This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font
Trích: "Ngay Trong Kiếp Sống Nầy", Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch,
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ, 1996.

Các Tầng Thiền Minh Sát

(Phần A)


Làm Dịu Tâm

Ðức Phật dạy rằng, "Thật vậy, thông qua Thiền Minh Sát, ta có thể phát triển trí tuệ rộng lớn, bao phủ cả quả đất này". Ðặc tính của trí tuệ này là thẩm thấu qua tâm làm cho tâm bành trướng và phát triển rộng rãi. Không hành thiền, tâm sẽ trở nên chật hẹp, khô cứng vì luôn luôn bị phiền não quấy nhiễu. Mỗi một phút giây thiếu chánh niệm, phiền não sẽ len lỏi vào. Mỗi một phút giây chánh niệm thì phiền não không thể xen vào, không thể làm cho tâm cứng ngắc, giao động.

Các pháp trần hay là đối tượng của tâm đi vào sáu cửa, đôi khi là những pháp tốt, đôi khi là những pháp xấu; đôi lúc làm ta vừa lòng, đôi lúc làm ta khó chịu. Khi một hình ảnh đẹp đẽ đập vào mắt ta, nếu ta không chánh niệm thì tham ái và dính mắc sẽ tràn ngập và quấy nhiễu tâm ta. Khi bị căng thẳng và giao động bởi tham ái và dính mắc thì tâm bắt đầu đặt kế hoạch và tính toán tìm phương cách để nắm giữ vật mình ưa thích hay điều mình mong muốn. Từ tâm tính toán đó lời nói và hành động phát sanh.

Nếu tâm không được phòng ngự, bảo vệ bởi chánh niệm, thì khi tiếp xúc với một đối tượng không hài lòng, sân hận sẽ phát sinh. Thế là tâm bị giao động. Sự giao động này biểu lộ ra ngoài khiến người khác có thể thấy một cách rõ ràng. Mặt đương sáng sủa đẹp đẽ bỗng tối sầm lại, nhăn nhó, khó coi; lời nói trở nên cộc cằn, thô lỗ, có thể tiến đến thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, và có thể đưa đến việc đả thương, hay gây án mạng.

Sự vật chính nó chẳng đáng yêu mà cũng không đáng ghét tí nào, nhưng vì tâm thiếu chánh niệm nên bị đám mây si mê chế ngự tâm trí khiến ta không thể thấy rõ bộ mặt thật hay bản chất tự nhiên của đối tượng. Thế là vào lúc đó, sự căng thẳng, sự giao động và các phiền não khác sẽ có cơ hội chen vào. Nhiều người cho rằng chúng ta nên ngăn chặn đừng để các cảm xúc vui thích, không vừa lòng hay vô ký đi vào tâm ta. Ðó là một ý tưởng sai lầm, lệch lạc. Ðiều quan trọng là chúng ta phải duy trì chánh niệm và nhìn chúng với cặp mắt bình thản, tự nhiên, không thiên vị.

Nhiều người tự nghĩ rằng có lẽ chúng ta phải bịt mắt, bưng tai trong khi hành thiền. Nhưng làm sao có thể bịt mũi và ngăn cản lưỡi cảm nhận vị? Và làm thế nào có thể khiến thân không cảm nhận sự nóng lạnh, đau nhức, v.v... Chánh niệm không có nghĩa là bịt mắt, bưng tai, nín thở. Trong khi ngồi thiền, chúng ta cố gắng tập trung tâm ý vào đề mục chính, nhưng âm thanh và những cảm giác mạnh mẽ dấy lên trong thân thể ta, ta vẫn biết được. Dầu có tinh tấn đến đâu, nhiều lúc tâm cũng trượt khỏi đề mục và tâm phóng đi nơi khác. Ðiều quan trọng là chúng ta ghi nhận những gì xảy ra khi chúng mạnh mẽ hơn đề mục chính, rồi đưa tâm trở về đề mục chính. Nếu các đối tượng khác không mạnh hơn đề mục chính thì ta chẳng cần để ý đến chúng làm gì.

Năng Lực Của Sự Thu Thúc

Thực hành thu thúc là một phương thức có hiệu quả trong việc ngăn chận phiền não. Thu thúc không có nghĩa là trở thành điếc hay tê liệt, mà là canh chừng, phòng ngự các giác quan đừng để tâm chạy khỏi các cửa đó mà thiếu chánh niệm. Chánh niệm đóng vai trò chủ động trong việc thu thúc. Khi tâm đi ra các cửa đó mà không chánh niệm thì nó sẽ tính toán kế hoạch. Khi giữ tâm chánh niệm trong từng sát na một thì tâm không bị lôi cuốn vào tham lam, sân hận và si mê. Nếu chúng ta tích cực nỗ lực tinh tấn thì tâm chúng ta sẽ được huấn luyện thuần thục và hoàn toàn thoát khỏi sự phục kích của phiền não.

Chúng ta phải kịp thời ghi nhận ngay tức khắc khi tiếp xúc với đối tượng, cố gắng chánh niệm thế nào để khi nghe chỉ thuần là nghe, khi thấy chỉ thuần là thấy, khi nếm chỉ thuần là nếm, khi đụng chỉ thuần là đụng, khi suy nghĩ chỉ thuần là suy nghĩ. Mỗi tiến trình phải được ghi nhận một cách rõ ràng, đơn giản, đừng để sự suy nghĩ xen vào, cũng đừng để phiền não làm cho tâm ngưng đọng, đóng cục hay xơ cứng. Nếu hoàn toàn chánh niệm, chúng ta sẽ nhận thấy đối tượng sinh rồi diệt mà không thông qua sự suy nghĩ hay phản ứng. Dầu cho đối tượng nào xuất hiện đi nữa, chúng ta cũng phải can đảm đối đầu với nó. Nếu làm được như thế, ta sẽ không bị yêu và ghét chi phối.

Vào thời Ðức Phật có một vị vua rất thắc mắc về giới luật của các vị sư trẻ tuổi. Không biết làm thế nào những nhà sư trẻ có thể giữ giới luật được, nhất là các vị sư đang ở vào lứa tuổi thanh xuân. Làm thế nào họ có thể duy trì sự thanh khiết khi ái dục phát sinh. Nhà vua bèn hỏi một vị sư lớn tuổi về vấn đề này. Vị trưởng lão trả lời: "Khi những vị sư trẻ gặp phụ nữ trẻ hơn mình thì xem họ như em gái mình; khi gặp phụ nữ bằng tuổi hay lớn hơn một chút thì xem họ như chị của mình; khi gặp phụ nữ lớn hơn mình thì xem họ như mẹ mình; nếu gặp phụ nữ lớn tuổi hơn nữa thì xem họ như bà nội, bà ngoại của mình".

Không bằng lòng với câu trả lời này, nhà vua nói: "Nhưng tốc độ của tâm rất nhanh. Ngay cả khi ta chưa kịp suy nghĩ thì ái dục đã phát sanh rồi".

Vị trưởng lão cố gắng giải thích thêm: "Nếu vị sư gặp một phụ nữ mà quên chánh niệm, bắt đầu ngắm nghía gương mặt và vóc dáng cô ta, thì tự nhiên ái dục phát sanh. Nhưng nếu nhà sư nhìn người phụ nữ như nhìn ba mươi hai thể trược: tóc, lông, móng, răng, da, ruột, gan, xương, tủy, v.v... và quán tưởng đến sự ghê tởm của các thể trược này, thì ái dục không có cơ hội chi phối. Khi tâm đầy sự ghê tởm nhàm chán đối với hình sắc người phụ nữ, thì ái dục không thể phát khởi được". Ðây là đề mục niệm thân mà Ðức Phật chỉ dạy.

Vẫn chưa thỏa mãn với sự trả lời của vị trưởng lão, nhà vua hỏi tiếp: "Gặp trường hợp nhà sư giàu tưởng tượng hơn sự định tâm thì sao?"

Tôi muốn mở một dấu ngoặc ở đây về vấn đề tưởng tượng. Một thiền viện nọ, giữa thiền đường có chưng bày một chiếc tủ kiếng, trong đó treo một bộ xương để mọi người có thể nhìn thấy mà quán tưởng đến sự thúc bách của cái chết. Nhìn vào bộ xương, người ta có thể nhìn thấy được sự giả tạm của cuộc sống. Dưới chân bộ xương có để một tấm bảng nhỏ ghi chữ: "Cô gái mười sáu tuổi".

Người có hành thiền và có sự chú tâm sáng suốt, khi nhìn bộ xương có thể tự nhủ: "Chà, cô bé thật đáng thương. Còn quá trẻ mà đã chết. Ta cũng vậy. Cũng sẽ chết". Lúc bấy giờ một tư tưởng khẩn cấp trước cái chết nảy sinh, và người xem sẽ cố gắng làm những việc phước thiện như bố thí, trì giới, tham thiền với một sự tinh tấn nhiệt thành. Một người khác khi nhìn bộ xương có thể phát sanh sự ghê tởm, nhàm chán và thấy rằng thân thể này chẳng có gì cả. Nó chỉ là bộ xương được nhồi nhét và đắp lên gan, tim, phèo, phổi, thịt, da đầy ô trược; hay chẳng qua chỉ là một cái túi da, bên trong chứa đựng xương, thịt, máu, phẩn, nước tiểu, v.v...

Một hôm có một chàng thanh niên nhiều tưởng tượng đến thiền đường. Sau khi quán sát bộ xương, ngắm đi ngắm lại, ngắm tới ngắm lui, chàng thanh niên để ý đến tấm bảng dưới chân bộ xương rồi tự nhủ: "Thật đáng thương! Chắc là trước khi chết cô bé này đẹp lắm". Chàng ta bắt đầu thêm da thịt vào cái sọ khô, và bỗng nhiên trước mắt chàng là một khuôn mặt kiều diễm, tóc dài óng mượt, làn da mịn màng, cổ cao ba ngấn, vóc dáng thon thả. Thế rồi chàng ta đứng ngẩn ngơ trước bộ xương. Chàng thanh niên đã bị tham ái bao phủ do những hình ảnh mà anh ta vừa tạo nên. Hình ảnh này chẳng khác nào một con thú nhồi bông hay bộ sườn tre của những người làm đồ mã được dùng giấy bổi để đắp lên.

Trở lại câu chuyện của nhà vua ở trên. Vị trưởng lão trả lời: "Tất cả những vị sư trẻ đều phải hành Thiền Minh Sát, giữ tâm chánh niệm, thu thúc lục căn, không để cho tâm phóng túng vọng động, không bị chi phối bởi những gì nhìn thấy".

Nhà vua cảm thấy hài lòng với câu trả lời và nói: "Vâng, như vậy mới đúng. Tôi có thể minh chứng điều này qua kinh nghiệm của chính tôi, vì mỗi khi tôi đi ngang qua tam cung lục viện mà không chánh niệm thì tôi gặp nhiều rắc rối, nhưng nếu tôi chánh niệm thì không có vấn đề gì cả".

Hy vọng rằng câu chuyện trên sẽ giúp cho các bạn cố gắng thu thúc lục căn để khỏi bị phiền não quấy nhiễu.

Sự Thu Thúc Trong Khóa Thiền Tích Cực

Trong một khóa thiền tích cực, ta phải giữ hạnh thu thúc. Nhiều người nghĩ rằng thu thúc quá nhiều, nhưng thật ra thì thu thúc biết bao nhiêu cho vừa! Thu thúc chẳng bao giờ đủ cả.

Trong khi hành thiền tích cực, chúng ta phải giữ ít nhất bốn sự thu thúc đã được ghi trong kinh điển.

Thứ nhứt, thiền sinh có mắt phải làm như mù. Trong khi đi, mắt phải nhìn xuống đất, không tò mò nhìn đây nhìn đó khiến tâm trí bị phân tán.

Thứ hai, thiền sinh có tai phải làm như điếc. Khi nghe một tiếng động, không nên để ý đó là tiếng động gì. Không phán đoán, đánh giá, phân tích, phân biệt âm thanh. Phải bỏ qua làm như không biết gì đến tiếng động và không để ý đến tiếng động.

Thứ ba, thiền sinh thông minh phải làm như ngu dốt. Mặc dầu được học hỏi hiểu biết nhiều, đọc rất nhiều các sách thiền và đã từng thực hành qua nhiều phương pháp, nhưng trong khi hành thiền, thiền sinh phải gác qua một bên mọi kiến thức của mình. Bao nhiêu kiến thức hãy bỏ vào rương, khóa lại, nhét dưới gầm giường, hãy làm như người không biết gì và không nói gì về những điều mà mình đã biết.

Thứ tư, là thiền sinh khỏe mạnh làm như ốm đau. Ði đứng chậm chạp, chánh niệm.

Cần phải thêm một sự thu thúc thứ năm nữa, đó là còn sống mà làm như chết rồi. Có cảm giác mà làm như không có cảm giác, không biết gì. Ðó là muốn đề cập đến các cảm giác đau nhức. Như chúng ta biết, xác chết dầu có bị băm vằm ra từng mảnh nhỏ thì cũng chẳng có cảm giác gì. Nếu trong khi hành thiền mà sự đau nhức phát sinh, thiền sinh phải thu hết can đảm và nghị lực để nhìn thẳng vào sự đau nhức. Thiền sinh phải có dũng cảm tinh tấn để xuyên thấu và hiểu biết sự đau mà không thay đổi tư thế, cũng không bực tức sự đau nhức này.

Mỗi một phút giây, chúng ta phải cố gắng tinh tấn chánh niệm với những gì đang xảy ra trong hiện tại. Chúng ta cố gắng ghi nhận: thấy, thấy, thấy mỗi khi thấy; ghi nhận nghe, nghe, nghe mỗi khi nghe. Phải tinh tấn để ghi nhận. Cần phải có một cái tâm chính xác hướng về đề mục để tâm có thể tiếp xúc với đề mục quán sát .

Chánh niệm cũng phải có mặt, xuyên thấu sâu xa vào trong đối tượng, và với chánh niệm sẽ đưa đến chánh định giúp cho tâm tập trung không bị tán loạn hay vọng động.

Trí Tuệ Giúp Cho Tâm Mềm Dẻo

Chánh tinh tấn, chánh hướng tâm (hay chánh tư duy), chánh niệm, chánh định là những yếu tố của bát chánh đạo. Khi các yếu tố này hiện diện trong tâm thì phiền não không có cơ hội phát sinh. Phiền não làm cho tâm trơ cứng, trì độn. Khi các yếu tố kia hiện diện thì nó biến tâm trở nên mềm dẻo, linh động. Nếu tiếp tục ghi nhận chánh niệm thì tâm sẽ dần dần xuyên thấu vào trong bản chất của mọi vật. Thiền sinh sẽ thấy rõ mọi vật đều tạo bởi danh và sắc, và tâm sẽ cảm thấy sự an lạc lớn lao. Không có ai ở đó cả mà chỉ có danh và sắc. Không có ai tạo ra danh và sắc. Nếu tiếp theo, ta thấy được sự liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng danh và sắc này thì tâm sẽ không còn hoài nghi nữa. Một thiền sinh đầy nghi ngờ thì khó có thể chữa trị được sự cứng ngắc và sự căng thẳng này. Dầu cho thiền sư có cố gắng bao nhiêu đi nữa, thì sự tinh tấn của thiền sinh cũng khó tăng lên được.

Nếu thiền sinh kiên trì hành thiền để đạt được ít nhất tuệ thấy rõ nhân quả thì sẽ không còn vấn đề khó khăn, mắc mứu gì nữa. Tuệ giác này sẽ làm cho sự nghi ngờ tan biến và giúp cho tâm trở nên mềm dẻo. Thiền sinh không còn tin vào thượng đế hay một đấng sáng tạo, đấng toàn năng nào đã tạo nên thân và tâm này. Lúc bấy giờ, nghi ngờ sẽ biến mất. Nếu chúng ta tiếp tục chánh niệm sâu xa hơn và sống trong từng phút giây hiện tại, bấy giờ tâm sẽ mềm dẻo, tinh tế, thoải mái, thư thái hơn bởi vì những sự căng thẳng của phiền não đã được nới lỏng.

Khi quán sát bản chất thật sự của thân và tâm, thiền sinh sẽ đạt được tuệ giác thấy rõ vô thường. Khi thấy rõ vô thường thiền sinh sẽ không còn kiêu mạn như trước nữa. Nếu thiền sinh thấy rõ ràng áp lực lớn lao do các hiện tượng danh sắc gây ra, thiền sinh sẽ có trí tuệ xuyên thấu được bản chất của sự khổ và nhờ thế thoát khỏi tham ái.

Nếu thiền sinh thấy được sự vắng bóng của các hiện tượng tự ngã, biết rõ ràng tiến trình của thân tâm là hoàn toàn trống rỗng và chẳng liên quan gì đến ước muốn của chúng ta thì bấy giờ thiền sinh sẽ không còn tà kiến về một tự ngã hay cái tôi vĩnh viễn nữa. Ðó chỉ mới là giai đoạn khởi đầu. Càng xuyên thấu sâu xa hơn vào bản chất thực sự của sự vật thì tâm càng trở nên mềm dẻo, linh hoạt, dễ uốn nắn, dễ điều khiển hơn. Khi thiền sinh đạt được đạo quả tâm đầu tiên thấy rõ Niết Bàn lần thứ nhất thì một số phiền não sẽ không bao giờ xuất hiện làm cho tâm thô cứng, ngưng đọng nữa.

Hy vọng các bạn tiếp tục và tích cực chánh niệm để có thể phát triển trí tuệ rộng lớn và thâm sâu này.

Quét Sạch Khổ Ðau

Ðừng để tâm ra ngoài, cũng đừng để tâm ngưng đọng bên trong

Là một thiền sư, tôi quan sát nhiều thiền sinh và thấy rằng nhiều thiền sinh để tâm lang thang mà không chánh niệm. Vì muốn giúp bạn thấy rõ bản chất của tâm vọng động hay phóng tâm, tôi muốn nhắc nhở các bạn những lời dạy sau đây của Ðức Phật.

Ðức Phật dạy: "Ðừng để tâm lang bạt bên ngoài, cũng đừng để tâm đứng lại bên trong. Thầy tỳ khưu nào có thể chánh niệm như vậy thì chắc chắn sẽ chấm dứt mọi đau khổ".

Trước tiên, tôi muốn nói rằng tất cả những ai hành thiền một cách nghiêm túc có thể xem mình là tỳ khưu. Những ai muốn thoát khỏi đau khổ đều có thể áp dụng những điều trên đây của Ðức Thế Tôn. Tuy nhiên, thật khó có thể biết được chúng ta phải chọn hướng nào đây để tiến bộ. Thế nào là đừng để tâm lang bạt, và làm thế nào để bảo đảm chắc chắn tâm không lang bạt? Chúng ta tin rằng vấn đề này không khó khăn. Mọi thiền sinh đều đã kinh nghiệm qua chuyện phóng tâm, và chúng ta đã có thể dùng năng lực của chính mình để ngăn chận nó.

