BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm hiểu Kinh Trung Bộ I
50 bài kinh đầu

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


LTS: Đáp ứng nhu cầu nghiên cứu Phật học của đông đảo độc giả, đặc biệt là đối với kinh tạng Nam truyền (Nikàya), kể từ số này, chuyên mục Phật học NSGN trân trọng giới thiệu các bài viết của Hòa thượng Tiến sĩ Thích Chơn Thiện về kinh Trung Bộ I. Sau phần Tổng luận, tác giả sẽ đi vào các bản kinh quan trọng của Trung Bộ qua 3 phần: giải thích thuật ngữ, tóm lược nội dung và lời bình. Hy vọng đây sẽ là những gợi ý hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu và vận dụng lời dạy của Đức Phật vào thực tiễn để xây dựng đời sống hạnh phúc, giải thoát ngay trong hiện tại. -- Nguyệt san Giác Ngộ


TỔNG LUẬN
(Trung Bộ kinh I)

I. Tổng quát

Trung Bộ kinh I, Đại tạng kinh Việt Nam, ấn hành năm 1992, gồm có 50 kinh, chia làm năm phần. Theo nguyên bản Pàli và bản dịch tiếng Anh, Pàli Text Society, London,1987 thì có để tên gọi của từng phần:

- phần đầu gọi là Cương yếu của các pháp Căn bản;
-
phần hai gọi là Tiếng rống sư tử;
- phần ba không để tên gọi, chúng tôi tự để tên là Các ảnh dụ;
-
phần bốn và năm gọi là Phẩm song đôi.

Trong mỗi phần, nói đúng hơn phần các kinh không phân biệt phần, bản dịch của Đại tạng kinh Việt Nam có để tên một số kinh gọi là Đại kinh và Tiểu kinh. Để tránh sự nhầm lẫn ý nghĩa chữ Đại, Tiểu liên hệ đến nội dung của pháp hành, người biên soạn tập sách này sử dụng từ kinh dài (thay cho Đại kinh) và kinh ngắn (thay cho Tiểu kinh) chỉ số trang, số từ nhiều hay ít hơn của hai kinh cùng nhan đề ấy.

Bản dịch của Pàli Text Society, 1987, bàn đến khá nhiều điểm về hình thức thứ tự của "Kinh" và "Phần" trong lời tựa của dịch giả. Ở đây người biên soạn sẽ chỉ nhấn mạnh đến phần giới thiệu nội dung kinh, ghi các điểm giáo lý và pháp hành quan trọng mà người đọc cần để tâm, và có để thêm lời bàn. Ở đây, trong ý nghĩa tựa đề "Tìm hiểu Trung Bộ Kinh I", mỗi kinh chỉ giới thiệu ba phần:

- Phần giải thích từ ngữ: giúp người đọc nắm được nghĩa của các từ ngữ, thuật ngữ Phật học, có chú thích thêm tiếng Pàli (nguyên bản) và Anh ngữ (dịch bản); phần Việt ngữ là phần giới thiệu của người biên soạn.

- Phần nội dung bản kinh: chỉ giới thiệu các nét giáo lý pháp hành cương yếu để người đọc dễ tiếp thu; với những lời dạy của Thế Tôn mà ngưòi biên soạn thấy rằng hành giả cần đọc kỹ để phát triển "tư huệ" và "tu huệ", thì ghi lại nguyên văn của dịch bản Việt ngữ có đối chiếu với nguyên bản Pàli và dịch bản Anh ngữ.

- Phần bàn thêm: người biên soạn nhấn mạnh và diễn dịch các điểm giáo lý và pháp hành cần bàn rộng, cần tập trung sự chú ý, với chủ tâm là nêu lên một số gợi ý cho người đọc.

Trên tất cả, người biên soạn thiển nghĩ rằng mỗi người đọc, mỗi người hành sau khi đọc các dịch bản và chú thích của các dịch bản, nên tự mình đọc lại nguyên bản từng dòng kinh (Pàli, Anh và Việt văn) để tự mình trực nhận nghĩa kinh và tự mình phát triển "tư huệ".

