BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Phật Học Khái Luận -- Thích Chơn Thiện
In Lần Thứ Hai - 1997


  

Chương Hai - Pháp Bảo
Tiết I

Duyên Khởi và Vô Ngã

(tiếp theo)


IV. Chân Như Duyên Khởi hay Như Lai Tạng Duyên Khởi

Nỗ lực của A-lại-da Duyên khởi là giải tích căn nguyên của Nghiệp. Nhưng, A-lại-da chỉ là kho chứa các chủng tử sinh diệt, nên nó thuộc về sinh diệt. Nó chưa có khả năng giải thích căn nguyên của cuộc sinh tử, hay nói khác đi, nó không thể giải thích căn nguyên của chính nó. Do đó, về sau, trường phái Duy thức giải thích rộng rằng A-lại-da thức gồm có hai phần: Phần nhiễm gọi là A-lại-da thức (hay thức thứ tám), và phần tịnh gọi là Bạch tịnh thức (hay là thức thứ chín) để nói lên tính chuyển hóa của Duy thức, chuyển từ Nghiệp (nhiễm) qua Giải thoát nghiệp (tịnh).

Ðể ổn định hơn trong việc cắt nghĩa gốc của sinh tử, Duy thức tiến xa thêm một bước nữa trong việc thành lập nên thuyết Như Lai tạng Duyên khởi, hay Chân như Duyên khởi. Như Lai tạng hay Chân như là thể tánh như tánh của các pháp. Như tánh này thoát ly hết thảy mọi ý niệm, tướng trạng. Chỉ có thể tánh như tánh này thực sự ổn định là gốc của các pháp, còn những gì thuộc sinh tử thì không thể là gốc của sinh tử, như chính A-lại-da thức không thể là gốc của Nghiệp.

Kinh Bắc tạng để cập nhiều đến Như Lai tạng Duyên khởi là kinh Lăng-già Tâm Ấn; luận đề cập nhiều đến Chân như Duyên khởi là Ðại Thừa Khởi Tín Luận.

Các Luận sư Duy thức có khuynh hướng chỉ đề cập đến những gì có thể đề cập trong tương hệ nhân quả nên không đả động đến Như Lai tạng (hay Chân như), đối tượng khảo sát ở ngoài khả năng diễn đạt. Nhưng các nhà Pháp tánh học thì khác. Pháp tánh học không xem Chân như như là nhân và hiện tượng là quả, mà trình bày Chân như có hai mặt: mặt tĩnh là tự thân chân như, và mặt động là biểu hiện của chân như. Chính tại quan điểm này, Chân như Duyên khởi được thành lập và có khả năng cắt nghĩa căn nguyên của A-lại-da thức.

Về thuyết Chân như Duyên khởi này, người học Phật thường thắc mắc rằng tại sao từ Chân như lại có thể sinh khởi hiện tượng, cái mà tự thân không cùng loại với Chân như?

Thực ra thì thắc mắc này không phù hợp với nội dung của thuyết Chân như Duyên khởi. Chấp nhận thắc mắc ấy (hay câu hỏi ấy) hợp lý, là chấp nhận rằng Chân như có ngã tính và hiện tượng có ngã tính trái ngược. Ðây là điều không thể có, bởi hết thảy các pháp vốn vô ngã tính. Thực sự Chân như chính là pháp giới, và pháp giới chính là Chân như.

V. Pháp Giới Duyên Khởi

Hoa Nghiêm tông không chú ý giải thích điểm khởi nguyên của vũ trụ, pháp giới, mà chỉ trình bày cái thực thể toàn thể của pháp giới khi thành lập thuyết Pháp giới Duyên khởi. Tuy nhiên, trong sự trình bày cái thực thể toàn thể ấy, Hoa Nghiêm đã nói lên quan điểm của mình về điểm khởi nguyên.

Vạn pháp trong vũ trụ, theo Hoa Nghiêm, thì cùng khởi, đồng thời có mặt: Một tương quan với tất cả; tất cả tương quan với một. Tất cả hòa điệu trong một pháp giới tròn đầy biểu hiện qua bốn mặt:

- Thế giới của sự: là thế giới hiện thực của các dữ kiện.

- Thế giới của lý: là thế giới của các định luật, các luật tắc của các pháp.

- Thế giới của lý sự vô ngại: là thế giới của tương giao hòa điệu của lý và sự: trong sự có lý.

