BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập III - Thiên Uẩn


  

[22] Chương I

Tương Ưng Uẩn (a)

-ooOoo-

A. Năm Mươi Kinh Căn Bản

I. Phẩm Nakulapità

I. Nakulapità (Tạp, 5.5 Trưởng Giả, Ðại 2,33a) (Tăng 13.4, Ðại 2,573a) (S.iii,1)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesaka, vườn Nai.

2) Rồi gia chủ Nakulapità đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapità bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

4) -- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: "Dầu cho thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh". Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.

5) Rồi gia chủ Nakulapità sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sàriputta rồi ngồi xuống một bên.

6) Tôn giả Sàriputta nói với gia chủ Nakulapità đang ngồi một bên:

-- Này Gia chủ, tịch tịnh là các căn của Gia chủ; thanh tịnh và trong sáng là sắc diện của Gia chủ. Có phải hôm nay Gia chủ đối diện với Thế Tôn, được nghe pháp thoại?

-- Làm sao không thể như vậy được, thưa Tôn giả? Hôm nay, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại!

-- Như thế nào, này Gia chủ, Gia chủ được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại?

7) -- Ở đây, thưa Tôn giả, con đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả, con bạch Thế Tôn:

"-- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giảng dạy cho con! Nhờ vậy con được hạnh phúc, an lạc lâu dài!"

Ðược nghe nói vậy, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói với con:

"-- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm yếu, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: 'Dầu thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh!"

Như vậy, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại.

8) -- Nhưng này Gia chủ, Gia chủ có hỏi thêm Thế Tôn như sau: "Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thân bị bịnh và tâm cũng bị bịnh? Cho đến như thế nào là thân bị bịnh, nhưng tâm không bị bịnh không?"

9) -- Thưa Tôn giả, con có thể đi đến thật xa để nghe tận mặt Tôn giả Sàriputta ý nghĩa của lời nói này. Lành thay, nếu được Tôn giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!

10) -- Vậy này Gia chủ, hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ nói.

-- Thưa vâng, Tôn giả.

Gia chủ Nakulapità vâng đáp Tôn giả Sàriputta.

11) Tôn giả Sàriputta nói như sau:

-- Thế nào, này Gia chủ, là thân bịnh và tâm bịnh?

12) Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta." khi sắc biến hoại, đổi khác; do sắc biến hoại, đổi khác, nên vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

13) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

14) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

15) Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; do các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

16) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên do thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

17) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh và tâm có bịnh.

18) Thế nào, này Gia chủ, là thân có bịnh nhưng tâm không có bịnh?

19) Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta" khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

20) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

21) Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

22) Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

23) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

24) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh, nhưng tâm không có bịnh.

25) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta thuyết.

II. Devadaha (Tạp 5.6, Tây, Ðại 2,33b) (Tăng 41.4, Ðại 2,745b) (S.iii,5)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại một thị trấn của dân chúng Sakka tên là Devadaha.

2) Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo du hành ở phía Tây, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Chúng con muốn xin Thế Tôn cho phép chúng con đi đến quốc độ phương Tây. Chúng con muốn trú ở quốc độ phương Tây.

-- Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo đã xin phép Sàriputta chưa?

-- Bạch Thế Tôn, chúng con chưa xin phép Tôn giả Sàriputta.

-- Này các Tỷ-kheo, vậy hãy xin phép Sàriputta. Sàriputta, này các Tỷ-kheo, là bậc Hiền trí, là người đỡ đầu các vị Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

4) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta đang ngồi dưới cây ba đậu (elagalà: cassia), không xa Thế Tôn bao nhiêu.

5) Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, các vị ấy nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

6) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Sàriputta:

-- Chúng tôi muốn, thưa Hiền giả Sàriputta, đi đến quốc độ phương Tây. Chúng tôi muốn trú ở quốc độ phương Tây. Bậc Ðạo Sư đã cho phép chúng tôi.