II. Các nét giáo lý đặc thù của Trung Bộ kinh I

1. Phần cương yếu của các pháp căn bản (hay cương yếu về căn bản của các pháp): gồm từ kinh 1 đến kinh 10.

Khi nói "Cương yếu của các pháp căn bản" là nói căn bản của các bản kinh (Suttam) và căn bản của pháp môn tu. Khi nói "Cương yếu về căn bản của các pháp" là nói về nhận thức sự thật của các pháp (các hiện hữu). Cả hai ý nghĩa trên đều được bao hàm trong nguyên ngữ Pàli: Mùlapariyàvagga (bản dịch tiếng Anh đề: The Division of the Synopsis of Fundamentals).

1.1 Kinh số l, "Căn bản của mọi Pháp" (Mùlapariyàsuttam). Mở đầu kinh số 1, Đức Thế Tôn dạy:

Pàli: "Sabbadhammalàpariỳayam vo bhikkhave desessàmi,..."
Anh ngữ: "I will teach you, monks, the synopsis of the fundamentals of all things..."

Dịch giả Anh ngữ dịch từ dhamma things (sự vật, các hiện hữu) và ghi chú thích cuối trang kinh rằng: từ dhamma có nhiều nghĩa: các nhân duyên; đối tượng của ý (pháp trần); các cảnh giới của tâm; và các hiện hữu.

Theo văn mạch và nội dung của bản kinh, Đức Thế Tôn đề cập đến các cấp độ hiểu biết, nhận thức của con người về đất, nước, gió, lửa; về các cõi Trời Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới; về sở văn, sở kiến, sở tư niệm, sở tri và về Niết bàn. Như thế là Ngài đề cập đến cấp độ nhận thức của con người về mọi hiện hữu, vạn hữu. Đó là các cấp độ hiểu biểt của người phàm tục (tưởng tri, thức tri và tư duy) của các bậc Hữu học (Thắng tri) và của các bậc Thánh Vô lậu (Thắng tri và Liễu tri).

Qua bản kinh, các đại, các cảnh giới, tự ngã sở dĩ hiện hữu là do tư duy hữu ngã, tư duy ngã tưởng (tưởng tri, thức tri và tư duy) của con người dựng nên. Nếu các hiện hữu được con người nhìn trực tiếp trong đại định, trong trạng thái tâm thức vắng mặt tầm, tứ, vắng mặt các tư duy ngã tưởng, thì bấy giờ con người sẽ trực tiếp thấy rõ sự thật duyên khởi của chúng. Cái thấy biết này gọi là Thắng tri, không xem các hiện hữu là ta, của ta, hay có mặt trong ta, hoặc ta có mặt trong các hiện hữu. Khi mà tâm người nhìn định tĩnh, nhất tâm, sạch hết các tham, sân, si, cấu uế, thì sẽ liễu tri các hiện hữu, thấy sự vật như thật.

Bản kinh đã nêu ra hai vấn đề cơ bản nhất của tâm thức và của cuộc đời: thấy sự thật như thật và Chân hạnh phúc (đoạn tận khổ). Bản kinh cũng đã mở ra nhận thức rằng không gian, thời gian và những gì thuộc không gian, thời gian chỉ là sự hiện hữu của các duyên; chúng không có thật; do cảm nghiệp sinh, hay do các tập quán nhìn, nghe, tư duy, cảm thọ của chúng sinh mà xuất hiện như thế này, như thế khác. Hạnh phúc hay khổ đau, minh hay vô minh cũng thế. Từ điểm cơ bản, suối nguồn này, kinh Phật mở ra đạo lộ giải thoát của Giới, Định, Tuệ, của đời sống phạm hạnh, mở ra 152 kinh Trung Bộ và nhiều kinh khác của năm Nikàya.

1.2: Kinh số 2, "Tất Cả Lậu Hoặc"' (Sabbàsavasuttam). Nếu bản kinh số 1 là nét cương yếu nhất của nhận thức "Con đường", thì bản kinh số 2 là nét cương yếu nhất về nội dung thực hiện "Con đường" . Linh hồn của công phu thực hiện "Con đường" là "Như lý tác ý", tác ý đúng sự thật của các pháp; tác ý để tiêu diệt các lậu hoặc . Biện pháp, chiến thuật thực hiện thì có bảy, như đã được trình bày. Từ đây, các công phu, pháp môn tu tập được triển khai thành nội dung của các kinh tiếp nối, đi vào các chi tiết, đi vào tùng bước công phu, từng giai đoạn thực hiện.

