BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hỏi Hay, Ðáp Ðúng (Good Question, Good Answer)

Bhikkhu Shravasti Dhammika
Ðại đức Thích Nguyên Tạng dịch Việt


  

[05]

Tái sinh

Hỏi: Con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Ðáp: Có ba câu trả lời có thể giải đáp câu hỏi này. Nhiều người tin vào một Thượng đế hay thần linh thì cho rằng trước khi một con người được sinh ra, con người không hiện hữu, rồi người ấy được sinh ra qua ý định của Thượng Ðế. Trong đời sống con người tùy theo tín ngưỡng và hành động mà người ấy sẽ được lên thiên đàng vĩnh hằng hay đọa lạc nơi điạ ngục vĩnh viễn. Các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, các nhà khoa học đã tuyên bố rằng con người xuất hiện từ những nguyên nhân tự nhiên, sống rồi chết, sự hiện hữu ấy không ngừng. Phật giáo không thừa nhận những lối giải thích này. Lời giải thích thứ nhất gặp nhiều vấn đề về đạo đức. Vì nếu có một vị Thượng Ðế tốt tạo ra mỗi chúng ta, điều đó thật khó giải thích tại sao có quá nhiều người khi mới sinh ra bị dị dạng đến ghê tởm, hay tại sao có quá nhiều đứa trẻ sẩy thai trước khi sinh. Những vấn đề khác với lời giải thích của thuyết hữu thần dường như rất bất công, rằng một người sẽ phải chịu đau khổ vĩnh viễn trong địa ngục do vì những tội lỗi anh ta đã tạo ra trong vòng sáu mươi hay bảy mươi năm trên đời này. Sáu mươi hay bảy mươi năm của một đời người không có tín ngưỡng và vô đạo đức thì không đáng để chịu những hình phạt vĩnh viễn như vậy. Cũng thế, sáu mươi hay bảy mươi năm của một người có tín ngưỡng và đạo đức chỉ là một kết quả nhỏ đâu thể có một cuộc sống sung sướng vĩnh viễn ở trên thiên đàng. Cách giải thích thứ hai khá hơn cách thứ nhất và có nhiều chứng cứ khoa học hơn để hỗ trợ cho điều đó, nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi quan trọng trên. Làm sao một hiện tượng quá phức tạp đến ngạc nhiên khi ý thức có thể phát triển từ một cuộc tiếp xúc đơn giản của hai tế bào, tinh trùng và trứng? Và hiện nay theo khoa cận tâm lý được thừa nhận là một phần của khoa học, hiện tượng đó giống như thần giao cách cảm tạo ra khó khăn để thích hợp với khuôn mẫu thiên về của tư tưởng duy vật.

Phật giáo đã cung cấp lời giải thích thỏa đáng nhất về việc con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu. Khi chúng ta chết, thần thức, với tất cả những khuynh hướng sở thích, tài năng và tính tình có sẵn và tùy thuộc vào đời sống này, chính nó sẽ tái thiết lập ở trong trứng thụ tinh. Như vậy, một cá nhân trưởng thành, là sự tái sinh và sự phát triển nhân cách, được quy định bởi hai yếu tố tính chất tinh thần trong quá khứ và môi trường sống mới. Nhân cách sẽ thay đổi và sẽ được bổ sung bởi những nỗ lực của ý thức và những yếu tố trong sinh hoạt như giáo dục, ảnh hưởng của cha mẹ và xã hội và một lần nữa cái chết xảy ra, rồi chính nó lại tự tái lập trong một trứng thụ tinh mới. Tiến trình sinh tử, tử sinh này sẽ tiếp tục lập đi lập lại cho đến khi tham ái và vô minh đoạn diệt. Khi một người làm được như thế, thay vì tái sinh thì tâm của họ đạt được một trạng thái, được gọi là Niết bàn và đó là mục đích tối hậu của đạo Phật và cũng là mục tiêu của cuộc sống.

