngài. Hồi nhỏ tôi hay tò mò, nhìn xem ngài làm gì. Tôi thấy cái gì Ngài làm cũng vượt quá sức, cơ hồ một đời ta không bao giờ làm được. Ngài có thói quen là ở trong phòng không có bàn ghế nhiều, chỉ có bộ ngựa rất lớn để ngay giữa nhà, chung quanh chừa lối đi. Tất cả sách vở, đồ dùng Ngài chất cao một đống ở giữa. Khi nào ăn thì Ngài dọn qua bên kia, có một khoảng để ăn. Khi nào làm việc thì Ngài qua bên đây, có sách vở, tự điển để trước mặt Ngài. Có khách thì Ngài mời qua phía bên này và khi nào Ngài làm việc lặt vặt tay chân gì đó thì Ngài làm phía bên nọ. Ngài chỉ có một bộ ngựa thôi mà với bốn cái ghế bốn bên, Ngài chạy vòng vòng, làm việc cả ngày như vậy. Ðiều tôi khâm phục Ngài nhất là hình ảnh một vị Hòa Thượng vừa làm việc, tiếp khách, dịch kinh, dịch sách. Tôi có một ước mơ trong đời thôi là làm sao đọc được một phần mười sách trên bộ ngựa đó, làm được một phần mười công việc của Ngài thì cuộc đời đã mãn nguyện rồi. Tôi thấy rằng hồi xưa học Minh Tâm Bửu Giám hay Tỳ Ni Nhật Dụng, đọc nửa cuốn là thấy buồn ngủ rồi; còn Ngài, Ngài đọc sách cả ngày cả đêm mà không buồn ngủ! Cái bệnh buồn ngủ không biết bao giờ mới diệt hết được. Còn tới giờ ta đói bụng thì cơ hồ như không chịu nổi. Vậy mà khi đói, mặt Ngài cũng tỉnh, tu hành mấy chục kiếp mới được mặt mày tươi tỉnh như vậy!
Nhưng mà thưa quý vị, với những ước mơ đơn giản đó, lớn lên chúng tôi thấy rằng, dù không được như Ngài nhưng dần dần ta cũng có thể làm được. Ðôi lúc đời sống chúng ta bị vây hãm bởi nhiều thứ, nhưng cũng do thái độ, cách suy nghĩ của ta thôi. Nếu ta suy nghĩ lạc quan một chút, ý tưởng mạnh mẽ một chút thì ta sẽ thấy tuy lòng đại bi cơ hồ rất khó như lòng bà mẹ đối với đứa con, nó vẫn có thể thực hiện thành tựu được. Ðó là một việc không phải bất khả tư nghị hay bất khả thành tựu.
Nhưng chúng tôi lưu ý quý vị một điểm như vầy: "Cái gì đó mình thấy nho nhỏ chung quanh mà ta ít lưu ý thì ta nên cẩn thận, luôn luôn phải cảnh giác". Tại vì trong thời gian đang tu, đạo tâm của chúng ta cũng mỏng manh lắm, tuy thấy nó mạnh mẽ nhưng nó rất là yếu. Lấy thí dụ như khi chúng ta đi chùa, Phật ở trên là cha chúng ta có phải không và chúng ta là con Ngài. Nếu cha chúng ta còn sống, ngồi trong một ngôi nhà như thế này thì nếu có chuyện buồn phiền gì, ta đâu có bỏ cha chúng ta được phải không? Nhưng khi chúng ta đến chùa, chỉ cần một câu nói buồn phiền của người khác thôi là chúng ta hỏng cả niềm tin của mình. Quý vị có tin như vậy không? Ðó là một điều có thật. Có người chỉ vì một sự buồn phiền nhỏ mà bỏ đi chùa luôn. Ðường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ tại lòng ta thôi khiến ta không đi được.
