BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Kinh Xóm Ngựa
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
Kinh
số 39 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Các từ ngữ đã được cắt nghĩa) II. NỘI DUNG KINH DÀI XÓM NGỰA 1. Con đường phạm hạnh đã được đức Thế Tôn giảng dạy dưới nhiều thể cách khác nhau, tùy theo đối tượng nghe, và tùy theo nhân duyên để nói Pháp. Hầu như Xóm Ngựa là một chỗ đất lạ mà các vị Tỷ kheo mới đặt chân đến lần đầu, theo kinh văn. Tại đây, Thế Tôn dạy ý nghĩa của danh xưng Sa-môn, Bà-la-môn và hạnh Sa-môn, Bà-la-môn. Đó là phạm hạnh, với các thành tựu mà một vị Tỷ kheo phải vượt qua:
Như thế, Sa-môn, Bà-la-môn, theo kinh 39, đúng nghĩa là vị A-la-hán. 2. Thực hiện Sa-môn hạnh là thực hiện phạm hạnh, sẽ đem lại lợi ích lớn cho mình và cho người. III. BÀN THÊM 1. Con đường giải thoát chỉ có một, đó là con đường độc nhất của Giới, Định, Tuệ đoạn tận khổ đau. Sứ mệnh, vai trò của bậc Đạo sư là giảng dạy con đường và các phương thức thực hiện thành tựu con đường, như Ngài đã dạy: "Ta chỉ nói Khổ và con đường diệt khổ". Do đó, các bản kinh Trung bộ đều kiết tập cùng một nội dung các điểm cương yếu về phạm hạnh hay Sa-môn hạnh. Các kinh chỉ giới thiệu khác nhau về nhân duyên nói Pháp, đối tượng nghe Pháp, và các khía cạnh về con đường mà Thế Tôn muốn nhấn mạnh và triển khai. 2. Đặc biệt ở kinh dài Xóm Ngựa, đức Thế Tôn đã đưa ra các hình ảnh ví dụ để các Tỷ kheo dễ hình dung ra niềm hỷ lạc, hạnh phúc sẽ có qua công phu tẩy trừ tâm cấu uế, đoạn trừ ngũ cái, chứng đạt sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền Sắc giới; dễ hình dung ra công phu thực hành thiền quán để vào Tam minh, thành tựu trí tuệ giải thoát. Các ví dụ còn có tác dụng đánh thức dậy trong hàng Tỷ kheo các ham thích, nhiệt tâm dấn thân vào các công phu. Thực sự, trên lộ trình tu tập giải thoát, hành giả sẽ không bao giờ cảm thấy cô vắng, lo âu, sầu muộn, nếu đi tới với niềm tin và quyết tâm, bởi sẽ có nhiều niềm hân hoan, hạnh phúc đang chờ đợi trên mỗi chặng đường công phu. Kinh
số 40 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Gồm những từ ngữ quen thuộc) II. NỘI DUNG KINH NGẮN XÓM NGỰA 1. Tại Assapura, đức Thế Tôn thêm một lần giảng dạy về hạnh Sa-môn. Lần nầy Thế Tôn mở rộng một số chi tiết và dạy thêm một số điểm mới. Về giai đoạn đầu công phu tẩy sạch cấu uế của tâm, Thế Tôn nêu ra 12 tâm cấu uế: tham dục, sân hận, phẫn nộ, thù hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, xảo trá, ái dục và tà kiến. Tại đây, Thế Tôn dạy rõ các hình thức mang đại y (Sanghàtì), hay như ngoại đạo khổ hạnh lõa thể, hoặc thoa bụi đất lên thân, hoặc lễ nghi tắm rửa, hoặc sống dưới gốc cây, hoặc sống ở ngoài trời, hoặc đứng thẳng, hoặc ăn uống giới hạn định kỳ, hoặc sống theo chú thuật, hoặc hạnh bện tóc, v.v... tất cả các hình thức ấy không phải là giá trị làm nên Sa-môn, không phải là linh hồn của hạnh Sa-môn, bởi vì chúng không đoạn diệt được các tâm cấu uế đã nêu. Đoạn trừ tâm cấu uế mới xứng đáng hạnh Sa-môn mang đại y. 2. Sau khi tâm cấu uế được đoạn trừ, tâm hân hoan sẽ liền sanh khởi; do hân hoan mà hỷ sanh; do hỷ sanh mà thân được khinh an; do khinh an mà lạc sanh; do lạc mà tâm định tĩnh. Trên cơ sở thành tựu tâm định tĩnh, hành giả trú tâm và biến mãn từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, và xả tâm hết thảy mười phương, không hận, không sân. Pháp môn "Tứ vô lượng tâm" được hành nầy rất xứng đáng với hạnh Sa-môn, sẽ dẫn đến kết quả đoạn tận lậu hoặc, chứng đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. III. BÀN THÊM Bản Kinh 40 nầy có hai nét giáo lý đặc biệt: 1. Định nghĩa về thực chất của hạnh Sa-môn, Bà-la-môn hay Phạm hạnh. 2. Giới thiệu pháp hành "Tứ vô lượng tâm" trên cơ sở thành tựu tâm định tĩnh của Tứ thiền sắc định. Đây là Kinh thứ hai, sau Kinh số 7 về ví dụ Tấm Vải, Thế Tôn dạy pháp tu Tứ vô lượng tâm. 3. Pháp tu nầy, được giới thiệu ở Kinh ngắn Xóm Ngựa, có thể dành cho các tu sĩ đến từ mọi giai cấp khác nhau trong xã hội, phù hợp với hướng phát triển tâm cho các căn cơ tâm lý khác nhau. -ooOoo- |
Source: Người Cư Sĩ,
France, http://cusi.free.fr
(Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện
trao tặng)
[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2005