BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Thạc Ðức. "Ðạo Phật Qua Nhận Thức Mới". Sài Gòn 1957.
Nguyệt San Phật Học, Louisville, Hoa Kỳ, tái bản lần thứ nhất, 1998


Vấn Ðề Chân Lý Trong Ðạo Phật

Thạc Ðức


 

Trong một bài trước, chúng ta đã thấy rằng đạo Phật chủ trương một cái Biết rộng rãi, thấu triệt, và cao tột (Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác). Cái Biết nầy căn cứ trên những thực nghiệm tâm linh, trên sự giải thoát giác ngộ của một vị Phật đã siêu xuất vô minh và sinh tử luân hồi. Cái Biết ấy là cái biết về chân tướng của vạn hữu, cái Biết về bộ mặt thực của mọi hiện tượng (bản lai diện mục).

Chân tướng ấy, bộ mặt thực ấy, được gọi là chân như, là bản thể, là Phật; nói tóm lại, là chân lý. Vấn đề chân lý trong đạo Phật được quan niệm như thế nào?

Ðạo Phật chủ trương rằng tri thức con người có thể đạt được đến chân lý, với điều kiện là con người phải chuyển cái tri thức hiện thời thành trí tuệ Bát Nhã. Tri thức của chúng sanh có một khả năng kém cỏi vì đã bị bao nhiêu mê ám che lấp (vô minh). Nay diệt được những mê ám ấy thì có thể chuyển Thức (tri thức) thành Trí (Bát Nhã) và với khả năng nầy, con người mới có thể trực nhận được Bản Thể.

Duy thức học phân biệt ba loại hiểu biết mà tri thức con người có thể có được:

1. - Sự hiểu biết bằng hiện lượng.

Lượng tức là sự phân biệt, so đo, hiểu biết. Hiện lượng là cái biết trực tiếp những sự vật trong thời gian hiện tại và không gian hiện tại. Sự hiểu biết nầy không cần trải qua một trung gian suy luận. Tôi thấy trước mặt tôi có một cuốn tự điển. Cái "thấy" ấy là hiện lượng, khả năng nhận thức trực tiếp không cần suy nghĩ. Có thể tạm xem như là một lối trực giác được.

Nhưng có trường hợp hiện tượng đúng và có trường hợp hiện tượng sai. Thấy sợi dây, cho nó là sợi dây, đó là "chân hiện lượng" (hiện lượng đúng). Thấy sợi dây, hoảng hốt cho là con rắn, ấy là "tợ hiện lượng" (hiện lượng sai). Tợ nghĩa là tương tợ như đúng, nhưng kỳ thật là sai lầm.

2. - Sự hiểu biết bằng tỷ lượng.

Tỷ đây có nghĩa là so sánh, suy luận, đối chiếu. Nếu ta hỏi "chiều mai có thể có mưa không" thì hiện lượng của ta không trả lời được vì nó chỉ có thể biết được việc trong hiện thời và hiện xứ. Chiều mai tức là việc xảy ra ở trong thời gian khác, vậy phải nhờ vào một khả năng suy luận khác: khả năng ấy là tỷ lượng. Củng như khi tôi hỏi: "Có gì trong lòng trái đất không" thì hiện lượng của tôi cũng không thể trả lời, vì việc ở đây không phải là việc ở hiện xứ, không thể nhận biết được nếu không có tác dụng suy luận. Vì thế phải cần dùng tỷ lượng.

Sau bức tường kia có gì mà khói lên? Tỷ lượng trả lời rằng có lửa. Bởi về nó suy luận "có khói tức là phải có lửa". Nếu sau bức tường mà có một đống lửa thực, thì gọi là "chân tỷ lượng" (tỷ lượng đúng), còn nếu sau bức tường có một vật khác không phải lửa nhưng cũng có thể làm nguyên nhân cho khói (như một chiếc xe hơi rồ máy chẳng hạn) thì gọi là "tợ tỷ lượng" (tỷ lượng sai).

Hiện lượng tuy chỉ cần nhận thức những sự vật ở hiện thời và hiện xứ nhưng vẫn cứ bị sai lầm luôn luôn. Tỷ lượng vì phải suy đạt đến những cái ở thời gian khác và ở địa phương khác nên lại dễ bị sai lầm hơn nữa. Do đó, sự suy tư trắc đạt của tỷ lượng thường dẫn ta đi xa sự thực một cách đáng sợ. Các nghi vấn lớn lao về cuộc đời, về bản thể, đã không thể giải quyết nhờ hiện lượng, thì cố nhiên phải nhờ tỷ lượng. Nhưng tỷ lượng thường dẫn ta đến những biên giới siêu hình xa lăng lắc và thường biến ảo không lường. Ngọc Hoàng, Thượng Ðế, Nam Tào, Bắc Ðẩu, Táo Quân, Phạm Thiên v.v... đều là những sản phẩm của tỷ lượng. Trong phạm vi thực nghiệm, tỷ lượng còn tỏ ra lắm lúc sai lầm, huống hồ là khi đã vượt ra ngoài thực nghiệm. Ðôi cánh tự do và táo bạo của tỷ lượng đưa ta đi cùng khắp, nhưng khi trở về chỉ đem lại những giải thuyết khó tin khó nhận. Thế cho nên tỷ lượng trong rất nhiều trường hợp đã là tợ tỷ lượng, và con người không thể nương vào đấy để đi tìm chân lý.

