BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh II

Kinh số 61-70

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 61
Kinh Giáo Giới La-Hầu-La
Ở Rừng Ambalatthika

(Ambalatthika - Rahulovadasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

II NỘI DUNG KINH GIÁO GIỚI LA-HẦU-LA

1. Thế Tôn trực tiếp chỉ giáo La-hầu-la. Kinh không thuật rõ lúc bấy giờ La-hầu-la bao nhiêu tuổi, vì La-hầu-la xuất gia từ nhỏ, nhưng có lẽ là còn tuổi vị thành niên, còn là Sa-di.

Ví dụ cái chậu nước rửa chân để sách tấn La-hầu-la tinh cần hộ trì ba nghiệp thân, khẩu, ý, hộ trì phạm hạnh.

2. Công phu bấy giờ Thế Tôn muốn La-hầu-la tập trung thực hiện là giữ thân, khẩu, ý nghiệp không gây tổn hại mình, không gây tổn hại người, không gây tổn hại cả hai. Đấy là thực hành mười thiện hành thuộc Giới uẩn, thường xuyên phản tỉnh để thường xuyên an trú Giới uẩn.

III. BÀN THÊM

1. Đức Thế Tôn thể hiện tinh thần giáo dục rất thực tiễn: thân giáo và khẩu giáo, chỉ dạy cụ thể:

- Phạm hạnh sẽ trống rỗng như cái chậu không nếu tu sĩ nói dối, không có tàm, quý.

- Như con voi lâm trận, nếu không biết bảo vệ cái vòi thì xem như là đang thí mạng; cũng thế, tu sĩ mà nói dối, không có tàm quý thì xem như là đang hy sinh giá trị phạm hạnh.

- Như cái gương soi giúp mình thấy rõ mặt mình sạch hay dơ; cũng thế phản tỉnh để mình thấy rõ tâm mình là thiện, hay bất thiện (có lỗi lầm).

2. Có lẽ trước thời Pháp nầy, đức Thế Tôn đã được phản ảnh về một vài lỗi lầm về thân hành và khẩu hành của La-hầu-la, nên Thế Tôn đã quan tâm thân hành đến để chỉ dạy La-hầu-la đúng lúc, đúng việc, đúng hạnh.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 62
Kinh Lớn Giáo Giới La-Hầu-La
(Mahà Ràhulovadasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

- Mahàsuttam hay Mahà-ovadam: Greater Discourse, ở đây không có ý nghĩa là kinh dài, mà còn có ý nghĩa rằng: lần giáo giới nầy xẩy ra vào lúc Ràhula đã là Tỷ kheo, trưởng thành, có khả năng để phát triển Định uẩn và Tuệ uẩn, khác với thực hành Giới uẩn ở kinh 61.

- Tu tập Từ, bi, hỷ, xả đi cùng tu tập bất tịnh quán và vô thường quán ở đây chỉ thực hành ở cấp độ nhỏ: đối trị sân, hại, bất lạc, hận, tham ái, ngã mạn, đối trị các tâm cấu uế mà không phải ở cấp độ Tứ vô lượng tâm hành để phát triển đại tuệ (sau Tứ sắc định).

- Viràgànupassì: Bản dịch tiếng Anh, Pàli Text Society, Oxford, 1989 dịch là " beholding dispassion".  HT Minh Châu dịch là "quán ly tham."

Theo trình tự bốn nước quán của đối tượng " Pháp" là quánvô thường (Aniccànupassì), quán ly tham (Viràgànupassì), quán hoại diệt (Nirodhànupassì) và quán từ bỏ (Patinissaggànupassì). Từ viràga có hai nghĩa là ly thamtan rã. Trình tự phát triển pháp quán " Pháp " là: từ vô thường đi đến tan rã, đi đến hoại diệt (của đối tượng); từ đây, hành giả khởi niệm xả ly, từ bỏ chấp thủ Pháp (Năm uẩn).

Như thế từ Viràgànupassì nên dịch là quán tan rã (tiếng Anh nên dịch là beholding waning hay beholding fading away).

II. NỘI DUNG KINH 62

1. Kinh 61, Thế Tôn dạy Ràhula ở thành Vương Xá (Ràjagaha); kinh 62 Thế Tôn dạy Ràhula ở thành Xá-Vệ (Sàvatthì). Tại Xá Vệ, ở tịnh xá Cấp Cô Độc, Thế Tôn dạy tôn giả Ràhula quán năm uẩn là "không phải là ta, không phải của ta, không phải là tự ngã của ta" để đoạn trừ Thân kiến (kiết sử đầu) và tu tập "Niệm hơi thở vào, hơi thở ra".

2. Thế Tôn dạy Ràhula, bên cạnh quán Ngũ uẩn, là quán ngũ đại (địa, thủy, hỏa, phong và không đại) và tu tập tâm theo tánh vô trước, vô thủ, bất động của ngũ đại. Như thế sẽ gặt được quả lớn, lợi ích lớn.

III. BÀN THÊM

1. Đặc biệt của bản kinh 62 là tôn giả nhận được hai sự quan tâm lớn và haisự chỉ lớn từ Thế Tôn và tôn giả Xá-lợi-phất. Đặc biệt của sự chỉ dẫn pháp môn nầy là đúng thời, đúng cơ và đúng pháp công phu sẽ dễ thành tựu.

2. Lời dạy đầu tiên của bài Pháp mà Thế Tôn truyền dạy tôn giả Ràhula là quán Năm uẩn (không phải của ta...). Lời dạy tiếp theo của tôn giả Xá-lợi phất là quán niệm hơi thở vào hơi thở ra. Hai lời dạy đều hàm chứa cùng một công phu, cùng mục tiêu trước mắt, dù bên ngoài ngôn ngữ có vẻ khác nhau:

Để nhìn thấy kết qủa Sắc uẩn, v.v... là không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta, thì công phu tọa thiền theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra là cần thực hiện, bởi khi theo dõi hơi thở vào, ra, hành giả sẽ cùng lúc thấy rõ sự thật dòng chảy của các quá trình tâm lý và vật lý, cuộn vào nhau, hay là dòng chảy của Ngũ uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Thấy rõ sự thật các duyên làm nên dòng nước ấy là thấy rõ "sắc, thọ,..." không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta.

3. Lời dạy thứ hai của bài pháp mà Thế Tôn truyền đạt là nhìn và phân biệt rõ địa đại, thủy đại,..., không đại. Rồi từ công phu nầy hành giả cũng sẽ thấy rõ sự thật của năm uẩn như vừa được trình bày.

4. Pháp quán (an trú niệm) trên đối tượng từ, bi, hỷ, xả, vô thường... là để tẩy sạch tâm cấu uế như sân, phẫn, hận,... để vào hiện tại lạc trú.

5. Khi mà tánh của đất là bất động, vô trước, vô chấp thủ thì tánh của tâm (tâm cũng là một Pháp) cũng thế! Đây là niềm tin mở đầu công phu giải thoát tâm.

