Hương Vị Pháp Bảo (1) Hương Vị Pháp Bảo Vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu cho một ngày thiền tập, các thiền sinh thường xin thọ trì tam quy và bát quan trai giới. Lời đầu tiên quý vị đọc lên 3 lần là: "Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhasa". Câu nầy có nghĩa như sau: "Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn. Ngài là bậc A La Hán cao thượng, đã chứng quả Chánh Biến Tri, do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy." Hầu như quý vị đọc tụng lời xưng tán trên mỗi ngày trong suốt khóa thiền. Sư đã kể cho quý vị nghe rất nhiều lần rằng những câu kệ tán Phật nầy là một hình thức đã có từ lâu đời kể từ thời đức Bổn Sư còn tại thế. Các Phật tử khi đến đảnh lễ Ngài hoặc tôn tượng Ngài đều đọc tụng câu trên để tỏ lòng tôn kính một bậc Giác Ngộ. Rải rác trong rất nhiều bài kinh khác nhau đều có nhiều hình thức tôn xưng Ðức Phật giống như trên. Sư không thể gom hết mà cũng không thể biết có bao nhiêu lời tán dương Ðức Thế Tôn như vậy. Tuy nhiên hôm nay Sư muốn kể cho quý vị nghe về trường hợp một người đã thốt nhiên đọc lên câu nầy để tán thán oai đức của Ngài cũng như đã tự mình phát nguyện trở thành đệ tử Ðức Phật. Một thuở nọ, Ðức Phật ngụ tại Ðộng Sừng trong rừng Ðại Lâm gần thành Vesali. Lúc bấy giờ có một người Bà-la-môn tên Karanapali đang là giám thị trông coi thợ thuyền xây cất dinh thự cho những người cai quản thành phố này. Ðang lúc làm việc, vị nầy thấy có một người Bà La Môn khác tên là Pingiyani đi từ xa lại. Thấy vẻ mặt hân hoan tự tại của người nầy, Karanapali mới hỏi: "Kính chào hiền giả. Hiền giả từ đâu đến đây vào lúc giữa trưa?." - Tôi vừa từ chỗ của ẩn sĩ Cồ Ðàm đến đây. Karanapali đã từng nghe tiếng Ðức Phật Cồ Ðàm là bậc hiền trí vĩ đại với đầy đủ phẩm hạnh và trí tuệ phi thường. Tuy nhiên muốn biết xem Pingiyani nghĩ gì về Ngài nên mới hỏi: - Nầy hiền giả Pingiyani! Ông có nghĩ rằng ẩn sĩ Cồ Ðàm là bậc hiền trí vĩ đại đã thành đạt sự toàn giác chăng? Pingiyani trả lời: - Tôi là ai mà có thể thấu hiểu được sự vĩ đại và trí tuệ toàn giác của ẩn sĩ Cồ Ðàm chứ! Họa chăng có người nào ngang hàng với Ngài mới có thể thấu hiểu được chuyện ấy mà thôi. Karanapali lập lại câu hỏi của mình và một lần nữa Pingiyani lại trả lời như trên. Nghe như vậy. Karanapali nói: - Qua lời của hiền giả thì ẩn sĩ Cồ Ðàm thật đáng tán dương và tôn kính! Pingiyani bèn trả lời: - Tôi là cái gì mà có thể tán dương, ca tụng ẩn sĩ Cồ Ðàm được! Tôi thật bé nhỏ tầm thường khi đứng trước Ðấng Thế Tôn cao cả! Nhưng thật ra ta cũng chẳng cần ca ngợi hay vinh danh Ðức Phật vì Ngài đã thành tựu và thể hiện vô số phẩm hạnh cao thượng nên tự thân Ngài đã có sự sáng chói uy nghiêm khiến ai gặp cũng phát tâm chiêm ngưỡng bái lạy Ngài. Nghe qua các câu nói thành kính của Pingiyani, Karanapali muốn tìm hiểu xem do đâu vị nầy đã thốt lên những lời tán thán tột bực như vậy: - Thưa hiền giả Pingiyani, ông đã nhận được gì nơi tôn giả Cồ Ðàm mà sau khi gặp