đây
trình bày tổng quát về nguyên tắc thực hành Tỳ Ni, tác dụng của Tỳ Ni;
các cấp độ tu tập Tỳ Ni; và tinh thần giáo dục của Tỳ Ni.
1. Tác dụng và nguyên tắc thực hành Tỳ Ni:
Tỳ Ni trình bày 45 bài kệ cho các hành động tiêu biểu trong ngày.
Có một số việc chỉ thỉnh thoảng xẩy ra như xem bệnh, cạo tóc
.v.v...Các bài kệ luôn luôn hướng dẫn tâm người Sa Di đến hai
trọng điểm:
- Nuôi dưỡng tâm giải thoát khỏi tham, sân, si của tự thân
- Nuôi dưỡng lòng từ bi, mong cứu độ tất cả ra khỏi mọi cấu uế của
tâm.
Cách hành Tỳ Ni được thực hiện là để thay thế tập quán đầy
sai lầm và vọng động của quá khứ tự thân người xuất gia, để ngưng
tụ dần niệm lực và định lực, và để gây ý thức trở về
nương tựa mình và nương tựa Pháp (Thiền quán vô ngã, vô thường).
Ðể đạt được kết quả trên, người Sa Di, dù là người yếu
kém trí nhớ nhất, không phải học thuộc lòng các bài kệ và đọc
lên các bài kệ ấy trong mỗi cử động, mà chỉ cần nhớ và thực
hiện rằng:
Bất cứ một cử động nào của thân (hay của ý) trong ngày, đều khởi
niệm mong loại bỏ tham, sân, si của tự thân và của mọi người ra khỏi
cử động ấy và ra khỏi tâm.
Nói gọn và cụ thể hơn: chỉ cần nhớ khởi niệm loại bỏ tham,
sân, si ra khỏi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý trong tất cả các thời; và
mong tất cả chúng sinh làm được như vậy.
Cụ thể như:
- Khi đi máy bay thì khởi niệm: Mong tất cả đi nhanh ra khỏi tham, sân,
si để sớm qua bờ giác.
- Khi thổi cơm thì mong tất cả đốt cháy tham, sân, si sớm thuần thục giải
thoát.
- Khi đọc sách thì mong tất cả phát triển văn, tư, tu, thành tựu
trí tuệ như thật.
- Khi bửa củi thì mong tất cả sớm phá vỡ vô minh.
- Khi nhìn mây trôi, hoa rụng,v.v... thì mong tất cả ngộ vô thường mà đạt
đạo giải thoát.
- Khi nghe thuyết giảng thì mong tất cả phân biệt rõ khổ đau và
giải thoát, tỏ ngộ thật pháp.
- Khi buồn, giận, v.v..., mong tất cả giác tỉnh mọi pháp hữu vi đều
không thật, không phải là ta, không phải của ta, không phải là tự ngã của
ta, mà đi nhanh ra khỏi sinh tử, v.v...
Tựu trung, tất cả niệm khởi đều nhắm vào giải thoát khỏi tham,
sân, si của mình và người, vào tự độ và độ tha:
a) Tự độ: thường nuôi dưỡng giác tỉnh về vô ngã, vô thường và khổ
đau mà xa lìa các lậu hoặc.
b) Ðộ tha: khởi niệm đại bi mong tất cả làm được như thế.
2. Cấp độ khác nhau trong việc hành Tỳ Ni nhật dụng:
Có thể có nhiều cấp độ cao thấp, sâu cạn khác nhau giữa những
người hành Tỳ Ni, như là:
- Với căn cơ thấp, hành tỳ ni chỉ là việc huấn luyện tâm đi vào
một tập quán sống mới thiện lương hơn.
- Với căn cơ bậc trung, thì hành tỳ ni là hành chú tâm, tỉnh giác và
nuôi dưỡng lòng từ.
- Với căn cơ thông lợi, hành tỳ ni là hành Giới - Ðịnh - Tuệ, là
hành thiền chỉ và thiền quán trong bốn oai nghi, và nuôi dưỡng Bồ tát
hạnh.
Phương chi, người đời gọi cửa chùa là cửa Thiền hay cửa Từ (từ
bi). Thiền định và từ bi là công hạnh chính của người tu tập giải thoát
vậy.
