BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Viện Nghiên
Cứu Phật Học Việt Nam
Phật Học Khái Luận -- Thích Chơn Thiện
In Lần Thứ Hai - 1997
Chương
Hai - Pháp Bảo Tứ Thánh Ðế(tiếp theo) * Khổ Diệt Thánh Ðế (Nirodha) Nếu Khổ tập Thánh đế là tham ái thì Khổ diệt Thánh đế là tham ái diệt, là khổ diệt hay Niết-bàn. Niết-bàn như đã được trình bày ở chương Phật Bảo, được đề cập ở Duyên khởi và ngũ uẩn trong chương Pháp Bảo này, là cảnh giới giải thoát, thoát ly ngôn ngữ khái niệm, thoát ly mọi tướng trạng diễn đạt, thoát ly năm thủ uẩn, nên không phải là vấn đề của khảo sát. Các kinh điển Phật giáo chỉ có thể định nghĩa Niết-bàn, hay phương tiện chỉ bày Niết-bàn bằng các từ ngữ rất phủ định như Niết-bàn là ái diệt, Khổ diệt, tham sân si diệt, thức diệt, hành diệt, vô minh diệt, v.v... Ở đây, chỉ nỗ lực trình bày sự bất lực trong việc diễn tả Niết-bàn, và chỉ rõ một số ngộ nhận về Niết-bàn trong khả năng có thể. Câu chuyện thời danh về con rùa kể chuyện đất liền cho loài cá nghe cho chúng ta khái niệm rằng, ngôn ngữ chuyên chở ngã tính của con người hoàn toàn bất lực trong việc diễn đạt Niết-bàn. Càng nỗ lực diễn đạt càng tạo thêm ngộ nhận. Một điều mà chúng ta có thể đề cập là Niết-bàn thoát ly ý niệm nên ở ngoài thời gian và không gian, nên hẳn nhiên Niết-bàn không phải là một nơi chốn, không phải sớm, muộn, lâu dài, ngắn ngủi, v.v... không có vận chuyển, không phải là kết quả hay hậu quả của bất cứ gì, không phải là tương đối hay tuyệt đối, không phải thường hay vô thường. Chỉ có thể nói Niết-bàn là thực tại như thật, nhận biết được bằng thể nhập do ái diệt hay khổ diệt. Con đường dẫn đến Niết-bàn là con đường đoạn trừ khổ đau mà ta sẽ khảo sát tiếp. Dù không diễn tả được, nhưng quyết định Niết-bàn có thực; nó là thực tại như thật. Không thể xem Niết-bàn chính là cuộc đời này. Ở nơi nào có mặt tuệ giác Vô ngã hoàn toàn, ở đó có Niết-bàn, như Thế Tôn dạy: "Cái nào có bản chất của sinh thì cũng có bản chất của diệt; Năm uẩn, do đó, có đủ mầm mống của sinh và mầm mống của diệt, có đủ khát ái, tuệ giải thoát và có đủ Bốn Thánh đế". Có một điểm mà chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng là, ái diệt là Niết-bàn, nhưng công phu tu tập để đoạn diệt ái không phải là nhân của Niết-bàn, mà là dẫn đến Niết-bàn. Ví như con đường đưa đến Tịnh xá Trúc Lâm không phải là Tịnh xá Trúc Lâm. Ðiều này không khó hiểu, bởi vì thực tánh của con người có sẵn, tu chỉ là việc làm cho tan hết mây mù đang che khuất trăng Thật Tánh, mà không phải là làm ra trăng Thật Tánh. Tất cả những tư duy, nói năng, diễn đạt và tu tập của con người chỉ là những việc nói chuyện với mây, đối thoại với gió, giới hạn ở vùng mây mù. Chúng ta không thể đi xa hơn nữa để đặt ra những câu hỏi và trả lời về trăng như thật. Tại đây ta có thể kết luận Khổ diệt Thánh đế là khát ái diệt, hay thủ diệt, hay thức diệt, hay hành diệt, vô minh diệt... hoặc sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Một trong các chi phần ấy hoàn toàn đoạn