Hồi xưa chúng tôi có đọc một câu chuyện. Có ba ông Thần họp lại là thần gió bấc, thần bão và thần sấm sét. Ba ông mới bàn nhau, không biết trong ba vị người nào oai lực mạnh nhất. Thần sét mới nói , thôi đừng bàn cãi làm gì cho tốn thì giờ, hãy biểu diễn đi, hễ người nào thắng thì người đó oai lực nhiều nhất. Nhìn tới, nhìn lui, không thấy có gì biểu diễn được hết. Thần sấm sét thấy một con khỉ đang ở trên cây, ba thần mới đồng ý người nào có thể làm cho con khỉ rớt xuống đất là có oai lực. Thưa quý vị, đầu tiên là ông thần bão, ông đưa tay đòi thi thố tài năng trước nhất. Ông làm mưa gió ầm ầm, dĩ nhiên là không thể làm ngã cây mà phải làm con khỉ rớt xuống. Mưa càng mạnh, gió càng nhiều, con khỉ run lên càng ôm chặt cây không buông, nó bám cây như một con rít vậy. Ông thần bão nói: Thôi tôi chịu thua, không ngờ chuyện nhỏ như vậy mà làm không được. Tới phiên thần sấm sét. Ông chờ thần bão làm xong mới cho sấm sét lên ầm ầm để con khỉ sợ. Càng sợ thì khỉ càng bám chặt vào cây. Thần làm sấm sét dữ dội, long trời lở đất, thiếu điều muốn xử sụng 10 thành công lực mà cũng không làm cho con khỉ rớt xuống. Thần sấm sét nói: Hồi nãy tôi khi dể thần bão, té ra tôi cũng không làm được. Thôi thần gió bấc làm thử cho tôi coi. Thần gió bấc mới đứng suy nghĩ: Mính phải làm cái gì cho con khỉ này sợ. Bây giờ mình cứ làm mưa nhè nhẹ cho lành lạnh đi, khi khỉ bị lạnh, thổi gió nhẹ thì nó sẽ rớt xuống!
Tâm hồn chúng ta cũng vậy. Khi chúng ta ra ngoài, gặp chuyện pháp nạn, chuyện gian nguy thì tâm hồn chúng ta mạnh mẽ lắm. Tại vì sao? Vì trong hoàn cảnh đó, ta khởi tâm anh hùng, làm người hùng trong cuộc rất mạnh mẽ. Nhưng chính những cái nhỏ nhặt của đời sống lại làm mất hùng khí của ta. Ðiếu đó là điều chúng ta vẫn thường thấy. Sấm, sét, mưa bão không làm cho con khỉ rớt xuống được nhưng mà gió nhè nhẹ, làm cho nó run thì nó rớt xuống liền. Chúng ta thường bị rớt như vậy. Do đó khi quý vị tu tập lòng Từ thì phải có cái gì để bảo vệ nó, để tu dưỡng nó. Giống như cái cây, không thể trồng xuống rồi tự nhiên lớn được, mà phải chăm sóc, có phân, có đất, có khí hậu thích hơp, nếu không thì nó sẽ tàn úa đi. Theo Ðức Phật chúng ta phát triển lòng từ, phải canh chừng nó, canh chừng bằng cách nào?
Như mẹ giàu tình thương,
Suốt đời lo che chở,
Ðứa con một của mình,
Hãy phát tâm vô lượng,
Ðến tất cả sinh linh,
Từ Bi gieo cùng khắp,
Cả thế gian khổ ải,
Trên dưới và quanh mình,
Không hẹp hòi oan trái,
Không hờn giận căm thù,Ở đây chúng ta sẽ thấy Ðức Phật khuyên chúng ta cố gắng hướng lòng từ đến tất cả sinh linh. Trong Chú giải thì nói rằng, bắt đầu chúng ta nghĩ đến những người gần gũi mình, sau đó nghĩ đến những người xa hơn, và cuối cùng là nghĩ đến tất cả phương hướng. Quý vị nào đã học Từ bi quán thì người ta dạy rằng, hãy nghĩ đến tất cả chúng sanh ở hướng Ðông, Ðông Nam, Tây, Tây Nam v.v... 10 phương, 8 hướng. Nhưng thực sự điều đó cũng khó Nếu quý vị ngồi một chỗ như thế này, rất khó mà xác định phương hướng. Trong Kinh Ðức Phật dạy cũng giống như chúng ta học khoa học thường thức: Hướng Tây là hướng trước mặt, hướng Ðông là hướng sau lưng, hướng Nam Ngài dạy bên tay mặt, hướng Bắc ở phiá tay trái. Thí dụ như quý vị ngồi niệm Từ bi quán trong ngôi nhà như thế này thì quý vị chỉ niệm tất cả chúng sanh ở trước mặt, bên trái, bên phải, và ở sau lưng, ở trên, ở dưới. Như vậy là đủ rồi, khỏi phải nhớ đông, tây, nam, bắc, vì nhớ như vậy sẽ làm chúng ta lộn xộn. Dĩ nhiên theo lời Kinh thì phải dịch như vậy, tuy nhiên ta thấy một điểm dễ dàng là chỉ cần nhớ trước mặt, sau lưng, bên phải, trái, trên, dưới là ta có thể niệm lòng Từ bi được rồi. Khi niệm lòng Từ bi như vậy có cái lợi là ta thấy nó tổng quát và nhờ tổng quát mà lâu ngày ta mới huân tập được.
