Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Cùng một cỗ xe

Mahayana và Theravada

Bình Anson


 

Phật giáo ngày nay có nhiều tông phái với các truyền thống khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta thường phân biệt hai tông phái chính: Phật Giáo Ðại thừa - Mahayana, và Phật Giáo Nguyên thủy - Theravada. Phật Giáo Mahayana thịnh hành ở các nước Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Triều Tiên, và Nhật Bản. Trong khi đó, Phật Giáo Theravada được lưu truyền rộng rãi ở Tích Lan (Sri Lanka), Miến Ðiện, Thái Lan, Lào và Cam Bốt.

Riêng Việt Nam có lẽ là một quốc gia Á Châu đầu tiên mà cả hai tông phái lớn nầy đều được chính thức thừa nhận và đã cộng tác hoạt động trong nhiều thập niên qua. Tông phái Ðại thừa có một truyền thống lâu đời và đã có mặt tại Việt Nam do các tu sĩ Ấn Ðộ truyền sang vào cuối thế kỷ thứ II C.N [10, t. 47]. Tông phái Nguyên thủy cũng có mặt tại vùng đất nầy qua nhiều thế kỷ trong các cộng đồng người Khơ me (Cao Miên) tại miền Nam Việt Nam, và được truyền bá đến các Phật tử người Việt trong thập niên 1940 [11, t. 15]. Trong những năm gần đây lại có những dự án dịch thuật các kinh điển của cả hai truyền thống, từ các văn bản gốc tiếng Hán và tiếng Pali, sang tiếng Việt hiện đại.

Trong bài viết ngắn dưới đây, tôi xin mạn phép trình bày sơ lược về nguồn gốc của Mahayana và Theravada, lồng trong bối cảnh lịch sử phát triển của đạo Phật tại Ấn Ðộ trong khoảng 1000 năm đầu tiên sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn. Tiến trình đó được tạm chia làm ba thời kỳ: thời kỳ nguyên thủy (100 năm), thời kỳ bộ phái (400 năm), và thời kỳ chuyển hóa (500 năm).

1. Thời kỳ nguyên thủy

Trong 45 năm truyền dạy đạo pháp, Ðức Phật đã để lại rất nhiều bài giảng, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, cho nhiều người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Các bài giảng nầy thường được các vị tu sĩ đệ tử ghi nhớ, sắp xếp lại, truyền khẩu cho nhau, và dùng để giảng lại cho người khác. Khi được phân phối đi hoằng dương đạo pháp ở các vùng khác nhau, các bài giảng nầy thường được chuyển dịch ra tiếng địa phương và điều nầy được Ðức Phật chấp nhận và khuyến khích [1, t. 42].

Có một lần, hai vị đại đức Yamelu và Tekula xin phép Ðức Phật để ghi chép và chuyển dịch những bài giảng của Ngài sang tiếng Vedic, vốn là văn tự của giới quý tộc dùng để phúng tụng kinh Vệ Ðà, để bảo đảm tính nhất quán và chính xác của các bài kinh, nhưng Phật không đồng ý. Ngài cho rằng các bài giảng của Ngài phải được phổ biến đến mọi người qua ngôn ngữ địa phương để họ có thể nghe, hiểu và thực hành được [1, t. 43]. Cũng vì vậy mà dù rằng Ðức Phật dùng tiếng Magadhi (Ma Kiệt Ðà) để giảng pháp, nhưng các bài giảng đã được truyền khẩu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Sau khi Ðức Phật nhập diệt, ngài Ma Ha Ca Diếp triệu tập một hội đồng gồm khoảng 500 tu sĩ tại vùng đồi núi ngoại thành Vương Xá (Rajagaha) để kết tập kinh điển, sau nầy được gọi là Ðại Hội Kết Tập Lần Thứ Nhất. "Kết tập" có nghĩa là thu góp, tập hợp lại, ôn lại, đừng để cho tán thất. Tiếng Phạn là "sangiti", có nghĩa là cùng nhau tụng lại (chanting together). Trong Ðại Hội nầy, ngài Ma Ha Ca Diếp là chủ quản, ngài A Nan Ða đọc lại các bài kinh giảng và ngài Ưu Ba Ly đọc lại các điều luật. Sau lần kết tập đầu tiên nầy, bộ Luật Tạng và bộ Kinh Tạng được đúc kết [2, t. 69]. Lúc ấy, Kinh Tạng được chia ra thành 4 bộ chính: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, và Tăng Chi Bộ.

