BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Kinh Đoạn Tận Ái
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
Kinh
số 37 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ - Lộc Mẫu giảng đường: (Migàramàtu)
Nguyên Visakhà là cô gái nghe Thế Tôn thuyết pháp chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh trở thành đại tín nữ của Thế Tôn. Gia đình Visakhà theo Thế Tôn, rất giàu có, hứa gả Visakhà cho con trai của Migà. Cả dòng họ Migà chống đối Thế Tôn và Tăng già đòi hủy hôn ước. Sau đó tìm cách vu khống Visakhà ngoại tình, nhân vì một đêm khuya Visakhà cùng mấy gia nhân cứu một gã đàn ông bị thương cạnh nhà. Visakhà đã tự mình lập luận chứng minh mình vô tội, và chứng minh rằng gia đình, dòng họ chồng cố ý vu khống, đồng thời nói đạo lý cho Migà nghe. Migà bừng ngộ, xin lỗi nàng và trân trọng xem nàng như là mẹ của mình, người đã sinh thân huệ mạng của mình. Để tỏ lòng biết ơn dâu quý, nàng Visakhà, ông Migà lập một giảng đường lớn để tên là "Giảng đường Mẹ của Migà" và dâng cúng Thế Tôn. Lộc mẫu giảng đường là một trong ba Tăng xá lớn của Giáo Hội của Thế Tôn: Lộc mẫu giảng đường, Tịnh Xá Cấp Cô Độc và Trúc Lâm Tịnh Xá (do vua Tần-ba-sa-la cúng). II. NỘI DUNG KINH NGẮN ĐOẠN TẬN ÁI 1. Tại Lộc mẫu giảng đường, thành Xá vệ, một hôm thiên chủ Sakka, vua cõi trời 33, yết kiến Thế Tôn và bạch hỏi: "Đến mức độ nào, một Tỷ kheo ái tận giải thoát, ....., cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người? " Đức Thế Tôn dạy: "Một vị Tỷ kheo sau khi biết rõ các pháp, vị ấy biết rốt ráo tất cả pháp. Nếu có một cảm thọ nào, lạc, khổ, bất lạc bất khổ, vị ấy sống quán tánh vô thường, tánh tan rã, tánh hoại diệt, tánh xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ quán như thế nên không chấp trước một vật gì ở đời, không phiền não, chứng đạt Niết-bàn..." 2. Tôn giả Mục-Kiền liên ngồi gần nghe được câu chuyện đạo và có lẽ biết Sakka chỉ đặt câu hỏi chiếu lệ vì kiến thức, mà không vì thực hành để giải thoát, nên đã xuất hiện ở cõi trời 33 để nhắc nhở thiên chủ Sakka. Chứng kiến cảnh sống hưởng thụ quá mức của Sakka, tôn giả đã thị hiện đại thần thông làm rung động "Tối thắng điện " của cung Trời khiến thiên chủ Sakka hoảng hốt chịu nghiêm túc thuật lại lời dạy của Thế Tôn cho Tôn giả nghe. Làm thế, Tôn giả chỉ giúp cho thiên chủ không phải chỉ hoan hỷ nghe, mà còn phải tín thọ và phụng hành nữa. 3. Trở về lại Lộc mẫu giảng đường, tôn giả bạch Thế Tôn: "Thế Tôn có biết chăng Thế Tôn vừa dạy tóm tắt "Ái tận giải thoát" cho một dạ-xoa (yakka) có đại oai lực?" Đức Thế Tôn xác nhận Thế Tôn biết và chỉ nói tóm tắt, hàm ý là Thế Tôn biết Thiên chủ tâm chưa sẵn sàng tín thọ, phụng hành, nên chỉ nói tóm tắt. III. BÀN THÊM 1. Thái độ sống của thiên chủ Sakka: - Thiên chủ đến học Pháp từ Thế Tôn với thái độ thiếu nghiêm túc, do vì đắm chìm và hưởng thụ lạc thú ở cung trời 33, lòng không thiết tha đến giải thoát. - Thái độ hầu như biểu lộ một chút "ba hoa", khoe khoang ở cung trời rằng "Thế Tôn là bậc đạo sư của Thiên Chủ" để "tô điểm" oai lực của mình. Cái cung cách giới thiệu với chư Thiên: "Tôn giả Mục-Kiền liên là bạn đồng phạm hạnh" cũng thế. Hệt như tâm lý người đời muốn khoe khoang mình quen thân "ông lớn" nầy, nọ... 2. Thái độ giáo dục của đại tôn giả Mục-Kiền-liên: Tôn giả đã thị hiện về cung trời 33, hiển đại thần thông để cảnh cáo vua trời Sakka về thái độ sống phóng dật của người. Hầu như sinh thời, tôn giả vẫn thường cảnh cáo đủ các hạng người đến với Thế Tôn, với Tăng già với thái độ thiếu thành thật, không thật, kiêu căng, ngã mạn, tự cao v.v... và thường để lại bài học nhớ đời, "thắm-nghĩa-tình". Phương chi, ngoại đạo luôn tìm cách để ám hại tôn giả, oán hờn tôn giả. Nhưng, đấy là "vai trò" của đại tôn giả, vai trò tự nguyện để bảo vệ "trang nghiêm" của Giáo Hội. Kinh
