BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm hiểu Ðạo Phật
Maha Thongkham Medivongs


Chương 12

Ðặc Tính của Pháp Bảo

Hiện nay Phật giáo được nhiều người không phân giai cấp, màu da trong thế giới sùng bái, và còn có nhiều người đang tìm hiểu nghiên cứu Phật giáo. Sự thật, vật gì mà có nhiều người yêu chuộng tìm kiếm, thì vật ấy thường có người giả mạo. Cũng như Phật giáo vì nhiều người muốn học, muốn nghiên cứu nên cũng có lắm kẻ nắm lấy cơ hội lợi dụng lòng tín thành mà bịa cho đây là Phật ngôn. Vì vậy, người muốn tìm chân lý phải làm sao để nhận định được đâu là Phật ngôn, đâu là lời bịa của kẻ lợi dụng thời cơ.

Ðức Thế Tôn đã biết trước đây hơn 25 thế kỷ rằng sẽ có những kẻ hoặc là Tỳ-khưu phá giới, hay kẻ lợi dụng thời cơ bịa lời Phật ra để đưa người đi vào đường lối của phiền não.

Vì biết vậy, nên Ðức Thế Tôn có dạy khuôn vàng thước ngọc để đo coi đâu là Phật ngôn đâu là Tà thuyết. Pháp làm khuôn vàng, thước ngọc ấy gọi là: Trạng thái Pháp của Phật, hay cũng có nơi gọi là Ðặc Tính Của Pháp Bảo. Có tám chi là:

1. Virãga. Pháp nào mà người thực hành theo dứt bỏ được ái dục. Nghĩa là khi hành đúng theo Pháp này thì Tâm giải thoát sự ham mê dục tình. Người hành theo pháp nên xem lại Tâm mình coi, khi hành ấy Tâm thay đổi như thế nào. Khi thấy tâm nhàm chán với dục vọng, luyến ái trong vòng luân hồi. Ðây mới là Pháp của Phật, Pháp của Phật đem lợi ích đến người như thế.

2. Visamyoga. Pháp nào mà người hành theo thoát khỏi khổ, có nghĩa là: khi hành theo pháp ấy thì diệt được khổ trong kiếp hiện tại và vị lai.

3. Apacaya. Pháp dạy người hành theo xa lìa tất cả các phiền não, có nghĩa là: Pháp nầy người hành theo diệt được tất cả lòng tham lam tài sắc, lợi, danh. Diệt được lòng Sân hận oán thù. Diệt Si mê là sự không thấy rõ Pháp Tứ Diệu Ðế, mặc dầu là không thấy rõ.... (Muốn xem Tứ đế xin xem quyển "Lịch sử đức Phật tổ Cổ Ðàm" hay "38 Pháp Hạnh phúc" cùng một tác giả).

4. Appicchata. Pháp nào dạy người hành theo giảm lòng ham muốn, cũng có nghĩa là làm cho lòng ham muốn càng ngày càng giảm thiểu.

5. Santutthi. Pháp dạy người hành theo được có Tri túc, có nghĩa là khi hành theo Pháp ấy thì có sự tri túc, không ham muốn quá đáng. Sống cách nào cũng được, ở sao cũng được không làm nô lệ cho bản thân tội khổ nầy.

6. Paviveka. Pháp nào dạy người hành theo làm cho Tâm yên lặng, có nghĩa là không vọng động với tài sắc lợi danh bên ngoài, tâm chỉ thích thanh tịnh.

7. Viriyarambha. Pháp nào dạy cho người hành theo càng ngày càng tinh tấn, có nghĩa là khi người hành theo pháp ấy lòng thấy tinh tấn để mau đi ra ngoài vòng thống khổ.

8. Subharata. Pháp nào dạy người hành theo không có sự dễ duôi, lười biếng. Có nghĩa là người hành theo pháp ấy không dám bỏ thì giờ quí báu trong những chuyện vô bổ, như nói chuyện vô ích, xem hát v.v...

Trái lại, người hành theo pháp nào mà không có những đặc tính trên, đó không phải là Phật-ngôn, mà là lời dạy của kẻ lợi dụng thời cơ lòng tin tưởng để đưa người vào con đường quấy.

Tóm lại, Phật dạy con người bỏ phiền não, diệt tội lỗi, oán thù oan trái v.v... Nên nhớ kỹ rằng: Ðức Thế-Tôn bỏ cả vạn vật mà con người thế gian ai cũng ham muốn. Ðó là chiếc Ngai vàng, nơi ấy là nơi chứa đủ mọi việc hạnh phúc trên đời nầy là uy quyền, giàu sang v.v... Vậy nên, không bao giờ Ngài dạy chúng ta lượm lấy cái nhơ nhớp ấy bỏ vào mình, trái lại nếu có, Ngài còn dạy bỏ bớt đi. Nên khi quí vị xem đến đoạn nầy xin nhớ rằng: Những gì, mà trên đời nầy người ưa muốn tìm kiếm đem về cho mình càng nhiều càng hay, thì Ðức Thế-Tôn dạy đệ tử Ngài nên bỏ những chuyện ấy đi, càng nhiều càng quí. Ngài ví tài, tình, danh lợi, uy quyền trên thế gian nầy như bọt nước, có nghĩa là bọt nước rất mau bể. Ngài ví như lằn chớp điện, chưa thấy được kịp là đã mất, Ngài ví như giấc chiêm bao, thấy ấy nhưng không đem dùng vào đâu được.

Ngài dạy rất nhiều nhưng nơi đây tôi chỉ nhắc sơ cho thấy rằng: Mọi vật không phải của ta, nó mất đi khi ta dùng nó chưa thỏa mãn. Vì vậy nên các bậc Thánh-nhơn nhận thấy những gì trên đời nầy, mà người ưa mến, chạy theo không khác nào là miếng nước bọt. Có nghĩa là nước bọt ấy thật bất tịnh, vì vậy nên người đã nhổ bỏ thì không bao giờ liếm lại. Chỉ có chúng sanh vì những miếng nước bọt ấy mà luân hồi. Quí vị đã thấy trên đời nầy lắm người vì tham quyền cố vị mà chết đau khổ, hay còn rất nhiều chuyện tương tợ như vậy nữa.

Theo những lời nói trên chứng cho quí vị thấy rằng: Ðức Thế-Tôn không bao giờ dạy người đi trên danh lợi, nhất là Ngài không dạy đệ tử Ngài nói xấu kẻ khác, mặc dầu người ấy có xấu chăng nữa. Quí vị thấy người xuất gia cũng như người cư sỉ, nếu nói xấu kẻ khác thì nên tránh xa đi, vì đó không phải là Phật tử chân chánh. Xin nhắc quí vị câu của ông Ðề-bà-đạt-đa nói: - Mặc dầu ta làm hại Phật đủ đều, nhưng Ngài vẫn thương ta như Thái tử Ra-hầu-la. Câu nầy để chỉ cho ta thấy rằng: Lòng thương của Ðức Thế-Tôn, dù cho người ta làm hại Ngài, Ngài cũng không hề oán hận, mà vẫn thương như con đẻ. Vậy người đệ tử Ngài, ít ra cũng hành theo được phần nào về hạnh cao cả ấy, nếu không hành được hạnh ấy thì nơi đây miễn bàn thêm nữa!

-oOo-

[Chương trước][Mục Lục][Chương Kế]


[Trở về trang Thư Mục]