BuddhaSasana
Home Page
This document is
written in Vietnamese, with Unicode Times font
Thạc
Ðức. "Ðạo Phật Qua Nhận Thức Mới". Sài Gòn
1957.
Nguyệt San Phật Học, Louisville, Hoa Kỳ, tái bản
lần thứ nhất, 1998
Nói "nhân vị" tức là chìu theo một danh từ của thời đại. Ðáng lẽ ra, phải nói "vấn đề địa vị con người" trong đạo Phật.
Bởi vì, "nhân vị" là gì? Chúng tôi tưởng không cần định nghĩa một cách rắc rối lôi thôi; cứ theo cái hiểu của đa số hiện thời thì nhân vị tức là "con người", hoặc đầy đủ hơn nữa thì là "phẩm vị của con người", hay là "địa vị của con người".
Ai cũng công nhận rằng trong các loài sinh vật trên mặt trái đất, con người là một sinh vật tương đối hoàn hảo hơn cả về phương diện tổ chức cơ thể cũng như về phương diện khả năng tinh thần.
Sinh hoạt tâm linh của con người phong phú hơn mọi vật. Khả năng ý thức, khả năng tự chủ và khả năng phán đoán của con người đã nâng con người cao hơn mọi vật, và vì thế, con người có một phẩm vị đặt biệt, một địa vị độc tôn. Con người có nhiều điều kiện hơn hết để tiến hoá, tự do tiến hóa, tự do phát triển đến tận cùng những khả năng tốt đẹp của chính mình. Nếu con người thiếu những điều kiện ấy thì con người không còn là con người nữa, mà con người sẽ chẳng hơn gì mọi loài khác. Vì thế, nếu con người bị cản trở trên bước đường tiến hóa, nếu con người bị tước mất quyền tự do phán đoán, tự do suy tưởng, tự do quyết trạch, tóm lại, bị tước mất quyền tự do tiến hóa, tức là nhân vị của con người bị khinh thị, chà đạp, vì con người bây giờ chẳng còn có gì để mà tự bảo rằng mình là "tối linh ư vạn vật" nữa.
Vậy, vấn đề nhân vị chẳng qua chỉ là vấn đề địa vị của con người, vấn đề tự do.Về vấn đề nầy, đạo Phật quan niệm như thế nào?
Ðạo Phật chủ trương rằng tất cả muôn loài đều có Phật tính, nghĩa là đều có khả năng thành Phật. Bởi vì chúng sinh tuy lượng số vô lượng, nhưng loài nào cũng mang nơi mình yếu tố tròn đầy sáng suốt của bản thể. Một ngày mai, vô minh diệt hết, bản tính thanh tịnh sáng suốt hiển hiện, chúng sinh có thể thành Phật. Ðứng về phương diện nầy, nghĩa là đứng trước vấn đề Phật tính, tất cả mọi loài đều bình đẳng, tuyệt đối bình đẳng, không có loài nào hơn, không có loài nào kém. Luận Ðại Thừa Khởi Tín có câu: "Ðứng về phương diện bản thể, tất cả các pháp từ xưa đến nay, lìa các tướng nơi lời nói, nơi chữ nghĩa, nơi tưởng tượng, tuyệt đối bình đẳng, không có thay đổi, không có hư hoại, cùng chung một bản thể sáng suốt của nhất tâm, nên gọi là chân như" (nhất thiết chư Pháp, tùng bản dĩ lai, ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng, tất cánh bình đẳng, vô hữu biến dị, bất khả phá hoại, duy thị nhất tâm, cố danh chân như).
Tuy nhiên đứng về phương diện nghiệp quả, mọi chúng sinh đều có một căn thân sinh hoạt trong một hoàn cảnh khác nhau. Tùy theo nghiệp nhân mà mỗi loài chúng sinh cảm thọ một thân ngũ uẩn thô phù hay tinh tế. Ở các hạ đẳng động vật, tổ chức cơ thể không được tinh vi bằng tổ chức cơ thể của các thượng đẳng động vật. Các tác dụng tâm lý (thọ, tưởng, hành, thức) vì căn cứ trên tổ chức cơ thể ít tinh vi ấy nên phát hiện một cách yếu ớt, hoặc nói cho đúng hơn, một cách thô sơ.
