BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Kinh số 81-90
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
Trung Bộ Kinh -
Bài Kinh số 81 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH GHATÌKÀRA 1. Một thời tại xứ dân Kosala, Thế Tôn dừng lại tại một địa điểm bên đường, nơi ngày xưa là tu viện mà Thế Tôn Kassapa đã trú. Thế Tôn ngồi nghỉ tại đó và kể cho tôn giả Ànanda về tiền thân của Thế Tôn và thanh niên Jotipàla, bạn thân của người thợ gốm Ghàtìkàra, một cư sĩ hộ trì đáng tin tưởng của Thế Tôn Kassapa, đã xuất gia với Thế Tôn Kassapa. 2. Thế Tôn thuật tiếp mối liên hệ giữa Thế Tôn Kassapa với đệ tử tịnh tín Ghatìkàra: Thế Tôn đã dùng cháo và thức ăn từ bếp nghèo của Ghatìkàra khiến Ghatìkàra hạnh phúc suốt hai tuần; bà mẹ mù lòa của Ghatìkàra được hạnh phúc kéo dài suốt một tuần. Thế Tôn Kassapa đã cho rút tranh cỏ trên mái nhà nghèo của Ghatìkàra để ngố tịnh thất của Ngài: sự kiện này khiến gia đình Ghatìkàra hạnh phúc trong một thời gian dài. Nhà trống mái nhưng mưa nắng không lọt vào trong nhà, thật là kỳ diệu! Thế Tôn Kassapa nhận lời Ghatìkàra an cư mùa mưa tại xứ của Ghatìkàra, do người thợ gốm nầy hộ trì, mà từ chối lời thỉnh cầu đến sau của vua Kiki. Nhà vua đã cho chở đầy đủ lương thực, thực phẩm đến nhà Ghatìkàra để dâng cúng Thế Tôn và chư Tăng suốt mùa an cư. 3. Ghatìkàra đã dược Thế Tôn Kassapa tán thán là đệ tử đệ nhất hộ trì và xác nhận Ghatìkàra sẽ đắc A-na-hàm lúc mệnh chung, đương thời đã đắc đến quả Tư-đà hàm. III. BÀN THÊM 1. Thanh niên Jotipàla thoạt đầu không ưa thích đến gần các tu sĩ đầu trọc, nhưng sau khi nghe pháp do Thế Tôn Kassapa dạy đã lập tức xuất gia, về sau là Thế Tôn Gotama. Đây là sự kiện rất tự nhiên đối với tất cả: Trước khi đến với Chánh pháp thì còn là xa lạ, tà kiến. Rồi đến với Chánh pháp, Học pháp, Hành pháp, bất thối đối với Chánh pháp và cuối cùng là giác ngộ đại giác. 2. Nét sinh hoạt của chư Thế Tôn, qua Thế Tôn Kassapa, rất là dung dị, ở đó có mặt của trí tuệ toàn giác: Hình ảnh Thế Tôn xơi bữa trong căn bếp nhà nghèo thật là tuyệt vời! Hình ảnh ngố tịnh thất bằng mấy tấm tranh cỏ của nhà nghèo thật là tuyệt vời! Đây là hình ảnh mà người tu sĩ của thời hiện đại cần chiêm ngưỡng, thiền quán! 3. Sự kiện Thế Tôn và chúng đệ tử của Thế Tôn Kassapa an cư mùa mưa tại một trú xứ do đệ tử cư sĩ nghèo nàn hộ trì là sự kiện cần được Giáo Hội các đời sau suy nghĩ! Cả một đại gia sản giải thoát tuyệt vời của một hệ thống giáo lý trí tuệ tuyệt vời, thật sự các Giáo hội Phật giáo có mặt những tu sĩ giải thoát không cần bận tâm đến các cơ sở vật chất tiện nghi, lộng lẫy: sự hiện diện của nhiều Tăng, Ni bảo vệ đời sống phạm hạnh cần thiết cho sự hưng thạnh của Giáo hội hơn là sự có mặt của nhiều cơ sở vật chất và tổ chức mang tính hình thức. 4. Sự kiện Thế Tôn, tại xứ dân Kosala, bước xuống lề đường đi đến một địa điểm, dừng lại rồi mỉm cười: nói lên rất rõ địa điểm nầy đúng là chỗ ngồi của Thế Tôn Kassapa, không phải là chỉ tay đến một vùng, sự kiện này xác định rõ nơi đó còn để lại dấu tích mà Thiên nhãn, Phật nhãn của Thế Tôn đã nhận ra, hệt như là dấu chân để lại: hầu như bóng dáng sinh hoạt của Hội chúng của Thế Tôn Kassapa vẫn còn hiện diện, không mất. Cũng thế, các hình ảnh sinh hoạt của Thế Tôn Gotama vẫn còn hiện diện ở Bắc Ấn: Linh Thứu sơn, thành Vương Xá, Ba-la-nại, Lộc Uyển, Lâm Tỳ Ni; Kusinàra v.v... Không biết ngoài Thiên nhãn và Phật nhãn, khoa học hiện đại có thể ghi nhận được không bằng cách đó? Hầu như thiên nhiên, có ghi lại các hình ảnh đó? Có lẽ cả âm thanh nữa? trong ý nghĩa chư Thế Tôn thường thuyết. Hình ảnh để lại và cả âm thanh nữa, là sự thật nên mới có sự kiện đắc quả "Túc mệnh minh" và "Thiên nhãn minh", có thể đọc được, nghe được, thấy được nhiều kiếp quá khứ cửa tự thân và thấy được con đường sinh tử của chúng sinh. Sự kiện đó nói lên hai điểm về sự thật: - Thế giới có pháp tính ghi lại hình ảnh và âm thanh của các hiện hữu để người đắc Túc mệnh minh và Thiên nhãn minh có thể đọc lại trong các kiếp sau (nhất là đối với Thiên nhãn minh) - Tâm thức con người cũng ghi và giữ lại các hình ảnh và âm thanh ấy (đặc biệt đối với Túc mệnh minh) Sự kiện trên còn tiết lộ rằng các pháp gọi là hữu vi chỉ biến mất (hay diệt đi) đối với cái nhìn hữu ngã nào đó; chúng sẽ hầu như bất diệt đối với cái nhìn vô ngã (trí tuệ vô ngã) khi mà trí tuệ vô ngã có thể đọc được vô lượng kiếp quá khứ. Các điều phân tích trên chỉ để hiểu thêm về pháp tánh, thực sự ta không thể đi đến kết luận sau cùng khi mà tâm thức ta chưa sạch hết lậu hoặc. Bây giờ thái độ thiết thực và trí tuệ nhất vẫn là trở về với công phu đoạn diệt Ái để đoạn diệt lậu hoặc của mỗi cá nhân. /. Trung Bộ Kinh -