Hỏi: Làm thế nào thần thức có thể đi từ thân xác này đến một thể xác khác?

Ðáp: Cứ nghĩ là nó giống như làn sóng của máy radio. Làn sóng máy phát thanh không phát đi không bằng lời nói và âm nhạc mà từ năng lượng theo những tần số khác nhau và được truyền đi qua không gian, rồi được tiếp nhận bởi máy thu thanh với lời nói và âm nhạc như ở nơi nó được phát đi. Ðiều này ví như tâm thức vậy. Khi chết, năng lực tinh thần của con người đi qua không gian, rồi bị cuốn hút và được đón nhận bởi một trứng thụ tinh. Khi bào thai phát triển, chính thần thức tập trung ở não bộ nơi mà về sau "đài phát thanh" này được xem như một cá nhân mới.

Hỏi: Có phải con người thường tái sinh trở lại kiếp người không?

Ðáp: Không. Có nhiều cõi giới mà con người sẽ có thể tái sinh. Có người tái sanh lên cõi trời, có người tái sanh xuống địa ngục, có người tái sanh làm quỷ đói..v.v... Cõi trời không phải là nơi chốn nào đó mà là một trạng thái hiện hữu trong con người mang thân xác và tâm hồn phần lớn trải qua sự vui sướng. Một số tôn giáo cố gắng để được đầu thai vào cõi trời (thiên đàng) và thật là lầm lẫn tin rằng đó là nơi vĩnh hằng. Kỳ thật không phải vậy. Giống như tất cả điều kiện nhân duyên, thiên đàng vẫn phải chịu sự đổi thay và thọ mạng người ấy sẽ chấm dứt, vị ấy có thể tái sinh trở lại kiếp người. Ðịa ngục cũng thế, không có một chỗ nào đó rõ ràng mà chỉ là một trạng thái hiện hữu nơi mỗi con người mang hình dạng vi tế và tư tưởng chủ yếu luôn trải qua trong sầu khổ và lo âu. Ngạ quỷ, một lần nữa cho ta thấy cũng chỉ là một trạng thái hiện hữu với thân xác và tâm thức liên tục bị cấu xé bởi những tham ái và không như ý.

Như vậy, chúng sanh ở thiên đàng phần lớn trải qua sự vui sướng, chúng sanh ở địa ngục và ngạ quỷ thường trải qua sự khổ đau cùng cực, và cõi người thì lẫn lộn với hai trạng thái này: khổ và vui. Như thế, chỗ khác nhau chính yếu giữa cõi người và cảnh giới khác là ở chỗ hình dạng thân xác và tính chất thọ báo.

Hỏi: Cái gì quyết định cho việc tái sinh?

Ðáp: Ðó là yếu tố tối quan trọng nhất, nhưng không phải cái duy nhất ảnh hưởng nơi ta sẽ được tái sinh và cuộc sống ta sẽ có thuộc loại nào, đó là nghiệp (karma). Nghiệp nghĩa là hành động có liên hệ tới những hành động có tác ý. Nói cách khác, những gì chúng ta đã quyết định là do chúng ta đã nghĩ và hành động trong quá khứ. Cũng thế, bây giờ chúng ta nghĩ và hành động thế nào thì nó sẽ ảnh hưởng đến ta như thế ấy trong tương lai

Hạng người hiền lành, từ ái thì có khuynh hướng tái sinh vào thiên đàng hoặc cõi người có ưu thế được hạnh phúc. Hạng người hay sầu lo, đau khổ và độc ác có xu hướng rơi vào địa ngục hoặc tái sinh vào kiếp người trong hoàn cảnh khổ đau. Hạng người bị ám ảnh về tham ái, thèm khát mãnh liệt có khuynh hướng tái sinh vào loài ma đói hoặc sinh làm người luôn thất vọng bởi sự thèm muốn và khát vọng của họ. Nói chung, bất cứ một thói quen tinh thần nào phát triển một cách mạnh mẽ ở đời này, sẽ tiếp tục có mặt ở đời sau , tuy nhiên, phần lớn người ta đều tái sinh vào kiếp người.

