BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm hiểu Kinh Trung Bộ III
Kinh số 101-152

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


TỔNG LUẬN 
Trung Bộ Kinh III
(Từ Kinh 101 đến Kinh 152)

I. Tổng quát

Trung Bộ Kinh III gồm có 52 kinh, trong đó có 23 kinh Thế Tôn giảng tại tịnh xá Cấp Cô Độc, ở Thắng Lâm, thành Xá Vệ (Sàvatthì); chín kinh giảng ở tịnh xá Trúc Lâm (Ràjagaha); bốn kinh giảng tại Lộc Mẫu Giảng Đường (Sàvatthì); bốn kinh giảng tại các nơi dân chúng Thích Ca (Sakka); một kinh giảng ở Trùng Các Giảng Đường (Vesalì); một kinh giảng tại Kusinara (địa phương Thế Tôn nhập Niết Bàn); số còn lại giảng tại các nơi khác nhau khác.

Năm mươi hai kinh được phân ra năm phần:

1. Phần một (từ kinh 101 đến kinh 110): Phần Thị Trấn Các Sakka.
2. Phần hai (từ kinh 111 đến kinh 120): Phần Bất Đoạn
3. Phần ba (từ kinh 121 đến kinh 130): Phần Không Tánh
4. Phần bốn (từ kinh 131 đến kinh 142): Phần Phân Tích
5. Phần năm (từ kinh 143 đến kinh 152): Phần Lục Xứ

II. Đặc tính của năm phần trên

1. Phần một ( từ kinh 101 đến kinh 110): Nhiều kinh đối thoại với các Bà-la-môn ngoại đạo, chỉ rõ các tà kiến của ngoại đạo.

2. Phần hai: Phần Bất Đoạn

- Kinh 120: đặc biệt nói đến sự toại ý chọn cảnh giới thác sanh ...
- Kinh 111:đặc biệt Thế Tôn giới thiệu về Thánh Giải thoát của tôn giả Sàriputta...
- Kinh 112: đặc biệt Thế Tôn dạy cách tìm hiểu sự thật về tuyên bố chứng đắc A-la-hán của một Tỷ Kheo...
- Kinh 113: đặc biệt nhấn mạnh giá trị giải thoát tâm và tuệ, mà không phải là giá trị xã hội, dòng họ xuất thân, tiếng tăm, địa vị (chân nhân và phi chân nhân)
- Kinh 114: Thế Tôn dạy các điểm nên và không nên hành trì...
- Kinh 115: Rất đặc biệt giới thiệu về sự vắng mặt sợ hãi, thất vọng và hoạn nạn ở người hiền trí...
- Kinh 116: Tối đặc biệt: Thế Tôn đề cập đến 500 Bích Chi Phật (Paccekabuddha)...
- Kinh 117: Giới thiệu rất đặc biệt về Thập Chánh Đạo (hay Thánh Chánh Định...) với hai dòng:

* Thập thánh đạo hữu lậu ...
* Thập thánh đạo vô lậu ...

- Kinh 118: Tại đây "Nhập Tức Xuất Tức Niệm" (hay Niệm xứ) được giới thiệu rất chi tiết, đầy đủ và rất nền tảng của công phu thành tựu Đạo đế...
- Kinh 119: Giới thiệu rất đặc biệt, đặc biệt hơn nhiều kinh khác, về cảm nhận của hành giả về hỷ, lạc qua bốn sắc định ...

3. Phần ba: Phần Không Tánh

Phần nầy có nhiều giáo lý tuyệt đặc biệt:

- Kinh 121 và kinh 122: Giới thiệu an trú Không tánh (emptiness) như là Phạm trú, Thánh trú, Đại nhân trú và Phật trú, rất hệt với tư tưởng Tánh Không của Phật Giáo Phát Triển...
- Kinh 123: Đặc biệt giới thiệu các pháp hi hữu của Thế Tôn...
- Kinh 124, 125, 126: Liên hệ Phật Giáo và giáo lý ngoại đạo (đối chiếu)...