Bắt đầu quý vị nên lợi dụng ba thứ. Thứ nhất là hình ảnh nào mà ta ít oan trái nhất, ví dụ như người thân thương nhất của mình và nguyện cho họ an lành. Thứ hai, hình ảnh một người nào đó mà ta không thương không ghét. Thứ ba là một hình ảnh vô thưởng vô phạt của tất cả chúng sanh. Khi nguyện chung như vậy, chúng ta sẽ phát triển lòng từ bi dễ dàng hơn. Sau đó thì chúng ta trở về với Phật ngôn là:
Trên dưới và quanh mình,
Không hẹp hòi oan trái
Không hờn giận, căm thùÐừng nên lựa những hình ảnh riêng vì làm như vậy sẽ khiến chúng ta cảm thấy khó khăn. Ví dụ như khi hồi hướng phước chẳng hạn, chúng ta hồi hướng phước cho tất cả chúng sanh. Ban đầu quý vị không để ý đâu, thấy nó tự nhiên, nhưng lâu ngày rồi quý vị sẽ thấy hồi hướng cho chúng sanh cũng là một phương tiện từ lòng Từ bi của mình. Rồi quý vị làm một vài công việc nào khác, đặc biệt là trong lúc tụng niệm, cầu nguyện tám hướng, mười phương chẳng hạn, hay hồi hướng phước, cầu nguyện cho những người đó. Khi có một hình ảnh chung như vậy thì sẽ đẹp hơn, chúng ta sẽ dễ dàng phát triển lòng từ hơn.
*
Câu Phật ngôn kế tiếp:
Khi đi, đứng, ngồi, nằm,
Bao giờ còn thức tỉnh,
Giữ niệm từ bi này,
Thân tâm thường thanh tịnh,
Phạm hạnh chính là đây.Khi tu, chúng ta thường nói đến cái tuyệt đối. Quý vị hay nghe Ngài thuyết pháp đó, thí dụ như khuyên quý vị tu thì khi đi, đứng, nằm, ngồi nên giữ niệm từ bi. quý vị nghe, đừng nghĩ rằng hễ chúng ta tu hạnh Từ bi thì lúc nào cũng phải như vậy. Khi đi, đứng, nằm, ngồi mà phát triển được lòng Từ bi thì điều đó rất tốt. Tuy nhiên với câu Phật ngôn này chúng ta nên hiểu rằng: Hễ lúc đi mà phát triển được lòng Từ bi thì cũng nên phát triển, lúc ngồi mà phát triển được lòng Từ bi thì cứ ngồi. Ðừng nghĩ rằng nhất thiết có ngồi thì mới phát triển được lòng Từ bi, còn khi đi không rải lòng từ bi, khi đứng không rải lòng Từ bi. Câu Phật ngôn này có nghĩa là lúc nào ta cũng phát triển lòng Từ bi và đó là một hạnh trong sạch. Phạm hạnh là hạnh trong sạch.
Trong Kinh Ðức Phật có giảng là quý vị Phạm Thiên có bốn đức tính là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Hễ người nào phát triển lòng từ bi được thì khi di, họ đi trên con đường Phạm Thiên, khi ngồi thì ngồi như vị Phạm Thiên, khi họ nằm, họ đứng là ở chỗ vị Phạm thiên, nơi họ sống là Phạm Thiên giới hay là cõi Phạm Thiên. Bây giờ quý vị cứ nghĩ, hạnh phúc của Chư Thiên, của nhân loại chính là khi nào mà tâm hồn thanh thản nhất, và vùng đất của bậc thánh hay chúng ta gọi là thánh địa, chính là vùng đất của những người có tâm hồn thiện nhiều nhất. Quý vị Phật Tử có thể tâm niệm điều này là hễ chỗ nào chúng ta nằm mà phát triển được lòng từ thì coi như chúng ta được nằm trên cõi Phạm Thiên. Chỗ nào ta di, đứng, ngồi mà phát triển được lòng Từ thì cũng như vậy. Nếu quý vị thấy hình ảnh đó có thể khích lệ tâm hồn của mình thì nên cố gắng để phát triển.
