Đức
Phật và Phật Pháp
(The Buddha and His Teachings)
Hòa thượng Narada, 1980
Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998
Đặc tánh của Niết Bàn
Đối nghịch với cảnh giới hữu tình của vòng luân hồi trong ấy tất cả đều là những hiện tượng luôn luôn biến đổi, sanh diệt, diệt sanh, Niết Bàn là vĩnh cửu (dhuva), đáng được ham muốn (subha), và hạnh phúc (sukha). Theo Phật Giáo các pháp - tại thế và siêu thế - đều được sắp vào hai loại: (a) những pháp hữu vi, tùy thế, thuộc thế gian pháp, có nhiều hay một nguyên nhân tạo điều kiện để phát sanh (samkhata); và (b) những pháp vô vi, bất tùy thế (asamkhata), không cần nguyên nhân hay điều kiện nào để hiện hữu. Vậy tùy thế (samkhatalakkhanani) luân chuyển trong ba giai đoạn: sanh (uppada), diệt (vaya) và biến đổi trạng thái (thitassa annathattam). [1] Phát sanh hay trở thành là đặc tánh chánh yếu của mọi vật cấu tạo, hữu vi, do một hay nhiều nguyên nhân tạo điều kiện để hiện hữu. Cái gì phát sanh hay trở thành tức nhiên phải biến đổi và phân tán. Pháp hữu vi luôn luôn trở thành và lôn luôn biến đổi. Vô thường biến đổi là định luận bao quát, phổ thông cho mọi sự vật - vật chất lẫn tinh thần - nằm trong vũ trụ, từ tế bào hết sức vi tế đến những chúng sanh thật to lớn hay những hình thể khổng lồ. Tâm, tuy vô hình, biến đổi lại càng nhanh chóng hơn vật chất. Sự hiện hữu của Niết Bàn, trạng thái siêu thế mà chư Phật và chư vị A La Hán chứng ngộ, không tùy thuộc nguyên nhân nào. Vì lẽ ấy, Niết Bàn không trở thành, không biến đổi, không bị phân tán. Niết Bàn là vô sanh (ajata), bất hoại (ajara), và bất diệt (amara). Một cách chính xác, Niết Bàn không phải là quả, cũng không phải là nhân. Do đó Niết Bàn là duy nhất (kevala). Cái gì phát sanh do một nguyên nhân chắc chắn phải hoại diệt, và do đó, là không đáng được ham muốn. Đời sống là sở hữu mà con người thiết tha quý trọng nhất, thế nhưng lắm khi, trong những cảnh ngộ khó khăn và dưới những gánh nặng quá đổi, chính cái đời sống được yêu chuộng ấy trở thành không thể chịu nổi. Trong những lúc ấy, sống là một cực hình, và những người yếu tánh đôi khi nghĩ đến việc quyên sinh cuộc sống, tưởng chừng như chết là quyết được mọi vấn đề đau khổ. Tất cả chúng ta đều thương yêu và hết sức cố gắng chăm nom, săn sóc, trang điểm thân thể như vật rất quý. Nhưng tấm thân duyên dáng, yêu kiều, diễm lệ, và khả ái nầy là nguồn gốc bao nhiêu đau khổ. Đến lúc bị thời gian và bệnh tật làm hao mòn tiều tụy đi rồi thì cơ thể vật chất nầy chỉ còn là gánh nặng vô cùng khả ố. Sau đây là một chuyện tích lý thú, ngụ ý rằng đời sống và những lạc thú của kiếp nhân sinh chỉ là tạm bợ:
Khu rừng mênh mông và đầy chông gai là vòng luân hồi, trầm luân bể khổ. Đời sống của chúng sanh không phải là một vườn hoa hồng tươi đẹp mà dẫy đầy những hoàn cảnh cam go đau khổ. Chúng ta phải vượt qua bao nhiêu chướng ngại, chịu đựng bao nhiêu sự chỉ trích bất công, những hành vi chống đối, những câu nói khiêu khích, những cuộc tấn công, những lời nguyền rủa. Đó là những con đường chông gai của cuộc sống. Thớt voi giống như cái chết. Con rắn độc như tuổi già. Sợi dây đầy gai là sự sanh [2]. Hai con chuột, là ngày và đêm. Những giọt mật ngọt ngào là thú vui của đời sống,và người giàu lòng bi mẫn, sẵn sàng chỉ lối thoát là Đức