BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Kinh số 35 & 36

Kinh Saccaka

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


Kinh số 35
Kinh Ngắn: SACCAKA
(Cùlasaccakasuttam)
- Lesser Discourse To Saccaka -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc đã được cắt nghĩa)

II. NỘI DUNG KINH NGẮN NGƯỜI SACCAKA

1. Ni-Kiền-tử Saccaka là người giỏi biện luận, tánh ưa tranh luận, đã huênh hoang, lớn lối tuyên bố trước Hội chúng Vesàlì rằng: "Ta không thấy một Sa-môn, Bà-la-môn nào, là vị Hội chủ, vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng Giáo hội, dầu tự cho là bậc A-la-hán. Chánh Đẳng Giác, khi đối thoại với ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ; không ai là không toát mồ hôi nách. Dù ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường".

2. Một hôm, Saccaka cùng đại chúng Licchavi đến yết kiến Thế Tôn tại rừng Đại Lâm lúc Thế Tôn đang ngồi tại một gốc cây, Saccaka đặt câu hỏi:

"Tôn giả Gotama huấn luyện đệ tử như thế nào? Những bộ môn nào mà phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy dành cho đệ tử?"

Đức Thế Tôn trả lời Ngài huấn luyện đệ tử như thế nầy:

"Nầy các Tỷ kheo, sắc là vô thường, thọ..., tưởng..., hành..., thức là vô thường. Nầy các Tỷ kheo sắc là vô ngã, thọ..., tưởng..., hành..., thức... là vô ngã. Tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã".

3. Quan điểm của Saccaka là:

"Sắc là tự ngã của ta, thọ là tự ngã của ta, tưởng..., hành..., thức là tự ngã của ta ".

4. Đức Thế Tôn vấn nạn Saccaka:

"Ông chủ trương sắc là tự ngã của ta, vậy ông có quyền hành gì đối với sắc ấy và có nói được rằng: sắc của tôi là như thế nầy, sắc của tôi không phải như thế nầy không?"

Saccaka cứng đầu, biết không thể trả lời, nên câm lặng cho đến khi thấy thần Kim Cang (Vajirapani) đứng trên đầu Saccaka sẵn sàng đánh đầu Saccaka vỡ bảy nếu Saccaka không trả lời, hình ảnh nầy chỉ có Thế Tôn và Saccaka thấy và biết. Saccaka sợ hãi, hoảng hồn, lông tóc dựng ngược, chỉ có thể tìm thấy sự che chở từ Thế Tôn nên đã trả lời câu hỏi của Thế Tôn, chấp nhận sự thật "Sắc là vô thường, vô ngã... ", chấp nhận quan điểm giáo lý của Thế Tôn, từ bỏ lập luận gian dối, quanh co của mình.

5. Saccaka đặt tiếp hai câu hỏi: "Cho đến mức độ nào, một đệ tử Thinh Văn của Thế Tôn trở thành tuân phụng giáo điển, chấp thuận giảng huấn, nghi ngờ được đoạn trừ, do dự được diệt tận, thành tựu vô úy, sống trong giáo hội Bổn sư, khỏi phải nương tựa một ai?"

Đức Thế Tôn dạy:

- "Đối với sắc, thọ tưởng, hành và thức, đệ tử Thanh Văn của Thế Tôn thấy như thật với chánh trí tuệ là: Cái nầy không phải là tôi, không phải của tôi, không phải là tự ngã của tôi" Cho đến mức đó một đệ tử Thinh Văn trở thành tuân phụng giáo điển, ..., khỏi phải nương tựa một ai.

Saccaka lại hỏi:

"Cho đến mức độ nào Tỷ kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, các mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được Chánh trí, giải thoát?"

Thế Tôn dạy:

"Sau khi như thật quan sát: Cái nầy không phải là tôi, không phải của tôi, không phải là tự ngã của tôi, chứng được vô Chấp thủ giải thoát, thành tựu ba pháp vô thượng: Kiến vô thượng, Đạo vô thượng, và Giải thoát vô thượng."

Sau cuộc đàm thoại, Saccaka và các Licchavis xin dâng cúng ngọ trai cho Thế Tôn và chư Tỷ kheo vào ngày hôm sau, và được đức Thế Tôn nhận lời.