- Thế giới của sự sự vô ngại: là thế giới của tương giao, hòa điệu của các thực kiện hiện hữu. Các thực kiện dung nhau, nhiếp nhau, hỗ trợ nhau, phụ thuộc nhau. Chúng có đồng nhất tính duyên sinh.

Các thuyết Duyên khởi ở trên đều hàm chứa giáo nghĩa Duyên khởi được Thế Tôn trình bày qua mười hai nhân duyên. Tất cả đều nói lên mọi hiện hữu là Vô ngã, ngũ uẩn là Vô ngã. Chính giáo nghĩa này đánh tan ngộ nhận các pháp có ngã tính để phá trừ ái, thủ, phá trừ cội nguồn của sinh tử, đau khổ.

*
* *

Bây giờ chúng ta đi vào phần trình bày khác nhau về số lượng các chi phần nhân duyên, về nội dung khác nhau của các thuyết nhân duyên ấy.

Ngay trong 5 bộ kinh của Nikàya đã có sự trình bày khác nhau về số lượng chi phần này. Kinh Ðại Duyên (Trường Bộ Kinh III) trình bày Duyên khởi qua 9 chi phần (thiếu vô minh, hành, lục nhập) thay vì mười hai chi phần như ở Tương Ưng Bộ Kinh II. Trường hợp kinh Ðại Duyên có thể là trường hợp kiết tập thiếu sót; cũng có thể là trường hợp trình bày thu gọn (bởi ba chi phần vô minh, hành, lục nhập đã hàm chứa trong các chi phần thức, danh sắc và xúc). Ðại Tỳ-bà-sa luận, cuốn 24 theo Kimura Taiken trong Phật giáo Nguyên thủy Tư tưởng luận, giới thiệu Duyên khởi được trình bày dưới các số lượng chi phần khác nhau như sau:

- Một Duyên khởi: hết thảy các pháp hữu vi.

- Hai Duyên khởi: nhân và quả.

- Ba Duyên khởi: hoặc, nghiệp và sự (Tam thế).

- Bốn Duyên khởi: vô minh, hành, sinh, lão tử.

- Năm Duyên khởi: ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.

- Sáu Duyên khởi: nhân và quả của ba đời.

- Bảy Duyên khởi: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ.

- Tám Duyên khởi thức: thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu.

- Chín Duyên khởi: thức, danh sắc, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử (Kinh Ðại Duyên, Trường Bộ III).

- Mười Duyên khởi: (Ở Kinh Thành Dụ, A-hàm; và Kinh Ðại Bổn, Trường Bộ Kinh III): thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.

- Mười một Duyên khởi: (thiếu chi phần vô minh).

Phật Âm (Buddhaghosa) trong Thanh Tịnh Ðạo Luận (Visuddhimagga, XVII, p. 523) cho rằng, Thế Tôn trình bày Duyên khởi dưới bốn dạng thức:

- Ðủ mười hai chi nhân duyên (thuận chiều từ vô minh đến lão tử).

- Ðủ mười hai chi nhân duyên (ngược chiều từ lão tử tới vô minh)

- Từ chi phần thọ đến lão tử.

- Từ thủ - ái - thọ - xúc - lục nhập - danh sắc - hành - vô minh.

Dù được trình bày dưới số lượng chi phần nào, Duyên khởi vẫn không đi ra ngoài định thức:

"Do cái này có nên cái kia có,
Do cái này sinh nên cái kia sinh.
Do cái này không có nên cái kia không có,
Do caùi này diệt nên cái kia diệt".

Ðịnh thức này vừa là nội dung của các thuyết nhân duyên trong nhiều kinh, luận khác nhau như Lục nhân luận, Tứ duyên luận, Thập duyên luận, Nhị thập tứ duyên luận.

* Lục Nhân Luận:

Thuộc Hữu bộ, do Ca-đa-diễn ni-tử (tác giả của Phát Trí Luận) thành lập, gồm có năng tác nhân, câu hữu nhân, đồng loại nhân, dị thục nhân, tương ứng nhân và biến hành nhân (xem Câu-xá Luận, quyển 6).

1. Năng tác nhân: Trừ tự thể ra, hết thảy các pháp đều gọi là năng tác.

2. Câu hữu nhân: Là điều kiện hỗ tương để thành lập một sự kiện, ví dụ, chủ thể và khách thể nương nhau mà thành lập. Trong sự thành lập này, chủ thể là nguyên nhân của khách thể, khách thể là nguyên nhân của chủ thể.