2. Thời kỳ bộ phái

Sau đó, nhiều phái đoàn truyền giáo được gửi đi các nơi để hoằng dương đạo pháp, từ miền Trung Ấn đến mạn Nam và mạn Tây xứ Ấn Ðộ. Trong thời kỳ nầy có nhiều biến động, thay đổi bố cục chính trị giữa các vương quốc trong vùng, và vì thế có nhiều thay đổi trong sinh hoạt xã hội, tạo ảnh hưởng đến các sinh hoạt tăng đoàn, nhất là tại những nơi mà Phật giáo còn mới, chưa vững mạnh. Nhiều tu sĩ trẻ trong những vùng nầy bắt đầu cảm thấy có nhu cầu cần sửa đổi giới luật và lề lối sinh hoạt để phù hợp với đời sống địa phương.

Một trăm năm sau ngày Ðức Phật nhập diệt thì có một Ðại Hội Kết Tập Lần Thứ II tại thành Vaisali với 700 tu sĩ, mục đích chính là để giải quyết các tranh chấp về 10 điều luật căn bản, trong đó có luật cấm các tu sĩ thu nhận vàng bạc do dân chúng cúng dường [2, t. 80]. Nhưng thêm vào đó, Ðại Hội cũng duyệt lại các kinh điển, và kết tập một số bài kinh giảng không được đúc kết lúc trước. Ðó là những cơ sở để thành hình bộ kinh thứ 5, Tiểu Bộ, về sau nầy [3, t. 50-56].

Vì Ðại Hội quyết định giử nguyên 10 điều giới luật căn bản mà không sửa đổi, một số tu sĩ trẻ không hài lòng và bắt đầu có khuynh hướng ly khai. Ðây là mầm mống đưa đến sự phân chia đầu tiên trong tăng đoàn: bộ phái Trưởng Lão Thuyết Bộ (Sthaviravada) gồm các tu sĩ có khuynh hướng bảo thủ, và Ðại Chúng Bộ (Mahasanghika) gồm các tu sĩ có khuynh hướng cải cách [2, t. 81].

Một trăm năm sau đó, một Ðại Hội Kết Tập Lần Thứ III được triệu tập dưới thời vua A Dục (Asoka), 268-232 T.C.N. (Trước Công Nguyên). Dưới sự chỉ đạo của ngài Mục Kiền Liên Tu Ðế (Moggaliputta Tissa), Ðại Hội nầy gồm khoảng 1000 tu sĩ đúc kết Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Kinh Tạng (Sutta Pitaka) giờ đây gồm 5 Bộ Kinh: Trường Bộ, Trung Bộ, Tiểu Bộ, Tương Ưng, và Tăng Chi [2, t. 109]. Thêm vào đó, tổ chức tăng đoàn theo truyền thống Trưởng Lão Thuyết được chấn chỉnh lại theo đúng các giới luật.

Trong thời kỳ nầy, Ðại Chúng Bộ bắt đầu phân chia ra thành nhiều tông phái. Nhiều nhà sử học ghi nhận có tất cả bốn lần phân chia, tổng cộng là 7 tông phái trong vòng 200 năm. Bên cạnh đó, Trưởng Lão Thuyết Bộ cũng bị phân chia bảy lần, tạo ra mười một tông phái [2, t. 111]. Vì vậy mà ngày nay có nhiều sách viết về "mười tám tông phái", cộng thêm với hai bộ phái đầu tiên [4, t. 123]. Tuy nhiên, cũng có sách đã liệt kê đến 34 tông phái [2, t. 115].