7) -- Này các Hiền giả, có những người đặt câu hỏi với vị Tỷ-kheo thường đi các quốc độ khác nhau: Các Sát-đế-lị hiền trí, các Bà-la-môn hiền trí, các Gia chủ hiền trí, các Sa-môn hiền trí. Này chư Hiền giả, các bậc hiền trí với óc ưa quán sát, sẽ hỏi: "Bậc Ðạo Sư của Tôn giả nói gì, tuyên bố gì? Pháp có được chư Tôn giả khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thâm nhập với trí tuệ không?" Ðể khi trả lời, các Tôn giả có thể lập lại các ý kiến của Thế Tôn, không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, có thể trả lời tùy pháp, đúng với Chánh pháp, và không để một vị đồng phạm hạnh nào, nói lời đúng pháp, có thể có lý do để quở trách.

8) -- Chúng tôi có thể đi đến thật xa, thưa Tôn giả, để nghe tận mặt Tôn giả Sàriputta nói về ý nghĩa của lời nói này! Lành thay, nếu được Tôn giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!

9) -- Vậy này các Hiền giả, hãy lắng nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.

-- Thưa vâng, Tôn giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

10) -- Này các Hiền giả, có những người đặt câu hỏi với vị Tỷ-kheo thường đi các quốc độ khác nhau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn hiền trí. Này các Hiền giả, các bậc hiền trí với óc ưa quán sát, có thể hỏi: "Bậc Ðạo Sư của Tôn giả nói gì, tuyên bố gì?" Ðược hỏi vậy, này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời: "Này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham".

11) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm câu hỏi như sau: Có những vị Sát-đế-lị hiền trí... có những Sa-môn hiền trí. Này chư Hiền giả, các bậc hiền trí với óc ưa quán sát, có thể hỏi: "Ðối với cái gì, bậc Ðạo Sư của các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham?" Ðược hỏi như vậy, này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời như sau: "Ðối với sắc, này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư chúng tôi nói về sự điều phục dục và tham... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, bậc Ðạo Sư chúng tôi nói về sự điều phục dục và tham".

12) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm như sau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn hiền trí. Các vị hiền trí có óc quán sát, này các Hiền giả, có thể hỏi: "Nhưng thấy sự nguy hiểm gì, bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành, bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức?" Ðược hỏi như vậy, này các Hiền giả, các Ông cần phải trả lời như sau: "Này các Hiền giả, đối với sắc, ai chưa viễn ly tham, chưa viễn ly dục, chưa viễn ly ái, chưa viễn ly khát, chưa viễn ly nhiệt tình, chưa viễn ly khát ái, khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, ai chưa viễn ly tham, chưa viễn ly dục, chưa viễn ly ái, chưa viễn ly khát, chưa viễn ly nhiệt tình, chưa viễn ly khát ái, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Này chư Hiền giả, do thấy sự nguy hiểm này đối với sắc mà bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói lên sự điều phục dục và tham".

13) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm như sau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn hiền trí. Các vị hiền trí có óc quán sát, này các Hiền giả, (có thể hỏi): "Nhưng thấy sự lợi ích gì, bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành; bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức?" Ðược hỏi vậy, này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời như sau: "Ðối với sắc, này các Hiền giả, ai đã viễn ly tham, đã viễn ly dục, đã viễn ly ái, đã viễn ly khát, đã viễn ly nhiệt tình, đã viễn ly khát ái, khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, này các Hiền giả, ai đã viễn ly tham, đã viễn ly dục, đã viễn ly ái, đã viễn ly khát, đã viễn ly nhiệt tình, đã viễn ly khát ái, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Do thấy sự lợi ích này, này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành; bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức".

14) Và này các Hiền giả, đạt được và an trú trong các bất thiện pháp và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị chướng ngại, không bị ưu não, không bị nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh thiện thú, đây không phải là sự đoạn tận các bất thiện pháp được Thế Tôn tán thán.