6. Pháp quán niệm hơi thở vào, hơi thở ra, hay Tứ niệm xứ quán, tuy có vẻ giản dị, nhưng thực ra khi hành thì có nhiều công phu giải thoát được thành tựu.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 63
Kinh Nhỏ Màlunkyàputta
(Cùlamàlunkyàputtam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

- Cùlasuttam: Lesser Discourse: Kinh nhỏ.

Ghi chú: Thường các kinh Trung Bộ I, Cùlasuttam dịch là kinh ngắn; Mahàsuttam dịch là kinh dài. Ở đây, kinh Cùlamàlunkyàputtasuttam dài đến sáu trang Pàli, Mahàmalunkyàputtasuttam chỉ dài năm trang Pali, vì vậy kinh Cùlasuttam trên nên được dịch là kinh nhỏ. Kinh nầy ghi lại mười câu hỏi siêu hình của tôn giả Màlunkyaputtam và thái độ của Thế Tôn đối với mười câu hỏi ấy: đây là vấn đề chỉ là của nhận thức, là thái độ nhận thức của một người thực hành phạm hạnh mà chưa phải là " Con đường ". Kinh Mahàmalunkyàputtasuttam đề cập vấn đề đoạn trừ năm hạ phần kiết sử để hoàn thành công phu của một Tỷ kheo Hữu học nên được gọi là kinh lớn.

- Sinh mạng: Jìvam: Life principle: Chỉ mạng sống, tuổi thọ.

I I. NỘI DUNG KINH NHỎ MÀLUNKYÀPUTTA

1. Tôn giả Màlunkyàputta thường bị vướng mắc vào tư duy ngã tính nên đặt ra mười vấn đề siêu hình bạch hỏi Thế Tôn:

(2) 1.1. Thế giới là thường còn hay vô thường?

(2) 1.2. Thế giới là hữu biên hay vô biên?

(2) 1.3. Sinh mạng và thân thể là một hay là khác?

(2) 1.4. Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết?

(1) 1.5. Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?

(1) 1.6. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

Nếu Thế Tôn không trả lời mười câu hỏi trên thì tôn giả sẽ hoàn tục.

2. Thái độ của Như Lai đối với mười câu hỏi siêu hình ấy là không trả lời vì các vấn đề ấy thuộc hý luận, không liên hệ đến mục đích của đời sống phạm hạnh; dù có quan điểm như thế nào thì vấn đề sanh, lão, bệnh, tử vẫn còn nguyên ở đó, chưa được giải quyết. Như Lai xác định: "Như Lai chỉ nói khổ và con đường diệt khổ "

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh số 63 nầy rất quan trọng, tối quan trọng, về ý nghĩa: Thái độ của Phật giáo đối với các vấn đề siêu hình và vô sô các vấn đề triết học thuộc phạm trù "nhị nguyên tính" (Dualism)

Tất cả các câu hỏi, các thắc mắc về sự thật của các hiện hữu (existing things) đều là sản phẩm của tư duy ngã tính, cái tư duy chỉ có thể vận hành trên các ý niệm hữu ngã, cho mỗi hiện hữu một ngã tính thường hằng. Tư duy này ngự trị hoạt động tâm lý và văn hoá của nhân loại từ xa xưa đến nay và đang tiếp tục ngự trị.

Ở mặt thực tại như thật, tất cả hiện hữu đều do các duyên sinh khởi mà có; các ngã tướng chỉ là sự hiện diện của các tập hợp các nhân duyên ấy nên không có một tự ngã thường hằng, không có tự ngã. Các câu hỏi về các tự ngã vì thế rơi vào hý luận, trống rỗng. Hỏi về sự thật của các hiện hữu (các Pháp) hệt như hỏi về hiện hữu của con người trong giấc mơ, hệt như hỏi về giờ thứ 25, hay lông rùa, sừng thỏ.

Câu hỏi về sự hiện diện của con người, về thế giới ngã tưởng cũng thế, cũng rơi vào trống rỗng. Câu hỏi đã tách xa khỏi thực tại thì các câu trả lời càng đi xa hơn nữa. Thế nên, Thế Tôn thường im lặng, không trả lời mười câu hỏi siêu hình mà tôn giả Màlunkyàputta hằng cưu mang.

2. Giả thiết rằng có quan điểm như thế nầy, như thế khác về hiện hữu gọi là Con người, Thế giới, Như Lai, thi điều đó có làm thay đổi gì được các khổ đau sinh tử đang đè nặng nhân sinh, (!).Sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não vẫn còn nguyên ở đó! Có giá trị nào cho các câu trả lời!

Câu chuyện về một người bị trúng mũi tên độc nói lên rõ rằng: vấn đề cấp thiết của người đời là nhổ ngay mũi tên độc ra và trị thương cấp cứu, mà không phải là ngồi chờ tìm hiểu cho ra lẽ về chất độc, mũi tên, người bắn mũi tên, người làm ra chất độc, mũi tên v.v... rồi mới trị thương: làm thế này thì chỉ chờ chết! Cũng thế, vấn đề của người đời là hiểu rõ sự thật của khổ và cấp thời giải thoát khổ, mà không phải là tiếp tục cuộc hành trình vô vọng của hỏi và trả lời của tư duy ngã tính. Đây là thái độ sống rất hiện thực và rất trí tuệ. Nền văn học Phật giáo là nền văn học của hiện thực và trí tuệ ấy, mà không phải của triết lý huyền đàm, của hý luận và của các tri kiến hoang vu.

3. Trước khi xuất gia, tôn giả Màlunkyàputta là một du sĩ lang thang đi tìm kiếm chân lý, đã thường đón đường Thế Tôn để nêu ra những thắc mắc về nhân sinh và thế giới. Sau khi xuất gia, các câu hỏi siêu hình vẫn không nguôi được trong tâm của tôn giả, mãi giục giã tôn giả đến yết kiến Thế Tôn để đón nghe các câu hỏi trả lời ổn thỏa của đấng Toàn giác. Và, một buổi chiều, sau khi xuất định từ trú xứ độc cư, tôn giả thực hiện ý định.

Tôn giả Màlunkyàputta thực sự là một đại biểu rất tiêu biểu cho những ai đang tôn thờ tư duy ngã tính, nhất là cho con người của thời đại có nhiều khủng hoảng ngày nay. Bản kinh 63 trở thành bức thông điệp sáng giá của Phật giáo dành cho thời đại.

4. Trong mười câu hỏi siêu hình mà tôn giả Màlunkyàputta nêu lên,

- Câu hỏi: "Thế giới là thường còn hay không thường còn?" là câu hỏi về sự thật của yếu tố thời gian của vũ trụ. Câu hỏi "thế giới là hữu biên hay vô biên?" là câu hỏi về sự thật của yếu tố không gian của vũ trụ (như người xưa dịch nghĩa vũ trụ là thời gian và không gia:" Tứ phương thượng hạ thị chi vũ; cổ vãng kim lai thị chi trụ ")

- Câu hỏi: "sinh mạng và cơ thể là một hay là khác?" là câu hỏi về sự thật của hiện hữu con Người.