Bài Kinh số 82 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH RATTHAPÀLA 1. Một thời ở thị trấn dân Kuru Thế Tôn thuyết pháp và làm phấn khởi các Bà-la môn ở Thullakotthita, thì một nam gia chủ thuộc giai cấp thượng tộc (có gia đình có nhiều vợ) tên là Ratthapàla tỉnh ngộ muốn xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn. Nhờ quyết tâm cao độ, Ratthapàla được gia đình chấp thuận cho xuất gia. Không lâu sau đó, Ratthapàla đắc quả A-la-hán, Ratthapàla trở về khất thực và thăm gia đình, rồi lại từ giã giữa những tiếng than khóc của các cô vợ trẻ cũ, đi đến tĩnh tọa dưới một gốc cây vườn Lộc Uyển. 2. Bấy giờ nhà vua Koravya, người thường tán thán thanh niên Ratthapàla trước đây, được tin A-la-hán Ratthapàla đang trú ở Lộc Uyển liền đến yết kiến, cung kính đàm đạo. Nhà vua cho rằng người ta quyết định xuất gia do vì thấy bốn sự suy vong ở đời: Lão suy, Bệnh suy, Tài sản suy và Thân tộc suy. 3. Tôn giả Ratthapàla thì nêu lên đúng bốn lý do, vì chúng mà các vị Tỷ kheo quyết định xuất gia, theo lời dạy của Thế Tôn. Bốn lý do ấy là (bốn lý do khiến Ratthapàla xuất gia): 3.1. " Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt"... 3.2. " Thế giới là vô hộ, vô chủ"... 3.3. " Thế giới là vô sỡ hữu, ra đi phải từ bỏ tất cả"... 3.4. " Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ tham ái"... Nói tóm lại, Ratthapàla thấy rõ sự nguy hiểm của dục vọng, của sinh tử mà xuất gia. III. BÀN THÊM 1. Kinh Ratthapàla giới thiệu về sự thật của cuộc đời: 1.1. Thế giới, cuộc đời là vô thường: Tâm lý biến dịch vô thường; sức khoẻ và cơ thể vật lý của các cá nhân thay đổi hướng tới tan rã, hoại diệt; tâm lý tha nhân và thế giới vật lý bên ngoài cũng thế. Nói khác đi, cuộc đời và thế giới đang dẫn dắt con người đi dần vào tan rã, hoại diệt và dấy khởi lên nhiều cảm nhận khổ đau. Đây là một hình ảnh ảm đạm của cuộc đời. 1.2. Thế giới, cuộc đời là vô hộ, vô chủ: Thế giới là vô thường như thế, con người luôn giáp mặt với thay đổi không như ý, khó chịu, khổ sở (như tai nạn, bệnh tật,...) nhưng con người không thể bằng vào những thế lực, tiền tài danh vọng và trí lực để ra lệnh nó đổi khác, mỗi người phải gánh chịu mà tha nhân, thân nhân không thể chia xẻ, thay thế hay ra lệnh đổi khác. Đây là hình ảnh ảm đạm thứ hai của cuộc đời. 1.3. Thế giới là vô sở hữu: Cá nhân không thể làm chủ những gì mình đang có: tâm lý, vật lý, ngoại cảnh. Chết là ra đi và để lại tất cả cho đời. Tất cả đều không phải là sở hữu của con người, nhưng khổ đau, bệnh tật, tai nạn và chết chóc thì mỗi người gánh chịu. Đây là hình ảnh ảm đạm thứ ba của cuộc đời. 1.4. Thế giới là thiếu thốn, nô lệ khát ái: Lòng ham muốn về ngũ trần, về danh vọng và lợi dưỡng của con người thì vô độ, không có điểm dừng, không có sự thỏa mãn. Sống như chỉ là sự làm theo mệnh lệnh của dục vọng, khát ái, chỉ là nô lệ cho khát ái, một sự nô lệ không có hạn kỳ và không có giới hạn. Đây là hình ảnh ảm đạm thứ tư của cuộc đời. Với người trí, trước bốn hình ảnh ảm đạm ấy, chỉ còn một quyết định duy nhất là từ giã chúng, xuất gia để giải thoát tự thân, cho mình và cho người, như là từ bỏ một thứ nấm độc đã biết rõ để tìm kiếm thức ăn khác an toàn. Đó là quyết định tất nhiên, dứt khoát, có sức mạnh. 2. Quyết định giải thoát: Quyết định giải thoát như Ratthapàla đã thực hiện chỉ có khi con người có nhận thức rõ ràng về sự thật nguy hiểm của dục vọng, vô thường và khổ đau của cuộc đời. Chỉ từ quyết định nầy, quyết tâm giải thoát có mặt mạnh mẽ và quyết liệt mới thực hiện " Con đường phạm hạnh " tốt đẹp, sớm thành tựu. Nếu một người xuất gia vì lý do lười biếng trốn tránh trách nhiệm xã hội, vì nợ nần, vì nghèo khó, vì bị phụ tình, v.v... thì sẽ không bao giờ tu tập thành tựu bậc Hữu học hay Vô học, nếu không sớm có nhận thức nói trên. Lý tưởng xuất gia giản dị là thế! Giản dị là thoát ly dục vọng, thoát ly khỏi sự nô lệ lòng khát ái. Sau phần tự độ, phần độ tha là giúp những người khác, bằng kinh nghiệm giải thoát của tự thân, thấy rõ " con đường " và thấy rõ cách thức để thực hiện con đường. Chỉ có thế thôi! Các lập luận khác chỉ là phụ thuộc, mà không phải là nhân tố quyết định. Giải quyết của tôn giả Ratthapàla và sự thành tựu của tôn giả là một bài học tiêu biểu để lại cho đời sau, tương tự như con đường xuất thế của Thế Tôn và của các đại đệ tử của Ngài. Đây là con đường truyền thống của Phật giáo. Trung Bộ Kinh -
