BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Kinh số 33 & 34

Kinh Người Chăn Bò

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


Kinh số 33
Kinh Dài: Người Chăn Bò
(Mahàgopàlaka suttam)
- Greater Discourse on The Cowherd -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc đã được cắt nghĩa)

II. NỘI DUNG KINH DÀI NGƯỜI CHĂN BÒ

1. Người chăn một đàn bò tốt cần có đủ 11 đức tính:

1.1. Biết rõ các sắc.
1.2. Khéo phân biệt các tướng.
1.3. Trừ bỏ trứng bò chét.
1.4. Biết băng bó vết thương.
1.5. Có xông khói.
1.6. Biết chỗ nước có thể lội qua.
1.7. Biết chỗ nước uống.
1.8. Biết con đường.
1.9. Biết (khéo biết) chỗ đàn bò có thể ăn cỏ.
1.10. Không vắt sữa cho đến khô kiệt.
1.11. Có chủ ý săn sóc đặc biệt các con bò đực già, đầu đàn.

2. Tương tự, một Tỷ kheo có thể lớn mạnh trong Pháp và Luật Phật Giáo cũng cần có 11 đức tính như sau (theo thứ tự tương đương với 11 đức tính của người chăn bò):

2.1. Như thật biết rõ các sắc thuộc Tứ đại và sắc do Tứ đại hợp thành.
2.2. Như thật biết kẻ ngu, người trí và nghiệp tướng của họ.
2.3. Khi thọ dụng, biết từ bỏ các triền cái, các ác, bất thiện tâm.
2.4. Biết hộ trì sáu căn.
2.5. Biết giảng Pháp cho các người khác những gì mình đã học.
2.6. Biết hỏi nghĩa lý về Pháp, Luật với các bậc trì Pháp, trì Luật để đoạn nghi.
2.7. Chứng đạt, hiểu rõ Pháp và hiểu rõ mục tiêu tu tập.
2.8. Như thật biết Bát Thánh đạo.
2.9. Như thật rõ Tứ niệm xứ.
2.10. Biết thọ dụng " tứ sự cúng dường " vừa đủ.
2.11. Giữ thân, khẩu, nghiệp đầy lòng từ, giữa tập thể và nơi riêng vắng, đối với các bậc Trưởng lão, lãnh đạo, tôn túc.

III. BÀN THÊM

1. Mười một đức tính trên của vị Tỷ kheo là những gì mà một vị Tỷ kheo cần học hiểu và thực hành để có đủ nhân duyên phát triển Giới học, Định học và Tuệ học, hay phát triển tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Đây là nội dung giáo dục một tu sĩ (Tăng, Ni) mà Thế Tôn chỉ dạy. Đây cũng là một nội dung giáo dục cơ bản mà ngành giáo dục ở các tự, viện cần tham khảo và thực hiện. Làm được như thế thì Tăng già sẽ hưng thịnh.

2. Mười một điều giới thiệu ở trên cần được xem là các nét căn bản của linh hồn một đường hướng giáo dục hiện đại nhắm đến, bên cạnh nhiều kiến thức truyền đạt khác. Thiếu một, hay thiếu nhiều hơn một, trong mười một điểm thành tựu ấy thì nền giáo dục đào tạo của Phật Giáo còn khập khểnh. Đấy là chưa đề cập đến nội dung giáo dục đào tạo để đáp ứng các yêu cầu đóng góp của thời đại.

3. Ví dụ người chăn bò là một điển hình gợi ý rằng:

- Môi trường sống chung quanh có thể để lại các bài học giá trị cho một tu sĩ chiêm nghiệm về đời sống tâm thức.

- Các ví dụ cụ thể lấy từ đời sống thực tế giúp cho người học Phật dễ nhận ra các nghĩa lý sâu xa hơn về công phu giải thoát, và dễ nhớ.