Khả năng tinh thần cũng có thể tỷ dụ như điện vậy. Máy nhỏ và yếu thì chỉ có thể phát ra điện yếu. Bóng đèn nhỏ thì ánh sáng mờ nhạt, nếu bóng đèn lớn, ánh sáng sẽ rực rỡ hơn. Thân căn của một chúng sinh vốn là một trong những tăng thượng duyên (điều kiện) cho sự phát hiện tác dụng tâm lý vậy.
Ở địa hạt con người, ta cũng có thể thấy được sự thực ấy: một tinh thần sảng khoái chỉ có thể phát hiện trong một thân thể khỏe mạnh (nhưng không phải một thân thể khỏe mạnh bao giờ cũng có thể làm phát hiện một tinh thần sảng khoái: định lý đảo nhiều lúc không đúng). Một tâm hồn bạc nhược lắm khi chỉ do một thân xác yếu đau.
Vậy nhờ một tổ chức thân căn tinh tế, một khả năng tinh thần dồi dào mạnh mẽ hơn mọi loài, mà con người có nhiều điều kiện hơn hết để tiến hóa, để mà hoạt động tự giải phóng mình. Ðịa vị độc tôn của con người trên trái đất nầy chính là do nghiệp nhân của con người đã gây từ trưóc, chứ không phải do ân sủng của một đấng thiêng liêng nào, lại càng không phải vì con người là "hình ảnh" của đấng thiêng liêng ấy.
Nói rằng con người có thể thành Phật, thì được. Nhưng nếu nói rằng chỉ có con người mới có thể thành Phật thì sai. Bởi vì không phải chỉ có con người mới có Phật tính. Mọi loài đều có Phật tính cả, cho nên mọi loài đều sẽ thành Phật. Con người vì có nhiều điều kiện thuận lợi nên có thể thành Phật mau hơn mà thôi. Chứ không phải chỉ con người mới có "ân sủng" của Phật. Lại càng không phải chỉ có con ngưới mới có tác dụng tinh thần, mới có "linh hồn".
Tại sao khi thấy mọi loài khác, với tổ chức cơ thể ít tinh vi hơn, với tác dụng tinh thần ít sắc bén hơn, người ta vội cho chúng là không có "linh hồn" nhỉ? (Ở đây, chúng tôi dùng chữ linh hồn với nghĩa: những tác dụng tinh thần có biến chuyển).
Tại sao cho rằng chỉ có con người mới có "lý trí" thôi, còn bao nhiêu loại khác thì chỉ sống với bản năng? Ai lại chẳng thấy có những người đặc óc, ngu si, sống với "bản năng" còn hơn một vài loài vật, và có những con vật lanh lẹ khôn ngoan sống với "ý thức" còn hơn một vài hạng người?
Cho nên đạo Phật chỉ nhận rằng con người hơn mọi loài nhờ có nhiều điều kiện sinh lý và tâm lý thuận lợi cho sự tiến hóa chứ không phải chỉ loài người mới có thể tiến hóa thành Phật. Xác nhận địa vị thuận lợi của con người, đức Phật đã từng nói trong kinh Hoa Nghiêm:
"Nhân thị tối thắng" (Con người là hơn cả). Trong nhiều kinh điển, ngài luôn luôn lặp lại câu này để khuyên các đệ tử nên lợi dụng những điều kiện thuận tiện mà con người sẵn có để tiến bước mau lẹ trên đường giải thoát: "Nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan phục" (Một phen mất thân người, muôn kiếp khó trở lại).
Và:
"Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn". (Làm được thân người là khó, và được nghe Phật pháp cũng khó).
Trong bộ Dị Bộ Tôn Luân Luận có câu: "Tất cả những kết quả tốt đẹp giác ngộ đều thực hiện bởi con người". Như thế, con người có năng lực nhiều hơn cả trong mọi loài. Lại trong kinh Ưu Bà Tắc cũng có một câu ca ngợi hoàn cảnh thuận lợi của con người: "Trong mọi loài, con người đủ diều kiện hơn, như về trí khôn ngoan chẳng hạn. Hơn nữa, hoàn cảnh con người không quá khổ như địa ngục, không quá vui như thiên đường và không ngu si như thú vật".
