[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Ðại Niệm Xứ
Thiền sư U Silananda
Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch Việt


[04-C]

Quán Sát Pháp Trong Pháp

(tiếp theo)


4. Hỉ

Hỉ (piiti) có nghĩa là vui thích, hân hoan. Có rất nhiều chữ để diễn tả ý nghĩa của hỉ. Hỉ có nghĩa chính là sự hài lòng khi nhận được một vật gì ưa thích. Trong việc hành thiền thì hỉ là đối tượng mà mình ưa thích. Tuy nhiên chúng ta phải phân biệt chữ piiti với chữ sukha. Nhiều người dịch hai chữ này như nhau và gọi là hỉ lạc, hạnh phúc, vui vẻ. Thực ra sukha hay "lạc" liên quan đến những kinh nghiệm về vật mà mình có được. Như vậy "hỉ" là có được vật vừa lòng và "lạc" là hưởng thụ sự vừa lòng do sự chấp giữ vật đó. "Piiti" là bằng lòng với một vật ưa thích mà bạn nhận được. Như vậy, piiti thuộc về hành uẩn trong khi đó sukha thuộc về thọ uẩn. Như vậy khi bạn ý thức rằng bạn sẽ kinh nghiệm được một điều hay vật gì thích thú thì bạn có hỉ, piiti. Và khi bạn thực sự có được vật đó, kinh nghiệm được vật đó thì bạn có lạc, sukha.

Ðặc tính của hỉ là hân hoan vui thích và thỏa mãn. Công năng của hỉ là làm cho thân tươi mát và đầy năng lực. Sự biểu hiện của hỉ nơi thiền sinh là sự nhẹ nhàng vui vẻ.

Có năm loại hỉ:

1) Khinh hỉ: Làm cho nổi da gà, tóc hay lông dựng lên. Khi bạn hành thiền mà bạn cảm thấy hân hoan, rồi rờn rợn thích thú trong cơ thể tiếp theo đó da gà nổi lên, lông hay tóc, nhất là tóc gáy, dựng lên như vậy tức là bạn đã kinh nghiệm được loại hỉ này.

2) Sát na hỉ: Hỉ đến như một tia chớp. Một đôi khi bạn kinh nghiệm loại hỉ này nơi cơ thể như một tia chớp. Bạn cảm thấy rất nhẹ nhàng, khoẻ khoắn và mát mẻ. Ðối với người Ðông phương mát mẻ là một điều tốt đẹp vì ở đó thời tiết rất nóng.

3) Hải triều hỉ: Hỉ tràn ngập cả thân thể bạn nhiều lần như sóng biển liên tiếp dội vào bờ.

4) Thượng thăng hỉ: Loại hỉ này làm thân thể nhẹ nhỏm và có thể bay lên hư không. Có những câu chuyện nói về những người bay lên không trung nhờ có thượng thăng hỉ. Ngày nay khi các thiền sinh kinh nghiệm được loại thượng thăng hỉ này trong lúc hành thiền, cơ thể họ được nâng lên một chút ít hay di chuyển đến một nơi khác mà vẫn giữ nguyên tư thế thiền của mình. Ðôi khi thiền sinh có thể cảm thấy dường như được nâng lên khỏi mặt đất. Ðó là biểu hiện của thượng thăng hỉ.

5) Sung mãn hỉ: Loại hỉ này thấm nhuần toàn thân giống như dầu thấm đầy một miếng bông gòn. Thiền sinh có loại hỉ này cảm thấy toàn thân đắm chìm trong hỉ lạc thích thú.

Thiền sinh có thể đạt được từng loại hỉ một hay hết cả năm loại hỉ này trong lúc hành thiền. Hòa thượng Mahasi đã diễn tả hỉ, piiti, như sau:

Hĩ lạc sẽ phát sinh trong năm tầng mức, khởi đầu là khinh hỉ. Khi tâm thanh tịnh thì hỉ bắt đầu xuất hiện và thiền sinh cảm thấy người nổi da gà, tay chân rung động... và bấy giờ thiền sinh cảm thấy một hạnh phúc cao tột và phấn chấn. Thân thể tràn đầy cảm khoái và êm ái. Dưới ảnh hưởng của loại hỉ này thiền sinh cảm thấy dường như toàn cơ thể được nâng lên và ngồi hỏng mặt đất, hay cảm thấy dường như thân thể được ngồi trên một tấm đệm không khí, hoặc cảm thấy dường như cơ thể mình trôi nổi lên xuống.

Có mười cách giúp tâm hỉ phát sanh:

1) Nhớ đến đức hạnh của Ðức Phật: Hỉ có thể được khai triển nhờ suy tư đến những phẩm tính của Ðức Phật. Thiền sinh niệm tưởng như sau: "Ðức Phật là người có tâm hoàn toàn trong sạch. Ðức Phật là người biết tất cả mọi sự cần phải biết".

2) Suy niệm đến ân đức Pháp Bảo: Sự suy tưởng này có thể thực hiện bằng cách suy tưởng như sau: "Pháp bảo đã được Ðức Phật khéo tuyên bố. Pháp bảo được thấy ngay bây giờ và tại đây"

3) Suy niệm đến ân đức của Tăng: Thiền sinh phải niệm tưởng đến ân đức Tăng như sau: "Tăng chúng, những học trò của Ðức Phật, đã đi trên chánh đạo. Tăng chúng, học trò của Ðức Phật, đã đi trên con đường đúng đắn.

4) Quán sát đến sự thanh tịnh giới luật (siila) của chính mình: Khi đức hạnh và giới luật của bạn được duy trì một cách tốt đẹp thì bạn có thể suy tưởng đến sự trong sạch của giới hạnh mình. Sự suy tưởng này giúp cho hỉ phát sinh.

5) Nhớ đến việc bố thí giúp đỡ (caaga) mà mình đã làm: Bạn có thể suy niệm đến việc bố thí giúp đỡ mà bạn đã làm trước đây. Sự suy niệm này khiến hỉ (piiti) phát sinh.

6) Nghĩ đến đức hạnh của chư thiên và phạm thiên: Thiền sinh cũng có thể so sánh mình với những chúng sanh trên các cõi trời và tự nhủ: "Những người giữ giới luật trong sạch, có đức tính tốt sau khi chết họ được sinh về cõi trời. Những đặc tính này cũng đang có trong ta." Suy tư như vậy khiến hỉ phát sinh.