Bài Kinh số 83 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH MAKHÀDEVA 1. Tại rừng Makhàdevamba, xứ Mithila, Thế Tôn kể cho tôn giả Ànanda nghe về một tiền thân của Thế Tôn: Vua Makhàdeva, xứ Mithila quản trị đất nước theo Chánh pháp, theo hướng trị nước của một Chuyển Luân Thánh Vương. Tuổi thọ của vua Makhàdeva đến 336.000 năm (84.000 năm là Hoàng tử; 84.000 năm trị vì như một Phó vương; 84.000 năm làm Quốc vương; 84.000 năm tu tập Tứ vô lượng tâm ở rừng xoài Makhàdeva, sau đó sanh về Phạm Thiên giới. Nhà vua đã lập thành truyền thống trải qua một cuộc đời như thế cho các thế hệ vua tiếp theo. 2. Đời vua thứ hai và thứ ba tiếp tục truyền thống trị vì trên tốt đẹp. Đời thứ tư, vua Nemi vẫn kế thừa truyền thống tốt đẹp ấy, sau khi mệnh chung vua Nemi thác sanh về Phạm Thiên. Nhưng đến đời vua kế thừa thứ năm, vua Kalarajanaka, thì không xuất gia vào giai đoạn cuối cuộc đời, truyền thống kế thừa Chánh pháp trên bị cắt đứt. Tại đây, Thế Tôn dạy vua Makhàdeva là tiền thân của Thế Tôn. Nay là Như Lai, Chánh Đẳng Giác, Thế Tôn mở ra đúng truyền thống Chánh pháp: truyền thống thực hành phạm hạnh, thực hành Bát Thánh Đạo. Các đệ tử của Ngài không nên là kẻ tối hậu kế thừa truyền thống nầy. III. BÀN THÊM 1. Có hai truyền thống thực hiện Chánh pháp: một dành cho những người vừa trị dân vừa tu hành; một dành cho những ai tự mình thực hành đi đến giác ngộ Niết Bàn. Về truyền thống thứ nhất, các vị vua thực hành thiện nghiệp về thân, lời và ý và thực hành ba ngày xuất gia mỗi tháng (mồng tám, mười bốn và rằm) lúc còn là hoàng tử, phó vương và tại vị (Quốc Vương). Một phần tư cuộc đời sau cùng thì hành phạm hạnh, hành Tứ vô lượng tâm để cầu sanh Phạm Thiên hưởng phúc lạc chư Thiên. Có thể gọi con đường truyền thống nầy là con đường hưởng Nhân Lạc và Thiên lạc. 2. Con đường nay Thế Tôn mở ra một truyền thống mới là con đường Bát Thánh Đạo dẫn đến giải thoát mọi cảm thọ, mọi khổ đau... Đây là con đường hưởng lạc giải thoát, là Phật giáo được phát triển cho đến tận ngày nay. Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số
84 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH MADHURÀ 1. Tại rừng Gunda xứ Madhurà, vua Avantiputta xứ nầy được nghe đến tiếng tăm lớn của tôn giả Ca-chiên-diên (Caccàna), đa văn, biện tài lão luyện, trưởng thượng A-la-hán đến yết kiến và nêu ra chủ trương của Bà-la-môn rằng:" Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn là không như vậy; Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm Thiên, sanh ra từ miệng Phạm Thiên, tạo tác bởi Phạm Thiên, thừa tự Phạm Thiên". 2. Tôn giả Kaccàna đưa ra một số lập luận để vạch rõ sự trống rỗng của chủ trương trên: 2.1. - Nếu Khattiya rất giàu có thì có thể có các người Bà-la-môn, Vessa và Sudda giúp việc... - Nếu Vessa rất giàu có thì có thể có các Khattiya, Bà-la-môn và Sudda làm công cho mình. - Nếu Sudda rất giàu có, cũng thế, có thể có các Khattiya, Bà-la-môn, Vessa phụ việc... Điều nầy nói lên bốn chủng tánh trên là đồng đẳng. 2.2. - Nếu Khattiya, Bà-la-môn, Vessa hay Sudda tạo 10 ác nghiệp, thì sau khi mệnh chung, cả bốn đều sanh về địa ngục. Đây là ý nghĩa đồng đẳng thứ hai. 2.3. - Nếu Bà-la-môn, Khattiya, Vessa, Sudda đều tạo mười thiện nghiệp, thì sau khi mệnh chung, cả bốn đều được sanh về Thiên giới, thiện thú, loài người. Đây là ý nghĩa đồng đẳng thứ ba. 2.4. - Nếu Bà-la-môn, Khattiya, Vessa, Sudda gây tội trộm, thì cả bốn đều được gọi là tên trộm và chịu tội hình tra tấn, ... Đây là ý nghĩa đồng đẳng thứ tư. 2.5. - Nếu Bà-la-môn, Khattiya, Vessa, Sudda đều là tu sĩ, thì nhà vua Avantiputta đều cung kính, tôn trọng, đảnh lễ. Đây là ý nghĩa đồng đẳng thứ năm. Nghe xong các lập luận, vua Avantiputta khâm phục tôn giả Kaccàna và xin quy y làm đệ tử Thế Tôn. Thế Tôn gợi ý cho nhà vua quy y Thế Tôn, đấng đã nhập Niết bàn và nhà vua y giáo. III. BÀN THÊM 1. Bài kinh giảng cho Vua Avantiputta nói lên quan niệm bình đẳng bốn chủng tánh của Phật giáo, khác hẳn chủ trương của văn hoá xã hội Ấn thời bấy giờ. Đây là quan niệm rất tiến bộ, rất người và rất thực. 2. Sự việc quy y Thế Tôn sau ngày Thế Tôn đã nhập Niết bàn đã xảy ra rất sớm, từ lúc tôn giả Kaccàna còn trú thế (trước Tây lịch hơn 200 năm). Như đã bàn, dưới con mắt nhìn sắc tướng, ngã tướng của con Người (người phàm) thì có sự sinh diệt của các ngã tướng; dưới con mắt trí tuệ vô ngã thì Như Lai vẫn thường có mặt ở ngoài vòng sanh diệt. Vì thế nhà vua Avantiputta vẫn hướng về Niết bàn để quy y Thế Tôn. Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 85