Tuy nhiên tất cả mọi sự tán dương ấy chỉ là để cho con người ý thức được khả năng mình, giá trị mình, chứ không phải để cho con người tự hào tự thị, rằng mình là hơn hết. Không! nếu con người không biết sử dụng khả năng sẵn có để tiến hóa đến Chân Mỹ Thiện, nếu con người cứ chạy theo dục vọng kém hèn làm cho thân thể và tinh thần mình mỗi ngày một tiều tụy, ngu si, phá sản, ấy chính là con người tự kéo mình xuống ngang hàng với loài cầm thú. Chẳng những thế, một mai kia nghiệp nhân xấu xa sẽ lại đưa con người đến địa vị thực của loài cầm thú nữa. Vậy thì dù con người có còn sinh hoạt với xác thân người đi nữa thì cũng không còn đáng gọi là người, vì con người đã giết chết nhân vị mình, đã không muốn ngồi ở "địa vị" của mình nữa.
Với địa vị tối thắng của mình, con người phải:
1. Ðừng làm phá sản những khả năng tốt đẹp sẵn có;
2. Phát triển những khả năng tốt đẹp ấy;
3. Tin tưởng vào những khả năng của chính mình và đừng trông cậy vào những thế lực vu vơ bên ngoài;
4. Sử dụng những khả năng tốt đẹp ấy để tiến mạnh trên bước đường giải phóng;1.- Ðừng làm phá sản những khả năng tốt đẹp sẳn có.-- Những khả năng nầy mà phát hiện được là do nghiệp nhân tốt đẹp của con người từ quá khứ. Ðó là những phương tiện quý báu để con người có thể tiến bộ. Chúng cần thiết cho sự giải thoát của con người cũng như vốn liếng cần thiết cho nhà buôn, dầu xăng cần thiết cho máy móc, và mầu sắc cần thiết cho nhà họa sĩ. Mất chúng là mất tất cả. Mất chúng tức là trở về ngang hàng với mọi loài thú vật khác, là mất địa vị con người, mất tất cả những gì mà con người có thể tự hào là "tối linh ư vạn vật". Ðiều kiện để giữ gìn nó là phải giữ mãi thân người. Mà giữ mãi thân người (với tất cả ý nghĩa của tiếng nầy) thì không có phương tiện nào hơn là giữ mãi nhân phẩm. Con người không được phóng túng, buông lung theo ngũ dục (tiền tài, sắc dục, hư danh, ham ăn và ham ngủ). Năm thứ ấy hạ thấp con người xuống, lôi kéo con người xuống ngang hàng với mọi loài và có khi tệ hơn mọi loài là khác nữa. Năm thứ ấy là nguyên nhân độc hại làm cho con người phá sản. Thân xác ta, vì rượu chè, vì sắc dục, vì bôn ba danh lợi, vì ham ăn ham ngủ sẻ trở nên bệ rạc, đần độn, tối tăm, nặng nề. Tinh thần ta cũng vì những thứ ấy mà trở nên đê hèn, thấp kém, si mê, cuồng loạn. Muốn cho con người của ta không phá sản, ta phải xa lánh dục vọng. Trong kinh điển, đức Phật có dạy "Muốn giữ được thân người, cần phải tu tập pháp ngũ giới và thập thiện nghiệp". Vậy ngũ giới và thập thiện nghiệp là gì?
Ngũ giới là năm điều răn cấm:
Không sát hại sinh mạng.
Không trộm cướp của kẻ khác.
Không tà dâm, đa dục.
Không uống rượu say sưa.
Không nói dối, xảo trá, nói hai lưỡi, nói thêu dệt.Thập thiện nghiệp là gì? Là mười nghiệp lành, gồm trong ba loại: hành vi, ngôn ngữ, tư tưởng:
Về hành vi có ba nghiệp thiện:
Không sát hại.
Không trộm cướp.
Không tà dâm.Về ngôn ngữ, có bốn nghiệp thiện:
Không nói dối.
Không nói thêu dệt.
Không nói hai lưỡi.
Không nói hung dữ.Về tư tưởng, có ba nghiệp thiện:
Không có tư tưởng tật đố, hiềm khích.
Không có tư tưởng sân hận, oán thù.
