BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 22
Kinh Ví dụ con Rắn
(Alagaddùpama Sutta)
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ - Dục như khúc xương: Như khúc xương chỉ để gặm nhắm, không nuôi sống được, thế mà các con chó lại tranh giành, cấu xé nhau...; cũng thế, lòng dục đối với con người... - Dục như miếng thịt: Ví như con diều hâu, hay con chim kên có được một miếng thịt rồi bay lên không; các con chim diều hâu khác, chim kên khác đuổi theo, giành giựt, xé nát miếng thịt ấy. Nếu con diều hâu, con chim ưng không vứt bỏ ngay miếng thịt, nó có thể đi đến chết, hay khổ gần như chết. - Dục như bó đuốc cỏ khô: Như người cầm bó đuốc cỏ khô cháy rực đi ngược gió, lửa sẽ táp vào người; cũng thế, nắm giữ lòng dục thì sẽ tự hại. - Dục như hố than hừng: Như người bị ghẻ lở, tìm đến hố than hừng trên miệng hố, để có cảm giác dễ chịu, nhưng hố than hừng rất dễ đem đến đại nạn vong thân cho người ấy. Cũng thế, dục vọng đối với con người. - Dục như cơn mộng: Mộng thì không thực, chỉ để lại cho con người sự thất vọng, hụt hẫng khi tỉnh giấc. ("Giật mình tỉnh giấc thấy mình tay không"). Cũng thế, dục vọng đối với người tu. - Dục như trái cây: Ví như ở gần làng có một xóm rừng có một cây đầy trái chín, nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Một người đi đến và leo lên cây ăn thỏa thích. Một người khác đi đến với chiếc búa trên tay, không biết leo cây bèn chặt cây tận gốc. Nếu người kia không nhanh leo xuống cây, thì sẽ bị gãy tay, chân, sẽ bị chết hay khổ gần như chết. - Dục như vật mượn của người: Vật mượn thì không thể sở hữu. Chỉ nắm giữ tạm thời vật mượn, nó không thuộc của mình. Cũng thế, lòng dục và đối tượng dục đều không là mình, không phải là của mình. - Dục như lò thịt: Lò thịt là nơi lần lượt cắt đứt mạng sống của các con thú đem đến. Cũng thế, dục vọng sẽ thiêu cháy, giết chết người nắm giữ nó, đến với nó. - Dục như đầu rắn: Như rắn độc, phải đánh chết dập cái đầu, nếu không thì nó sẽ quay trở lại cắn chết người bắt nó. Cũng thế, trừ dục phải trừ tận gốc, nhổ sạch "dục tùy miên", nếu không thì nó sẽ khởi lên đem đến phiền não cho người tu. Kết luận về dục: "Dục vui ít, khổ nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn". - Kinh: Suttam (Discourse): Ghi, kiết tập các bài Pháp mà Đức Thế Tôn đã giảng tại thế. - Ứng tụng: Geyyam (Discourse in prose and in verse): Liên hệ đến Luật tạng - Vinaya và các kinh thuộc kinh Tập - Suttanipatta. - Giải thuyết: Veyyàkaranam (Expositions): Các phần giảng rộng được giải thích như Luận tạng. - Kệ tụng: Gàtham (Verses): Các câu ngắn có vần như là Trưởng lão Tăng, Ni kệ. - Cảm hứng ngữ: Uadànam (The Uplifting verses): Những cảm xúc giải thoát của Thế Tôn và các đại đệ tử. - Như thị ngữ: Itivuttakam (The "As it was saids"): Phần thuật lại những gì đã nghe Đức Phật dạy. - Bổn sanh: Jàtakam (The Birth Stories): Các chuyện tiền thân, tái sanh. - Vị tằng hữu pháp: Abbhutadhammam (The Wonders): Các nội dung hiếm khi được giảng, hiếm hoi. - Phương quảng: Vedallam (Miscellanies): Phần giáo lý hợp tuyển. "Cần phải hiểu ví dụ chiếc bè: - Chánh pháp cần phải bỏ đi huống là phi pháp: Kullùpamam vo, bhikkhave àjànantehi dhammà pi vo pahàtabbà, pag-eva adhamma (By understanding the Parable of the Raft, should get rid even of right mental objects, all the more of wrong views): Từ ví dụ Pháp được giảng như chiếc bè để vượt qua, mà không phải để mang