Phật. Cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc trong đời sống chỉ là sự thoả mãn một vài điều mong mỏi. Khi được một việc ta lại muốn việc khác. Tham vọng không khi nào dứt, không khi nào ta cho là vừa đủ. Vậy, phiền não và đau khổ là bản chất thiên nhiên của đời sống, và không chúng sanh nào trong tam giới có thể tránh thoát. Niết Bàn là pháp bất tùy thế, vô vi, không tùy thuộc nhân duyên để hiện hữu. Do đó Niết Bàn là trường cửu, vô sanh, bất diệt (dhuva), đáng được ham muốn (subha), và hạnh phúc (sukha). Ta nên phân biệt hạnh phúc Niết Bàn với hạnh phúc thông thường ở thế gian. Hạnh phúc Niết Bàn không phai lạt, cũng không nhàm chán. Đó là hạnh phúc không mệt mỏi, không đổi thay. Hạnh phúc tạm bợ ở thế gian là sự thỏa mãn một vài tham vọng (vedayita). Trái lại, hạnh phúc Niết Bàn phát sanh do sự giảm suy dục vọng(vupasama). Trong kinh Bahuvedaniya Sutta [3], Đức Phật kể ra mười loại hạnh phúc sắp xếp theo thứ tự, bắt đầu từ những khoái lạc thô kịch do sự thỏa mãn nhục dục. Phẩm hạnh đạo đức càng lên cao, loại hạnh phúc càng trở nên phấn khởi, cao thượng, vi tế đến độ thế gian khó nhận thức được rằng đó là hạnh phúc. Khi đắc Sơ Thiền, hành giả đã hưởng được một thứ hạnh phúc khác thường, tuyệt đối không liên hệ đến ngũ quan. Hạnh phúc này phát sanh do sự chế ngự lòng ham muốn thỏa mãn nhục dục mà người sống theo vật chất đánh giá thật cao. Tuy nhiên, khi hành giả đắc Tứ Thiền, cho đến loại hạnh phúc của Sơ Thiền cũng trở thành thô kịch và không lợi ích, so với hạnh phúc mới thành tựu, tức tâm Xả (Upekkha). Đức phật dạy: "Nầy Ananda, những giây trói buộc của nhục dục ngũ trần có năm loại. Năm loại ấy là gì? Là những hình thể do mắt tiếp nhận, đáng ham muốn, quyến rũ, dễ mến, dễ say mê, và theo sau đó là sự thèm thuồng khuấy động, làm dậy lên đám bụi khát vọng. "Là những âm thanh do tai, những mùi hương do mũi, những vị do lưỡi, những sự xúc chạm do thân tiếp nhận, đáng ham muốn, quyến rũ, dễ mến, dễ say mê và theo sau đó là sự thèm thuồng, khuấy động, làm dậy lên đám bụi khát vọng; nầy Ananda, đó là năm dây trói buộc của nhục dục. Bất luận hạnh phúc hay lạc thú nào phát sanh do năm trói buộc của nhục dục ngũ trần là hạnh phúc vật chất. "Kẻ nào nói rằng: - 'đây là hạnh phúc cao thượng nhất mà chúng sanh có thể thọ hưởng'. Như Lai không chấp nhận. Tại sao? Bởi vì có hạnh phúc khác phấn khởi và cao thượng hơn. Và hạnh phúc khác phấn khởi và cao thượng hơn là gì? "Ở đây, vị Tỳ khưu hoàn toàn dứt bỏ lòng ham muốn thỏa mãn những dục vọng, xa lìa những trạng thái bất thiện, sống ẩn dật nơi vắng vẻ và yên tĩnh, phát triển Tầm, Sát đến Phỉ, Lạc và an trụ tâm trong Sơ Thiền (Pathama Jhana). Đó là hạnh phúc phấn khởi và cao thượng hơn. "Tuy nhiên nếu ai nói rằng: - 'đây là hạnh phúc và lạc thú cao trọng nhất mà chúng sanh có thể thọ hưởng', Như Lai không chấp nhận. Tại sao? Bởi vì có hạnh phúc khác, phấn khởi và cao thượng hơn. "Nơi đây Tầm, Sát vững chắc, không chao động. Yên tĩnh bên trong, tâm kiên cố, vị Tỳ khưu chấm dứt Tầm, Sát, và do trạng thái vắng lặng, tiến đến Phỉ, Lạc và an trụ tâm vào Nhị Thiền (Dutiya Jhana). Đó là hạnh phúc khác, phấn khởi và cao thượng hơn. "Nhưng nếu có kẻ bảo rằng đó là cao thượng nhất mà chúng sanh có thể thọ huởng, Như Lai không chấp