Vậy thì do đâu mà tri thức của chúng sanh không thể tìm đến chân lý? Chính là do ở tợ hiện lượng và tợ tỷ lượng. Nhưng tại sao tri thức chúng sanh lại không thuần là chân hiện lượng chân tỷ lượng mà lại có xen vào tợ hiện lượng và tợ tỷ lượng?

Ðạo Phật chủ trương: vì có một yếu tố mê mờ, si ám đã gây nên những thứ "tợ" đó. Thứ mê mờ si ám kia được gọi là vô minh (avidya).

Các bậc giác ngộ là những người đã phá trừ được vô minh, tiêu diệt được tợ hiện lượng và tợ tỷ lượng, phát triển đến cùng cực chân hiện lượng và chân tỷ lượng. Hai khả năng sau nầy, sau khi vô minh đã bị trừ diệt, có thể đạt đến trạng thái sáng suốt cao nhất của nó là Bát Nhã Trí (Prajna) để có thể trực nhận được chân lý vạn hữu.

Các bậc giác ngộ, sau khi chứng đạt chân lý, liền nghĩ đến việc giảng giải cho người chưa chứng đạt. Nhưng chân lý tuyệt đối không thể dùng một khí cụ tầm thường kém cỏi là ngôn ngữ để có thể thuyên giải, thuyên minh. Thế cho nên dù các bậc giác ngộ có thuyên giải, thì cũng có thể thuyên giải được ảnh hưởng của chân lý và phương pháp đạt đến chân lý, chứ không thể thuyên giải bản thân của chân lý được.

Ảnh tượng của chân lý chỉ là một phương tiện để chỉ bày chân lý chứ không phải là chân lý. Chúng sanh phải nương vào ảnh tượng ấy để tìm dần đến chân lý bằng học tập, bằng thực hành. Tuy chưa phải là bản thân chân lý, nhưng ảnh tượng kia cũng vượt khỏi những hình bóng tưởng tượng trắc đạc sai lầm, những vọng tưởng điên đảo về chân lý của tợ tỷ lượng.

Vì thế, chân lý không nằm trong kinh điển, và kinh điển chỉ là phương tiện chỉ bày chân lý. Cho nên đức Phật có dạy:

"Chân lý là mặt trăng. Giáo lý của ta là ngón tay chỉ mặt trăng. Ðừng lầm ngón tay ta là mặt trăng vậy". Nếu y theo kinh điển để giải nghĩa, để tìm chân lý trong những giòng chữ, thì đó chính là chỉ biết nhìn ngón tay mà chưa biết nhìn mặt trăng. Nhưng rời bỏ hẳn kinh điển đi thì lại có thể rơi vào những điên đảo vọng tưởng của tợ tỷ lượng. Thế nên một vị tổ sư đã nói: "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh thất tự, tức đồng ma thuyết", nghĩa là: "Chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa, thì oan cho đức Phật, mà rời bỏ kinh điển thì lại lạc vào những tà thuyết của ma vương".

Vậy ngoài hai loại hiểu biết là hiện lượng và tỷ lượng, ta còn có một loại hiểu biết thứ ba nữa là thánh giáo lượng.

3. - Sự hiểu biết bằng thánh giáo lượng.

Sự hiểu biết nầy có được là nhờ căn cứ trên lời dạy của các bậc giác ngộ. Ðó chính là những "ngón tay chỉ mặt trăng" nhờ đấy mà kẻ phàm phu có được những phương tiện để trở thành bậc thánh nhân giác ngộ.

Nhưng đối với những thánh giáo nầy, ta cũng phải giữ một thái độ dè dặt tìm hiểu. Vì chưa thấu đạt trực tiếp, nên ta chưa biết một cách "thực nghiệm" rằng chân lý có thực là một chân lý không, hay chẳng qua chỉ là một mớ tợ tỷ lượng như bao nhiêu thứ tợ tỷ lượng khác. Ở đây, phải có đức tin. Nhưng đức tin này cũng phải do những nhận xét, những chứng nghiệm sơ bộ mới được xây dựng vững vàng.

Ví như trong khi con người đang cố chấp vạn vật là thường, có bản ngã, mà nghe Phật dạy một chân lý gồm có chủ trương vô thường vô ngã thì con người phải kiểm soát lại xem có thực rằng vạn vật là vô thường vô ngã hay chăng. Nếu thực thì đó có thể là một trong những căn bản cho Ðức Tin vậy.