lấy, từ Pháp hay Chánh pháp là ý nghĩa con đường, các phương cách mà Thế Tôn dạy để đoạn trừ giải thoát, hướng đến Niết bàn; sau khi đắc Định và đắc Tuệ giải thoát, thì phải từ bỏ các pháp kia, bởi vì không cần nữa, đã xử dụng xong. Ngay cả định đắc được, cũng cần từ bỏ Phi phi tưởng xứ định (theo kinh M.i 456), và cả kiến thanh tịnh cũng không nên chấp thủ (theo kinh M.i, 260). Như thế các dục vọng, sân hận, si mê, tà kiến gọi là phi pháp. II . NỘI DUNG KINH VÍ DỤ CON RẮN 1. Đức Phật dạy phải đoạn trừ dục, Ngài thường ví dụ như "khúc xương...; miếng thịt...; bó đuốc cỏ khô...; hố than hừng...; cơn mộng...; vật dụng mượn...; như trái cây...; như lò thịt...; như gậy nhọn...; và như đầu rắn..., vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn". Tỷ kheo Arittha thì cho là dục không phải là pháp chướng ngại, có thể hưởng thụ. Đây là lý do mà Đức Phật giảng kinh Ví Dụ Con Rắn để một lần nữa soi sáng tâm thức của Arittha và những ai có cùng quan điểm với Arittha. 2. Pháp mà Đức Phật dạy là để thực hành vượt qua các tâm cấu uế, cắt đứt các nhân tố tâm lý đem lại khổ đau. Đấy là "con đường" phải đi, chứ không phải là triết lý, huyền đàm. Không học Pháp với tinh thần này thì hành giả sẽ chuốc khổ vào thân, như bắt rắn ở thân hay đuôi của rắn, rắn sẽ quay đầu cắn chết người bắt nó. 3. Cũng cùng với ý nghĩa vừa nêu, Đức Phật đưa ra hình ảnh chiếc bè, ví như Pháp, làm ví dụ. Chiếc bè là phương tiện để đi qua một vùng nước rộng để đến bờ bên kia. Đến bờ thì hành giả để chiếc bè lại ở đằng sau để nhẹ nhàng tiếp tục cuộc hành trình. 4. Pháp đã được Đức Phật thuyết giảng là trình bày sự thật của khổ đau, nguyên nhân gây ra khổ đau và con đường sống, tu tập dẫn đến đoạn diệt khổ đau. Pháp ấy không phải các lý thuyết, tư tưởng cắt nghĩa về sự hiện hữu của con người và thế giới. Pháp ấy chỉ rõ các "Ngã luận thủ" sẽ dẫn con người đến phiền não, khổ đau. Pháp ấy không phải là học thuyết về "thường hằng" hay "đoạn diệt". Pháp ấy dạy con người nhìn "Ngũ uẩn", nhìn thế giới rằng: "Cái này không phải là tôi, cái này không phải là của tôi, không phải là tự ngã của tôi". Nhìn như thế thì mười kiết sử sẽ dần dần được đoạn tận, khổ tận. III. BÀN THÊM 1. Từ nội dung của kinh Ví Dụ Con Rắn nêu trên, hành giả cần có nhận thức rằng: tất cả các kinh do Đức Thế Tôn dạy đều nhằm đoạn trừ chấp thủ ngã, đoạn trừ lòng dục vốn là gốc của khổ. Hiểu khác đi, cắt nghĩa khác đi, và bàn luận khác đi là nhũng việc trở nên xa lạ đối với Phật pháp. 2. Với Chánh pháp, chấp thủ năm uẩn, chấp thủ thế giới, chấp thủ các "ngã luận" và chấp thủ dục vọng là phi pháp cần được đoạn trừ. Cả đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, chánh kiến trong sáng về các pháp cũng không được chấp thủ chúng. Tất cả chúng chỉ được sử dụng để vượt qua sinh tử, mà không phải mang lấy, bởi vì không có một sự chấp thủ nào mà không đem lại phiền não, khổ đau. Tinh thần của Phật pháp là như thế! 3. Pháp là chỉ đường để thực hiện: nhìn kỹ vào tự tâm để tẩy sạch các cấu uế, phát triển "Hiện tại lạc trú", "Tịch tịnh trú" và phát triển Thiền quán cắt đứt các kiết sử, lậu hoặc. Pháp không phải để tranh luận, để hý luận, để phô trương hiểu biết hay để làm đẹp tự thân thỏa mãn niềm tự hãnh. Đây là ba điểm chính của kinh số 22 và của Pháp, cần được hiểu đúng! -ooOoo- (Nguyệt san Giác Ngộ, số 82, tháng 01-2003) |
[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2005