nhận. Còn hạnh phúc cao thượng hơn? "Ở đây, chấm dứt lòng thích thú trong Phỉ, giữ yên lặng, an trụ và hoàn toàn giác tỉnh, vị Tỳ khưu thọ hưởng trạng thái mà bậc thánh nhân mô tả 'tâm bình thản, quân bình (tâm xả)' và an trụ trong hạnh phúc. Như vậy, hành giả nhập Tam Thiền (Tatiya Jhana). Đó là hạnh phúc phấn khởi và cao thượng hơn. "Mặc dầu vậy, nếu có kẻ bảo rằng đó là hạnh phúc cao thượng nhất, Như Lai không chấp nhận. Còn hạnh phúc cao thượng và phấn khởi hơn? "Nơi đây, dứt bỏ lạc thú và đau khổ, để lại phía sau mọi lạc thú và phiền não, không-đau-khổ, không-vui-thú, tâm xả hoàn toàn và an trụ, hành giả thành đạt Tứ Thiền (Catuttha Jhana). Đó là hạnh phúc phấn khởi và cao thượng hơn. "Tuy nhiên, nếu nói rằng đó là hạnh phúc cao thượng nhất thì Như Lai không chấp nhận. Còn hạnh phúc cao thượng hơn. "Nơi đây, vượt lên mọi tri giác và hình thể, không còn phản ứng của giác quan, hoàn toàn không quan tâm đến tri giác về tình trạng khác nhau, vị Tỳ khưu suy niệm: 'không gian vô tận' và sống trong cảnh giới Không Vô Biên Xứ (Akasanancayatana), có quan niệm rằng không gian vô cùng tận. Đó là hạnh phúc phấn khởi và cao thượng hơn "Nhưng nói rằng đó là hạnh phúc cao thượng nhất thì Như Lai không chấp nhận. Có hạnh phúc ca thượng hơn. "Nơi đây vượt lên khỏi cảnh giới Không Vô Biên Xứ, vị Tỳ khưu suy niệm: 'thức vô cùng tận', và sống trong cảnh Thức Vô Biên Xứ (Vinnananacayatana). Đó là hạnh phúc khác, phấn khởi và cao thượng hơn. "Tuy nhiên nếu nói đó là hạnh phúc cao thượng nhất thì Như Lai không chấp nhận. Còn hạnh phúc cao thượng hơn. "Nơi đây vượt khỏi cảnh Thức Vô Biên Xứ, vị Tỳ khưu suy niệm: 'không có gì hết' và sống an trụ trong cảnh giới Vô Sở Hữu Xứ (Akincannayatana). Đó là hạnh phúc cao thượng hơn. "Mặc dầu vậy, nếu có kẻ bảo rằng đó là hạnh phúc cao thượng nhất, thì Như Lai không chấp nhận. Có hạnh phúc khác cao thượng hơn. "Nơi đây vượt hẳn lên khỏi cảnh giới Vô Sở Hữu Xứ, vị Tỳ khưu sống an trụ trong cảnh giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (N'evasanna n'asannayatana). Đó là hạnh phúc khác, phấn khởi và cao thượng hơn. "Tuy nhiên nếu có ai bảo: 'đây là lạc thú và cao thượng nhất mà chúng sanh có thể thọ hưởng'. Như lai sẽ không chấp nhận. Tại sao? Bởi vì hạnh phúc khác, phấn khởi và cao thượng hơn. "Nơi đây vượt hẳn khỏi cảnh giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, đạt đến mọi chấm dứt mọi tri giác và cảm giác, vị Tỳ khưu sống không còn tri giác và cảm giác (Sannavedayita Nirhoda). Nầy Ananda, đó là hạnh phúc khác, phấn khởi và cao thượng hơn. "Trong mười hạnh phúc, đó là hạnh phúc cao thượng nhất. Trạng thái tối thượng ấy là Nirodha Samapatti (Diệt Thọ Tưởng Định), nghĩa là thọ hưởng quả Niết Bàn trong kiếp hiện tiền." Ta có thể hỏi: "Sao có thể gọi là trạng thái cao thượng nhất trong khi không còn tâm thức để thọ hưởng?" Đức Phật giải đáp: "Không, nầy chư đệ tử, Như Lai không chấp nhận là một hạnh phúc nếu hạnh phúc ấy chỉ là một cảm giác thỏa thích. Nhưng nầy chư đệ tử, nơi nào phát sanh chân hạnh phúc, nơi ấy, và chỉ nơi ấy thôi, Đức Thế Tôn mới nhận là hạnh phúc." [3] Và Đức Phật dạy tiếp: "Như Lai tuyên bố rằng mà tất cả những gì mà giác quan cảm nhận đều là đau khổ. Tại sao? Bởi vì người trong cuộc cảnh khổ khao khát được hạnh phúc, mà người được xem là đã có hạnh phúc cũng vẫn khao khát được thêm nữa. Lòng tham của thế gian không cùng tận." Dùng những ngôn từ chế định, Đức Phật tuyên bố:
Là hạnh phúc tối thượng vì Niết bàn không phải là loại hạnh phúc do ngũ quan chứng nghiệm. Niết Bàn là pháp chân lạc tuyệt đối, là hạnh phúc phát sanh do trạng thái tích cực giải thoát ra khỏi mọi đau khổ của đời sống. Chính sự đoạn tuyệt trạng thái đau khổ thường được gọi là hạnh phúc, mặc dầu danh từ ấy không mấy thích hợp để miêu tả bản chất thật sự của Niết Bàn. Niết Bàn ở đâu? Trong sách "Vua Milinda Vấn Đạo", Đức Nagasena giải đáp câu hỏi ấy như sau: "Không có nơi nào nhìn về hướng tây, hướng nam, hướng đông, hướng bắc, phía trên, phía dưới, hay phía ngoài, mà có thể nói rằng đó là Niết Bàn. Tuy nhiên, Niết Bàn thật sự có,và người nào có cuộc sống chân chánh, giới hạnh trang nghiêm, và chú tâm minh sát, dầu ở Hy Lạp, Trung Hoa, Alexandria, hay Kosala, đều có thể thành tựu Đạo Quả Niết Bàn. "Cũng như lửa, không phải được tích trữ ở một nơi đặc biệt nào, nhưng khi hợp đủ điều kiện thì lửa phát sanh. Cùng thế ấy ta không thể nói Niết Bàn ở đâu, nhưng khi Đạo đủ duyên đầy, thì Quả Niết Bàn được thành tựu." Kinh Rohitassa Sutta có ghi lại những Phật ngôn sau đây: "Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian, đều nằm trong tấm thân một trượng nầy, cùng với tri giác và tư tưởng." [4] Trong đoạn kinh nầy, danh từ 'thế gian' có nghĩa là đau khổ. Do đó, chấm dứt hay tiêu diệt thế gian là chấm dứt đau khổ, tức Niết Bàn. Niết Bàn của ta tùy thuộc nơi tấm thân một trượng nầy. Niết Bàn không phải là cái gì đã được tạo ra hay cái gì cần phải được tạo ra. [5] Niết Bàn là nơi bốn nguyên tố cấu thành vật chất -- nguyên tố Nước (apo), có đặc tính kết hợp, làm dính liền lại; nguyên tố Đất (pathavi), có đặc tính duỗi ra; nguyên tố Lửa (Tejo) có đặc tính nóng, lạnh cũng là một hình thức nóng; và nguyên tố Gió (vayo), có đặc tính di động -- không thể có chỗ đứng. Đề cập đến Niết Bàn ở đâu, Bộ Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, có ghi: "Nơi mà bốn nguyên tố cấu thành hợp chất có đặc tính dính liền, duỗi ra, đốt cháy và di động không còn chỗ đứng" [6] Trong kinh Udana [7], Phật dạy: "Cũng như, nầy chư Tỳ khưu, mặc dầu bao nhiêu nước từ sông ngòi kênh rạch và các trận mưa to từ trên trời đổ xuống chảy dồn về biển cả, nhưng không vì thế mà mực nước biển dâng nên quá cao hay xuống quá thấp. Cũng dường thế ấy, không vì lẽ có nhiều vị Tỳ khưu nhập Đại Niết Bàn mà Niết Bàn quá đông đúc hay quá thưa thớt." Do đó Niết Bàn không phải một cảnh trời nào đó dành riêng cho một cá thể xuất chúng mà là một pháp, một sự thành tựu, mà mọi chúng sanh đều có thể đạt đến. Trong thực tế, không có một cảnh trời vĩnh cửu, trong ấy có hình thức khoái lạc mà con người ham muốn và nơi ấy ta có thể mặc tình thọ hưởng. Thật không thể tưởng tượng một cảnh giới trường cửu như vậy ở bất luận nơi nào. Chấp nhận rằng không có nơi nào gọi là Niết Bàn, vua Milinda hỏi Đức Nagasena căn cứ trên nền tảng nào ta có thể sửa dọn đời sống để chứng ngộ Niết Bàn. - Có, tâu Đại vương, có một nền tảng như thế. - Như vậy, kính bạch Đại đức, nền tảng ấy là gì? - Tâu Đại vương, giới hạnh là căn bản. Bởi vì, nếu vững vàng đặt nền tảng trên giới