4. Phần bốn: Phần Phân Tích

Toàn 10 kinh nói lên đặc tính "Phân tích" (vibanga) của giáo lý Phật giáo nói chung, và của 10 kinh thuộc phần nầy nói riêng...

- Kinh 131, 132, 133, 134: giới thiệu pháp tu thiền quán rất ngắn gọn, rất đặc biệt như là bản kinh Nhật tụng cần thiết nhất của một tu sĩ Phật Giáo...
- Kinh 135, 136: đặc biệt giới thiệu giáo lý về Nghiệp (Kamma)...
- Kinh 137: Bản kinh nầy rất đặt biệt phân tích về hai dòng cảm thọ của người tu: một dòng thế gian, dòng kia là dòng xuất ly. Bản kinh cũng nói lên sự khác biệt giữa Lạc và Lạc Thọ...
- Kinh 138: Rất ngắn nhưng giới thiệu đủ một lộ trình đoạn tận khổ...
- Kinh 139: Đặc biệt giới thiệu thái độ và ý nghĩa "chỉ thuyết pháp mà không tán thán hay chỉ trích" của một Tỷ kheo...
- Kinh 140: Giới thiệu thái độ sống và nói pháp tuyệt vời giản dị của Thế Tôn...
- Kinh 141: Đây là một trong rất ít kinh mà nhà nghiên cứu Phật học thấy rằng: Sinh tiền Thế Tôn đã xác nhận tôn giả Xá-Lợi-Phất và Mục Kiền Liên có khả năng thay thế Thế Tôn để chuyển vận Bánh xe Pháp và hướng dẫn Tăng già...
- Kinh 142: Nói về pháp cúng dường, và công đức cúng dường cá thể và tập thể...

5. Phần năm: Phần Lục Xứ

Phần nầy rất đặc biệt và rất cần thiết cho công phu thiền quán hằng ngày, và công phu hộ trì các căn, rất trí tuệ và rất thiết thực... Đây là nội dung hành trì dành cho các căn cơ trí tuệ...

III. Tổng luận

1. Với 20 kinh đầu của Trung Bộ Kinh I là đã đầy đủ cho một Tỷ kheo có nhận thức rõ về sự thật của cuộc đời, con người, hạnh phúc và khổ đau, nhận thức rõ về các hành động của thân, khẩu, ý dẫn đến hại mình, hại người, hại cả hai, hay lợi mình, lợi người, lợi cả hai, dẫn đến khổ đau hay hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Riêng Trung Bộ Kinh III, cũng lập lại nội dung của 20 bản kinh đầu ấy, nhưng được Thế Tôn giảng dạy với ngôn ngữ khác biệt và bằng phương cách khác biệt. Điểm đặc biệt về giáo lý của Trung Bộ Kinh 3 nổi bật một số điểm tiêu biểu như được trình bày trong phần tiếp theo dưới đây.

2. Điểm giáo lý nổi bật tiêu biểu trong Trung Bộ III:

2.1. Có một số kinh trình bày dưới dạng thức "tổng thuyết" và "biệt thuyết"; phần biệt thuyết do các tôn giả đại đệ tử của Thế Tôn triển khai. Đây có thể được xem là điểm bàn rộng mở đầu cho các bộ luận về sau.

2.2. Trung Bộ III có nhiều kinh nhấn mạnh đến an trú "Không tánh" như là Phạm trú, Thánh trú, Phật trú mà quá khứ, hiện tại và vị lai đều thế.

2.3. Phần Lục xứ, Thập Nhị xứ, Thập bát giới, Ngũ uẩn; Ngũ đại, Lục đại, 18 Thọ v.v... được nhiều kinh Trung Bộ III đề cập rất phong phú, đa dạng, minh bạch giúp cho người đọc thấy rõ sự phát triển văn huệ của tự thân, tâm lắng, nghiệp tiêu (ít, nhiều) ngay tại thời xem kinh; và giúp người đọc thấy rõ ràng công phu giải thoát, mà nếu muốn, đang ở trong tầm với của mình.