diệt là Niết-bàn. Ðiều mà chúng ta sẽ đề cập đến nhiều là con đường tu tập đưa đến Niết-bàn, hay gọi là Khổ diệt Ðạo Thánh đế. * Khổ Diệt Ðạo Thánh Ðế (Magga). Hầu hết các kinh nói nhiều đến Bát Thánh Ðạo như là con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau. Ðấy là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chánh tinh tấn là nội dung của Tứ chánh cần; chánh niệm là nội dung của Tứ niệm xứ; và chánh định là Từ thiền Sắc giới định (theo Ðế Phân Biệt Tâm Kinh, Trung Bộ Kinh III; hay Phân Biệt Thánh đế, Trung A-hàm, số 31). Nhiều kinh khác của Nikàya và A-hàm lại đề cập đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo (bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như y túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám Thánh đạo) như là Ðạo đế, mà Bát Thánh đạo là giáo lý tiêu biểu. Phần đi sâu vào ba mươi bảy phẩm trợ đạo sẽ được bàn đến ở phần giáo lý Thiền định. Tất cả giáo lý tu tập đều được xây dựng trên căn bản của Giới, Ðịnh, và Tuệ. Giới như là nền tảng từ đó Ðịnh và Tuệ được xây dựng. Nếu thiếu căn bản Giới thì Ðịnh và Tuệ không vận dụng được, ví như đất là nền tảng, nếu thiếu nó thì các sinh vật không di chuyển được. Giới, đấy là lãnh vực giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, rời khỏi tham lam, sân hận và ác hại, ngỏ hầu tạo điều kiện tốt đi vào các tâm lý ly tham, ly sân, ly hại, ly si của Ðịnh, và Tuệ. Các chi phần chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng là thuộc giới này. Thiền định là lãnh vực đối mặt với tâm lý động để loại bỏ các triều ái dục, sân, nghi, trạo cử và hôn trầm, và đi sâu vào tâm lý hỷ, lạc, xả và nhất tâm. Các chi phần chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định thuộc Ðịnh uẩn này. Tuệ uẩn, gồm có hai chi phần chánh kiến và chánh tư duy, là hiểu biết đúng sự thật Tứ Thánh đế, Ngũ uẩn và Duyên khởi, hiểu biết mục đích của tu tập giải thoát là viễn ly tham, viễn ly sân (hay là từ, bi, bất hại tâm) và viễn ly si (viễn ly tà kiến); và thường tư duy về viễn ly tham, sân, si ấy, về Tứ Thánh đế, Ngũ uẩn và Duyên khởi ấy. Ðạo đế lần lượt được thảo luận kỹ ở phần trình bày ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
C. Tứ Thánh Ðế vừa là Giáo Lý, vừa có Yù Nghĩa là Phương Pháp. Thông thường Tứ Thánh Ðế được hiểu là giáo lý như các giáo lý Duyên khởi, Năm thủ uẩn v.v. Thực ra Tứ Thánh đế còn được Thế Tôn trình bày như là phương pháp nhận thức, sống và tu tập. Khổ Thánh đế là kết quả khổ đau biểu hiện của nghiệp nhân quá khứ. Nghiệp nhân đó là tham ái, chấp thủ hay vô minh. Khổ diệt Thánh đế là kết quả đoạn trừ khổ đau do nghiệp nhân là công phu tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Nghiệp nhân này là Khổ diệt đạo Thánh đế. Như thế, Tứ Thánh Ðế được trình bày theo tương quan nhân quả. Bất cứ pháp hữu vi nào, hay khổ đau nào có mặt cũng có nguyên nhân của nó, người tu tập nhận rõ nguyên nhân chính của khổ đau đó thì tất nhiên sẽ cùng lúc thấy rõ sự biến mất của nó và con