Hỏi: Như thế chúng ta không bị nghiệp chi phối, chúng ta có thể thay đổi được nó chăng?

Ðáp: Cố nhiên chúng ta có thể. Ðó là một trong những tầng bậc củaBát Chánh Ðạo, là Chánh Tinh Tấn. Nhưng còn tùy thuộc vào sự nhiệt tâm, nghị lực và thói quen của chúng ta nữa. Quả thật, có một số người đơn giản đã trải qua cuộc sống của họ dưới sự ảnh hưởng nặng nề của thói quen quá khứ, mà không cố gắng để chuyển hóa chúng nên trở thành nạn nhân cho những hậu quả khổ đau. Người như vậy sẽ tiếp tục khổ đau cho đến khi nào họ chịu thay đổi những thói hư tiêu cực của họ. Bao lâu những thói quen tiêu cực còn tồn tại thì việc thay đổi chúng càng khó bấy nhiêu. Người Phật tử biết rõ điều này và tận dụng mọi cơ hội để loại bỏ những thói quen tiêu cực của tinh thần và phát triển những thói quen tinh thần thuộc về kết quả hạnh phúc. Thiền định là một trong những kỹ thuật làm giảm bớt những thói quen đã định hình trong quá khứ của ta như nói năng hay chế ngự nói năng hoặc hành động hoặc chế ngự hành động. Ðời sống của người người Phật tử là rèn luyện, thanh lọc tâm, và giải thoát. Chẳng hạn, nhẫn nhục và từ bi là một phần rõ ràng trong cá tính của bạn ở kiếp trước, những cá tính ấy sẽ tái xuất hiện ngay trong đời này. Nếu nó mạnh mẽ và được phát triển trong đời này thì chúng sẽ có mặt, thậm chí còn mạnh hơn và rõ rệt hơn ở những kiếp sau. Ðiều đó căn cứ trên sự kiện đơn giản và dễ dàng quan sát rằng những thói quen hình thành lâu đời thì có khuynh hướng khó thay đổi..

Hiện tại, nếu bạn là một người nhẫn nhục và từ bi, rõ ràng và chắc chắn là bạn sẽ không dễ bị người khác quấy nhiễu, bạn không có ác cảm với người, mọi người đều thích bạn và như thế bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

Bây giờ xem xét một ví dụ khác, hãy cho là bạn sinh ra với cá tính nhẫn nhục và tử tế, vì đó là thói quen tinh thần của bạn có từ kiếp trước. Nhưng trong đời này, bạn lãng quên việc phát triển những thói quen ấy. Chúng sẽ dần dần yếu đi, mất hẳn và có lẽ hoàn toàn không còn nữa trong tương lai. Kiên nhẫn và tử tế trong trường hợp này đã yếu đi, có thể hoặc đời này hoặc đời sau, nóng tánh, sân hận và độc ác, có thể được hình thành và phát triển trong bạn mà chính nó sẽ mang đến cho bạn những sầu muộn và khổ đau.

Ta hãy xem một ví dụ khác, vì thói quen tinh thần từ kiếp trước nên trong đời sống hiện tại bạn có khuynh hướng hay cáu gắt, nóng giận và khi bạn nhận ra những thói quen ấy chỉ làm cho bạn khổ đau và như thế bạn cố gắng hóa giải chúng. Bạn thay thế chúng bằng những cảm xúc tích cực. Nếu bạn có thể loại bỏ chúng hoàn toàn thì có thể với nỗ lực bạn có, bạn sẽ tự tại trước những cơn nóng giận và thất vọng. Nếu bạn chỉ có thể làm cho những khuynh hướng ấy yếu đi thì chúng sẽ tái xuất hiện trong đời sau, nếu bạn nỗ lực hơn nữa thì chúng có thể bị đoạn tận và bạn sẽ được giải phóng khỏi những hậu quả bất an của chúng.