7) Niệm tưởng đến sự an lạc tĩnh lặng: An lạc tĩnh lặng ở đây có nghĩa là sự chế ngự phiền não nội tâm. Hỉ cũng phát sinh nhờ suy niệm như sau: "Phiền não nội tâm một khi đã được đoạn trừ nhờ sự giác ngộ sẽ không xuất hiện sáu hay bảy mươi năm." Sách Thanh Tịnh Ðạo giải thích, an lạc tĩnh lặng ở đây có nghĩa là Niết Bàn hay sự tĩnh lặng khỏi mọi đau khổ. Theo đó piiti hay hỉ có thể đạt được nhờ suy tư đến những đặc tính đặc biệt của Niết Bàn, Niết Bàn là giáo pháp cao thượng nhất, loại bỏ mọi si mê, loại bỏ khao khát ái dục, loại bỏ mọi sự lệ thuộc, chấm dứt vòng luân hồi, hủy diệt tham ái. Niết bàn là dừng nghĩ, là chấm dứt.

8) Tránh xa người thô lỗ: Bạn có thể phát triễn hỉ (piiti) bằng cách tránh xa người có hành động, cử chỉ thô lỗ.

9) Thân cận người thanh nhã: Bạn có thể phát triển hỉ bằng cách thân cận với người có cử chỉ và hành động thanh nhã. Những người này có đức tin nhiệt thành vào Ðức Phật và có tâm êm dịu nhẹ nhàng.

10) Suy niệm đến những bài kinh giúp phát sanh đức tin: Những bài kinh có đặc tính làm phát sanh đức tin vào Phật pháp là những bài kinh nên đọc để làm gia tăng đức tin của mình. Nhờ suy niệm hay đọc những bài kinh này mà hỉ phát triển.

5. Thư thái

Thư thái (passadhi) có nghĩa là tịnh hay an tịnh, tĩnh lặng. Thư thái giác chi phát sanh khi những cảm giác mệt mỏi hay những cảm giác không hài lòng thích thú bị chế ngự mà không cần có sự cố gắng nào. Khi thiền sinh đạt đến một mức độ định tâm nào đó thì thư thái giác chi xuất hiện. Lúc bấy giờ bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi, không có cảm giác bất an trong tâm. Bạn có được thư thái này mà không cần có sự cố gắng nào. Ðặc tánh của thư thái là tâm và tâm sở yên lặng không bị quấy động. Công năng của thư thái là loại bỏ sự hỗn loạn, giao động. Biểu hiện của thư thái giác chi đối với thiền sinh là tâm và tâm sở mát mẻ, không giao động.

Có bảy nguyên nhân giúp cho thư thái giác chi phát triển:

1) Thực phẩm thích hợp và bổ dưỡng: Thực phẩm không cần ngon quá cũng không nên tồi tệ quá mà phải đầy đủ chất bổ và thích hợp cho cơ thể bạn. Trong mục thực phẩm thích hợp này chúng ta có thể kể đến chỗ ở thích hợp: như không có nhiều ruồi muỗi kiến, côn trùng.

2) Khí hậu tốt đẹp: Khí hậu tốt đẹp giúp cho bạn hành thiền trong sự thư thái.

3) Tư thế thoải mái: Một tư thế thoải mái giúp bạn thực hành một cách dễ dàng hơn.

Những điều cần thiết nói trên không có nghĩa là thiền sinh phải quan trọng hóa thực phẩm, tư thế. Thiền sinh giỏi có thể khắc phục được mọi hoàn cảnh khó khăn trong khi hành thiền.

Chú giải nói rằng: "Thiền sinh đầy kiên nhẫn và nghị lực có thể chịu đựng mọi thời tiết và mọi tư thế".

Phụ chú giải nói: "Nhờ ba loại hỗ trợ vừa kể mà căn bản của một cơ thể thoải mái có thể đem lại sự thảnh thơi tinh thần và đó cũng là nguyên nhân của sự thư thái cả thân và tâm."

4) Suy tư đến nghiệp là gia tài của tất cả chúng sanh: Có nghĩa là suy tư theo trung đạo. Cho rằng đau khổ và hạnh phúc mà chúng sanh đang nhận chịu là vô nguyên nhân, đó là một thái cực. Cho rằng đau khổ và hạnh phúc mà chúng sanh đang nhận chịu là do Thượng đế tạo ra, đó là một thái cực khác. Bạn phải tránh hai thái cực này. Bạn phải hiểu rõ rằng đau khổ và hạnh phúc là kết quả của nghiệp lực của chính mình. Tất cả chúng sanh đang đau khổ hay hạnh phúc đều do nghiệp mà họ tích lũy trước đây. Nhờ suy tư đúng đắn như thế mà thiền sinh phát triển được thư thái giác chi.

5) Tránh xa người bất an nóng nảy: Tránh xa người bất an nóng nảy, người hay gây phiền lụy cho kẻ khác, giúp bạn phát triển thư thái giác chi. Thân cận với những người bất an thì bạn sẽ bất an theo. Và điều này đi ngược lại sự an tịnh.

6) Thân cận người thư thái: Người thư thái là người biết kiểm soát và chế ngự các tác động của tay chân, người biết thu thúc hành động của mình.

7) Hướng tâm vào việc phát triển thư thái giác chi: Nếu mọi cử chỉ và hành động của bạn đều hướng đến sự tỉnh lặng thì thư thái giác chi sẽ phát sinh.

6. Ðịnh

Ðịnh (samaadhi) là khả năng của tâm trụ trên một đề mục chính. Ðặc tính của Ðịnh giác chi là không lang bạc ra ngoài. Ðịnh có công năng làm tập trung tâm sở, giúp các tâm sở gom tụ lại với nhau. Biểu hiện của Ðịnh giác chi là an lạc, tĩnh lặng. Nguyên nhân gần của Ðịnh thường là hỉ lạc hay thoải mái. Khi thiền sinh có tâm hỉ, nghĩa là có sự hoan hỉ hay thoải mái thì định sẽ phát triển.

Có mười một nguyên nhân làm phát sinh Ðịnh giác chi:

1) Sạch sẽ nội và ngoại xứ. (đã được giải thích phần trên)

2) Quân bình các căn: (tín, tấn, niệm, định, huệ). (đã được giải thích phần trên)

3) Thiện xảo về tướng: Có nghĩa là thiện xảo về tướng trong các đề mục thiền kasina hay một loại tướng nào trong các đề mục thiền chỉ, khiến phát sinh các tầng định.

