Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực Giáo lý của Phật giáo Việt NamCó người sẽ lấy làm lạ mà bảo: "Ủa, sao lại có vấn đề giáo lý của Phật Giáo Việt Nam"? Giáo lý là giáo lý của Phật giáo, chung cho tất cả mọi địa phương; ở đâu có đạo Phật là có giáo lý đạo Phật. Vậy không lẽ giáo lý của Phật giáo Việt Nam ta lại khác với giáo lý của các nước khác?". Chúng tôi xin các vị thong thả để cho chúng tôi trả lời. Ðã đành giáo lý đạo Phật thì ở đâu cũng và lúc nào cũng phải là giáo lý đạo Phật, không thể lẫn với bất cứ một giáo lý nào khác. Cũng như thuốc Bắc thì đi đâu, vào Nam hay sang Tây cũng vẫn là thuốc Bắc chứ không thể lẫn với thuốc Nam, thuốc ngoại khoa hay thuốc Tây được. Nhưng nếu gặp thời tiết khác nhau, gặp địa phương khác nhau, gặp tạng phủ của những người hàn, nhiệt khác nhau, thì cách dụng dược cũng phải thay đổi. Thang thuốc kia dùng cho một người "hàn" và dùng trong một xứ lạnh, mùa đông, bây giờ không thể đem cho một người "nhiệt" dùng trong một xứ nóng, mùa hạ. Phải gia giảm để không làm cho thang thuốc kia trở thành thuốc Tây hay thuốc ngoại khoa. Nó vẫn là thuốc Bắc và là thuần túy thuốc Bắc. Giáo lý đạo Phật gồm có vô lượng pháp môn, có thể thích hợp với vô số căn cơ, trình độ. Nhưng các pháp môn ấy không phải là những "thang thuốc" cố định mà cần được phối hợp, "gia giảm" cho hợp thời, hợp cảnh, "hợp với lục phủ ngũ tạng" của từng người. Cho nên, nghiên cứu về giáo sử Phật giáo, ta thấy mỗi thời đại có những hệ thống giáo lý khác nhau, mỗi quốc gia có những hệ thống giáo lý khác nhau. Các hệ thống giáo lý ấy thích hợp với từng dân tộc, từng thời đại, mà bao giờ cũng vẫn là giáo lý đạo Phật, vẫn thấm nhuần tinh thần đạo Phật và nói tóm lại, vẫn thể hiện được sự sinh hoạt của chánh pháp Phật giáo. Tôn chỉ mục đích của các hệ thống giáo lý ấy vẫn là một, và hễ nghe thấy, nhìn thấy, là người ta biết ngay là "của đạo Phật". Trong mục Văn học Phật giáo, giáo sư Thạc Ðức đã viết những giòng chí lý sau đây: "Nếu đạo Phật chỉ là một mớ giáo điều cố định thì đạo Phật đã không có một địa vị như ngày nay trong văn hóa nhân loại. Ðạo Phật là một giáo lý có nhựa sống dồi dào phong phú cho đến nỗi trải qua mấy ngàn năm mà vẫn còn sức để phát triển theo đà nhu cầu của các quốc gia và các thời đại. Ðiểm đặc sắc của đạo Phật là không phải những giáo điều cố định cứng cỏi , nằm chết cứng trong khuôn khổ Phật pháp là "bất định pháp" phải tùy thời gian không gian để uyển chuyển thích nghi với căn cơ của chúng sinh. Có thể là đạo Phật nguyên thỉ là một "cây giáo lý" bụ bẫm, mạnh khỏe và sung sức. "Cây giáo lý" ấy đã theo thời gian và không gian mà trưởng thành, để rồi bây giờ trở nên một cái cây to lớn, cành lá rườm rà tươi tốt. Ðừng ai bắt "cây giáo lý" ấy đứng yên ở trạng thái ban sơ của nó, không cho sinh trưởng. Bởi vì nếu không sinh trưởng thêm thì nó đã tàn hoại và đã không có nó. Ðàng này nó sinh trưởng mãnh liệt, vì nó có một sức sống mãnh liệt. Bây giờ đây nó to lớn sum sê, nhưng nó vẫn là "cây giáo lý". Vậy thì Phật giáo Việt Nam không thể vay mượn các hệ thống giáo lý của các dân tộc khác, các thời đại khác, bởi vì các hệ thống giáo lý ấy chỉ thích hợp với các dân tộc ấy và các