1.3: Kinh số 3 thì quyết định hướng đi "Thừa tự Pháp".

1.4: Kinh số 4 thì bàn đến hành trang cho nếp sống "viễn ly", độc cư thiền tịnh.

1.5: Kinh số 5 thì thực hiện công phu tẩy sạch cấu uế của tâm với trí tuệ chuẩn bị tốt cho các bước đi tiếp theo: thành tựu Định học và Tuệ học.

1.6: Kinh số 6, Ước nguyện, thì nêu rõ các thành tựu tu tập mà hành giả phải tự mình chứng đạt.

1.7: Kinh số 7, tương tự kinh số 5, đặc biệt giới thiệu việc thực hiện "Tứ vô lượng tâm"...

1.8: Kinh số 8, kinh Đoạn Giảm, thì hành giả khởi tâm tác ý đến tâm thanh tịnh để thay thế các tâm cấu uế; tác ý khởi tâm đến mười thiện nghiệp để ngăn cản đối trị mười ác nghiệp; tác ý khởi tâm đến mười Thánh đạo để loại trừ các tâm thuộc tà đạo... Đây là sự nuôi dưỡng tâm giác tỉnh, trí tuệ. Sự tinh cần giữ tâm hướng thượng, đi ra khỏi các vọng tâm ấy là sự nuôi lớn định lực .

l..9: Kinh số 9, Chánh Tri Kiến, thì phát triển tâm tương tự kinh 8, an trú trí tuệ thấy rõ các pháp bất thiện và gốc của bất thiện, thấy rõ các pháp thiện và gốc của pháp thiện khởi lên trong tâm cho đến khi đoạn sạch ý nghĩ: "Tôi là". Tương tự, đối với "bốn thức ăn", đối với "Tứ Thánh đế" và "Thập nhị nhân duyên". Bấy giờ hành giả thực sự có Chánh tri kiến, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp. Đây là công phu Thiền quán.

1.10: Tất cả các pháp hành từ kinh số 3 đến kinh số 9, và nói chung các công phu thực hiện "Con đường" (Giới, Định, Tuệ), đều được nhiếp vào công phu thực hành "Tứ Niệm Xứ" kinh số 10.

Khi tương đối thành tựu niệm lực và định lực (Tứ Sắc định), hành giả có thể hành Thiền quán để cắt đứt Kiết sử, có thể hành "Tứ vô lượng tâm" để đoạn trừ hết các lậu hoặc, có thể thực hành "Ngũ Căn", "Ngũ lực" hay "Thất Giác chi" để thành tựu Tam minh, chứng đắc Niết bàn.

Nói tóm, chỉ hai kinh đầu, hoặc chỉ mười kinh đầu của Trung Bộ kinh I đã vạch rõ toàn bộ "Con đường" dẫn đến giải thoát lậu hoặc, vượt qua bộc lưu sinh tử.

2. Phần tiếng rống sư tử: (từ kinh 11 đến kinh 20)

Do vì "Con đường" trên cần được giới thiệu cho người đời, những người đang chơi vơi giữa biển dục vọng, giữa nhiều vọng kiến, điên đảo kiến, giữa biển hý luận, ngờ vực, nên giáo lý Phật giáo cần mở ra nhiều pháp thoại, đối thoại để giới thiệu Thắng pháp. Từ kinh 11 đến kinh 20 gọi là tiếng rống sư tử: tiếng nói của Chánh pháp làm chấn động các thế tục tâm như tiếng rống sư tử làm khiếp hãi các thú rừng.

2.l: Kinh 11, Tiểu sư tử hống, giới thiệu trí tuệ của các đệ t Đức Thế Tôn vượt lên mọi tri kiến ở đời, vượt qua Hữu Kiến và Phi hữu Kiến; giới thiệu thành tựu Tứ quả Sa môn của đệ tử Thế Tôn mà các ngoại đạo không thể thành tựu.

2.2: Kinh 12, Đại sư tử hống, thì giới thiệu trí tuệ toàn giác và các pháp thượng nhân của Thế Tôn là vô lượng: đó là Thập Như Lai lực, Tứ vô sở úy, Lục thông viên mãn.v.v...