Hỏi: Bạn đã nói nhiều về tái sinh, nhưng có bằng chứng để biết là chúng ta tái sinh khi chúng ta qua đời?

Ðáp: Không những chỉ có chứng cứ khoa học xác minh cho tín ngưỡng Phật giáo về tái sinh mà còn có lý thuyết về đời sống sau khi chết và có bằng chứng để hổ trợ việc này. Không có một dấu hiệu nào để chứng minh sự hiện hữu của thiên đàng và cố nhiên chứng cứ hủy diệt vào lúc chết cũng không có. Tuy nhiên trong suốt 30 năm qua, các nhà nghiên cứu về tâm đã xem xét một số người có trí nhớ sâu xa về kiếp trước của họ. Chẳng hạn như ở Anh quốc, một bé gái năm tuổi, nói rằng em có thể nhớ đến "cha mẹ khác" của em và em nói chuyện một cách sống động về một đời sống của một người khác. Các nhà nghiên cứu tâm lý được mời đến và họ hỏi em hàng trăm câu hỏi và được em trả lời hết tất cả. Em đã nói về cuộc sống ở một ngôi làng đặc biệt thuộc nước Tây Ban Nha, em cho biết tên ngôi làng và tên đường phố nơi em sống, tên của những người láng giềng và nhiều chi tiết khác về cuộc sống hàng ngày ở đó. Em đã rơi nước mắt khi cho biết em đã bị xe đụng, bị thương và qua đời hai ngày sau đó. Những chi tiết này sau đó được kiểm chứng, người ta thấy sự kiện rất chính xác. Quả thật có một ngôi làng như thế ở Tây Ban Nha với cái tên mà em bé năm tuổi đã cung cấp. Có ngôi nhà mà theo kiểu em bé đã mô tả nằm trên con đường mà em bé đã cho biết tên. Người ta còn tìm ra ngôi nhà của một phụ nữ 23 tuổi đã chết vì tai nạn xe hơi cách đó năm năm. Làm sao một em bé năm tuổi đang sống ở Anh quốc, chưa từng đến Tây Ban Nha mà lại biết hết tất cả những chi tiết ấy? Và tất nhiên, đó không phải là trường hợp duy nhất về tái sinh. Giáo sư Ian Stevenson thuộc phân khoa tâm lý trường đại học Virginia, Hoa Kỳ, đã mô tả hàng chục trường hợp tái sinh trong cuốn sách (1) của ông. Ông Ian Stevenson, một nhà khoa học uy tín với hơn 25 năm nghiên cứu về những người có trí nhớ về đời sống quá khứ là một chứng cứ rất vững chắc cho những lời đạo lý Phật giáo về vấn đề tái sinh.

Hỏi: Một số người cho rằng khả năng nhớ về kiếp trước là công việc của ma quỷ?

Ðáp: Bạn không thể đơn giản bỏ qua những gì không phù hợp với đức tin của mình như chuyện của ma quỷ. Nếu bạn muốn phản bác vấn đề ma quỷ là phi lý và mê tín, bạn phải dùng lý lẽ hợp lý để hổ trợ cho ý kiến mình đưa ra

Hỏi: Bạn nói bàn thảo về ma quỷ là mê tín, còn nói về tái sinh không phải là mê tín sao?

Ðáp: Từ điển định nghĩa từ "mê tín" là "một niềm tin không được đặt trên sự kiện hay trên lý trí mà chỉ là sự kết hợp của các ý tưởng, như là phép lạ". Nếu bạn có thể chỉ rõ cho tôi thấy từ một cuộc nghiên cứu thận trọng về sự hiện hữu của ma quỷ được một nhà khoa học ghi chép thì tôi sẽ thừa nhận rằng tin vào ma quỷ không là mê tín. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy bất cứ một cuộc nghiên cứu nào về ma quỷ cả, đơn giản là các nhà khoa học không bận tâm nghiên cứu những việc như vậy. Vì thế tôi xin nói không có bằng chứng nào cả về sự hiện hữu của ma quỷ. Tuy nhiên như chúng ta được biết, đã có chứng cứ xem như ủng hộ cho thuyết tái sinh. Vì vậy, nếu tin tưởng có việc tái sinh ít ra nó cũng căn cứ trên vài dữ kiện, nên không thể xem là mê tín được.