15) Nhưng này các Hiền giả, vì rằng đạt được và an trú trong các bất thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống bị đau khổ, bị chướng ngại, bị ưu não, bị nhiệt não và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh ác thú. Do vậy, đây là sự đoạn tận các bất thiện pháp được Thế Tôn tán thán.

16) Và này các Hiền giả, đạt được và an trú trong các thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống đau khổ, bị chướng ngại, bị ưu não, bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh ác thú. Ðây không phải là sự thành tựu các thiện pháp được Thế Tôn tán thán.

17) Nhưng này các Hiền giả, vì rằng đạt được và an trú trong các thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị chướng ngại, không bị ưu não, không bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh thiện thú. Do vậy, đây là sự thành tựu các thiện pháp, được Thế Tôn tán thán.

18) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta nói.

III. Hàliddikàni (Tạp, 20.15, Kha-lê, Ðại 2,144a) (S.iii,9)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna (Ma-ha Ca-chiên-diên) sống giữa các dân chúng Avanti, tại Kulaghara bên bờ một vực núi.

2) Rồi gia chủ Hàliddikàni đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna; sau khi đi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahà Kaccàna rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Hàliddikàni nói với Tôn Giả Mahà Kaccàna :

- Thưa Tôn Giả , Thế Tôn đã nói trong phẩm thứ tám, trong tập: "Các câu hỏi của Màgandiya" như sau:

"Bậc Thánh bỏ gia đình,
Du hành không trú xứ,
Ðối với dân trong làng,
Không tác thành hệ lụy.
Tuyệt không các dục vọng,
Không ước vọng hão huyền,
Chấm dứt mọi tranh luận,
Bất cứ với một ai".

Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, thưa Tôn giả, ý nghĩa cần phải hiểu một cách rộng rãi như thế nào?

4) -- Sắc giới, này Gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham sắc giới trói buộc, này Gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Thọ giới, này Gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham thọ giới trói buộc, này Gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Tưởng giới, này Gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham tưởng giới trói buộc, này Gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Hành giới, này Gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham hành giới trói buộc, này Gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Thức giới, này Gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham thức giới trói buộc, này Gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Như vậy, này Gia chủ, là du hành có gia đình.

8) Và này Gia chủ, thế nào là du hành không gia đình?

9) Ðối với sắc giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp tùy miên; Như Lai đoạn tận chúng, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không gia đình.

10) Ðối với thọ giới, này Gia chủ...

11) Ðối với tưởng giới, này Gia chủ...

12) Ðối với hành giới, này Gia chủ...

13) Ðối với thức giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp tùy miên; Như Lai đoạn tận chúng, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không gia đình.

14) Như vậy, này Gia chủ, là du hành không gia đình.

15) Như thế nào, này Gia chủ, là du hành có trú xứ? Bị trói buộc bởi an trú chấp trước (niketa-visàra) vào sắc tướng, này Gia chủ, gọi là du hành có trú xứ... vào thanh tướng... vào hương tướng... vào vị tướng... vào xúc tướng. Bị trói buộc bởi an trú chấp trước vào pháp tướng, này Gia chủ, gọi là du hành có trú xứ. Như vậy, này Gia chủ, là du hành có trú xứ.

16) Như thế nào là du hành không trú xứ? Sự trói buộc bởi an trú chấp trước vào sắc tướng, này Gia chủ, đối với Như Lai đã được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không trú xứ. Sự trói buộc bởi an trú chấp trước vào thanh tướng... vào hương tướng... vào vị tướng... vào xúc tướng... vào pháp tướng, này Gia chủ, đối với Như Lai đã được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không trú xứ.

17) Như vậy, này Gia chủ, là du hành không trú xứ.

18) Như thế nào, này Gia chủ, là tác thành hệ lụy trong làng? Ở đây, này Gia chủ, có người sống thân mật với gia chủ, cùng vui, cùng buồn. Giữa những người sung sướng, vị ấy sung sướng. Giữa những người buồn khổ, vị ấy buồn khổ. Khi có công việc phải làm khởi lên, tự liên hệ mình vào các công việc ấy. Như vậy, này Gia chủ, là tác thành hệ lụy trong làng.