4) Nâng đỡ tâm khi tâm suy yếu: Khi tâm lười biếng do thiếu tinh tấn thì cần phải được nâng đỡ hay khích lệ bằng cách phát triển ba giác chi: Trạch pháp giác chi, hỉ giác chi và tinh tấn giác chi.

5) An định tâm khi tâm quá phấn chấn: Khi tâm quá phấn chấn hay quá tích cực do tinh tấn quá trội thì cần phải phát triển ba giác chi: thư thái giác chi, định giác chi và xả giác chi.

6) Khích lệ tâm bị héo mòn: Khi không thể tập trung tâm ý vì tâm yếu kém không sáng suốt thì thiền sinh bị xuống tinh thần, chán nản, thiếu năng lực. Lúc đó thiền sinh cần phải khích lệ tâm mình. Có thể khích lệ tâm bằng cách niệm tưởng đến Ân Ðức Phật. Sự hỉ lạc phát sinh do niệm tưởng ân đức này có thể giúp cho tâm phấn chấn trở lại.

7) Suy tư với tâm xả bỏ: Khi việc hành thiền tiến triển tốt đẹp, khi thiền sinh không cảm thấy dã dượi buồn ngủ, bất an và xuống tinh thần thì thiền sinh không nên khuấy rối tâm mình bằng cách nâng đỡ hay khích lệ. Thiền sinh nên tiếp tục hành thiền với tâm xả bỏ giống như người đánh ngựa thiện nghệ điều khiển ngựa chạy một cách êm thắm mà không cần thúc bách hay kềm chế ngựa.

8) Tránh người không định tâm: Nghĩa là tránh người có tâm tán loạn, thiếu tập trung tâm ý.

9) Gần người có tâm định: Người có tâm định là người đạt được cận định hay nhập định.

10) Suy tưởng về sự thoát khỏi những chướng ngại của các tầng thiền: Suy tư đi suy tư lại về các khía cạnh an tịnh tỉnh lặng của những tầng thiền, chẳng hạn như: đây là sự phát triển, đây là sự nhập thiền, đây là xuất thiền v.v...

11) Hướng tâm vào việc phát triển định tâm: Hãy hướng tâm mình vào việc phát triển tâm định. Nếu mọi cử chỉ hành động đều hướng vào mục đích phát triển định tâm thì Ðịnh giác chi sẽ phát sinh.

7. Xả

Xả (upekhaa) giác chi còn gọi là trung tính. Ðặc tính của xả là tạo sự quân bình giữa tâm và tâm sở. Nhờ có xả giác chi mà tâm và các tâm sở thực hiện trọn vẹn chức năng của mình, không quá trội hay không quá yếu kém. Như vậy xả giác chi có công năng ngăn chặn sự quá trội hay quá yếu kém vì nó giữ cho các tâm sở không bị uể oải hay quá phấn chấn hoặc bất an. Bởi vì xả đóng vai trò ngăn chặn sự thiếu và sự thừa nên nó không ưu đãi hay nghiêng về một tâm sở nào. Do đó công năng của xả là không nghiêng về hay ưu đãi. Sự biểu hiện của xả giác chi là trung tánh.

Có mười loại xả được đề cập trong Chú giải. Ðiều quan trọng của chúng ta là hiểu nghĩa chữ xả trong kinh Tứ Niệm Xứ. [20] Xả trong thất giác chi không phải là xả với cảm giác vô ký (không khổ, không lạc). Khi bạn có cảm giác vô ký thì bạn có một loại xả và khi bạn có sự quân bình thì bạn có một loại xả khác.

Có năm cách phát triển tâm xả:

1) Có thái độ xả đối với tất cả chúng sinh: Khi bạn luyến ái hay ưu ái với riêng một sinh vật nào hay một người nào thì bạn sẽ không có tâm xả hay trung tánh. Muốn phát triển tâm xả bạn phải có thái độ không luyến ái đối với tất cả mọi chúng sinh. Muốn thế bạn phải suy tư đến nghiệp là gia tài của tất cả chúng sinh: "Ta được sinh ra đây là do nghiệp lực của chính mình, do nghiệp lực mà ta đã tích lũy trong quá khứ, và cũng do nghiệp này mà ta sẽ rời khỏi nơi đây. Ai là chúng sanh mà ta đã luyến ái đây". Bạn cũng có thể suy tư một cách cao hơn: "Trong thực tế chẳng có chúng sanh nào hiện hữu, vậy chúng ta luyến ái vào ai đây?"

2) Phải có thái độ xả với vật vô tri vô giác: Khi bạn nhận ra rằng mình đang dính mắc vào một vật gì thì bạn có thể phát triển tâm xả bằng cách suy nghĩ đến sự vô chủ hay sự giả tạm của vật đó. Sự vô chủ có thể được suy tư như sau: "Vật này rồi đây sẽ cũ, tàn rụi và một ngày nào đó cũng sẽ bị vất đi." hay suy nghĩ như sau: "Vật này không thể tồn tại lâu dài, nó sẽ bị hủy hoại trong một thời gian ngắn." Ðó là suy tư đến tính cách tạm bợ của sự vật.

3) Tránh xa người quá luyến ái: Tránh xa hai hạng người: thứ nhất là người quá luyến ái vào chúng sanh và người khác, và thứ hai là người quá luyến ái vào các vật vô tri vô giác.

Người quá luyến ái vào chúng sanh có thể chia làm hai loại: người tại gia và người xuất gia. Người tại gia luyến ái con cái, cháu chắc. Người xuất gia luyến ái học trò và thầy. Họ quá luyến ái vào con cái hay học trò đến nỗi đáp ứng ngay những nhu cầu của những người này và không để cho người mình ưu ái làm bất cứ việc gì. Nếu có ai bảo người mà họ luyến ái làm việc gì, họ sẽ nói: "Ngay cả việc của nó mà nó cũng không làm; nếu nó phải làm việc này chắc nó sẽ mệt mỏi."

Ðối với người quá luyến ái vào đồ vật thì khi có ai hỏi mượn vật gì, họ sẽ trả lời: "Ngay cả tôi còn chưa dám dùng nó thì làm sao tôi có thể cho bạn mượn được".

Muốn phát triển tâm xả thiền sinh phải tránh thân cận những người này.

4) Thân cận với người có tâm xả đối với chúng sinh và vật vô tri: Thân cận những người này tâm xả của bạn sẽ phát triển.

5) Hướng tâm vào việc phát triển tâm xả: Mọi cử chỉ hành động đều nhắm vào việc phát triển tâm xả.