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH BỒ ĐỀ VƯƠNG TỬ 1. Một thời Thế Tôn ở vườn Lộc Uyển, Thái tử Bodhi vừa xây dựng một lâu đài mới và cung thỉnh Thế Tôn và chư Tăng độ trai. Sau bữa ngọ trai, Thái tử Bodhi bạch hỏi Thế Tôn: " Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ?" Đức Thế Tôn đã dạy sự thật mà Thế Tôn đã trải qua trên lộ trình tu tập giải thoát của Thế Tôn (xem kinh Thánh Cầu, Trung I ; và kinh lớn Saccaka, trung I) thì Lạc không phải được chứng đắc do Khổ, mà do ly ác pháp, bất thiện pháp; tiếp do rời khỏi Tầm Tứ, rời khỏi Hỷ, rời khỏi Lạc để đắc Xả, Nhất tâm (Tứ sắc định); rồi do vào Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, rồi vào Diệt thọ tưởng định và lạc giải thoát có mặt ở đây, ở Chánh trí, Tam minh, do đoạn tận lậu hoặc. 2. Câu hỏi thứ hai Thái tử Bodhi bạch hỏi là: " Độ bao lâu, bạch Thế Tôn, một vị Tỷ kheo chấp nhận Như Lai là vị lãnh đạo, chứng được mục đích tối cao... và an trú?" Thế Tôn dạy về năm tinh tấn chi: 2.1. Có lòng tin vào Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác... 2.2. Vị ấy ít bệnh, ít não, tiêu hoá điều hòa... 2.3. Không man trá, xử sự như chơn đối với Đạo sư, các bậc trí, các đồng phạm hạnh... 2.4. Tinh cần, tinh tấn từ bỏ bất thiện pháp, phát khởi thiện pháp... 2.5. Có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt của các pháp, với sự thể nhập bậc Thánh đưa đến đoạn tận khổ đau... Với năm tinh cần chi trên được an trú thì vị ấy có thể chỉ trong một ngày cho đến bảy năm sẽ chứng đắc sự thù thắng. 3. Thái tử Bodhi, qua các lời dạy trên của Thế Tôn, đã bừng sáng được nội dung thâm sâu của phạm hạnh và thốt lên lời tán thán: - Ôi thật là Phật! Ôi thật là Pháp! Ôi thật là khéo thuyết pháp thay! Nếu được nghe giảng buổi chiều thì chứng được sự thù thắng vào buổi sáng, nếu nghe giảng vào buổi sáng thì chứng được sự thù thắng vào buổi chiều " Có lẽ là Thái tử sẽ chứng đắc quả thù thắng vào sáng hôm sau? (!) III. BÀN THÊM Bản kinh để lại một số bài học cao quý: 1. Ngay đến bậc Toàn giác vẫn thường an trú vào nếp sống giản dị của phạm hạnh: không bước đi trên tấm vải tinh lót lối đi. Đây là bài học cho Tăng già thời đại mới để noi gương. 2. Năm tinh tấn chi là bài học vô giá mà rất gãy gọn. Cương yếu của công phu giải thoát bao hàm ở hai điểm: - Đoạn trừ hết thảy bất thiện tâm, phát khởi viên mãn các thiện tâm (vô tham, vô sân, vô si). - Tuệ tri về sanh diệt của mọi hiện hữu, thể nhập Thánh lưu và đoạn tận khổ đau. Đặc thù nhất của bản kinh 85 nầy là Thế Tôn xác định chỉ cần một ngày (thậm chí chỉ 12 tiếng đồng hồ) an trú trên năm tinh tấn chi trên (nghĩa là chỉ cần 12 tiếng đồng hồ an trú vào trí tuệ thấy rõ sự sinh diệt của các hiện hữu) thì có thể thành tựu mục tiêu phạm hạnh. Chậm nhất là bảy năm tu tập năm tinh tấn chi ở trên thì hành giả có thể thành tựu phạm hạnh. Thực sự như Thái tử Bodhi cảm khái, chỉ có Thế Tôn mới có thuyết như thế, khéo thuyết như thế! Tuyệt diệu thay đức Phật! Tuyệt vời thay Chánh pháp! 3. Sự kiện Thái tử Bodhi được quy y Tam Bảo từ lúc còn ở trong bào thai, từ khi là trẻ còn bồng bế và xin quy y Tam bảo sau thời kinh trên (tất cả là ba lần) nói lên truyền thống có từ thời Thế Tôn về pháp quy y rằng: - Một người có thể xin và thực hiện quy y Tam bảo nhiều lần. - Sự quy y có thể vắng mặt (do thân nhân bạch thay) và có thể quy y từ khi chưa biết nói./. Trung Bộ Kinh -
Bài Kinh số 86 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ - Lạc giải thoát: Vimuttisukham: The bliss of freedom. - Thiện lai: Sàgatam: Svàgatam: This coming of mine was beautiful: Sự đến với Thế Tôn, với Chánh pháp, của tôn giả Angulimàla là tuyệt vời, tuyệt đẹp. II. NỘI DUNG KINH ANGULIMÀLA 1.Tại thành Sàvatthì (Xá-vệ), nước Kosala, dưới sự quản trị của Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), tên cướp thời danh Angulimàla - theo Trưởng lão Tăng kệ, Angulimàla nghe ngoại đạo xúi dục, nếu giết 1000 người rồi lấy 1000 ngón tay làm tràng chuỗi đeo vào cổ sẽ đắc giải thoát, Angulimàla đã giết 999 người, chỉ còn một người cuối cùng chưa thể kiếm được. Vua Pasenadi cho quân lính đi tiễu trừ nhiều lần mà thất bại. Một hôm bà mẹ Angulimàla tìm đến Angulimàla báo tin cho Angulimàla chạy trốn sự truy bắt của nhà vua, Angulimàla định giết mẹ. Biết vậy, Thế Tôn đi đến để cứu Angulimàla ra khỏi một " đại thảm họa"... giết người gây kinh hoàng cả một vùng đất rộng lớn. Thế Tôn một hôm tìm đến Angulimàla và thị hiện thần thông và nói Pháp giúp Angulimàla tỉnh ngộ, xuất gia liền đắc Thánh quả hữu học ngay sau đó. 2. Vua Pasenadi đến yết kiến Thế Tôn và ngỏ ý đang lo lắng việc tiễu trừ tên cướp thời danh ấy. Thế Tôn hỏi nhà Vua: nếu Angulimàla trở thành một tu sĩ chân chính thì nhà vua sẽ xử sự như thế nào? Vua đáp: sẽ cung kính đảnh lễ và lo tứ sự cúng dường. Thế Tôn liền giới thiệu Tỷ kheo Angulimàla ngồi kiết già gần đó, vua Pasenadi sau một hồi khiếp vía mới kịp hồi tỉnh trước lời trấn an của Thế Tôn. Vua Pasenadi xin lo " tứ sự cúng dường", nhưng Angulimàla tứ chối vì quyết tâm theo hạnh " khất thực". 