Vua A Dục là một vị vua rất sùng bái đạo Phật, và đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc phát huy đạo pháp. Ngài đã gửi nhiều phái đoàn đi truyền giáo nhiều nơi. Trong đó có Ðại đức Mahinda, một trong những người con của ngài, cùng với 4 vị tu sĩ được gửi sang đảo Tích Lan để truyền bá đạo Phật. Một mặt khác, đạo Phật cũng được phát triển rộng rãi ở mạn Tây Bắc, và trung tâm Phật giáo ở Kashmir trở thành một trong những trung tâm chính thời đó. Trong thời kỳ nầy, các tư tưởng Ðại thừa bắt đầu thành hình, và thâm nhập vào một vài tông phái của Ðại Chúng Bộ, chẳng hạn như tông Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravadin).

3. Thời Kỳ Chuyển Hóa: Theravada

Khi Ðại đức Mahinda và phái đoàn truyền giáo sang Tích Lan, ngài được vua Tích Lan giúp xây cất một ngôi chùa lớn, gọi là Ðại Tự Viện (Mahavihara), và từ đó thành lập tông phái Ðại Tự Viện ở xứ nầy. Một trăm năm sau thì một ngôi chùa khác, tự viện Vô Úy Sơn (Abhayagiri), được xây cất và các tu sĩ ở chùa nầy bắt đầu tạo ảnh hưởng lớn mạnh ở Tích Lan. Thêm vào đó, cũng có nhiều nhóm tu sĩ với khuynh hướng đại thừa từ Ấn Ðộ sang hoạt động tại xứ nầy, nhưng không có ảnh hưởng sâu rộng. Sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai tông phái nguyên thủy Ðại Tự Viện và Vô Úy Sơn kéo dài qua nhiều thế kỷ, và chỉ chấm dứt vào khoảng thế kỷ thứ 12, khi nhóm Ðại Tự Viện được vua Parakkamabahu chính thức thừa nhận, kết tạo thành tông phái Theravada như chúng ta thấy được ngày nay.

Vào những thập niên cuối cùng trước công nguyên (29-17 T.C.N.), khoảng 500 tu sĩ phái Mahavihara tập họp lại và bắt đầu cho viết các bộ Kinh, Luật và Thắng Pháp trên một loại giấy bằng lá bối đa. Lần đầu tiên, sau gần 500 năm truyền khẩu, ba bộ Tạng được ghi chép hoàn toàn trên lá bối, và từ đó bộ Tam Tạng kinh điển hệ Pali được tạo ra và lưu truyền cho đến ngày nay. Ðó là Ðại Hội Kết Tập Lần Thứ IV. Sở dĩ văn tự Pali được dùng vì đó là ngôn ngữ chính thống miền Tây Ấn và là ngôn ngữ sử dụng bởi ngài Mahinda. Nhờ tình trạng xã hội tương đối ổn định và đảo Tích Lan tương đối biệt lập nên các bộ Tam Tạng nầy đã được gìn giữ nguyên vẹn, dù rằng trong khi sao chép chuyển truyền từ đời nầy sang đời khác, có thể có một vài sửa đổi, sơ sót. Nhưng đó chỉ là các đoạn nhỏ, không quan trọng [3, t. 59-60]. Từ đó, Ðại Tạng Kinh được truyền bá sang các nước lân cận như Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, và Cam Bốt. Ngoài ra, một số các bài luận thuyết của các danh sư trong thời kỳ nầy, như bộ Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga) của ngài Phật Âm (Buddhaghosa) trước tác trong thế kỷ 4 C.N., bộ Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammattha Sangaha) của ngài Anuruđha, ... cũng được quý trọng, gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay.