- Câu hỏi: " Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết v.v... là câu hỏi về " chân lý " tối hậu, về Niết bàn và về chân như.

Đó là vấn đề lớn của Triết học phương Tây nói riêng, của Triết học nói chung.

Tại đây, bản kinh 63, đức Thế Tôn đã cho Màlunkyaputta câu trả lời dứt điểm rằng:" Thế Tôn không trả lời mười câu hỏi siêu hình ấy ". Và nói rõ lý do vì sao không trả lời rằng:

"Vì các điều ấy không liên hệ đến mục đích, các điều ấy không phải là căn bản của phạm hạnh, các điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, cho nên Ta không trả lời các điều ấy".

Và Thế Tôn dạy thêm:

"Và nầy Màlunkyàputta, điều gì Ta trả lời ' Đây là khổ ' là điều Ta trả lời.

' Đây là khổ tập ' là điều Ta trả lời. ' Đây là khổ diệt ' là điều Ta trả lời. ' Đây là con đường đưa đến khổ diệt ' là điều Ta trả lời.

Vấn đề đã trở nên rất rõ ràng và rất sáng sủa là: Thế Tôn ra đời để chỉ cho đời thấy rõ sự thật của khổ đau, nguyên nhân dẫn đến khổ đau, nguyên nhân dẫn đến sự dập tắt khổ đau và con đường sống dẫn đến sự dập tắt khổ đau, hay dẫn đến chân an lạc, hạnh phúc. Thế là đạo Phật! Đạo Phật là thế! Đó là con đường sống, thực nghiệm, chuyển đổi tâm lý để đi đến Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.

Sau thời Pháp trên, tôn giả Màlunkyàputta tiếp tục đời sống xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn mà chúng ta sẽ được giới thiệu trong bản kinh 64.

Lời dạy trên của Thế Tôn, kiết tập thành kinh 63, có sức mạnh bằng vạn câu trả lời của triết học, là tiếng nổ lớn có sức mạnh công phá của nhiều quả bom nguyên tử phá đổ kinh thành của thế giới ngã tưởng, vọng tưởng vậy.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 64
Kinh Lớn Màlunkyàputta
(Mahà Màlunkyàputtasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH 64

1. Thế Tôn giảng dạy lập lại về năm hạ phần kiết sử (Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục, sân) cho tôn giả Màlunkyàputta và các vị Tỷ kheo.

- Ở trẻ nít ngây thơ, năm hạ phần kiết sử có mặt ở dạng "tùy miên".

- Ở người lớn, năm hạ phần kiết sử hiện hành.

2. Với những ai không có Chánh kiến, chấp các uẩn (Ngũ uẩn) là của ta, là ta, là tự ngã của ta thì nuôi dưỡng thân kiến khiến nó trở thành "kiết sử", nuôi dưỡng "nghi hoặc " khiến nó" trở thành "kiết sử ", nuôi dưỡng giới cấm thủ khiến nó trở thành kiết sử, nuôi dưỡng dục tham khiến nó trở thành kiết sử, và nuôi dưỡng sân khiến nó trở thành kiết sử.

3. Với những ai có Chánh kiến, trí tuệ không xem các uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là của ta, là ta, là tự ngã của ta thì không bị năm kiết sử trên trói buộc mà thấy rõ sự xuất ly khỏi chúng; do đó tùy miên của năm kiết sử lần lượt được đoạn trừ.

Những người nầy do đoạn trừ năm triền cái, đoạn trừ các tâm cấu uế chứng được sơ thiền Sắc giới. Tại đây các vị nầy chánh quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã, là như bệnh, cục bướu, như điều bất hạnh, như kẻ địch, như nhân tố phá hoại. Nhờ thế tự tâm giải thoát khỏi sự trói buộc của năm uẩn, rồi tập trung tâm vào "bất tử giới", xem đây là tịch tịnh, an chỉ tất cả hành, xả ly mọi sanh y, là ái diệt, vô tham, Niết bàn. Nếu an trú vững chắc ở đây, các vị ấy sẽ cắt đứt năm hạ phần kiết sử, hoặc có thể đoạn tận lậu hoặc.

Đây là con đường, lộ trình cắt đứt năm hạ phần kiết sử. Tương tự như thế, hành giả sau khi chứng nhị thiền, tam thiền hay tứ thiền Sắc giới, hoặc chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền Vô sắc giới, có thể tập trung tâm vào chánh quán năm uẩn như trên, rồi tập trung vào "bất tử giới"... hành giả sẽ đi đến kết quả thành tựu như thế.

III. BÀN THÊM

1. Khi các ngã tưởng chìm lắng xuống trong tâm thức của tôn giả Màlunkyàputta, khi mà các tư duy ngã tính không còn quấy động nữa, nghĩa là khi tôn giả không tiếp tục tìm đạo trong các câu hỏi và trả lời, thì tôn giả định tĩnh "thọ trì " từng lời dạy của Thế Tôn về công phu hành trì tẩy sạch "Ngũ cái", các cấu uế của tâm, vào các cảnh giới thiền và tập trung tâm thức vào chánh quán "Ngũ thủ uẩn" để đoạn trừ năm hạ phần kiết sử; rồi ở một thời điểm không lâu sau đó, tôn giả sẽ đi vào các cảnh giới vắng bóng tất cả các ngã tưởng, vắng bóng hết thảy khái niệm, hỏi và trả lời của tịch tĩnh, của ly tham, của khổ tận, không bao giời rời khỏi thế giới ấy để trở lui lại cảnh giới của nghi hoặc, băn khoăn, thắc mắc, sầu muộn nữa: cảnh giới của các bậc Thánh Bất Lai.

2. Ở cảnh giới chứng đắc "Bất Lai" ấy, tôn giả Màlunkyàputta bấy giờ mới đón nhận được các câu trả lời chân thật nhất, mới giác ngộ tận tường thái độ im lặng của Thế Tôn về các câu hỏi siêu hình và chủ trương giáo hoá của Thế Tôn, mới tỉnh giác rằng mọi câu hỏi về nguồn gốc của các ngã tưởng, các hiện hữu, đều là tiếng nói mê sảng của một người đang lên cơn sốt nặng. Cơn sốt chấm dứt thì tiếng nói mê sảng sẽ không còn nhân duyên để tồn tại.

Đức Thế Tôn, trong bản kinh 64 nầy, hiện ra như một đại danh y, chỉ tập trung chữa lành cơn sốt, mà chẳng bao giờ chữa lời mê sảng.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 65
Kinh Bhaddàli
(Bhaddàlisuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

- Thành tựu vô học Chánh tri kiến: Asekhàya sammaditthiyà samannàgato: being endowed with an adept s right view: Chánh tri kiến của một A-la-hán, bậc đã đoạn tận lậu hoặc.

- Thành tựu vô học Chánh tư duy: Asekhena sammàsankappena samannàgato: being endowed with an adept's right thought: Chánh tư duy của một A-la-hán, bậc đã đoạn tận lậu hoặc.