đường (hay phương pháp) để loại bỏ nó. Một người bỗng nhiên tức giận, đấy là biểu hiện của khổ đế. Muốn đi ra khỏi cơn sân ấy, người ấy phải bình tĩnh tìm hiểu xem do nguyên nhân, ly do nào mà mình nổi sân. Ví dụ, do bị một người khác vô cớ nguyền rủa. Sở dĩ sân hận là do chấp vào âm thanh gọi là lời nguyền rủa kia, và chấp rằng mình có tự ngã (ông A, bà B) và tự ngã này gây tổn thương bởi các âm thanh nguyền rủa ấy. Ðây là Tập đế. Một khi đã thấy rõ Tập đế và có quyết định loại bỏ sân hận kia, thì đương sự chỉ thay đổi cách suy tư của mình; nhìn các âm thanh kia chỉ là hơi gió thoảng, hoặc giả chỉ là các từ rời rạc vô nghĩa; tại sao mình lại tự kết luận đó là lời nguyền rủa? Tại sao mình lại không thể chấp nhận các âm thanh ấy như chỉ là âm thanh hay như tiếng thông reo, gió thoảng? Suy tư như vậy thì có thể dập tắt được chấp thủ kia, do đó dập tắt được cơn sân hận. Chấp thủ kia diệt là ý nghĩa của Diệt đế. Các lập luận để đi đến sự dập tắt ấy là Ðạo đế. Tại đây, Tứ đế xuất hiện như là một phương pháp phân tích các hiện tượng tâm lý xấu để vượt qua chúng. Tương tự, có thể phân tích các hiện tượng tâm lý tốt để duy trì hay phát triển. Một dẫn chứng khác, có một hiện tượng xã hội xãy ra: trộm cướp và tham nhũng. Ðây là Khổ đế, hay ý nghĩa của Khổ đế.
Ở lãnh vực khoa học, Tứ đế vẫn là phương pháp nhận thức và thực hiện. Nước được hình thành (H2O) là ý nghĩa Khổ đế. Sở dĩ được hình thành là do sự kết hợp của Hydro và Oxy, đây là ý nghĩa của Tập đế. Muốn lượng nước này không hiện hữu thì chỉ cần phân tán Hydro và Oxy ấy, cần thực hiện một cuộc phân tích nước (hay gọi là điện giải), đây là ý nghĩa của Ðạo đế. Ở lãnh vực y học cũng thế. Bệnh phát sinh là ý nghĩa của Khổ đế. Nguyên nhân sinh ra bệnh là ý nghĩa của Tập đế. Loại trừ nguyên nhân ấy là bệnh lành (bằng cách cho thuốc đối trị) là ý nghĩa của Diệt đế. Dùng thuốc hay chế thuốc để dùng đối trị là ý nghĩa của Ðạo đế. Trên đây chỉ là một số dẫn chứng điển hình. Nguyên tắc Tứ đế có thể ứng dụng để nhận thức và giải quyết rất nhiều vấn đề của cuộc sống mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần trình bày tiếp theo đây.
D. Ứng Dụng Nguyên Tắc Tứ Ðế vào Ðời Sống Xã Hội. Tìm hiểu nỗi buồn vô cớ: Trong cuộc sống, có khi chúng ta cảm thấy buồn buồn mà không biết lý do. Nỗi buồn này thường được gọi là nỗi buồn vô cớ. Thực ra nỗi buồn nào cũng có nguyên cớ của nó. Có thể buồn vì cơ thể mỏi mệt, có thể buồn vì có một mong ước nào đó không đạt được, có thể buồn vì một thất vọng về người thân, cũng có thể buồn vì thời tiết u ám ở bên ngoài, v.v... Lắng lòng một chốc để thử xem nỗi buồn của ta đến từ lý do nào. Buồn là Khổ đế; lý do của buồn là Tập đế. Nếu vì lý do cơ thể uể oải, mệt mỏi, thì chỉ cần vận động cơ thể tích cực sẽ xua đi được mệt mỏi và sẽ loại bỏ được cảm giác buồn; hoặc giả phải cần một giấc ngủ ngon để lấy lại sức khỏe thì cảm giác buồn cũng sẽ đi xa. Nếu vì lý do tâm lý hay tình cảm thì phải đổi cách suy nghĩ về động cơ tâm lý hay tình cảm đã