*
Ðoạn sau cùng:
Ai xả ly kiến thủ,
Có giới hạnh nghiêm trì,
Ðạt chánh tri viên mãn,
Không ái nhiễm dục trần,
Thoát ly đường sanh tử.Ai xả ly, kiến thủ: Kiến thủ là những gì chúng ta giữ chặt, những oan trái, tham lam, phiền muộn hoặc thô hoặc tế.
Có giới hạnh, chánh tri: Là người có giới hạnh và có tri kiến chân thật. Hai điều này mới nghe thì quý vị thấy lạ lùng. Tại sao vậy? Bây giờ chúng tôi nói quý vị tu tập lòng từ thì quý vị sẽ được giải thoát. Ngày mai quý vị nghe Ngài Hộ Giác nói rằng tu tập Thiền quán sẽ giải thoát. Ngày mốt, quý vị nghe người khác nói tu Bát Chánh Ðạo sẽ giải thoát. Quý vị sẽ tự hỏi: Như vậy cái gì đem lại giải thoát thực sự? Thực ra, tuy lối nói khác nhau nhưng chỉ lấy theo khía cạnh mà nói thôi. Tôi lấy thí dụ, ở đây quý vị nghe bài Từ Bi Kinh thì thấy muốn phát triển lòng Từ bi phải xả ly kiến thủ. Một người có lòng Từ bi mà không có giới hạnh thì chắc chắn người đó không có lòng Từ bi, lòng Từ bi đó không trọn vẹn. Một người có lòng Từ bi mà không chánh kiến thì người ấy chắc chắn cũng không phát triển lòng Từ bi được. Hễ thấy đúng, phải nghĩ đúng thì mới làm đúng được. Hễ người nào có lòng Từ bi thì có thể phát triển được giới hạnh, xả ly được kiến thủ, phát triển được chánh kiến của họ. Tất nhiên những người như vậy sẽ tựu thành viên mãn đạo quả. Ðạo quả đó chính là:
Không ái nhiễm dục trần
Thoát ly đường sanh tửỞ đây, Phật muốn cho chúng ta biết một điều rõ rệt là trong tất cả những thiện pháp, nếu thiện pháp nào mà chúng ta phát triển được ưu việt, có lòng từ bi trong đó, thì đều là nguyên nhân đưa đến giải thoát hết. Cũng giống như quý vị đến xứ sở này, nhất nghệ tinh thì nhất thân vinh, có nghề thì chúng ta làm ra tiền. Mà có tiền thì cuộc sống cũng giống nhau. Như một người khát nước, thì dù đi mua nước hay đào nước, lấy nước bằng cách này hay cách khác để tìm được nước, thì khi uống vào trạng thái "Ðã khát" cũng đều giống nhau hết. Cũng vậy, trong vấn đề tu tập các pháp môn, hễ lòng từ được phát triển thì nó sẽ lôi kéo nhiều thiện pháp khác. Hễ quý vị tu được một điều thiện thì những điều thiện khác tự nó sẽ có cơ hội để phát triển.
Chúng ta lấy thí dụ một vị Bồ Tát. Không có kiếp nào mà Ngài làm trọn vẹn mười pháp Ba La Mật hết. Hễ tu về Bố thí thì nặng về bố thí. Nếu tu hạnh trì giới thì nặng về trì giới, tu về thiền thì nặng về tham thiền. Nhưng hễ tu một hạnh thì những hạnh khác, dù không mạnh bằng, đều cũng tốt như nhau hết. Tuy nhiên hạnh Từ bi thương người là hạnh dễ tu nhất. Nó cũng tương đối dễ, không phải là khó lắm so với các thiện pháp khác như bố thí, trì giới v.v... Nếu quý vị cảm thấy hoan hỷ, nếu quý vị thấy có thể phát triển được thì đó cũng là một đạo lộ giải thoát. Ðức Phật Ngài nói rằng:
Ai xả ly kiến thủ,
Có giới hạnh nghiêm trì,
Ðạt chánh tri viên mãn,
Không ái nhiễm dục trần,
Thoát ly đường sanh tử.Ðoạn sau cùng mà chúng tôi vừa đọc cho quý vị nghe là đoạn Kinh Ðức Phật dạy về kết quả của lòng Từ. Nếu ai phát triển được lòng từ thì người đó sẽ nhập vào giòng Thánh, đi vào con đường giác ngộ và từ từ sẽ đạt đến đạo quả Niết Bàn.