2.4. Địa bàn tu tập, qua Trung Bộ III, tự hiện rõ nơi sáu căn, sáu trần, sáu thức, sáu xúc và 18 thọ: giác tỉnh từ các xúc, các thọ là điểm khởi động của giải thoát mà mỗi người có thể cảm nhận ngay trong hiện tại.

2.5. Trung bộ III cũng đề cập rất rõ các nét cương yếu về giáo lý về Nghiệp (Kamma) như đã được đề cập điển hình ở kinh "phân biệt nhỏ" và "phân biệt lớn" về Nghiệp. Tại đây, hai kinh nầy, có thể là tiếng nói đại diện cho Trung Bộ Kinh (toàn tập) cắt nghĩa về sự sai biệt giữa những cá nhân trong loài người.

Cận tử nghiệp, mà yếu tố chánh kiến và chánh tín có mặt trước lúc mệnh chung quyết định cảnh giới thác sinh, thay đổi lộ trình chuyển kiếp, là một điểm giáo lý đặc biệt trí tuệ!

2.6. Định nghĩa về "Chánh tư duy" trong Trung Bộ III (vô dục, vô sân và vô hại tư duy) là một định nghĩa đặc biệt gợi ý cho các nhà nghiên cứu Phật học thấy rằng (có thể phát biểu như thế) "lý thuyết Bất Bạo Động" (ahimsa) của Thánh Gandhi (Ấn Độ) bắt nguồn, hay chịu ảnh hưởng rất lớn từ giáo lý Phật Giáo.

2.7. Thái độ "thuyết pháp" mà không tán thán, không chỉ trích trong kinh 139, Trung Bộ III, hiện rõ sắc thái giáo dục, văn hoá của Phật Giáo rất đặc thù.

2.8. Tại Trung Bộ III, các giáo lý ngoại đạo, lục sư ngoại đạo, được đề cập một số nét giáo lý khá rõ giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, đối chiếu tôn giáo học.

2.9. Qua Trung Bộ III, kinh cho thấy mối giao dịch, quan hệ giữa giáo hội của Thế Tôn và các giáo hội Bà-la-môn ngoại đạo: cả hai bên đều có chủ động trao đổi. Dù có nhiều nhà ngoại đạo đầy kiêu ngạo, đầy thù nghịch đến với Thế Tôn, nhưng Thế Tôn vẫn giữ nghiêm thái độ rất trí tuệ, hiểu biết, ôn hòa biểu hiện rõ châm ngôn của Phật Giáo là: "Chỉ có đời tranh chấp với Phật Giáo, mà không có sự việc Phật Giáo tranh chấp với đời".

2.10. Cũng có rất nhiều giáo chủ ngoại đạo, Bà-la-môn tiếng tăm lừng lẫy tán thán quy ngưỡng Thế Tôn: một số trở thành đệ tử tại gia của Ngài, một số xuất gia đắc Thánh Quả.

2.11. Nhiều vua chúa, hoàng thân, vương tử, đại thần,..., cũng đến Giáo chúng học đạo và đã được Thế Tôn làm sáng tỏ chủ trương của Thế Tôn là bình đẳng giai cấp: giá trị mỗi người là ở thái độ sống, hành động thiện hay ác, chánh hay tà, vị tha hay vị kỷ, mà không ở màu da, chủng tộc, dòng họ hay tiếng tăm ở đời...

2.12. Trung Bộ Kinh cũng soi sáng, rất tỏ, ý nghĩa "Trung đạo tu tập" của Phật Giáo là Bát Thánh Đạo tránh xa hai thái cực hưởng thụ dục lạc và khắc kỷ, khổ hạnh, ép xác; và ý nghĩa "Trung đạo nhận thức" là "Duyên khởi", tránh xa chấp thường chấp đoạn.

Tất cả các điểm ghi trên chỉ là một số điểm xuyết, bạn đọc cần tự mình đọc kỹ từng dòng kinh mới đón nhận được giải thoát, hỷ lạc cho tự thân.

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, http://cusi.free.fr


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005