Một thiền sinh chăm chỉ hành thiền thì có thể kiểm soát không để cho tâm vọng động. Vậy, nếu tâm không vọng động thì tâm phải ở bên trong. Nhưng Ðức Phật lại dạy rằng, "Ðừng để tâm cô đọng bên trong". Như vậy thì phải làm thế nào? Không nên để tâm ở ngoài, cũng không nên để tâm ở trong. Vậy phải làm sao đây? Hẳn các bạn đã từng biết là tâm ở bên trong chúng ta. Nếu bạn chú tâm vào những gì đang xảy ra trong hiện tại thì tâm bạn ở đâu? Nếu không ở ngoài thì chắc chắn tâm phải ở bên trong, vậy thì phải làm thế nào đây? Phải chăng ta chỉ cần uống một viên thuốc ngủ là ổn thỏa? Nhưng dầu có làm như vậy thì cũng đi ngược lại lời Phật dậy vì tâm vẫn còn nằm bên trong. Vậy phải làm sao đây? Nhưng Ðức Phật đã quả quyết rằng, nếu chúng ta theo đúng lời chỉ dẫn của Ngài thì sẽ thoát khỏi khổ đau. Sau khi nói dứt câu này, Ðức Phật vào trong hương phòng. Một số thính giả chưa đủ trí tuệ để hiểu rõ câu nói của Ðức Phật bèn thỉnh cầu Ðại Ðức Kaccayana giảng giải rộng thêm. Ngài Kaccayana là một vị A la hán và ngài có biệt tài giải thích các câu nói ngắn gọn của Ðức Phật.

Giải Thích Câu Ðố Của Ðức Phật

Câu nói trên cũng là một câu đố để thử trí thông minh của chúng ta nữa. Tôi đề nghị các bạn hãy bắt đầu tự hỏi mình rằng: Khi không kiểm soát được tâm thì điều gì sẽ xảy ra? Tâm sẽ phản ứng với đối tượng như thế nào?

Khi tâm tiếp xúc với đối tượng vừa lòng, thích thú, thì tâm sẽ tràn ngập tham lam. Lúc đó, ta gọi là vọng tâm, hay phóng tâm. Cũng vậy, nếu tâm tiếp xúc với đối tượng không vừa lòng, không ưa thích, tâm sẽ tràn đầy sân hận, thì đây cũng là sự vọng tâm hay phóng tâm. Khi tâm không hiểu rõ những chuyện xảy ra, tâm tràn đầy si mê thì đó cũng là sự phóng tâm hay vọng tâm. Khi phóng tâm hay vọng tâm tức là tâm đã lang bạt ra ngoài. Do thiếu chánh niệm tâm không nhìn rõ được bản chất thật sự của các đối tượng. Do đó tạo điều kiện cho tham lam, sân hận, si mê phát sanh. Ðức Phật thường dạy chúng ta đừng để cho tham, sân, si hiện khởi. Phải chăng khi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm đều được xem là sự phóng tâm?

Tiến Trình Của Cảm Giác Với Chánh Niệm và Không Chánh Niệm

Tất cả những tiến trình của ngũ trần, sắc, thanh, hương, vị và xúc, bản thân chúng chẳng mang đặc tính tốt hay xấu gì cả. Khi ngũ trần tiếp xúc với ngũ căn, nếu ta không kịp thời chánh niệm thì hàng loạt diễn tiến của tâm sẽ tiếp nối, kèm theo tham, sân, si. Mục đích của Thiền Minh Sát là giúp chúng ta có chánh niệm sắc bén để có thể nhìn đối tượng đúng theo bản chất của chúng, không để cho yêu, ghét chen vào. Làm được như vậy sẽ chặn đứng được nguồn tâm bất thiện tiếp diễn. Lúc đó, phóng tâm sẽ không xảy ra. Như vậy, phóng tâm hay vọng tâm là tâm bị ô nhiễm bởi phiền não khi nó tiếp xúc với đối tượng.

Trong thực tế, khi tiếp xúc với đối tượng, nếu ta phân tích hay mổ xẻ đối tượng thì đó gọi là phóng tâm. Chẳng hạn, khi một màu sắc đập vào mắt ta, ta có phản ứng: "Ô, màu này thật đẹp!" hay "Màu này sao mà chói chang đến vậy?" tức là ta đã phóng tâm. Ngược lại, nếu khi nhìn màu sắc mà ta có nỗ lực chánh niệm, có sự tinh tấn thì đó là cơ hội để ta thấy được tiến trình của sự thấy. Ðó là dịp để phát triển trí tuệ, để chúng ta thấy rõ được sự tương quan giữa thân và tâm, những liên hệ nhân quả của chúng, cũng như thấy được đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của chúng.

Bạn có thể thử nghiệm ngay bây giờ. Chú tâm vào chuyển động của bụng. Nếu tâm tinh tấn chánh niệm một cách chính xác vào chuyển động, thấy rõ sự chuyển động từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt, thì lúc đó tham, sân và si không nhảy vào được. Lúc ấy, không có tư tưởng về vật đẹp hoặc xấu và cũng không có sự mơ hồ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Rầm!

Nhiều khi đang chú tâm vào sự chuyển động của bụng, đột nhiên có một tiếng động lớn nổi lên. Tiếng động mạnh này mạnh hơn chuyển động phồng xẹp nên tâm tự động hướng vào đề mục mới. Mặc dầu vậy nhưng không thể gọi đó là phóng tâm nếu chúng ta tức thời ý thức tiếng động và niệm nghe, nghe, nghe mà không suy nghĩ đến nguyên nhân gây ra tiếng động, cũng không cần biết đó là tiếng động gì. Nếu được như thế thì sẽ không có tham, sân, si vào lúc ấy.

Nhưng khi một âm thanh đập vào tai, nếu tâm ta bị cuốn hút và nhận ra đó là âm thanh quen thuộc, như nghe một bản nhạc, một bài hát chẳng hạn, tâm ta bắt đầu nhớ lại hay hồi tưởng: "Trước đây ta đã từng nghe âm thanh này. Tên ca sĩ hát bài hát này, tác giả bài hát..." rồi rời khỏi giây phút hiện tại và chìm đắm vào trong tiếng nhạc, quên mất rằng mình đang hành thiền nên gõ nhịp và lắc lư theo tiếng hát... như vậy là bị phóng tâm chế ngự.

Có một thiền sinh đang ngồi thiền một cách chánh niệm, đang theo dõi đề mục một cách tĩnh lặng và tốt đẹp. Thình lình, một thiền sinh ngồi cạnh cô ta đứng dậy một cách vội vã làm phát ra tiếng động. Cô thiền sinh nghe rõ mồn một tiếng răng rắc của các khớp xương và tiếng áo quần cọ sột soạt. Tức thời cô thiền sinh của chúng ta bắt đầu nghĩ: "Thật là chẳng ý tứ chút nào cả! Vô ý thức! Ðang giữa giờ ngồi thiền mà đứng dậy phá rối trong khi ta đang ngồi thiền một cách ngon lành thế này". Thế là sự giận dữ bùng phát. Có thể gọi đây là "Ðại Phóng Tâm". Phần lớn các thiền sinh đã tránh được tình trạnh này nhờ nỗ lực chánh niệm từng Sát na, không bị phản ứng khi có đối tượng lạ phát sinh. Nhờ thế mà không bị phóng tâm chi phối.

Các Tầng Ðịnh

Không vọng tâm hay không phóng tâm có nghĩa là tâm chánh niệm kịp thời và chính xác vào những gì đang xảy ra. Khi tâm chánh niệm một cách tốt đẹp và liên tục vào tất cả những gì đang xảy ra thì tâm sẽ ở vào tình trạng gọi là nhập định. Nhập định có nghĩa là tâm dính chặt vào đề mục và quán sát đề mục đó. Hãy tưởng tượng rằng bạn thấy vật gì đó đang nằm trong bùn và muốn lấy vật đó lên. Bạn bèn dùng một cây nhọn ghim sâu vào vật đó rồi nhấc nó lên. Nếu bạn không biết chắc đó là vật gì, thì bây giờ bạn có cơ hội để nhìn rõ ràng hơn. Cũng như trong khi bạn ngồi vào bàn ăn. Bạn dùng nĩa ghim thức ăn. Hai ví dụ này cho ta thấy thế nào là yếu tố định hay tình trạng nhập định.

Các Tầng Ðịnh Trong Thiền Chỉ

Có hai loại định: định trong thiền chỉ (hay thiền vắng lặng) và định trong Thiền Minh Sát. Một số các bạn đã đọc sách và biết được các tầng định trong thiền chỉ sẽ lấy làm ngạc nhiên tại sao tôi lại nói đến các tầng định trong Thiền Minh Sát. Khi nhập định trong thiền chỉ, lúc bấy giờ tâm hoàn toàn tập trung, dính chặt vào một đề mục duy nhất - một hình ảnh trong tâm chẳng hạn; như tâm tập trung vào một chiếc đĩa màu đỏ hay vào ánh sáng. Tâm bị hút chặt vào đề mục đó, không bị lay động hay di chuyển đi nơi khác. Cứ như thế thiền sinh chú tâm vào đề mục cho đến khi tâm hoàn toàn an trụ trên đề mục rồi dần dần tiến vào trạng thái nhập định vào các tầng thiền. Có rất nhiều tầng thiền khác nhau, mỗi tầng thiền có đặc tính riêng biệt.

Các Tầng Ðịnh Trong Thiền Minh Sát

Ðịnh trong Thiền Minh Sát khác với định trong thiền Chỉ ở chỗ tâm chuyển từ đề mục này sang đề mục khác và an định tâm vào đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của tất cả các đối tượng. Ðịnh trong Thiền Minh Sát cũng bao gồm các trường hợp tâm chuyên chú và gắn chặt vào sự an lạc tĩnh lặng của Niết Bàn. Trong khi mục đích của thiền chỉ là đạt được trạng thái tâm an lạc và nhập định, thì mục đích của Thiền Minh Sát là đạt được các tầng tuệ và giải thoát.

Ðịnh trong Thiền Minh Sát là an trụ tâm vào chân đế. Chân đế là những gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp qua sáu cửa giác quan. Phần lớn những gì chúng ta nhận ra hay chú tâm đến ở sáu cửa giác quan đều là chân đế của các pháp. Ðó là sự biến đổi không ngừng của các hiện tượng thân và tâm. Niết Bàn cũng là chân đế, nhưng Niết Bàn không có sự thay đổi. Niết Bàn là pháp vô vi, vô điều kiện.

Ðể biết rõ vấn đề, ta hãy xét đến tiến trình của hơi thở. Những cảm giác mà chúng ta cảm nhận được ở bụng trong khi theo dõi chuyển động của bụng, đó là chân đế. Mục đích của sự chú tâm vào chuyển động của bụng là để thấy rõ các đặc tính và bản chất của các hiện tượng đang xảy ra ở đấy. Khi bạn chú tâm vào sự co dãn, sự căng thẳng, sự đàn hồi, sự rung chuyển, cứng, mềm, nóng, lạnh, v.v... như vậy là bạn đã phát triển các mức định tâm của Thiền Minh Sát .

Khi quán sát những gì xảy ra ở sáu cửa giác quan thì chúng ta cũng dùng những phương cách tương tự như trên. Nếu có nỗ lực tinh tấn và chánh niệm đúng đắn, chú tâm vào những gì đang xảy ra tại một cửa nào đó của giác quan thì ta cũng hiểu được chân đế hay bản chất thật sự của những gì đang xảy ra ngay tại cửa giác quan này. Thấy được chân đế ở các cửa giác quan có nghĩa là thấy được các đặc tính riêng và chung của danh và sắc hay thân và tâm. (Cũng cần nhắc lại ở đây thế nào là đặc tánh riêng của danh và sắc được nhận biết qua việc hành thiền. Khi hành thiền, chúng ta quán sát các hiện tượng danh và sắc. Khi nỗ lực tinh tấn và chú tâm chánh niệm hợp lý, thì tiến bộ đầu tiên là ta thấy được đặc tính riêng của danh và sắc. Ðặc tính riêng của danh hay tâm là sự nhận biết đối tượng bao gồm cả xúc, thọ, yêu, ghét, chánh niệm, định tâm, buồn, vui, an tịnh, trí tuệ, v.v... Ðặc tính riêng của sắc hay thân là tứ đại: sự cứng mềm, (đất), sự nóng lạnh (lửa), sự chuyển động, căng cứng, rung chuyển (gió), sự dính hút hay lỏng (nước). Danh và sắc đều có giai đoạn khởi lên, kéo dài và chấm dứt. Ðó là đặc tính nhân duyên hay đặc tính trung gian. Thiền sinh sẽ thấy rõ đặc tính trung gian trước khi thấy rõ đặc tính chung của danh và sắc là vô thường, khổ não và vô ngã).

Các Chi Thiền

Theo một lối phân loại thì có bốn tầng thiền. Tầng thiền thứ nhất có năm thiền chi, và tất cả các thiền chi đó đều quan trọng trong việc hành Thiền Minh Sát .

Thiền chi thứ nhất gọi là tầm (vitakka) hay hướng tâm. Ðây là yếu tố hướng tâm một cách chính xác và trực tiếp vào đối tượng. Tầm còn có đặc tính là đặt tâm trên đối tượng.

Thiền chi thứ hai là tứ hay sát (vicara). Sau khi đặt tâm trên đối tượng, giờ đây tứ tiếp tục định vị, dẫm, chà xát, hoạt động quán sát đối tượng. Bạn có thể kinh nghiệm được điều này khi quán sát chuyển động của bụng. Trước hết, bạn phải có tinh tấn hướng tâm vào tiến trình chuyển động của bụng, rồi tâm nắm được đối tượng mà không để trượt khỏi hay rời đối tượng. Tâm dẫm lên đối tượng và chà xát đối tượng. Khi tâm chánh niệm từ thời khắc này đến thời khắc khác một cách chính xác liên tục thì dần dần tâm trở nên thanh tịnh, trong sáng hơn. Các loại phiền não, nhất là năm chướng ngại chính: tham lam, sân hận, dã dượi buồn ngủ, phóng tâm và hoài nghi bị yếu đi rồi biến mất. Tâm trở nên trong sáng, an tịnh, tĩnh lặng. Sự trong sáng tĩnh lặng này do hai thiền chi tầm và sát đem lại. Trạng thái trong sáng, an tịnh tĩnh lặng này được gọi là viveka, có nghĩa là ẩn cư hay an trú, tâm được an định, trú ẩn, hoàn toàn thoát khỏi các chướng ngại. Sự ẩn cư hay an trú này không phải là một yếu tố của định. Ðây chỉ là một danh từ nói đến tình trạng ẩn cư hay an trú của tâm.

Thiền chi thứ ba là hỉ (piti), có nghĩa là hoan hỉ, thích thú trước những gì đang xảy ra. Thiền chi này có thể biểu lộ qua các trạng thái vật lý như rùng mình, nổi gai ốc, cảm thấy như sóng dồi vào mình, người nhẹ tênh như tách rời khỏi mặt đất, v.v...

Thiền chi thứ tư gọi là lạc (sukha) có nghĩa là sự dễ chịu, sự an vui hạnh phúc tiếp theo sau hỉ. Tâm lạc khiến ta thỏa thích hài lòng với việc hành thiền. Bởi vì cả hai thiền chi thứ ba và thứ tư đều là kết quả của sự ẩn cư khỏi phiền não nên chúng được gọi là "ẩn cư hỉ lạc" (viveka pÊti sukha) có nghĩa là sự hỉ lạc hạnh phúc do sự ẩn cư đem lại.

Hãy nghĩ đến những chuỗi nhân duyên liên tục này. Tâm ẩn cư có được nhờ ở sự hiện diện của hai thiền chi đầu tiên. Khi tâm hướng đến đối tượng một cách chính xác, nắm được đối tượng và chà xát trên đối tượng, thì sau một thời gian tâm sẽ được ẩn cư. Nhờ tâm được ẩn cư khỏi các phiền não, chướng ngại nên ta cảm thấy an lạc và thoải mái dễ chịu.

Khi bốn chi thiền đầu tiên có mặt, tâm tự động trở nên an tịnh, tĩnh lặng, dễ dàng quán thấu được những gì xảy ra mà không bị loạn tâm chi phối. Sự nhất tâm này là thiền chi thứ năm.

Muốn đến được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất cần phải có tuệ giác thấy danh sắc

Năm chi thiền này chưa đủ để đạt được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất. Tâm phải xuyên suốt vào đối tượng một chút để thấy rõ sự liên hệ hỗ tương giữa thân và tâm. Chỉ vào lúc ấy ta mới có thể nói là có được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất.

Một thiền sinh có tròn đủ năm chi thiền sẽ có một sự chánh niệm chính xác và mới mẻ hơn, nghĩa là tâm hút chặt vào đối tượng hơn trước đây; một sự hỉ lạc và hạnh phúc, thoải mái và cao thượng hơn xuất hiện. Ðây có thể là dịp để cho thiền sinh thưởng thức, nhấm nháp hương vị tuyệt vời của sự an lạc thanh tịnh mà mình đạt được. Thiền sinh có thể bị dính mắc vào sự an lạc thanh tịnh này và tự nhủ: "Ô, thật là kỳ diệu. Bây giờ mọi sự trở nên rõ ràng, trong sáng trước mắt ta. Ta nhẹ nhõm như phiêu bồng trôi nổi trên mây". Ðó là những suy tưởng xảy ra vào lúc có sự dính mắc vào sự định tâm, vào sự thanh tịnh.

Tâm Cô Ðọng Bên Trong

Ai cũng có thể bị dính mắc vào hỉ lạc, hạnh phúc và thoải mái dễ chịu. Dính mắc vào những tiến bộ đang diễn ra bên trong chúng ta là một loại tham ái đặc biệt vi tế, khác với loại tham ái thông thường. Tham ái thông thường là dính mắc, luyến ái vào ngũ dục. Cần phải ghi nhận kịp thời những tham ái dính mắc phát xuất trực tiếp từ sự hành thiền này để chúng khỏi trở thành những chướng ngại trong việc hành thiền. Nếu bạn có thể ghi nhận được một cách trực tiếp các trạng thái an tịnh tĩnh lặng này mà không bị mê đắm vào chúng hay không mơ tưởng đến những hỉ lạc cao hơn do sự hành thiền đem lại thì tâm bạn không bị cô đọng bên trong. Ðó là những điều mà Ðức Phật muốn nhắc nhở chúng ta.

Tóm lại, đừng để tâm lang bạc bên ngoài nghĩa là cần chánh niệm kịp thời và chính xác những gì đang xảy ra, không bị chi phối bởi chúng và không bị yêu ghét chen vào; đừng để tâm cô đọng bên trong nghĩa là đừng dính mắc, mê đắm vào những tiến bộ (hỉ lạc hay yên tịnh...) đang diễn ra bên trong do việc hành thiền tốt đẹp đem lại. Chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn vấn đề này.

Ba loại ẩn cư

Ðoạn kinh trên khuyên chúng ta trong khi hành thiền nên tránh những điều sau đây: Tránh tiếp xúc với ngũ dục và với bất thiện pháp. Muốn như vậy, chỉ có cách thực hành ba loại ẩn cư hay an trú: thân ẩn cư (kaya viveka), tâm ẩn cư (citta viveka), tỵ phiền não ẩn cư (vikkhambhana viveka). Tỵ phiền não ẩn cư là kết quả của thân ẩn cư và tâm ẩn cư. Tỵ phiền não ẩn cư có nghĩa là tâm không bị chế ngự bởi phiền não và chướng ngại.

Thân ẩn cư không phải là chính thân thể này ẩn cư. Chữ thân ở đây ám chỉ dục lạc ngũ trần. Như vậy, thân ẩn cư có nghĩa là xa lánh các dục lạc ngũ trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Ẩn cư khỏi các bất thiện pháp bao gồm trong tâm ẩn cư. Tâm ẩn cư thoát khỏi mọi phiền não gây trở ngại cho sự phát triển tâm định và trí tuệ nội quán. Trong thực hành, tâm ẩn cư có nghĩa là tích cực chánh niệm từ thời khắc này sang thời khắc khác. Thiền sinh nào có thể duy trì được sự chánh niệm từ thời điểm này sang thời điểm khác thì đã tạo được tâm ẩn cư.

