BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 16

Kinh Tâm Hoang Vu
(Cetokhila Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I . GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Tâm hoang vu: Cetokhila (Mental barreness): Tâm cằn cỗi, do dự, không định hướng, do đó không thực hiện được bất cứ một nỗ lực giải thoát nào.

- Tâm triền phược: Vinibandha (Bondages): Triền là xoáy vòng không đi tới được; phược là trói buộc. Tâm triền phược là tâm trói buộc các phát triển giải thoát.

- Tứ như ý túc: Tứ thần túc: Catu iddhipadà (Four Psychic powers).

- Dục định với các nỗ lực: Chanda samàdhipadhàna sankhàra (Concentration of intention with activities of striving).

- Tinh tấn định với các nỗ lực: Viriya samàdhi padhànasankhàra (Concentration of energy with activities of striving).

- Tâm định với các nỗ lực: Citta samàdhipadhànasankhàra (Concentration of consciousness with activities of striving).

- Tư duy định với các nỗ lực: Vìmamsa samàdhipadhànasankhàra (Concentration of investigation with activities of striving).

II . NỘI DUNG KINH TÂM HOANG VU:

1. Trong bản kinh 16 này, Đức Thế Tôn dạy về hai loại tâm gây chướng ngại cho công phu tu tập Tứ thần túc, và trở ngại sự phát triển tâm và tuệ giải thoát. Hai loại tâm ấy là:

a) Năm thứ tâm hoang vu (thuộc Nghi triền cái): Nghi ngờ Bậc Đạo Sư; nghi ngờ về Pháp; nghi ngờ Tăng; nghi ngờ học pháp; tâm chống đối, không hoan hỷ với các đồng phạm hạnh.

b) Năm thứ tâm triền phược (thuộc dục triền cái):

- Tham ái, dục cầu về các dục;
- Tham ái, dục cầu về tự thân;
- Tham ái, dục cầu về các sắc;
- Tham ái, dục cầu về ăn uống;
- Tham ái, dục cầu về sàng tọa, ngủ nghỉ.

Với ai đoạn tận được năm tâm hoang vu và năm tâm triền phược, nếu nỗ lực thực hiện dục định, tinh tấn định, tâm định, tư duy định thì có khả năng để chứng đắc vô thượng an ổn thoát ly mọi khổ ách, được Chánh giác.

III. BÀN THÊM

1. Người bị vướng vào 5 tâm hoang vu là do không có Chánh kiến và Chánh tư duy về các hiện hữu và về "con đường thoát khổ". Khi Chánh kiến có mặt thì các tâm Nghi ra đi, sẽ tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng và học pháp, sẽ không còn phẫn nộ với các đồng phạm hạnh. Nói khác đi, với tuệ tri, hành giả sẽ tẩy sạch ngay năm tâm hoang vu.

2. Tâm triền phược vốn là tâm tham dục các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, tham ăn, tham ngủ và tham đắm các lạc thú ở các cung trời Dục giới. Rời khỏi năm tâm triền phược là rời khỏi trói buộc của các tâm Dục giới, đi vào các tâm đại hành Sắc giới, bốn Sắc định. Bấy giờ hành giả hoàn toàn tẩy sạch tâm cấu uế và thành tựu "Hiện tại lạc trú".

3. Nếu năm tâm hoang vu và năm tâm triền phược được đoạn trừ, hành giả liền có định tâm và tuệ tâm thuộc Sắc giới. Trên cơ sở thành tựu này, hành giả thực hành "Tứ thần túc" với sự vận dụng các nỗ lực. Đây là một tập hợp công phu của "Tứ niệm xứ", "Tứ chánh cần" và "Tứ như ý túc". Hẳn nhiên với thời gian tu tập, hành giả sẽ chứng đắc tâm giải thoát và tuệ giải thoát viên mãn thành Chánh giác. Điều này cho thấy rằng: dù bản kinh 16 ghi lại một thời pháp khá đơn giản vẫn gói trọn lộ trình giải thoát đi đến Niết bàn. Đây quả là một tiếng rống Sư tử khác đã vang lên tại vườn Cấp Cô Độc.

-ooOoo-

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 78, tháng 09-2002)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 07-02-2003