Danh từ Theravada là tiếng Pali, đồng nghĩa với chữ Sthaviravada của tiếng Sanskrit, có nghĩa là giáo thuyết của các vị trưởng lão (Doctrine of the Elders). Sách Tàu thường dịch là Trưởng Lão Bộ, có khi dịch là Thượng Tọa Bộ, nhưng dịch sát nghĩa là Trưởng Lão Thuyết Bộ, là một trong hai bộ phái chính từ thời kỳ nguyên thủy. Tuy nhiên, danh từ Theravada ngày nay thường được dùng để chỉ truyền thống Phật giáo Nam tông, bắt nguồn từ Tích Lan, chịu nhiều ảnh hưởng của nhóm Ðại Tự Viện (Mahavihara), do Ðại đức Mahinda và các tu sĩ thuộc tông phái Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavada), một nhánh của Trưởng Lão Thuyết Bộ, truyền bá vào Tích Lan khoảng 200 năm trước Công nguyên. Có sách cho rằng thật ra, ngài Mahinda thuộc truyền thống Xích Ðồng Diệp Bộ (Tamrasatiya), bộ phái của các tu sĩ mặc y màu đồng đỏ và là một nhánh nhỏ của Phân Biệt Thuyết Bộ [12, t.17-18]. So với các tông phái khác vẫn còn hoạt động ngày nay, truyền thống Theravada có thể được xem như là một truyền thống tương đối lâu đời nhất, tương đối gần với thời kỳ nguyên thủy nhất.

4. Thời Kỳ Chuyển Hóa: Mahayana

Khoảng 200 năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn, phái Ðại Chúng Bộ bành trướng tại nhiều vùng của xứ Ấn Ðộ và bắt đầu phân hóa thành nhiều tông phái, trong đó có tông phái Lokottaravada (Thuyết Xuất Thế). Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, các tông phái đều sử dụng kinh điển A hàm (Agama) bằng ngôn ngữ Sanskrit, mặc dù đã có một vài sửa đổi để hàm chứa tư tưởng đại thừa. Cho đến nay, các sử liệu đều chỉ rằng kinh điển đại thừa bắt đầu xuất hiện trong những năm cuối cùng trước Công nguyên, lúc đầu là một vài bài kinh ngắn, về sau được bổ sung thêm và bành trướng, kết tập lại thành những bộ kinh lớn.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết đích xác là danh xưng Mahayana - Ðại Thừa bắt đầu được sử dụng vào lúc nào, bắt nguồn từ tông phái nào trong thời kỳ bộ phái. Ðầu tiên, danh xưng Bồ Tát Thừa được dùng, rồi dần dần về sau, danh xưng Ðại Thừa xuất hiện trong các bộ kinh mới. Bộ kinh đầu tiên có đề cập đến danh xưng nầy là bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Có lẽ đó là kết tụ của những tiến hóa tư tưởng trong mấy trăm năm sau khi có sự phân hóa tăng đoàn lần đầu tiên. Có học giả cho rằng Mahayana bắt nguồn từ Ðại Chúng Bộ vì cùng có những ý niệm phóng khoáng trong giới luật. Tuy nhiên các ý tưởng của tông phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin), một tông chính của Trưởng Lão Bộ, cũng được thu dụng và hàm chứa trong kinh điển Mahayana. Có học giả cho rằng Mahayana phát nguồn từ các tu sĩ có tư tưởng cải cách từ nhiều tông phái khác nhau, như tông Nhất Thuyết Bộ (Ekavyavaharika), Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravadin), Kế Dẫn Bộ (Kaukutika), v.v... [2, t. 261].

Kinh điển Ðại thừa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, có hệ thống hơn, từ thế kỷ 1 C.N. trở về sau. Tiếc rằng các bộ kinh đầu tiên, như Kinh Duy Ma Cật, Liễu Ba La Mật, Bồ Tát Tạng, Tam Pháp Kinh, v.v... nay không còn nguyên bản Sanskrit, mà chỉ còn dịch bản chữ Hán và Tây Tạng, nên không thể đối chiếu, truy tầm nguồn gốc [2, t. 276]. Tuy nhiên các bộ kinh đại thừa quan trọng khác như Ðại Bát Nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, A Di Ðà vẫn còn các bản gốc tiếng Sanskrit [2, t. 275-295].