3. Tỉnh ngộ của Angulimàla qua lời dạy: "Thế Tôn đã đứng (lúc đang bước), còn Angulimàla chưa đứng (giữa khi đã đứng lại rồi)". Điều nầy đã được kinh dạy rõ: Thế Tôn đã bỏ trượng, kiếm, bỏ dục vọng còn Angulimàla thì chưa! 4. Một hôm đi khất thực chứng kiến sự kiện " một bgười phụ nữ đau đẻ", Angulimàla theo lời dạy của Thế Tôn trở lại bên giường đẻ của người phụ nữ, nghiêm trang nói rằng: "Tôi từ lúc Thánh sanh đến nay chưa hề nói dối, chưa hề sát sinh, nếu đây là sự thật thì xin người phụ nữ nầy sinh đẻ được an toàn". Người phụ nữ liền sinh con và an toàn. 5. Một ngày kia sau khi thiền quán, đắc A-la-hán, Angulimàla đi khất thực và bị dân chúng phát hiện tôn giả là tên cướp giết người khét tiếng trước đây, tôn giả bị ném đất, đá và cây đến chảy máu đầu ràn rụa, rách y và bị thương tích đầy mình. Lúc trở về với bình bát đã bị đánh vỡ và với hình dạng " thê lương", máu me, tôn giả được Thế Tôn quan tâm tự tay rửa và băng bó vết thương. Thế Tôn dạy: " Ông nay gặt hái trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều nghìn năm". Sau đó tôn giả sống độc cư và hưởng thụ lạc giải thoát và nói lên bài kệ cảm thán, với hai đoạn kệ đáng nhớ sau đây:
III. BÀN THÊM Câu chuyện về tôn giả Angulimàla để lại nhiều bài học đặc biệt: 1. Một thời mắc vào tà kiến và rơi vào sát nghiệp rất nặng mà tôn giả Angulimàla, người có trí, chỉ nghe một lời dạy chánh pháp của Thế Tôn liền bừng ngộ, quăng bỏ vũ khí giết người, xuất gia, đắc liền Thánh quả Hữu học và không lâu sau đó đắc luôn quả vị A-la-hán, thành tựu phạm hạnh. Hệt như lời dạy của chư Tổ về sau: "Phóng hạ đồ đao, lập nguyện thành Phật". Đây là bài học rằng: Với người có trí và quyết tâm giải thoát thì việc vượt qua đại ác nghiệp ngay trong hiện tại không khó. 2. Sau khi đắc A la hán, tôn giả còn bị quần chúng, gia đình của các nạn nhân, trút xuống đầu những căm hận, thân phải gánh chịu nhiều khổ đau, không thể tránh khỏi, dù Vua Pasenadi không truy tố tội cũ. Đây là bài học về " dư báo " thuộc nhân quả ngoại giới, thân thọ báo, còn tâm thì giải thoát, chỉ có thân thọ báo trong hiện tại, sau khi mệnh chung thì nhập Niết bàn, không còn thọ khổ báo nữa. 3. Luật pháp do Vua Pasenadi, vị vua có đạo, thực thi thì không thi hành bản án đối với người xuất gia chân chánh như trường hợp của tôn giả Angulimàla. Thái độ đối xử thiên về cái tốt của hiện tại, mà không truy cứu quá khứ xấu ác. 4. Thế Tôn và các đệ tử của Ngài (như tôn giả Angulimàla) rất quan tâm đến các nỗi khổ đau của dân chúng trong địa phương: ngoài việc trao truyền Chánh pháp, các Ngài vẫn giúp đỡ quần chúng đi qua các khổ đau khi có thể. Hình ảnh tôn giả, một bậc Thánh, đứng cạnh giường đẻ của một phụ nữ biểu hiện mối quan tâm của mình thật là cảm động: hình ảnh nầy quả thật quá hùng hồn nói lên mối quan tâm rất người của hàng xuất thế đối với đời. Không thể nghi ngờ về sự quan tâm đến nỗi đau của xã hội của các tâm lý giải thoát! 5. Sự kiện tôn giả Angulimàla nói rằng:" Nầy cô, tôi từ lúc Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, cô được sanh đẻ an toàn!" Đây là hạnh từ bi. Có lẽ với tâm từ bi lớn khởi lên các ước mong sẽ có một sức mạnh thành tựu ước mong như ý (!). Và như thế, việc rải từ tâm, bi tâm, hỷ tâm và xả tâm để hồi hướng cho an lạc của chúng sanh là có hiệu quả. Hẳn nhiên, về mặt khoa học và tâm lý mà nhìn (mà lý giải) thì cái hình ảnh trang nghiêm và câu nói trang nghiêm của người tu sĩ đứng bên giường đẻ (mà với người phụ nữ đang sinh thì đó là hình ảnh và câu nói ngớ ngẩn và buồn cười) khiến cho người phụ nữ bật cười tạo nên một sức mạnh đưa hài nhi ra ngoài. Với người viết, cả hai tác dụng trên đều có mặt và đều biểu hiện mối quan tâm thiết tha và đầy tình người của Phật giáo đối với đời, rất thiết thực và rất trí tuệ: Không có nét gì huyễn hoặc, thần bí biểu hiện ở đây, dù rằng với thần túc thông người tu sĩ có thể làm được nhiều việc (nhưng không xử dụng thần thông, đây là điểm truyền thống). 6. Thế Tôn biểu hiện sự quan tâm của bậc đạo sư Toàn giác đối với người đệ tử cũng thế, cũng biểu hiện rất thực và rất " người". Ngài tự tay rửa và băng bó vết thương cho tôn giả Angulimàla, vừa nói lên các lời an ủi, trấn an. 7. Lời kệ:" Giữ không phóng dật như giữ gìn tài sản tối quý "thật là lời nói "hàng hàng châu ngọc ": để lại một bài học kinh nghiệm giải thoát vô giá cho các tu sĩ đời nay, những ai đang nuôi dưỡng khát vọng giải thoát: Bất phóng dật là kho báu của người tu sĩ, hay Tinh cần là kho báu của người tu, tất cả vật chất còn lại chỉ là mộng mị! Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 87