2.3: Kinh 13, Đại kinh Khổ Uẩn, thì trình bày sự hiểu biết đặc thù của Phật giáo về các dục, các sắc, các cảm thọ. Sự hiểu biết này hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo, triết thuyết khác.

2.4: Kinh 14, Tiểu kinh Khổ Uẩn, thì giới thiệu điều kiện để tẩy sạch dục tâm, các cấu uế của tâm, khác hẳn các chủ trương sai lạc của ngoại đạo ...

2.5: Kinh 15, tương tự kinh 14, nhắc nhở các vị Tỷ kheo quán sát, theo dõi tâm, nhanh chóng tẩy sạch các cấu uế để sớm có nhân duyên đi xa hơn vào giải thoát.

2.6: Công phu tẩy sạch cấu uế tâm lại được giới thiệu qua một thể cách khác ở kinh 16, Tâm Hoang Vu, đó là việc xóa sạch các tâm hoang vu, tâm triền phược mà các Phật tử mới vào đạo và các ngoại đạo đang vướng mắc. Kinh 16 giới thiệu thêm một bước đi mới, theo sau bước tẩy sạch tâm cấu uế, là thực hiện "Tứ thần túc", hay "Tứ như ý túc": dục định, tinh tấn định, tâm định và tư duy định để đạt đến điểm vô thượng an ổn.

2.7: Kinh 17, Khu Rừng, thì chỉ bày cách chọn trú xứ và người thân cận nào thuận cho công phu tu tập giải thoát; đơn giản nhưng thiết thực.

2.8: Kinh 18, Mật hoàn, tiếp tục giới thiệu nội dung của "Con đường" nêu trên cho một học giả ngoại đạo, rất gọn nhẹ: "Không tham ái đối với hữu và phi hữu". Công phu thực hiện cụ thể cũng rất là đơn giản: "theo dõi sáu căn, dập tắt ngay các tham ái, vọng tưởng khởi lên từ sáu căn". Giản dị, nhưng đó là một tiếng rống sư tử khác!

2.9: Kinh 19, kinh Song Tầm, Thế Tôn nói lên kinh nghiệm của Ngài về công phu loại bỏ các tư duy về dục, sân và hại, và hướng tư duy về ly dục, vô sân, vô hại. Kinh nghiệm tâm lý có giá trị, rất giá trị, ở đây là: "Khi tâm quan sát nhiều về vấn đề gì thì tâm sanh khuynh hướng về vấn đề ấy".

2.10: Kinh 20, An Trú Tầm, tiếp tục phát triển kinh nghiệm tâm lý trên, giới thiệu cách an trú tâm vào đối tượng để thực sự tiêu diệt dục tầm, sân tầm và hại tầm để nội tâm được định tĩnh. Đây là một kinh nghiệm rất cần thiết cho đời vốn bị vướng mắc vào vô số phiền não do các dục tầm, sân tầm, hại tầm ấy tạo ra. Làm chủ các tầm tâm sở là làm chủ tư duy. Làm chủ tư duy là bước đi cơ bản làm chủ đời sống của chính mình.

Mỗi kinh trong 10 kinh vừa đề cập đều đến với đời như một tiếng rống sư tử gây kinh hãi các tiếng nói dục vọng, chấp thủ kiến ở đời.

3. Phần các kinh ảnh dụ: từ kinh 21 đến kinh 30

Chuyển tải nhận thức về "Con đường" và các phương cách "thực hiện con đường" cho nhiều căn cơ khác nhau, cá nhân và tập thể, là một quá trình giáo dục vận dụng tâm lý và kỹ thuật giáo dục. Đối với đoàn thể Tăng già với nếp sống khất thực, sống chốn núi rừng, với nhiều cá nhân đến từ nhiều giai tầng xã hội khác nhau, hưởng thụ các nếp giáo dục khác nhau, công việc hướng dẫn tu hành trở nên không đơn giản. Thế Tôn đã phải chế ra Giới bổn, các Học pháp và sử dụng nhiều kỹ thuật giảng dạy truyền đạt.

Bên cạnh đó, sự hiện diện và phát triển của lục phái ngoại đạo, các ác ma thường tạo ra nhiều chướng ngại tu tập mà mỗi Tỷ kheo cần phải nhiếp phục. Sự thành lập đoàn Tỷ kheo ni cũng là một vấn đề khác nữa. Do đó, sau 20 bản kinh hầu như rất đầy đủ vừa được đề cập Đức Thế Tôn đã mở ra rất nhiều pháp thoại giáo hóa trong suốt 45 năm trú thế sau ngày thành đạo.

