BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 13
Đại Kinh Khổ Uẩn
(Mahàdukkhandha Sutta)
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ (Các từ ngữ trong bản kinh 13 đã được giải thích trong bản kinh trước). II. NỘI DUNG BẢN KINH 1. Bản kinh số 11 đã nêu: Ngoại đạo do vì không liễu tri sự thật Duyên sinh, Vô ngã của các hiện hữu nên không thể liễu tri, không thể hiển thị được sự liễu tri về "Ngã luận thủ". Vì vậy, bản kinh 13 này giới thiệu ngoại đạo không thể liễu tri về các dục, về các sắc, về các cảm thọ. Đây là điểm gốc của sự khác biệt giữa Phật giáo và ngoại đạo bàn về Dục, sắc và cảm thọ. 2. Để chỉ rõ sự khác biệt trên, kinh dài "Khổ uẩn" này nêu ra ba khía cạnh để hiểu rõ mọi sự vật, đó là: tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly sự vật ấy. Về dục: - Vị ngọt của dục: đối tượng của lòng dục là sắc, thinh, hương, vị và xúc khả ái, khả hỷ, khả lạc. Hỷ lạc khởi lên từ đối tượng dục là vị ngọt của đối tượng. - Nguy hiểm của dục: Để thỏa mãn lòng ham muốn vị ngọt của sắc pháp, con người dấn thân vào các sinh kế để tồn tại và phát triển, dấn thân vào đường danh lợi, chịu đựng sự bức ép, quấy nhiễu của thời tiết, sâu bọ... sự mất mát các sở hữu v.v... mà đi vào cạnh tranh, đấu tranh, chiến tranh... đi vào các nguy hiểm dẫn đến tử vong, bất chấp nhân nghĩa... Đây là khía cạnh nguy hiểm của dục. - Sự xuất ly dục: là sự chế ngự lòng ham muốn, tham ái; là sự loại bỏ lòng ham muốn. Tuệ tri được ba khía cạnh trên của lòng dục, con người mới thực sự hiểu rõ dục. Hiểu rõ lòng dục thì mới có thể nêu rõ sự hiểu biết về nó. Về sắc pháp: - Vị ngọt: nhan sắc mỹ diệu của người khác phái, tiêu biểu là nữ giới, là vị ngọt của sắc pháp. - Sự nguy hiểm: bệnh tật, lão suy, vô thường phá hỏng nhan sắc, tử vong là nguy hiểm của sắc pháp. - Chế ngự lòng dục đối với sắc pháp là sự xuất ly khỏi sắc pháp. Về cảm thọ (nội thọ) - Vị ngọt: với vị ngọt của sắc pháp và của lòng dục là vị ngọt của ngoại thọ. Bản kinh 13 chỉ đề cập đến nội thọ. Vị ngọt của nội thọ là sự cảm thọ vô hại, an nhiên, an lạc của các cảnh giới định của Sắc giới. - Sự nguy hiểm: nội thọ là do duyên mà sinh; nó là vô thường, thay đổi, biến hoại. Đây là mối nguy hiểm của nó. - Sự xuất ly: chế ngự, đoạn trừ dục tham đối với nội thọ là sự xuất ly khỏi nó. Khả năng tuệ tri về dục, sắc và cảm thọ, và tuệ tri con đường đoạn trừ dục tham đối với chúng không thể tìm thấy ở ngoại đạo, mà chỉ tìm thấy ở con đường tu tập của Thế Tôn, và các đệ tử của Ngài. III. BÀN THÊM 1. Tuệ tri lòng dục, sắc và cảm thọ là nhận rõ rằng chính trong vị ngọt của chúng đã có mặt mối nguy hiểm và khổ đau. Chính chấp thủ và vô thường là nhân tố hiểm họa của khổ đau ấy. Nói khác đi, sự hiện hữu của dục, sắc, cảm thọ đúng là khổ đau. Như lời dạy: "Năm uẩn là khổ đau", hay như ý tưởng "hữu thân hữu khổ". 2. Lòng dục là thuộc hành uẩn; sắc là thuộc sắc uẩn, cảm thọ là thuộc thọ uẩn; còn tưởng và thức uẩn thì đã hiện diện trong sự tương tác, vận hành của ba uẩn ấy. Thế là, nội dung được trình bày trong kinh số 13 là nội dung mà Đức Thế Tôn đã dạy trong Khổ đế (thuộc Tứ đế) rằng: "Năm uẩn là khổ đau". 3. Kinh nghiệm về khát vọng lòng dục, sắc, cảm thọ ở đời thì hầu như mọi người, và ngoại đạo đều có. Nhưng tuệ tri về chúng, về nguy hiểm, xuất ly chúng và về con đường xuất ly thì chỉ có ở Phật giáo. Đây là điểm khác biệt nền tảng giữa Phật giáo và các tôn giáo, triết thuyết khác. Đây cũng là điểm nói lên giá trị đặc thù của Phật giáo trên đường vào hạnh phúc và chân lý. 4. Rời khỏi Phật giáo, dựa vào các điểm vừa trình bày ở trên, là rời khỏi cái nhìn trí tuệ để thay đổi vận mệnh, con người sẽ tiếp tục cuộc hành trình hưởng thụ dục, sắc và cảm thọ, tiếp tục thân phận khổ đau trôi lăn vào cát bụi mịt mù, tiếp tục hát ru thân phận "đời ta là thế " (c'est la vie). Chỉ cần chuyển đổi nhận thức hướng về sự thật Vô ngã, Duyên khởi, thì nền văn hóa và vận mệnh con người sẽ được cải thiện, khởi sắc. Đó là tiếng nói đích thực của bản kinh dài "Khổ uẩn". -ooOoo- (Nguyệt san Giác Ngộ, số 77, tháng 08-2002) |
[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-02-2003