Không có tư tưởng hắc ám, si mê.Ðó là những sợi dây chắc chắn nhất để ràng buộc con người không cho rơi xuống ngang hàng thú loại, địa ngục và ngạ quỷ. Giữ được thân người thì có thể bảo tồn mãi những khả năng tốt đẹp của con người, những khả năng có thể đưa con người lên các nấc thang giải thoát, tiến bộ. Nêu cao giá trị con người, đức Phật chỉ muốn con người thấy được những khả năng quí giá đó và đừng làm phá sản những khả năng ấy mà thôi.
2.- Phát triển những khả năng tốt đẹp ấy.-- Ðã không làm phá sản chúng, con người lại còn phải làm cho chúng phát triển nữa. Với những phương pháp tập luyện thể xác và bồi đắp tinh thần, con người có thể phát triển chúng đến một mức thật tốt đẹp. Nhờ đó, những khả năng kia có thể giúp con người tiến hóa mau lẹ, dễ dàng. Một đời sống tự do mới có thể cho con người một hoàn cảnh tốt đẹp để tự đào luyện. Trong một cuộc sống mà con người phải hoạt động như một cái máy mà suy tưởng theo một chìu hướng nhất định, thì những khả năng tốt đẹp của con người rất dễ bị ngăn cản và có thể bị tiêu hoại. Sống trong một xã hội thiếu tự do, con người sẽ bị cằn cỗi. Bởi vì một xã hội độc tài bao giờ cũng bắt buộc con người nói và làm theo một hướng nhất định. Những hành vi nào, những ngôn ngữ nào trái với đường lối hiện tại sẽ bị cấm chỉ, và con người chủ động của các hành vi và ngôn ngữ ấy sẽ bị trừng phạt, tiêu hủy. Ðã đành không được nói, không được làm, nhưng con người vẫn có quyền suy tưởng. Nhưng suy tưởng mà không thể nói và làm theo sự suy tưởng của mình là một điều đau khổ cho con người. Vì thế, con người sẽ rất sợ đời sống suy tưởng, đời sống nội hướng, và phải đi tìm sự khuây lãng, trong chỗ đông người, ở một quán cà phê, nơi một cuộc hội họp chẳng hạn. Con người sẽ không chịu nổi đời sống tâm linh nội hướng và dần dần đâm ra sợ hãi sự cô độc lẻ loi. Con người tìm đến giữa xã hội và biến mình thành một bánh xe vô tri trong cái toàn thể máy móc vô tri vô giác ấy. Và vì thế, những khả năng tốt đẹp của con người bị kìm hãm, bị tiêu diệt.
Vậy con người cần phải sống tự do. Tự do đây không có nghĩa là tự do trốn tránh bổn phận, tự do chạy theo ngũ dục, mà là tự do suy tưởng, hành động theo hướng chân thiện mỹ, tự do phát triển và nâng cao hơn nữa giá trị chân thật mà con người có thể đạt đến được.
3.- Tin tưởng ở khả năng tốt đẹp của chính mình và đừng trông cậy vào những thế lực vu vơ bên ngoài.-- Ðức Phật đã từng dạy: "Hãy tự thắp đuốc lên mà đi". Như thế, đạo Phật xác nhận rằng con người đã có đủ khả năng tiến đến giải thoát, không cần nương nhờ vào đâu nữa. Phải tin tưởng mạnh mẽ vào những khả năng tốt đẹp sẵn có của mình; nếu còn nương cậy vào những thế lực bên ngoài tức là phủ nhận những khả năng ấy, tức là tự mình không nhìn nhận địa vị con người (nhân vị) của mình vậy.
Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật có kể câu chuyện "cùng tử lý bảo châu" như sau:
Một người kia mất đi, để lại trong chiếc áo rách của đứa con một viên ngọc quý. Ðứa con không biết, cứ đi lần hồi nhờ vả bà con quen thuộc, nhưng rồi chẳng ai giúp đỡ. Sau nhờ biết được mình có viên ngọc trong áo, đứa con ấy trở nên giàu có sung sướng, không cần nhờ vả ai nữa.
Ví dụ đó cho ta thấy rằng con người phải tự khai thác những khả năng sẵn có chứ không thể đi tìm giải pháp bên ngoài. Phật dạy rằng con người vốn là đấng tạo hóa đã tạo ra mình, mình gây nghiệp nhân, mình lãnh thọ nghiệp quả, quyền năng sáng tạo và thay đổi hoàn toàn nơi mình. Quan niệm ấy xác nhận giá trị tuyệt đối của muôn loài và nhất là của con người: vì ở con người, khả năng sáng tạo và chuyển dịch biến cải có phần mạnh mẽ hơn.