Nếu không cố gắng nỗ lực tinh tấn thì sẽ chẳng bao giờ đạt được hai loại ẩn cư này. Muốn có thân ẩn cư, chúng ta phải tránh xa những nơi có thể phát sanh dục lạc ngũ trần. Tìm nơi hành thiền thích hợp để giúp tâm đạt được sự bình an tĩnh lặng, dĩ nhiên là chỉ dời chỗ không thì chưa đủ. Muốn đạt được tâm ẩn cư đòi hỏi chúng ta phải chánh niệm trên tất cả các đối tượng hiện khởi nơi sáu cửa giác quan.

Muốn chánh niệm thì phải hướng tâm vào đối tượng. Tinh tấn ghi nhận là phương tiện hữu hiệu để giúp tâm có thể chánh niệm một cách chính xác trên mọi đối tượng của sáu cửa giác quan. Sự hướng tâm (tầm) hay nỗ lực đặt tâm chính xác vào đề mục là thiền chi thứ nhất. Phải có sự hướng tâm và cố gắng quán sát chuyển động phồng xẹp của bụng để cuối cùng tâm gặp đề mục. Ðó là bạn ghi nhận rõ ràng các cảm giác căng thẳng, cứng mềm, chuyển động, v.v... Thế rồi tâm bắt đầu ở trên đề mục và chà xát trên đề mục. Ðó là tứ hay sát mà ta đã nói trước đây.

Sau khi chà xát trên đề mục một thời gian, tâm ngự trị và thâm nhập hẳn trên đề mục. Khi tâm ở trên đề mục chuyển động của bụng thì sự suy nghĩ ít khi xảy ra. Nhiều lúc cả một khoảng thời gian khá dài bạn không hề có một ý nghĩ hay sự phóng tâm nào. Như vậy là tâm đã thoát khỏi những đối tượng của ngũ trần dục lạc và thoái khỏi các phiền não do các đối tượng này sinh ra. Vào thời điểm ấy thì thân ẩn cư và tâm ẩn cư hiện diện. Khi tiếp tục hành thiền với nỗ lực quyết tâm và liên tục đều đặn thì phiền não sẽ lẩn trốn. Thế là bạn có được loại ẩn cư thứ ba, đó là tỵ phiền não ẩn cư.

Một Loại Hạnh Phúc Ðặc Biệt

Khi có được tỵ phiền não ẩn cư, tâm trở nên mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng, tinh tế, thư thái. Lúc ấy, một loại hạnh phúc đặc biệt phát sinh. Ðó là hạnh phúc của sự dứt bỏ. Hạnh phúc dứt bỏ là một sự an lạc thoải mái do sự dứt bỏ các dục lạc ngũ trần và các bất thiện pháp phát sinh từ dục lạc. Dục lạc ngũ trần là một điều nguy hiểm. Dính mắc, tham đắm vào dục lạc ngũ trần là một mối nguy hiểm lớn lao. Nơi có sắc đẹp, có tiếng hay, có vị ngon, có mùi thơm, có đụng chạm vừa lòng thì dễ dàng có được sự an lạc thoải mái. Ðó là điều dễ hiểu. Nhưng nơi không có dục lạc ngũ trần mà gọi là nơi an lạc hạnh phúc, thì mới thoạt nghe có vẻ lạ lùng làm sao! Tuy nhiên, khước từ dục lạc ngũ trần mới là hạnh phúc thật sự.

Tâm ẩn cư khỏi các bất thiện pháp có nghĩa là tâm đã ẩn tránh khỏi các loại phiền não. Khi đó phiền não không có cơ hội phát sinh bởi vì nguyên nhân trực tiếp của phiền não là ngũ dục đã được trừ bỏ. Như vậy, ta thấy chữ jhàna còn bao hàm một nghĩa khác nữa. Khi mà các chi thiền tầm, tứ có mặt thì ngũ dục bị loại bỏ. Do đó, phiền não sẽ cao bay xa chạy. Như vậy, chữ jhẻna không phải chỉ là nhập định hay nhập vào các tầng định thôi, mà còn có nghĩa là loại bỏ phiền não. Nó là lửa thiêu đốt phiền não.

Liên Quan Giữa Tầm và Tứ

Trong việc phát triển các tầng định, thì hai yếu tố tầm và tứ rất quan trọng. Hai yếu tố hướng tâm và ghim tâm trên đề mục này liên quan mật thiết với nhau. Giả sử bạn có một cái bình bằng đồng đen đuốc, cũ kỹ. Nếu muốn chùi bình cho sáng, bạn phải dùng một miếng giẻ để làm công việc này. Một tay cầm bình, một tay cầm giẻ, bạn chà lui chà tới miếng giẻ trên thành bình. Nếu bạn kiên nhẫn chùi thì một lát sau chiếc bình sẽ sáng loáng.

Cũng vậy, thiền sinh phải giữ tâm ở nơi mà đề mục chính xuất hiện như bụng chẳng hạn. Giữ chánh niệm ở đó. Chà lui chà tới, cọ xát vào đề mục cho đến khi phiền não biến mất. Lúc bấy giờ thiền sinh mới thấu suốt được sự thật của những gì đang xảy ra tại điểm đó. Thiền sinh sẽ hiểu rõ tiến trình của chuyển động phồng xẹp. Nếu đề mục phụ mạnh hơn đề mục chính, thì thiền sinh phải áp dụng tầm và tứ để ghi nhận đề mục mới. Như giữ bình trên tay là tầm, chà xát chiếc bình là tứ. Nếu thiền sinh chỉ cầm bình mà không chùi thì ten rỉ vẫn còn mãi. Nếu thiền sinh muốn chùi chiếc bình mà cầm bình không chặt thì cũng không chùi được. Ðiều đó cho thấy sự hỗ tương tùy thuộc giữa tầm và tứ.

Muốn vẽ một vòng tròn, bạn phải dùng một chiếc com-pa (compass). Bạn phải ghim đầu nhọn vào trang giấy, giữ yên đầu nhọn rồi di chuyển đầu kia để tạo một vòng tròn. Ðầu kim nhọn là tầm, phần quay là tứ. Nếu đầu nhọn không được ghim vào giấy thì làm sao bạn vẽ được vòng tròn? Nếu đầu nhọn đã ghim vào giấy mà không quay đầu kia thì cũng không có vòng tròn. Như vậy, tầm hướng tâm vào đối tượng. Tứ áp đặt tâm hay chà xát tâm vào đối tượng. Tầm và tứ hỗ tương tùy thuộc nhau.

Trí Tuệ Trực Giác

Nhiều người cho rằng tầm là truy tầm, suy nghĩ, lý luận. Nghĩa này không đúng trong việc hành Thiền Minh Sát . Người tây phương được giáo dục từ nhỏ là phải sử dụng trí thông minh của mình, phải luôn luôn tìm kiếm, đặt câu hỏi, tại sao, thế nào. Nhưng sự suy nghĩ và tìm tòi như vậy không thích hợp trong việc hành Thiền Minh Sát .

Có hai loại trí tuệ: Một loại do học hỏi và một loại do thực hành. Trong khi hành thiền, ta quán sát sự thật tuyệt đối hay chân đế một cách trực tiếp. Ta phải thật sự kinh nghiệm mà không suy nghĩ. Ðây là cách duy nhất để đạt được tuệ giác hay trí tuệ liên quan đến sự hiểu biết tường tận, bản chất của sự vật. Người ta có thể đọc rất nhiều để hiểu thế nào là chân đế, nhưng nếu không thực hành trực tiếp thì trí tuệ vẫn không phát sinh.

Sở dĩ thiền định hay thiền vắng lặng có thể giúp ta đạt được sự tĩnh lặng mà không thể trực tiếp dẫn đến trí tuệ là vì thiền này lấy khái niệm và sự suy tư hay tục đế làm đối tượng. Trong khi đó, Thiền Minh Sát lấy sự thật tuyệt đối hay chân đế làm đối tượng. Nhờ vậy mà hành Thiền Minh Sát có thể đạt được trí tuệ mà không thông qua sự suy nghĩ. Các tầng Thiền Minh Sát dẫn đến trí tuệ bởi vì nó là kết quả của sự quán sát trực tiếp vào chân đế hay sự thật tuyệt đối.

Khi có một trái táo trước mắt bạn, và có người nói cho bạn biết trái táo này mọng nước, ngọt lịm và tuyệt vời. Có thể nhìn trái táo rồi bạn nghĩ: "Trái táo này thật mọng nước. Tôi đoan chắc là nó rất ngọt". Bạn có thể nghĩ, có thể đoan chắc, có thể đánh cá, nhưng chỉ khi nào bạn nếm thử thì bạn mới biết được hương vị thật sự của nó. Việc hành Thiền Minh Sát cũng vậy. Bạn cũng có thể tưởng tượng được một số kinh nghiệm sẽ như thế nào, nhưng bạn chỉ có thể có được kinh nghiệm thực sự khi tinh tấn thực hành đúng phương pháp. Khi đã đạt được trí tuệ thì bạn chẳng cần nhọc công tranh cãi về hương vị của trái táo nữa.

Chướng Ngại và Sự Ðề kháng

Tâm thiếu chánh niệm như bóng tối che phủ căn phòng không đèn đuốc vào lúc nửa đêm, bóng tối si mê và ngu muội tràn ngập. Bóng đêm thì dầu sao nó cũng chỉ là trống rỗng và bình thường. Trong khi đó, mỗi một phút giây bị si mê che lấp thì tâm sẽ tiếp tục tìm kiếm, đeo đuổi theo dục lạc ngũ trần. Con người vì sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi động chạm vừa lòng mà bỏ ra biết bao nhiêu thời gian để săn đuổi, tìm kiếm, nắm giữ và dính mắc vào chúng. Bị dính mắc vào những phiền não rối như mớ bòng bong khiến họ không thể nào hiểu được một loại hạnh phúc khác cao hơn, vượt xa hơn các loại ngũ dục thông thường. Chúng ta làm sao có thể giải thích cho những người như thế hiểu được những loại hạnh phúc thanh cao, tối thượng hơn do việc hành thiền đem lại.

Thiền Minh Sát là hoàn toàn và liên tục chú tâm vào đề mục bao gồm cả hai khía cạnh của hai sự định tâm, đó là tầm và tứ, hay hướng tâm và áp đặt tâm trên đề mục. Hai thiền chi này giúp cho tâm hút chặt vào đề mục ghi nhận. Nếu chúng vắng mặt thì tâm sẽ phóng đi nơi khác. Khi tâm bị ngũ dục và phiền não, nhất là những phiền não do sự mong muốn hưởng thụ lâu dài các dục lạc chi phối, tâm sẽ bị tràn ngập bởi mờ tối và si mê. Khi tâm bị mờ tối và si mê thì ba chi thiền còn lại làm sao có được ánh sáng, có được cơ hội để tao ngộ với hai yếu tố đầu tiên hầu tạo nên một môi trường an tịnh, tĩnh lặng, vui vẻ, trong sáng cho hoa trí tuệ khai nở?

Năm Chướng Ngại

Có năm chướng ngại khiến cho tâm trượt ra khỏi đề mục. Phiền não thì nhiều vô cùng vô tận và ở dưới nhiều dạng thức khác nhau, nhưng ta có thể kể đến năm chướng ngại chính. Gọi chúng là chướng ngại vì chúng cản trở sự hành thiền của chúng ta.

Bao lâu tâm còn bị say mê bởi những cám dỗ của dục lạc thì tâm không thể an nhiên để quán sát đề mục, khiến chúng ta không thể đi trên con đường giải thoát dẫn đến hạnh phúc thanh cao vượt hẳn những hạnh phúc bình thường của thế gian.

Như vậy, tham ái là chướng ngại đầu tiên và to lớn nhất đối với việc hành thiền của chúng ta.

Khi đối diện với một đề mục không vừa lòng thích ý thì tâm tràn đầy sân hận, và tâm cũng rời khỏi đề mục chính hay rời khỏi hướng đi đến chân hạnh phúc. Ðây là chướng ngại thứ hai, sân hận.

Có lúc sự tinh tấn và nỗ lực mất đi, tâm trở nên giải đãi, lờ đờ, thụ động, lười biếng, thì tâm cũng không thể ở trên đề mục được. Sự dã dượi buồn ngủ này là chướng ngại thứ ba.

Ðôi khi tâm nhảy từ đề mục này sang đề mục khác và không an trụ được trên đề mục chính. Tâm bất an và giao động, đầy rẫy những tư tưởng hối tiếc, ân hận, lưu luyến quá khứ, lo âu, suy nghĩ đến tương lai. Ðó là chướng ngại thứ tư.

Chướng ngại thứ năm là hoài nghi, phân vân, do dự, thiếu quyết đoán. Thiền sinh gặp phải những trở ngại này khi họ nghi ngờ khả năng của chính mình, nghi ngờ phương pháp hành thiền và nghi ngờ cả thiền sư nữa. Nhiều lúc so sánh việc hành thiền của mình với người khác hay với những gì mình học được khiến tâm thiền sinh như tê liệt chẳng khác nào kẻ lữ hành trước ngã ba đường, chẳng biết định hướng để tiếp tục hành trình.

Khi những phiền não này hiện diện thì tâm thiếu hẳn tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm. Năm thiền chi này chỉ là năm yếu tố của tầng định thứ nhất. Chúng sẽ được phát triển tròn đủ, trọn vẹn khi việc hành Thiền Minh Sát có kết quả. Mỗi chi thiền sẽ diệt được một chướng ngại.

Nhất Tâm Diệt Trừ Tham Ái

Trong dục giới này, tham ái là chướng ngại chính kìm hãm chúng ta trong tối tăm mờ mịt không lối thoát. Ðịnh tâm hay nhất tâm là phương pháp đối trị tham ái. Khi an trụ trên đề mục thiền thì tâm không bị dính mắc vào những tư tưởng, cũng như không bị mê đắm vào dục lạc như sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi đụng chạm vừa lòng. Lúc ấy tham ái không còn đủ sức mạnh để chi phối tâm. Tâm không bị phân tán hay tán loạn, mà tập trung vào đề mục hay còn gọi là nhất tâm.

Hỉ Diệt Trừ Sân Hận

Khi tâm định vào đề mục một cách ổn cố và lâu dài thì hỉ phát sinh. Sự phát triển của hỉ này giúp cho tâm thoát khỏi chướng ngại thứ hai bởi vì sân hận không thể xuất hiện và tồn tại cùng một lúc với tâm hỉ. Bởi thế, hỉ có công năng diệt trừ sân hận.

Lạc Diệt Trừ Bất An Giao Ðộng

Khi việc hành thiền phát triển tốt đẹp thì những cảm giác an lạc, thoải mái phát sinh. Tâm quán sát các đề mục không vừa ý một cách thản nhiên, ung dung tự tại, không sân hận, không bực mình. Thiền sinh sẽ an nhiên tự tại, bình thản dù cho đề mục có khó khăn, phức tạp, rắc rối đến đâu. Nhiều khi nhờ chánh niệm mà sự đau nhức tan biến dần, để lại cảm giác dễ chịu trên cơ thể. Khi thân và tâm đều an lạc thoải mái, sự tập trung tâm ý hay định tâm trên đề mục sẽ bền vững, tâm sẽ chẳng chạy đi đâu. Khi lạc có mặt thì bất an và giao động sẽ rũ áo ra đi.

Tầm Diệt Trừ Dã Dượi Buồn Ngủ

Tầm có khả năng khai mở và giúp tâm bị khô héo tươi mát trở lại, khiến cho tâm tích cực và khai mở. Khi tâm liên tục tinh tấn hướng chính xác vào đối tượng thì dã dượi buồn ngủ không phát sinh. Khi bị dã dượi buồn ngủ chi phối thì tâm sẽ bị co rút và trở nên thụ động. Khi tầm có mặt thì dã dượi buồn ngủ sẽ rút lui.

Tứ Diệt Trừ Hoài Nghi

Khi tầm phát triển, có sự hướng tâm vào đối tượng, thì tâm sẽ áp đặt lên trên đề mục, chà xát lên trên đề mục, trú trên đề mục. Ðó là tứ hay sát, tên của chi thiền thứ hai. Tứ có công năng giữ cho tâm liên tục dính vào đề mục quán sát. Khi có sự chú tâm liên tục vào đề mục quán sát thì hoài nghi sẽ không có cơ hội hiện khởi, vì tâm hoài nghi không bao giờ an trú trên một đề mục mà chạy đây, chạy đó. Khi tứ có mặt thì tâm không trượt khỏi đề mục do đó hoài nghi biến mất.

Trí tuệ chưa chín muồi cũng khiến hoài nghi gia tăng. Nếu không có sự thực hành thâm sâu và thuần thục thì chắc chắn là không thể nào thấy được giáo pháp vi diệu. Thiền sinh mới có thể băn khoăn thắc mắc về những gì đã nghe mà chưa tự thân chứng nghiệm, nhưng càng cố tâm suy nghĩ về điều này bao nhiêu, thì trí tuệ sẽ bị thu hẹp bấy nhiêu. Những suy nghĩ như thế này chẳng đem lại lợi ích chi mà còn có hại. Nếu thiền sinh cứ tiếp tục suy nghĩ sẽ dẫn đến sự chỉ trích. Nếu cứ tiếp tục suy nghĩ theo lối này thì sự phát triển trí tuệ sẽ bị ngăn chận. Nếu tâm luôn luôn quán sát chặt chẽ, kỹ lưỡng đề mục quán sát thì các tư tưởng chỉ trích, chống đối, phỉ báng, v.v... sẽ không bao giờ có cơ hội phát khởi.

Hiểu Biết Thấu Ðáo Bản Chất Thế Gian

Khi có thể chú tâm khắn khít vào chuyển động phồng xẹp từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt, phát triển tâm chánh niệm một cách chính xác, thâm sâu, rõ ràng và liên tục từ sát na này sang sát na khác thì thiền sinh sẽ thấy được một cách rõ ràng toàn thể tiến trình của chuyển động từ điểm khởi đầu đến điểm giữa, rồi đến điểm cuối mà chẳng có sự gián đoạn nào.

Giờ đây, nhờ Thiền Minh Sát, bạn sẽ quán sát một cách trực tiếp thân và tâm. Ðầu tiên, bạn có thể phân biệt một cách vi tế hai yếu tố thân và tâm tạo nên tiến trình phồng xẹp. Tiến trình của thân khác hẳn với tiến trình của tâm ghi nhận. Khi quán sát một cách thận trọng hơn thì bạn sẽ bắt đầu nhận thấy sự hỗ tương tùy thuộc của thân và tâm. Một ý định trong tâm tạo nên một loại chuyển động liên tục của thân. Bạn sẽ bắt đầu thấy rõ tiến trình của thân và tâm sinh ra rồi diệt đi như thế nào. Càng ngày bạn càng thấy tiến trình sinh diệt này rõ ràng hơn. Bạn sẽ thấy mọi đối tượng mà bạn nhận biết được đều sinh và diệt. Ðâu đâu bạn cũng thấy sinh và diệt. Âm thanh đến rồi đi, cảm giác có thể phát sinh rồi biến mất. Chẳng có gì tồn tại.

ở điểm này, năm thiền chi của tầng thiền thứ nhất trở nên mạnh mẽ. Tầm và tứ rất mạnh. Hỉ, lạc và nhất tâm sẽ mạnh theo. Tầng thiền thứ nhất của minh sát được tròn đủ hay trí tuệ nội quán bắt đầu phát sinh.

Trí tuệ nội quán là trí tuệ liên quan đến sự thấy rõ ba đặc tính của mọi hiện tượng tâm vật lý, đó là vô thường, khổ não và vô ngã.