III. BÀN THÊM

1. Cuộc đối thoại giữa Thế Tôn và Ni-kiền-tử Saccaka có thể được xem là cuộc đối thoại điển hình giữa Phật giáo và các tôn giáo, triết thuyết khác dưới thời đức Phật, và cho các thời đại về sau mãi đến thời hiện đại. Như kinh Phạm Võng đã nêu ra 62 học thuyết ngoại đạo và sự khác biệt giữa Phật giáo và các triết thuyết ấy. Điểm khác biệt cơ bản ấy là:

- Phật giáo như thật quán sát sắc, thọ, tưởng, hành, thức (vạn hữu) là vô ngã, vô thường.

- Các tôn giáo triết thuyết khác thì chủ trương sắc, thọ, tưởng, hành, thức (vạn hữu) là có tự ngã thường hằng.

Các nhà tư tưởng và các nhà nghiên cứu Phật học thời danh hiện đại cũng có một nhận định, phân biệt rằng:

- Phật giáo thuộc phạm trù Vô ngã, gọi là "I-doctrine".

- Phi Phật giáo thì thuộc phạm trù Hữu ngã, và gọi là "Non-I doctrine".

Đây cũng là điểm khác biệt giữa Phật giáo và nền văn hóa Hữu ngã của nhân loại ngày nay.

2. Từ nhận thức khác biệt trên dẫn đến hướng sống, tu tập khác biệt, và dẫn đến hậu quả khác biệt. Như kinh ngắn Người Chăn bò đề cập, nhận thức sai sẽ nhận chìm đàn bò giữa dòng nước hiểm của sông Hằng; nhận thức đúng sẽ đưa đàn bò qua đến bờ kia an toàn. Cũng thế, từ chánh trí tuệ của Thế Tôn, Ngài đã mở ra con đường Giới, Định, Tuệ độc nhất đi đến đoạn tận khổ đau cho các đệ tử của Ngài và cho đời. Từ nhận thức hữu ngã, văn hóa hữu ngã, nhân loại sẽ bị nhận chìm vào sinh tử, vào vòng nước xoáy của sầu, bi, khổ, ưu, não, không có lối ra.

Ứng dụng, thực hành giáo lý Phật giáo, nếu chỉ thực hành bước đi đầu tiên tẩy sạch cấu uế của tâm thì con người có điều kiện đi vào "hiện tại lạc trú", xã hội trở nên an lạc, thanh bình, nói gì đến các bước đi trí tuệ kế tiếp hướng đến Kiến vô thượng, Đạo vô thượng, và Giải thoát vô thượng.

3. Hình ảnh kiêu ngạo của Ni-kiền tử Saccaka về kiến thức thế học của ông ta phải câm lặng, sợ hãi, hoảng loạn trước trí tuệ như thật về thực tại của Thế Tôn đã nói lên rõ ràng cái trống rỗng của thế giới khái niệm, thế giới hữu ngã. Đây là điểm ách yếu mà con người của thiên niên kỷ mới, thiên niên kỷ thứ ba, cần chiêm nghiệm để mở ra một hướng giáo dục, văn hóa mới đem lại nhiều ổn định, an lạc, hạnh phúc và nhân bản trí tuệ cho đời . Thế nào để cuộc đời sớm thấy rõ rằng tiếng nói của sự thật Vô ngã có sức công phá còn mạnh hơn cả nghìn trái bom nguyên tử, không phải là để tàn phá sự sống, mà là để tàn phá vô minh, hủy diệt vô minh xây dựng sự sống đúng hướng.


Kinh số 36
Kinh Dài: SACCAKA
(Mahàsaccakasuttam)
- Greater Discourse To Saccaka -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG BẢN KINH DÀI SACCAKA 

1. Saccaka, người thường hay tranh luận với lục sư ngoại đạo, lại đến yết kiến Thế Tôn một lần nữa tại Trùng Các giảng đường, rừng Đại Lâm, Vesàlì. Saccaka nói lên quan niệm của ông về thân tu tập và tâm tu tập, và muốn được nghe Thế Tôn giới thiệu quan điểm, chủ trương của Thế Tôn.

2. Quan niệm tổng quát và cụ thể của Saccaka về thân tu tập, tâm tu tập:

2.1. Thân tu tập (tổng quát): Saccaka nêu ra trường hợp của Nanda, Vaccha, Kisa, Sankiccha, Makkhala Gosàla, sống lõa thể, phóng túng, không theo lễ nghi, đi khất thực không chịu bước tới v.v...; ăn một ngày một bữa, bảy ngày một bữa v.v...