hạnh và thận trọng nhiếp tâm quán tưởng thì dầu ở nơi nào, ở miền Bắc Hải hay ở Hy Lạp, ở Trung Hoa hay ở xứ Thát Đát, dầu ở Alexandria hay ở Nikumba, ở Benares hay ở Kosala, ở Kashmir hay ở Gandhara, trên đỉnh núi cao hay ở một cảnh trời xa lạ, dầu thế nào đi nữa, người đã sửa dọn mình, sống đời chân chánh, sẽ thành tựu Đạo Quả Niết Bàn. [8] Cái gì nhập Niết Bàn? Đây là một câu hỏi không thích nghi, cần phải gác lại một bên, bởi vì Phật Giáo phủ nhận sự hiện hữu của một thực thể trường tồn hay một linh hồn trường cửu. [9] Cái được gọi chúng sanh mà ta thường nghe như ở trong "bộ y phục của một linh hồn", chỉ là sự gắn hợp của những yếu tố tùy thế, hiện hữu do điều kiện. Vajira, vị Tỳ khưu ni A La Hán dạy: "Khi tất cả những bộ phận được ráp vào đúng chỗ của nó, danh từ "cái xe" phát sanh (trong tâm ta). Cùng thế ấy, một cách chế định, thói quen thông thường gọi là một chúng sanh khi ngũ uẩn cấu hợp lại." [10] Theo Phật Giáo, cái được gọi là chúng sanh gồm hai phần, danh và sắc, và hai phần này luôn luôn biến đổi trong chấp nhoáng. Ngoài hai yếu tố tổng hợp ấy, không có một linh hồn trường cửu hay một thực thể bất biến. Cái được gọi là "Ta" cũng là một ảo tưởng. Cũng như ngay trong hiện tại, không có một cái "Ta" trường cửu hay một chúng sanh không biến đổi, không cần phải nói rằng không có một cái "Ta" hay một linh hồn ở Niết Bàn. Sách Thanh Tịnh Đạo dạy:
Điểm khác biệt chánh yếu giữa quan niệm của người Phật Tử về Nibbana và quan niệm của Ấn Độ Giáo về Nibbana hay Mukti là người Phật Tử, trong lúc nhìn vào mục tiêu, không tin có linh hồn và một tạo hóa, còn người theo Ấn Độ Giáo thì tin có linh hồn trường cửu và tạo hóa. Vì thế ta không thể nói rằng Phật Giáo là một chủ nghĩa "vĩnh cửu" hay "hư vô". Trong Niết Bàn không có gì để "vĩnh-cửu-hóa", mà cũng không có gì để "hư-vô-hóa". Cũng như Sir Edwin Arnold nói:
Phải nhìn nhận vấn đề Niết Bàn là khó hiểu nhất trong Giáo lý của Đức Phật. Tuy nhiên, dầu có tìm đến đâu, ta cũng không thể thấu triệt bản chất thật sự của Niết Bàn. Đường lối tốt nhất để hiểu Niết Bàn là gia công bằng trí tuệ trực giác của chính ta. Mặc dầu con người trung bình không thể tri giác Niết Bàn được bằng ngũ quan, con đường duy nhất đi thẳng đến Niết Bàn đã được Đức Phật giải thích cặn kẻ trong từng chi tiết và rành mạch cho tất cả. Mục tiêu còn lu mờ sau đám mây che lấp, nhưng phương pháp để thành tựu thật là ràng minh bạch, và khi thành tựu được rồi thì mục tiêu sẽ hiện ra sáng tỏ như "mặt trăng trong không bị mây án". Chú thích: [1] Xem "Gradual Sayings", trang 135. [2] Sanh (jati) ở đây có nghĩa là sự sống, những kiếp sống trong vòng luân hồi. [3] Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, kinh số 57. [4] Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, phần 1, trang 62. [5] "Quả thật pháp nầy (Niết Bàn) phải được thành tựu (hay chứng ngộ) do bốn Thánh Đạo (Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A La Hán), chớ không phải được tạo nên." -- Thanh Tịnh Đạo. [6] Kindred Sayings, phần I, trang 23. [7] Xem Woodward, "Verses of Uplift", trang 66-67. [8] Questions of King Milinda, trang 202-204. [9] Xem Chương 29. [10] Kindred Sayings, phần I, trang 170.
|
[Thư Mục] |
Last updated: 14-07-2000 |
Web master:
binh_anson@yahoo.com |