Mười kinh đối với các ảnh dụ tiếp theo là một điển hình. Ngài đã sử dụng ảnh dụ để giúp thính chúng dễ hiểu, dễ nhớ và dạy pháp qua nhiều ngôn từ, thi thiết khác nhau để soi sáng nhận thức về Pháp và về công việc thực hành Pháp.

3.1: Kinh 21, Ví dụ cái cưa, giúp các Tỷ kheo nhớ để nhắc nhở mình nhiếp phục các tâm cấu uế, phát triển từ tâm và tuệ tâm.

3.2: Kinh 22, Ví dụ con rắn, thì nhắc nhở Tỷ kheo cẩn trọng hiểu rõ Pháp, và vai trò của Pháp. Ngộ nhận về Pháp sẽ chuốc lấy hậu quả như bắt rắn ở thân, đuôi của nó, sẽ bị rắn cắn đến mất mạng, hay đau khổ gần như mất mạng.

3.3: Kinh 23, nhắc lại mục tiêu đoạn trừ lậu hoặc của nếp sống phạm hạnh.

3.4: Kinh 24, Trạm xe, tôn giả Xá Lợi Phất lập lại mục tiêu xuất gia là để đắc "Vô thủ trước Niết bàn", mà không phải là các thành tựu của Giới, Định và Tuệ (chưa toàn giác), qua ví dụ bảy trạm xe như là các thành tựu: Giới thanh tịnh, Tâm thanh tịnh, Kiến thanh tịnh, Đoạn nghi thanh tịnh, Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, Đạo tri kiến thanh tịnh, Tri kiến thanh tịnh-tương tự phẩm kinh Hóa thành dụ, kinh Diệu Pháp Liên Hoa .

3.5: Kinh 25, Bẫy mồi, thì cảnh báo các Tỷ kheo về các ma chướng ở đời và ở nội tâm, giác tỉnh bám chặt mục tiêu giải thoát, đi suốt lộ trình thiền định cho đến định cuối cùng: Diệt thọ tưởng định. Tỷ kheo cần nghiêm túc tiêu diệt tham ái cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

3.6: Kinh 26, Thánh cầu, thì giới thiệu con đường giải thoát mà Thế Tôn vượt qua ở hiện thể, để các Tỷ kheo học tập. Ánh sáng từ sự thật Duyên khởi sẽ chiếu rọi lộ trình đoạn diệt ái, tịnh chỉ các hành, hướng thẳng đến Niết bàn.

3.7: Kinh 27, kinh ngắn Dấu chân voi, thì giới thiệu về sự việc Bà la môn học giả, bác học tán thán Thế Tôn như là bậc đạo sư vô tỉ đương thời. Sự tán thán chưa thật sự chân thật nếu chỉ dựa vào danh tiếng, vào sự cung kính tôn trọng của những người thời danh đối với Thế Tôn, hay dựa vào giáo huấn đơn thuần của Thế Tôn. Chỉ khi nhìn thấy thành tựu giải thoát hết thảy lậu hoặc, chứng đắc Tam minh của các đệ tử của Thế Tôn thì lời tán thán "Thế Tôn là bậc Chánh đẳng giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì" mới là chân thật giá trị.

3.8: Kinh 28, kinh dài Dấu chân voi, thì giới thiệu Tứ Thánh đế là pháp nhiếp tất cả thiện

pháp. Qua đó, Tứ Thánh đế thực sự là giáo lý nền tảng của Phật giáo: Tứ đế là Duyên khởi, là Ngũ thủ uẩn và Duyên khởi, "Ngũ thủ uẩn" bao hàm đầy đủ ý nghĩa Tứ Thánh đế.

3.9: Kinh 29, kinh dài Thí dụ lõi cây, ghi lại trường hợp tu tập thối thất của Tôn giả Đề Bà Đạt Đa dẫn đến sự "phá hòa hợp Tăng", chia rẽ đoàn thể Tăng già. Nhân sự việc này, Thế Tôn nhắc nhở các Tỷ kheo không nên tự mãn trước các thành tựu Giới, Định và các tri kiến, mà phải nhất hướng tiến đến Bất động tâm giải thoát. Bất động tâm giải thoát là mục tiêu mà không phải là các danh vọng, tôn kính, lợi dưỡng.