19) Và như thế nào, này Gia chủ, là không tác thành hệ lụy trong làng? Ở đây, này Gia chủ, vị Tỷ-kheo không sống quá thân mật với gia chủ, không cùng vui, không cùng buồn, không vui sướng giữa những người sung sướng, không buồn khổ giữa những người buồn khổ. Khi có công việc phải làm khởi lên, không tự mình liên hệ vào các công việc ấy. Như vậy, này Gia chủ, là không tác thành hệ lụy trong làng.

20) Như thế nào, này Gia chủ, là không tuyệt không các dục vọng? Ở đây, này Gia chủ, có người không ly tham đối với các dục vọng, không ly dục, không ly ái, không ly khát, không ly nhiệt não, không ly khát ái. Như vậy, này Gia chủ, là không tuyệt không đối với các dục.

21) Như thế nào, này Gia chủ, là tuyệt không các dục vọng? Ở đây, này Gia chủ, có người ly tham đối với các dục, ly dục, ly ái, ly khát, ly nhiệt não, ly khát ái. Như vậy, này Gia chủ, là tuyệt không các dục.

22) Như thế nào, này Gia chủ, là hy vọng hão huyền? Ở đây, này Gia chủ, có người suy nghĩ như sau: "Mong rằng có sắc như vậy trong tương lai! Mong rằng có thọ như vậy trong tương lai! Mong rằng có tưởng như vậy trong tương lai! Mong rằng có các hành như vậy trong tương lai! Mong rằng có thức như vậy trong tương lai!" Như vậy, này Gia chủ, là hư vọng hão huyền.

23) Như thế nào, này Gia chủ, là không hy vọng hão huyền? Ở đây, này Gia chủ, có người không có suy nghĩ như sau: "Mong rằng có sắc như vậy trong tương lai! Mong rằng có thọ như vậy trong tương lai! Mong rằng có tưởng như vậy trong tương lai! Mong rằng có các hành như vậy trong tương lai! Mong rằng có thức như vậy trong tương lai!" Như vậy, này Gia chủ, là không hy vọng hão huyền.

24) Như thế nào, này Gia chủ, là tranh luận với người? Ở đây, này Gia chủ, có người nói như sau: "Ông không biết Pháp và Luật này. Ta biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông đã phạm vào tà kiến. Ta mới thật đúng chánh kiến. Những điều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Những điều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Lời nói của ta mới tương ưng. Lời nói của Ông không tương ưng. Chủ kiến của Ông đã bị bài bác. Câu nói của Ông đã bị thách đố. Hãy đến mà giải vây lời nói ấy. Ông đã bị thuyết bại. Nếu có thể được, hãy gắng thoát ra khỏi lối bí". Như vậy, này Gia chủ, là tranh luận với người.

25) Như thế nào, này Gia chủ, là không tranh luận với người? Ở đây, này Gia chủ, vị Tỷ-kheo không nói lời nói như sau: "Ông không biết Pháp và Luật này.... .. Hãy thoát ra khỏi lối bí". Như vậy, này Gia chủ, là không tranh luận với người.

26) Như vậy, này Gia chủ, Thế Tôn đã nói trong phẩm thứ tám, trong tập: "Các câu hỏi của Màgandiya" như sau:

"Bậc Thánh bỏ gia đình,
Du hành không trú xứ,
Ðối với dân trong làng,
Không tác thành hệ lụy.
Tuyệt không các dục vọng.
Không ước vọng hão huyền,
Chấm dứt mọi tranh luận,
Bất cứ với một ai".

Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, này Gia chủ, ý nghĩa cần phải hiểu một cách rộng rãi như vậy.

IV. Hàliddikàni (Tạp 20.16 Kha-lê, Ðại 2,144c) (S.iii,12)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna sống giữa dân chúng Avanti, tại Kulaghara, bên bờ một vực núi.