3. Ðồng loại nhân: Khi nhân và quả cùng một tính chất thì nhân đó được gọi là đồng loại nhân.

4. Tương ứng nhân: Chỉ giới hạn ở lĩnh vực tâm lý. Khi một tâm niệm sinh khởi thì có những tác dụng tâm lý theo tâm mà phát khởi. Những tác dụng tâm lý này trở nên những hoạt động tâm lý cụ thể, do đấy chúng được đặt tên là "Tương ứng nhân". Thực ra, tự thể của "Tương ứng nhân" chỉ là "Câu hữu nhân", nhưng câu hữu nhân phổ biến cả đến lãnh vực vật chất, còn tương ứng nhân chỉ ở lĩnh vực tâm lý mà thôi.

5. Biến hành nhân: Chỉ cái căn bản phiền não làm nguyên nhân cho tất cả mọi phiền não khác. Ðó là biến hành hoặc, gồm có 11 thứ: Khổ đế có 7 (tham, sân, si, mạn, thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ) và Tập đế có 4 (vô minh, nghi, tà kiến, kiến thủ).

6. Dị thục nhân: Do nghiệp tập sai biệt khiến quả có cái tướng trạng biểu hiện bất đồng với nhân, nên gọi là dị thục.

* Tứ Duyên Luận:

Tứ duyên luận được tìm thấy ở kinh Phân biệt Duyên khởi, Sơ thắng, Pháp môn (cuốn hạ) thuộc Bắc tạng. Theo Kinh này, các điều kiện thành lập nên vạn hữu gồm có bốn: nhân duyên, thứ đệ duyên (hay đẳng vô gián duyên), sở duyên duyên (hay cảnh giới duyên) và tăng thượng duyên.

1. Nhân duyên: Chỉ những nguyên nhân, điều kiện thành lập hiện tượng. Theo A-tỳ-đạt-ma Pháp Yếu Luận, nhân duyên chỉ có tham, sân, si, xả, từ bi và trí tuệ, những hoạt động tâm lý, nền tảng của sự sinh khởi các hiện tượng. Duy Thức Luận thì xem nhân duyên là chủng tử của A-lại-da thức biểu hiện ra vạn hữu.

2. Thứ đệ duyên (đẳng vô gián duyên): Chỉ sự quan hệ liên tục tồn tại của các pháp. Theo tâm lý học của đạo Phật, các tâm niệm sinh diệt liên tục không ngừng, khi tâm niệm trước diệt thì dẫn khởi cái duyên cho tâm niệm sau, đây là đẳng vô gián duyên. Thể của tâm và tâm sở của niệm trước là một, thì thể của tâm, tâm sở của niệm sau cũng là một; giữa niệm trước và niệm sau không có một yếu tố thứ ba xen vào, vì thế nên gọi là đẳng vô gián duyên.

3. Sở duyên duyên (cảnh giới duyên): Chỉ tất cả những đối tượng của tâm. Tâm sinh khởi hẳn phải nương vào cảnh, nên cảnh giới duyên là một duyên trọng yếu trong bốn duyên.

4. Tăng thượng duyên: Chỉ động cơ chính yếu chi phối mọi hành vi của ta. Ðây là động lực tinh thần mạnh mẽ của dục, tinh tấn, tâm, tư duy (tứ như ý túc).

Do vì bốn duyên trên làm nên hiện hữu của các pháp nên mỗi pháp có đủ bốn duyên ấy. Tùy theo khía cạnh nhìn mà pháp ấy là nhân duyên, là thứ đệ duyên, là sở duyên duyên, hay là tăng thượng duyên.

* Thập Duyên Luận: (theo Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm Luận):

Thuyết Tứ duyên trên là hình thức thu gọn của thuyết Thập duyên này. Mười duyên gồm có:

1. Nhân duyên (như cắt nghĩa ở trên).

2. Vô gián duyên (như đẳng vô gián duyên ở trên).

3. Cảnh giới duyên (hay sở duyên duyên, tương tự ở trên).

4. Y duyên: Y là nương tựa, ví như nương vào miệng mà có khẩu nghiệp, nương vào mắt và sắc mà có nhãn thức, v.v.. vì thế gọi là y duyên.