- Thành tựu vô học Chánh ngữ: Asekhàya sammàvàcàya samannàgato: being endowed with an adept's right speech: Chánh ngữ của một A-la-hán, bậc đã đoạn tận lậu hoặc.

- Thành tựu vô học Chánh nghiệp: Asekhena sammàkammantena: being endowed with an adept's right action: Chánh nghiệp của một A-la-hán bậc đã đoạn tận lậu hoặc.

- Thành tựu vô học Chánh mạng: Asekhena sammààjìvera samannàgato: being endowed with an adept's right livelihood: Chánh mạng của một A-la hán....

- Thành tựu vô học Chánh tinh tấn: Asekhena sammààjìvera samanannàgato: being endowed with an adept's right livelihood: Chánh mạng của một A-la hán,...

- Thành tựu vô học Chánh niệm: Asekhàya sammàsatiyà samannàgato: being endowed with an adept's right mindfulness: Chánh niệm của một A-la-hán,...

- Thành tựu vô học Chánh định: Asekhena sammàsamàdhinà samannàgato: being endowed with an adept's right concentration: Chánh định của một A- la-hán,...

- Thành tựu vô học chánh trí: Asekhena sammànànena samannàgato: being endowed with an adept's right knowledge: Chánh trí của một A-la-hán,...

- Thành tựu vô học chánh giải thoát: Asekhàya sammàvimuttiyà samannàgato: being endowed with an adept's right freedom: Chánh giải thoát của một A-la-hán,...

II. NỘI DUNG KINH BHADDÀLI, 65

1. Tỷ kheo Bhaddàli không thể dùng một bửa ngọ mỗi ngày, mà ăn nhiều lần mỗi ngày, không thực hiện nghiêm chỉnh học pháp, thiếu tâm tàm, quý. Một hôm Bhaddàli phát lộ trước Thế Tôn về lỗi lầm của tự thân và hứa phòng hộ trong tương lai.

2. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy Bhaddàli rằng: một người không thực hành trọn vẹn Học giới thì dù sống hạnh viễn ly cũng không đắc được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng của bậc Thánh; với người thực hành trọn vẹn học giới thì đời sống viễn ly sẽ dẫn đến chứng đắc các định và đắc Tam minh.

3. Nhân đây, Bhaddàli hỏi Thế Tôn do nhân duyên gì lúc xưa các học giới ít hơn, các Tỷ kheo lại đã ngộ nhập chánh trí nhiều hơn? do nhân duyên gì ngày nay các học giới nhiều hơn, nhưng các Tỷ kheo ngộ nhập chính trí ít hơn?

Đức Thế Tôn cắt nghĩa: "Khi các hữu tình bị thối thất, khi diệu pháp bị diệt mất, thì các học giới có nhiều hơn và các Tỷ kheo ngộ nhập chánh trí ít hơn. Khi nào một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc đạo sư không chế định một học giới nào cho đệ tử. Khi nào một số hữu lậu hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc đạo sư mới chế định các học giới cho đệ tử".

4. Đức Thế Tôn dạy thêm: "Một Tỷ kheo đáng được kính trọng, tôn kính, đáng được cúng dường, chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời nếu thành tựu mười pháp: Chánh tri kiến vô lậu, chánh ngữ vô lậu, chánh nghiệp vô lậu, chánh mạng vô lậu, chánh tinh tấn vô lậu, chánh niệm vô lậu, chánh trí vô lậu và chánh giải thoát vô lậu, có nghĩa là phải đắc A-la-hán, thành tựu phạm hạnh".

III. BÀN THÊM

1. Phàm một tu sĩ làm một hành động thân, khẩu, ý thì liền biết hành động đó đúng pháp hay không đúng pháp, nhất là hành động đó được lập lại hơn một lần. Biết sai mà không dừng lại là tâm không có "tàm". Hành động sai bị tăng chúng biết, có góp ý hay không góp ý xây dựng, mà tự thân không dừng lại là tâm "vô quý". Với cái tâm không còn tàm quý, nghĩa là còn nhiều cấu uế, thì nhất định sẽ không vào được Sơ thiền Sắc giới, không vào được "Hiện tại lạc trú, "tịch tịnh trú. Không vào sâu định thì không thể chứng đắc pháp thượng nhân và tri kiến thù thắng. Đây là lý do mà Thế Tôn dạy những người giữ gìn Học pháp còn thiếu sót thì dù sống hạnh viễn ly cũng không thể chứng đắc pháp thượng nhân và tri kiến thù thắng.

2. Bài học đầu tiên của một Tỷ kheo trên đường phát triển giải thoát là đoạn trừ các cấu uế của tâm, trong đó có tâm "vô tàm", "vô quý". Học pháp là hỗ trợ cho công phu đoạn trừ các tâm cấu uế, và ngược lại. Nếu học pháp không được thực hành nghiêm túc thì tâm cấu uế còn được dung dưỡng. Do vậy, học pháp cần được giữ gìn trước khi tâm cấu uế có thể bị loại trừ. Không thể rời học pháp mà mong cầu thành tựu định, tuệ.

Đó là nội dung kinh Bhaddàli đề cập đến.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 66
Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy
(Latukikopamasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 
(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH VÍ DỤ CON CHIM CÁY

1. Tôn giả Udàỳi là vị buổi đầu không giữ được Học giới ăn mỗi ngày một bữa ngọ, về sau giữ gìn và tinh tấn hành phạm hạnh. Tôn giả là người tự thân chứng nghiệm sự nguy hiểm của việc không giữ gìn Học giới ấy, và sự lợi ích của việc giữ gìn Học giới. Cho đến lúc nầy tôn giả mới thật sự vô cùng cảm khái lòng từ bi và sự quan tâm của Thế Tôn đến hạnh phúc giải thoát của các đệ tử trong việc chế định các Học giới, đã bật ra lời cảm thán:

" Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta. "

2. Sự vi phạm Học giới ăn mỗi ngày một bữa ngọ, theo cảm nhận của tôn giả Udàyì là do các lý do nầy:

- Thói quen cũ của đời sống gia đình là ăn nhiều bữa mỗi ngày. Nhất thời từ bỏ thói quen đó là khó khăn về mặt tâm lý và cả vật lý.

- Thực tế đơn giản rằng: thức ăn ngon (thượng vị) và bổ dưỡng đem lại cảm giác dễ chịu hơn, vui thích hơn; thức ăn nầy thì thường do các gia chủ sửa soạn cho bữa tối, và một phần ít hơn cho bữa sáng (mà không phải bữa trưa) vì ban ngày bận bịu công việc sinh kế: khất thực để độ ngọ vì thế rơi vào khoảng thời gian hiếm có thức ăn ngon, chỉ trừ trường hợp các gia chủ chuẩn bị trước để " để bát ".

- Nhưng đi khất thực buổi tối (từ nhá nhem tối cho đến gần giữa đêm) thì lại vấp vào một số cảnh tình nguy hiểm:

* Đường sá thời ấy thiếu ánh đèn, tối tăm dễ bị rơi vào hàng rào gai, hầm hố, thú vật; dễ chạm mặt các đạo tặc...