gây nên nỗi buồn ấy thế nào để mình có thể tự thuyết phục mình, khích lệ mình phấn khởi. Tâm lý phấn khởi xuất hiện thì nỗi buồn cũng bay xa. Dùng tâm lý hân hoan hay phấn khởi để khắc chế buồn, đấy là Diệt đế. Phương cách để chế ngự nỗi buồn là Ðạo đế. Giải quyết bất hòa trong đời sống gia đình, xã hội. Trong đời sống gia đình của cặp vợ chồng trẻ có thể xãy ra những vụ cãi lẫy, giận dỗi, bất hòa. Ðây là Khổ đế. Tìm hiểu nguyên nhân của vụ giận lẫy, bất hòa là tìm hiểu Tập đế. Giải quyết được vụ bất hòa là Diệt đế. Phương cách giải quyết là Ðạo đế. Không phải lúc nào xảy ra bất hòa cũng dễ dàng tìm ra lý do của nó. Có khi vì tự ái, đôi bên không chịu thổ lộ cái lý do mình giận lẫy. Trường hợp này người trong cuộc sẽ không tìm ra cách để giải quyết. Nếu để tình trạng giận lẫy kéo dài thì sẽ gây ra thêm nhiều bất ổn trong tương giao. Ở đây, nguyên nhân của sự không thổ lộ là tự ái. Ðể tránh khỏi cái tình trạng tự ái ấy, gia đình nên quy ước với nhau lập ra một cuốn sổ "hòa hợp" dành để ghi vào đấy những gì mà hai người cảm thấy không thể giáp mặt nói cho nhau nghe. Qua cuốn sổ này, đôi bên có thể tìm thấy ánh sáng của cảm thông; nhờ đó, giải quyết êm đẹp mối bất hòa. Cảm thông ấy là ý nghĩa của Diệt đế, phương cách giải quyết qua cuốn sổ kia là ý nghĩa của Ðạo đế. Tương tự, cuốn sổ "hòa hợp" hay "cảm thông" trên có thể được sử dụng để duy trì hay phát triển mối tương giao tốt của lứa đôi. Trường hợp bất hòa xãy ra giữa các người bà con hoặc láng giềng, bạn bè, có thể vận dụng "đệ tam nhân" thay thế cuốn sổ. Vấn đề phát triển hay duy trì mối tương giao tốt giữa những người này cũng cần được vận dụng thông qua "đệ tam nhân". Trên căn bản của nguyên tắc Tứ đế này có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề rộng lớn hơn ở bình diện quốc gia hay quốc tế. Giải quyết nỗi sợ hãi đám đông Sợ hãi đám đông, bối rối khi xuất hiện trước đám đông, hay lúc nói chuyện trước đám đông, là Khổ đế. Bạn có một lần sợ hãi khi nói chuyện với quần chúng bạn mới nhận ra nỗi đau khổ, ưu não như thế nào. Tâm lý người sợ hãi đám đông là thường muốn rút lui an phận, tiêu cực. Ðây không phải là tâm lý lành mạnh, nếu không muốn nói là bệnh hoạn. Càng lánh mặt đám đông bao nhiêu thì nỗi sợ hãi đám đông lại càng gia tăng bấy nhiêu. Mơ ước thiết tha của người sợ hãi là vượt qua nỗi sợ hãi ấy, nhưng tâm lý của họ thì bảo họ lánh mặt sợ hãi. Làm thế nào để khắc phục sợ hãi? Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng lối vượt ra ngoài nguyên tắc Tứ đế. Cách nhìn và thái độ giải quyết theo Phật giáo là bằng mọi cách chúng ta phải đối mặt với sợ hãi. Bạn hãy nhìn kỹ sợ hãi để bình tĩnh tìm xem đâu là những nguyên nhân đưa đến sợ hãi. Vì cái nhìn của đám đông đe dọa chăng? Vì sợ đám đông thấy những nhược điểm của mình chăng? Vì không quen diễn đạt? v.v... Ðây là ý nghĩa của Tập đế. Làm vô hiệu hóa các ảnh hưởng tác động vào tâm lý vừa kể là ý nghĩa của Diệt đế. Bằng cách nào để xóa hết các ảnh hưởng trên, là ý nghĩa của Ðạo