số 38 I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ - Đoàn thực: Kabalinkàro àhàro: bodily nutriment of contact: chỉ thức ăn qua miệng; thực phẩm nuôi sống cơ thể; không có thức ăn thì cơ thể sẽ chết. - Xúc thực: Phassàhàro: Nutriment of contact: Xúc là thúc ăn nuôi dưỡng sự sống; không có xúc thì sự sống sẽ kết thúc. - Tư niệm thực: Manosancetanàhàro Nutriment of volition: Ý chí, tác ý là thức ăn nuôi dưỡng sinh mạng: không có tư niệm thì con người cũng không hiện hữu. - Thức thực: Vinnanam àhàro: Nutriment of Consciousness: Thức là thức ăn nuôi sống con người; thiếu thức, con người ngũ uẩn không còn hiện hữu. (Bốn thức ăn trên nuôi dưỡng, duy trì năm uẩn) - Hương ấm: Gandhabba: is explained as the being who is coming into the womb: được hiểu là chúng sinh nhập thai: hiểu như có một nghiệp thức đi vào bào thai, hay gọi là dẫn nghiệp. Ghi chú: Bản kinh này, trong Đại Tạng kinh Việt Nam, có sự in nhầm ở trang 568 và trang 570, xin sửa lại như dưới đây (dựa vào bản Pàli và bản dịch Anh ngữ):
II. NỘI DUNG KINH DÀI ĐOẠN TẬN ÁI 1. Tỷ kheo Sati có tà kiến rằng: "Thức nầy dong ruổi, luân chuyển, nhưng không đổi khác". Và: "Chính thức ấy nói, cảm thọ, thọ lãnh chỗ nầy, chỗ kia, kết quả các hành động thiện ác." Đức Phật đã dạy: - "Thức do duyên mà khởi, không có duyên thì thức không hiện khởi." - "Có bốn món ăn giúp cho an trú các loài hữu tình đã sanh hay phò trợ các loài hữu tình sẽ sanh, đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực" (Bốn món ăn cũng do các nhân duyên sanh: đủ 12 chi phần duyên khởi) - Biết các pháp đều do sự vận hành của 12 nhân duyên sanh thì sẽ suy nghĩ về Cái Ta trong quá khứ, Cái Ta trong tương lai, hay Cái Ta trong hiện tại (có mặt hay không có mặt; có mặt như thế nào? v.v...) 2. Hiểu pháp như vậy, vị Tỷ kheo trở về tinh cần sống đời sống phạm hạnh: thiểu dục, tri túc, sống viễn ly, hộ trì các căn, giữ gìn giới bổn, tẩy sạch cấu tâm, trừ ngũ cái, thành tựu hiện tại lạc trú, tinh cần đoạn trừ tham ái khởi lên từ các căn, nhiếp phục các cảm thọ. Do tham ái diệt nên thủ diệt,..., sầu, bi; khổ, ưu, não diệt. Đây là nội dung của kinh Ái tận. III. BÀN THÊM 1. Do bốn thức ăn làm nhân làm duyên mà con người có mặt tồn tại; do ái làm nhân làm duyên mà bốn loại thức ăn hiện khởi và liên tục tồn tại; chính ái làm nhân làm duyên cho sự tập khởi của con người, cho sự tập khởi và vận hành của các uẩn. Tà kiến của Sati là do Ái làm nhân, làm duyên mà có: do Ái mà sinh khởi chấp thủ ngã cho rằng thức luân chuyển nhưng không đổi khác. 2. Nếu cho Ái là nguyên nhân đầu tiên và duy nhất phát sinh tà kiến, thì lại rơi vào "tà kiến của Tỷ kheo Sati ". Theo sự thật Duyên Khởi, Thọ là nhân là duyên sinh khởi Ái; Thọ do xúc...; Xúc do Lục nhập...; Lục nhập do Danh sắc...; Danh sắc do Thức...; Thức do Hành...; Hành do Vô minh...; tất cả các duyên ấy là do sự vận hành của Duyên Khởi (12 Chi nhân duyên) Bởi con người xem ái như là chính mình, như là hiện hữu của chính mình, như là lẽ sống của chính mình, nên Tỷ kheo cần tập trung công phu đoạn tận Ái. Ái tận thì Thức tận, Hành tận, Vô minh tận, Khổ tận. 3. Công phu đoạn tận Ái là công phu hành phạm hạnh qua các bước thực hành (như được đề cập ở các kinh trước, đặc biệt từ kinh 11 đến kinh 20) như sau:
4. Trong suốt thời gian người giác ngộ, trước khi xuất gia con người luôn luôn bị trói chặt bởi lòng tham ái và sự chấp thủ tự ngã, tâm mãi dong ruổi theo vị ngọt của sáu trần và mãi vướng mắt vào những tưởng nghĩ về cái Ta trong quá khứ, trong hiện tại và trong cả tương lai. Xuất gia rồi, khi chưa tuệ tri các pháp thì tâm thức vẫn chìm trong vòng lao lý của ái, thủ. Sau khi đã tuệ tri thì tập khí ái, thủ vẫn còn ở nội thọ và còn nằm phục ở sáu căn, sáu trần và sáu thức. Điều nầy đòi hỏi vị Tỷ kheo tinh cần, nỗ lực tỉnh giác liên tục tiểu trừ chúng cho đến khi mục tiêu phạm hạnh được chứng đạt. Đó là những gì đã bao hàm trong những lời dạy của Thế Tôn được thuật lại trong kinh dài Đoạn Tận Ái. -ooOoo- |
Source: Người Cư Sĩ,
France, http://cusi.free.fr
(Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện
trao tặng)
[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2005