3.10: Kinh 30, kinh ngắn Ví dụ lõi cây, ghi lại thái độ chỉ bày sự thật Chánh đẳng giác của Thế Tôn cho một Bà la môn học giả về sự kiện các giáo chủ ngoại đạo đều tự tuyên bố mình là Chánh đẳng giác: ai có thể tự mình chứng ngộ và giới thiệu con đường đi đến chứng ngộ mục tiêu phạm hạnh, Bất động tâm giải thoát, thì vị ấy có thể tuyên bố mình là Chánh đẳng giác.

Các ảnh dụ trong các kinh vừa giới thiệu đã giữ một vai trò quan trọng trong kỹ thuật khai ngộ và đánh thức tâm thức thính chúng, quan trọng đến mức ảnh dụ được dùng đặt tên bản kinh.

4. Phần các kinh song đôi (từ kinh 31 đến kinh 50)

Gọi là kinh song đôi vì có từng hai kinh kế tiếp có cùng tên (một kinh dài, một kinh ngắn): hoặc là tên của địa điểm giảng kinh, hoặc là tên của một nhân vật hỏi đạo, hoặc là tên của ví dụ trong kinh, hoặc tên tiêu đề của bản kinh, có xen kẽ vào sáu kinh riêng lẻ.

Hai mươi kinh song đôi chứa đựng các nội dung khác nhau;

4.1: Kinh 31 và 32, Sừng bò, giới thiệu các thành tựu phạm hạnh của các đệ tử thời danh : Tôn giả Anuruddha, Nandiya, Kimbila (kinh ngắn); tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Revata (Li Bà Đa) và A Nan...

4.2: Kinh 33 và 34, Chăn bò. Giới thiệu vai trò đạo sư của Thế Tôn dẫn dắt chúng đệ tử vượt qua bộc lưu, ác ma ...

4.3: Kinh 35 và 36, Saccaka, Thế Tôn hàng phục Ni-kiền-tử Saccaka, một luận sư ngoại đạo thời danh và rất kiêu ngạo. Các lập luận mánh khóe, xảo quyệt quanh co của Saccaka về chấp thủ tự ngã tan vỡ trước nhận thức như thật của Thế Tôn, như quả trứng chọi vào đá cứng; các lập luận của Saccaka về tu thân và tu tâm thì tối tăm, quờ quạng như người đi giữa đêm tối: đây là các mẩu đối thoại điển hình giữa Thế Tôn và ngoại đạo, giữa chân như và hý luận...

4.4: Kinh 37, Đoạn tận ái, Thế Tôn giảng tóm tắt cho Thiên chủ Sakka đang say đắm hưởng thụ Thiên lạc. Kinh 38, kinh dài Đoạn tận ái giảng cho Tỷ kheo Sati và chúng Tỷ kheo nhân sự kiện Tỷ kheo Sati hiểu sai về lời dạy của Thế Tôn về Thức, cho rằng Thức là luân chuyển nhưng bất biến ... với các tà kiến ấy, Sati không thể phát triển được trí tuệ, không thể đoạn trừ ái, thủ.

4.5: Kinh 39, kinh dài Xóm ngựa, minh định các pháp tác thành Sa môn. Tàm, quý; ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh; ăn uống tiết độ; chú tâm cảnh giác; chánh niệm tỉnh giác; sống viễn ly; thành tựu "Hiện tại lạc trú", chứng đắc "Tam minh".

- Kinh 40, kinh ngắn Xóm ngựa, thì minh định công phu giải thoát là chuyển hóa tâm thức do chính tâm mình thực hiện, chứ không phải do các hình thức khổ hạnh, do các nghi lễ, các chú thuật.

4.6: Kinh 41, Sàleyyaka, chỉ rõ sự thật của thân, khẩu, ý nghiệp quyết định cảnh giới đầu thai: nghiệp ác thì dẫn dắt chúng sinh, con người về ác thú, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục; nghiệp thiện thì dẫn dắt con người về thiện thú, cõi Người, Thiên giới và theo ước nguyện mà chuyển sinh.