Khi bảy yếu tố giác ngộ có mặt thiền sinh biết rằng chúng có mặt; khi chúng vắng mặt thiền sinh biết rằng chúng vắng mặt. Bạn cũng biết nguyên nhân phát sinh các yếu tố này là ý thức sáng suốt, và những lý do mà bảy giác chi được phát triển một cách trọn vẹn. Ðiều này có nghĩa là do đắc Alahán toàn thể bảy yếu tố giác ngộ được hoàn hảo. Bởi thế, khi thiền sinh đắc quả Alahán thiền sinh biết rằng nhờ đắc quả Alahán mà bảy yếu tố này được hoàn hảo. Thiền sinh quán sát những yếu tố này khi chúng khởi sinh bên trong, đó là khởi sinh bên trong tâm thiền sinh. Thiền sinh quán sát những yếu tố này khi chúng khởi sinh bên ngoài, đó là khi thiền sinh nghĩ đến những yếu tố giác ngộ nơi người khác, và đôi khi thiền sinh có thể quán sát cả bên trong lẫn bên ngoài. Thiền sinh thấy rằng chỉ có những yếu tố này thôi, chẳng phải chúng sanh, chẳng phải con người chẳng phải đàn ông đàn bà gì cả. Thiền sinh biết được bằng cách này sẽ sống độc lập không lệ thuộc vào bất cứ vật gì trên đời.

Và lại nữa, này các thầy tỳ khưu, thầy tỳ khưu quán sát pháp trong pháp về bảy yếu tố giác ngộ.

Về phần quán sát pháp trong pháp, trong kinh ghi theo thứ tự: quán sát ngũ uẩn, quán sát năm chướng ngại, quán sát mười hai xứ và quán sát bảy yếu tố giác ngộ. Nhưng trong thực hành hễ pháp gì đến thì thiền sinh quán sát pháp đó.

E. Tứ Thánh Ðế

"Thánh đế" hay "chân lý cao thượng" được dịch từ chữ Ariyasacca. Ariya có nghĩa là "thánh" hay "cao thượng" và sacca có nghĩa là "đế" hay "sự thật". Có bốn chân lý cao thượng hay tứ thánh đế. Có hai lối giải thích tứ thánh đế hay bốn chân lý cao thượng này:

Ðược gọi là "thánh đế" hay "chân lý cao thượng" vì chân lý này do các bậc thánh hay các bậc cao thượng thể nghiệm và thông suốt. Các bậc thánh hay các bậc cao thượng là những vị đã thấy những chân lý này và tâm họ đã thoát ly phiền não.

Ðược gọi là "thánh" hay "cao thượng" bởi vì những chân lý này đã được các "thánh" hay "bậc cao thượng" khám phá ra. "Thánh" hay "bậc cao thượng" ở đây là Ðức Phật, bậc cao thượng nhất trong các bậc cao thượng. Bốn chân lý cao thượng này Ðức Phật không đặt hay sáng chế, nhưng chỉ khám phá hay phát kiến mà thôi. Những chân lý này luôn luôn hiện hữu nhưng bị màn vô minh che lấp. Khi thế gian không có Phật xuất hiện thì bốn chân lý này bị bỏ quên.

Ðã có nhiều vị Phật ra đời trong quá khứ, và chỉ khi có một vị Phật ra đời thì bốn chân lý này mới được khám phá và hiển lộ. Sau khi vị Phật và những đệ tử trực tiếp của Ngài nhập diệt, Giáo pháp của Ngài từ từ biến mất và bốn chân lý này bị che lấp. Một thời gian dài sau đó, một vị Phật khác ra đời, khám phá và khai mở lại bốn chân lý này hay tứ thánh đế cho thế gian.

Một lối giải thích khác cho rằng bốn chân lý này được gọi là "chân lý cao thượng" vì người nào thấu đáo được sẽ trở nên "cao thượng". Người nào thấu suốt hay thấy rõ bốn chân lý này thì tâm thoát ra khỏi mọi phiền não. Sự thấu suốt hay chứng ngộ bốn chân lý này ám chỉ sự cao thượng trong một cá nhân. Bởi thế chân lý này được gọi là chân lý cao thượng hay chân lý tạo nên sự cao thượng.

Một lối giải thích khác cho rằng chân lý này chính nó là cao thượng. Cao thượng ở đây có nghĩa là thật sự, không sai lầm hay ngụy tạo.

Bốn chân lý cao thượng là:

1. Chân lý cao thượng về sự khổ (Khổ Ðế).
2. Chân lý cao thượng về nguyên nhân của sự khổ (Tập Ðế).
3. Chân lý cao thượng về sự chấm dứt khổ (Diệt Ðế).
4. Chân lý cao thượng về con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ (Ðạo Ðế).

Ðặc tính của chân lý đầu tiên, chân lý cao thượng về sự khổ, là "sự khổ". Khổ làm cho bạn khốn cùng. Bởi vậy đặc tính của khổ là đau khổ. Chức năng của khổ là đốt cháy bạn, làm cho bạn bị phiền não. Sự biểu hiện của khổ là một biến cố hay một chuyện đang xảy ra.

Chân lý cao thượng thứ hai, chân lý về nguồn gốc của sự đau khổ, là "ái dục". Ðặc tính của chân lý này là "nguyên nhân". Công năng của nó là ngăn chặn sự gián đoạn, nghĩa là nó tiếp tục gây ra nguyên nhân bất tận mà không để xảy ra một sự gián đoạn nào. Biểu hiện của chân lý thứ hai này là sự ngăn trở hay chướng ngại.

Chân lý thứ ba, chân lý về sự diệt khổ, tức Niết Bàn, có đặc tính "an lạc" và "trạng thái an lạc". Sự an lạc ở đây là thoát khỏi mọi phiền não: tham, sân, si. Công năng của chân lý thứ ba này là chẳng bao giờ bị mất, chẳng bao giờ suy tàn hay chết. Biểu hiện của chân lý thứ ba là "không tướng", "không hình sắc", bởi vậy bạn không thể nào dùng một danh từ hay hình dáng nào để mô tả Niết Bàn. Niết Bàn không có đặc tính, không có biểu tượng. Một lần nọ vua Milinda hỏi đại đức Naagasena rằng có thể dùng hình dáng, tuổi tác hay kích thước để mô tả Niết Bàn không, thì được trả lời là không.[21]

Ðặc tính của chân lý cao thượng thứ tư hay con đường dẫn đến nơi chấm dứt sự khổ là cung cấp "phương tiện hay con đường thoát ly". Chân lý thứ tư có công năng loại trừ phiền não. Thật vậy, chân lý này bao gồm tám yếu tố, hiện diện vào lúc có đạo tâm. Vào lúc đạo tâm xuất hiện thì phiền não bị loại trừ. Biểu hiện của chân lý này đối với thiền sinh là sự thoát khỏi vòng tái sanh.