Vô Thường (Anicca)

Khi bạn quán sát sự đến và đi của các đối tượng, bạn sẽ thấy rõ đặc tính tạm thời của chúng. Ðó là vô thường. Trí tuệ thấy rõ vô thường là trí tuệ trực tiếp. Bạn thấy rõ đặc tính này ở bất kỳ chỗ nào mà bạn chú tâm đến, nghĩa là chỗ nào mà bạn để tâm đến, bạn đều thấy rõ vô thường. Khi tâm vừa tiếp xúc với đối tượng, bạn thấy rõ đối tượng đang tan rã. Một sự thỏa thích lớn lao xảy đến khi bạn thấy được chân lý này. Từ đây, bạn càng cảm thấy thích thú hơn trong việc hành thiền vì biết rằng mình đã khám phá ra được chân lý của vũ trụ này.

Chỉ một sự quán sát đơn giản và tổng quát cũng cho bạn thấy toàn cơ thể mình đều là vô thường. Bởi thế, chữ 'vô thường' liên quan đến toàn cơ thể này. Càng về sau, khi quán sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy mọi hiện tượng khởi lên qua sáu căn đều là vô thường. Ðồng thời bạn cũng thấy rõ ràng thân và tâm và các hiện tượng của thân và tâm đều là vô thường. Không có vật gì trên thế gian này mà không mang đặc tính vô thường cả.

Tóm lại, tất cả mọi vật trên thế gian này đều mang đặc tính vô thường (Anicca lakkhana). Nhờ tinh tấn hành thiền ta có được trực giác hay trí tuệ thấy được vô thường (Anicca vipassananana), thấy rõ sự diệt mất của các hiện tượng này. Một điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là tuệ giác thấy rõ vô thường không thể có được nhờ đọc sách hay nghe thiền sư giảng giải, hoặc do sự suy nghĩ, lý luận. Tuệ giác này chỉ có được khi thiền sinh quán sát một cách thuần túy sự biến mất của các hiện tượng trong hiện tại mà không qua suy nghĩ hay lý luận.

Khi quán sát sự chuyển động của bụng, bạn có thể nhận biết sự căng kéo, bành trướng, chuyển động, v.v... Nếu bạn có thể theo dõi được tiến trình này một cách liên tục từ đầu chí cuối, và bạn thấy rõ giai đoạn cuối của các cảm giác này thì bạn sẽ thấy rõ được sự vô thường, và bạn có tuệ giác thấy rõ được sự vô thường. Tất cả mọi cảm giác có thể nhận biết ở bụng hay ở mọi nơi khác trên cơ thể đều là vô thường.

Ðặc tính của sự vô thường là sinh ở đầu tiến trình của sự phồng hay xẹp, và diệt ở cuối tiến trình của phồng hay xẹp. Sự nhận biết được rằng chúng là vô thường chỉ có thể xảy ra vào lúc ta quán sát thấy sự biến mất của tiến trình phồng hay xẹp này.

Vô thường không phải chỉ thấy được ở bụng mà thôi. Mọi chuyện, mọi diễn biến xảy ra trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, mọi cảm giác của cơ thể, nóng lạnh, cứng mềm, đau nhức, ngứa, nhột, và tất cả những hoạt động như co duỗi, quay, cúi, khom, hắt hơi, v.v... đều là vô thường. Nếu bạn có thể thấy được sự biến mất của bất kỳ một đối tượng nào đã kể trên đều bao gồm trong tuệ thấy vô thường. Khi có tuệ thấy rõ vô thường thì bạn mất hẳn ảo tưởng về sự thường còn. Lúc bấy giờ, ngã mạn (mẻna) sẽ vắng mặt. Thật vậy, trong lúc bạn chánh niệm chú tâm quán sát sự vô thường thì ngã mạn cũng giảm thiểu dần.

Khổ hay Bất Toại Nguyện

Ðặc tính thứ hai của các pháp hữu vi (nhân duyên pháp) là khổ não. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu vấn đề này dưới ba khía cạnh: khổ, đặc tính của khổ và tuệ thấy khổ não.

Trong khi quán sát sự vô thường, tự nhiên yếu tố khổ cũng bắt đầu rõ ràng trước mắt ta. Khi thấy các hiện tượng sinh rồi diệt, bạn sẽ nhận ra rằng không có cái gì vững bền, ổn cố để mà nắm giữ. Mọi chuyện đều ở trong trạng thái biến đổi không ngừng nên ta không nắm giữ được gì cả. Vì không nắm giữ được gì cả nên ta không vừa lòng, không toại nguyện và khổ. Bởi vì mọi vật đều biến đổi nhưng chúng ta không muốn nó biến đổi. Chúng ta muốn mọi vật vững bền mà nó không vững bền. Mọi vật diễn ra không đúng ý mình, không đúng nguyện vọng của mình khiến ta không hài lòng, không toại nguyện, mà bất toại nguyện tức là khổ.

Mọi hiện tượng không đem đến cho ta sự nương tựa nào cả. Thật ra, khổ tự nó là vô thường. Cái gì vô thường thì cái đó là khổ. Hiểu rõ chân lý đau khổ này thì chúng ta sẽ nhìn các cảm giác đau nhức một cách thích thú. Lúc bấy giờ ta sẽ thấy rõ bản chất bất toại nguyện của mọi cảm giác. Ta có thể quán sát chúng một cách khách quan mà không bị ảnh hưởng bởi chúng và không phản ứng lại chúng. Ta sẽ thấy cảm giác đau nhức không phải là một cái gì bền vững, và nó không thể tồn tại quá hơn một cái chớp mắt. Lúc đó ta không còn có ảo tưởng về một sự trường tồn nào nữa.

Chẳng hạn có một cảm giác đau nhức nơi lưng. Nếu chăm chú quán sát nó thì bạn sẽ thấy sự nóng bỏng của chỗ đau biến thành sức ép rồi biến thành sự đập mạnh thình thịch. Sự đập mạnh này cũng biến chuyển, đan chéo vào nhau. Sự đập mạnh thay đổi cường độ, hình dáng và cách thức một cách liên tục. Cuối cùng, khi sự biến đổi lên đến cực điểm thì tâm sẽ thấy được sự vỡ vụn, sự phân tán của cái đau. Tâm ta lúc bấy giờ không còn bị sự đau nhức hành hạ nữa.

Chiến thắng được sự đau, tâm ta sẽ tràn đầy hỉ lạc và thoải mái. Thân cũng trở nên mát mẻ, yên tĩnh, thoải mái. Nhưng lúc bấy giờ thiền sinh cũng không có ý nghĩ sai lầm rằng đau khổ đã chấm dứt. Trái lại, thiền sinh thấy bản chất đau khổ của các cảm giác càng lúc càng rõ ràng hơn. Bởi vì thiền sinh bắt đầu thấy rõ cơ thể này chỉ là một khối đau khổ và bất toại nguyện, nó nhảy múa và không ngừng biến đổi.

Ðặc tính của đau khổ là bị vô thường đàn áp, chi phối. Nói một cách chính xác, bởi vì tất cả các sự vật đều sinh và diệt không ngừng từ Sát na này sang Sát na khác nên chúng ta sống trong một hoàn cảnh bị nhiều áp lực lớn lao. Mỗi khi 'sinh' xảy ra thì không có cách gì ngăn cản sự 'diệt.'

Tuệ thấy rõ sự đau khổ cũng xuất hiện lúc ta quán sát các hiện tượng sinh và diệt, nhưng nó có một khía cạnh khác hẳn với tuệ thấy rõ sự vô thường. Chẳng hạn, như đột nhiên ta có một sự hiểu biết sâu xa rằng không có một sự vật gì ta có thể nương tựa vào được cả, không có gì chúng ta có thể cậy nhờ được, chúng đều là những vật đáng sợ.

Khi có cảm giác đó tức là ta có được tuệ thấy rõ khổ não. Tuệ thấy được khổ não cũng không thể đạt được nhờ đọc sách, lý luận hay phân tích. Tuệ này chỉ xuất hiện khi tâm thuần quán sát sự sinh diệt của các sự vật và hiểu rằng sự vô thường của các hiện tượng là đáng sợ, chẳng có gì thích thú và không tốt đẹp chút nào.

Tuệ thấy rõ sự khổ trong mọi hiện tượng có năng lực mạnh mẽ vì nó có thể loại trừ sự hiểu biết sai lầm cho rằng sự vật đều tốt đẹp, đáng yêu, bền vững. Khi các ảo tưởng sai lầm này biến mất thì tham ái cũng không hiện khởi.

Vô Ngã (Anatta)

Bây giờ, tự nhiên bạn sẽ thấy được vô ngã, nghĩa là không có ai đằng sau mọi tiến trình. Từ sát na này sang sát na khác, các hiện tượng xuất hiện. Ðây là một tiến trình tự nhiên, không do ai thúc đẩy hay điều khiển. Trí tuệ này là sự hiểu được rằng sự vật không có cái ngã bên trong. Chúng ta cũng xét đến phần này trong ba khía cạnh: vô ngã, đặc tính của vô ngã và tuệ thấy được sự vô ngã.

Vô ngã liên quan đến danh sắc hay tất cả những hiện tượng vô thường không có tự ngã. Ðặc tính của vô ngã là thấy được sự sinh và diệt không diễn ra theo ý muốn của ta. Mọi hiện tượng danh và sắc diễn ra trong ta, đến rồi đi một cách tự động, theo một định luật tự nhiên. Chúng diễn ra ngoài sự kiểm soát của ta.

Ta có thể thấy điều này một cách tổng quát bằng cách quán sát thời tiết. Có lúc trời nóng như thiêu đốt. Có lúc trời lạnh đến đông đá. Khi mưa dầm. Lúc nắng ráo. Thời tiết thay đổi bất thường, chẳng làm sao lường trước được. Chúng ta không thể nào bảo thời tiết diễn ra theo đúng ý mình. Thời tiết bị chi phối bởi luật tự nhiên. Những yếu tố tạo nên thân và tâm này cũng bị chi phối bởi những định luật tự nhiên. Chúng ta ngã bệnh, đau khổ rồi chết! Những tiến trình này có tuân theo ước muốn của ta chăng?

Khi quán sát kỹ càng sự sinh và diệt của các hiện tượng thân tâm, chúng ta sẽ hiểu rõ ràng là chẳng có ai kiểm soát các tiến trình này cả. Sự hiểu biết hay trí tuệ đến một cách tự nhiên. Trí tuệ này không hề bị ảnh hưởng hay bị điều khiển hoặc bị tác động bởi một nguyên nhân nào bên ngoài. Trí tuệ này không đến từ sự suy nghĩ mà phát sinh ngay từ lúc ta quán sát sự sinh diệt của các hiện tượng. Trí tuệ này là trí tuệ thấy rõ vô ngã.

Khi ta không thấy được sự sinh và diệt của mọi hiện tượng thân và tâm, lúc ấy ta dễ có tư tưởng lầm lạc rằng có một cái ngã, một cá nhân hay một cái tôi trường tồn vĩnh cữu đứng đằng sau thân và tâm này. Bằng sự hiểu biết rõ ràng, các quan kiến sai lầm trên sẽ được tạm thời loại bỏ.

Tuệ Tư Duy: Tầng Thiền Minh Sát Thứ Nhất

Khi chúng ta có tri kiến rõ ràng, nhất là khi ta ghi nhận được sự diệt của các hiện tượng, chúng ta sẽ có trực giác về vô thường, khổ và vô ngã. Trực giác hiểu biết về tam tướng được gọi là tuệ tư duy, tuệ thấy rõ tam tướng (Sammasananana). Người có tuệ này hiểu một cách rõ ràng vô thường, khổ, vô ngã bằng kinh nghiệm của chính mình khi quán sát sự diệt mất của các hiện tượng.

Tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu nghĩa chữ Vipassana mà thường được dịch là 'minh sát'. Chữ vipassana có hai phần: 'Vi' có nghĩa là nhiều cách, 'passana' có nghĩa là thấy. Như vậy, vipassana có nghĩa là thấy qua nhiều cách. 'Nhiều cách' ở đây có nghĩa là nhiều tướng trạng, nhiều khía cạnh, tức là thấy được đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã. Nếu dịch một cách tròn đủ chữ vipassana, thì là thấy rõ các tướng vô thường, khổ, vô ngã.

Một nghĩa khác của chữ vipassana là pacceka-nana. Chữ pacceka ở đây có nghĩa là sự hiểu biết qua kinh nghiệm trực tiếp. Bởi vì tuệ minh Sát chỉ phát sinh khi ta có chánh niệm, và bởi vì nó đến từ trực giác mà không qua lý luận suy nghĩ, bởi thế nó được gọi là trí tuệ có được bằng kinh nghiệm trực tiếp, paccekanana.

Trí tuệ minh sát tái xuất hiện nhiều lần thì tâm sẽ có sự phản ánh hay hiểu biết tức thời rằng vô thường, khổ, vô ngã không phải chỉ có trong hiện tại mà đã từng có trong quá khứ và sẽ còn xảy ra trong tương lai. Tất cả mọi chúng sanh và mọi sự vật mang cùng các yếu tố như ta thì cũng đều bị luật vô thường, khổ và vô ngã chi phối. Phản ánh này được gọi là tuệ tư duy, và trong trường hợp này là một khía cạnh của các chi thiền tầm và tứ biểu hiện qua sự tư duy.

Ở vào giai đoạn này, tầng định minh sát đầu tiên đã được phát triển tròn đầy, và tầng mức thực hành được gọi là tư duy trí được tròn đủ. Thiền sinh sẽ hiểu một cách sâu xa và rõ ràng tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Lúc bấy giờ, thiền sinh sẽ đạt đến sự suy tư tự nhiên rằng ngay bây giờ, từ trước hay mãi về sau, không có nơi nào không bị định luật vô thường, khổ não chi phối.

Sự suy luận, sự phản ảnh có mặt trong tầng Thiền Minh Sát thứ nhất, nhưng sự suy luận và phản ảnh này đến một cách tự nhiên và vô hại, trừ phi nó bắt đầu xâm chiếm toàn thể tâm. Ðặc biệt đối với những thiền sinh có trình độ tri thức cao, họ thường hay tưởng tượng, suy luận, phân tích. Do đó, sự suy tư phản ảnh sẽ hiện ra rất nhiều trong khi họ trực tiếp kinh nghiệm các trực giác. Nếu sự suy luận và phản ánh quá nhiều có thể cản trở trí tuệ phát sinh.

Người nào thuộc loại thiền sinh này, nếu thấy việc hành thiền của mình dẫm chân tại chỗ hay thụt lùi thì cũng đừng nên tự trách mình mà hãy tự an ủi mình bằng cách nghĩ rằng dầu sao, đây cũng không phải là suy nghĩ xấu, vì trong lúc đó, sự suy tư hay phản ánh liên hệ đến pháp bảo chứ không phải là với tham lam và sân hận. Dầu sao đi nữa, gặp phải trường hợp như vậy, thiền sinh cũng nên cố gắng trở về với sự quán sát thuần túy, đơn giản để kinh nghiệm các hiện tượng xảy ra.

Các Hình Thức Của Tầm

Chữ 'tầm' được dùng để chỉ thiền chi có đặc tính hướng tâm chính xác bao gồm cả sự suy nghĩ, phản ánh, hướng sự chú tâm vào sự suy nghĩ. Tầm có hai loại: thiện và bất thiện. Hướng tâm vào dục lạc ngũ trần, đó là bất thiện tâm. Hướng tâm vào sự dứt bỏ là thiện. Tầm gắn liền với sân hận, gây hấn, công kích, chỉ trích là bất thiện. Tầm gắn liền với vô sân, bất bạo động là thiện.

Khi suy tư phản ánh về vô thường, khổ não, vô ngã phát sinh, thì tầm liên hệ với dục lạc ngũ trần không có mặt. Trong loạt tư tưởng đến trực tiếp từ trí tuệ của cá nhân, một số tư tưởng ham thích có thể hiện khởi, nhưng sự ham thích này không liên quan đến dục lạc thế gian như giàu sang, danh vọng, dục lạc, mà sự ham thích ở đây là những ham thích rất thiện như mong muốn rời bỏ thế gian này, muốn bố thí, hay muốn truyền bá giáo pháp. Mặc dù những tư tưởng này chứa đựng tầm hay suy tư, phản ánh, nhưng nó gắn liền với vô tham hay khước từ.

Tầm liên hệ đến sân hận, gây hấn, công kích trong đó có ước muốn làm hại kẻ khác làm cho kẻ khác đau khổ có gốc rễ từ sân hận. Nơi sự suy tư này có ẩn tàng sự tàn phá, hủy hoại bên trong. Vô sân, vô hận liên quan đến tình thương trong từ ái. Trong khi sân hận mang đặc tính công kích, gây gổ, làm hại, phá hủy, thì tâm từ mang đặc tính vị tha, mong muốn người khác được an vui hạnh phúc. Khi nếm được hương vị của giáo pháp thì thiền sinh thường có khuynh hướng muốn chia xẻ những gì mình biết được cho mọi người. Thiền sinh muốn cho mọi người đều có được kinh nghiệm như mình. Ðây là tư tưởng gắn liền với từ ái vì mong muốn được tốt đẹp cho người khác.

Suy tư bất thiện là muốn làm hại, áp chế, hành hạ hay tiêu diệt chúng sanh khác, đây là một đặc tính hủy hoại tàn khốc của tâm sân. Suy tư thiện là đặc tính của lòng bi mẫn muốn giúp đỡ kẻ khác và tìm cách giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh đau khổ khó khăn. Người có lòng bi mẫn không những biết cảm thông và thương xót kẻ khác mà còn tìm cách để giúp họ thoát khỏi những đau khổ khó khăn mà họ đang gặp phải.

Tứ - Dưới Hình Thức Của Sự Suy Tư

Nếu như suy tư phản ánh này lập đi lập lại nhiều lần thì tiến trình này được gọi là tứ, hay sát . Chữ này có hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên là áp đặt tâm trên đề mục, và một nghĩa khác là sự suy tư sâu xa. Chữ 'tứ' dùng ở đây được dùng với nghĩa là sự suy tư lập đi lập lại nhiều lần. Trước tiên, thiền sinh có trí tuệ trực giác qua kinh nghiệm trực tiếp. Sau đó thì trí tuệ suy tư sẽ phát sanh liên quan đến tuệ giác thiền sinh vừa mới đạt được. Trí tuệ suy tư có một hương vị đặc biệt và thích thú. Nó giống như gia vị thêm vào thức ăn, nhưng nếu nhiều quá thì sẽ cản trở và làm gián đoạn tiến trình quán sát trực tiếp. Những sự suy tư của tứ này có thể là những suy tư rất thanh cao bao gồm sự khước từ, lòng từ ái, đức bi mẫn. Tuy nhiên, nếu bị dính mắc vào nó và bị nó lôi cuốn thì trí tuệ không thể phát sinh.

Cầu mong cho các bạn đạt được tầm và tứ thật mạnh mẽ, vững chắc. Cầu mong cho sự hướng tâm đến đề mục cũng như sự áp đặt tâm trên đề mục của các bạn được tốt đẹp và vững chắc để thấy rõ bản chất thật sự của đối tượng. Cầu mong bạn đừng để tâm bị lệch hướng, dầu đó là những sự suy tư đẹp đẽ, kỳ diệu, cao thượng, để bạn có thể đạt được mọi tuệ giác và giác ngộ Niết Bàn .


Xem tiếp [Phần B]


Trích: "Ngay Trong Kiếp Sống Nầy", Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch,
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ, 1996.