Hỏi: Thôi được, vậy đã có nhà khoa học nào tin vào thuyết tái sinh không?

Ðáp: Có, ông Thomas Huxley, người có công đưa khoa học vào hệ thống giáo dục của Anh ở thế kỷ thứ 19 và là nhà khoa học đầu tiên bảo vệ luận thuyết của Darwin, ông tin rằng tái sinh là một khái niệm hợp lý. Trong cuốn sách nổi tiếng "Sự Tiến Hóa, Ðạo Ðức học và những bài luận khác" , ông nói:

Trong học thuyết luân hồi, bất kể nguồn gốc nó là gì, theo sự nghiên cứu Phật giáo và Bà La Môn giáo, đã cung cấp những dữ kiện để chứng minh hợp lý về hoạt động của vũ trụ đến con người.... Tuy lý lẽ này không đáng tin hơn những lý thuyết khác và không ai ngoài những người suy nghĩ vội vàng sẽ phản bác vì cho đó là chuyện vô lý. Giống như học thuyết tiến hóa, thuyết tái sinh có nguồn gốc từ thế giới hiện thực; và điều đó có thể xác thực như là một lý luận mạnh mẽ có đủ khả năng đáp ứng.

Thêm nữa, Giáo sư Gustal Stromberg, một nhà thiên văn học và vật lý học, người Thụy Ðiển và là bạn thân của nhà khoa học Einstein cũng tìm thấy khái niệm về tái sinh:

Có nhiều quan niệm khác nhau về linh hồn con người hoặc có thể tái sinh trên đời hay không. Vào năm 1936, một trường hợp thú vị đã được những viên chức của chính phủ Ấn Ðộ kiểm tra và được báo cáo lại. Một bé gái (tên Shanti Devi ở Delhi) có thể mô tả chính xác về đời sống trước đây của em (ở Muttra cách Delhi khoảng năm trăm dặm). Em đã qua đời tại nơi đó rồi tái sinh lần thứ hai. Em cho biết tên của người chồng, người con và mô tả ngôi nhà cũng như lai lịch về cuộc đời em. Một ủy ban điều tra đã đưa em đến thăm người thân trong kiếp trước để xác minh lại lời trình bày của em. Trong số những người tái sinh ở Ấn Ðộù được xem như chuyện bình thường, nhưng trong trường hợp này đã làm cho người ta ngạc nhiên vì bé gái này đã nhớ rất nhiều về những sự kiện đã qua. Trường hợp này và còn nhiều chuyện tương tự khác có thể thêm vào bằng chứng cho học thuyết ký ức không thể hủy diệt.

Giáo sư Julian Huxley, một khoa học gia nổi tiếng người Anh , là tổng giám đốc tổ chức UNESCO (2) tin rằng tái sinh hoàn toàn phù hợp với quan điểm của khoa học:

Không có gì ngăn cản sự thường còn của một linh hồn cá nhân sau khi chết giống như một thông điệp vô tuyến được truyền đi trong một hệ thống truyền thông đặc biệt. Nhưng phải nhớ rằng thông điệp chỉ trở thành một thông điệp khi nó tiếp xúc với một cơ cấu phù hợp mới nơi nhận. Vì thế với sự phát ra linh hồn của ta có thể cũng như thế. Việc này không bao giờ cảm nhận hay nghĩ đến trừ khi được "hiện thân" trong một vài trường hợp. Nhân cách của ta dựa vào thân xác mà có nên không thể nghĩ rằng sự sống còn sẽ là những cảm giác thuần túy mà không cần có thân xác. Tôi có thể nghĩ rằng linh hồn được thoát ra chịu đựng sự liên hệ giữa nam và nữ như bức thông điệp truyền đi tới máy thu thanh. Nhưng trong trường hợp đó "cái chết" hãy còn xa để có thể thấy được, như không có gì nhưng sự rối loạn của những mô thức khác lang thang trong khắp vũ trụ đến khi ... họ ...trở lại với thực tại của ý thức để tiếp xúc với sự vận hành như bộ máy thu của tâm thức.

