BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Tương Ưng Bộ -
Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
[22] Chương I Tương Ưng Uẩn (d)-ooOoo-
III. Phẩm Những Gì Ðược Ăn I. Vị Ngọt (S.iii,81) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc. 4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành. 7) Không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức. 8-12) Và này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc... của thọ... của tưởng... của các hành... của thức. II. Tập Khởi (S.iii,82) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc. 4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành... 7) Không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức. 8) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc. 9-11) ... của thọ... của tưởng... của các hành... 12) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức. III. Tập Khởi (S.iii,82) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc. 4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành... 7) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức. IV. Các Vị A-La-Hán (S.iii,83) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". 4-6) ... thọ... tưởng... các hành là vô thường... 7) Này các Tỷ-kheo, thức là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". 8) Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành. .. đối với thức. 9) Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham, nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư (Sattavasa), cho đến tột đảnh của hữu (Bhavaggam), những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A-la-hán. 11) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
V. Các Vị A-La-Hán (S.iii,84) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". 4-7) Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô thường... 8) Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức. 9) Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư, cho đến tột đảnh của hữu, những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A-la-hán. VI. Sư Tử (S.iii,85) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, vào buổi chiều, đi ra khỏi hang. Sau khi ra khỏi hang, nó duỗi thân mình và chân. Sau khi duỗi thân mình và chân, nó nhìn xung quanh bốn phương. Sau khi nhìn xung quanh bốn phương, nó rống lên tiếng rống sư tử ba lần. Sau khi rống tiếng rống sư tử ba lần, nó đi tìm mồi. Này các Tỷ-kheo, các loài thú thuộc loại bàng sanh, nghe tiếng rống của con sư tử, vua các loài thú, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Các loài ở hang tìm vào hang. Các loài ở nước tìm xuống nước. Các loài ở rừng tìm vào rừng. Các loài chim bay lên hư không. 5) Này các Tỷ-kheo, các loài voi chúa ở tại làng, thị trấn hay thành phố, bị trói bởi các cây đa cứng chắc, bứt đứt, giật đứt những sợi dây ấy, khiếp đảm cuồng chạy, tung cả phân và nước tiểu. 6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của con sư tử, vua các loài thú; đối với loài bàng sanh, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực. 7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai xuất hiện ở đời, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy thuyết pháp: Ðây là sắc. Ðây là sắc tập khởi. Ðây là sắc đoạn diệt. Ðây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các hành... Ðây là thức. Ðây là thức tập khởi. Ðây là thức đoạn diệt. Ðây là con đường đưa đến thức đoạn diệt. 8) Này các Tỷ-kheo, có những chư Thiên nào, tuổi thọ dài, có mỹ sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn. Các chư Thiên này, sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn họ trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Họ nghĩ: "Chúng ta là vô thường, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường còn. Chúng ta là không thường hằng, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường hằng. Chúng ta không thường trú, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường trú. Này chư Tôn giả, chúng ta là vô thường, không thường hằng, không thường trú, bị thâu nhiếp trong một thân này". 9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của Như Lai đối với chư Thiên và thế giới chư Thiên, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực. 10) Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thuyết giảng như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
VII. Ðáng Ðược Ăn (Tạp 2, Ðại 2,11) (S.iii,86) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có nhớ đến các đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uẩn hay nhớ đến một trong những uẩn này. 4) Thế nào là năm? Này các Tỷ-kheo, có người nhớ rằng: "Trong quá khứ, thân ta như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến sắc. Hay có người nhớ rằng: "Trong quá khứ, ta có cảm thọ như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thọ. Hay có người nhớ rằng: "Trong quá khứ ta có tưởng... có các hành... có thức như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thức. 5) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc. 6) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thọ? Ðược cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ phi khổ phi lạc. Ðược cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ. 7) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. 8) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là các hành. 9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức. Rõ biết gì? Rõ biết chua, rõ biết đắng, rõ biết cay, rõ biết ngọt, rõ biết chất kiềm... rõ biết không phải chất kiềm, rõ biết mặn, rõ biết không mặn. Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức. 10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Nay ta bị sắc chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị sắc chinh phục, như ta bị sắc hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với sắc vị lai, thời trong vị lai, ta sẽ bị sắc chinh phục, như nay ta bị sắc hiện tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không có luyến tiếc đối với sắc quá khứ, không có hoan hỷ đối với sắc vị lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sắc hiện tại. 12) "Ta nay bị thọ chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị thọ chinh phục như vậy, như nay ta bị thọ hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với thọ vị lai, thời trong thời vị lai, ta sẽ bị thọ chinh phục, như nay ta bị thọ hiện tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không luyến tiếc đối với thọ quá khứ, không có hoan hỷ đối với thọ vị lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thọ hiện tại. 13) "Ta nay bị tưởng chinh phục...". 14) "Ta nay bị các hành chinh phục...". 15) "Ta nay bị thức chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị thức chinh phục như vậy, như nay ta bị thức hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với thức vị lai, thời trong thời vị lai, ta sẽ bị thức chinh phục, như nay ta bị thức hiện tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không có luyến tiếc đối với thức quá khứ, không có hoan hỷ đối với thức tương lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thức hiện tại. 16) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 17-19) -- Thọ... Tưởng... Các hành... 20) Thức là thường hay vô thường? -- Vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 21) -- Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng... xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". 22) Ðối với thọ... 23) Ðối với tưởng... 24) Ðối với các hành.. 25) Ðối với thức quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức đều phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". 26) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử giảm thiểu, không tăng trưởng, từ bỏ, không chấp thủ, xa lánh, không thân cận, phân tán, không huân tập. 27) Giảm thiểu, không tăng trưởng cái gì? Giảm thiểu, không tăng trưởng sắc..., giảm thiểu, không tăng trưởng thọ...tưởng...các hành...giảm thiểu, không tăng trưởng thức. 28) Từ bỏ, không chấp thủ cái gì? Từ bỏ, không chấp thủ sắc...thọ... tưởng... các hành... từ bỏ, không chấp thủ thức. 29) Xa lánh, không thân cận cái gì? Xa lánh, không thân cận sắc... thọ... tưởng... các hành... xa lánh, không thân cận thức. 30) Phân tán, không huân tập cái g? Phân tán, không huân tập sắc... thọ... tưởng... các hành... phân tán, không huân tập thức. 31) Thấy vậy, bậc Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 32) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo không tăng trưởng, không giảm thiểu. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ; sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận; sau khi xa lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập. 33) Sau khi phân tán, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu cái gì? Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu sắc. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu thọ... tưởng... các hành... không tăng trưởng, không giảm thiểu thức. 34) Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ cái gì? Sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ sắc; sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ thọ... tưởng... các hành... không từ bỏ, không chấp thủ thức. 35) Sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận cái gì? Sau khi xa lánh, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận sắc; sau khi xa lánh, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận thọ... tưởng... các hành... không phân tán, không huân tập thức. 36) Sau khi xa lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập cái gì? Sau khi phân tán, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập sắc; sau khi phân tán, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập thọ...tưởng...các hành...không phân tán, không huân tập thức. 37) Sau khi phân tán, vị ấy trú, với tâm giải thoát như vậy. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy được chư Thiên với Thiên chủ, Phạm thiên chúng với Phạm thiên đảnh lễ, dầu cho ở xa: 38)
VIII. Người Khất Thực (Tạp 10, Ðại 2,71c) (Trung 34, Ðại 1,647a) (S.iii,91) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở vườn Cây Bàng (Nigrodhàràma) 2) Rồi Thế Tôn nhân một lỗi lầm, sau khi quở trách chúng Tỷ-kheo Tăng, đắp y vào buổi sáng, cầm y bát, đi vào thành Kapilavatthu để khất thực. 3) Ði khất thực ở Kapilavatthu xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến Mahàvana (Ðại Lâm) để nghỉ buổi trưa. Sau khi đi sâu vào rừng Mahàvana, Ngài ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây veluvalatthikà. 