[Mục Lục]

Ca'c ta^`ng thie^`n minh sa't - A

This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font
Trích: "Ngay Trong Kiếp Sống Nầy", Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch,
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ, 1996.

Các Tầng Thiền Minh Sát

(Phần A)


Làm Dịu Tâm

Ðức Phật dạy rằng, "Thật vậy, thông qua Thiền Minh Sát, ta có thể phát triển trí tuệ rộng lớn, bao phủ cả quả đất này". Ðặc tính của trí tuệ này là thẩm thấu qua tâm làm cho tâm bành trướng và phát triển rộng rãi. Không hành thiền, tâm sẽ trở nên chật hẹp, khô cứng vì luôn luôn bị phiền não quấy nhiễu. Mỗi một phút giây thiếu chánh niệm, phiền não sẽ len lỏi vào. Mỗi một phút giây chánh niệm thì phiền não không thể xen vào, không thể làm cho tâm cứng ngắc, giao động.

Các pháp trần hay là đối tượng của tâm đi vào sáu cửa, đôi khi là những pháp tốt, đôi khi là những pháp xấu; đôi lúc làm ta vừa lòng, đôi lúc làm ta khó chịu. Khi một hình ảnh đẹp đẽ đập vào mắt ta, nếu ta không chánh niệm thì tham ái và dính mắc sẽ tràn ngập và quấy nhiễu tâm ta. Khi bị căng thẳng và giao động bởi tham ái và dính mắc thì tâm bắt đầu đặt kế hoạch và tính toán tìm phương cách để nắm giữ vật mình ưa thích hay điều mình mong muốn. Từ tâm tính toán đó lời nói và hành động phát sanh.

Nếu tâm không được phòng ngự, bảo vệ bởi chánh niệm, thì khi tiếp xúc với một đối tượng không hài lòng, sân hận sẽ phát sinh. Thế là tâm bị giao động. Sự giao động này biểu lộ ra ngoài khiến người khác có thể thấy một cách rõ ràng. Mặt đương sáng sủa đẹp đẽ bỗng tối sầm lại, nhăn nhó, khó coi; lời nói trở nên cộc cằn, thô lỗ, có thể tiến đến thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, và có thể đưa đến việc đả thương, hay gây án mạng.

Sự vật chính nó chẳng đáng yêu mà cũng không đáng ghét tí nào, nhưng vì tâm thiếu chánh niệm nên bị đám mây si mê chế ngự tâm trí khiến ta không thể thấy rõ bộ mặt thật hay bản chất tự nhiên của đối tượng. Thế là vào lúc đó, sự căng thẳng, sự giao động và các phiền não khác sẽ có cơ hội chen vào. Nhiều người cho rằng chúng ta nên ngăn chặn đừng để các cảm xúc vui thích, không vừa lòng hay vô ký đi vào tâm ta. Ðó là một ý tưởng sai lầm, lệch lạc. Ðiều quan trọng là chúng ta phải duy trì chánh niệm và nhìn chúng với cặp mắt bình thản, tự nhiên, không thiên vị.

Nhiều người tự nghĩ rằng có lẽ chúng ta phải bịt mắt, bưng tai trong khi hành thiền. Nhưng làm sao có thể bịt mũi và ngăn cản lưỡi cảm nhận vị? Và làm thế nào có thể khiến thân không cảm nhận sự nóng lạnh, đau nhức, v.v... Chánh niệm không có nghĩa là bịt mắt, bưng tai, nín thở. Trong khi ngồi thiền, chúng ta cố gắng tập trung tâm ý vào đề mục chính, nhưng âm thanh và những cảm giác mạnh mẽ dấy lên trong thân thể ta, ta vẫn biết được. Dầu có tinh tấn đến đâu, nhiều lúc tâm cũng trượt khỏi đề mục và tâm phóng đi nơi khác. Ðiều quan trọng là chúng ta ghi nhận những gì xảy ra khi chúng mạnh mẽ hơn đề mục chính, rồi đưa tâm trở về đề mục chính. Nếu các đối tượng khác không mạnh hơn đề mục chính thì ta chẳng cần để ý đến chúng làm gì.

Năng Lực Của Sự Thu Thúc

Thực hành thu thúc là một phương thức có hiệu quả trong việc ngăn chận phiền não. Thu thúc không có nghĩa là trở thành điếc hay tê liệt, mà là canh chừng, phòng ngự các giác quan đừng để tâm chạy khỏi các cửa đó mà thiếu chánh niệm. Chánh niệm đóng vai trò chủ động trong việc thu thúc. Khi tâm đi ra các cửa đó mà không chánh niệm thì nó sẽ tính toán kế hoạch. Khi giữ tâm chánh niệm trong từng sát na một thì tâm không bị lôi cuốn vào tham lam, sân hận và si mê. Nếu chúng ta tích cực nỗ lực tinh tấn thì tâm chúng ta sẽ được huấn luyện thuần thục và hoàn toàn thoát khỏi sự phục kích của phiền não.

Chúng ta phải kịp thời ghi nhận ngay tức khắc khi tiếp xúc với đối tượng, cố gắng chánh niệm thế nào để khi nghe chỉ thuần là nghe, khi thấy chỉ thuần là thấy, khi nếm chỉ thuần là nếm, khi đụng chỉ thuần là đụng, khi suy nghĩ chỉ thuần là suy nghĩ. Mỗi tiến trình phải được ghi nhận một cách rõ ràng, đơn giản, đừng để sự suy nghĩ xen vào, cũng đừng để phiền não làm cho tâm ngưng đọng, đóng cục hay xơ cứng. Nếu hoàn toàn chánh niệm, chúng ta sẽ nhận thấy đối tượng sinh rồi diệt mà không thông qua sự suy nghĩ hay phản ứng. Dầu cho đối tượng nào xuất hiện đi nữa, chúng ta cũng phải can đảm đối đầu với nó. Nếu làm được như thế, ta sẽ không bị yêu và ghét chi phối.

Vào thời Ðức Phật có một vị vua rất thắc mắc về giới luật của các vị sư trẻ tuổi. Không biết làm thế nào những nhà sư trẻ có thể giữ giới luật được, nhất là các vị sư đang ở vào lứa tuổi thanh xuân. Làm thế nào họ có thể duy trì sự thanh khiết khi ái dục phát sinh. Nhà vua bèn hỏi một vị sư lớn tuổi về vấn đề này. Vị trưởng lão trả lời: "Khi những vị sư trẻ gặp phụ nữ trẻ hơn mình thì xem họ như em gái mình; khi gặp phụ nữ bằng tuổi hay lớn hơn một chút thì xem họ như chị của mình; khi gặp phụ nữ lớn hơn mình thì xem họ như mẹ mình; nếu gặp phụ nữ lớn tuổi hơn nữa thì xem họ như bà nội, bà ngoại của mình".

Không bằng lòng với câu trả lời này, nhà vua nói: "Nhưng tốc độ của tâm rất nhanh. Ngay cả khi ta chưa kịp suy nghĩ thì ái dục đã phát sanh rồi".

Vị trưởng lão cố gắng giải thích thêm: "Nếu vị sư gặp một phụ nữ mà quên chánh niệm, bắt đầu ngắm nghía gương mặt và vóc dáng cô ta, thì tự nhiên ái dục phát sanh. Nhưng nếu nhà sư nhìn người phụ nữ như nhìn ba mươi hai thể trược: tóc, lông, móng, răng, da, ruột, gan, xương, tủy, v.v... và quán tưởng đến sự ghê tởm của các thể trược này, thì ái dục không có cơ hội chi phối. Khi tâm đầy sự ghê tởm nhàm chán đối với hình sắc người phụ nữ, thì ái dục không thể phát khởi được". Ðây là đề mục niệm thân mà Ðức Phật chỉ dạy.

Vẫn chưa thỏa mãn với sự trả lời của vị trưởng lão, nhà vua hỏi tiếp: "Gặp trường hợp nhà sư giàu tưởng tượng hơn sự định tâm thì sao?"

Tôi muốn mở một dấu ngoặc ở đây về vấn đề tưởng tượng. Một thiền viện nọ, giữa thiền đường có chưng bày một chiếc tủ kiếng, trong đó treo một bộ xương để mọi người có thể nhìn thấy mà quán tưởng đến sự thúc bách của cái chết. Nhìn vào bộ xương, người ta có thể nhìn thấy được sự giả tạm của cuộc sống. Dưới chân bộ xương có để một tấm bảng nhỏ ghi chữ: "Cô gái mười sáu tuổi".

Người có hành thiền và có sự chú tâm sáng suốt, khi nhìn bộ xương có thể tự nhủ: "Chà, cô bé thật đáng thương. Còn quá trẻ mà đã chết. Ta cũng vậy. Cũng sẽ chết". Lúc bấy giờ một tư tưởng khẩn cấp trước cái chết nảy sinh, và người xem sẽ cố gắng làm những việc phước thiện như bố thí, trì giới, tham thiền với một sự tinh tấn nhiệt thành. Một người khác khi nhìn bộ xương có thể phát sanh sự ghê tởm, nhàm chán và thấy rằng thân thể này chẳng có gì cả. Nó chỉ là bộ xương được nhồi nhét và đắp lên gan, tim, phèo, phổi, thịt, da đầy ô trược; hay chẳng qua chỉ là một cái túi da, bên trong chứa đựng xương, thịt, máu, phẩn, nước tiểu, v.v...

Một hôm có một chàng thanh niên nhiều tưởng tượng đến thiền đường. Sau khi quán sát bộ xương, ngắm đi ngắm lại, ngắm tới ngắm lui, chàng thanh niên để ý đến tấm bảng dưới chân bộ xương rồi tự nhủ: "Thật đáng thương! Chắc là trước khi chết cô bé này đẹp lắm". Chàng ta bắt đầu thêm da thịt vào cái sọ khô, và bỗng nhiên trước mắt chàng là một khuôn mặt kiều diễm, tóc dài óng mượt, làn da mịn màng, cổ cao ba ngấn, vóc dáng thon thả. Thế rồi chàng ta đứng ngẩn ngơ trước bộ xương. Chàng thanh niên đã bị tham ái bao phủ do những hình ảnh mà anh ta vừa tạo nên. Hình ảnh này chẳng khác nào một con thú nhồi bông hay bộ sườn tre của những người làm đồ mã được dùng giấy bổi để đắp lên.

Trở lại câu chuyện của nhà vua ở trên. Vị trưởng lão trả lời: "Tất cả những vị sư trẻ đều phải hành Thiền Minh Sát, giữ tâm chánh niệm, thu thúc lục căn, không để cho tâm phóng túng vọng động, không bị chi phối bởi những gì nhìn thấy".

Nhà vua cảm thấy hài lòng với câu trả lời và nói: "Vâng, như vậy mới đúng. Tôi có thể minh chứng điều này qua kinh nghiệm của chính tôi, vì mỗi khi tôi đi ngang qua tam cung lục viện mà không chánh niệm thì tôi gặp nhiều rắc rối, nhưng nếu tôi chánh niệm thì không có vấn đề gì cả".

Hy vọng rằng câu chuyện trên sẽ giúp cho các bạn cố gắng thu thúc lục căn để khỏi bị phiền não quấy nhiễu.

Sự Thu Thúc Trong Khóa Thiền Tích Cực

Trong một khóa thiền tích cực, ta phải giữ hạnh thu thúc. Nhiều người nghĩ rằng thu thúc quá nhiều, nhưng thật ra thì thu thúc biết bao nhiêu cho vừa! Thu thúc chẳng bao giờ đủ cả.

Trong khi hành thiền tích cực, chúng ta phải giữ ít nhất bốn sự thu thúc đã được ghi trong kinh điển.

Thứ nhứt, thiền sinh có mắt phải làm như mù. Trong khi đi, mắt phải nhìn xuống đất, không tò mò nhìn đây nhìn đó khiến tâm trí bị phân tán.

Thứ hai, thiền sinh có tai phải làm như điếc. Khi nghe một tiếng động, không nên để ý đó là tiếng động gì. Không phán đoán, đánh giá, phân tích, phân biệt âm thanh. Phải bỏ qua làm như không biết gì đến tiếng động và không để ý đến tiếng động.

Thứ ba, thiền sinh thông minh phải làm như ngu dốt. Mặc dầu được học hỏi hiểu biết nhiều, đọc rất nhiều các sách thiền và đã từng thực hành qua nhiều phương pháp, nhưng trong khi hành thiền, thiền sinh phải gác qua một bên mọi kiến thức của mình. Bao nhiêu kiến thức hãy bỏ vào rương, khóa lại, nhét dưới gầm giường, hãy làm như người không biết gì và không nói gì về những điều mà mình đã biết.

Thứ tư, là thiền sinh khỏe mạnh làm như ốm đau. Ði đứng chậm chạp, chánh niệm.

Cần phải thêm một sự thu thúc thứ năm nữa, đó là còn sống mà làm như chết rồi. Có cảm giác mà làm như không có cảm giác, không biết gì. Ðó là muốn đề cập đến các cảm giác đau nhức. Như chúng ta biết, xác chết dầu có bị băm vằm ra từng mảnh nhỏ thì cũng chẳng có cảm giác gì. Nếu trong khi hành thiền mà sự đau nhức phát sinh, thiền sinh phải thu hết can đảm và nghị lực để nhìn thẳng vào sự đau nhức. Thiền sinh phải có dũng cảm tinh tấn để xuyên thấu và hiểu biết sự đau mà không thay đổi tư thế, cũng không bực tức sự đau nhức này.

Mỗi một phút giây, chúng ta phải cố gắng tinh tấn chánh niệm với những gì đang xảy ra trong hiện tại. Chúng ta cố gắng ghi nhận: thấy, thấy, thấy mỗi khi thấy; ghi nhận nghe, nghe, nghe mỗi khi nghe. Phải tinh tấn để ghi nhận. Cần phải có một cái tâm chính xác hướng về đề mục để tâm có thể tiếp xúc với đề mục quán sát .

Chánh niệm cũng phải có mặt, xuyên thấu sâu xa vào trong đối tượng, và với chánh niệm sẽ đưa đến chánh định giúp cho tâm tập trung không bị tán loạn hay vọng động.

Trí Tuệ Giúp Cho Tâm Mềm Dẻo

Chánh tinh tấn, chánh hướng tâm (hay chánh tư duy), chánh niệm, chánh định là những yếu tố của bát chánh đạo. Khi các yếu tố này hiện diện trong tâm thì phiền não không có cơ hội phát sinh. Phiền não làm cho tâm trơ cứng, trì độn. Khi các yếu tố kia hiện diện thì nó biến tâm trở nên mềm dẻo, linh động. Nếu tiếp tục ghi nhận chánh niệm thì tâm sẽ dần dần xuyên thấu vào trong bản chất của mọi vật. Thiền sinh sẽ thấy rõ mọi vật đều tạo bởi danh và sắc, và tâm sẽ cảm thấy sự an lạc lớn lao. Không có ai ở đó cả mà chỉ có danh và sắc. Không có ai tạo ra danh và sắc. Nếu tiếp theo, ta thấy được sự liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng danh và sắc này thì tâm sẽ không còn hoài nghi nữa. Một thiền sinh đầy nghi ngờ thì khó có thể chữa trị được sự cứng ngắc và sự căng thẳng này. Dầu cho thiền sư có cố gắng bao nhiêu đi nữa, thì sự tinh tấn của thiền sinh cũng khó tăng lên được.

Nếu thiền sinh kiên trì hành thiền để đạt được ít nhất tuệ thấy rõ nhân quả thì sẽ không còn vấn đề khó khăn, mắc mứu gì nữa. Tuệ giác này sẽ làm cho sự nghi ngờ tan biến và giúp cho tâm trở nên mềm dẻo. Thiền sinh không còn tin vào thượng đế hay một đấng sáng tạo, đấng toàn năng nào đã tạo nên thân và tâm này. Lúc bấy giờ, nghi ngờ sẽ biến mất. Nếu chúng ta tiếp tục chánh niệm sâu xa hơn và sống trong từng phút giây hiện tại, bấy giờ tâm sẽ mềm dẻo, tinh tế, thoải mái, thư thái hơn bởi vì những sự căng thẳng của phiền não đã được nới lỏng.

Khi quán sát bản chất thật sự của thân và tâm, thiền sinh sẽ đạt được tuệ giác thấy rõ vô thường. Khi thấy rõ vô thường thiền sinh sẽ không còn kiêu mạn như trước nữa. Nếu thiền sinh thấy rõ ràng áp lực lớn lao do các hiện tượng danh sắc gây ra, thiền sinh sẽ có trí tuệ xuyên thấu được bản chất của sự khổ và nhờ thế thoát khỏi tham ái.

Nếu thiền sinh thấy được sự vắng bóng của các hiện tượng tự ngã, biết rõ ràng tiến trình của thân tâm là hoàn toàn trống rỗng và chẳng liên quan gì đến ước muốn của chúng ta thì bấy giờ thiền sinh sẽ không còn tà kiến về một tự ngã hay cái tôi vĩnh viễn nữa. Ðó chỉ mới là giai đoạn khởi đầu. Càng xuyên thấu sâu xa hơn vào bản chất thực sự của sự vật thì tâm càng trở nên mềm dẻo, linh hoạt, dễ uốn nắn, dễ điều khiển hơn. Khi thiền sinh đạt được đạo quả tâm đầu tiên thấy rõ Niết Bàn lần thứ nhất thì một số phiền não sẽ không bao giờ xuất hiện làm cho tâm thô cứng, ngưng đọng nữa.

Hy vọng các bạn tiếp tục và tích cực chánh niệm để có thể phát triển trí tuệ rộng lớn và thâm sâu này.

Quét Sạch Khổ Ðau

Ðừng để tâm ra ngoài, cũng đừng để tâm ngưng đọng bên trong

Là một thiền sư, tôi quan sát nhiều thiền sinh và thấy rằng nhiều thiền sinh để tâm lang thang mà không chánh niệm. Vì muốn giúp bạn thấy rõ bản chất của tâm vọng động hay phóng tâm, tôi muốn nhắc nhở các bạn những lời dạy sau đây của Ðức Phật.

Ðức Phật dạy: "Ðừng để tâm lang bạt bên ngoài, cũng đừng để tâm đứng lại bên trong. Thầy tỳ khưu nào có thể chánh niệm như vậy thì chắc chắn sẽ chấm dứt mọi đau khổ".

Trước tiên, tôi muốn nói rằng tất cả những ai hành thiền một cách nghiêm túc có thể xem mình là tỳ khưu. Những ai muốn thoát khỏi đau khổ đều có thể áp dụng những điều trên đây của Ðức Thế Tôn. Tuy nhiên, thật khó có thể biết được chúng ta phải chọn hướng nào đây để tiến bộ. Thế nào là đừng để tâm lang bạt, và làm thế nào để bảo đảm chắc chắn tâm không lang bạt? Chúng ta tin rằng vấn đề này không khó khăn. Mọi thiền sinh đều đã kinh nghiệm qua chuyện phóng tâm, và chúng ta đã có thể dùng năng lực của chính mình để ngăn chận nó.