5. Nghiệp duyên: Chỉ tổng quát mọi hoạt động tạo nên nghiệp.

6. Báo duyên: Chỉ cái tác nghiệp đưa đến sự chiêu cảm quả báo thiện, ác.

7. Khởi duyên: Yếu tố khiến mình và người khởi nghiệp thiện, ác, hay khởi ý, thức, tưởng, tư, giác cho đến tứ đại.

8. Vị duyên: Tương tự với câu hữu nhân trong lục nhân ở trên.

9. Tương tục duyên: Sự tiếp nối không ngừng của các pháp, của nghiệp.

10. Tăng thượng duyên: Tương tự duyên thứ tư của thuyết Tứ duyên ở trên.

* Nhị Thập Tứ Duyên Luận:

Theo tài liệu khảo cứu của Kimura Taiken, thuyết 24 duyên này có từ thế kỷ thứ bốn trước Tây lịch, vào thời đại vua A-dục (Asoka), gồm có:

Nhân duyên, cảnh giới duyên, tăng thượng duyên, vô gián duyên, đẳng vô gián duyên, câu sanh duyên, hộ vi duyên, y duyên, cận duyên, tiền sinh duyên, hậu sinh duyên, tương tục duyên, nghiệp duyên, báo duyên, thục duyên, tăng duyên, thiền duyên, đạo duyên, tương ứng duyên, bất tương ứng duyên, hữu duyên, phi hữu duyên, ly duyên, phi ly duyên.

Ngoài các thuyết nhân duyên vừa trình bày, các bộ phái còn có các chủ trương tương tự hay có phần sai biệt, như "Bát môn Duyên khởi", "Cửu duyên", "Tứ duyên ngũ quả", v.v.. Nội dung của các thuyết nhân duyên đều chỉ trình bày rõ pháp tánh vô tánh để đánh đổ "Vô nhân luận" và "Ngẫu nhiên luận" của ngoại đạo.

 

Duyên Khởi và Ngũ Uẩn

Mười hai nhân duyên hòa hợp sinh tất cả pháp. Con người là một pháp, nên cũng là kết quả hòa hợp của mười hai nhân duyên. Ngũ uẩn là con người, do đó có một sự tương quan, tương đồng giữa mười hai nhân duyên và Ngũ uẩn:

- Vô minh và hành thì tương đương với hành uẩn. Hành trong mười hai nhân duyên chính là hành uẩn.

- Thức của Ngũ uẩn chính là thức của 12 chi phần nhân duyên.

- Danh sắc chính là Ngũ uẩn.

- Lục nhập tương đương với sắc uẩn.

- Thọ của mười hai chi nhân duyên chính là thọ uẩn.

- Ái, thủ, hữu: tương đương với hành uẩn.

- Sinh, lão tư; sự hình thành, hoại diệt của Ngũ uẩn.

Thế Tôn lại trình bày Duyên khởi dưới dạng thức nhân duyên cho phù hợp chặt chẽ với đối tượng nghe pháp - con người - nên hẳn nhiên có một sự tương đương rõ rệt giữa 12 chi phần nhân duyên và Ngũ uẩn.

Thường khi thuyết giảng về Vô ngã, Thế Tôn chỉ phân tích từ mười hai nhân duyên, hoặc từ Ngũ uẩn. Con người do Ngũ uẩn sinh là do duyên sinh; mỗi uẩn có mặt thì do bốn uẩn kia tạo thành, nên mỗi uẩn cũng do duyên sinh. Ðây là điểm nhất quán trong giáo lý của Thế Tôn.

 

Duyên Khởi và Tứ Ðế

Thế Tôn đã định nghĩa mười hai nhân duyên khởi là khổ tập khởi. Như thế ái, thủ, thức, vô minh khởi là khổ có mặt. Chính ái, thủ, thức, vô minh là nhân của khổ. Với con người, với chúng sinh, Thế Tôn dạy gọn, ái là gốc của khổ. Thực ra, khi nói ái là nói đủ sự có mặt của mười hai chi phần nhân duyên. Nhưng con người mang nặng duyên ái nên Thế Tôn nhấn mạnh ở chi phần ái này, xem nó là Tập đế.

Khi giảng Tứ đế, Thế Tôn dạy Ngũ uẩn là khổ đau. Mà Ngũ uẩn chính là mười hai chi nhân duyên của chúng hữu tình, nên 12 chi nhân duyên có mặt là khổ đau có mặt, hay nói khác đi, nhân duyên sinh khởi đồng nghĩa với khổ.