Chân lý đầu tiên được gọi là Khổ đế, "dukkha". Dukkha có nghĩa là xấu, không có giá trị (du) và "trống không" (kha). Vật gì xấu xa, không có giá trị và trống không, không trường tồn, không hạnh phúc và không có bản chất thì gọi là khổ, dukkha.

Chân lý thứ hai được gọi là Tập đế, "samudaya". Aya có nghĩa là "nguyên nhân" và udaya có nghĩa là "khởi sinh" và sam có nghĩa là "phối hợp với các điều kiện hay nguyên nhân khác". Ái dục khởi sinh cùng với si mê, chấp thủ, nghiệp và những yếu tố khác, được hỗ trợ bởi những nguyên nhân khác, gây ra đau khổ (dukkha). Bởi vậy, chúng ta gọi chân lý thứ hai này là nguyên nhân của sự khổ hay "tập", samudaya.

Chân lý thứ ba được gọi là Diệt đế, "dukkha nirodha". Tiếp đầu ngữ ni có nghĩa là "không" hay "vắng mặt", và nodha có nghĩa là "tù". Như vậy dukkha nirodha có nghĩa là không bị lao tù trong sự khổ, trong vòng luân hồi, trong Niết Bàn, vì đã thoát khỏi mọi sự tái sinh. Niết Bàn được gọi là dukkha nirodha bởi vì nó là nguyên nhân hay điều kiện để chấm dứt đau khổ.

Chân lý thứ tư có tên thật dài: con đường dẫn đến nơi diệt khổ, Ðạo đế, "dukkha nirodha gaaminii pattipadaa". Có nghĩa là "đạo" hay "con đường" hay "cách thực hành" (patipadaa) dẫn đến nơi (gaamini) "chấm dứt đau khổ" (dukkha nirodha). Các pháp khởi sinh nơi nào thì diệt ngay nơi đó. Không có một hiện tượng nào sinh ở nơi này và diệt ở một nơi khác. Nhưng tứ thánh đế này lấy Niết Bàn hay sự chấm dứt đau khổ, khi nó khởi sinh, làm đề mục hành thiền. Bởi thế, chân lý này là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.

Ðức Phật dạy bốn chân lý cao thượng trong Kinh Tứ Niệm Xứ như sau:

Tỳ khưu biết như thật "đây là khổ", tỳ khưu biết như thật "đây là nguyên nhân của sự khổ"; tỳ khưu biết như thật "đây là sự chấm dứt khổ"; và tỳ khưu biết như thật "đây là con đường dẫn đến nơi dứt khổ".

Ðoạn văn trên mô tả cho biết thiền sinh đã biết và nhận chân được chân lý cao thượng như thế nào. "Như thật" có nghĩa là đúng theo thực trạng của nó. Bạn biết như thật hay đúng theo chân lý, đúng theo sự thật. Bạn biết như thật hay đúng theo chân lý rằng đây là sinh, đây là già, đây là đau khổ, buồn rầu, đây là chết v.v... Bạn biết như thật ái dục là nguyên nhân của sự khổ và Niết Bàn là chấm dứt đau khổ và Bát Chánh Ðạo là con đường dẫn đến nơi thoát khổ.

1. Chân lý cao thượng về sự khổ.

Ðức Phật giảng giải thêm về chân lý thứ nhất như sau:

Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là chân lý cao thượng về sự khổ? Sinh là khổ, già là khổ, chết là khổ; lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, khổ thân. khổ tâm và quá suy sụp tinh thần là khổ; gần cái không ưa là khổ, xa cái ưa thích là khổ, không đạt được cái ưa thích là khổ. Tóm lại, ngũ uẩn thủ là khổ.

Kinh Dhammacakkappavattana, ghi lại những lời giảng giải của Ðức Phật trong bài thuyết pháp đầu tiên, có giải thích rõ ràng đoạn kinh trên.

"Sinh là khổ", bởi vì sinh là căn bản hay là nền tảng của những đau khổ kế tiếp sau đó mà bạn phải nhận chịu trong suốt cuộc đời.

"Già là khổ". Già có nghĩa là lớn lên, trưởng thành và tàn rụi. Già cũng là căn bản hay nền tảng của sự khổ. Không ai muốn già, nhưng cơ thể không trẻ mãi được. Cơ thể tàn tạ từng giây, từng phút. Không có giây phút nào chúng ta không già thêm cả. Không ai thoát khỏi tiến trình già nua. Bạn có thể xóa bỏ một vài khía cạnh của sự già. Bạn có thể vào mỹ viện để xóa bỏ những vết nhăn trên mặt mình bằng cách căng da mặt, nhưng bạn không thể chấm dứt được tiến trình già nua. Ngay khi bạn đang ở trên bàn giải phẩu để làm cho mình trẻ ra thì bạn cũng đang già dần từng giây phút một. Có thể sau khi giải phẩu xong, mặt bạn có vẻ trẻ hơn, nhưng bạn không thật sự trẻ hơn. Bạn không thể nào xoay ngược tiến trình già nua. Bạn không muốn già nhưng bạn đang già từng giây từng phút một đấy. Ðó là nguyên nhân của sự không hạnh phúc. Thế nên già cũng là căn bản hay nền tảng của sự khổ và già cũng được gọi là "khổ".

"Chết là khổ". Ðiều này thật dễ hiểu. Không ai muốn chết cả.

"Lo âu phiền muộn, luyến tiếc than khóc, khổ thân, khổ tâm và quá suy sụp tinh thần là khổ". Bạn đã từng trải qua những điều này trong suốt cuộc sống của bạn. Ðôi lúc bạn buồn rầu, đôi lúc bạn than khóc nức nở (than khóc là khóc ra tiếng, khóc lớn). Ðôi khi cơ thể đau nhức, đôi lúc sự nóng giận hay thất vọng tràn ngập tâm bạn. Khổ tâm là một loại ưu phiền (domanassa) hay khổ thọ và thất vọng thuộc về sân hận (dosa). Nhưng nói chung chúng đều thuộc về nhóm sân.