Một thiền sinh chăm chỉ hành thiền thì có thể kiểm soát không để cho tâm vọng động. Vậy, nếu tâm không vọng động thì tâm phải ở bên trong. Nhưng Ðức Phật lại dạy rằng, "Ðừng để tâm cô đọng bên trong". Như vậy thì phải làm thế nào? Không nên để tâm ở ngoài, cũng không nên để tâm ở trong. Vậy phải làm sao đây? Hẳn các bạn đã từng biết là tâm ở bên trong chúng ta. Nếu bạn chú tâm vào những gì đang xảy ra trong hiện tại thì tâm bạn ở đâu? Nếu không ở ngoài thì chắc chắn tâm phải ở bên trong, vậy thì phải làm thế nào đây? Phải chăng ta chỉ cần uống một viên thuốc ngủ là ổn thỏa? Nhưng dầu có làm như vậy thì cũng đi ngược lại lời Phật dậy vì tâm vẫn còn nằm bên trong. Vậy phải làm sao đây? Nhưng Ðức Phật đã quả quyết rằng, nếu chúng ta theo đúng lời chỉ dẫn của Ngài thì sẽ thoát khỏi khổ đau. Sau khi nói dứt câu này, Ðức Phật vào trong hương phòng. Một số thính giả chưa đủ trí tuệ để hiểu rõ câu nói của Ðức Phật bèn thỉnh cầu Ðại Ðức Kaccayana giảng giải rộng thêm. Ngài Kaccayana là một vị A la hán và ngài có biệt tài giải thích các câu nói ngắn gọn của Ðức Phật.

Giải Thích Câu Ðố Của Ðức Phật

Câu nói trên cũng là một câu đố để thử trí thông minh của chúng ta nữa. Tôi đề nghị các bạn hãy bắt đầu tự hỏi mình rằng: Khi không kiểm soát được tâm thì điều gì sẽ xảy ra? Tâm sẽ phản ứng với đối tượng như thế nào?

Khi tâm tiếp xúc với đối tượng vừa lòng, thích thú, thì tâm sẽ tràn ngập tham lam. Lúc đó, ta gọi là vọng tâm, hay phóng tâm. Cũng vậy, nếu tâm tiếp xúc với đối tượng không vừa lòng, không ưa thích, tâm sẽ tràn đầy sân hận, thì đây cũng là sự vọng tâm hay phóng tâm. Khi tâm không hiểu rõ những chuyện xảy ra, tâm tràn đầy si mê thì đó cũng là sự phóng tâm hay vọng tâm. Khi phóng tâm hay vọng tâm tức là tâm đã lang bạt ra ngoài. Do thiếu chánh niệm tâm không nhìn rõ được bản chất thật sự của các đối tượng. Do đó tạo điều kiện cho tham lam, sân hận, si mê phát sanh. Ðức Phật thường dạy chúng ta đừng để cho tham, sân, si hiện khởi. Phải chăng khi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm đều được xem là sự phóng tâm?

Tiến Trình Của Cảm Giác Với Chánh Niệm và Không Chánh Niệm

Tất cả những tiến trình của ngũ trần, sắc, thanh, hương, vị và xúc, bản thân chúng chẳng mang đặc tính tốt hay xấu gì cả. Khi ngũ trần tiếp xúc với ngũ căn, nếu ta không kịp thời chánh niệm thì hàng loạt diễn tiến của tâm sẽ tiếp nối, kèm theo tham, sân, si. Mục đích của Thiền Minh Sát là giúp chúng ta có chánh niệm sắc bén để có thể nhìn đối tượng đúng theo bản chất của chúng, không để cho yêu, ghét chen vào. Làm được như vậy sẽ chặn đứng được nguồn tâm bất thiện tiếp diễn. Lúc đó, phóng tâm sẽ không xảy ra. Như vậy, phóng tâm hay vọng tâm là tâm bị ô nhiễm bởi phiền não khi nó tiếp xúc với đối tượng.

Trong thực tế, khi tiếp xúc với đối tượng, nếu ta phân tích hay mổ xẻ đối tượng thì đó gọi là phóng tâm. Chẳng hạn, khi một màu sắc đập vào mắt ta, ta có phản ứng: "Ô, màu này thật đẹp!" hay "Màu này sao mà chói chang đến vậy?" tức là ta đã phóng tâm. Ngược lại, nếu khi nhìn màu sắc mà ta có nỗ lực chánh niệm, có sự tinh tấn thì đó là cơ hội để ta thấy được tiến trình của sự thấy. Ðó là dịp để phát triển trí tuệ, để chúng ta thấy rõ được sự tương quan giữa thân và tâm, những liên hệ nhân quả của chúng, cũng như thấy được đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của chúng.

Bạn có thể thử nghiệm ngay bây giờ. Chú tâm vào chuyển động của bụng. Nếu tâm tinh tấn chánh niệm một cách chính xác vào chuyển động, thấy rõ sự chuyển động từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt, thì lúc đó tham, sân và si không nhảy vào được. Lúc ấy, không có tư tưởng về vật đẹp hoặc xấu và cũng không có sự mơ hồ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Rầm!

Nhiều khi đang chú tâm vào sự chuyển động của bụng, đột nhiên có một tiếng động lớn nổi lên. Tiếng động mạnh này mạnh hơn chuyển động phồng xẹp nên tâm tự động hướng vào đề mục mới. Mặc dầu vậy nhưng không thể gọi đó là phóng tâm nếu chúng ta tức thời ý thức tiếng động và niệm nghe, nghe, nghe mà không suy nghĩ đến nguyên nhân gây ra tiếng động, cũng không cần biết đó là tiếng động gì. Nếu được như thế thì sẽ không có tham, sân, si vào lúc ấy.

Nhưng khi một âm thanh đập vào tai, nếu tâm ta bị cuốn hút và nhận ra đó là âm thanh quen thuộc, như nghe một bản nhạc, một bài hát chẳng hạn, tâm ta bắt đầu nhớ lại hay hồi tưởng: "Trước đây ta đã từng nghe âm thanh này. Tên ca sĩ hát bài hát này, tác giả bài hát..." rồi rời khỏi giây phút hiện tại và chìm đắm vào trong tiếng nhạc, quên mất rằng mình đang hành thiền nên gõ nhịp và lắc lư theo tiếng hát... như vậy là bị phóng tâm chế ngự.

Có một thiền sinh đang ngồi thiền một cách chánh niệm, đang theo dõi đề mục một cách tĩnh lặng và tốt đẹp. Thình lình, một thiền sinh ngồi cạnh cô ta đứng dậy một cách vội vã làm phát ra tiếng động. Cô thiền sinh nghe rõ mồn một tiếng răng rắc của các khớp xương và tiếng áo quần cọ sột soạt. Tức thời cô thiền sinh của chúng ta bắt đầu nghĩ: "Thật là chẳng ý tứ chút nào cả! Vô ý thức! Ðang giữa giờ ngồi thiền mà đứng dậy phá rối trong khi ta đang ngồi thiền một cách ngon lành thế này". Thế là sự giận dữ bùng phát. Có thể gọi đây là "Ðại Phóng Tâm". Phần lớn các thiền sinh đã tránh được tình trạnh này nhờ nỗ lực chánh niệm từng Sát na, không bị phản ứng khi có đối tượng lạ phát sinh. Nhờ thế mà không bị phóng tâm chi phối.

Các Tầng Ðịnh

Không vọng tâm hay không phóng tâm có nghĩa là tâm chánh niệm kịp thời và chính xác vào những gì đang xảy ra. Khi tâm chánh niệm một cách tốt đẹp và liên tục vào tất cả những gì đang xảy ra thì tâm sẽ ở vào tình trạng gọi là nhập định. Nhập định có nghĩa là tâm dính chặt vào đề mục và quán sát đề mục đó. Hãy tưởng tượng rằng bạn thấy vật gì đó đang nằm trong bùn và muốn lấy vật đó lên. Bạn bèn dùng một cây nhọn ghim sâu vào vật đó rồi nhấc nó lên. Nếu bạn không biết chắc đó là vật gì, thì bây giờ bạn có cơ hội để nhìn rõ ràng hơn. Cũng như trong khi bạn ngồi vào bàn ăn. Bạn dùng nĩa ghim thức ăn. Hai ví dụ này cho ta thấy thế nào là yếu tố định hay tình trạng nhập định.

Các Tầng Ðịnh Trong Thiền Chỉ

Có hai loại định: định trong thiền chỉ (hay thiền vắng lặng) và định trong Thiền Minh Sát. Một số các bạn đã đọc sách và biết được các tầng định trong thiền chỉ sẽ lấy làm ngạc nhiên tại sao tôi lại nói đến các tầng định trong Thiền Minh Sát. Khi nhập định trong thiền chỉ, lúc bấy giờ tâm hoàn toàn tập trung, dính chặt vào một đề mục duy nhất - một hình ảnh trong tâm chẳng hạn; như tâm tập trung vào một chiếc đĩa màu đỏ hay vào ánh sáng. Tâm bị hút chặt vào đề mục đó, không bị lay động hay di chuyển đi nơi khác. Cứ như thế thiền sinh chú tâm vào đề mục cho đến khi tâm hoàn toàn an trụ trên đề mục rồi dần dần tiến vào trạng thái nhập định vào các tầng thiền. Có rất nhiều tầng thiền khác nhau, mỗi tầng thiền có đặc tính riêng biệt.

Các Tầng Ðịnh Trong Thiền Minh Sát

Ðịnh trong Thiền Minh Sát khác với định trong thiền Chỉ ở chỗ tâm chuyển từ đề mục này sang đề mục khác và an định tâm vào đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của tất cả các đối tượng. Ðịnh trong Thiền Minh Sát cũng bao gồm các trường hợp tâm chuyên chú và gắn chặt vào sự an lạc tĩnh lặng của Niết Bàn. Trong khi mục đích của thiền chỉ là đạt được trạng thái tâm an lạc và nhập định, thì mục đích của Thiền Minh Sát là đạt được các tầng tuệ và giải thoát.

Ðịnh trong Thiền Minh Sát là an trụ tâm vào chân đế. Chân đế là những gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp qua sáu cửa giác quan. Phần lớn những gì chúng ta nhận ra hay chú tâm đến ở sáu cửa giác quan đều là chân đế của các pháp. Ðó là sự biến đổi không ngừng của các hiện tượng thân và tâm. Niết Bàn cũng là chân đế, nhưng Niết Bàn không có sự thay đổi. Niết Bàn là pháp vô vi, vô điều kiện.

Ðể biết rõ vấn đề, ta hãy xét đến tiến trình của hơi thở. Những cảm giác mà chúng ta cảm nhận được ở bụng trong khi theo dõi chuyển động của bụng, đó là chân đế. Mục đích của sự chú tâm vào chuyển động của bụng là để thấy rõ các đặc tính và bản chất của các hiện tượng đang xảy ra ở đấy. Khi bạn chú tâm vào sự co dãn, sự căng thẳng, sự đàn hồi, sự rung chuyển, cứng, mềm, nóng, lạnh, v.v... như vậy là bạn đã phát triển các mức định tâm của Thiền Minh Sát .

Khi quán sát những gì xảy ra ở sáu cửa giác quan thì chúng ta cũng dùng những phương cách tương tự như trên. Nếu có nỗ lực tinh tấn và chánh niệm đúng đắn, chú tâm vào những gì đang xảy ra tại một cửa nào đó của giác quan thì ta cũng hiểu được chân đế hay bản chất thật sự của những gì đang xảy ra ngay tại cửa giác quan này. Thấy được chân đế ở các cửa giác quan có nghĩa là thấy được các đặc tính riêng và chung của danh và sắc hay thân và tâm. (Cũng cần nhắc lại ở đây thế nào là đặc tánh riêng của danh và sắc được nhận biết qua việc hành thiền. Khi hành thiền, chúng ta quán sát các hiện tượng danh và sắc. Khi nỗ lực tinh tấn và chú tâm chánh niệm hợp lý, thì tiến bộ đầu tiên là ta thấy được đặc tính riêng của danh và sắc. Ðặc tính riêng của danh hay tâm là sự nhận biết đối tượng bao gồm cả xúc, thọ, yêu, ghét, chánh niệm, định tâm, buồn, vui, an tịnh, trí tuệ, v.v... Ðặc tính riêng của sắc hay thân là tứ đại: sự cứng mềm, (đất), sự nóng lạnh (lửa), sự chuyển động, căng cứng, rung chuyển (gió), sự dính hút hay lỏng (nước). Danh và sắc đều có giai đoạn khởi lên, kéo dài và chấm dứt. Ðó là đặc tính nhân duyên hay đặc tính trung gian. Thiền sinh sẽ thấy rõ đặc tính trung gian trước khi thấy rõ đặc tính chung của danh và sắc là vô thường, khổ não và vô ngã).

Các Chi Thiền

Theo một lối phân loại thì có bốn tầng thiền. Tầng thiền thứ nhất có năm thiền chi, và tất cả các thiền chi đó đều quan trọng trong việc hành Thiền Minh Sát .

Thiền chi thứ nhất gọi là tầm (vitakka) hay hướng tâm. Ðây là yếu tố hướng tâm một cách chính xác và trực tiếp vào đối tượng. Tầm còn có đặc tính là đặt tâm trên đối tượng.

Thiền chi thứ hai là tứ hay sát (vicara). Sau khi đặt tâm trên đối tượng, giờ đây tứ tiếp tục định vị, dẫm, chà xát, hoạt động quán sát đối tượng. Bạn có thể kinh nghiệm được điều này khi quán sát chuyển động của bụng. Trước hết, bạn phải có tinh tấn hướng tâm vào tiến trình chuyển động của bụng, rồi tâm nắm được đối tượng mà không để trượt khỏi hay rời đối tượng. Tâm dẫm lên đối tượng và chà xát đối tượng. Khi tâm chánh niệm từ thời khắc này đến thời khắc khác một cách chính xác liên tục thì dần dần tâm trở nên thanh tịnh, trong sáng hơn. Các loại phiền não, nhất là năm chướng ngại chính: tham lam, sân hận, dã dượi buồn ngủ, phóng tâm và hoài nghi bị yếu đi rồi biến mất. Tâm trở nên trong sáng, an tịnh, tĩnh lặng. Sự trong sáng tĩnh lặng này do hai thiền chi tầm và sát đem lại. Trạng thái trong sáng, an tịnh tĩnh lặng này được gọi là viveka, có nghĩa là ẩn cư hay an trú, tâm được an định, trú ẩn, hoàn toàn thoát khỏi các chướng ngại. Sự ẩn cư hay an trú này không phải là một yếu tố của định. Ðây chỉ là một danh từ nói đến tình trạng ẩn cư hay an trú của tâm.

Thiền chi thứ ba là hỉ (piti), có nghĩa là hoan hỉ, thích thú trước những gì đang xảy ra. Thiền chi này có thể biểu lộ qua các trạng thái vật lý như rùng mình, nổi gai ốc, cảm thấy như sóng dồi vào mình, người nhẹ tênh như tách rời khỏi mặt đất, v.v...

Thiền chi thứ tư gọi là lạc (sukha) có nghĩa là sự dễ chịu, sự an vui hạnh phúc tiếp theo sau hỉ. Tâm lạc khiến ta thỏa thích hài lòng với việc hành thiền. Bởi vì cả hai thiền chi thứ ba và thứ tư đều là kết quả của sự ẩn cư khỏi phiền não nên chúng được gọi là "ẩn cư hỉ lạc" (viveka pÊti sukha) có nghĩa là sự hỉ lạc hạnh phúc do sự ẩn cư đem lại.

Hãy nghĩ đến những chuỗi nhân duyên liên tục này. Tâm ẩn cư có được nhờ ở sự hiện diện của hai thiền chi đầu tiên. Khi tâm hướng đến đối tượng một cách chính xác, nắm được đối tượng và chà xát trên đối tượng, thì sau một thời gian tâm sẽ được ẩn cư. Nhờ tâm được ẩn cư khỏi các phiền não, chướng ngại nên ta cảm thấy an lạc và thoải mái dễ chịu.

Khi bốn chi thiền đầu tiên có mặt, tâm tự động trở nên an tịnh, tĩnh lặng, dễ dàng quán thấu được những gì xảy ra mà không bị loạn tâm chi phối. Sự nhất tâm này là thiền chi thứ năm.

Muốn đến được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất cần phải có tuệ giác thấy danh sắc

Năm chi thiền này chưa đủ để đạt được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất. Tâm phải xuyên suốt vào đối tượng một chút để thấy rõ sự liên hệ hỗ tương giữa thân và tâm. Chỉ vào lúc ấy ta mới có thể nói là có được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất.

Một thiền sinh có tròn đủ năm chi thiền sẽ có một sự chánh niệm chính xác và mới mẻ hơn, nghĩa là tâm hút chặt vào đối tượng hơn trước đây; một sự hỉ lạc và hạnh phúc, thoải mái và cao thượng hơn xuất hiện. Ðây có thể là dịp để cho thiền sinh thưởng thức, nhấm nháp hương vị tuyệt vời của sự an lạc thanh tịnh mà mình đạt được. Thiền sinh có thể bị dính mắc vào sự an lạc thanh tịnh này và tự nhủ: "Ô, thật là kỳ diệu. Bây giờ mọi sự trở nên rõ ràng, trong sáng trước mắt ta. Ta nhẹ nhõm như phiêu bồng trôi nổi trên mây". Ðó là những suy tưởng xảy ra vào lúc có sự dính mắc vào sự định tâm, vào sự thanh tịnh.

Tâm Cô Ðọng Bên Trong

Ai cũng có thể bị dính mắc vào hỉ lạc, hạnh phúc và thoải mái dễ chịu. Dính mắc vào những tiến bộ đang diễn ra bên trong chúng ta là một loại tham ái đặc biệt vi tế, khác với loại tham ái thông thường. Tham ái thông thường là dính mắc, luyến ái vào ngũ dục. Cần phải ghi nhận kịp thời những tham ái dính mắc phát xuất trực tiếp từ sự hành thiền này để chúng khỏi trở thành những chướng ngại trong việc hành thiền. Nếu bạn có thể ghi nhận được một cách trực tiếp các trạng thái an tịnh tĩnh lặng này mà không bị mê đắm vào chúng hay không mơ tưởng đến những hỉ lạc cao hơn do sự hành thiền đem lại thì tâm bạn không bị cô đọng bên trong. Ðó là những điều mà Ðức Phật muốn nhắc nhở chúng ta.

Tóm lại, đừng để tâm lang bạc bên ngoài nghĩa là cần chánh niệm kịp thời và chính xác những gì đang xảy ra, không bị chi phối bởi chúng và không bị yêu ghét chen vào; đừng để tâm cô đọng bên trong nghĩa là đừng dính mắc, mê đắm vào những tiến bộ (hỉ lạc hay yên tịnh...) đang diễn ra bên trong do việc hành thiền tốt đẹp đem lại. Chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn vấn đề này.

Ba loại ẩn cư

Ðoạn kinh trên khuyên chúng ta trong khi hành thiền nên tránh những điều sau đây: Tránh tiếp xúc với ngũ dục và với bất thiện pháp. Muốn như vậy, chỉ có cách thực hành ba loại ẩn cư hay an trú: thân ẩn cư (kaya viveka), tâm ẩn cư (citta viveka), tỵ phiền não ẩn cư (vikkhambhana viveka). Tỵ phiền não ẩn cư là kết quả của thân ẩn cư và tâm ẩn cư. Tỵ phiền não ẩn cư có nghĩa là tâm không bị chế ngự bởi phiền não và chướng ngại.

Thân ẩn cư không phải là chính thân thể này ẩn cư. Chữ thân ở đây ám chỉ dục lạc ngũ trần. Như vậy, thân ẩn cư có nghĩa là xa lánh các dục lạc ngũ trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Ẩn cư khỏi các bất thiện pháp bao gồm trong tâm ẩn cư. Tâm ẩn cư thoát khỏi mọi phiền não gây trở ngại cho sự phát triển tâm định và trí tuệ nội quán. Trong thực hành, tâm ẩn cư có nghĩa là tích cực chánh niệm từ thời khắc này sang thời khắc khác. Thiền sinh nào có thể duy trì được sự chánh niệm từ thời điểm này sang thời điểm khác thì đã tạo được tâm ẩn cư.