* Tạo sự sợ hãi, hoảng loạn cho các gia chủ...

* Gặp các cô gái, phụ nữ "ăn sương" mời mọc chuyện "thế tục"... và các cảnh "thế tục" tương tự.

* Tư cách giữ giới phạm hạnh dễ bị nghi ngờ, hoen ố...

* Bị các gia chủ xấu miệng nguyền rủa...

3. Thế Tôn dạy thêm:

- Thế Tôn giữ giới "ăn bữa ngọ" thì một số Tỷ kheo bực bội, oán trách sự nghiêm khắc của Thế Tôn, cho rằng đấy là chuyện tiểu tiết, nhỏ nhặt...

- Một số Tỷ kheo bị thói ăn ngon và ăn nhiều bữa trong ngày bị ràng buộc nhẹ, vừa phải thì có thể vì sự tôn trọng Thế Tôn mà vượt qua được các khó khăn của tự thân.

- Một số bị thói quen ở đời ràng buộc quá nặng, không thể vượt qua, không thể thực hành Học giới, không thể chế ngự lòng dục...

- Một số Tỷ kheo thì dễ dàng vượt qua thói quen, ham thích nếp sống phạm hạnh, "độ ngọ ", cảm nhận được cái thanh thản nhẹ nhàng của nếp sống phạm hạnh ấy. Những vị nầy có thể từ bỏ tất cả của cải lớn, ngũ dục lạc sung mãn ở đời...

4. Thế Tôn chế định Học giới là chuẩn bị kỷ hành trang để chế ngự "ngũ dục lạc", đi vào " Hiện tại lạc trú " và " Tịch tịnh trú ". Từ bỏ thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, hưởng thụ các lạc thú ở đời chỉ là bước đi nhỏ khởi đầu. Các Tỷ kheo còn được Thế Tôn quan tâm nhắc nhở đến các " bước đi từ bỏ" quan trọng hơn tiếp theo như:

- Từ bỏ tầm, tứ...

- Từ bỏ hỷ...

- Từ bỏ lạc...

- Từ bỏ sắc tưởng...

- Từ bỏ lạc của Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ để chứng đắc và an trú vào Diệt thọ tưởng định, thành tựu mục tiêu cứu cánh phạm hạnh...

III. BÀN THÊM

1. Kinh 65 đã đề cập đến Học giới chỉ ăn một lần mỗi ngày. Kinh 66 nói rõ thêm các lý do của sự ăn đêm, ăn nhiều bữa sẽ đem lại các nguy hiểm, các chướng duyên cho sự phát triển tâm lý giải thoát. Đừng xem đấy là Học giới tiểu tiết nhỏ nhặt. Đừng hiểu rằng Học giới được chế định mang tính cách hà khắc.

2. Truyền thống phạm hạnh, ngay đến các Thánh Hữu học cũng sống trong khuôn khổ chung của đời sống một Tỷ kheo,tỉnh giác an trú trong giới bổn Ba- la-đề-mộc-xoa và sợ hãi các lỗi nhỏ nhặt. Pháp giải thoát là như thế, vị Tỷ kheo của thời đại ngày nay cần chiêm nghiệm kỹ kinh 65 và 66, đừng sa đà vào các ý niệm "to lớn" mà lãng quên việc thực hiện các Học giới rất cần thiết, rất thiết thực.

3. Tại kinh 66, đức Thế Tôn xuất hiện trong hình ảnh một Tỷ kheo khất thực hằng ngày, ở các trú xứ vắng lặng của núi, rừng, rất giản dị: hình ảnh đó của Ngài là một bài học rất giá trị cần được người đời nay chiêm nghiệm sâu sắc: ý nghĩa truyền thống về "đạo", về "giải thoát" có mặt ở đó: đấng Toàn giác, đấng Đại trí tuệ, đấng thấy rõ sự thật của tất cả, đấng đã thương tưởng đời, thương tưởng các đệ tử sống như thế và mong các đệ tử sống như thế.

4. Sự quan tâm lớn nhất, đầu tiên và sau cùng của Ngài là đoạn trừ tất cả kiết sử nhỏ hay lớn: đó là từ bỏ hẳn ngũ dục lạc, lạc Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền Sắc giới, lạc của bốn thiền Vô sắc giới. Tất cả thứ lạc ấy là kiết sử, là hữu vi, vô thường, không thật, che khuất mục tiêu tối hậu của phạm hạnh: trí tuệ toàn giác: tâm giải thoát và tuệ giải thoát: thân giải thoát và Pháp thân.

Đây là đối tượng mà trong suốt vô lượng kiếp đệ tử của Ngài cúi đầu, trong suốt vô lượng kiếp Ngài và đệ tử của Ngài từ bỏ tất cả vô lượng " ngai báu ", với tất cả ý nghĩa đen, bóng của từ " ngai báu " để vì hạnh phúc an lạc của tất cả.

Tất cả ý nghĩa trên đã được bao hàm trong kinh "ví dụ con chim cáy".


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 67
Kinh Càtumà
(Càtumasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH CÀTUMÀ

1. Năm trăm Tỷ kheo, do tôn giả Sàriputta và Moggallàna hướng dẫn, đến yết kiến Thế Tôn, gây nhiều tiếng động ồn ào nên bị Thế Tôn quở trách, xua đi. Các Thích tử ở Catumà và Phạm Thiên Sahampati (Chủ Ta Bà) bạch xin Thế Tôn hoan hỷ cho phép các Tỷ kheo yết kiến để được lợi ích.

Các Thích tử và Sahampati nêu lên ví dụ các hạt giống cây và con nghé: Ví như các hạt giống cây không được nước thì sẽ hư, đổi khác, cũng thế, các vị tân Tỷ kheo sẽ đổi khác nếu không được yết kiến Thế Tôn. Ví như con nghé nếu ở xa bò mẹ nó sẽ đổi khác, cũng thế, các tân Tỷ kheo nếu xa rời Thế Tôn sẽ đổi khác.

2. Đức Thế Tôn nêu lên ví dụ sóng, cá sấu, nước xoáy và cá dữ để ví với các tập quán mới của đời sống xuất gia: các vị tân Tỷ kheo sẽ khó thích ứng với tập quán mới nghiêm khắc, gò bó, tợ như người đời lội nước sợ sóng, cá sấu, nước xoáy và cá dữ.

3. Thế tôn xua đuổi chúng tân Tỷ kheo, nhưng dạy tôn giả về trách nhiệm hướng dẫn họ, không bỏ rơi dù họ đang tháo động. Ngài nêu ra cùng một câu hỏi cho tôn giả Sàriputta và Moggallàna rằng: " Ông nghĩ gì khi chúng Tỷ kheo bị Ta đuổi?"

- Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: Thế Tôn đỡ bận rộn, an trú hiện tại lạc. Tôn giả cũng thế.