đế. Tại đây, chúng ta sẽ nhận ra rằng cần phải làm quen với đám đông cần tập diễn đạt, cần bổ túc kiến thức, v.v... Nguyên tắc chính của Tứ đế là, nếu nỗi sợ hãi khởi lên từ đám đông, thì cũng phải từ đám đông nỗi sợ hãi này được chế phục. Giải quyết các sợ hãi khác: sợ ma, sợ rắn, cóc, thằn lằn... Tương tự như nỗi sợ hãi đám đông, nếu có người sợ ma, sợ rắn, sợ cóc, thằn lằn, v.v... người ấy cần tìm hiểu nguyên nhân của sợ hãi ấy. Với sợ ma, người ấy cần phải xuất hiện ban đêm ở các nơi gây nên sợ hãi. Tại đây người ấy mới thấy rõ cách nhiếp phục nó. Với sợ cóc, thằn lằn, v.v... người ấy cần nhìn kỹ vào tâm lý của mình tìm xem do mình bị ám ảnh như thế nào về cóc, thằn lằn v.v... khiến mình sợ hãi, từ đây người ấy mới thấy được lối đi ra khỏi sợ hãi. Các lo sợ của tuổi thành niên. Tuổi trẻ đến độ lập gia đình thường có những lo âu, có khi sợ hãi nữa. Họ có những ham muốn cuộc sống lứa đôi, nhưng đồng thời họ cũng có nhiều bối rối lo lắng về con đường trước mặt. Người con gái có những bối rối, âu lo khi đi về nhà chồng, bối rối trước những bổn phận và tương giao mới. Người con trai cũng bối rối không kém trước bổn phận và tương giao ấy. Ðây là một loại phiền não, khổ đau làm mất đi hạnh phúc của tuổi trẻ. Phương cách duy nhất để loại bỏ phiền não này là đối mặt giải quyết vấn đề. Tìm xem những gì đưa đến những âu lo, bối rối ấy để từ đó thấy được lối ra, rồi nỗ lực để đi ra. Cuộc sống từ nhỏ đến lúc trưởng thành có biết bao nhiêu lo lắng, sầu ưu. Ðã đành gốc rễ sâu xa của khổ vẫn là ái, thủ, nhưng để đối trị hữu hiệu từng loại phiền não, khổ đau khi ta đang sống đời sống xã hội, và để đối trị cấp thời, ta cần có những biện pháp giải quyết thích nghi khác nhau. Tứ đế bấy giờ trở thành nguyên tắc chỉ đạo cho công cuộc giải quyết ấy. Thế Tôn đã giảng dạy rộng rãi Tứ đế ứng dụng để loại trừ khổ đau cho những trường hợp cá biệt rất thực tế. Kinh "Nhứt Thiết Lậu Hoặc" (Trung Bộ Kinh I) trình bày có bảy phương thức đối trị phiền não, lậu hoặc, tiêu biểu nhất là ứng dụng đúng giáo lý Tứ đế. Nếu ta bị phiền não, khổ đau do các suy nghĩ lệch lạc, không đúng, không lành đem lại, thì ta phải áp dụng chánh tư duy và chánh tri kiến để loại trừ. Chánh kiến và Chánh tư duy áp dụng hữu hiệu nhất ở trường hợp này. Chánh kiến và chánh tư duy còn giúp ta tìm ra được thái độ, phương cách ứng xử trước những khổ đau, trở ngại: - Nếu ta bị khổ vì nóng, lạnh... thì ta hẳn phải tìm cho có áo ấm, áo mát, hay chỗ ở thích nghi. Nếu ta bị khổ sở vì nạn trâu dữ, ngựa dữ, chó dữ... hay sợ hãi vì hố sâu vực thẳm, thì bấy giờ biện pháp đối phó hữu hiệu là tránh mặt chúng, xa lánh chúng. Ðối với các tâm niệm sân hận, ham muốn, tổn hại... thì ta phải cấp thời bám sát chúng để trừ khử, ta phải phủ nhận, chối bỏ, không cho các tâm niệm ấy khởi lên. Trường hợp này ta không áp dụng biện pháp tránh né được. Sau cùng, đối với các kiết sử, muốn đối trị, ta phải tu tập Thất giác chi. Trong trường hợp này, ta không thể ứng dụng các biện pháp vừa kể trên.