Sự xuất hiện các bộ kinh đại thừa và sau đó là các quyển luận thuyết của các ngài Mã Minh, Long Thọ, Long Trí, Ðề Bà, Vô Trước, Thế Thân trong bốn thế kỷ đầu Công nguyên đánh dấu sự thành hình và bành trướng nhanh chóng của Phật giáo Mahayana trong toàn xứ Ấn Ðộ. nh hưởng nầy đã dần dần lan rộng sang Trung Hoa, và từ đó có những phong trào truyền bá, chuyển dịch kinh điển ở Trung Hoa qua nhiều thế kỷ, từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 C.N., qua ba ngõ giao thông chính: đầu tiên là qua miền Trung Á, qua ngõ Nepal - Tây Tạng, và bằng đường biển.

5. Cùng một cỗ xe: Pháp thừa (Dhammayana)

Tóm lại, trong 100 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt, giữa Ðại Hội Kết Tập Lần I và II, Ðạo Phật được xem như là ở trong thời kỳ nguyên thủy, với một tăng đoàn tương đối còn ít, có nhiều liên hệ chặt chẻ, giới luật thuần nhất, dưới sự lãnh đạo của các cao tăng vốn đã xuất gia và thọ giới khi Ðức Phật còn tại thế.

Sang thời kỳ bộ phái, kéo dài khoảng 400 năm từ sau Ðại Hội II cho đến đầu Công nguyên, các mầm mống phân hoá đã bắt đầu xuất hiện, với sự phân chia thành hai Bộ, và sau đó tiếp tục phân hóa thành 18 tông. Qua Ðại Hội III được tổ chức dưới triều vua A Dục, việc kết tập Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng xem như đã hoàn tất. Mặc dù trong thời kỳ nầy các kinh A Hàm và giới luật nguyên thủy vẫn được các tông phái tôn trọng - với những cách diễn dịch khác nhau - các ý tưởng canh tân, đại chúng hóa đạo pháp bắt đầu thành hình, nhất là trong thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên.

Thời kỳ tiếp theo là thời kỳ chuyển hóa, kéo dài khoảng 500 năm cho đến đầu thế kỷ 6. Trong thời kỳ nầy, Phật giáo bắt đầu có hai hướng phát triển khác nhau, và kéo dài ảnh hưởng đến ngày nay. Từ Ấn Ðộ, đạo Phật được truyền về hướng Nam, sang đảo Tích Lan, và tạo lập một căn bản vững chắc ở đó. Ðại Hội Kết Tập lần IV tại Tích Lan đánh dấu việc ghi chép toàn bộ Tam Tạng Kinh - Luật - Thắng Pháp trên lá bối, và được lưu truyền cho đến ngày nay qua truyền thống Theravada.

Cũng trong thời kỳ nầy, các tư tưởng canh tân của Ðại thừa đã bắt đầu tạo ảnh hưởng lớn mạnh, qua các bộ kinh điển mới và qua các bộ luận thuyết của các danh tăng vào giữa và cuối thời kỳ nầy. Các tông phái Ðại thừa bắt đầu xuất hiện và tăng trưởng nhanh chóng. Ðạo Phật truyền sang mạn Tây Bắc, tạo lập trung tâm Phật giáo ở Kashmir, và từ đó truyền vào Trung Hoa.

Khi đạo Phật bắt đầu bành trướng ở Trung Hoa, tăng đoàn ở đó đã thu nhận và chuyển dịch rất nhiều kinh điển, từ nhiều nguồn gốc và tông phái khác nhau, và qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các bộ Tam Tạng nguyên thủy được dịch ra chữ Hán từ hai, ba tông phái khác nhau, chẳng hạn như từ tông Thuyết Xuất Thế Bộ và Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Các bộ kinh chính của Ðại thừa cũng thế, có nhiều thay đổi theo thời gian, và được bổ sung, sửa chữa nhiều lần. Có khi các bộ kinh nầy chỉ được truyền khẩu bằng tiếng Phạn vào Trung Hoa, rồi sau đó mới được dịch, giản lược, nhuận sắc và ghi chép lại [5, t. 365-368]. Có khi các danh tăng Trung Hoa du hành sang Ấn Ðộ học tập rồi mang về các bộ kinh điển để phiên dịch và phổ biến trong nước. Cũng có những bộ kinh không có nguồn gốc rõ ràng và có lẽ đã được trước tác tại Trung Hoa. Ngài Ðạo An trong thời Ðông Tấn, thế kỷ thứ 4 CN, đã từng đặt vấn đề "kinh nghi ngụy" để xác định kinh thật, kinh giả. Cả hai truyền thống chính -- Theravada và Mahayana -- đều có mặt tại xứ nầy trong thời gian đó.