4) Trong khi Thế Tôn độc cư Thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi lên: 5) "Chúng Tỷ-kheo đã được Ta làm cho vững mạnh. Nhưng ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ, có thể thay đổi, đổi khác. 6) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Ví như những hột giống non, nếu không có nước, có thể đổi khác, biến đổi. 7) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không được bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như trước đây chúng Tỷ-kheo đã được Ta giúp đỡ, cũng vậy, nay Ta hãy giúp đỡ cho chúng Tỷ-kheo!" 8) Rồi Phạm thiên Sahampati, với tâm của mình biết được tư niệm của Thế Tôn, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay duỗi ra, cũng vậy, biến mất từ Phạm thiên giới, hiện ra trước mặt Thế Tôn. 9) Rồi Phạm thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn: -- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn làm cho vững mạnh. 10) Nhưng ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ, có thể đổi khác, biến đổi. 11) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. Ví như những hạt giống non, nếu không có nước, có thể đổi khác, biến đổi. 12) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. 13) Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy làm cho chúng Tỷ-kheo hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giảng cho chúng Tỷ-kheo như trước đây chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ, cũng vậy, nay Thế Tôn hãy giúp đỡ cho chúng Tỷ-kheo! 14) Thế Tôn im lặng nhận lời. 15) Rồi Phạm thiên Sahampati, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ. 16) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến vườn Cây Bàng, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nghĩ rằng: "Ta hãy thị hiện thần thông một cách khiến cho các vị Tỷ-kheo ấy đến Ta từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi". 17) Và các Tỷ-kheo ấy đến Thế Tôn, từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 18) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên: -- Này các Tỷ-kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực. Ðây là một lời nguyền rủa trong đời, này các Tỷ-kheo, khi nói: "Ông, kẻ khất thực với bát trên bàn tay, Ông đi chỗ này, chỗ kia và đấy là nghề sinh sống". Này các Tỷ-kheo, điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích; không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống, mà với ý nghĩ: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ. Rất có thể, sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra". 19) Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là thiện gia nam tử xuất gia. Vị ấy có tham dục đối với các dục vọng, tham ái cuồng nhiệt, tâm tư sân hận, tư niệm ô nhiễm, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que củi từ chỗ hỏa táng, cả hai đầu đều cháy, ở giữa lại dính phân, không được dùng làm củi trong làng, không được dùng làm củi trong rừng. Dùng ví dụ ấy, Ta tả cho các Ông con người ấy, đã mất cả nhà và tài sản, lại không làm viên mãn mục đích của Sa-môn hạnh. 20) Này các Tỷ-kheo, có ba bất thiện tầm này: dục tầm, sân tầm, hại tầm. Và này các Tỷ-kheo, ba bất thiện tầm này được đoạn diệt không có dư tàn, đối với vị nào tâm đã khéo an trú vào bốn Niệm xứ hay tu tập vô tướng Thiền định. 21) Này các Tỷ-kheo, hãy khéo tu tập vô tướng Thiền định. Này các Tỷ-kheo, vô tướng Thiền định được tu tập, làm cho tăng thịnh, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn. 22) Này các Tỷ-kheo, có hai kiến này: hữu kiến, phi hữu kiến. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Có cái gì ở trong đời, ta chấp trước mà không có phạm tội?" 23) Và vị ấy biết: "Không có cái gì ở trong đời ta chấp trước mà không có phạm tội". Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ sắc... thọ... tưởng... các hành... Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ thức, do duyên chấp thủ, hữu trở thành của ta. Do duyên hữu, có sanh. Do sanh, có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. 24) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 25-28) -- Thọ... Tưởng... Hành... Thức.... Do vậy, này các Tỷ-kheo, thấy vậy... Vị ấy biết: "... không còn trở lui trạng thái này nữa". IX. Pàrileyya (Tạp 2, Ðại 2,13c) (S.iii,94) 1) Một thời Thế Tôn ở Kosambi, tại vườn Ghosita. 2) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, Ngài dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành. 3) Rồi một Tỷ-kheo, khi Thế Tôn đi chưa bao lâu, liền đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói với Tôn giả Ananda: -- Này Hiền giả Ananda, Thế Tôn tự sắp xếp sàng tọa của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành. 4) -- Này Hiền giả, trong khi Thế Tôn tự sắp xếp sàng tọa của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành; trong khi ấy, Thế Tôn ưa sống một mình; trong khi ấy, Thế Tôn không muốn ai đi theo Ngài. 5) Rồi Thế Tôn tuần tự du hành, đi đến Pàlileyyaka. Tại đây, Thế Tôn trú ở Pàlileyyaka, dưới gốc cây bhaddasàla. 6) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. 7) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Ananda: -- Ðã lâu lắm, này Hiền giả Ananda, chúng tôi chưa được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp. Chúng tôi muốn, này Hiền giả Ananda, được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp. 8) Rồi Tôn giả Ananda cùng với các Tỷ-kheo ấy đi đến Pàlileyyaka, gốc cây bhaddasàla, chỗ Thế Tôn ở; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 9) Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho các Tỷ-kheo ấy, giảng giải, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. 10) Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo sanh khởi suy nghĩ như sau: "Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?" 11) Thế Tôn với tâm của mình biết được suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy, liền nói với các Tỷ-kheo: -- Này các Tỷ-kheo, pháp đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn niệm xứ đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn chánh cần đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn như ý túc đã được giải thích, thuyết giảng. Năm căn đã được giải thích, thuyết giảng. Năm lực đã được giải thích, thuyết giảng. Bảy bồ-đề phần đã được giải thích, thuyết giảng. Thánh đạo Tám ngành đã được giải thích, thuyết giảng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp được Ta giải thích, thuyết giảng. 12) Dầu cho, này các Tỷ-kheo, các pháp được Ta giải thích, thuyết giảng như vậy, nhưng ở đây có Tỷ-kheo khởi lên suy nghĩ sau đây: "Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?" 13-16) Này các Tỷ-kheo, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức? Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Từ khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy... xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức. 17) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã như là có sắc. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức. 18) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, không quán tự ngã như là có sắc, nhưng có thể quán sắc ở trong tự ngã. Quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức. 19) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã ở trong sắc. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức. 20-21) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, có thể không quán tự ngã ở trong sắc. Nhưng có thể quán thọ như là tự ngã, và có thể quán tự ngã như là có thọ, có thể quán thọ ở trong tự ngã, và có thể quán tự ngã ở trong thọ. 22-23). .. có thể quán tưởng... có thể quán các hành... 24). .. có thể quán thức như là tự ngã, có thể quán tự ngã như là có thức; có thể quán thức ở trong tự ngã; và có thể quán tự ngã ở trong thức. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức. 25) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; có thể không quán thọ như là tự ngã; có thể không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã. Nhưng có thể có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng thường kiến ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi... Do biết như vậy, thấy như vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức. 26) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức là tự ngã; có thể không có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng vị ấy có thể có (tà) kiến như sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta". 27) Ðoạn kiến ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Nhưng hành ấy, lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh khởi, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức. 28) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã... không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã... không quán tự ngã ở trong thức; không có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết tôi sẽ thường còn, thườg hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại" ; có thể không có (tà) kiến như sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta". Nhưng vị ấy có thể nghi hoặc, do dự, không đạt được cứu cánh trong Chánh pháp này. 29) Nhưng này các Tỷ-kheo, sự nghi hoặc, do dự, không đạt được cứu cánh trong Chánh pháp này là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. 30) Này các Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức. X. Trăng Rằm (Tạp 2, Ðại 2,14b) (S.iii,100) (Trung Bộ Kinh, trang 109, 110 Tham chiếu) 1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Ðông Viên, Lộc Mẫu giảng đường, cùng với đại chúng Tỷ-kheo. 2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn nhân ngày lễ Bố-tát, ngày rằm, đêm trăng tròn, giữa trời, có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. 3) Rồi có Tỷ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn: -- Bạch Thế Tôn, con muốn hỏi Thế Tôn một vấn đề, nếu Thế Tôn cho phép, và trả lời câu hỏi của con. -- Này Tỷ-kheo, hãy ngồi tại chỗ và hỏi theo ý Ông muốn. 4) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, ngồi tại chỗ ngồi của mình và bạch Thế Tôn: -- Bạch Thế Tôn, có phải có năm thủ uẩn này: tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn? -- Này Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. 5) -- Lành thay, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, rồi hỏi thêm Thế Tôn một câu khác: -- Bạch Thế Tôn, năm thủ uẩn này lấy gì làm căn bản? -- Này Tỷ-kheo, năm thủ uẩn này lấy dục làm căn bản. 6) -- Lành thay, bạch Thế Tôn... -- Bạch Thế Tôn, chấp thủ ấy là năm thủ uẩn ấy hay chấp thủ ngoài năm thủ uẩn? -- Này Tỷ-kheo, chấp thủ ấy không tức là năm thủ uẩn ấy và chấp thủ cũng không phải ngoài năm thủ uẩn. Nhưng chỗ nào có tham và dục, chỗ ấy có chấp thủ. 7) -- Lành thay, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy... hỏi Thế Tôn một câu hỏi khác: -- Có thể chăng, bạch Thế Tôn, trong năm thủ uẩn, có sự sai khác về dục và tham? Thế Tôn đáp : -- Có thể có, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, có người nghĩ như sau: "Mong rằng trong tương lai, ta sẽ có sắc như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có thọ như vậy! Mong rằng trong tương lai, ta sẽ có tưởng như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có các hành như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có thức như vậy!" Như vậy, này Tỷ-kheo, có thể có sự sai khác về dục và tham trong năm thủ uẩn. 8) -- Lành thay, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu hỏi nữa: -- Dưới hình thức nào, bạch Thế Tôn, có định nghĩa về uẩn của các uẩn? -- Phàm sắc gì, này Tỷ-kheo, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; đây gọi là sắc uẩn. Phàm thọ gì... Phàm tưởng gì... Phàm các hành gì... Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; đây gọi là thức uẩn. Dưới hình thức như vậy, này Tỷ-kheo, có định nghĩa về uẩn của các uẩn. 9) -- Lành thay, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu hỏi nữa: -- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, được gọi là sắc uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là thọ uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là tưởng uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là hành uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là thức uẩn? -- Do nhân bốn đại, này Tỷ-kheo, do duyên bốn đại, được gọi là sắc uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc, được gọi là thọ uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc, được gọi là tưởng uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc, được gọi là hành uẩn. Do nhân danh sắc, do duyên danh sắc, được gọi là thức uẩn. 10) -- Lành thay, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu khác: -- Như thế nào, bạch Thế Tôn, là có thân kiến? -- Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay quán tự ngã như là có sắc, hay quán sắc ở trong tự ngã, hay quán tự ngã ở trong sắc... thọ... tưởng.. hành... quán thức như là tự ngã, hay quán tự ngã như là có thức,hay quán thức ở trong tự ngã, hay quán tự ngã ở trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là có thân kiến. 11) -- Lành thay, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu nữa: -- Như thế nào, bạch Thế Tôn, là không có thân kiến? -- Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh, khéo thuần thục pháp các bậc Thánh, khéo tu tập pháp các bậc Thánh; thấy rõ các bậc Chân nhân, khéo thuần thục pháp các bậc Chân nhân, khéo tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có sắc, hay không quán sắc ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong sắc, không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có thức, hay không quán thức ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là không có thân kiến. 12) -- Lành thay, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm một câu nữa: -- Bạch Thế Tôn, cái gì là vị ngọt, là sự nguy hiểm, là sự xuất ly của sắc?... của thọ... của tưởng... của các hành? Cái gì là vị ngọt, là sự nguy hiểm, là sự xuất ly của thức? -- Này Tỷ-kheo, do duyên sắc, khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của sắc. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của sắc, đó là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với sắc, đó là sự xuất ly của sắc. Do duyên thọ... Do duyên tưởng... Do duyên các hành... Do duyên thức khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của thức. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thức, đó là sự nguy hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với thức, đó là sự xuất ly của thức. 13) -- Lành thay, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi Thế Tôn thêm câu nữa: -- Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, do thấy như thế nào, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (quan điểm): ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên? -- Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả sắc, Tỷ-kheo như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải tự ngã của tôi". Phàm thọ gì... Phàm tưởng gì... Phàm các hành gì... Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức, Tỷ-kheo như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải tự ngã của tôi!" Này Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (quan điểm): ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên. 14) Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo khác khởi lên suy nghĩ sau đây: "Nếu Ngài nói sắc là vô ngã, thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã, thời các nghiệp do vô ngã tạo ra, thời ngã nào lãnh thọ?" 15) Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết rõ suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy, liền nói với các Tỷ-kheo: -- Sự kiện này xảy ra, này các Tỷ-kheo, là có kẻ ngu si, vô trí, chìm đắm trong vô minh, tâm bị khát ái chi phối, nghĩ rằng có thể vượt qua lời dạy bậc Ðạo Sư, nghĩ rằng: "Nếu Ngài dạy rằng sắc là vô ngã, thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã, thời các nghiệp do vô ngã làm, các nghiệp ấy do ngã nào lãnh thọ?" Này các Tỷ-kheo, các câu vấn nạn đã được Ta khéo dạy cho các Ông, chỗ này, chỗ kia trong các pháp ấy. 16) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. 17-19) -- Thọ... tưởng... các hành... 20) Thức là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng, nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. -- Do vậy... thấy vậy... vị ấy biết: "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa". -ooOoo- |
Mục Lục các Tập (Thiên):
Revised: 15-05-2004