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ - Ái sanh: Piyajàtika: Born of affection, hay Origininates in affection: chỉ cái gì sinh ra, phát sinh từ ái. - Piya (adj): Dear, beloved (từ verd: Love): tình yêu, tình cảm giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. II. NỘI DUNG KINH ÁI SANH 1. Khi trú tại Sàvatthi (Xá Vệ), tịnh xá Cấp-cô- độc, chứng kiến một gia chủ mất đứa con trai độc nhất, đau khổ, hàng ngày đến nghĩa địa than khóc, đức Phật nói với gia chủ ấy rằng:" Sự thật là thế, nầy gia chủ, sầu, bi, khổ, ưu não là do ái mà sanh ra, phát sinh từ ái". Vị gia chủ ấy và một số người không đồng ý với ý kiến của Thế Tôn, bất bằngvớiý kiến của Thế Tôn, cho rằng:" Hỷ, Lạc do Ái sanh, phát sinh từ Ái". 2. Sự việc chuyển đến tai Hoàng hậu Mallika và Vua Pasenadi (vua Ba-tư-nặc): Vua Pasenadi hỏi ý kiến Hoàng hậu Mallika về lời dạy của Thế Tôn, Hoàng hậu xác định lời dạy của Thế Tôn là lời dạy về sự thật; nhà vua bất bình cho rằng là đệ tử của Thế Tôn, Hoàng hậu luôn luôn tán thán và tán thành Thế Tôn. Hoàng hậu bèn sai một Bà-la-môn trí thức để đảnh lễ Thế Tôn và xin chỉ giáo rồi về báo lại nội dung lời dạy cho Hoàng hậu biết. Thế Tôn chỉ cho Bà la môn quan sát ngay từ cuộc sống để thấy rõ sự thật: - Một bà mẹ ở Xá-vệ mất (có sự thật), người con đau khổ trở nên điên cuồng... - Một người chồng mệnh chung, người vợ trở nên điên cuồng... - Một người vợ mệnh chung, người chồng trở nên điên cuồng... 3. Hôm sau Hoàng hậu bèn hỏi Vua Pasenadi một số câu hỏi: - Tâu bệ hạ, bệ hạ rất thương công chúa Vajiri, nếu vô thường đến, công chúa có mệnh hệ gì, bệ hạ có đau khổ không? - Nhà Vua đáp: Làm sao ta không sầu, bi, khổ, ưu, não được? (!) - Bệ hạ rất quý vương phi Vasabha, nếu Vasabha có mệnh hệ gì, bệ hạ có khổ đau không? - Làm sao ta không sầu, bi, khổ, ưu, não được? - Bệ hạ rất thương yêu thiếp, nếu thiếp có mệnh hệ gì, bệ hạ thấy thế nào? - Làm sao ta không sầu, bi, khổ, ưu não được? - Tương tự đối với tướng quân Vududabha, thần dân Kàsi và Kosala... Chính vì sự tình đó, Hoàng hậu tiếp, mà Thế Tôn dạy: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh, phát sinh từ Ái " Bấy giờ lòng sáng tỏ vấn đề, nhà vua hướng về trú xứ của Thế Tôn mà đảnh lễ và ba lần nói lên lời cảm thán " Đảnh lễ Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác". III. BÀN THÊM 1. Bài pháp đầu tiên là " Tứ Thánh đế " mà Tập đế là Ái (Piyam hay Tanhà) đã được Thế Tôn dạy suốt 45 năm tại thế. Ái là nguyên nhân căn bản của khổ đau của Tam giới, của sinh tử. Sự thật ấy thật quá rõ ràng nhưng hầu như luôn luôn gây " sốc " cho người đời, từ vua chúa đến thứ dân, khiến họ nghe " ngỡ ngàng", khó chấp nhận. Người đời do vì tập khí nghiệp và văn hoá lâu đời nuôi dưỡng Ái, xem Ái như là lẽ sống, là đối tượng ước mơ muôn thuở nên thân tâm chẳng khi nào muốn chấp nhận " Tập đế " phũ phàng ấy, dù ngay cả khi đang đau đớn, đau khổ vì nó; nói gì đến những lúc con người đang nếm vị ngọt của nó (!). Nói " sầu, bi, khổ, ưu, não sinh ra từ Ái " là lời nói quá nhẹ nhàng êm ả, ru êm người nghe. Phải bằng cách làm cho hiện về trong lời nói ấy đủ mọi hình ảnh thống khổ ở đời, mọi hình thái bi thảm như là hình ảnh của sự tàn phá do nhiều trái bom nguyên tử, như là bom Ái, gây ra thì mới đủ mạnh để đánh thức tâm đang ngái ngủ của con người. Tất cả vô lượng trạng huống khổ đau của vô lượng thế giới từ vạn cổ đến nay đều do chỉ một gốc Ái gây ra, mà nói đủ là tham, sân, si. Mỗi người phải tự mình trầm tư thế nào để thấy rõ từng khối lửa đang bốc cháy từ tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý từ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và từ cái biết từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý làm thế nào để thấy thế giới mình sống đang bốc cháy vì Ái thì mới cảm nhận được sự thật từ lời dạy của Thế Tôn dành cho gia chủ khổ đau kia, mới sụp đầu đảnh lễ Thế tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc Toàn giác, mới có thể cảm thán: Ôi! chỉ một chút mật ngọt của Ái đã làm cho thế giới bốc cháy, đã tạo ra vô lượng sóng gió ở đời! Phương chi, cả một vũ trụ trí tuệ của Như Lai mà chỉ nói lên có mấy lời " Ái là gốc của khổ đau "! 2. Kỹ thuật, phương pháp giảng dạy của Thế Tôn là giúp người đời quan sát cuộc đời với trí tuệ thì sẽ thấy rõ mọi sự thật, như Ngài đã chỉ cho Bà la môn trong kinh " ái sinh". Ở đó không đòi hỏi trình độ văn hoá, học thuật, văn bằng hay tuổi tác, dòng họ; ở đó, không đòi hỏi có kiến thức triết lý, tâm lý hay siêu hình, ngôn ngữ. 4. Qua kinh " Ái sinh", ta có thể đi đến nhận xét rằng: ai thấy rõ sự thật của khổ đau, vô thường là có thể thấy đạo, hiểu đạo. Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 88