Thế Tôn cũng định nghĩa mười hai nhân duyên đoạn diệt là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Do đó, ái diệt, thủ diệt, thức diệt, hay vô minh diệt có nghĩa là Niết-bàn hay Diệt đế trong Tứ đế.

Khi dạy con đường đoạn diệt ái, thủ và vô minh, Thế Tôn thường dạy Bát Thánh đạo, đại biểu cho ba mươi bảy phẩm trợ đạo, như vậy là tương đương với Ðạo đế trong Tứ đế.

Vật Tứ đế là giáo lý được Thế Tôn dạy riêng ra như giáo lý Duyên khởi nhưng nội dung của Tứ đế vốn đã được bao hàm trong Duyên khởi qua mười hai chi phần nhân duyên. Ở đây, chúng ta lại thấy rõ nét nhất quán của giáo lý Phật giáo.

 

Duyên Khởi và Nhân Quả.

Khi trình bày mười hai chi nhân duyên, Thế Tôn trình bày chặt chẽ qua tương hệ nhân quả, như đã được trình bày ở phần cắt nghĩa mười hai chi phần nhân duyên khác nhau giữa các bộ phái (phần trước).

Khổ như là kết quả, mà mười hai chi phần nhân duyên (hay ngũ uẩn) tập khởi như là nhân. Nói các khác, vô minh, thức, ái, thủ như là nhân của khổ; hoặc lão tử là nhân của khổ; và ái diệt, thủ diệt, vô minh diệt, thức diệt... lão tử diệt là quả; con đường tu tập đoạn trừ ái, thủ, v.v. là nhân.

Tất cả các chi phần ấy đều duyên sinh. Thế có nghĩa: nhân là vô ngã, và quả là vô ngã. Chính vì nhân, quả đều vô ngã, ta mới có thể tu tập để thoát ly sinh tử và sự thật vấn đề Ðạo đế mới được đặt ra.

Cần phải rọi ánh sáng Duyên khởi vô ngã vào Nhân quả, chúng ta mới tránh khỏi ngộ nhận khi khảo sát giáo lý này. Tại đây, một kết luận quan trọng có thể được rút rằng: các giáo lý Phật giáo như một chuỗi ngọc mà Duyên khởi thì như một sợi chỉ báu xâu suốt và kết lại chuỗi hạt ngọc này.

 

Duyên Khởi và Tam Pháp Aán.

Pháp ấn là sắc thái đặc biệt của Phật giáo. Bất cứ một giáo lý nào của Phật giáo cũng nổi bật sắc thái của Pháp ấn. Ba sắc thái đặc biệt của Phật giáo gọi là Ba Pháp ấn, đó là Khổ, Vô thường và Vô ngã.

Chính từ giáo lý Duyên khởi (hay 12 nhân duyên) biểu hiện Khổ, Vô thường và Vô ngã ấy. Các pháp do duyên sinh, không tự có, nên vô ngã. Vì do các điều kiện sinh nên biến dịch, vô thường theo sự biến dịch của các duyên. Vì vô thường, biến dịch, đoạn diệt nên đem lại khổ đau đối với chúng hữu tình (những chúng sinh đầy chấp thủ và tham ái).

Ba Pháp ấn là pháp được các bộ phái Phật giáo thuộc Bắc tạng và Nam tạng xem như là nét đặc biệt nền tảng của giáo lý. Chính vì thế mà Duyên khởi là giáo lý nền tảng của Phật giáo, rõ nét đến độ mà người Phật tử chúng ta không còn băn khoăn gì nữa.

 

Lối Vào Giải Thoát từ Duyên Khởi.

Qua định thức Duyên khởi, hay qua sự biểu hiện của mười hai nhân duyên, người có trí tuệ nhận ra ngay thế giới ngã tướng là hoàn toàn trống rỗng. Thấy cái huyễn sinh, huyễn diệt của ngã tướng thì ly tham có thể sinh khởi . Từ ly tham, ly thủ, giải thoát đến, và trí tuệ biết rằng đã giải thoát sinh tử (tri kiến giải thoát).

Con tàu vào giải thoát rốt ráo có thể di chuyển trên lộ trình này: Vô minh - Hành - Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu - Sinh - Khổ - Tín - Hỷ - Hân hoan - Khinh an - Ðịnh - Tri kiến như thật - Yếm ly - Ly tham - Giải thoát - Tri kiến giải thoát. (Tương Ưng II, tr.37).