Ta lấy thêm một thí dụ trong câu chuyện giả đặt sau đây:

Một vùng kia, người ta mắc bệnh truyền nhiễm. Một bác sĩ đến nghiên cứu chứng bệnh và trị lành được nhiều người. Chứng bệnh dần dần bớt hoành hành trong vùng đó. Một bác nhà quê đến thăm bác sĩ.

Bác sĩ vốn là một nhà vi trùng học đại tài, bảo bác nhà quê của chúng ta rằng có những sinh vật nhỏ hết sức, đến nỗi mắt trần (l’oeil nu) không thể trông thấy được; những sinh vật ấy phá hoại cơ thể con người và làm ra nhiều bệnh truyền nhiễm rất nguy hại như bịnh lao, bịnh dịch, bịnh đậu mùa... Khó tin quá, bác nhà quê lắc đầu. Tin sao được khi mình chưa nghe ai nói đến một "chân lý" kỳ quái như thế bao giờ. Nếu tin ngay thì là mê tín đấy, dù là tin đúng. Mà không tin thì không làm sao thấy được sự thực - thấy vi trùng -

Kỳ thực, bác sĩ vốn là một nhà có thực học, sự thực kia (vi trùng làm bệnh) ông thấy rất rõ ràng, nhưng chẳng biết làm sao cho bác nhà quê tin! Ông bèn cắt nghĩa một cách tàm tạm (phương tiện) rằng những con "vi trùng" ấy nó như cái móc câu, hay là cái phết. Nhưng "sự thực" ấy của nhà bác học nói ra, đối với bác nhà quê là "siêu hình" quá, khó tin quá. Con trùng gì mà như cái móc câu, như cái phết? Con trùng gì mà lại không trông thấy được? Không trông thấy được mà lại biết như cái phết, như cái móc câu?

Trước kia, bác nhà quê cho rằng bệnh là do ma quỷ, la sát làm hại. "Ma quỷ, la sát" chính là vọng tưởng điên đảo, là sản phẫm của tợ tỷ lượng. Nay "vi trùng móc câu" là thánh giáo lượng. Bác nhà quê có thể tin được cái chân lý "vi trùng móc câu" này chăng(?)

Ban đầu thì nghi. Nhưng sau xét nghiệm lại, bác thấy có những điểm sự thực làm bác có thể tin được: Trước khi bác sĩ đến, người ta đã cúng cấp trừ tà trừ quỷ nhiều, sao bệnh không bớt hoành hành? Sao bác sĩ chích thuốc cho ai thì người ấy khỏi? Bác sĩ học giỏi hơn, thông thái hơn mình, ai chối cãi được điều ấy? Nếu không biết rõ, nếu phỏng đoán mù mờ thì cái chân lý "vi trùng móc câu" kia làm sao có thể làm nền tảng cho một thứ thuốc hay được? Hơn nữa, được nghe lời giảng giải về vi trùng, về kính hiển vi, bác nhà quê đã thấy hợp mắt lắm rồi. Vì thế bác nhà quê tin.

Nhưng tin chưa đủ. Phải "thấy" cho được mới nghe. Bởi vì nếu có tin, thì chỉ tưởng tượng được "nó" mà thôi. Nhưng làm sao mà tưởng tượng? Bác nhà quê quyết được nhìn qua kính hiển vi. Và sau khi "lao tâm khổ tứ" nhiều phen, mới thấy được các "chân lý vi trùng". Bấy giờ là một sự nhận thức trực tiếp. Và ống kính kia quả là Bát Nhã Trí, là "vô thượng chính biến tri giác" vậy.

Bác nhà quê không thỏa mãn với lời mô tả của bác sĩ, muốn được "thấy vi trùng" một cách trực tiếp. Bác biết rằng tưởng tượng theo lời mô tả của bác sĩ thì tuy không còn sai như khi bác vọng tưởng quỷ quái la sát nữa, nhưng cũng vẫn chưa đúng hẳn. Vậy thì người học Phật cũng không thỏa mãn với những ngón tay chỉ mặt trăng, những bóng dáng của chân lý, dù bóng dáng đó đã vượt xa vọng tưởng của tợ tỷ lượng.

Người học Phật cần có đủ năng lực trí tuệ để học hiểu, để nhận thấy những điểm đúng chân lý của thánh giáo lượng, để tin và bắt tay vào cuộc thực nghiệm lớn lao hàng kiếp, cuộc thực nghiệm mà thái tử Tất Ðạt Ða đã hoàn thành một cách vẻ vang và rực rở dưới cội Bồ Ðề.

Thạc Ðức


[Bài trước][Mục Lục][Bài kế]

[Trở về trang Thư Mục]