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH TẤM VẢI NGOẠI 1. Vua Pasenadi gặp tôn giả Ànanda dọc dường, lúc tôn giả sau khi khất thực trở về và xin hỏi đạo tôn giả. Nhà vua nêu lên một số câu hỏi như sau: 1.1. " Có phải Thế Tôn không làm các hành động thân, khẩu, ý mà người trí chỉ trích? " 1.2. Thế nào là thân, khẩu, ý hành bất thiện? 1.3. Thế nào là thân, khẩu, ý hành thiện? Tôn giả Ànnada đã lần lượt trả lời với các câu trả lời làm vui lòng vua Pasenadi. - Thế Tôn không có hành động thân, khẩu, ý nào khiến người trí chỉ trích, Ngài đã tận trừ tất cả ác pháp và phát triển viên mãn tất cả thiện pháp. - Bất thiện, theo định nghĩa của tôn giả, là hành động có tội, có hại, đưa đến khổ báo: hành động tự hại, hại người, hại cả hai. - Ngược lại là hành động thiện. 2. Vua Pasenadi, sau một lúc đàm đạo, đã rất hoan hỷ và dâng tặng tôn giả một tấm vải ngoại do Vua A-xà-thế vừa gởi tặng vua Pasenadi. Tôn giả từ chối vì đã có đủ ba y, nhưng nhà vua thỉnh cầu tôn giả nhận để may ba y mới và nhường lại ba y cũ cho các đồng phạm hạnh và tôn giả hoan hỷ nhận. Sau đó, tôn giả trở về trú xứ trình lên Thế Tôn câu chuyện đàm đạo và dâng cúng Thế Tôn tấm vải ngoại. III. BÀN THÊM Bản kinh có hai điểm giáo lý cần được bàn rộng: 1. Vấn đề thiện, ác là vấn đề căn bản của đạo đức ở đời. Các hệ thống tư tưởng thường có quan điểm khác nhau về thiện ác. Ở đây tôn giả Ànanda cho một định nghĩa rõ ràng về thiện, ác. Đây là quan điểm tiêu biểu của Phật giáo. 2. Một vị Tỷ kheo, vừa là thị giả của Thế Tôn, thời danh vẫn sống một đời sống phạm hạnh giản dị, tri túc. Tôn giả hành khất thực với ba y vừa đủ, tránh dùng vải ngoại, vải sang. Đây mới thực là nét sống giá trị của một tu sĩ Phật giáo đáng được học hỏi, suy gẫm! Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 89
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH PHÁP TRANG NGHIÊM 1. Khi Thế Tôn ở thị trấn Medalumpa thuộc dân chúng Sakka, bấy giờ Thế Tôn đã 80 tuổi thọ, năm cuối cuộc đời, vua Pasenadi đang ở Kosala, nơi cách xa Madalumpa chừng ba do tuần (3 yoiana # 30 km), đi đến yết kiến Thế Tôn và đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, hôn bàn chân Thế Tôn tỏ lòng hết mực cung kính. 2. Thế Tôn hỏi đại vương Pasenadi vì lý do gì mà đại vương hết mực cung kính Như Lai? thân tình với Như Lai? Đại vương Pasenadi nêu lên tám lý do như là các nét đặc thù của Như Lai và đệ tử Như Lai, gọi là pháp truyền thống: hay theo Chánh pháp (Dhammanvaya) như sau: 2.1. " Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chư Tỷ kheo khéo tu tập, hành trì". 2.2. Chư Tăng, Ni sống giữ "sáu pháp hoà kính " 2.3. Chư Tăng sống định tĩnh, hỷ lạc, sống dựa vào sự hỷ cúng, tâm tư như con thú rừng giản dị. 2.4. Khi Thế Tôn thuyết pháp, Tăng chúng trân trọng lóng nghe. 2.5. Thế Tôn thuyết pháp nhiếp phục được chúng Sá-đế-lợi bác học, biện tài... 2.6. Thế Tôn thuyết pháp nhiếp phục được chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Gia chủ bác học biện tài... 2.7. Cả người thân của vua Pasenadi, chịu ân huệ lớn của vua cũng bày tỏ lòng tôn kính hết mực đối với Thế Tôn, mà không làm thế đối với đại vương. 2.8. Thế Tôn và đại vương Pasenadi đều thuộc dòng Sát-đế-lợi, xứ Kosala; Thế Tôn và đại vương nay đều đã 80 tuổi đời. Thế Tôn dạy chư Tỷ kheo rằng các điều đại vương Pasenadi phát triển là pháp trang nghiêm liên hệ đến căn bản phạm hạnh mà các Tỷ kheo cần thấu hiểu. III. BÀN THÊM 1. Bảy trong tám điểm mà đại vương Pasenadi tán thán Thế Tôn là các điểm đối chiếu Giáo Hội Thế Tôn và các Hội chúng ngoại đạo khác đương thời mà đại vương đã từng quan sát, tham vấn: Thế Tôn và Giáo Hội của Thế Tôn nổi bật giá trị giải thoát, phạm hạnh và đại tuệ, trong khi các Giáo hội khác thì hầu như cách xa thật xa các giá trị ấy. 2. Điểm thứ hai nói lên lý do biểu lộ thân tình nhưng rất cảm động: ngoài yếu tố Thế Tôn và đại vương cùng giai cấp, cùng đất nước (quê hương), còn một yếu tố tuổi tác lớn: 80 tuổi đời: Đã già như thế mà Thế Tôn vẫn còn đi bộ từ xứ nầy đến xứ khác để hoằng pháp; đã già như thế mà đại vương trải qua một đoạn đường bộ dài hơn 30 km để chỉ yết kiến Thế Tôn trong một lúc, rồi từ giã Thế Tôn trở về với nhiều công việc triều chính. Có lẽ như đây là một trong số ít lần yết kiến Thế Tôn sau cùng, vào cuối tuổi thọ của Thế Tôn. 3. Tưởng cũng nên dừng lại để chiêm ngưỡng chỗ ngồi của Thế Tôn tại các trú xứ trong rừng núi mà bản kinh 89 kiết tập. " Những gốc cây khả ái, đẹp mắt, lặng tiếng, ít ồn, vắng người, thoáng gió, xa lánh mọi tụ hội đông đảo, thích hợp với trầm tư mặc tưởng nầy, chính tại đây chúng ta đảnh lễ Thế Tôn... " Trung Bộ Kinh -