Ngay cả những người thực tế hiện nay như nhà công nghiệp Mỹ, Henry Ford đã chấp nhận quan niệm về tái sinh. Ông Ford bị thuyết tái sinh lôi cuốn vì nó không giống như quan niệm hữu thần hay thuyết duy vật, tái sinh cho bạn thêm cơ hội thứ hai để tự thăng hoa chính mình. Ông Henry Ford nói:

Tôi chấp nhận thuyết tái sinh lúc tôi hai mươi sáu tuổi. Tôn giáo không giúp tôi được gì cả. Ngay cả công việc cũng không làm tôi hài lòng. Công việc sẽ trở nên vô vị nếu chúng ta không thể dùng kinh nghiệm được tích lũy trong đời này cho đời sau. Khi tôi khám phá thuyết tái sinh dường như tôi đã tìm thấy một kế hoạch phổ quát. Tôi thấy mình có cơ hội để thực hiện những dự án của mình. Thời gian không còn giới hạn nữa. Tôi không còn lệ thuộc vào thời gian nữa.... Thiên tài là kinh nghiệm. Dường như có người nghĩ đó là thiên phú hay tài năng , nhưng nó chỉ là kết quả của kinh nghiệm dài lâu từ nhiều kiếp. Linh hồn của vài người già hơn những người khác, nên họ hiểu biết nhiều hơn.... Việc khám phá ra thuyết tái sinh làm cho tôi yên tâm... Nếu bạn gìn giữ bản ghi chép cuộc đàm thoại này, hãy viết nó ra để làm cho tâm trí mọi người được thoải mái. Tôi muốn truyền đạt tới mọi người sự an lạc mà tầm nhìn lâu dài của cuộc sống đã trao cho chúng ta.

Như vậy giáo lý Phật giáo về tái sinh có chứng cớ khoa học hỗ trợ. Thuyết này trước sau đều hợp lý và nó đủ giải tỏa những nghi vấn mà các thuyết hữu thần và duy vật không làm được. Ngoài ra thuyết tái sinh cũng an ủi ta. Có gì tệ hơn một học thuyết sinh tồn mà không cho bạn có cơ hội thứ hai, không có cơ hội để sửa chữa những sai lầm bạn làm trong kiếp này và không có thời gian để phát triển năng khiếu và kỷ năng nhiều hơn mà bạn đã được giáo dục trong đời này. Nhưng theo Ðức Phật, nếu bạn không chứng đắc Niết bàn trong kiếp này, thì bạn sẽ có cơ may cố gắng ở kiếp sau. Nếu bạn phạm sai lầm trong đời này thì bạn có thể sửa chữa trong đời sau. Bạn có thể sẽ thành thật xem lại những sai lầm của mình. Ðiều bạn không thể làm hay đạt được trong kiếp này thì có thể hoàn tất trong đời kế tiếp. Thật là một giáo lý tuyệt vời.


(1) "Twenty cases suggestive of reincarnation and cases of Reincarnation Type" (Hai mươi trường hợp tái sanh gợi ý và những trường hợp tái sinh tiêu biểu , do University Press of Virginia, Charlotteville, Hoa Kỳ xuất bản năm 1975)

(2) United Nations Educational Scientific and Cultural Organisation (Tổ chức giáo dục, khoa học, và văn hóa của Liên Hiệp Quốc),

-oOo-

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07| 08 | 09 | 10 | Mục lục


[Trở về trang Thư Mục]

update:05-11-2000