thời đại ấy mà thôi. Khi bệnh, ta không thể uống bất cứ thang thuốc nào. Dân tộc Việt Nam cũng thế, vì có những phong tục, tập quán, tâm lý, kinh tế riêng; nói khác hơn là vì có một "căn cơ" riêng, nên không thể áp dụng bất cứ một hệ thống giáo lý nào của các dân tộc khác. Vậy người Phật tử Việt Nam cần học giáo lý, giáo sử cho đạt, rồi kiến tạo những hệ thống giáo lý thích hợp với cá tính dân tộc Việt Nam. Có như thế, Phật giáo mới là món ăn cần thiết và bổ dưỡng cho người Việt, và mới làm cho dân tộc Việt Nam mạnh khỏe và phát triển về mọi phương diện khác của văn hóa. 1- Nhìn lại quá khứ Những bộ kinh có đầu tiên ở nước ta là do người Việt hợp tác với người Ấn dịch từ tiếng Phạn và tiếng Pali ra. Sách vở viết về đạo Phật của các thiền sư Việt Nam từ đời Lý Trần trở về đây có một số lượng không phải là nhõ; thế mà vì những tai biến binh hỏa, vì quân nhà Minh vơ vét thu lượm hết, cho nên hiện giờ còn lại chẳng được bao lăm. Bộ Việt Nam Phật Ðiển Tùng San do hội Việt Nam Phật giáo sưu tập, khắc bản và ấn hành với sự giúp đỡ cũa trường Viễn Ðông Bác Cỗ, cũng chỉ được mấy ngàn trang chữ lớn. Nghĩ đến nền Phật giáo Việt Nam với những thời thịnh đạt huy hoàng như ở các triều đại Lý Trần, rồi nhìn lại các tác phẫm còn sót lại, chúng ta không khỏi ngậm ngùi và giận cho quân Minh tàn ác. Tuy nhiên, qua tác phẩm còn sót lại ấy, chúng ta cũng thấy được rằng tổ tiên chúng ta ngày xưa đã có những cố gắng không ngừng để dựng nên những giáo lý đặc biệt cho Phật gíao Việt Nam. Ngộ Ấn thiền sư đã xướng thuyết "Tam Bản", Cứu Chỉ thiền sư chủ trương thuyét "Tâm Pháp Nhất Như", Viên Chiếu thiền sư viết những sách Tân Viên Giác Kinh, Thập Nhị Bồ Tát Hạnh Tu chứng đạo tràng, sáng tácTham Ðồ Biểu Quyết và Dược Sư Thập Nhị Nguyên Văn mà các sư tăng đời Tống bên Tàu đã bái phục mà rằng:" Ðây mới thực là Phật sống xuất hiện ở phương Nam, mỗi lời nói ra thành kinh như thế này." Giác Hoàng Ðiều Ngự đã sáng lập một phái thiền tông hoàn toàn Việt Nam: Ðó là phái Trúc Lâm Yên Tử. Nếu nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về tư tưởng và hành động của các vị tổ sư sáng lập và về tôn chỉ và phương tiện của phái ấy, ta sẽ thấy những tính chất đặc kỳ của Phật giáo Việt Nam thời xưa. Ðó là một tổng hợp tài tình giữa hai khuynh hướng xuất thế và nhập thế vốn là rất rõ ràng và rất phân biệt ở Trung Quốc. Phái thiền tông này chủ trương "Phật giáo nhập thế" nhưng bảo tồn một cách vững chải sinh hoạt thực nghiệm tâm linh - Phật giáo xuất thế - ở những con người hành đạo Ðạo Phật vào thời của ba vị Tổ Trúc Lâm, nhờ thế đã trở thành một sinh hoạt cho đại thể, và đã hòa hợp làm một với văn hóa. Ðạo lý của phái Trúc Lâm là thể hiện của sự dung hợp xuất thế và nhập thế, nên người đứng ra lãnh đạo phải có một bản lỉnh vững chắc, nghĩa là có một khả năng nhập thế mạnh mẻ dựa trên một căn bản xuất thế vững vàng. Nếu căn bản xuất thế không vững vàng, người hành đạo sẽ "hữu tâm" ở công tác nhập thế, và vì vậy sẽ bị lôi cuốn đổ vỡ. Cũng vì thế mà sau Huyền Quang đại sư, đệ Tam tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử, không có ai xứng đáng để nắm giềng mối Ðạo pháp; và phật giáo không còn giữ được địa vị xưa. Nhưng dù sao