2) Rồi gia chủ Hàliddikàni đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna... rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Hàliddikàni nói với Tôn giả Mahà Kaccàna:

4) -- Thế Tôn đã nói trong tập Các Câu hỏi Của Sakka như vầy: "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào được giải thoát với sự đoạn tận khát ái, những vị ấy đã hoàn toàn đạt được toàn thiện, đã hoàn toàn đạt được an ổn khỏi các khổ ách, đã hoàn toàn hành Phạm hạnh, đã hoàn toàn đạt được mục đích, là bậc tối thượng giữa loài Trời, loài Người". Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, thưa Tôn giả, ý nghĩa cần phải hiểu một cách rộng rãi như thế nào?

5) -- Ðối với sắc giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp, tùy miên; sự đoạn tận chúng, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, từ khước chúng một cách hoàn toàn; như vậy gọi là tâm khéo giải thoát.

6) Ðối với thọ giới, này Gia chủ...

7) Ðối với tưởng giới, này Gia chủ...

8) Ðối với hành giới, này Gia chủ...

9) Ðối với thức giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp, tùy miên; sự đoạn tận chúng, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, từ khước chúng một cách hoàn toàn; như vậy gọi là tâm khéo giải thoát.

10) Như vậy, này Gia chủ, là ý nghĩa đã được Thế Tôn nói đến trong tập Các Câu hỏi Của Sakka: "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào được giải thoát với sự đoạn tận khát ái, những vị ấy đã hoàn toàn đạt được toàn thiện, đã hoàn toàn đạt được an ổn khỏi các khổ ách, đã hoàn toàn hành Phạm hạnh, đã hoàn toàn đạt được mục đích, là bậc tối thượng giữa loài Trời và loài Người".

V. Thiền Ðịnh (Tạp 3.7-8 Thọ, Ðại 2,17a) (Tạp 3.1. Sanh Diệt, Ðại 2,15b) (Tạp 3.2 Bất Thừa, Ðại 2,15b) (S.iii,13)

1) Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi...

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Vị Tỷ-kheo có Thiền định, này các Tỷ-kheo, hiểu biết một cách như thật.

3) Hiểu biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và đoạn diệt; thọ tập khởi và đoạn diệt; tưởng tập khởi và đoạn diệt; các hành tập khởi và đoạn diệt; thức tập khởi và đoạn diệt.

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc tập khởi? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là tưởng tập khởi? Thế nào là các hành tập khởi? Thế nào là thức tập khởi?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú. Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước và an trú gì?

6) Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do hỷ đối với sắc, thủ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

7-10) Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thọ... rồi an trú tưởng... rồi an trú các hành... rồi an trú thức. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thức, hỷ khởi lên. Do hỷ đối với thức, thủ đối với thức khởi lên. Do duyên thủ đối với thức, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

11) Này các Tỷ-kheo, đây là sắc tập khởi, đây là thọ tập khởi, đây là tưởng tập khởi, đây là hành tập khởi, đây là thức tập khởi.

12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc đoạn diệt, thế nào là thọ đoạn diệt, thế nào là tưởng đoạn diệt, thế nào là các hành đoạn diệt, thế nào là thức đoạn diệt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú.

13) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú gì? Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú sắc. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú sắc, hỷ đối với sắc đoạn diệt. Do hỷ đối với sắc đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

14) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thọ. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thọ, hỷ đối với thọ đoạn diệt. Do hỷ đối với thọ đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

15-16) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú tưởng... không đắm trước và an trú các hành. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú các hành, hỷ đối với các hành đoạn diệt. Do hỷ đối với các hành đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

17) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thức. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thức, hỷ đối với thức đoạn diệt. Do hỷ đối với thức đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

18) Này các Tỷ-kheo, đây là sắc đoạn diệt, đây là thọ đoạn diệt, đây là tưởng đoạn diệt, đây là các hành đoạn diệt, đây là thức đoạn diệt.