E. Tinh Thần Thiết Thực của Tứ Thánh Ðế. Khổ Thánh đế được nên lên trước nhất trong Tứ Thánh đế. Phật giáo như thế khởi hành từ thực tại khổ đau của cuộc đời, nhìn cuộc đời như là cuộc đời đang là; từ đây, đi tìm nguyên nhân của khổ đau có mặt ngay trong chính cuộc đời. Năm uẩn là khổ đau và nguyên nhân của khổ đau cũng ở ngay trong Năm uẩn; cũng từ Năm uẩn mà khổ đau diệt và tìm ra con đường đưa đến khổ đau diệt ở đó. Như Thế Tôn đã dạy: "Trong chính cái thân có ý thức dài một tầm này, Ta tuyên bố thế giới, sự sinh khởi của thế giới, sự chấm dứt của thế giới và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới". (Tăng Chi Bộ Kinh) Phật giáo không liệt kê những khổ đau tưởng tượng, không đưa ra những nguyên nhân phi thực, cũng không đề ra con đường giải quyết khổ đau bằng hành khổ, bằng cầu xin... không thực tiễn. Phật giáo chủ trương giải thoát có mặt trên đời này, có thể được thực hiện bằng chính nỗ lực đoạn trừ tham ái của con người. Ðiểm này nói lên tính chất rất là nhân bản, rất là nhập thế và rất là thiết thực hiện tại. Con người là gốc của khổ đau và của sự giải thoát của chính mình. Ví dụ về nắm lá Simpapà của Thế Tôn phô diễn rất rõ cái tính chất tối thiết thực và cần yếu ấy của giáo lý Tứ Thánh đế này.
F. Tứ Thánh Ðế Hàm Chứa Toàn Bộ Giáo Lý Phật Giáo. Thế Tôn đã thuyết giảng Duyên khởi lồng vào nội dung Tứ đế. Ðối với Năm thủ uẩn cũng thế. Thế Tôn đã lập lại rất nhiều lần trong các Kinh của Nikàya và A-hàm rằng: "Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ". Ðiều này mang ý nghĩa toàn bộ giáo lý đều được quy vào, thu vào Tứ Thánh đế. Thế nên, có lần Tôn giả Xá-lợi-phất đã tuyên bố: "Tất cả các thiện pháp đều được bao hàm trong Tứ Thánh đế". Các Kinh điển Bắc tạng không đi ra ngoài kết luận trên. Khi Kinh bàn đến chứng ngộ chân tâm, chỉ bày chân cảnh hay Niết-bàn, thì luôn luôn đề cập đến sự đoạn trừ chấp thủ, đoạn diệt tham ái, tức là bàn về Diệt đế hoặc vừa Diệt đế vừa Ðạo đế (chẳng hạn nói rời hết thảy các tướng chấp thủ là ý nghĩa Diệt đế, hành Lục Ba-la-mật là ý nghĩa của Ðạo đế). Bàn kỹ một đế trong Bốn đế là hiển bày được toàn thể Bốn đế, như Thế Tôn đã dạy. Giáo lý Phật giáo, như đã được trình bày, xây dựng trên nền tảng Giới, Ðịnh, Tuệ, là phần giáo lý thuộc Ðạo đế, do đó mà toàn thể giáo lý không đi ra khỏi giới vực của Tứ đế. Nói cách khác, toàn bộ giáo lý Phật giáo được thu nhiếp vào trong Tứ Thánh đế, như các dấu chân của các động vật được thu nhiếp vào trong dấu chân voi.