*
Như vậy tóm tắt lại, trong bài kinh này ta tìm thấy được những gì? Ta tìm thấy thiện pháp mà Ðức Phật dạy là lòng Từ, cùng những đức tánh để trau dồi lòng Từ đó, rồi đối tượng của lòng Từ cùng những chướng duyên cản trở chúng ta không phát triển được lòng Từ. Ngài cũng nói đến một hứa hẹn rất là chân thực mà nếu quý vị suy nghĩ, quý vị có thể hiểu được kết quả của lòng Từ. Ngoài ý nghĩa về lòng Từ bi này, còn một vài ý nghĩa khác nữa. Ðó là trong đời sống, mình không nên bắt mình phải tốt hoàn toàn về mọi phương diện. Hễ người nào có trí tuệ thì vị đó gắng học kinh, đọc sách, đừng thấy người khác bố thí được mà buồn phiền trong lòng, tại sao người ta bố thí được mà mình không bố thí, cứ tu hạnh trí tuệ một thời gian thì các thiện pháp khác cũng phát triển. Còn vị nào có hạnh phục vụ thì đừng nói tại sao người ta đọc kinh, đọc pháp mau hiểu còn mình không được. Nếu quý vị phát triển hạnh đó lâu dài thì quý vị cũng được lợi lạc và tiến hóa. Nếu vị nào không bố thí được, không phục vụ được mà lại trì giới thì đừng mặc cảm tại sao mình không làm được những hạnh kia. Nếu trì giới chân thực lâu ngày cho đạt đến kết quả thì trong lòng quý vị, những thiện pháp khác cũng phát triển.
Cho nên quý vị hãy có một niềm tin mạnh mẽ và cố gắng diệt bỏ những buồn phiền trong lòng mình. Chúng ta hãy tin là chúng ta có những cái tốt và cái tốt đó có thể phát triển được. Khi cái tốt phát triển thì cái xấu tự nó sẽ biến mất. Ngọn đèn thắp lên thì bóng tối phải từ từ tan biến. Không nên ngồi đó để than phiền về bóng tối mà hãy thắp lên một ngọn đèn, ngọn đèn có thể xua tan đi bóng tối. Muốn phát triển lòng Từ bi thì qua bài Kinh này chúng ta thấy có cái lý tu, có phương thức tu tập, có những điều sách tấn, khuyến khích chúng ta. Hãy cố gắng đọc bài kinh này, đọc từ đầu đến cuối, đọc từng đoạn khác nhau để nhìn thấy lý lẽ của bài kinh. Quý vị đọc 100 bài thần chú cũng không bằng một bài kinh mà quý vị có thể thông đạt được nghĩa lý, qua nghĩa lý đó quý vị có thể hành trì được.
Trước khi tóm tắt bài kinh lại một lần nữa, chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe một câu chuyện rất ngắn thôi. Ngày xưa có một Sư cô tên Citta. Sư cô là người có lòng tin Tam Bảo rất là mạnh mẽ. Ðời sống của Sư cô thì rày đây mai đó, đi hết chùa này đến chùa khác. Ði đâu Sư cô cũng mang theo một tượng Phật, khoảng 20 cm và đến bất cứ nơi nào, ngôi chùa nào, Sư cô cũng tìm một nơi tôn nghiêm nhất để đặt tượng Phật lên rồi thắp nhang thờ cúng. Lâu ngày Sư cô khám phá một điều là các chùa bên Bắc tông thì tượng Phật nhiều lắm, Sư cô nghĩ tượng Phật của mình quá nhỏ, mỗi lần thắp nhang như vậy cơ hồ khói nhang bay lên các tượng Phật khác ngửi hết. Như thế, biết Phật có chứng cho lòng mình không, mà cũng tội nghiệp cho đức Phật của mình. Sư cô bèn nghĩ ra một sáng kiến hay tà kiến. Sư cô làm một lò hương như chúng ta có đây, nhưng trên có đồ chụp lại, trên đồ chụp có một ống khói, mỗi lần Sư cô thắp hương thì ống khói sẽ dẫn hương thẳng đến mũi tượng Phật. Sư cô thấy yên trí lắm và tin rằng Phật hưởng hết khói nhang mà mình cúng. Và thưa quý vị, lâu ngày thì tượng Phật của Sư cô nám đen cả một vùng!