2.2. Tâm tu tập: Saccaka không nêu ra được nội dung.

Về điều mà Saccaka gọi là thân tu tập thì cũng là tà pháp.

3. Đức Thế Tôn dạy tổng quát ý nghĩa thân tu tập, tâm tu tập:

3.1. Khi lạc thọ khởi lên, vị đệ tử không tham đắm lạc thọ, không rơi vào sự tham đắm lạc thọ (do đoạn dục, ly ái), gọi là thân tu tập.

3.2. Khi lạc thọ diệt, khổ thọ khởi lên, vị đệ tử không sầu muộn, không than van ... (làm chủ tâm lý, không dao động), đây gọi là tâm tu tập.

4. Ví dụ về khúc gỗ xanh, ướt đẫm trong nước, hay khúc gỗ xanh đầy nhựa sống để ra khỏi nước đều không thể lấy ra lửa được, nhưng với thanh gỗ khô để chỗ ráo thì có thể lấy ra lửa được. Cũng vậy, một người sống xả ly các dục về thân, khéo đoạn trừ dục từ nội tâm thì có thể chứng đắc được trí tuệ toàn giác. Rồi Thế Tôn tiếp thuật lại đoạn đường thân tu tập và tâm tu tập của Thế Tôn đi đến Chánh Đẳng Giác.

III. BÀN THÊM

1. Thực tế, con đường Tỷ kheo tu tập là tu tập tâm, huấn luyện tâm lý, chuyển đổi tâm lý tham, sân, si thành vô tham, vô sân, vô si; chuyển đổi các tri kiến, nhận thức hữu ngã thành trí tuệ vô ngã, trí tuệ toàn giác. Với Phật giáo thân và tâm không tách rời khỏi nhau: Chúng là cụm tập hợp nhân duyên của năm uẩn. Do vì Saccaka nêu tách riêng thân tu tập và tâm tu tập, hay huấn luyện thân, huấn luyện tâm, nên Thế Tôn cũng tùy duyên mà giới thiệu quan điểm của Ngài.

Công phu tu tập, theo nghĩa Diệt đế là đoạn tận Ái, thì tập trung đoạn tận Ái, thủ để đoạn tận khổ. Bước đầu tu tập Giới uẩn là hộ trì các căn, đoạn dục tham khởi lên từ tai, mắt, mũi, lưỡi và thân (có thể kể thêm ý), đoạn tâm tham lạc thọ khởi lên từ các căn, tạm gọi là bước thân tu tập, Thân tu tập như thế đồng nghĩa với nhiếp phục tham.

Khi cảm thọ Khổ khởi lên thì sân tâm khởi; nếu nhiếp phục được sân thì tạm gọi là tâm tu tập. Khổ vốn có mặt khắp tam giới biểu hiện qua nhiều cấp độ tâm lý khác nhau, do sự kiện các hữu vi là vô thường nên dẫn đến khổ đau. Nên, nhiếp phục hoàn toàn khổ thọ, hay đoạn tận khổ, là thành tựu phạm hạnh. Do dó, ý nghĩa tâm tu tập giới thiệu trên là công phu tu tập cho đến lúc đoạn tận lậu hoặc.

2. Thân tu tập và tâm tu tập đối với Phật giáo là công phu thực hành Đạo đế. Tùy theo cách đặt vấn đề và giới hạn định nghĩa vấn đề mà Đạo đế có thể trình bày dưới nhiều thể cách khác nhau. Thực chất giải thoát chỉ có một: hoặc tu là đoạn tận Ái; hoặc tu là đoạn tận Chấp thủ; hoặc tu là đoạn diệt Thức hay Vô minh... để đoạn tận khổ. Sự thật về các hiện hữu, và sự thật về "Con đường" có thể dùng vô lượng thi thiết, vô lượng ngôn từ, thí dụ, thể cách để trình bày.

Sự thật đó đối với các đệ tử Thinh Văn của Thế Tôn là lẽ sống, là sống với, nhưng đối với chàng học giả bác học Saccaka, Ni-kiền tử, vẫn là những gì của kiến thức của chàng du sĩ lang thang, rất hoang vu, rất là "Cát bụi mịt mù".

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, http://cusi.free.fr
(Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005