Tôn Giả đã khiến tâm ông tràn ngập niềm hoan hỉ và vẻ mặt ông đầy vẻ trong sáng an lạc như vậy? Pingiyani trả lời câu hỏi trên bằng năm tỉ dụ như sau: 1) Khi một người đã nếm hương vị tuyệt diệu thuần khiết nhất trong các hương vị thì người đó không còn thỏa thích khi nếm một hương vị nào khác dù ngọt ngào đến đâu. Cũng dường thế ấy, khi một người đã nghe được những lời Pháp chân thực và vi diệu của ẩn sĩ Cồ Ðàm, dù những lời giảng nầy nằm trong bài kinh dài, những bài kinh có pha lẫn các câu kệ, những bài bình giải hay thông điệp đầy phúc lành thì người đó sẽ không còn thích nghe những lời giảng nào của các vị thầy khác nữa. 2) Cũng giống như một người bụng đang đói mà có được một cái bánh làm bằng mật ong hoặc tráng bên ngoài một lớp mật ong, người ấy ăn một cách ngon lành, thỏa thích với hương vị đậm đà, thơm tho của cái bánh. Cũng dường thế ấy, người nào nghe được Pháp bảo từ ẩn sĩ Cồ Ðàm dù là ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa hay giai đoạn cuối của một bài kinh dài, những bài kinh có pha lẫn các câu kệ, những bài bình giải hay thông điệp đầy phúc lành thì người đó cũng thỏa thích trong từng giai đoạn một và phát sanh tâm hoan hỉ và niềm tin nơi Ðức Phật. 3) Ví như có người đến gần bên một khúc gỗ trầm hương màu vàng hay màu hồng, bất cứ nơi nào mà người ấy ngửi được mùi trầm tỏa ra thơm ngát, từ trên cao, từ khoảng giữa hay từ dưới gốc, vị đó cũng tận hưởng được mùi trầm dịu ngát. Cũng dường thế ấy, bất cứ một điều giảng giải nào mà hành giả nghe được từ kim khẩu Ðức Phật, dù ở đoạn đầu, đoạn giữa hay đoạn cuối, hiền giả cũng sẽ vô cùng thỏa thích và an lạc ngay ở giai đoạn ấy. 4) Ví như một vị lương y giỏi có khả năng chữa lành cho bệnh nhân đang chịu nhiều đau đớn vì cơn bệnh hiểm nghèo. Cũng như vậy, nếu được nghe những lời dạy của Ðức Phật Cồ Ðàm, dù đó là bài kinh dài, những bài kinh có pha lẫn các câu kệ, những bài bình giải hay thông điệp đầy phúc lành thì tất cả những sầu muộn, bi ưu, tuyệt vọng sẽ đều tan biến. Sư mong quý vị đây còn nhớ sự tích của bà Pancatara, một người đàn bà mới sinh nở yếu ớt phải chịu mất chồng, hai con, cha mẹ và người anh chỉ trong vòng một ngày. Bà trở nên điên loạn và được đưa đến gặp Ðức Phật. Sau khi được nghe Ðức Phật giảng dạy về lý vô thường và sự đau khổ của kiếp nhân sinh, bà Pancatara đắc được quả Nhập Lưu. Sau đó bà xin Ðức Phật cho bà được xuất gia, nhập Ni đoàn, tiếp tục tu hành và cuối cùng đạt quả giải thoát. Có một câu chuyện khác về Tể tướng Saneti. Ông ta được vua ban cho tận hưởng lạc thú bảy ngày bảy đêm. Ðến ngày thứ bảy, một vũ nữ mà ông yêu mến nhất đột ngột ngã lăn ra chết. Ông vô cùng đau khổ và tuyệt vọng bèn đến gặp Ðức Phật và được Ngài ban cho một thời pháp. Sau khi nghe xong, ông đạt quả giải thoát. Một câu chuyện khác kể một vị trời sắp hết tuổi thọ, khi biết mình sắp chết và sẽ bị tái sanh vào địa ngục vị trời nầy rất đau khổ và tìm gặp Ðức Phật. Sau khi được nghe pháp, vị trời nầy đạt quả vị Nhập