BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Mười Ðiều Biện Ma Cho Người Tu Thiền

Thiền Sư Siêu Minh viết
Thượng Tọa Thích Nhật Quang thuật

Lời Ðầu Sách

Ban ngày ban mặt lại có vấn đề ma mị sao? Không nên ngủ mê nói mớ làm cho thiên hạ một phen chạy loạn lăng xăng. Thực ra ma với không ma cũng tại ta. Một niệm không dừng được là ma dẫn ta vào luân hồi sanh tử, một niệm ta làm chủ được hoàn toàn thì đất nước ta thanh bình. Thế thì có ma gì? Chẳng qua tất cả tự ta mà ra.

Còn như thuật trị ma xưa nay trong thiền đường thường dùng là "Ðiều được tâm lăng xăng của mình, dừng được vọng tưởng điên đảo của mình". Tương đối ổn định được vọng tưởng của mình, ông chủ đã nắm quyền làm chủ được, còn nói gì là ma với không ma? Nói cho cùng ma hay không ma cũng chỉ một cách nói thôi. Chỉ xin là trên lộ trình Phật Ðạo ta không nên dừng lại ở bất cứ nơi nào, mà phải tiến và khắc tiến đến cùng mới tới nhà. Cũng lại không có một chút gì để cho ta nắm bắt đâu, mà phải buông và buông cho thật sạch mới ổn.

Do vậy xin cũng phải ghé mắt qua, tạm thời để thấy cách trị ma và gì là ma, mà người xưa muốn chỉ. Quả thực điều này sẽ rất bổ ích cho ta, nếu là "con ngỗng chúa biết bỏ nước uống sữa", và cũng sẽ không ích lợi gì với những ai chỉ chuyên nắm đông bắt tây, quàng xiên xuôi ngược cả đời để mất toi một thời thuận lợi của mình.

Dám khuyên kẻ đồng chí trong tông môn hãy gắng ghi nhận lời này.

Thiền viện Thường Chiếu
Xuân Ất Hợi 1995

T.K Thích Nhật Quang
Kính ghi


Xuất Xứ: Ðây là Lời Ðầu Sách do Thượng Tọa Thích Nhật Quang viết.
Nguyên là trước khi ấn tống quyển Những bước tu thiền tập 5 này, chúng tôi có xin phép và đề nghị ngài viết cho "Lời Ðầu Sách" để chúng tôi ấn tống, nên có Lời Ðầu Sách này.

Suối Trắc Bá
(Ðịa chỉ liên lạc: RR # 3 Lanark, Ontario - K0G 1K0 Canada)


Lời Nói Ðầu

Ðáp ứng nhu cầu tình hình mới, Viện đặt ra kế hoạch sản xuất. Luôn mấy năm (1975-1981), tôi về Thường Chiếu, cùng đại chúng ở đây làm ruộng rẫy. Thường Chiếu trơ trọi giữa khung trời nắng gió và đầy cỏ gai.

Kế hoạch của Viện trong những năm đầu quá nhọc, mấy năm sau lại thiếu thốn kinh nghiệm, thành thử kinh tế của Viện tương đối có phần khó khăn. Số chúng từ 20 giảm dần chỉ còn 1/3 thôi. Trong số 1/3 còn lại này, phần nhiều sức khỏe suy sụp, công phu tu hành cũng theo đà đó mà thấp dần và có thể đưa đến bế tắc.

Ðầu năm 81, trong phương án chỉnh đốn lại sinh hoạt của Viện, tôi một Thiền sinh được ban lãnh đạo Thiền Viện cho phép nghỉ sinh hoạt theo chúng một năm và được nhập thất để chấn chỉnh công phu đồng thời bồi dưỡng sức khỏe đã bị tổn thương trong mấy năm qua.

Chương trình một năm này, tôi tự xếp thành từng chu kỳ, mỗi chu kỳ là ba tháng công phu. Số ngày còn lại, tôi dùng vào việc tự kiểm ưu khuyết điểm của mình để chẩn bị cho chu kỳ tới. Cũng trong thời gian này, nhân đọc lại các sách Thầy Viện Chủ giảng, tôi thấy phần nói về mười thứ ma trong tập "Vạn Pháp Qui Tâm" của ngài Tổ Nguyên Siêu Minh rất bổ ích cho người mới vào thiền. Tự xét đến công phu của mình, rồi nghĩ đến những kẻ đến sau, tôi mạo muội thuật lại và thêm phần chú dưới mỗi đoạn.

Mong rằng: Việc làm tuy cỏn con này, nhưng có thể bổ túc cho chỗ thiếu sót của các đồng đạo mới vào Thiền Viện, còn xa lạ và ngại ngùng đối với pháp tu mà hoàn cảnh và thời gian chưa cho phép nghiên tầm sâu rộng hơn trong các giáo điển. Mười loại ma chướng này thật ra cũng không ngoài tâm mà có. Bởi tâm chưa an, hạnh chưa thuần lại thiếu kinh nghiệm, nên khi đối duyên xúc cảnh liền bị chướng ngại tác động, chưa sống được với cái bất động chân thật của mình.

Mà đã bị ngoại cảnh chi phối, tất nhiên mắt huệ chư sáng. Bởi mắt huệ chưa sáng, nên bị ngoại cảnh làm lầm. Ðã lầm chạy theo, thì tạo nghiệp rồi nối tiếp ngược suôi trong các nẻo.

Thuật giả hy vọng qua mười thứ ma chướng này, sẽ làm sáng tỏ đường lối dụng công tu hành cho các hành giả còn sơ cơ. Trông mong các bậc Ðạo nhãn chỉ điểm cho những chỗ chưa hợp với tông môn. Ngoài ra, nếu việc làm này hợp với tâm tông của Phật Tổ, con xin dâng lên và hồi hướng cho tất cả Thiện Tri Thức tương lai, nhân đây, rút kinh nghiệm hạ thủ đắc lực hơn, ngay đời này phá vỡ khối si mê nhiều kiếp cho xong.

Mùa thu Tân Dậu 1981
Tỳ Kheo Nhật Quang
Kính ghi


[Chương Kế] [BuddhaSasana]


Chân thành cám ơn anh Dương Quí Thưởng (Ottawa, Canada) đã có thiện tâm giúp đánh máy và trình bày quyển sách nầy trong dạng HTML của mạng Internet. (11/97)