4. Ví dụ người chăn bò gợi nhớ cho các Phật tử Việt Nam đến hình ảnh " chăn trâu tâm ", theo đó, có thể ghi lại 11 đức tính của một Tỷ kheo thành một cẩm nang đáng nhớ.


Kinh số 34
Kinh Ngắn: Người Chăn Bò
(Culagopàlakasuttam)
- Lesser Discourse on The Cowherd -
 

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc đã được cắt nghĩa)

II. NỘI DUNG KINH NGẮN NGƯỜI CHĂN BÒ

1. Tại xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) người chăn bò vô trí lùa một đàn bò vượt qua sông Hằng tại chỗ nước sâu, hiểm, không thể lội qua, đàn bò đã gặp nạn lớn.

Một người chăn bò khác thì có trí biết rõ dòng nước, biết rõ bờ bên nầy và bờ bên kia sông Hằng, và biết cách lùa đàn bò qua: các con bò già, đầu đàn qua trước; rồi đến các con bò khỏe mạnh; các con bò cái lớn, bò con lớn; rồi sau cùng là con nghé. Đàn bò đã qua bờ bên kia sông Hằng an toàn.

2. Tương tự người chăn bò có trí, đức Thế Tôn là vị Toàn giác biết rõ dòng sinh tử, luân hồi, biết rõ các cảnh Trời và Ác ma, biết rõ căn cơ của hàng đệ tử đã dẫn dắt tất cả vượt qua dòng sông của Ma vương một cách an toàn. Ngoài Thế Tôn, không ai khác có thể chuyển vận bánh xe Pháp và mở được lộ trình giải thoát thiết thực, trí tuệ và thiện xảo.

- Như các con bò đực, đầu đàn lội cắt ngang dòng sông Hằng và qua bờ bên kia một cách an toàn, cũng vậy, các Tỷ kheo là các A-la-hán, đã đoạn trừ lậu hoặc, đã giải thoát nhờ Chánh trí, sau khi lội cắt ngang dòng sông của Ma vương, đã qua bờ bên kia một cách an toàn.

- Như con bò đực lớn, mạnh..., các Tỷ kheo là các A-na-hàm...

- Như các bò đực con lớn, những bò cái con lớn,..., các Tỷ kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, làm muội lược dục, sân, chứng Nhất Lai...

- Như các bò con nhỏ, các con nghé,..., các Tỷ kheo là các Tu-đà-hoàn...

- Như các con bò mới sanh,..., các Tỷ kheo Tùy pháp hành, Tùy tín hành..

III. BÀN THÊM

1. Hình ảnh người chăn bò có trí gợi ý về vai trò, sứ mệnh của bậc Đạo sư. Ngài đã ở lại thế gian 45 năm, sau khi giác ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác, để giáo hóa các đệ tử cho đến từ quả vị Tùy pháp hành, Tùy tín hành đến A-la-hán. Có hai đại đệ tử: tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, vào cuối đời đã đắc Chánh Đẳng Giác và nhập Vô-dư-y Niết bàn.

2. Đức Thế Tôn đã nói lên rõ vai trò của Ngài, và con đường giải thoát Ngài đã mở ra là vượt qua dòng sông Ác ma an toàn. Đi lệch thì sẽ rơi ngay vào nguy hiểm của sinh tử. Đây là điểm mà các Tỷ kheo cần đặt niềm tin tuyệt đối vào sẽ an lạc lâu dài.

3. Sau khi Thế Tôn nhập Niết bàn thì Pháp mà Ngài đã giảng dạy giữ vai trò dẫn dắt, các Tỷ kheo cần đặt niềm tin tuyệt đối vào Pháp, Pháp sẽ chỉ đường cắt ngang dòng sông sinh tử.

Qua ba điểm nhận định trên, Kinh ngắn Người Chăn Bò đến với đời như là lời di huấn thiêng liêng.

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, http://cusi.free.fr
(Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 07-07-2003