Con người phải hoàn toàn căn cứ vào tự lực để tự giải thoát. Tự mình, con người phải hoạt động để biến đổi "biệt nghiệp" và cùng với bao nhiêu "con người" khác, con người phải hoạt động cọng đồng để biến đổi "cọng nghiệp". Nên, hư, thành, bại đều do ở con người. Thành Phật hay lui về địa vị cầm thú cũng do ở con người. Xã hội tốt đẹp hay xấu xa đều do con người. Vận mạng con người và vận mạng xã hội con người đều do những "con người" nắm giữ.
Con người phải tự tin rằng chính ý nghĩ, hành động và ngôn ngữ của mình mới có thể xây dựng được hạnh phúc và giải thoát.
Ðừng tin tưởng ở những danh từ tốt đẹp thường hay lừa gạt con người. Ðộc lập, tự do, hòa bình, nâng đỡ nhược tiểu, cứu vớt nhân loại! những danh từ ấy có giá trị là bao, đừng vội tin tưởng ở chúng, con người chỉ cần tin tưởng ở hành động của chính mình.
Ðừng tin tưởng ở khoa học. Khoa học là một lưỡi dao quá sắc bén mà hiện giờ con người không đủ sức sử dụng. Con người đừng tưởng rằng khoa học sẽ giải phóng cho mình. Không, con người phải tự giải phóng lấy mình bằng cách cầm vững được hướng đi của khoa học, lợi dụng được khoa học.
Ðừng tin tưởng ở chủ nghĩa và đảng phái, là những thứ con người đặt ra rồi bị mắc kẹt vào tất khó gỡ. Chủ nghĩa và đảng phái không giải phóng được cho con người, nếu con người không hoạt động xứng đáng cho sự giải phóng của chính mình.
Ðừng tin tưởng ở những nguyên tắc tổ chức tốt đẹp. Nguyên tắc tổ chức tốt đẹp không thể thực hiện được nếu không có sự cố gắng của con người. Một bản hiến pháp, một chánh thể dân chủ không bảo đảm được hạnh phúc của một dân tộc. Chính sự cố gắng của toàn dân để thực hiện hiến pháp ấy, thực hiện chính thể ấy mới đem lại sự lợi ích thiết thật cho mọi người.
Và cuối cùng, đừng tin tưởng ở những lực lượng siêu nhiên. Theo luật nhân quả xác thực, con người tự tác tự thọ. Lực lượng siêu nhiên chỉ có thể là một thứ thuốc để an ủi con người. Không có một vị thần linh nào giữ quyền thưởng phạt cả. Có nhân thì có quả. Con người không thể trông cậy một lực lượng siêu nhiên nào giải thoát cho mình. Con người không phải là bọt bèo, là vô năng, là thụ động. Con người có trách nhiệm tự giải phóng; trốn tránh trách nhiệm đó, quy trách nhiệm đó về cho một lực lượng siêu nhiên, tức là con người đã phủ nhận giá trị và năng lực mình, và như thế là đã phủ nhận "nhân vị" của mình vậy.
Tóm lại con người phải tin ở mình mới có thể không làm tổn thương đến nhân vị.
4.- Sử dụng những khả năng tốt đẹp ấy để tiến mạnh trên bước đường giải phóng.-- Tin tưởng là để hành động. Con người tuy đã tin tưởng ở khả năng của mình rồi, nhưng còn phải sử dụng những khả năng ấy để tiến trên đường giải phóng cho mình và cho nhân loại. Hành động mới là động lực đưa con người đi tới.
Tóm lại, địa vị con người trong đạo Phật nâng cao. Và hơn ai hết, người Phật tử ý thức được vai trò, khả năng và nhiệm vụ của mình. Không mê tín vu vơ ở những lực lượng bên ngoài, cũng không tự mãn với những điều kiện ít ỏi, người Phật tử luôn luôn tìm cách bảo vệ và phát triển những khả năng tốt đẹp của con người và cố quyết đi tới, bằng tin tưởng và bằng hành động.
Thạc Ðức