- Kinh 42, Veranjaka, giới thiệu cùng nội dung như kinh 41 cho Bà la môn Veranjaka.

4.7: Kinh 43, kinh dài Phương quảng, là mẩu chuyện đàm đạo, trao đổi kinh nghiệm giải thoát giữa hai đại Tôn giả Mahàkotthika và Sàriputta: đặc biệt nhất là bàn về Diệt thọ tưởng định, Vô lượng tâm giải thoát, Vô sở hữu tâm giải thoát, Không tâm giải thoát và Vô tướng tâm giải thoát...

- Kinh 44, kinh ngắn Phương quảng, thì thuật cuộc đàm đạo giữa một vị A na hàm, cư sĩ Visàka và Tỷ kheo ni (A la hán). Sự cách biệt về kinh nghiệm giải thoát hiện rõ khi đề cập đến Diệt thọ tưởng định và Niết bàn...

4.8: Kinh 45 và 46, Pháp hành, giới thiệu bốn loại pháp hành, nhìn ở khía cạnh cảm thọ, hiện tại khổ đưa đến tuơng lai khổ, tuơng lai lạc; hiện tại lạc đưa đến tuơng lai lạc, tương lai khổ...

4.9: Kinh 47 Tư sát, quan sát để tự mình biết được sự thật về Chánh đẳng giác của Như Lai và xác định lòng tin đối với Ngài. Từ lòng tin Phật dẫn đến lòng tin pháp: các lời dạy của Như Lai. Từ lòng tin pháp dẫn đến quyết tâm thực hiện pháp. Từ quyết tâm thực hiện pháp dẫn đến kết quả dập tắt các nguyên nhân gây ra khổ đau. Đây là trọng điểm duy nhất mà mọi bản kinh Phật đều hàm ý hướng về. Các kinh Trung Bộ I đều có cùng quan điểm ấy.

4.l0: Kinh 48, Kosambì, thì nhằm xây dựng một nếp sống tránh xa các cạnh tranh, đấu tranh, xung đột, thực hiện "sáu pháp hòa kính" để mọi tu sĩ đều sống chung trong một môi trường thuận lợi cho sự nghiệp giải thoát khổ, cho công phu thực hành phạm hạnh, cho công phu thành tựu bảy loại tri kiến để đi vào Thánh lưu, bất thối chuyển đối với Niết bàn, Bất động tâm giải thoát.

4.11: Kinh 49, Phạm Thiên cầu thỉnh, thì đề cập đến sự quan tâm của Thế Tôn về Phật sự giáo hóa chư Thiên ở cõi Trời Đại Phạm. Giữa môi trường sống đẹp đẽ, thanh thoát và hầu như vắng mặt vô thường, sinh diệt, Phạm Thiên Baka liền rơi ngay vào chấp thủ kiến: chấp Thường hay chấp Hũu. Thế Tôn đã thị hiện đại thần thông trước Baka và Thiên chúng ở Đại Phạm thiên để thức tỉnh họ đi ra khỏi sự tham trước Hữu, nhổ lên gốc rễ của Hữu...

4.12: Kinh 50, Hàng ma, Tôn giả Mục Kiền Liên hàng phục ác ma, giúp ác ma khỏi địa ngục nước sôi như ác ma Dusi (tiền thân của Ngài). Kinh 50 còn để lại cho đời một niềm tin lớn: dù bị rơi vào địa ngục nước sôi một vạn năm, ác ma Dusi đã có nhân dưyên để trở thành Đại Tôn giả Mục Kiền Liên, vị đại đệ tử thứ hai của Thế Tôn Gotama, thì dù có chịu vạn khổ đau ở đời này, con người vẫn còn đang còn nhiều cơ hội giải thoát mở ra trước mắt mà Thế Tôn, Tăng già và Chánh pháp để lại. Cơ hội giải thoát của một Phật tử, một Tỷ kheo lại càng lớn hơn: đừng để đánh mất đi các cơ duyên giải thoát ấy: Gần Chánh pháp là gần cơ duyên ấy vậy.