- Tôn giả Mục-kiền-liên thì đáp: Thế Tôn đỡ bận rộn và được an trú hiện tại lạc, còn hai tôn giả thì phải lãnh đạo, hướng dẫn họ.

III. BÀN THÊM

Bản kinh 67 để lại bài học chính cho những vị hướng dẫn chúng Tỷ kheo và các Tỷ kheo:

1. Bài học cho các tân Tỷ kheo:

- Cần thúc liễm các hành động của thân, khẩu, ý sẵn sàng cho một đời sống phạm hạnh, xuất gia.

- Giữ gìn oai nghi, tế hạnh. (trừ tháo động)

- Ăn uống đúng thời, có tiết độ (trừ tham ăn, uống)

- Từ bỏ ngũ dục lạc (trừ tham dục sắc, thinh, hương, vị, xúc ở đời)

- Từ bỏ tâm ham muốn dục tình.

2. Bài học cho cấp hướng dẫn, lãnh đạo:

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của vai trò lãnh đạo, giáo dục:

- Thế Tôn quở trách các tân Tỷ kheo thô động là vì tinh thần trách nhiệm của bậc đạo sư: nhắc nhở, thức tỉnh các tân Tỷ kheo cần thúc liễm thân, tâm.

- Thế Tôn nhắc nhở tôn giả Sàriputta và Moggallàna theo dõi, giảng dạy, hướng dẫn các tân Tỷ kheo, không bỏ rơi họ dù họ bị Thế Tôn xua đuổi.

3. Giáo hội Tăng già dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn có rất nhiều đại tôn giả có đầy đủ tâm và tuệ giải thoát, có đến hơn hai ngàn vị đắc qủa-A-la-hán, nhưng Thế Tôn xác định chỉ có Thế Tôn có thể lãnh đạo chúng Tỷ kheo. Ngoài Thế Tôn, thì chỉ có duy nhất tôn giả Sàriputta và Moggallàna mới có thể lãnh đạo chúng Tỷ kheo. Tại đây, vai trò lãnh đạo có ý nghĩa rất đặc biệt: không phải chỉ có đầy tinh thần trách nhiệm và sự nhẫn nại kiên cố là có thể lãnh đạo, mà là phải có đầy đủ khả năng để thấy rõ " Con đường ", thấy rõ các vướng mắt tâm lý của nhiều hàng căn cơ và thấy rõ chỉ rõ con đường đoạn tận lậu hoặc thích hợp với từng căn cơ. Tại đây có một điểm cần được tế nhị hiểu rằng: khả năng có thể lãnh đạo chúng Tăng là khả năng thể nhập Pháp, nhuần nhuyễn ngộ nhập Pháp tối thượng, mà không bao giờ vị có khả năng lãnh đạo lại tự cho mình là người lãnh đạo chúng Tăng, như trong kinh Niết bàn, Trường Bộ II, Thế Tôn dạy tôn giả A-nan rằng:" Như Lai không nghĩ rằng ' Như Lai lãnh đạo chúng Tăng ' ".


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 68
Kinh Nalakapàna
(Nalakapànasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH NALAKAPÀNASUTTAM

1. Tại Nalakapàna, thuộc dân chúng Kosala, giữa lúc có mặt nhiều tôn giả nổi tiếng xuất thân từ danh gia vong tộc và bản thân có tiếng tăm đoanh vây Thế Tôn, Thế Tôn đặt câu hỏi với các đệ tử Tỷ kheo: sống đời sống phạm hạnh có hoan hỷ không? Các tôn giả đều im lặng.

Sau đó, Thế Tôn hỏi đích danh từng vị câu hỏi trên. Các tôn giả xác nhận sống thật sự hoan hỷ.

2. Thế Tôn xác định các đệ tử của Thế Tôn xuất gia vì nhận thức rằng sống ở đời bị sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, mong có thể chấm dứt toàn bộ khổ uẩn.

Các đệ tử của Ngài không có một ai xuất gia là do mệnh lệnh của vua chúa, mệnh lệnh của kẻ trộm; không xuất gia vì trốn nợ nần; không xuất gia vì sợ hãi; không xuất gia vì thất nghiệp.

3. Thế Tôn dạy tiếp bổn phận của người xuất gia để đạt được mục đích xuất gia:

- Ly dục, ly bất thiện pháp để chứng hỷ, Lạc, một trạng thái tâm thức an tịnh.

- Lần lượt đoạn trừ các lậu hoặc liên hệ các phiền não làm sanh khởi hậu hữu, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai.

4. Các đệ tử của Thế Tôn, cư sĩ và tu sĩ có rất nhiều, rất nhiều vị đã đắc quả Thánh Vô Học, Hữu học:

- Với các Tỷ kheo A-la-hán thì theo truyền thống, Ngài đã tuyên bố sự chứng đắc trước Tăng chúng.

- Với các vị tu sĩ và cư sĩ đắc quả Thánh hữu học thì Thế Tôn không công khai tuyên bố, nhưng lúc các vị ấy lâm chung thì Thế Tôn tuyên bố quả chứng và sanh thú. Qua đó, có rất nhiều, nhiều lắm các Tỷ kheo đắc A-na-hàm, Tư-đà hàm và và Tu-đà-hoàn. Cũng vậy, có rất nhiều nam cư sĩ và nữ cư sĩ đắc quả Thánh hữu học.

Ngài tuyên bố về hạnh nguyện, quả chứng, sanh thú của các vị ấy là vì để khích lệ các đệ tử của Ngài còn sống an trú, chú tâm trên như thật, để sống lạc trú, để được lợi ích an lạc lâu dài.

Ngài không tuyên bố như thế vì mục đích lường gạt quần chúng, nịnh hót quần chúng, lợi lộc, tôn kính trọng vọng để nổi tiếng.

III. BÀN THÊM

1. Đời sống xuất gia dưới thời Thế Tôn hầu như hoàn toàn vô sản: mỗi tu sĩ chỉ có ba y và vài vật dụng cần thiết hằng ngày; sống bằng hạnh khất thực ăn mỗi ngày một bữa; thường sống dựa vào các cánh rừng, núi, trong các Tịnh xá đơn giản, nghèo nàn; chuyên tâm học đạo và hành đạo. Đối với người đời từ các giai cấp khác nhau, địa vị xã hội khác nhau, không phân biệt tuổi tác, phái tính, việc từ bỏ nếp sống thế gian với nhiều tập quán thoải mái và nhiều tiện nghi vật chất để sống đời sống phạm hạnh là việc rất khó làm. Cả đến việc từ bỏ một thói quen ở đời đã là khó! Nhưng, tại sao lại có rất nhiều thiện nam tử thiện nữ nhơn xuất gia? Làm sao có thể kéo dài đời sống trong điều kiện sống rất đơn điệu,trầm lặng, nghèo nàn vật chất, từ bỏ mọi hưởng thụ (!)

Đức Thế Tôn đã tạo điều kiện cho chính đệ tử xuất gia của Ngài nói lên lý do tại sao ấy: tại sao xuất gia? và tại sao chịu đựng được nếp sống xuất gia vắng lặng, buồn tẻ ấy. Thực sự thì nếp sống xuất gia tưởng như rất khắc khổ lại là nếp sống đem lại vô lượng an lạc, hoan hỷ, thoái mái, tự tại và đem lại rất nhiều lợi ích cho đời.

