BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Kinh Pháp Hành
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
Kinh số 45 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Các từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH NGẮN PHÁP HÀNH Có bốn loại pháp hành đem lại kết quả khổ, lạc khác nhau trong đời sau, ấy là: 1. Hiện tại lạc, đời sau thọ quả báo khổ: Hiện tại người tu sĩ hưởng thụ ngũ dục lạc, nhất là hưởng thụ dục ái, có tà kiến rằng "sẽ không có lỗi trong các dục", sau khi chết sẽ sanh vào ác thú, đọa xứ, địa ngục. 2. Hiện tại khổ, đời sau thọ báo khổ: Đây là trường hợp các ngoại đạo lõa thể,..., sống tà kiến, tà giới, tự hành khổ mình, sau khi chết sẽ sanh vào ác thú, đọa xứ, địa ngục. 3. Hiện tại khổ, đời sau lạc: Đây là hạng hiện tại tâm bị trói buộc nặng bởi dục ái, sân hận và si mê, nhưng nỗ lực sống trong sạch, hành phạm hạnh, sau khi mạng chung sẽ được thác sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời nầy. 4. Hiện tại lạc, đời sau lạc: Hạng người nhẹ về nghiệp tham, sân, si, nỗ lực ly dục, ly ác pháp, bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền Sắc định, đi đến chứng và trú Tứ thiền Sắc định. Đây là pháp hành hiện tại lạc, đời sau lạc. III. BÀN THÊM - Trong bốn pháp hành trên, hai pháp hành cuối là chánh đạo; pháp hành hiện tại lạc, đời sau lạc là tối thắng. - Pháp hành hiện tại khổ, đời sau lạc chỉ thực hiện được giới uẩn; pháp hành thứ tư thì thực hành được giới uẩn và định uẩn, chưa phát triển được tuệ uẩn. Được vậy ở đời nầy đã là quý hiếm.
Kinh số 46 * Kinh 46 được giới thiệu tương tự kinh 45, chỉ có khác biệt phần giới thiệu thêm về lý do tại sao những người sống ước mong các pháp khả ái, khả lạc, khả ý lại thường gặp pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý. Đó là lý do thiếu trí tuệ không nhận ra các pháp cần thân cận, phục vụ để thân cận và không nhận ra các pháp không nên thân cận, phục vụ để tránh xa. * Pháp cần thân cận phục vụ là đời sống phạm hạnh thực hành Giới, Định và Tuệ. * Đặc biệt trong bản kinh nầy đề cập đến cảnh giới của các vị thần như thần cây Ta la, thần vườn, thần rừng, thần cây, thần cỏ, thần các dược thảo. Các thần sống với tâm lý lo sợ, hoảng sợ tương tự con người; cũng có các bạn bè và gia đình, bà con huyết thống. Hầu như cây cối là thân mạng, là nhà cửa của các vị thần khiến họ sợ các dây leo tựa như con người sợ các chứng bệnh nan y (ung thư, si-đa v.v...). Điều nầy gợi cho con người biết rằng trong không gian nầy, chung quanh con người còn có nhiều cảnh giới, thế giới sống chung đụng, nhưng cảm nghiệp khác nhau về không gian, về thời gian về nghiệp thọ báo. Điều nầy cũng nói lên là không gian và thời gian là hiện hữu bất định, tự ngã là duyên sinh vô ngã... Trong các bản kinh khác đề cập đến một số cảnh giới chư Thiên, Dạ-xoa. Đối với chư Thiên, A-tu-la, cái cổng nhà của con người là biệt điện của họ; củ sen là kinh thành cấm (cấm thành) của họ, nhưng ngược lại các cung điện nguy nga của con người thì chẳng là gì cả đối với họ. Tất cả hiện hữu của chúng sinh và cảnh giới ấy chỉ có thể được nhìn thấy qua Pháp nhãn, Thiên nhãn, Thiền định mà không thể thấy qua các dụng cụ khoa học của con người vốn là chất liệu của không gian và thời gian riêng biệt của con người. Điều nầy cũng cho con người thêm nhiều ý niệm mới về hiện hữu của vũ trụ. -ooOoo- |
Source: Người Cư Sĩ,
France, http://cusi.free.fr
(Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện
trao tặng)
[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2005