VI. Tỉnh Mặc (Tạp, 3.7-8, Thọ, Ðại 2,17a) (S.iii,15)

1) Nhân duyên tại Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy trú tâm, dán tâm vào tỉnh mặc. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có tỉnh mặc hiểu biết một cách như thật.

3) Hiểu biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và đoạn diệt; thọ tập khởi và đoạn diệt; tưởng tập khởi và đoạn diệt; các hành tập khởi và đoạn diệt; thức tập khởi và đoạn diệt ( Như kinh trước, từ số 4 đến số 18 ).

VII. Chấp Thủ Và Ưu Não (Tạp 2.11 Thủ Trước, Ðại 2,10c) (S.iii,15)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về sự chấp thủ và ưu não, sự không chấp thủ và không ưu não. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, thế nào là chấp thủ và ưu não?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, người ấy quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Ðối với vị ấy, sắc ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi sắc ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Các pháp ưu não sanh khởi do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc sau khi xâm nhập tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.

5) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ trong tự ngã, hay tự ngã trong thọ. Ðối với vị ấy, thọ ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thọ ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ. Các pháp ưu não sanh khởi do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm bị xâm nhập nên khủng bố (uttàsavà), chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.

6-7) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã... vị ấy quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có các hành, hay các hành trong tự ngã, hay tự ngã trong các hành. Ðối với vị ấy, các hành ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi các hành ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của các hành. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của các hành sanh khởi sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.

8) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Ðối với vị ấy, thức ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thức ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thức. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thức sanh khởi sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp thủ và ưu não.

10) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là không chấp thủ và không ưu não?

11) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, khéo tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, khéo tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Ðối với vị ấy, sắc ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi sắc ấy biến hoại và đổi khác, thức không tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc không sanh khởi, không xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng bố, không có chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.

12) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Ðối với vị ấy, thọ ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thọ ấy biến hoại và đổi khác, thức không tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ không sanh khởi, không xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng bố, không có chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.

13) Không quán tưởng như là tự ngã...

14) Không quán các hành như là tự ngã...

15) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Ðối với vị ấy, thức ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thức ấy biến hoại và đổi khác, thức không tùy chuyển theo sự biến hoại của thức. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thức không sanh khởi, không xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng bố, không có chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.

16) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự không chấp thủ, không ưu não.

VIII. Chấp Thủ Và Ưu Não (Tạp 2.12, Hị Trước, Ðại 2,11a) (S.iii,18)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về sự chấp thủ và ưu não, sự không chấp thủ và không ưu não...

Thế Tôn nói như sau:

3) -- Này các Tỷ-kheo, thế nào là chấp thủ và ưu não?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán sắc: "Ðây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi". Sắc ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

5) ... quán thọ...

6) ... quán tưởng....

7) ... quán các hành...

8) ... quán thức: "Ðây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi". Thức ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này khi thức ấy biến hoại, đổi khác, khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp thủ và ưu não.

10) Này các Tỷ-kheo, như thế nào là không chấp thủ và không ưu não?

11) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử quán sắc: "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là tự ngã của tôi". Sắc ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này, khi sắc biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

12) ... quán thọ: "Ðây không phải của tôi..".

13) ... quán tưởng: "Ðây không phải của tôi..".

14) ... quán các hành: "Ðây không phải của tôi.."..

15) ... quán thức: "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải tự ngã của tôi". Thức ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

16) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không chấp thủ, không ưu não.

IX. Ba Thời Là Vô Thường (Tạp 1.8 Quá Khứ, Ðại 2,1c. Tạp 3.29-30 Lược Thuyết, Ðại 2,20a) (S.iii,19)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường, trong quá khứ, trong vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử đối với sắc quá khứ không tiếc nuối (anapekkha), đối với sắc vị lai không hoan hỷ, đối với sắc hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.

3) Này các Tỷ-kheo, thọ là vô thường...

4) Này các Tỷ-kheo, tưởng là vô thường...

5) Này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường, trong quá khứ, trong vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử đối với các hành quá khứ không tiếc nuối, đối với các hành vị lai không hoan hỷ, đối với các hành hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.