"Gần cái không ưa thích là khổ". Phải thấy cái gì mà mình không muốn thấy là khổ. Phải nghe âm thanh gì mà mình không muốn nghe là khổ. Phải sống với người mà mình không ưa thích là khổ. Phải xa người mà mình mến yêu hay xa vật mà mình ưa thích là khổ. Khi người mình mến yêu chết hoặc tạm thời xa vắng mình đều khổ.

"Không đạt được cái ưa thích là khổ". Không đạt được cái mà mình ưa thích có nghĩa là không nắm giữ được, không làm chủ được cái mà mình ưa thích. Hầu hết chúng ta đều ao ước, mong muốn vật gì mà mình không có. Chúng ta thường ao ước, mong muốn những điều mà mình không thể nào và không bao giờ có được; chẳng hạn như chúng ta mong muốn đừng bị chán nản, thất vọng, đừng khổ thân, khổ tâm nhưng những thống khổ này không bao giờ dứt được. Chúng ta mong muốn đừng già, nhưng đây là một điều không thể nào thực hiện được. Chúng ta mong muốn có được những vật mà chúng ta không thể nào có cũng đều là đau khổ. Nhưng nên nhớ rằng ngay cả khi có được vật mình ưa thích cũng là đau khổ nữa.

"Tóm lại, ngũ uẩn thủ là khổ". Ngũ uẩn thủ là tất cả những gì trên thế gian, dầu là vật hữu tình, chúng sinh hay vật vô tình, những vật vô tri vô giác đều là đối tượng khiến chúng ta tham đắm, luyến ái hay dính mắc và tà kiến đều là ngũ uẩn thủ. Bởi vậy, ngũ uẩn thủ là khổ.

Sinh là dukkha, già là dukkha, điều này thật dễ hiểu, nhưng câu cuối cùng của đoạn kinh trên nói rằng ngũ uẩn thủ cũng là dukkha thì hơi khó hiểu; bởi vì chúng ta đã đi từ cái hiểu thông thường sang cái hiểu triết học của chữ dukkha. Theo nghĩa thông thường thì dukkha là "khổ thân" hay "khổ tâm", nhưng theo nghĩa phân tích thâm sâu thì khổ thân, khổ tâm có nghĩa rộng hơn, và một khi bạn hiểu theo nghĩa phân tích thâm sâu của chữ dukkha thì bạn đã hiểu rõ ràng chân lý đầu tiên.

Muốn hiểu rõ nghĩa chữ dukkha bạn phải biết có ba loại dukkha:

1) Dukkha dukkha (khổ khổ)
2) Viparinaama dukkha (hoại khổ)
3) Sankhaaradukkha (hành khổ)

Dukkha dukkha: Dukkha theo nghĩa thông thường là sự khổ trong cuộc đời. Ðược dịch là "khổ khổ". Ðó là khổ thân và khổ tâm. Chẳng hạn, khi bị kim đâm vào tay, bạn cảm thấy đau. Ðó là dukkha dukkha hay khổ khổ; cái đau có thể thấy và nhận biết rõ ràng. Khi bạn cảm thấy buồn, tiếc nuối hay xuống tinh thần hay cảm thấy không được vui thì đó cũng thuộc loại khổ thông thường hay khổ khổ.

Viparinaama dukkha: "Khổ do sự thay đổi". Loại khổ này tùy thuộc vào những sự an lạc, vui thích về vật chất hay tinh thần. Ngay cả những lạc thọ cũng là dukkha bởi vì khi chúng thay đổi, hay ra đi chúng gây ra sự luyến tiếc và đau khổ. Như vậy, theo nghĩa này thì ngay cả những lạc thọ, cảm giác vui vẻ thích thú thuộc thân hay tâm cũng đều là dukkha.

Sankhaara dukkha: "Hành khổ", khổ vì có duyên sinh. "Duyên sinh có nghĩa là được tạo ra hay có nguyên nhân từ những cái khác. Mọi vật trên thế gian đều do duyên sinh, như vậy sankhaara dukkha đã tạo nên mọi vật trên thế gian. ở đây sankhaara dukkha bao gồm cả những cảm thọ vô ký và tất cả những duyên sinh khác trong tam giới. Không có lúc nào trong đời sống bạn có thể thoát khỏi loại dukkha này.

Tại sao gọi ngũ uẩn thủ là khổ? Một định nghĩa của dukkha là những gì vô thường thì cũng gọi là dukkha. Theo một định nghĩa khác của dukkha thì lạc thọ, khổ thọ, vô ký thọ và tất cả mọi sự mọi vật đều vô thường. Bởi vì mọi sự mọi vật đều vô thường nên mọi sự mọi vật đều dukkha.

Nhưng thế nào là vô thường? Cái gì có khởi đầu thì phải có chấm dứt. Một khi có sự sinh khởi thì chắc chắn phải có sự hoại diệt. Khi một vật gì sinh ra rồi diệt, hiện ra rồi mất đi thì vật đó là vô thường. Vật đó đã bị chi phối, bị áp chế bởi sự đến và đi trong từng giây phút một nên vật đó là vô thường. Cái gì bị áp chế, bị bó buộc thì đó là dukkha. Cái gì có khởi đầu có chấm dứt là vô thường. Cái gì vô thường là dukkha.

Chữ dukkha thường được dịch là "khổ", nhưng danh từ "khổ" quá giới hạn. Ðó là một định nghĩa phổ thông của chữ dukkha. Thật ra chữ dukkha bao gồm tất cả những gì vô thường, những gì có điểm khởi đầu và điểm chấm dứt. Ngay cả khi bạn đang hưởng thụ một thứ gì, như đang ăn thức ăn ngon hay đang xem một cuốn phim hay, hoặc đang hưởng thụ một dục lạc nào đó, thì thật ra bạn cũng đang đau khổ, bởi vì cái vui và cái thích thú mà bạn đang hưởng không kéo dài, nó có điểm khởi đầu và điểm chấm dứt. Cái vui vừa mới khởi sinh lại biến mất ngay, bởi thế nó là vô thường. Và bởi vì nó vô thường nên nó là dukkha. Nhiều tác giả đề nghị để nguyên chữ dukkha đừng dịch vì không có một danh từ nào dịch trọn nghĩa chữ dukkha được.