Nếu không cố gắng nỗ lực tinh tấn thì sẽ chẳng bao giờ đạt được hai loại ẩn cư này. Muốn có thân ẩn cư, chúng ta phải tránh xa những nơi có thể phát sanh dục lạc ngũ trần. Tìm nơi hành thiền thích hợp để giúp tâm đạt được sự bình an tĩnh lặng, dĩ nhiên là chỉ dời chỗ không thì chưa đủ. Muốn đạt được tâm ẩn cư đòi hỏi chúng ta phải chánh niệm trên tất cả các đối tượng hiện khởi nơi sáu cửa giác quan.

Muốn chánh niệm thì phải hướng tâm vào đối tượng. Tinh tấn ghi nhận là phương tiện hữu hiệu để giúp tâm có thể chánh niệm một cách chính xác trên mọi đối tượng của sáu cửa giác quan. Sự hướng tâm (tầm) hay nỗ lực đặt tâm chính xác vào đề mục là thiền chi thứ nhất. Phải có sự hướng tâm và cố gắng quán sát chuyển động phồng xẹp của bụng để cuối cùng tâm gặp đề mục. Ðó là bạn ghi nhận rõ ràng các cảm giác căng thẳng, cứng mềm, chuyển động, v.v... Thế rồi tâm bắt đầu ở trên đề mục và chà xát trên đề mục. Ðó là tứ hay sát mà ta đã nói trước đây.

Sau khi chà xát trên đề mục một thời gian, tâm ngự trị và thâm nhập hẳn trên đề mục. Khi tâm ở trên đề mục chuyển động của bụng thì sự suy nghĩ ít khi xảy ra. Nhiều lúc cả một khoảng thời gian khá dài bạn không hề có một ý nghĩ hay sự phóng tâm nào. Như vậy là tâm đã thoát khỏi những đối tượng của ngũ trần dục lạc và thoái khỏi các phiền não do các đối tượng này sinh ra. Vào thời điểm ấy thì thân ẩn cư và tâm ẩn cư hiện diện. Khi tiếp tục hành thiền với nỗ lực quyết tâm và liên tục đều đặn thì phiền não sẽ lẩn trốn. Thế là bạn có được loại ẩn cư thứ ba, đó là tỵ phiền não ẩn cư.

Một Loại Hạnh Phúc Ðặc Biệt

Khi có được tỵ phiền não ẩn cư, tâm trở nên mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng, tinh tế, thư thái. Lúc ấy, một loại hạnh phúc đặc biệt phát sinh. Ðó là hạnh phúc của sự dứt bỏ. Hạnh phúc dứt bỏ là một sự an lạc thoải mái do sự dứt bỏ các dục lạc ngũ trần và các bất thiện pháp phát sinh từ dục lạc. Dục lạc ngũ trần là một điều nguy hiểm. Dính mắc, tham đắm vào dục lạc ngũ trần là một mối nguy hiểm lớn lao. Nơi có sắc đẹp, có tiếng hay, có vị ngon, có mùi thơm, có đụng chạm vừa lòng thì dễ dàng có được sự an lạc thoải mái. Ðó là điều dễ hiểu. Nhưng nơi không có dục lạc ngũ trần mà gọi là nơi an lạc hạnh phúc, thì mới thoạt nghe có vẻ lạ lùng làm sao! Tuy nhiên, khước từ dục lạc ngũ trần mới là hạnh phúc thật sự.

Tâm ẩn cư khỏi các bất thiện pháp có nghĩa là tâm đã ẩn tránh khỏi các loại phiền não. Khi đó phiền não không có cơ hội phát sinh bởi vì nguyên nhân trực tiếp của phiền não là ngũ dục đã được trừ bỏ. Như vậy, ta thấy chữ jhàna còn bao hàm một nghĩa khác nữa. Khi mà các chi thiền tầm, tứ có mặt thì ngũ dục bị loại bỏ. Do đó, phiền não sẽ cao bay xa chạy. Như vậy, chữ jhẻna không phải chỉ là nhập định hay nhập vào các tầng định thôi, mà còn có nghĩa là loại bỏ phiền não. Nó là lửa thiêu đốt phiền não.

Liên Quan Giữa Tầm và Tứ

Trong việc phát triển các tầng định, thì hai yếu tố tầm và tứ rất quan trọng. Hai yếu tố hướng tâm và ghim tâm trên đề mục này liên quan mật thiết với nhau. Giả sử bạn có một cái bình bằng đồng đen đuốc, cũ kỹ. Nếu muốn chùi bình cho sáng, bạn phải dùng một miếng giẻ để làm công việc này. Một tay cầm bình, một tay cầm giẻ, bạn chà lui chà tới miếng giẻ trên thành bình. Nếu bạn kiên nhẫn chùi thì một lát sau chiếc bình sẽ sáng loáng.

Cũng vậy, thiền sinh phải giữ tâm ở nơi mà đề mục chính xuất hiện như bụng chẳng hạn. Giữ chánh niệm ở đó. Chà lui chà tới, cọ xát vào đề mục cho đến khi phiền não biến mất. Lúc bấy giờ thiền sinh mới thấu suốt được sự thật của những gì đang xảy ra tại điểm đó. Thiền sinh sẽ hiểu rõ tiến trình của chuyển động phồng xẹp. Nếu đề mục phụ mạnh hơn đề mục chính, thì thiền sinh phải áp dụng tầm và tứ để ghi nhận đề mục mới. Như giữ bình trên tay là tầm, chà xát chiếc bình là tứ. Nếu thiền sinh chỉ cầm bình mà không chùi thì ten rỉ vẫn còn mãi. Nếu thiền sinh muốn chùi chiếc bình mà cầm bình không chặt thì cũng không chùi được. Ðiều đó cho thấy sự hỗ tương tùy thuộc giữa tầm và tứ.

Muốn vẽ một vòng tròn, bạn phải dùng một chiếc com-pa (compass). Bạn phải ghim đầu nhọn vào trang giấy, giữ yên đầu nhọn rồi di chuyển đầu kia để tạo một vòng tròn. Ðầu kim nhọn là tầm, phần quay là tứ. Nếu đầu nhọn không được ghim vào giấy thì làm sao bạn vẽ được vòng tròn? Nếu đầu nhọn đã ghim vào giấy mà không quay đầu kia thì cũng không có vòng tròn. Như vậy, tầm hướng tâm vào đối tượng. Tứ áp đặt tâm hay chà xát tâm vào đối tượng. Tầm và tứ hỗ tương tùy thuộc nhau.

Trí Tuệ Trực Giác

Nhiều người cho rằng tầm là truy tầm, suy nghĩ, lý luận. Nghĩa này không đúng trong việc hành Thiền Minh Sát . Người tây phương được giáo dục từ nhỏ là phải sử dụng trí thông minh của mình, phải luôn luôn tìm kiếm, đặt câu hỏi, tại sao, thế nào. Nhưng sự suy nghĩ và tìm tòi như vậy không thích hợp trong việc hành Thiền Minh Sát .

Có hai loại trí tuệ: Một loại do học hỏi và một loại do thực hành. Trong khi hành thiền, ta quán sát sự thật tuyệt đối hay chân đế một cách trực tiếp. Ta phải thật sự kinh nghiệm mà không suy nghĩ. Ðây là cách duy nhất để đạt được tuệ giác hay trí tuệ liên quan đến sự hiểu biết tường tận, bản chất của sự vật. Người ta có thể đọc rất nhiều để hiểu thế nào là chân đế, nhưng nếu không thực hành trực tiếp thì trí tuệ vẫn không phát sinh.

Sở dĩ thiền định hay thiền vắng lặng có thể giúp ta đạt được sự tĩnh lặng mà không thể trực tiếp dẫn đến trí tuệ là vì thiền này lấy khái niệm và sự suy tư hay tục đế làm đối tượng. Trong khi đó, Thiền Minh Sát lấy sự thật tuyệt đối hay chân đế làm đối tượng. Nhờ vậy mà hành Thiền Minh Sát có thể đạt được trí tuệ mà không thông qua sự suy nghĩ. Các tầng Thiền Minh Sát dẫn đến trí tuệ bởi vì nó là kết quả của sự quán sát trực tiếp vào chân đế hay sự thật tuyệt đối.

Khi có một trái táo trước mắt bạn, và có người nói cho bạn biết trái táo này mọng nước, ngọt lịm và tuyệt vời. Có thể nhìn trái táo rồi bạn nghĩ: "Trái táo này thật mọng nước. Tôi đoan chắc là nó rất ngọt". Bạn có thể nghĩ, có thể đoan chắc, có thể đánh cá, nhưng chỉ khi nào bạn nếm thử thì bạn mới biết được hương vị thật sự của nó. Việc hành Thiền Minh Sát cũng vậy. Bạn cũng có thể tưởng tượng được một số kinh nghiệm sẽ như thế nào, nhưng bạn chỉ có thể có được kinh nghiệm thực sự khi tinh tấn thực hành đúng phương pháp. Khi đã đạt được trí tuệ thì bạn chẳng cần nhọc công tranh cãi về hương vị của trái táo nữa.

Chướng Ngại và Sự Ðề kháng

Tâm thiếu chánh niệm như bóng tối che phủ căn phòng không đèn đuốc vào lúc nửa đêm, bóng tối si mê và ngu muội tràn ngập. Bóng đêm thì dầu sao nó cũng chỉ là trống rỗng và bình thường. Trong khi đó, mỗi một phút giây bị si mê che lấp thì tâm sẽ tiếp tục tìm kiếm, đeo đuổi theo dục lạc ngũ trần. Con người vì sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi động chạm vừa lòng mà bỏ ra biết bao nhiêu thời gian để săn đuổi, tìm kiếm, nắm giữ và dính mắc vào chúng. Bị dính mắc vào những phiền não rối như mớ bòng bong khiến họ không thể nào hiểu được một loại hạnh phúc khác cao hơn, vượt xa hơn các loại ngũ dục thông thường. Chúng ta làm sao có thể giải thích cho những người như thế hiểu được những loại hạnh phúc thanh cao, tối thượng hơn do việc hành thiền đem lại.

Thiền Minh Sát là hoàn toàn và liên tục chú tâm vào đề mục bao gồm cả hai khía cạnh của hai sự định tâm, đó là tầm và tứ, hay hướng tâm và áp đặt tâm trên đề mục. Hai thiền chi này giúp cho tâm hút chặt vào đề mục ghi nhận. Nếu chúng vắng mặt thì tâm sẽ phóng đi nơi khác. Khi tâm bị ngũ dục và phiền não, nhất là những phiền não do sự mong muốn hưởng thụ lâu dài các dục lạc chi phối, tâm sẽ bị tràn ngập bởi mờ tối và si mê. Khi tâm bị mờ tối và si mê thì ba chi thiền còn lại làm sao có được ánh sáng, có được cơ hội để tao ngộ với hai yếu tố đầu tiên hầu tạo nên một môi trường an tịnh, tĩnh lặng, vui vẻ, trong sáng cho hoa trí tuệ khai nở?

Năm Chướng Ngại

Có năm chướng ngại khiến cho tâm trượt ra khỏi đề mục. Phiền não thì nhiều vô cùng vô tận và ở dưới nhiều dạng thức khác nhau, nhưng ta có thể kể đến năm chướng ngại chính. Gọi chúng là chướng ngại vì chúng cản trở sự hành thiền của chúng ta.

Bao lâu tâm còn bị say mê bởi những cám dỗ của dục lạc thì tâm không thể an nhiên để quán sát đề mục, khiến chúng ta không thể đi trên con đường giải thoát dẫn đến hạnh phúc thanh cao vượt hẳn những hạnh phúc bình thường của thế gian.

Như vậy, tham ái là chướng ngại đầu tiên và to lớn nhất đối với việc hành thiền của chúng ta.

Khi đối diện với một đề mục không vừa lòng thích ý thì tâm tràn đầy sân hận, và tâm cũng rời khỏi đề mục chính hay rời khỏi hướng đi đến chân hạnh phúc. Ðây là chướng ngại thứ hai, sân hận.

Có lúc sự tinh tấn và nỗ lực mất đi, tâm trở nên giải đãi, lờ đờ, thụ động, lười biếng, thì tâm cũng không thể ở trên đề mục được. Sự dã dượi buồn ngủ này là chướng ngại thứ ba.

Ðôi khi tâm nhảy từ đề mục này sang đề mục khác và không an trụ được trên đề mục chính. Tâm bất an và giao động, đầy rẫy những tư tưởng hối tiếc, ân hận, lưu luyến quá khứ, lo âu, suy nghĩ đến tương lai. Ðó là chướng ngại thứ tư.

Chướng ngại thứ năm là hoài nghi, phân vân, do dự, thiếu quyết đoán. Thiền sinh gặp phải những trở ngại này khi họ nghi ngờ khả năng của chính mình, nghi ngờ phương pháp hành thiền và nghi ngờ cả thiền sư nữa. Nhiều lúc so sánh việc hành thiền của mình với người khác hay với những gì mình học được khiến tâm thiền sinh như tê liệt chẳng khác nào kẻ lữ hành trước ngã ba đường, chẳng biết định hướng để tiếp tục hành trình.

Khi những phiền não này hiện diện thì tâm thiếu hẳn tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm. Năm thiền chi này chỉ là năm yếu tố của tầng định thứ nhất. Chúng sẽ được phát triển tròn đủ, trọn vẹn khi việc hành Thiền Minh Sát có kết quả. Mỗi chi thiền sẽ diệt được một chướng ngại.

Nhất Tâm Diệt Trừ Tham Ái

Trong dục giới này, tham ái là chướng ngại chính kìm hãm chúng ta trong tối tăm mờ mịt không lối thoát. Ðịnh tâm hay nhất tâm là phương pháp đối trị tham ái. Khi an trụ trên đề mục thiền thì tâm không bị dính mắc vào những tư tưởng, cũng như không bị mê đắm vào dục lạc như sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi đụng chạm vừa lòng. Lúc ấy tham ái không còn đủ sức mạnh để chi phối tâm. Tâm không bị phân tán hay tán loạn, mà tập trung vào đề mục hay còn gọi là nhất tâm.

Hỉ Diệt Trừ Sân Hận

Khi tâm định vào đề mục một cách ổn cố và lâu dài thì hỉ phát sinh. Sự phát triển của hỉ này giúp cho tâm thoát khỏi chướng ngại thứ hai bởi vì sân hận không thể xuất hiện và tồn tại cùng một lúc với tâm hỉ. Bởi thế, hỉ có công năng diệt trừ sân hận.

Lạc Diệt Trừ Bất An Giao Ðộng

Khi việc hành thiền phát triển tốt đẹp thì những cảm giác an lạc, thoải mái phát sinh. Tâm quán sát các đề mục không vừa ý một cách thản nhiên, ung dung tự tại, không sân hận, không bực mình. Thiền sinh sẽ an nhiên tự tại, bình thản dù cho đề mục có khó khăn, phức tạp, rắc rối đến đâu. Nhiều khi nhờ chánh niệm mà sự đau nhức tan biến dần, để lại cảm giác dễ chịu trên cơ thể. Khi thân và tâm đều an lạc thoải mái, sự tập trung tâm ý hay định tâm trên đề mục sẽ bền vững, tâm sẽ chẳng chạy đi đâu. Khi lạc có mặt thì bất an và giao động sẽ rũ áo ra đi.

Tầm Diệt Trừ Dã Dượi Buồn Ngủ

Tầm có khả năng khai mở và giúp tâm bị khô héo tươi mát trở lại, khiến cho tâm tích cực và khai mở. Khi tâm liên tục tinh tấn hướng chính xác vào đối tượng thì dã dượi buồn ngủ không phát sinh. Khi bị dã dượi buồn ngủ chi phối thì tâm sẽ bị co rút và trở nên thụ động. Khi tầm có mặt thì dã dượi buồn ngủ sẽ rút lui.

Tứ Diệt Trừ Hoài Nghi

Khi tầm phát triển, có sự hướng tâm vào đối tượng, thì tâm sẽ áp đặt lên trên đề mục, chà xát lên trên đề mục, trú trên đề mục. Ðó là tứ hay sát, tên của chi thiền thứ hai. Tứ có công năng giữ cho tâm liên tục dính vào đề mục quán sát. Khi có sự chú tâm liên tục vào đề mục quán sát thì hoài nghi sẽ không có cơ hội hiện khởi, vì tâm hoài nghi không bao giờ an trú trên một đề mục mà chạy đây, chạy đó. Khi tứ có mặt thì tâm không trượt khỏi đề mục do đó hoài nghi biến mất.

Trí tuệ chưa chín muồi cũng khiến hoài nghi gia tăng. Nếu không có sự thực hành thâm sâu và thuần thục thì chắc chắn là không thể nào thấy được giáo pháp vi diệu. Thiền sinh mới có thể băn khoăn thắc mắc về những gì đã nghe mà chưa tự thân chứng nghiệm, nhưng càng cố tâm suy nghĩ về điều này bao nhiêu, thì trí tuệ sẽ bị thu hẹp bấy nhiêu. Những suy nghĩ như thế này chẳng đem lại lợi ích chi mà còn có hại. Nếu thiền sinh cứ tiếp tục suy nghĩ sẽ dẫn đến sự chỉ trích. Nếu cứ tiếp tục suy nghĩ theo lối này thì sự phát triển trí tuệ sẽ bị ngăn chận. Nếu tâm luôn luôn quán sát chặt chẽ, kỹ lưỡng đề mục quán sát thì các tư tưởng chỉ trích, chống đối, phỉ báng, v.v... sẽ không bao giờ có cơ hội phát khởi.

Hiểu Biết Thấu Ðáo Bản Chất Thế Gian

Khi có thể chú tâm khắn khít vào chuyển động phồng xẹp từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt, phát triển tâm chánh niệm một cách chính xác, thâm sâu, rõ ràng và liên tục từ sát na này sang sát na khác thì thiền sinh sẽ thấy được một cách rõ ràng toàn thể tiến trình của chuyển động từ điểm khởi đầu đến điểm giữa, rồi đến điểm cuối mà chẳng có sự gián đoạn nào.

Giờ đây, nhờ Thiền Minh Sát, bạn sẽ quán sát một cách trực tiếp thân và tâm. Ðầu tiên, bạn có thể phân biệt một cách vi tế hai yếu tố thân và tâm tạo nên tiến trình phồng xẹp. Tiến trình của thân khác hẳn với tiến trình của tâm ghi nhận. Khi quán sát một cách thận trọng hơn thì bạn sẽ bắt đầu nhận thấy sự hỗ tương tùy thuộc của thân và tâm. Một ý định trong tâm tạo nên một loại chuyển động liên tục của thân. Bạn sẽ bắt đầu thấy rõ tiến trình của thân và tâm sinh ra rồi diệt đi như thế nào. Càng ngày bạn càng thấy tiến trình sinh diệt này rõ ràng hơn. Bạn sẽ thấy mọi đối tượng mà bạn nhận biết được đều sinh và diệt. Ðâu đâu bạn cũng thấy sinh và diệt. Âm thanh đến rồi đi, cảm giác có thể phát sinh rồi biến mất. Chẳng có gì tồn tại.

ở điểm này, năm thiền chi của tầng thiền thứ nhất trở nên mạnh mẽ. Tầm và tứ rất mạnh. Hỉ, lạc và nhất tâm sẽ mạnh theo. Tầng thiền thứ nhất của minh sát được tròn đủ hay trí tuệ nội quán bắt đầu phát sinh.

Trí tuệ nội quán là trí tuệ liên quan đến sự thấy rõ ba đặc tính của mọi hiện tượng tâm vật lý, đó là vô thường, khổ não và vô ngã.