Hoặc chúng ta có thể đoạn diệt ái, thủ bằng cách hành Tứ Niệm xứ hoặc Bát Thánh đạo (như Thế Tôn đã dạy trong nhiều kinh), hoặc đoạn diệt vô minh theo một quá trình thân cận bậc Chân nhân để nghe điệu pháp đến đoạn tận năm triền cái, như dưới đây:

- Do thân cận bậc Chân nhân nên nghe được diệu pháp;

- Nhờ nghe điệu pháp nên khởi tín tâm;

- Nhờ có tín tâm nên như lý tác ý;

- Nhờ có như lý tác ý nên được chánh niệm, tỉnh giác;

- Nhờ có chánh niệm, tỉnh giác mà các căn được chế ngự.

- Nhờ các căn được chế ngự nên có thân, khẩu, ý thiện hành;

- Nhờ có thân, khẩu, ý thiện hành mà năm triền cái bị đoạn diệt.

Năm triền cái là thức ăn nuôi dưỡng vô minh, khi năm triền cái diệt thì vô minh sẽ không có nhân duyên để tồn tại. (Lời Thế Tôn dạy ở Tương Ưng Bộ Kinh, phẩm Tương Ưng Nhân Duyên).

 

Ứng Dụng Tinh Thần của Giáo Lý Duyên Khởi.

1. Lãnh vực nhận thức:

Duyên khởi nói lên tính tương đối và tương quan của hiện tượng giới, gồm tính tương đối của nhận thức. Nhận thức bao giờ cũng nhận thức một đối tượng; điều này có nghĩa là đối tượng không xuất hiện như đối tượng đang là, mà bị bóp méo bởi nhận thức, bởi các chủ thể mà tự thân vốn do điều kiện sinh. Do đó, nhận thức không phải là thực tại. Tư duy cũng thế, trừ chánh tư duy là nhân tố đang hướng chúng ta về giải thoát.

Thật là dễ hiểu! Chúng ta sống là sống với thực tại, mà không phải là nghĩ về thực tại, cũng như yêu thương (hay yêu đương) thì khác nói về tình yêu. Bởi thế, nhận thức cần được xem là chỉ có giá trị tương đối trên nghĩa sống thực và trên đường vào sự thật.

2. Lãnh vực giá trị:

Nhận thức đánh giá cuộc sống, lập nên bảng giá trị của đời sống. Vì thế, các giá trị có ý nghĩa tương đối như chính nhận thức.

Chân giá trị, hay chân nghĩa của cuộc sống phải là sự vật như thật hay hạnh phúc chân thật của con người. Ðây là giá trị tiêu chuẩn cho mọi giá trị khác.

Ý nghĩa tương đối của giá trị không cho phép chúng ta liệt kê giá trị của cuộc sống, bởi vì tùy theo nhân duyên, tùy theo điểm nhìn mà sự vật xuất hiện dưới nhiều giá trị khác nhau. Chẳng hạn, cơm là thức ăn nuôi dưỡng con người, nhưng nó trở thành thứ giết người nếu được ăn bởi người đau thương hàn. Tương tợ, thuốc bổ sẽ thành độc dược nếu dùng quá liều lượng an toàn.

Do vì cái biểu hiện bên ngoài của hành động không nói lên được thực chất giá trị của hành động (chẳng hạn hành động không nói lên được động cơ thúc đẩy nó, cũng không nói lên được mục đích mà hành động nhắm đến), nên chúng ta không thể xếp loại thiện, ác cho các hành động của con người, mà chỉ đề ra được một số tiêu chuẩn thiện, ác, căn cứ vào kết quả của hành động (chẳng hạn, cái gì đem lại lợi vừa mình vừa lợi người, đem lại giải thoát hay giảm trừ khổ đau là thiện; ngược lại là ác, v.v.)

Lại cũng vì do sự vật vốn duyên sinh nên mang ý nghĩa bất định tính. Một sự vật xuất hiện dưới nhiều giá trị khác nhau đối với những người khác nhau, đối với những bối cảnh khác nhau, và đối với chúng sinh khác nhau. Giáo lý Phật giáo cũng thế. Tứ đế hay Duyên khởi không mang ý nghĩa Tiểu thừa hay Ðại thừa, Nhơn thừa hay Thiên thừa... mà Tiểu hay Ðại thừa... là do người hành trì thực hiện, là nội dung thực hiện.

Giá trị tối thượng thì thoát ly ý nghĩa giá trị, vì nó vượt ra ngoài vòng đối đãi của tốt xấu, thiện ác, được mất, hạnh phúc, khổ đau. Nó là vô minh diệt, ái diệt, thủ diệt, thức diệt, hay Niết-bàn.