Khi tuyên bố bốn chân lý cao thượng, Ðức Phật chỉ cho thấy sự thực của thế gian và những gì trên cuộc sống này đều là đau khổ. Nhiều người tỏ vẻ không hài lòng đối với Phật giáo bởi vì họ nghĩ rằng Phật giáo sống trong đau khổ. Họ nghĩ rằng Phật giáo dạy những điều bi quan. Thật ra khi nói rằng mọi vật trên thế gian đều là dukkha thì điều đó chẳng phải là bi quan, vì đó là sự thật. Tất cả đều là dukkha. Chúng ta không thể nào kết tội một vị thầy thuốc là bi quan khi vị này xem xét cẩn thận một bệnh nhân và bảo rằng người này bị bệnh. Ðó không phải bi quan mà là thực tế và cần thiết; bởi vì có thật sự biết rõ bệnh tình của bệnh nhân thì thầy thuốc mới có thể định liệu phương pháp chữa trị.

Nếu Ðức phật chỉ nói đến dukkha mà thôi thì Ngài có thể bị kết tội là giảng dạy những điều bi quan. Nhưng đức Phật tìm thấy nguyên nhân của sự đau khổ và đem lại niềm hi vọng cho chúng ta bằng cách tuyên bố rằng có cái dứt khổ, chẳng khác nào thầy thuốc sau khi chẩn mạch biết được bệnh trạng và báo cho bệnh nhân biết rằng bệnh có thể chữa trị được. Ðức Phật không những cho biết có sự chấm dứt đau khổ mà Ngài còn chỉ cho ta thấy rõ con đường để chấm dứt đau khổ. Nghĩa là có phương pháp, có cách thức, có sự thực hành để loại bỏ đau khổ. Bởi vậy, thông điệp về bốn chân lý cao thượng hay tứ thánh đế không bi quan mà là thực tế. Ðức Phật chỉ rõ rằng trong sự chấm dứt đau khổ có an lạc, tĩnh lặng và trí tuệ.

Câu "Tóm lại, ngũ uẩn thủ là khổ" phải được hiểu theo ý nghĩa trên. Ngũ uẩn thủ vừa là duyên sinh vừa là duyên hệ. Như thế, ngũ uẩn có điểm khởi đầu và điểm chấm dứt là vô thường. Bởi vì chúng vô thường nên chúng là khổ. Ðức Phật đã nói đến chân lý về sự khổ bằng cách định nghĩa như sau:

Bây giờ thế nào là sinh? Sự sinh của một chúng sanh tùy thuộc vào giới loại của chúng sanh, sự ra đời của chúng, nguồn gốc của chúng, sự thụ thai của chúng, sự hiện hữu của chúng, sự xuất hiện các uẩn, sự thụ đắc các căn; này các thầy tỳ khưu, như vậy được gọi là sinh.

"Sự sinh của một chúng sanh tùy thuộc vào giới loại của chúng sanh", có nghĩa là sự sinh của chúng sanh trong thế giới của loài người hay trong cõi trời hoặc trong các cảnh giới súc sanh, ngạ quỉ v.v...

"Sự xuất hiện các uẩn", có nghĩa là sự khởi sinh của các uẩn vào lúc sinh.

"Sự thụ đắc các căn", có nghĩa là sự khởi sinh của một vài căn vào lúc sinh.

Và này, các thầy tỳ khưu, thế nào là già? Sự già của một chúng sanh tùy thuộc vào giới loại của chúng sanh; sự già của chúng, sự suy thoái, sự rụng răng, sự bạc tóc, sự nhăn da, sự suy sụp sức khỏe, sự suy mòn các căn, này các thầy tỳ khưu, như vậy là già.

Trong A.t.thasaalinii có nói rằng sự già không thể thấy được. Những gì bạn thấy chỉ là kết quả của sự già, như răng rụng, tóc bạc, cơ thể suy yếu... Từ những hậu quả như răng rụng chẳng hạn, chúng ta thấy được nguyên nhân của chúng là sự già. Như vậy sự già ở đây được mô tả nhờ sự nhận ra những hậu quả của nó.[22]

Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là chết? Sự ra đi và sự biến mất của chúng sanh khỏi các giới loại mà chúng đang sống; sự suy tàn, sự biến mất, sự đang chết, sự chết, sự hoàn toàn chấm dứt đời sống, sự diệt của ngũ uẩn, sự vất bỏ tử thi, sự suy tàn của các căn kiểm soát sức sống, này các thầy tỳ khưu, như vậy là sự chết.

Khi diễn tả và giải nghĩa sự chết, Ðức Phật đã dùng nhiều ví dụ và dùng rất nhiều chữ đồng nghĩa để cho người nghe, nếu không hiểu được sự giảng giải đầu tiên, có thể hiểu được sự giảng giải thứ hai hay thứ ba. Ðó là cách mà Ðức Phật giảng giải các từ, đặc biệt là trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) rất nhiều chữ đồng nghĩa đã được dùng để chỉ cho cùng một việc.

Và này, các thầy tỳ khưu, thế nào là lo âu phiền muộn? Những ai gặp phải sự mất mát này hay mất mát khác, gặp phải sự đau khổ này hay đau khổ khác, sự ăn năn, sự âu sầu, tâm sầu muộn, sự sầu khổ bên trong, này các thầy tỳ khưu, như vậy gọi là lo âu phiền muộn.

Lo âu phiền muộn là một khổ thọ hiện diện trong hai loại tâm tương ưng với sân hận.

Và này, các thầy tỳ khưu, thế nào là uất ức than khóc? Những ai gặp phải sự mất mát này hay mất mát khác, gặp phải sự đau khổ này hay đau khổ khác, sự than khóc, sự bi thảm và than khóc, trạng thái bi thảm và than khóc, này các thầy tỳ khưu, như vậy gọi là uất ức than khóc.

Trước tiên bạn cảm thấy phiền muộn rồi thì bạn có thể than ra tiếng. Bạn khóc lớn và sự khóc lớn này được gọi là "than khóc". Than khóc là âm thanh hay tiếng nói hỗn loạn do tâm tạo nên.

Và này, các thầy tỳ khưu, thế nào là khổ thân? Sự đau khổ về thân và sự không sảng khoái về thân; sự đau khổ, sự không sảng khoái do thân xúc, này các thầy tỳ khưu, như vậy gọi là khổ thân.

Khổ thân là một khổ thọ liên quan đến thân. Khi bạn dùng vật gì đập vào thân, bạn sẽ cảm nhận được loại đau khổ này. Ðó là cảm giác đi kèm với một loại thân thức phát sanh đồng thời với sự đau.

Và này, các thầy tỳ khưu, thế nào là khổ tâm (ưu phiền)? Sự khổ tâm và sự không sảng khoái về tâm, sự khổ và sự không sảng khoái do tâm xúc, này các thầy tỳ khưu, như vậy gọi là khổ tâm.