3. Tinh thần giáo dục của Tỳ Ni:
Tỳ ni giúp người Sa Di tự huấn luyện tinh thần tự giác, tự tri, tự
trách nhiệm, sự chú tâm, lòng từ ái và thái độ sống thanh thản chấp
nhận đời sống đang là.
- Tinh thần tự tri tự giác:
Người Sa Di nắm vững lời khai tâm của nhà chùa, "trở về nương
tựa mình và nương tựa Pháp, và hãy tự nỗ lực"; từ đó theo dõi
các hành động của thân, khẩu, ý; làm chủ tâm mình hướng về sự
tỉnh giác vô ngã và lòng từ vô hạn để đi dần ra khỏi khổ đau, và
giúp người khác đi dần ra khỏi khổ đau.
- Tinh thần tự trách nhiệm:
Công phu hành tỳ ni là công phu theo dõi và kiểm soát tâm mình.
Việc này tự thân trách nhiệm về tự thân; thầy và các huynh
trưởng, các đồng phạm hạnh chỉ là trợ duyên nhắc nhở, chỉ đường. Ai khác
có thể kiểm soát công phu âm thầm ấy?
Vì vậy, tỳ ni đòi hỏi người tu tự nguyện chịu trách nhiệm về
tự thân trên mọi hành vi của đời sống.
- Tinh thần giáo dục năng lực chú tâm:
Theo dõi tâm qua từng cử chỉ hằng ngày là cách tu tập sự chú tâm, tập
trung tư tưởng vào "con đường". Chú tâm là công phu căn bản đưa
đến định và tuệ. Từ định và tuệ, người Sa Di sẽ bắt gặp các
niềm hân hoan, hỷ, lạc, và giải thoát.
Khi năng lực chú tâm vào một đối tượng trở nên mạnh mẽ, ổn cố, thì
đấy là định tâm. Khi tâm vững trú vào thiền quán vô ngã, thì đấy là
tuệ tâm.
Năng lực chú tâm và tỉnh giác trên là linh hồn của thiền định Phật
giáo cần thiết cho mọi người tu tập (gồm những Phật tử tại gia)
để phát triển Giới - định - Tuệ.
- Giáo dục lòng từ ái, vị tha:
Tất cả niệm khởi mong cầu an lạc giải thoát cho chúng sinh đều là
hình thức nuôi dưỡng và phát triển lòng từ ái, vị tha (hay gọi là
từ bi).
Lòng từ ái, vị tha có công năng dẹp bỏ tâm sân hận, chấp ngã, vị
kỷ. Ðấy là công phu tháo gỡ các phiền não sinh khởi từ chấp thủ, vị
ngã và sân hận.
Tinh thần giáo dục đó tốt cho cả người đời
- Giáo dục thái độ sống chấp nhận thực tại, thanh thản:
Nếp sống nhà chùa rất thực, tập trung vào đương niệm, nên mọi
việc đều trôi qua nhẹ nhàng mỗi ngày. Các tư duy vô bổ về
quá khứ và vị lai (tiếc nuối quá khứ, mơ ước tương lai) gây sự rối
loạn tâm lý sẽ không có đất đứng trong tâm lý của người tu trong
hướng sống hành thuần thục tỳ ni nầy.
Con đường đi vào thực tại trước hết phải đi vào đương niệm;
sau đó là giác tỉnh vô ngã, vô tham và vô sân. Ở đó, có mặt của vĩnh
cửu, của thực tướng, khi tâm tập trung và giác tỉnh mạnh.
Cuộc sống sẽ không còn gì được giấu kín, trừ ra bị tự ngã che khuất.
Bí mật của cuộc đời chỉ còn lại trong dục vọng và trong tư duy hữu ngã.
Nhận thức rõ ràng về điều đó thì người tu sẽ sống an lạc mỗi
ngày như mọi ngày. Ðây là kết quả mà mọi cuộc phấn đấu của con
người nhắm đến.
Nội dung của chương Tỳ Ni nhật dụng vừa được giới thiệu nói lên rõ
nếp sống nhà chùa là nếp sống rất hiện sinh, rất người và rất an
lạc, nuôi dưỡng giác tỉnh và từ bi.