2. Bản kinh cũng tiết lộ rằng sự chứng đắc các quả Thánh hữu học cũng xảy ra rất phổ biến ở hàng Phật tử tại gia đang vướng bận đời sống gia đình và xã hội, tương tự sự chứng đắc các quả Thánh Hữu học xảy ra ở hàng Tỷ kheo.

Một bản kinh khác, khá hiếm, và trong trưởng lão Tăng kệ, Ni kệ có ghi lại một số rất hiếm các trường hợp cư sĩ chứng quả A-la-hán. Thường, theo truyền thống của Giáo Hội Tăng Già, các A-la-hán là các Tỷ kheo. Các cư sĩ Hữu học muốn chứng đắc A-la-hán thì xuất gia làm Tỷ kheo, hay Tỷ-kheo-ni nếu là nữ cư sĩ, do đó kinh hiếm nơi ghi lại các cư sĩ là các A-la-hán.

Nói chung, giáo lý giải thoát là dành cho mọi người trong xã hội thực hành Giới, Định, Tuệ không phân biệt tuổi tác, giai cấp, màu da, chủng tộc, phái tính, vị trí xã hội... Sự chứng ngộ cũng dành cho mọi người có điều kiện chứng ngộ, không có một sự hạn chế nào dành cho bất kỳ con đường thuộc thành phần xã hội nào.

Sự thật của khổ đau và của hạnh phúc giải thoát là thế!


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 69
Kinh Gulissàni
(Gulissànisuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH GULISSÀNI

1. Tỷ kheo Gulissàni sống ở rừng núi, nhân có Phật sự đến sống chung với Tăng chúng, sống chung trú xứ, ở tịnh Xá Trúc Lâm thành Vương Xá. Vốn là Tỷ kheo thô tháo, hành động thô tháo đi ra khỏi các quy luật sinh hoạt của đời sống Tăng chúng, khó nhìn. Nhân đây, tôn giả Sàriputta giảng dạy các Tỷ kheo địa phương bản kinh 69.

2. Một Tỷ kheo sống trong rừng núi vốn phải là Tỷ kheo ít nhất đã tẩy sạch cấu uế của tâm, đã hiểu rõ thắng pháp, thắng luật trước khi thực hiện nếp sống viễn ly để nhanh chóng thành tựu mục tiêu phạm hạnh. Vị Tỷ kheo ấy chỉ xứng danh sống ở rừng núi khi biểu hiện tốt các điểm:

2.1. Tế nhị trong việc chọn chỗ ngồi trước Tăng chúng (thể hiện khiêm tốn, không tự ý hành xử).

2.2. Đi khất thực đúng Pháp, theo bước các Tỷ kheo địa phương.

2.3. Giữa chúng Tỷ kheo giữ gìn oai nghi tế hạnh. Không có đi lại, làm việc lăn xăn, tháo động.

2.4. Chỉ nói khi cần và nói vừa đủ; không nói lời huyên thuyên, tạp nhạp.

2.5. Biết lắng nghe thân hữu.

2.6. Giữ gìn các căn vắng lặng.

2.7. Ăn uống tiết độ.

2.8. Chú tâm cảnh giác.

2.9. Tinh cần tinh tấn.

2.10. Chánh niệm tỉnh giác và thành tựu các Định.

2.11. Có Chánh kiến, trí tuệ hiểu rõ Pháp hành (thắng Pháp) và hiểu rõ trì luật (thắng luật)

2.12. Thực hiện các pháp giải thoát, các pháp thượng nhân.

3. Lúc tôn giả Sàriputta nói chuyện với các Tỷ kheo thì có mặt tôn giả Moggallàna ở đó; tôn giả Moggallàna đặt câu hỏi rằng: " Pháp mà tôn giả vừa thuyết giảng là dành cho Tỷ kheo sống ở rừng núi hay Tỷ kheo sống gần thôn làng?"

Pháp nầy dành cho Tỷ kheo sống ở rừng núi, huống nữa là các Tỷ kheo sống ở thôn làng, bởi vì nếp sống rừng núi là nếp sống tiêu biểu của phạm hạnh, các Tỷ kheo sống gần thôn làng càng cần biết, thực hiện để tiến bộ.

III. BÀN THÊM

1. Nếp sống ở rừng núi, hay nếp sống viễn ly, độc cư là môi trường sống để phát triển tâm và tuệ giải thoát, mà không phải để tự do phóng dật, hành động theo sở thích. Với một người tu sĩ chưa thông Pháp, Luật, chưa an giới trú Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, thì không thích hợp với nếp sống rừng, núi. Với người nầy, nếp sống tập thể của tu sĩ gần làng mạc là cần thiết để học hỏi, để hành Học Pháp, để thúc liễm thân tâm, tẩy sạch các cấu uế của tâm là cần thiết và thích hợp.

2. Qua các lời dạy của tôn giả Sàriputta, giá trị của nếp sống rừng núi là cao hơn nếp sống Hội chúng; nếp sống rừng núi thuận lợi để sản sinh các tu sĩ đi sâu vào các pháp giải thoát, các pháp thượng nhân, thành tựu đức và tuệ. Lời phê bình: "Nào có tốt gì, nếu tôn giả là vị sống ở rừng núi,..." đã hàm chứa ý nghĩ đó.

3. Bản kinh 69 là nội dung giáo lý rất cần thiết để Giáo hội Tăng già ngày nay tham khảo để chế định một số điều thêm vào Hiến chương: những Tăng, Ni nào có đủ nhân duyên được phép độc cư, lập Tịnh xá, tịnh thất ở những nơi xa Hội chúng.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 70
Kinh Kìtagiri
(Kìtagirisuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc. Riêng các quả chứng của một Tỷ kheo từ tùy tín hành đến Câu phần giải thoát đã được bản kinh ghi rõ, ở đây chỉ lược ghi cho dễ nhớ)

Ghi chú: trong bảy quả chứng, một số quả chứng đi từ thiền chỉ, tâm giải thoát, đến Câu phần giải thoát; một số quả chứng đi từ Thiền quán, tuệ giải thoát đến Câu phần giải thoát; phân làm hai dòng dưới đây:

1. Dòng chứng vào định trước:

1.1. Bậc thân chứng: đắc tịch tịnh giải thoát vượt khỏi sắc pháp và vô sắc pháp, sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc đã được đoạn trừ hoàn toàn (một số lậu hoặc khác chưa được đoạn trừ).

1.2 Bậc tín giải thoát: đắc tịch tịnh giải thoát, vượt qua các sắc pháp và vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc được đoạn trừ hoàn toàn; lòng tin vào Như Lai được xác định, chân thật, ổn định.

1.3. Bậc tùy tín hành: tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ nhưng các lậu hoặc chưa được đoạn trừ ; nếu vị nầy có lòng tin thương Như Lai, thì sẽ có các pháp như Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định cănTuệ căn.