Ưu phiền hay khổ tâm là một khổ thọ có mặt nơi những loại tâm đi kèm với sân hận (dosa). Khi tìm hiểu sự khổ tâm thì bạn sẽ thấy cảm giác này cũng tương tự như những loại tâm khởi sinh với sân.

Và này, các thầy tỳ khưu, thế nào là sầu não? Những ai gặp phải sự mất mát này hay mất mát khác, gặp phải sự đau khổ này hay đau khổ khác, sự áo não, sự sầu não, trạng thái của chúng sinh đang có sự áo não, trạng thái của chúng sinh đang có sự sầu não, này các thầy tỳ khưu, như vậy gọi là sầu não.

Sầu não là một loại sân hận (dosa) hiện diện nơi hai loại tâm đi kèm với khổ thọ. Sự khác biệt giữa lo âu phiền muộn, uất ức than khóc và sầu não được sách Thanh Tịnh Ðạo nói đến như sau:

-- Lo âu phiền muộn chẳng khác nào dầu được nấu trong một cái chảo đặt trên bếp lửa nhỏ. Uất ức than khóc chẳng khác nào dầu sôi tràn khỏi nồi khi đốt lửa quá mạnh. Sầu não là phần dầu còn lại trong chảo sau khi dầu đã sôi trào ra và không thể nào có thể tiếp tục trào ra nữa, nấu cho đến khi dầu khô hẳn.[23]

Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là đau khổ khi phải gần những gì mà mình không ưa thích. ở đây, bất kỳ những gì không đáng yêu, không vừa lòng, không thích thú (sảng khoái), hình sắc, âm thanh, mùi, vị và vật xúc chạm hoặc bất kỳ vật gì mà mình muốn chúng mất, muốn chúng bị hư hại, muốn chúng không được thoải mái, muốn chúng không tránh khỏi điều bất hạnh, nhưng mà mình lại phải sống với chúng, chung đụng với chúng, yêu thương chúng, cùng hòa lẫn với chúng. Này các thầy tỳ khưu như vậy là gần với những gì mà mình không thích.

Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là xa cái mình ưa thích. ở đây, bất kỳ cái gì đáng yêu, đáng ưa thích, dễ thương, sắc, thinh, hương, vị, xúc; hay những ai mà mình muốn cho họ có sự an lạc, muốn cho họ có sự lợi ích, muốn cho họ có sự thoải mái, muốn cho họ tránh xa những điều bất hạnh, cha mẹ, anh, chị, em, bạn bè, đồng nghiệp, bà con gần, bà con xa; những ai không thể sống gần với mình, không thể đến với mình, không được thân cận với mình, không hòa lẫn với mình. Này các thầy tỳ khưu, như vậy là đau khổ vì phải xa cái mình ưa thích.

Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là không đạt được cái mình mong cầu. Bị sự sanh chi phối, sự mong cầu sau đây có thể khởi sanh: "Mong rằng ta khỏi bị sự sanh chi phối, mong rằng ta khỏi đi tái sanh", nhưng thực ra, những điều này không chỉ do mong cầu mà được. Như vậy là sự đau khổ do không đạt được cái gì mà mình mong cầu.

Bị sự già chi phối có thể khởi sinh sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị sự già chi phối". Nhưng thực ra, những điều này không chỉ do mong cầu mà được. Như vậy là không đạt được cái gì mà mình mong cầu, và đó cũng là đau khổ.

Bị bệnh tật chi phối có thể khởi sinh sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị bệnh tật chi phối". Nhưng thực ra, những điều này không chỉ do mong cầu mà được. Như vậy là không đạt được cái gì mà mình mong cầu, và đó cũng là đau khổ.

Bị sự chết chi phối có thể khởi sinh sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị sự chết chi phối". Nhưng thực ra, những điều này không chỉ do mong cầu mà được. Như vậy là không đạt được cái gì mà mình mong cầu, và đó cũng là đau khổ.

Bị lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, khổ thân, khổ tâm và sầu não chi phối có thể khởi sinh sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, khổ thân, khổ tâm và sầu não chi phối". Nhưng thực ra, những điều này không chỉ do mong cầu mà được. Như vậy là không đạt được cái gì mà mình mong cầu, và đó cũng là đau khổ.

"Không đạt được cái gì mà mình mong cầu" có nghĩa là không có được những gì không thể đạt được. Mỗi lần bạn mong ước mình đừng bị sự sanh chi phối, đừng bị sự già chi phối, đừng bị sự đau chi phối v.v... đó là bạn mong ước những gì mà mình không thể đạt được và như vậy là nguyên nhân của đau khổ.

Và này các thầy tỳ khưu, "Một cách tóm tắt, ngũ uẩn thủ là khổ là gì?". Ðó là sắc uẩn thủ, thọ uẩn thủ, tưởng uẩn thủ, hành uẩn thủ, thức uẩn thủ. Này các thầy tỳ khưu, chúng được gọi "một cách tóm tắt, ngũ uẩn thủ là khổ".

Chân lý cao thượng về sự khổ đã được giảng giải chi tiết trong kinh này. Phần giảng giải sau cùng là phần quan trọng nhất vì nó bao gồm tất cả mọi sự trong thế gian. Nó giúp cho bạn hiểu rõ chân lý cao thượng đầu tiên với tầm mức phân tích thâm sâu.

Khi giải thích câu: "Không đạt được cái gì mà mình mong cầu" thì cũng là đau khổ, nhà luận giải muốn nói rằng những sự mong cầu về những gì mà mình không thể đạt được, những gì mà mình không thể có được là đau khổ nên thuộc về chân lý thứ nhất. Trong chính kinh này thì giảng nghĩa rằng mong cầu về sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp chính nó là ái dục nên thuộc về chân lý thứ hai. Hòa thượng thiền sư Mahasi dạy rằng: "Tham ái đã được tích lũy trong các kiếp sống quá khứ và tham ái là nguồn gốc của ngũ uẩn trong những kiếp kế tiếp nằm trong chân lý thứ hai. Ðó là tham ái những gì mà mình không đạt được, là tham ái thuộc về ngũ uẩn trong những kiếp kế tiếp."

(Xem Phần kế tiếp)

-oOo-

Phần trước | Mục Lục | Phần kế


Source: Như Lai Thiền Viện - Tathagata Meditation Center, San Jose, California, U.S.A.

Ghi chú về qui ước viết các ký tự Pali trên Internet:

dnx-pali-int.gif (2720 bytes)


[Thư Mục]

Last updated: 01-08-2000

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com