3. Lãnh vực giáo dục:

Con người là sự kết hợp của Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn). Giáo dục con người là giáo dục phát triển toàn diện con người Ngũ uẩn đó. Năm uẩn vốn cùng có mặt, một uẩn không thể có mặt ngoài bốn uẩn kia. Do đó, một đường hướng giáo dục tốt phải giáo dục đủ các mặt: trí dục, đức dục, thể dục, sinh lý, tình cảm, mỹ dục và gồm cả lao động (như đã được đề cập ở chương Phật Bảo, tiết Giáo dục của Thế Tôn). Không thể xem nhẹ phần vật lý, sinh lý hay tình cảm, cũng không được xem nhẹ phần lao động, bởi vì các yếu tố ấy đều có liên hệ "duyên khởi" mật thiết với trí dục, đức dục và vấn đề phát triển con người toàn diện.

Một liên hệ "duyên khởi" khác là liên hệ giữa con người và xã hội, con người với văn hóa và truyền thống. Con người với xã hội, văn hóa và truyền thống là một tương quan bất ly. Không được xem con người đứng độc lập với xã hội, văn hóa và truyền thống; nhưng cũng không được đặt xã hội, văn hóa và truyền thống trước con người và hạnh phúc của con người.

Ngoài ra, một nền giáo dục theo tinh thần duyên khởi cần thể hiện sự hòa điệu giữa các sinh hoạt lớn của quốc gia (kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, xã hội và giáo dục), và giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Qua các phần trình bày về Duyên khởi ở trên, chúng ta có thể thêm một lần nữa nhấn mạnh một số điểm cần chú ý này:

- Duyên khởi là giáo lý nền tảng của các bộ phái Phật giáo, Bắc tạng và Nam tạng.

- Trong việc tìm hiểu các giáo lý căn bản của Phật giáo, Duyên khởi luôn luôn cần được vận dụng để soi sáng các vấn đề.

- Duyên khởi là giáo lý chỉ có trong đạo Phật. Ðây là phần giáo lý làm nổi bật nét khác biệt giữa Phật giáo và Ấn giáo, giữa Phật giáo và các triết thuyết, tôn giáo khác.

- Khi 12 nhân duyên đoạn diệt hay pháp hữu vi đoạn diệt thì pháp vô vi xuất hiện. Con đường đưa đến đoạn diệt pháp hữu vi là con đường tu tập để đoạn diệt ái, thủ, thức hay vô minh. Thực tại vô vi có mặt đối với ai mà ái diệt, thủ diệt... nó là thực tại của sự thể nhập mà không phải của nhận thức.

- Thế giới với hình, danh, sắc, tướng mà chúng ta đang thấy là thế giới duyên sinh qua sáu căn, sáu trần, và sáu thức. Khi sáu căn, sáu trần, sáu thức diệt thì thực tại như thực sẽ xuất hiện như nó là. Ví dụ, với con mắt như một kính hội tụ này thì hình ảnh và khoảng cách các vật xuất hiện như thế này, nhưng nếu con mắt mình mà cấu tạo như một lăng kính... thì sự vật đã xuất hiện một cách khác, v.v...

Nhưng, với một người (có đủ sáu căn và sáu thức) mà giác ngộ ngay trên cuộc đời này thì thế giới sẽ xuất hiện với hình, danh, sắc, tướng như trước một con người phàm phu không? Ví dụ, với trái núi, con sông của người phàm phu, Thánh giác ngộ có còn thấy là núi, là sông không? - Câu trả lời, theo Duyên khởi, đối với bậc Thánh giác ngộ hoàn toàn, thì hẳn là núi vẫn là núi, sông vẫn là sông nhưng núi, sông này được nhìn dưới cái nhìn đã đoạn tận lậu hoặc, đoạn tận chấp thủ.

Như chúng ta biết, bậc Thánh khác với phàm phu là do đoạn tận 10 kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục, sân, hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử, vô minh. Bậc Thánh là vị tự giải thoát mình khỏi sự ràng buộc của 10 kiết sử mà không cần phải thay đổi gì hiện tượng giới. Khi nhìn các pháp, bậc Thánh nhìn với pháp nhãn, thấy Duyên khởi ngay nơi các pháp mà không bị đánh lừa bởi ngã tướng không thật.