những sự kiện đó cũng chứng tỏ một cách đầy đủ được rằng Phật giáo Việt Nam ngày xưa đã cố đi đến một giáo lý riêng cho mình, và đã đạt được một phần nào kết quả. Hướng đi đã được vạch sẵn từ ngàn xưa. Ngày xưa đã làm được một phần, ngày nay phải cố gắng thêm để làm thành. Ta không thể ngồi đợi những thức ăn thừa thải của người khác, để làm nhục cho chư Tổ ngày xưa, vì các ngài dù sao cũng đã xây cho Phật giáo dân tộc một nền tảng vững chắc. Nghiên cứu lại giáo sử Việt Nam, đó là việc đầu tiên để nhìn thấy con đường phải đi của Phật tử chúng ta hiện tại, để có một niềm tin tưởng vững vàng. Tin tưởng rằng ta sẽ làm nên việc và Phật giáo Việt Nam sễ trở thành một nền Phật giáo hoàn toàn có tính cách dân tộc và tiến bộ. Mà chỉ khi nào hợp cơ thì mới là dân tộc, chỉ khi nào hợp thời thì mới là tiến bộ mà thôi. 2- Nhìn đến hiện tại và tương lai: Giáo lý hiện tại của chúng ta là giáo lý nào? Ðó là một câu hỏi làm cho chúng ta bàng hoàng. Chúng ta tu học theo những pháp môn nào? Ðó là một câu hỏi khó trả lời cho minh xác. Thiền tông nay đã thất truyền. Có một ít vị có thực chứng thì cũng ẩn náu ở chốn non cao hay ở nơi khuất tịch, chẳng ai được nhờ đến ảnh hưởng đạo đức trực tiếp của họ. Các vị tăng già chỉ có một ít thực hành theo phép chỉ quán của Phật giáo Trung Hoa xưa. Phần đông đều là chỉ giữ giới mà thực hành theo pháp môn Tịnh Ðộ. Nhưng pháp môn Tịnh độ đã hầu thành một lối khẩn cầu mê tín. Nhất là với người tín đồ: Niệm Phật chẳng qua là một cách thức cầu xin để tiẻu tội và để vãng sanh tịnh thổ. Ða số không hiểu được nghĩa lý pháp môn Tịnh Ðộ, một pháp môn "khó tin khó nhận" (nan tín chi pháp). Cũng đồng là pháp môn Tịnh Ðộ mà ngày xưa lại được trọng thị hơn nhiều, bởi vì bên cạnh Tịnh Ðộ, còn có Thiền Tông. Thiền Tông tuy không chủ trương văn tự nhưng thật là một tông phái bác học, và các thiền gia đều là những nhà trí tuệ siêu phàm. Nơi các vị ấy, Tịnh Ðộ là một pháp môn thâm diệu, sự lý dung thông. Không có vị nào tu tịnh độ mà không đọc qua một "Thế Chí Niệm Phật Chương" trong kinh Lăng Nghiêm, hay một bộ Di Ðà Sớ Sao của Vân Thê Ðại sư, hoặc một An Lạc Tập của Ngài Ðạo Xước. Người ta không cho môn niệm Phật là một môn tu quá dễ dàng, ít ra, người ta đã không quan niệm môn đó một cách tính toán và tức cười như đạo hữu nào đó trong hai câu thơ đăng ở báo Viên Âm:
Quan niệm pháp môn Tịnh độ như thế, thực là đã hạ pháp môn ấy xuống mực thấp kém nhất. Thảo nào mà người trí thức cứ mãi xem thường pháp môn tịnh độ! Ðã đành không phải người tín đồ nào cũng có thể hiểu giáo lý duy tâm tịnh độ vì ở hạng hạ căn hạ trí, quan niệm về Phật và về Tịnh Ðộ chỉ có thể là một quan niệm rất thô sơ gần như mê tín. Nhưng ít ra, giáo lý Tịnh độ cũng phải được giải bày rõ ràng từ hạng căn cơ trung bình trở lên. Mà môn học để chứng minh và giải bày cho pháp môn tịnh độ, hiện bây giờ không có môn nào ngoài pháp môn Duy thức. Nếu muốn cho pháp môn Tịnh Ðộ của ta lấy lại được bản sắc và giá trị xưa thì phải xướng minh pháp tướng Duy Thức Học. Ngày xưa Tịnh Ðộ không mất bản sắc và giá trị là vì đứng bên cạnh Thiền Tông. Ngày nay Thiền Tông thất truyền, vậy Tịnh độ phải có một lưng dựa khác: Pháp tướng Duy Thức Học. Nhà học