6) Này các Tỷ-kheo, thức là vô thường trong quá khứ, trong vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử đối với thức quá khứ không tiếc nuối, đối với thức vị lai không hoan hỷ, đối với thức hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.

X. Ba Thời Là Khổ

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, đối với sắc quá khứ không tiếc nuối, đối với sắc vị lai không hoan hỷ, đối với sắc hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham đoạn diệt.

3) Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ...

4) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ...

5) Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ...

6) Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử đối với thức quá khứ không tiếc nuối, đối với thức vị lai không hoan hỷ, đối với thức hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.

XI. Ba Thời Là Vô Ngã (S.iii,20)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Vị Ða văn Thánh đệ tử đối với sắc quá khứ không tiếc nuối, đối với sắc vị lai không hoan hỷ, đối với sắc hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.

3) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...

4) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...

5) Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...

6) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Vị Ða văn Thánh đệ tử đối với thức quá khứ không tiếc nuối, đối với thức vị lai không hoan hỷ, đối với thức hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.

 

II. Phẩm Vô Thường

I. Vô Thường (Tạp 1.1 Vô thường, Ðại 2,1a) (S.iii,21)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvathi...

2) Tại đấy...

3-6) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường..., thọ là vô thường..., tưởng là vô thường... các hành là vô thường..., thức là vô thường.

7) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức... Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

II. Khổ (S.iii,21)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3-7) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là khổ..., thọ là khổ..., tưởng là khổ..., các hành là khổ..., thức là khổ...

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

III. Vô Ngã (S.iii,21)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3-7) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã..., thọ là vô ngã..., tưởng là vô ngã..., các hành là vô ngã..., thức là vô ngã...

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta được giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

IV. Cái Gì Vô Thường (Tạp 1.9, Vô Thường, Ðại 2,2a) (S.iii,22)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3)-- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường...

6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường...

7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

V. Cái Gì Khổ (Tạp 1.10 Vô Thường. Ðại 2,2a) (S.iii,22)

1-2) Nhân duyên tại Sàvatthi...

3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ...

5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ...

6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ...

7) Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".

VI. Cái Gì Vô Ngã (S.iii,22)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã; cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

4-6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã... Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô ngã... Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...

7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

VII. Có Nhân Là Vô Thường (Tạp 1.11 Nhân. Ðại 2,2a) (S.iii,23)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?

4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thọ sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Thọ đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?

5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường...

6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường...

7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Thức đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui với trạng thái này nữa".

VIII. Có Nhân Là Khổ (Tạp 1.12 Nhân. Ðại 2,2b) (S.iii,23)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Sắc đã được cái khổ làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể lạc được?

4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ...

5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ...

6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ...

7) Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Thức đã được cái khổ làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể lạc được?

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

IX. Có Nhân Là Vô Ngã (S.iii,23)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Sắc đã được cái vô ngã làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu là ngã được?

4-6) Thọ... Tưởng... Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...

7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Thức đã được cái vô ngã làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu là ngã được?

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

X. Ananda (S.iii,24)

1) Ở tại Sàvatthi... trong vườn...

2) Lúc bấy giờ Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

-- "Ðoạn diệt, đoạn diệt", bạch Thế Tôn, chúng con được nghe nói đến. Do đoạn diệt những pháp nào, bạch Thế Tôn, được gọi là đoạn diệt?

4) -- Sắc, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của sắc được gọi là đoạn diệt.

5) Thọ, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của thọ được gọi là đoạn diệt.

6-7) Tưởng, này Ananda, là vô thường... Các hành, này Ananda, là vô thường...

8) Thức, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của thức được gọi là đoạn diệt.

9) Sự đoạn diệt của những pháp này, này Ananda, được gọi là đoạn diệt.

-ooOoo-

Chương trước | Chương kế


Mục Lục các Tập (Thiên):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | Giới thiệu


[Trở về trang Thư Mục]

Revised: 15-05-2004