BuddhaSasana Home
Page
This document is written
in Vietnamese, with Unicode Times font
Trung Bộ Kinh
(Majjhima Nikaya) là một trong năm bộ kinh chính của Kinh
Tạng (Sutta Pitaka) trong hệ Pali (Nam Phạn): Trường Bộ,
Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ, và Tiểu Bộ. Trong
hệ Hán-Sanskrit (Bắc Phạn), bộ kinh tương ứng với Trung
Bộ Kinh là Trung A Hàm (Madhyamagama) vốn là một trong bốn
bộ Kinh A Hàm (Agamas): Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất
A Hàm, và Tạp A Hàm.
Cuối năm 1995 vừa qua, tôi lại có duyên may kính thỉnh được ba bộ kinh quý: The Middle Length Discourses, bản dịch tiếng Anh của bộ Majjhima Nikaya; Trung Bộ Kinh, bản dịch Việt ngữ từ tạng Pali; và Trung A Hàm, bản dịch Việt ngữ từ Hán tạng. Bản Dịch Việt Ngữ Theo tôi được biết thì công tác dịch Kinh Tạng từ Pali sang Việt ngữ bắt đầu thực hiện vào cuối thập niên 1960, và các bản thảo được phổ biến giảng dạy trong giới Tăng Sinh tại Việt Nam từ thời đó. Một vài bài kinh quan trọng (Tứ Niệm Xứ, Quán Niệm Hơi Thở, ...) đã được quý vị Hòa Thượng, Thượng Tọa trích dịch và phổ biến trong các tập sách riêng rẽ. Ðến năm 1973, Trung Bộ Kinh do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch được xuất bản lần đầu tiên, dạng song ngữ Pàli-Việt. Vào cuối năm 1992, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam phát hành toàn bộ Trung Bộ Kinh đã được hiệu chỉnh. Bộ kinh nầy gồm 3 tập, đóng bìa cứng, chữ vàng, in trên giấy mỏng, rất đẹp. Ðây là một phần trong chương trình phát hành Ðại Tạng Kinh bằng Việt ngữ, phiên dịch từ cả hai hệ: hệ Pali và hệ Hán-Sanskrit. Song song với Trung Bộ Kinh do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, còn có phát hành bộ Trung A Hàm do Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức dịch, gồm 4 tập. Trong khi Trung Bộ Kinh gồm có 152 bài kinh giảng thì bộ Trung A Hàm lại có đến 222 bài kinh. Tuy nhiên quý vị Hòa Thượng dịch giả cũng có cho kèm một bản mục lục đối chiếu, so sánh các bài kinh trong hai hệ văn tự. Từ đó, chúng ta thấy rằng việc kết tập kinh điển trong hệ Sanskrit có phần khác chút ít so với hệ Pali: có nhiều bài kinh trong Trường Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi của hệ Pàli thì lại được hệ Sanskrit đưa vào Trung A Hàm. Tuy nhiên cũng có một vài bài kinh trong Trung A Hàm mà không thấy kết tập trong hệ Pàli. Vì vậy mà số lượng các bài kinh trong Trung A Hàm có phần nhiều hơn so với Trung Bộ Kinh. Bản Dịch Anh Ngữ Bản dịch Anh ngữ có tên là The Middle Length Discourses of the Buddha, Những Bài Giảng Cỡ Trung của Ðức Phật. Gọi là cỡ trung vì các bài giảng nầy tương đối ngắn hơn, so với các bài giảng dài được kết tập trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya, The Long Discourses), nhưng lại tương đối dài hơn, so với các bài kinh trong các bộ Tương Ưng và Tăng Chi. Ðây là một bản dịch thứ hai bằng Anh ngữ. Trước đó, vào năm 1954, bà I. B. Horner của hội Pali Text Society, London, đã dịch bản đầu tiên, có tựa là "The Collection of The Middle Length Sayings". Song song với công tác dịch thuật của hội Pali Text Society, Tỳ khưu Nanamoli của hội Buddhist Publication Society, Sri Lanka, cũng tiến hành thực hiện một bản dịch khác, trong khoảng thời gian 1953-1956. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất bản thảo đầu tiên thì ngài viên tịch vào năm 1960. Bản thảo đó được Tỳ Khưu Khantipalo xem lại, lựa chọn ấn hành 90 bài kinh quan trọng nhất vào năm 1976, với tựa đề "A Treasury of the Buddha's Words". Từ đó, Tỳ khưu Bodhi, một nhà Phật học nổi tiếng người Mỹ và là Chủ tịch hội Buddhist Publication Society, tiếp tục duyệt và hiệu chỉnh các bản dịch, và đã hoàn tất công tác nầy vào năm 1995 với toàn bộ 152 bài kinh. Bản Anh ngữ có phần phong phú và chi tiết hơn các bản Việt ngữ. Ngoài phần dịch kinh, các dịch giả còn kèm theo phần giới thiệu, 60 trang, về nguồn gốc và bố cục bộ kinh, về cuộc đời Ðức Phật và các điểm căn bản của Phật Pháp trích từ bộ kinh. Sau đó là 15 trang tóm tắt từng bài kinh một. Ðặc biệt hơn hết là phần chú thích gồm 200 trang, ghi chú và giảng giải các chi tiết lịch sử của từng bài kinh, và cuối cùng là phần từ vựng đối chiếu Pàli-Anh, rất hữu ích cho các nhà Phật học. Sơ Lược Về Trung Bộ Kinh Có học giả cho rằng Trung Bộ Kinh, và Trung A Hàm, là bộ kinh quan trọng nhất, bao gồm tất cả các tinh hoa và các pháp môn căn bản của Ðạo Phật. Bộ kinh bao gồm các bài giảng quan trọng của Ðức Phật về các pháp môn tu hành, tịnh tâm. Ngoài ra, bộ kinh còn giúp chúng ta thấy được các sinh hoạt hằng ngày của Ðức Phật và Tăng Ðoàn trong 45 năm truyền đạo. Mặc dù nhiều bài kinh trong Trung Bộ Kinh là để giảng dạy các tu sĩ, chúng ta cũng thấy có nhiều bài kinh mà Ðức Phật giảng dạy cho các thành phần khác trong xã hội, trong nhiều trường hợp và hoàn cảnh khác nhau: từ các bậc vua chúa vương giả, chư thiên, các bậc chân tu khổ hạnh của các giáo phái khác, cho đến những nông dân, thương gia, tướng cướp, học giả, và các nhà hùng biện, v.v... Trong đó, chúng ta được dịp tìm hiểu và học tập những pháp môn quan trọng của Ngài như: Tứ Diệu Ðế, Bát Chánh Ðạo, Vô Ngã, Niết Bàn, Thập Nhị Nhân Duyên, Nghiệp Hành và Tái Sinh, Các Tầng Thiền-na, Các Pháp Quán Niệm, Các Bậc Giải Thoát, Các Thế Giới Luân Hồi, v.v... Bộ kinh không những chỉ kết tập các bài giảng của Ðức Phật, mà cũng còn kết tập các bài giảng quan trọng của các vị đại đệ tử của Ngài vào thời đó. Ngoài các bài kinh giảng của Ðức Phật, chúng ta còn thấy 9 bài kinh của ngài Xá Lợi Phất (Sariputra), 7 bài kinh của ngài A Nan (Ananda), 4 bài của ngài Ðại Ca Chiên (Maha Kaccana), 2 bài của ngài Ðại Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) và một bài pháp thoại của Ni sư Dhammadinna được Ðức Phật khen ngợi là bậc Ðại Trí Tuệ. Nếu có dịp, tôi sẽ trình bài các bài giảng trong Trung Bộ Kinh một cách chi tiết hơn. Ở đây tôi chỉ xin trân trọng giới thiệu các bộ kinh vừa mới xuất bản nầy đến quý bạn đạo Phật tử để chúng ta cùng nghiên cứu, học tập và hành trì. -ooOoo- Tham Khảo:
Bình
Anson, |
Trích giảng Trung Bộ | Thư Mục tổng quát
last updated: 10-03-2005