5. Phần giáo lý hiếm được đề cập ở các kinh khác đã được đề cập ở Trung Bộ I

Đó là phần giới thiệu tu tập "Tứ vô lượng tâm": chỉ có ba kinh trong 50 kinh của Trung Bộ Iđề cập trực tiếp tới Tứ vô lượng tâm: (kinh số 7 Ví dụ tấm vải), kinh 40 (kinh ngắn Xóm ngựa) và kinh 50 (kinh Hàng ma). Đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả hiện ra như một vùng khí hậu bốn mùa mát mẻ của tâm thức giải thoát, ở đó đại tuệ được nuôi dưỡng và phát triển hoàn mãn. Tứ vô lượng tâm được Đức Thế Tôn giảng dạy như là Thiền quán được tu tập trên cơ sở thành tựu của Tứ Thiền Sắc định, hay trên cơ sở thành tựu Hiện tại lạc trú (từ sơ thiền đến Tứ thiền Sắc giới tâm).

Đây là điểm giáo lý mà các nhà nghiên cứu Phật học cần để tâm nghiên cứu nhiều hơn và giới thiệu rộng rãi hơn cho đời.

6. Nhận định tổng quát

Có thể nói rằng chỉ trong mười kinh đầu tiên của Trung Bộ I, con đường nhận thức và tu tập của Phật giáo đã được giới thiệu đầy đủ. Các pháp tu ấy và chánh kiến ấy trên thực tế được Thế Tôn và các đại tôn giả giảng dạy trong suốt 45 năm dưới nhiều hình thức trình bày, ngôn ngữ, thí dụ khác nhau. Tất cả vẫn là sự vận hành của Năm uẩn, Mười hai nhân duyên, tẩy sạch tâm cấu uế sống viễn ly, hiện tại lạc trú, tịch tịnh trú, biến mãn Tứ vô lượng tâm khắp mười phương để đắc Tam minh, Lục thông, hay Bất động tâm giải thoát, hoặc Vô thủ trước Niết bàn. Giản dị hơn là nội dung: Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Tri kiến giái thoát.

Vô lượng ngôn từ giảng dạy và vô lượng pháp môn tu đều được bao hàm trong chừng ấy. Không thể khác, bởi vì muôn thuở con người và cả mọi chúng sinh vẫn chỉ bị ràng buộc bởi các ác tâm, hại tâm, bất thiện tâm, bởi "Ngũ cái, bởi tham đắm các cảm thọ, bởi tham ái Hữu hay Phi Hữu".

Do vì mọi người vẫn lặp đi lặp lại các khổ đau sinh khởi bởi tham lam, sân hận, si mê, nên "con đường" đối trị khổ đau được lặp lại, lặp lại mãi.

Do vì không gian, thời gian, các hiện hữu, con người và chúng sinh không thật sự có hình tướng như chúng đang là nên những câu hỏi là trả lời về chúng đều rơi vào hoang vu, hý luận. Cái gọi là chúng chỉ là vô minh, một sự hiện diện của vô lượng bi thảm, tối tăm mà sự dập tắt chúng chỉ có "Con đường". Vì thế mà Tam tạng Kinh-Luật-Luận của các bộ phái Phật giáo đều chỉ giới thiệu "Con đường". Đi là phần còn lại của những ai đang cảm nhận khổ đau.

Trước sự hiện diện của tướng trạng bất định, bất định như chưa từng hiện hữu, thì có máy móc tinh vi nào làm được công việc tìm hiểu, cân, đo, đong, đếm...?

Các hiện hữu không phải là các cá thể và chẳng bao giờ là cá thể, mà là một tràng vô tận nhân duyên, điều mà Đức Thế Tôn đã khám phá qua Duyên khởi, từ đó Ngài thành đấng Chánh đẳng giác và chuyển vận bánh xe Pháp, xây dựng vương quốc trí tuệ, vương quốc của đoạn tận Thức, đoạn tận Ái, đoạn tận Thủ, đoạn tận Hữu, đoạn tận Vô minh.

Chừng nào còn khổ đau, con người còn cần kiên nhẫn lắng nghe từng bài kinh Phật để thấy rõ "Con đường" và thực hiện "Con đường". Đây là tiếng nói siêu triết lý, siêu tôn giáo và siêu xã hội mà nhân loại đang cần./.

-ooOoo-

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 66 &67, tháng 10 & 11-2001)

Chân thành cám ơn anh Hồ Trung Mỹ đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2003)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005