Ðể sắp xếp và thống nhất nguồn gốc của các loại kinh điển, các tăng sĩ thời đó đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau (các học thuyết "phán giáo"). Trong đó, thuyết của ngài Trí Giả, tông Thiên Thai , là phổ thông nhất và vẫn còn thấy lưu dụng cho đến ngày nay trong một số sách Phật giáo. Ngài cho rằng Ðức Phật đã giảng kinh pháp trong 5 thời kỳ (ngũ thời phán giáo): Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Ðẳng, Bát Nhã, và Pháp Hoa - Ðại Niết Bàn [5, t. 442], và vì thế có nhiều loại kinh điển từ nhiều tông phái khác nhau. Tuy nhiên, đây chỉ là một lối giải thích chủ quan để tổng hợp, hệ thống hóa toàn bộ kinh điển và biện minh sự siêu việt của Pháp Hoa tông mà thôi. Giả thuyết nầy không có chứng liệu lịch sử, và không được các nhà nghiên cứu sử học Phật giáo ngày nay công nhận [5, t. 305-310; 6, t. 151-152].

Tại Tích Lan cũng thế, trong những thế kỷ đầu tiên, cả hai truyền thống Mahayana và Theravada đều có mặt tại xứ nầy, mặc dù truyền thống Theravada có ảnh hưởng mạnh hơn, như ngài Pháp Hiển đã ghi nhận trong quyển Phật Quốc Ký [8, Ch. 2]. Ngài cũng ghi nhận là có các nhóm tu sĩ phái Ðại Tự Viện, tuy là Theravada nhưng có tinh thần đại thừa rất cao [2, t. 275]. Còn tại Ấn Ðộ, các ngài Huyền Trang [9] và Pháp Hiển đều ghi nhận sự hoạt động hài hòa của nhiều tông phái khác nhau trong nhiều thế kỷ.

Ở Việt Nam, cả hai tông phái Mahayana và Theravada đều được công nhận và cùng chung nhau hoạt động trong công tác hoằng dương đạo pháp. Hiến chương Phật giáo Việt Nam soạn ra năm 1963 đã chính thức xác nhận điều đó [4, t. 394]. Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm, chúng ta không nên dùng chữ "Tiểu thừa" để gọi tông phái Theravada. Ðiều nầy thường gặp trong một số sách báo và bài viết về đạo Phật. Thật ra, "Tiểu thừa" là dịch từ chữ "Hinayana" -- cỗ xe nhỏ -- một chữ dùng rất nhiều trong kinh điển và luận thuyết Ðại thừa, có hàm ý chê bai, khinh miệt. Có lẽ đây là một dụng ý thâm sâu của các tu sĩ luận sư Ðại thừa để chê bai các bộ phái nguyên thủy, bởi vì nếu họ chỉ có ý muốn diễn tả một cỗ xe nhỏ thì danh từ "Culayana" có ý nghĩa chính xác và nghiêm túc hơn.

Cũng cần ghi nhận ở đây là các danh xưng Ðại thừa và Tiểu thừa chỉ thấy đề cập trong kinh luận Mahayana xuất hiện về sau, mà không thấy trong kinh điển nguyên thủy. Trong hệ Pali Nikaya cũng như hệ Hán tạng A-hàm, Ðức Phật có dạy ngài Ananda về một cỗ xe Pháp duy nhất, Pháp thừa (Dhammayana), đó là Con Ðường Tám Chánh (Bát Chánh Ðạo), như đã ghi lại trong Tương Ưng Bộ và Tạp A-hàm (SN XLV.4, SA 769):

"Này Ananda, Con Ðường Tám Chánh nầy là đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe Pháp, là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục tham, sân, si."

