BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 22

Kinh An trú tầm
(Vitakkasanthàna Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ đã được cắt nghĩa trong bản kinh trước).

II. NỘI DUNG KINH AN TRÚ TẦM

1. Nhận định: Kinh Song Tầm và An Trú Tầm có nội dung tuơng tự, nhưng được triển khai dưới hai hình thức khác nhau dành cho hai hạng căn cơ khác nhau:

1.1 Kinh Song Tầm thuật lại kinh nghiệm loại bỏ dục tầm, sân tầm và hại tầm của Đức Thế Tôn, khi còn là Bồ tát. Do vì tâm của Bồ tát thuần thiện nên chỉ cần tác ý đến mối nguy hiểm của bất thiện tầm thì bất thiện tầm liền tiêu mất. Hoặc giả, Bồ tát chỉ tác ý đến thiện tầm thì bất thiện tầm cũng tiêu biến.

1.2 Hầu hết các căn cơ ở đời có tập khí bất thiện tầm để lại từ quá khứ, và tập quán bất thiện tầm đến từ ảnh hưởng của văn hóa xã hội đương thời quá mạnh nên sự tác ý đến mối nguy hiểm của bất thiện tầm, hoặc sự tác ý đến thiện tầm, không đủ sức mạnh giác tỉnh để tiêu diệt các bất thiện tầm ấy. Do đó, trong kinh An Trú Tầm, Đức Thế Tôn chỉ dạy thêm các phương cách đối trị.

2. Các phương cách đối trị các bất thiện tầm

Tác ý năm tướng:

2.1 Khi hành giả tác ý một tướng nào mà dục tầm, sân tầm, hại tầm sanh khởi, thì nên tác ý đến một tướng thiện khác để đoạn diệt các bất thiện tầm.

2.2 Nếu làm như thế mà bất thiện tầm vẫn sinh khởi, thì quán sát sự nguy hiểm của các bất thiện tầm ấy, chúng sẽ tiêu biến.

2.3 Nếu làm thế mà bất thiện tầm vẫn tồn tại, sinh khởi, thì nên quên chúng đi, không tác ý đến chúng, chúng sẽ bị diệt.

2.4 Nếu làm thế mà bất thiện tầm vẫn khởi thì tác ý đến hình thái và chức năng, hành tướng của chúng, chúng sẽ diệt.

2.5 Nếu đã làm thế mà vẫn chưa đoạn diệt được bất thiện tầm, thì chỉ còn cách sau cùng là khởi ý thật mạnh, quyết tâm mạnh, dõng mãnh, nghiến răng và dán chặt lưỡi lên nóc họng, dùng ý chế ngự ý, nhiếp phục ý thì dần dần các bất thiện tầm sẽ trở nên muội lược, rồi tiêu biến.

Bấy giờ thì tâm hành giả trở nên rất định tĩnh, làm chủ được các tầm, có thể tác ý đến tầm nào theo ý muốn, hành giả sẽ đi đến điểm cắt đứt khát ái, kiết sử, chấm dứt khổ đau.

III. BÀN THÊM

Kinh An Trú Tầm và các kinh từ 11 đến 19, kiết tập những chỉ dẫn rất thiết thực, nhất quán giới thiệu một đạo lộ giải thoát tâm mà bất cứ ai muốn đều có thể thực nghiệm. Đạo hay giải thoát là những gì rất thực, có thể nắm bắt được ngay trong hiện tại. Đối với những ai còn ham muốn, đắm say dục lạc, xem dục lạc như là lẽ sống, sống là hưởng thụ dục lạc thì 10 kinh vừa giới thiệu: từ 11 đến 20 trở nên xa lạ, lạc lõng, không thiết thực. Nhưng, đối với tâm hồn nghiêm túc có khát vọng giải thoát, nghiêm túc muốn thể nghiệm con đường giải thoát của Phật giáo, thì mười kinh vừa kể chói sáng lên những ánh hào quang tuyệt vời, từng dòng kinh là từng dòng châu ngọc. Đó là kho tàng vô giá.

Đến với Phật giáo, với các giá trị giải thoát là đến với thực hành. Đến để mà thấy, mà không phải đến với thế giới hý luận. Học Phật là thế! Diễn pháp là thế!

-ooOoo-

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 81, tháng 12-2002)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 18-02-2003