Kinh Tiểu Không (Trung Bộ Kinh III, Nikàya) trình bày rằng: Thế Tôn (hay bất cứ ai đạt đến giải thoát cứu cánh) có thể trú trong bất cứ đối tượng nào, trong bất cứ loại tưởng nào; khi trú trong các đối tượng này thì đối với Thế Tôn lúc ấy, đối tượng này là thực - "Cái gì bấy giờ không có mặt thì xem như cái ấy không có" - Với đối tượng này, Thế Tôn biết: "Cái kia có, cái này có". Như thế gọi là trú Không tánh (sunyàta). Ở đây cho chúng ta câu trả lời cho câu hỏi thực tại như thực sẽ xuất hiện thế nào.

- Duyên khởi được trình bày ở Bắc tạng hay ở Nam tạng chỉ là một, thực sự không có cao thấp khác nhau. Có thể nhận định này giúp người học Phật xóa tan được thái độ chỉ trích bộ phái, và hé mở cho thấy tính nhất quán và nghĩa "nhất thừa" của giáo lý Phật giáo xuyên qua các bộ phái, điều chỉnh được cái nhìn đầy màu sắc thiên chấp, bộ phái.

- Vì thực tính của các pháp là Duyên khởi tính nên không thể hỏi thực tính ấy là gì, bởi "là gì" là không phải Duyên khởi, không phù hợp với Duyên khởi.

- Vì là Duyên khởi tính nên các giáo lý Phật giáo trở thành bất định tính: Tùy theo khả năng nhận thức và tu tập mà tính của pháp biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn, nỗ lực tinh cần không phải luôn luôn mang tính giải thoát; nếu nỗ lực yếu thì hành giả tu thiền có thể rơi vào tính thụ động hoặc hôn trầm, nếu nỗ lực quá mức thì sẽ rơi vào tính năng động hay trạo cử; lại nữa, ý nghĩa nỗ lực vừa phải cũng khác nhau đối với các hành giả khác nhau, và đối với các giai đoạn tu tập khác nhau.

- Khi thấy một pháp mà thấy Duyên khởi tính của nó là thấy thật pháp; nhưng nếu thấy cái tướng riêng của nó và ái, thủ sinh là thấy giả tướng của pháp. Do đó, mà toàn thể pháp giới này là thực tại như thật, nếu chúng ta biết nhìn Duyên khởi tính của nó; ngược lại, pháp giới là như huyễn. Tại đây, hiển lộ ý nghĩa phiền não tức Bồ-đề, sinh tử tức Niết-bàn, hay "hồi đầu thị ngạn".

- Sau cùng, Duyên khởi đã phơi bày toàn thể thực tại, toàn thể pháp giới là Vô ngã, nếu còn có thắc mắc nào về Vô ngã tính này thì đấy là điều bí mật nằm về phía chúng ta. Bí mật của cuộc đời xuất hiện cùng với ái và thủ của mình. Ðốt cháy hết ái, thủ, nếu chúng ta có quyết tâm như thế, thì pháp giới không còn gì là bí mật nữa./.

Tài Liệu Tham Khảo

- Tương Ưng Bộ Kinh II, III, IV.
- Kinh Ðại-Duyên (Trường Bộ III).
- Tăng Chi Bộ Kinh V.
- Kinh Hữu Minh Tiểu Kinh (Trung Bộ I).
- Kinh Thanh Tịnh (Trung Bộ III).
- Kinh Tiểu Không (Trung Bộ III).
- Các Tông phái đạo Phật.
- Lịch sử Tư tưởng Tiểu thừa, Nguyên Thủy và Ðại thừa Luận của Kimura Taiken.
- Kinh Kim Cương.
- Kinh Pháp Hoa.
- Kinh Lăng-Già.
- Duy thức Tam Thập Tụng.
- Hoa Nghiêm (bản dịch của HT Trí Tịnh).
- Thiền Luận của Suzuki.

Ghi chú:

(1) Bản dịch của Lê Ðình Thám, Tu thư Viện Phật học Vạn Ha/nh sưu tập, 1982, tr.2.

(2) Thiền Luận, D.T. Suzuki, bd. Tuệ Sỹ, cuốn Hạ, tr.173.

(3) Spaulding, The New Relationalism, New York, Henry Holt and Company, 1918, pp 106-107.

-oOo-

Ðoạn trước | Mục lục | Bài kế


[Trở về trang Thư Mục]

update: 30-08-2000