Khi đọc kinh điển, chúng ta cần phải hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử xã hội khi các kinh nầy được tạo ra. Các kinh Ðại thừa được trước tác và xuất hiện vào cuối thời kỳ bộ phái, nghĩa là khoảng 400-500 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt. Ðây là các tư tưởng cải cách để đại chúng hóa đạo Phật, đối kháng lại đường lối thủ cựu, giáo điều, chấp kiến và vị kỷ của một số tu sĩ trong giới lãnh đạo tăng đoàn của nhiều tông phái thời bấy giờ, chứ không phải để ám chỉ riêng biệt một tông phái nào cả [2, t. 257].

Khuynh hướng ngày nay là dùng chữ Mahayana và Theravada nguyên ngữ để chỉ hai tông phái chính nầy. Khi dịch sang Việt ngữ, thường thì chúng ta dùng danh từ Phật Giáo Ðại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy, nhưng cũng có sách dùng danh từ Phật Giáo Bắc Truyền (Bắc Tông) và Phật Giáo Nam Truyền (Nam Tông) để chỉ hướng truyền đạo của Phật Pháp trong thời kỳ chuyển hóa [7, t. 202]. Gần đây lại thấy có sách dùng danh xưng Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) và Phật Giáo Phát Triển (Mahayana) cho hai hệ phái chính ở Việt Nam [13, t. 7].

Dù là tông phái nào đi nữa, đó cũng chỉ là giáo pháp phương tiện giúp ta tu tâm tịnh ý để được an lạc và giải thoát. Cần phải hiểu rõ nguồn gốc và hoàn cảnh lịch sử trong tiến trình phát triển các bộ kinh điển và tông phái, để có được một sự thông cảm, hòa đồng và tương kính. Trong kinh Pháp Hoa, Phật có nói: "Chư Phật chỉ dùng một cỗ xe duy nhất đưa đến giải thoát (Nhất thừa Phật đạo), không có hai mà cũng chẳng có ba", và trong Tiểu Bộ và Tăng Chi Bộ của kinh tạng nguyên thủy, Ngài cũng dạy rằng: "Như tất cả các đại dương đều có cùng một vị mặn, các giáo pháp của Ta cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát."

Bình Anson,
Perth, Western Australia
Tháng 04, 1996
Hiệu đính: Tháng 10, 1999


Tham Khảo

[1]. Thích Nhất Hạnh (1990), Con đường chuyển hóa. NXB Lá Bối, San Jose.
[2]. Hirakawa Akira (1993), A history of Indian Buddhism. Motilal Banarsidass, Delhi
[3]. Samanera Bodhesakho (1984), Beginnings: The Pali Suttas. Buddhist Publication Society, Kandy.
[4]. Thích Ðức Nhuận (1983), Phật học tinh hoa. Phật học viện Quốc tế, California.
[5]. Kenneth Chen (1964), Buddhism in China. Princeton University Press, Princeton.
[6]. Noble R. Reat (1994), Buddhism - A history. Asian Humanities Press, Berkeley.
[7]. Thích Minh Châu và Minh Chi (1991), Từ điển Phật học Việt Nam. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[8]. Thích Minh Châu (1997), Pháp Hiển -- Nhà chiêm bái. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Sài Gòn.
[9]. Thích Minh Châu (1988), Huyền Trang -- Nhà chiêm bái và học giả. Phật học viện Quốc tế, California.
[10]. Thích Minh Tuệ (1993), Lược sử Phật Giáo Việt Nam. Chùa Xá Lợi. Sài Gòn.
[11]. Lê Minh Qui (1981), Hòa thượng Hộ Tông. Trung tâm Narada, Seatle.
[12]. Thích Nhất Hạnh (1993), Kinh Người áo trắng. NXB Lá Bối, San Jose.
[13]. Thích Thanh Từ (1999), Chánh tín và mê tín. Nguyệt san Giác Ngộ, số 35, tháng 2-1999, Sài Gòn.


[Trở về trang Thư Mục]