giả Trần Trọng Kim đã nhận xét rất đúng khi ông bảo rằng :"Ngày xưa, ở nước ta, Tịnh Ðộ được tôn trọng là vì ở bên Tịnh có Thiền; ngày nay Thiền đã mất, chỉ còn có Tịnh." Căn cơ của người bình dân Việt Nam chưa có thể thích hợp với pháp môn nào ngoài pháp môn Tịnh Ðộ, bởi vì pháp môn Tịnh Ðộ tuy khó, nhưng tương đối bậc hạ căn hạ trí còn có thể thực hành được một vài phần. Muốn cho các bậc từ căn cơ trung bình trở lên thấy được sự mầu nhiệm và nghĩa lý thâm sâu của pháp môn này, thì không gì hơn là giải bày cho họ giáo lý "cọng nghiệp - biệt nghiệp" của Duy Thức Học. Duy thức là một phương pháp quan sát để nhập duy thức tánh của muôn vàn hiện tượng nhưng đờng thời cũng là một môn học phân tích tâm lý và chỉ rõ sinh tử nghiệp báo, một môn học nghiêng nhiều về lý trí suy luận. Thông hiểu học thuyết Duy Thức thì sẽ thấy cái quan trọng của pháp môn Tịnh Ðộ. Hiểu sâu về A Lại Gia Thức và các tác dụng của thức này cùng sự liên lạc giữa nó với bảy thức khác, người ta mới thấy được pháp môn Niệm Phật là thần diệu. Thấu rõ được tác dụng cọng biến tự biến của Dị thục, người ta mới thấy sự kiến tạo cực lạc thế giới là hợp lý và phá tan mọi ngờ vực về "nan tín chi pháp". Người trí thức rất ham chuộng pháp tướng Duy Thức Học và khi thông hiểu sẽ không còn khinh thường pháp môn Tịnh độ. Cho nên, dù chưa nhờ Duy thức quán mà chứng ngộ đi nữa, thì người học Duy Thức cũng có thể dùng sở học của mình làm nền tảng cho một đức tin mà thực hành pháp môn Tịnh độ; và như thế, tịnh độ sẽ là một môn thực hành mà phần lý thuyết lại do pháp tướng xây dựng. Trong hiện tại, giáo lý Pháp Tướng Duy Thức lại là một lợi khí có thể phá tan được quan niệm Duy Vật thiên chấp và quan niệm thần quyền ngã chấp. Ai đã từng xử dụng duy nghiệp luận trong lúc đàm luận hẳn sẽ thấy rằng các thiên chấp và ngã chấp kia không thể nào đứng vững nổi trước giáo lý pháp tướng nhiệm màu. Gần đây trong giới Phật Học Việt Nam đã thấy tượng hình một giáo lý đặc biệt: giáo lý duy nghiệp. Duy nghiệp luận được xướng xuất do một vài vị giáo sư và giảng sư, đã trở thành một giáo lý cần dùng cho thời đại: chứng minh cho Tịnh độ, phá vỡ kiến chấp duy vật và duy thần. Trong các báo chí, sách vở, duy nghiệp luận đã được giải bày, đã được đề cập đến... Ðó là những điềm lành cho đạo Phật Việt Nam. Mong rằng các Phật Học Viện hãy cố gắng thực nghiệm, tinh luyện rồi sáng tạo cho Phật giáo Việt Nam những giáo lý phong phú, lành mạnh, thích hợp với căn cơ của dân tộc, của thời đại. Các vị cao tăng có nghiên cứu, có tu chứng, có sáng tạo thì đạo Phật Việt Nam mới có được những giáo lý hợp thời cơ. Chúng tôi chỉ dám đưa ra đây một vài nhận xét. Công trình là công trình chung của các giới Phật tử Việt Nam. Nhìn lại gia tài sản nghiệp của tổ tiên, nhìn sang kho tàng giàu thịnh của Phật giáo các nước rồi nghĩ đến tình trạng nguy khốn hiện tại, chắc hẳn quý vị sễ đồng ý với chúng tôi rằng chúng ta phải cố gắng nghiên cứu, thực nghiệm, tu chứng để có thể xây dựng cho Phật giáo nước nhà những hệ thống giáo lý có tính cách dân tộc (hợp cơ) tiến bộ (hợp thời). Chúng tôi sốt sắng góp lời cầu nguyện... |
[Thư Mục chính] | Last updated: 31-01-2000 |
Web
master: binh_anson@yahoo.com |