Lưu. Cho nên, Ðức Phật và Phật Pháp được ví như lương y và lương dược có khả năng trị được bệnh sầu muộn, ưu phiền, tuyệt vọng của chúng sinh. 5) Phật Pháp được ví như một hồ nước trong mát có cây cảnh xanh tốt chung quanh. Có người khách lữ hành đường xa bị nắng cháy thiêu đốt, kiệt sức, bẩn thỉu, khô khát. Người nầy bước xuống hồ uống nước tắm gội sạch sẽ, cảm thấy sảng khoái, mát mẻ và tươi tỉnh trở lại. Cũng dường thế ấy, người nào nghe được Pháp bảo từ ẩn sĩ Cồ Ðàm dù là ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa hay giai đoạn cuối của một bài kinh dài, những bài kinh có pha lẫn các câu kệ, những bài bình giải hay thông điệp đầy phúc lành thì người đó sẽ vơi đi những mệt nhọc ưu phiền đang thiêu đốt tâm can. Cho nên những khi quý vị cảm thấy lo âu, khắc khoải, sầu muộn, hãy lắng lòng nghe những lời giáo huấn cao thượng của Ðức Thế Tôn. Quý vị có thể tìm đọc một quyển sách về Phật pháp để giải tỏa đi những căng thẳng, khủng hoảng về tâm thần. Như quý vị thấy ở đây, Pingiyani chỉ mới được nghe và suy tư về Phật pháp chứ chưa bước chân vào việc thực hành Giáo Pháp mà còn cảm thấy an lạc và hạnh phúc đến như vậy. Nếu ông biết thực hành những lời dạy của Ðức Phật thì còn được hưởng bao nhiêu lợi lạc hơn nữa do Giáo Pháp mang lại. Giáo Pháp được giảng giải một cách hoàn hảo có nghĩa là Giáo Pháp tốt đẹp ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.
Như vậy Giáo Pháp cống hiến sự tốt đẹp cho những ai biết lắng nghe Giáo Pháp, chịu thực hành Giáo Pháp và cuối cùng là đạt kết quả do việc thực hành đem lại. Nhiều người có thói quen là mỗi khi bị ưu phiền, họ tìm đọc sách Phật và hầu hết các Phật tử đều thích đọc kinh Pháp Cú. Họ thường mang theo quyển kinh nầy bên mình để đọc khi có thời giờ rảnh rỗi bởi vì những lời Phật dạy trong kinh nầy đều rất dễ hiểu, thực tế mà cô đọng, sâu sắc. Mỗi lần đọc là tâm hồn tìm được sự sung sướng, bình an và tĩnh lặng. Những gì Ðức Phật dạy đều nhằm làm cho tâm trong sạch và tỉnh lặng, đem lại nguồn hạnh phúc cho ai chịu lắng nghe và thực hành những gì đã được nghe. Khi nghe Pingiyani nói như vậy, Karanapali nhảy tưng lên khỏi mặt đất, phất chiếc áo của mình lên khỏi vai và quỳ xuống chấp hai tay trước ngực hướng về nơi Ðức Phật đang cư ngụ, cúi đầu đảnh lễ và thốt lên lời tụng "Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa". Pingiyani cũng quá đỗi vui mừng trước việc nầy. Ông đứng lại sắp xếp y phục như một nhà sư, vai phải bày ra, quỳ gối xuống đất, chấp hai tay trước ngực và cũng đọc lên câu:
Khi đảnh lễ Ðức Phật và đọc lên lời xưng tán nầy là chúng ta bày tỏ lòng tôn kính cùng ca ngợi ba trong chín phẩm tính nơi Ðức Phật đã được ghi đầy đủ trong các bài kinh. Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu nầy:
Sau khi đảnh lễ Ðức Phật, Karanapali nói với Pingiyani: "Lành thay! Nầy hiền giả Pingiyani, như một người đã sửa lại ngay ngắn một vật đã bị ngã đổ, như người đi lạc đường đã tìm được nẻo ra, như một người có đèn cầm trong tay để soi sáng trong đêm tối cho những ai có mắt muốn thấy rõ mọi sự vật. Phật Pháp đã được Ðức Phật ban trải ra cùng khắp và được Pingiyani làm sáng tỏ. Tôi từ nay trở đi nguyện nương nhờ nơi Ðức Phật, sống và làm theo những gì Ngài đã chỉ dạy." Những lời tương tự như trên thường được tìm thấy trong các bài kinh mỗi khi có người nào bày tỏ lòng hoan hỉ và tôn kính của mình đối với Ðức Phật sau khi nghe được pháp bảo từ Ðức Phật hoặc từ một người nào khác. Sau khi Pingiyani thốt lên lời ca tụng Ðức Phật và Pháp, ông quyết đi ngay đến Ðức Phật để xin quy y với Ngài và trở thành một Phật tử. Hình thức quy y như vậy đã có từ thời Ðức Phật. Câu đầu tiên của người xin quy y là câu tụng "Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhassa" để xin được làm đệ tử Phật đến trọn đời. Quy y Tam Bảo có nghĩa là hiểu biết rõ ràng Phật, Pháp, Tăng là nơi mà ta trở về để nương tựa, nói cách khác ta xem Tam Bảo là bậc thầy ưu tú nhất, là người hướng đạo giỏi nhất dìu dắt ta trên con đường phát triển tâm linh. Quy y Tam Bảo không có nghĩa ký thác mình cho Phật, Pháp, Tăng để được cứu độ, để được Giác ngộ, giải thoát mà là xem Phật, Pháp, Tăng là bậc thầy chỉ dạy ta để đi đến Giác ngộ, giải thoát. Nhưng quy y Tam Bảo chỉ là hành động trong giai đoạn đầu để trở thành đệ tử của Ðức Phật. Tiếp theo đó, người Phật tử phải hành trì theo con đường Giới-Ðịnh-Tuệ để đạt mục đích cuối cùng là Giác ngộ, giải thoát, chấm dứt khổ đau. Quý vị đã từng nghe, từng học rất nhiều lời dạy của Ðức Phật, Sư hy vọng quý vị đã tìm được niềm an lạc hoan hỉ trong nội tâm. Ngoài ra nhờ biết hành thiền Minh Sát quý vị sẽ đạt được hỉ lạc và thanh tịnh từ Pháp bảo do công phu thiền tập đem lại. Cuối cùng khi quý vị đạt Giác ngộ quý vị sẽ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc cao thượng nhất của sự giải thoát. Ðó là điều cao diệu nhất của kiếp nhân sinh. Ðức Phật có khuyên là "Các con phải tự mình nỗ lực. Như Lai chỉ là vị thầy chỉ dạy mà thôi. Những ai trên bước đường Giác ngộ, tu tập theo Bát Chánh Ðạo thì người ấy từng bước xa lìa tội lỗi, thoát ra khỏi mọi phiền não dần dần đoạn trừ hết các ô nhiễm trong tâm". Như vậy muốn tâm thật sự được trong sạch và tĩnh lặng thì việc nghe, học Giáo Pháp không thôi chưa đủ, ta phải quyết tâm hành trì những gì đã thấu hiểu từ những lời dạy cao quý của Ðức Phật. Ta không nên tự thỏa mãn với chính mình vì có kiến thức cao, rộng về Phật Pháp mà phải quyết đặt mục đích tối thượng của kiếp sống mình là sự Giác ngộ và giải thoát bằng con đường Giới Ðịnh Tuệ mà pháp môn thiền quán là trọng yếu. Cầu mong cho quý vị tiếp tục bước theo dấu chân của Ðức Bổn Sư, luôn luôn vững bước trên con đường Bát Chánh Ðạo nầy. Hãy cố gắng thực tập thiền quán không ngừng nghỉ để gạn sạch hết mọi bợn nhơ trong tâm và sớm thành đạo quả, chấm dứt tất cả khổ đau ngay trong kiếp sống nầy. SADHU! SADHU! SADHU! |
[Thư Mục chính] | Last updated: 08-06-2000 |
Web
master: binh_anson@yahoo.com |