Chúng ta thờ Phật mà tâm hồn không quảng đại thì lâu ngày không những chỉ đen lỗ mũi thôi mà còn đen hết cả tượng Phật, và Phật trong lòng ta cũng đen như vậy. Chúng ta tu mà ích kỷ quá thì cái gì có trong lòng ta cũng đen thủi đen thui và có lẽ không còn hình ảnh đẹp đâu! Cho nên , hễ tu rồi thì cố gắng phát triển lòng Từ, nó có lợi cho chúng ta về nhiều phương diện lắm. Quý vị sẽ thấy là không phải chỉ đời sống quý vị có những lúc nản lòng, mà đời sống xuất gia của chúng tôi cũng vậy nữa. Có nhiều vị tu sĩ hoàn tục ra đời, có nhiều vị bỏ cuộc, bởi trong cuộc tu không phải ai cũng thành công hết. Nhưng chúng ta nên nhớ một điều rằng, có những thứ trên đời này khó làm, khó chịu đựng, có những cách sống chúng ta không theo được mà vẫn có người làm được là tại sao?
Ðiều mà họ có thể giữ được là có một cái gì đó khiến họ không nỡ dứt áo ra di. Chúng ta biết rằng, có những người phụ nữ Á Ðông, suốt đời lớn lên, lấy chồng, về nhà chồng, làm dâu, sinh con đẻ cái, có thể nói suốt đời, về thể xác, tinh thần, họ không có gì hạnh phúc hết. Vậy mà họ lại có thể chịu đựng được và làm tròn bổn phận mình một cách tốt đẹp, có thể nói rằng họ vì con cái. Chúng tôi thấy rằng có những người sống một đời hết sức là khổ sở mà họ vẫn chấp nhận cho đến trọn cuộc đời là vì con thôi. Chỉ vì con mà họ có thể chịu đựng được, chỉ vì con mà họ có một năng lực phi thường; thì chúng ta cũng vậy. Chúng ta đi tu mà ích kỷ quá thì trong lúc tu, gặp chuyện nản lòng, chúng ta sẽ bỏ cuộc dễ dàng. Nhưng nếu trong đời sống tu hành mà chúng ta nghĩ đến người khác thì dù gặp lúc nản lòng nhất, chúng ta cũng còn biết nghĩ đến người khác, chúng ta ráng thêm được một chút điều này rất có lợi, rất cần thiết cho ta.
Quý vị thấy là học hàm thụ không có mấy ai ra trường hết, mà chúng ta đến lớp ngồi thì chán hết sức. Ngày nào thức dậy cũng phải cắp sách đến trường, rồi rốt cuộc cũng công thành danh toại; còn người ta gởi bài đến nhà để học hàm thụ thì không ai đậu hết. Quý vị đến chùa, chư Tăng la lên la xuống thì quý vị học Phật pháp được, mà ở nhà đọc kinh đọc sách quanh năm không nhớ chữ nào hết!
Ðôi khi trong đời sống chúng ta, có một chút bó buộc cũng rất ích lợi, và nếu đó là sự ràng buộc của lòng từ, do chính mình lựa chọn thì đó là một phước duyên chứ không phải một điều cay đắng. Nếu vì bị ràng buộc mà cảm thấy cay đắng thì cũng chỉ là chuyện nhất thời. Chúng tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, trong đời sống tu của mình sẽ có được những sự ràng buộc. Chính những ràng buộc đó sẽ cứu vớt chúng ta trong những giai đoạn yếu đuối nhất. Cầu mong Tam Bảo gia hộ quý vị!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thuyết giảng tại Thụy Sĩ, 1996/2540
Tỳ khưu Giác Ðẳng
Trụ trì chùa Pháp Luân
13913 South Post Oak Road,
Houston, TX 77045
Hoa Kỳ
Chân thành cám ơn đạo hữu NQ đã giúp dò soát (Bình Anson, 01-2006)
[Trở về trang Thư Mục]
revised: 12-01-2006