Bài Kinh số 90 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ Lời dạy quan trọng của Thế Tôn, trong kinh 90, về Nhất thiết trí đúng như sau: Pàli: "Na ' tthi so samano và bràhmano và yo sakideva sabbannassati sabbam dakkhìti, n' etam thànam vijjatìti". English: "I, sire, claim to have spoken the words thus: There is neither a recluse nor a brahman who at one and the sametime can know all, can see all, this situation does not exist". Việt dịch (Đại tạng kinh VN, 1992): "Thưa đại vương, Ta tự xem là đã nói những lời sau: ' Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể trong một lúc, biết hoàn toàn và thấy hoàn toàn ', không thể có sự tình như vậy." Ghi chú của bản dịch Anh ngữ (Footnote) về từ Pàli: Sakideva:" MA.iii.357 says " who, with one 'adverting' (of the mind). On thought, one ' impulsion ', can know and see the whole past, future and present '. Như thế từ sakideva cần được dịch là trong một niệm thay vì trong một lúc (không được rõ ràng). II. NỘI DUNG KINH KANNAKATTHALA 1. Lúc Thế Tôn trú tại Ujunna, gần Lộc Uyển, đại vương Pasenadi nhân có công việc đi đến gần Lộc Uyển, đến yết kiến Thế Tôn, thực sự, từ thâm tâm như chúng ta có thể cảm nhận, là để chiêm ngưỡng tôn nhan Thế Tôn, để hầu thăm sức khỏe của Thế Tôn, nhưng theo truyền thống " Nói năng như Chánh pháp và im lặng như Chánh pháp", đại vương thường cầu thỉnh Thế Tôn chỉ dạy một số vấn đề Phật Pháp. 2. Đại vương Pasenadi đã hỏi về bốn vấn đề: 2.1. Về Nhất thiết trí:" Không có ai trong một niệm có thể thông rõ cả quá khứ, hiện tại và vị lai". 2.2. Hỏi về thanh tịnh, bình đẳng giữa bốn giai cấp mà xã hội Ấn đương thời " phân biệt". Về mặt sự thật của tâm lý hướng đến giải thoát, không có sự khác biệt, sai biệt nào giữa bốn giai cấp (về tín tâm, về quân bình tâm sinh vật lý, về lòng chân thật, về tinh cần tinh tấn và về trí tuệ sinh diệt) 2.3. Hỏi về chư thiên (Dục giới Thiên): - Chư Thiên nào có não hại tâm thì sanh về cõi đời. - Chư Thiên nào không có não hại tâm, không sanh tại đây. 2.4. Hỏi về Phạm Thiên (Sơ Thiền Sắc giới): - Phạm Thiên nào có não hại tâm thì sẽ sanh lại tại đây. - Phạm Thiên nào không có não hại tâm thì sẽ không sanh tại đây. Các câu trả lời của Thế Tôn đã khiến đại vương Pasenadi thoải mái, hoan hỷ chấp thuận. III. BÀN THÊM 1. Có năm kinh, trong số 10 kinh từ kinh 81 đến kinh 90, liên hệ đến đại vương Pasenadi (Ba-tư-nặc). Kinh số 89 là kinh đặc biệt diễn đạt tâm tư của đại vương Pasenadi đối với Thế Tôn và Tăng già: Vua Pasenadi từ chỗ không chấp nhận Thế Tôn và từ chỗ tham cứu tất cả các Hội chúng ngoại đạo đương thời, đi đến chỗ trân trọng chấp nhận, cung kính Thế Tôn, Chánh pháp và Tăng già. Có thể xem các phát biểu của đại vương Pasenadi là một sự đánh giá mẫu mực của trí thức Bác học của xã hội Ấn đương thời về Phật giáo và về các tổ chức tôn giáo, triết học phi Phật giáo. Vì thế bản kinh 89 sẽ là tài liệu tham khảo rất cần cho công tác nghiên cứu, đối chiếu học về tôn giáo Ấn. 2. Nhận định, đánh giá của đại vương Pasenadi vào tuổi 80 sau nhiều chục năm quan sát, theo dõi, tham cứu trực tiếp là một nhận định, đánh giá rất có giá trị. Thế Tôn và Tăng già đã được đại vương Pasenadi đánh giá vào thời điểm Thế Tôn sắp vào Niết Bàn, sau nhiều thập kỷ quan sát, tiếp cận, tham cứu, trao đổi, được xem như chính nội dung Giáo hội Phật giáo được đánh giá vậy và được đánh giá rất toàn diện. 3. Câu hỏi về Nhất thiết trí trong kinh 90 nầy là một câu hỏi rất đặc biệt và đã nhận được lời dạy rất đặc biệt của Thế Tôn: - Sự đính chính lời phản ảnh về sự tuyên bố của Thế Tôn và Nhất thiết trí nói lên sự xác nhận rằng: toàn kiến, toàn tri, Nhất thiết trí thì các Sa-môn và Bà-la-môn hành đúng phạm hạnh thì có thể đạt được. - Lời tuyên bố chính thức của Thế Tôn thì xác nhận rằng: Không thể có sự kiện chỉ trong một niệm có thể thấy biết rõ tất cả, biết rõ quá khứ, hiện tại và vị lai, dù đối với bất cứ ai ở đời nầy (đối với Thế Tôn, bậc Toàn giác, muốn biết rõ bất cứ đối tượng nào trong thế giới, Ngài cũng phải tác ý, hướng tâm về đối tượng đó mới có thể thấy biết) - Lời tuyên bố về bốn giai cấp của Thế Tôn nói lên rõ rằng: * Sự phân biệt, kỳ thị bốn giai cấp là vấn đề xã hội, chính trị, mà không phải là vấn đề của thực tại, của giải thoát. * Lời tuyên bố của chư Thiên Dục giới và Phạm Thiên (Phạm Thiên là đấng giáo chủ của Bà-la-môn giáo hay Ấn giáo). Có thể sanh lại cuộc đời nầy hay không sanh lại là tùy theo nghiệp lực tạo ra có tâm lý não hại hay không có tâm lý não hại: họ không phải là các đấng sáng thế, những thực thể ở ngoài sinh tử. -ooOoo- |
Source: Người Cư Sĩ, France, http://cusi.free.fr
[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]
last updated: 19-02-2005