Vô Thường (Anicca)

Khi bạn quán sát sự đến và đi của các đối tượng, bạn sẽ thấy rõ đặc tính tạm thời của chúng. Ðó là vô thường. Trí tuệ thấy rõ vô thường là trí tuệ trực tiếp. Bạn thấy rõ đặc tính này ở bất kỳ chỗ nào mà bạn chú tâm đến, nghĩa là chỗ nào mà bạn để tâm đến, bạn đều thấy rõ vô thường. Khi tâm vừa tiếp xúc với đối tượng, bạn thấy rõ đối tượng đang tan rã. Một sự thỏa thích lớn lao xảy đến khi bạn thấy được chân lý này. Từ đây, bạn càng cảm thấy thích thú hơn trong việc hành thiền vì biết rằng mình đã khám phá ra được chân lý của vũ trụ này.

Chỉ một sự quán sát đơn giản và tổng quát cũng cho bạn thấy toàn cơ thể mình đều là vô thường. Bởi thế, chữ 'vô thường' liên quan đến toàn cơ thể này. Càng về sau, khi quán sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy mọi hiện tượng khởi lên qua sáu căn đều là vô thường. Ðồng thời bạn cũng thấy rõ ràng thân và tâm và các hiện tượng của thân và tâm đều là vô thường. Không có vật gì trên thế gian này mà không mang đặc tính vô thường cả.

Tóm lại, tất cả mọi vật trên thế gian này đều mang đặc tính vô thường (Anicca lakkhana). Nhờ tinh tấn hành thiền ta có được trực giác hay trí tuệ thấy được vô thường (Anicca vipassananana), thấy rõ sự diệt mất của các hiện tượng này. Một điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là tuệ giác thấy rõ vô thường không thể có được nhờ đọc sách hay nghe thiền sư giảng giải, hoặc do sự suy nghĩ, lý luận. Tuệ giác này chỉ có được khi thiền sinh quán sát một cách thuần túy sự biến mất của các hiện tượng trong hiện tại mà không qua suy nghĩ hay lý luận.

Khi quán sát sự chuyển động của bụng, bạn có thể nhận biết sự căng kéo, bành trướng, chuyển động, v.v... Nếu bạn có thể theo dõi được tiến trình này một cách liên tục từ đầu chí cuối, và bạn thấy rõ giai đoạn cuối của các cảm giác này thì bạn sẽ thấy rõ được sự vô thường, và bạn có tuệ giác thấy rõ được sự vô thường. Tất cả mọi cảm giác có thể nhận biết ở bụng hay ở mọi nơi khác trên cơ thể đều là vô thường.

Ðặc tính của sự vô thường là sinh ở đầu tiến trình của sự phồng hay xẹp, và diệt ở cuối tiến trình của phồng hay xẹp. Sự nhận biết được rằng chúng là vô thường chỉ có thể xảy ra vào lúc ta quán sát thấy sự biến mất của tiến trình phồng hay xẹp này.

Vô thường không phải chỉ thấy được ở bụng mà thôi. Mọi chuyện, mọi diễn biến xảy ra trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, mọi cảm giác của cơ thể, nóng lạnh, cứng mềm, đau nhức, ngứa, nhột, và tất cả những hoạt động như co duỗi, quay, cúi, khom, hắt hơi, v.v... đều là vô thường. Nếu bạn có thể thấy được sự biến mất của bất kỳ một đối tượng nào đã kể trên đều bao gồm trong tuệ thấy vô thường. Khi có tuệ thấy rõ vô thường thì bạn mất hẳn ảo tưởng về sự thường còn. Lúc bấy giờ, ngã mạn (mẻna) sẽ vắng mặt. Thật vậy, trong lúc bạn chánh niệm chú tâm quán sát sự vô thường thì ngã mạn cũng giảm thiểu dần.

Khổ hay Bất Toại Nguyện

Ðặc tính thứ hai của các pháp hữu vi (nhân duyên pháp) là khổ não. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu vấn đề này dưới ba khía cạnh: khổ, đặc tính của khổ và tuệ thấy khổ não.

Trong khi quán sát sự vô thường, tự nhiên yếu tố khổ cũng bắt đầu rõ ràng trước mắt ta. Khi thấy các hiện tượng sinh rồi diệt, bạn sẽ nhận ra rằng không có cái gì vững bền, ổn cố để mà nắm giữ. Mọi chuyện đều ở trong trạng thái biến đổi không ngừng nên ta không nắm giữ được gì cả. Vì không nắm giữ được gì cả nên ta không vừa lòng, không toại nguyện và khổ. Bởi vì mọi vật đều biến đổi nhưng chúng ta không muốn nó biến đổi. Chúng ta muốn mọi vật vững bền mà nó không vững bền. Mọi vật diễn ra không đúng ý mình, không đúng nguyện vọng của mình khiến ta không hài lòng, không toại nguyện, mà bất toại nguyện tức là khổ.

Mọi hiện tượng không đem đến cho ta sự nương tựa nào cả. Thật ra, khổ tự nó là vô thường. Cái gì vô thường thì cái đó là khổ. Hiểu rõ chân lý đau khổ này thì chúng ta sẽ nhìn các cảm giác đau nhức một cách thích thú. Lúc bấy giờ ta sẽ thấy rõ bản chất bất toại nguyện của mọi cảm giác. Ta có thể quán sát chúng một cách khách quan mà không bị ảnh hưởng bởi chúng và không phản ứng lại chúng. Ta sẽ thấy cảm giác đau nhức không phải là một cái gì bền vững, và nó không thể tồn tại quá hơn một cái chớp mắt. Lúc đó ta không còn có ảo tưởng về một sự trường tồn nào nữa.

Chẳng hạn có một cảm giác đau nhức nơi lưng. Nếu chăm chú quán sát nó thì bạn sẽ thấy sự nóng bỏng của chỗ đau biến thành sức ép rồi biến thành sự đập mạnh thình thịch. Sự đập mạnh này cũng biến chuyển, đan chéo vào nhau. Sự đập mạnh thay đổi cường độ, hình dáng và cách thức một cách liên tục. Cuối cùng, khi sự biến đổi lên đến cực điểm thì tâm sẽ thấy được sự vỡ vụn, sự phân tán của cái đau. Tâm ta lúc bấy giờ không còn bị sự đau nhức hành hạ nữa.

Chiến thắng được sự đau, tâm ta sẽ tràn đầy hỉ lạc và thoải mái. Thân cũng trở nên mát mẻ, yên tĩnh, thoải mái. Nhưng lúc bấy giờ thiền sinh cũng không có ý nghĩ sai lầm rằng đau khổ đã chấm dứt. Trái lại, thiền sinh thấy bản chất đau khổ của các cảm giác càng lúc càng rõ ràng hơn. Bởi vì thiền sinh bắt đầu thấy rõ cơ thể này chỉ là một khối đau khổ và bất toại nguyện, nó nhảy múa và không ngừng biến đổi.

Ðặc tính của đau khổ là bị vô thường đàn áp, chi phối. Nói một cách chính xác, bởi vì tất cả các sự vật đều sinh và diệt không ngừng từ Sát na này sang Sát na khác nên chúng ta sống trong một hoàn cảnh bị nhiều áp lực lớn lao. Mỗi khi 'sinh' xảy ra thì không có cách gì ngăn cản sự 'diệt.'

Tuệ thấy rõ sự đau khổ cũng xuất hiện lúc ta quán sát các hiện tượng sinh và diệt, nhưng nó có một khía cạnh khác hẳn với tuệ thấy rõ sự vô thường. Chẳng hạn, như đột nhiên ta có một sự hiểu biết sâu xa rằng không có một sự vật gì ta có thể nương tựa vào được cả, không có gì chúng ta có thể cậy nhờ được, chúng đều là những vật đáng sợ.

Khi có cảm giác đó tức là ta có được tuệ thấy rõ khổ não. Tuệ thấy được khổ não cũng không thể đạt được nhờ đọc sách, lý luận hay phân tích. Tuệ này chỉ xuất hiện khi tâm thuần quán sát sự sinh diệt của các sự vật và hiểu rằng sự vô thường của các hiện tượng là đáng sợ, chẳng có gì thích thú và không tốt đẹp chút nào.

Tuệ thấy rõ sự khổ trong mọi hiện tượng có năng lực mạnh mẽ vì nó có thể loại trừ sự hiểu biết sai lầm cho rằng sự vật đều tốt đẹp, đáng yêu, bền vững. Khi các ảo tưởng sai lầm này biến mất thì tham ái cũng không hiện khởi.

Vô Ngã (Anatta)

Bây giờ, tự nhiên bạn sẽ thấy được vô ngã, nghĩa là không có ai đằng sau mọi tiến trình. Từ sát na này sang sát na khác, các hiện tượng xuất hiện. Ðây là một tiến trình tự nhiên, không do ai thúc đẩy hay điều khiển. Trí tuệ này là sự hiểu được rằng sự vật không có cái ngã bên trong. Chúng ta cũng xét đến phần này trong ba khía cạnh: vô ngã, đặc tính của vô ngã và tuệ thấy được sự vô ngã.

Vô ngã liên quan đến danh sắc hay tất cả những hiện tượng vô thường không có tự ngã. Ðặc tính của vô ngã là thấy được sự sinh và diệt không diễn ra theo ý muốn của ta. Mọi hiện tượng danh và sắc diễn ra trong ta, đến rồi đi một cách tự động, theo một định luật tự nhiên. Chúng diễn ra ngoài sự kiểm soát của ta.

Ta có thể thấy điều này một cách tổng quát bằng cách quán sát thời tiết. Có lúc trời nóng như thiêu đốt. Có lúc trời lạnh đến đông đá. Khi mưa dầm. Lúc nắng ráo. Thời tiết thay đổi bất thường, chẳng làm sao lường trước được. Chúng ta không thể nào bảo thời tiết diễn ra theo đúng ý mình. Thời tiết bị chi phối bởi luật tự nhiên. Những yếu tố tạo nên thân và tâm này cũng bị chi phối bởi những định luật tự nhiên. Chúng ta ngã bệnh, đau khổ rồi chết! Những tiến trình này có tuân theo ước muốn của ta chăng?

Khi quán sát kỹ càng sự sinh và diệt của các hiện tượng thân tâm, chúng ta sẽ hiểu rõ ràng là chẳng có ai kiểm soát các tiến trình này cả. Sự hiểu biết hay trí tuệ đến một cách tự nhiên. Trí tuệ này không hề bị ảnh hưởng hay bị điều khiển hoặc bị tác động bởi một nguyên nhân nào bên ngoài. Trí tuệ này không đến từ sự suy nghĩ mà phát sinh ngay từ lúc ta quán sát sự sinh diệt của các hiện tượng. Trí tuệ này là trí tuệ thấy rõ vô ngã.

Khi ta không thấy được sự sinh và diệt của mọi hiện tượng thân và tâm, lúc ấy ta dễ có tư tưởng lầm lạc rằng có một cái ngã, một cá nhân hay một cái tôi trường tồn vĩnh cữu đứng đằng sau thân và tâm này. Bằng sự hiểu biết rõ ràng, các quan kiến sai lầm trên sẽ được tạm thời loại bỏ.

Tuệ Tư Duy: Tầng Thiền Minh Sát Thứ Nhất

Khi chúng ta có tri kiến rõ ràng, nhất là khi ta ghi nhận được sự diệt của các hiện tượng, chúng ta sẽ có trực giác về vô thường, khổ và vô ngã. Trực giác hiểu biết về tam tướng được gọi là tuệ tư duy, tuệ thấy rõ tam tướng (Sammasananana). Người có tuệ này hiểu một cách rõ ràng vô thường, khổ, vô ngã bằng kinh nghiệm của chính mình khi quán sát sự diệt mất của các hiện tượng.

Tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu nghĩa chữ Vipassana mà thường được dịch là 'minh sát'. Chữ vipassana có hai phần: 'Vi' có nghĩa là nhiều cách, 'passana' có nghĩa là thấy. Như vậy, vipassana có nghĩa là thấy qua nhiều cách. 'Nhiều cách' ở đây có nghĩa là nhiều tướng trạng, nhiều khía cạnh, tức là thấy được đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã. Nếu dịch một cách tròn đủ chữ vipassana, thì là thấy rõ các tướng vô thường, khổ, vô ngã.

Một nghĩa khác của chữ vipassana là pacceka-nana. Chữ pacceka ở đây có nghĩa là sự hiểu biết qua kinh nghiệm trực tiếp. Bởi vì tuệ minh Sát chỉ phát sinh khi ta có chánh niệm, và bởi vì nó đến từ trực giác mà không qua lý luận suy nghĩ, bởi thế nó được gọi là trí tuệ có được bằng kinh nghiệm trực tiếp, paccekanana.

Trí tuệ minh sát tái xuất hiện nhiều lần thì tâm sẽ có sự phản ánh hay hiểu biết tức thời rằng vô thường, khổ, vô ngã không phải chỉ có trong hiện tại mà đã từng có trong quá khứ và sẽ còn xảy ra trong tương lai. Tất cả mọi chúng sanh và mọi sự vật mang cùng các yếu tố như ta thì cũng đều bị luật vô thường, khổ và vô ngã chi phối. Phản ánh này được gọi là tuệ tư duy, và trong trường hợp này là một khía cạnh của các chi thiền tầm và tứ biểu hiện qua sự tư duy.

Ở vào giai đoạn này, tầng định minh sát đầu tiên đã được phát triển tròn đầy, và tầng mức thực hành được gọi là tư duy trí được tròn đủ. Thiền sinh sẽ hiểu một cách sâu xa và rõ ràng tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Lúc bấy giờ, thiền sinh sẽ đạt đến sự suy tư tự nhiên rằng ngay bây giờ, từ trước hay mãi về sau, không có nơi nào không bị định luật vô thường, khổ não chi phối.

Sự suy luận, sự phản ảnh có mặt trong tầng Thiền Minh Sát thứ nhất, nhưng sự suy luận và phản ảnh này đến một cách tự nhiên và vô hại, trừ phi nó bắt đầu xâm chiếm toàn thể tâm. Ðặc biệt đối với những thiền sinh có trình độ tri thức cao, họ thường hay tưởng tượng, suy luận, phân tích. Do đó, sự suy tư phản ảnh sẽ hiện ra rất nhiều trong khi họ trực tiếp kinh nghiệm các trực giác. Nếu sự suy luận và phản ánh quá nhiều có thể cản trở trí tuệ phát sinh.

Người nào thuộc loại thiền sinh này, nếu thấy việc hành thiền của mình dẫm chân tại chỗ hay thụt lùi thì cũng đừng nên tự trách mình mà hãy tự an ủi mình bằng cách nghĩ rằng dầu sao, đây cũng không phải là suy nghĩ xấu, vì trong lúc đó, sự suy tư hay phản ánh liên hệ đến pháp bảo chứ không phải là với tham lam và sân hận. Dầu sao đi nữa, gặp phải trường hợp như vậy, thiền sinh cũng nên cố gắng trở về với sự quán sát thuần túy, đơn giản để kinh nghiệm các hiện tượng xảy ra.

Các Hình Thức Của Tầm

Chữ 'tầm' được dùng để chỉ thiền chi có đặc tính hướng tâm chính xác bao gồm cả sự suy nghĩ, phản ánh, hướng sự chú tâm vào sự suy nghĩ. Tầm có hai loại: thiện và bất thiện. Hướng tâm vào dục lạc ngũ trần, đó là bất thiện tâm. Hướng tâm vào sự dứt bỏ là thiện. Tầm gắn liền với sân hận, gây hấn, công kích, chỉ trích là bất thiện. Tầm gắn liền với vô sân, bất bạo động là thiện.

Khi suy tư phản ánh về vô thường, khổ não, vô ngã phát sinh, thì tầm liên hệ với dục lạc ngũ trần không có mặt. Trong loạt tư tưởng đến trực tiếp từ trí tuệ của cá nhân, một số tư tưởng ham thích có thể hiện khởi, nhưng sự ham thích này không liên quan đến dục lạc thế gian như giàu sang, danh vọng, dục lạc, mà sự ham thích ở đây là những ham thích rất thiện như mong muốn rời bỏ thế gian này, muốn bố thí, hay muốn truyền bá giáo pháp. Mặc dù những tư tưởng này chứa đựng tầm hay suy tư, phản ánh, nhưng nó gắn liền với vô tham hay khước từ.

Tầm liên hệ đến sân hận, gây hấn, công kích trong đó có ước muốn làm hại kẻ khác làm cho kẻ khác đau khổ có gốc rễ từ sân hận. Nơi sự suy tư này có ẩn tàng sự tàn phá, hủy hoại bên trong. Vô sân, vô hận liên quan đến tình thương trong từ ái. Trong khi sân hận mang đặc tính công kích, gây gổ, làm hại, phá hủy, thì tâm từ mang đặc tính vị tha, mong muốn người khác được an vui hạnh phúc. Khi nếm được hương vị của giáo pháp thì thiền sinh thường có khuynh hướng muốn chia xẻ những gì mình biết được cho mọi người. Thiền sinh muốn cho mọi người đều có được kinh nghiệm như mình. Ðây là tư tưởng gắn liền với từ ái vì mong muốn được tốt đẹp cho người khác.

Suy tư bất thiện là muốn làm hại, áp chế, hành hạ hay tiêu diệt chúng sanh khác, đây là một đặc tính hủy hoại tàn khốc của tâm sân. Suy tư thiện là đặc tính của lòng bi mẫn muốn giúp đỡ kẻ khác và tìm cách giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh đau khổ khó khăn. Người có lòng bi mẫn không những biết cảm thông và thương xót kẻ khác mà còn tìm cách để giúp họ thoát khỏi những đau khổ khó khăn mà họ đang gặp phải.

Tứ - Dưới Hình Thức Của Sự Suy Tư

Nếu như suy tư phản ánh này lập đi lập lại nhiều lần thì tiến trình này được gọi là tứ, hay sát . Chữ này có hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên là áp đặt tâm trên đề mục, và một nghĩa khác là sự suy tư sâu xa. Chữ 'tứ' dùng ở đây được dùng với nghĩa là sự suy tư lập đi lập lại nhiều lần. Trước tiên, thiền sinh có trí tuệ trực giác qua kinh nghiệm trực tiếp. Sau đó thì trí tuệ suy tư sẽ phát sanh liên quan đến tuệ giác thiền sinh vừa mới đạt được. Trí tuệ suy tư có một hương vị đặc biệt và thích thú. Nó giống như gia vị thêm vào thức ăn, nhưng nếu nhiều quá thì sẽ cản trở và làm gián đoạn tiến trình quán sát trực tiếp. Những sự suy tư của tứ này có thể là những suy tư rất thanh cao bao gồm sự khước từ, lòng từ ái, đức bi mẫn. Tuy nhiên, nếu bị dính mắc vào nó và bị nó lôi cuốn thì trí tuệ không thể phát sinh.

Cầu mong cho các bạn đạt được tầm và tứ thật mạnh mẽ, vững chắc. Cầu mong cho sự hướng tâm đến đề mục cũng như sự áp đặt tâm trên đề mục của các bạn được tốt đẹp và vững chắc để thấy rõ bản chất thật sự của đối tượng. Cầu mong bạn đừng để tâm bị lệch hướng, dầu đó là những sự suy tư đẹp đẽ, kỳ diệu, cao thượng, để bạn có thể đạt được mọi tuệ giác và giác ngộ Niết Bàn .


Xem tiếp [Phần B]


Trích: "Ngay Trong Kiếp Sống Nầy", Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch,
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ, 1996.


[Mục Lục]