2. Dòng chứng đi từ chánh kiến, trí tuệ:

2.1. Bậc tuệ giải thoát: Tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ hoàn toàn.

2.2. Bậc kiến đáo: Tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi sắc pháp và vô sắc pháp, sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc được đoạn trừ một cách hoàn toàn; với trí tuệ hiểu rõ các pháp do Như Lai tuyên thuyết và thực hành một cách hoàn toàn.

2.3. Bậc tùy pháp hành: Tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ, nhưng các lậu hoặc chưa được đoạn trừ một cách hoàn toàn (nghĩa là các lậu hoặc có được đoạn trừ nhưng chưa tận trừ) ; chấp nhận một cách vừa phải các pháp do Như Lai thuyết giảng với trí tuệ dù có các pháp khác như là Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định cănTuệ căn.

Tất cả sáu bậc ấy đều hướng đến quả vị cao hơn cả là: Bậc Câu phần giải thoát: sau khi chứng đắc các tịnh tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ các lậu hoặc được đoạn trừ hoàn toàn.

II. NỘI DUNG BẢN KINH 70

1. Đức Thế Tôn dạy:" Từ bỏ ăn đêm thì ít bệnh, ít não, khinh an, có sức lực và an trú ".

2. Về các thiện pháp, bất thiện pháp liên hệ đến các cảm thọ (lạc, khổ, phi lạc phi khổ):

Ghi chú: Bản dịch đoạn 2, trang 295, Đại Tạng kinh Việt Nam, Trung II, 1992, in sót một số từ, xin sửa lại đúng như sau:

" Nầy các Tỷ kheo, các ông có hiểu pháp ta dạy như sau:" Ở đây đối với bất cứ người nào cảm thọ một loại cảm thọ thì bất thiện tâm tăng trưởng, thiện tâm suy giảm; đối với bất cứ ai cảm thọ một loại cảm thọ khác thì bất thiện tâm suy giảm, thiện tâm tăng trưởng. (Tương tự đối với cảm thọ khổ, phi lạc phi khổ) ".

Ở đây Thế Tôn dạy: đối với các cảm thọ: lạc, khổ, phi lạc phi khổ thì có loại lạc (khổ, phi lạc phi khổ) khiến bất thiện tâm tăng trưởng, thiện tâm suy giảm, có loại lạc thì khiến bất thiện tâm suy giảm, thiện tâm tăng trưởng. Đối với loại cảm thọ nào khiến cho thiện tâm tăng trưởng, bất thiện tâm đoạn diệt thì nên chứng và trú cảm thọ ấy.

3. Thế Tôn giới thiệu có bảy hạng đệ tử của Ngài (xếp từ thấp đến cao nhất): Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín giải thoát, Kiến đáo, Thân chứng, Tuệ giải thoát, Câu phần giải thoát.

Chỉ có Câu phần giải thoát và Tuệ giải thoát là các bậc vô học, năm bậc còn lại là thuộc hàng đệ tử Hữu học.

4. Có sự trình bày gồm có bốn phần nhờ tuệ mà rõ được ý nghĩa ấy là:

4.1. Với một đệ tử có lòng tin giáo pháp của bậc đạo sư và sống thể nhập giáo lý ấy thì hệ qủa nầy có mặt:" Bậc đạo sư là Thế Tôn, đệ tử là tôi. Thế Tôn biết, tôi không biết ".

4.2. Đối với người đệ tử ấy, giáo pháp của bậc đạo sư sẽ phát triển, hưng thịnh, có sức mạnh.

4.3. Đối với người đệ tử ấy, hệ qủa nầy có mặt: " Dù chỉ còn gân, da, xương, dù máu thịt khô đi, mong rằng sẽ nỗ lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ sức mạnh, tinh cần, tinh tấn của con người.

4.4. Đối với người đệ tử ấy, một trong hai qủa sau đây sẽ được chứng đắc: Chánh trí ngay trong hiện tại, nếu còn dư y sẽ chứng Bất Lai.

III. BÀN THÊM

1. Từ kinh số 61, Giáo giới La-hầu-la, đến kinh 70 Kìtàgìri, là các kinh được kiết tập thành một phần của Trung Bộ Kinh II giới thiệu nội dung mà Thế Tôn và hai đại tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên quan tâm hướng dẫn các tân Tỷ kheo tu tập oai nghi tế hạnh, hộ trì các căn, tinh cần, chánh niệm tỉnh giác và phát triển trí tuệ. Ngài đã biểu hiện sự quan tâm rất mực, cả đến việc ăn uống nên như thế nào để gìn giữ sức khỏe của thân lẫn tâm, như kinh 69 và 70 nầy.

2. Về chủ trương ăn mỗi ngày một bữa ngọ là chủ trương đúng và sáng suốt nhất, ngoài lý do mà kinh Kitàgiri đưa ra, sau khi đức Thế Tôn và nhiều đại đệ tử đã kinh qua, đã thực nghiệm, một số lý do khác mà người đời sau có thể thấy rõ như:

- Đời sống khất thực dựa vào hảo tâm của người đời, ăn nhiều bữa trong ngày sẽ gây nhiều phiền hà và mệt mỏi tâm lý cho các tín đồ vốn đã vất vả vì miếng ăn độ nhật.

- Lo nhiều bữa ăn trong ngày thì người tu sĩ không còn thời gian để thực hiện Văn, Tư, Tu.

- Ăn nhiều sẽ nuôi dưỡng dục vọng, lười biếng, phát sinh nhu cầu "sinh lý " quấy nhiễu tâm tu.

3. Kinh Kìtàgiri có nêu ra hai điểm giáo lý đặc biệt cần thiết cho các hành giả và các nhà nghiên cứu Phật học trầm tư, ấy là:

3.1. Các cảm thọ khổ, lạc, bất khổ bất lạc có tác dụng tâm lý khác nhau tùy loại: có loại phát triển thiện pháp và có loại trừ ác pháp; có loại phát triển ác pháp và làm suy giảm thiện pháp, mỗi loại cảm thọ đều có các tác dụng khác nhau như thế.

3.2. Có hai ngõ công phu thích hợp cho hai loại căn cơ nặng về Chỉ hoặc Quán, hay nặng về Định hoặc Tuệ dẫn đến mục đích phạm hạnh:

- Một ngõ đi qua Hiện tại lạc trú và Tịch tịnh trú để đến trí tuệ đoạn trừ hết thảy lậu hoặc.

- Một ngõ bám sát Thiền quán, Như lý tác ý, hay trí tuệ, mà không đi qua Hiện tại lạc trú hay Tịch tịnh trú, vẫn có thể phát triển trí tuệ đoạn tận lậu hoặc (bởi nhiệt tâm giải thoát và nỗ lực giải thoát cùng tín, hỷ, hân hoan, định, xả... phát sinh từ trí tuệ đã là một khả năng thuộc Định) như đã trình bày ở phần nội dung kinh.

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, http://cusi.free.fr


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 21-02-2004