G. Chứng Ngộ Tứ Thánh Ðế. Có nhiều người trên đường tìm hiểu các Tôn giáo, không hiểu rõ Phật giáo, khi thấy Phật giáo nói về Khổ Thánh đế thì vội vã kết án Phật giáo là bi quan, tiêu cực và yếm thế. Như đã lập luận ở phần đầu của giáo lý Tứ Thánh đế này, cái thái độ sống bi quan hay tiêu cực, yếm thế không liên hệ gì đến phần nhận thức cũng như hành động của Phật giáo. Nhận thức về cuộc đời của Phật giáo là một nhận thức rất khách quan và rất như thật, thái độ sống hay tu tập của Phật giáo là thái độ "trung đạo", lìa xa các thái cực hành khổ hay phóng túng trong dục lạc, lạc quan hay bi quan. Nếu cho rằng lạc quan là sống với tâm đầy trí tuệ và lòng tin giải thoát thì Phật giáo là tôn giáo lạc quan. Hãy nghe một lời dạy của Thế Tôn về sự chứng ngộ Tứ Thánh đế, ta sẽ thấy Phật giáo đến với con người tươi mát như thế nào: "Này các Tỷ-kheo, ví như một người sống thọ một trăm năm, có người đến nói với người ấy: 'Này bạn, vào buổi sáng, bạn sẽ đâm một trăm cây thương, vào một buổi chiều, bạn sẽ đâm một trăm cây thương... Sau một trăm năm, bạn sẽ giác ngộ Bốn Thánh đế trước kia chưa được giác ngo'. Này các Tỷ-kheo, một người hiểu biết nghĩa lý có thể chấp nhận chăng?... Này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu, Bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố nhờ lạc và hỷ, Bốn Thánh đế được chứng ngộ". (Tương Ưng V, tr. 445-446) Như chúng ta biết, con đường đi về giải thoát của Phật giáo là 37 phẩm trợ đạo đặt nền tảng trên Giới, Ðịnh và Tuệ. Người Phật tử đi trên một lộ trình đầy sự an tĩnh do giữ Giới, đầy hạnh phúc của lạc hỷ của Thiền định, và đầy giải thoát, sáng suốt và lòng tin của Trí tuệ. Con đường đi đầy hương hoa như thế được đặt ngay giữa lòng đời thì làm sao có thể gọi là bi quan, yếm thế được? Kinh Tiểu Khổ Uẩn (Trung Bộ Kinh I) ghi rằng, ngoại đạo Ni-kiền-tử (Nigantha) chủ trương hành khổ thân xác để giải thoát nghiệp, họ cho rằng: "Hạnh phúc không thể đến từ hạnh phúc, mà phải đến từ khổ đau". Thế Tôn thì dạy do hộ trì thân, khẩu, ý thanh tịnh mà nghiệp tiêu, do đắc các định mà có được các cảm thọ hạnh phúc, cho đến giải thoát tri kiến là hạnh phúc tuyệt đối. Cần phải "liễu tri Khổ đế, đoạn tận Tập đế, chứng ngộ Diệt đế, và tu tập Ðạo đế" (Tương Ưng V, tr. 440) thì mới hiểu biết như thật Phật giáo, mới có thể đi ra khỏi mọi ngộ nhận về Phật giáo. Người Phật tử phải hiểu rõ mọi khổ đau ở đời, hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau, hiểu rõ sự khổ đau đoạn tận và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau. Hiểu rõ không có nghĩa là đã chứng ngộ Tứ đế (hay chứng ngộ Diệt đế - Niết-bàn). Tại đây còn nhiều việc phải làm, phải tu tập Bát Thánh đạo, nỗ lực đoạn trừ Tập đế (hay đoạn trừ tham ái, chấp thủ). Khi ái, thủ, vô minh hoàn toàn bị dập tắt, bấy giờ Diệt đế mới được chứng ngộ, hay Tứ đế mới được hoàn toàn chứng ngộ. Quả vị chứng ngộ tại đây, với các đệ tử của Thế Tôn là A-la-hán, với Thế Tôn là Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác, Phật, Thế Tôn.
H. Tứ Thánh Ðế và Bốn Hoằng Thệ Nguyện của Phật Tử Việt Nam. Hòa thượng Thích Thiện Siêu, trong một buổi thuyết giảng tại Huế (1983) đã đưa ra nhận xét rằng: Dựa vào Tứ đế này mà có bốn hoằng thệ nguyện, phần kết thúc mỗi thời Kinh, lễ của Phật tử Việt Nam.
Truyền thống của Phật giáo Việt Nam mãi mãi vẫn nằm trong truyền thống Phật giáo dưới sự lãnh đạo của Thế Tôn: Tứ Thánh đế là giáo lý nền tảng và là phương pháp chỉ đạo./. -oOo- Ðoạn trước | Mục lục | Bài kế |
update: 30-08-2000