Khi hướng dẫn hay chỉ bảo thiền sinh cách hành thiền, thiền sư
thường dùng những từ như sau: "Hãy thuần ý thức sự có mặt của đối
tượng", "Chánh niệm về đề mục", "Theo dõi
đề mục", "Ghi nhận đề mục", "quan sát đề
mục", "Cố gắng thấy rõ đề mục", "Cố gắng hiểu
biết đối tượng một cách rõ ràng" v.v... Tất cả những câu trên
đều có cùng nghĩa là: "Chú tâm vào đề mục, quán sát một cách
tỉ mỉ và chính xác".
Trong đoạn kinh nói về sự tỉnh giác hay sự hiểu biết rõ ràng
Ðức Phật dạy:
Tỳ khưu tỉnh giác trong khi đi tới, đi lui.
Phải áp dụng tỉnh giác như thế nào trong khi đi? Trước khi tìm
hiểu cách áp dụng tỉnh giác, chúng ta cần biết "tỉnh giác"
là gì? Muốn hiểu nghĩa chữ tỉnh giác bạn cần phải trở về với chú
giải và tìm hiểu nguyên ngữ Paa.li của chữ tỉnh giác,
Sa"mpaja~n~na.
Sa"mpaja~n~na hay tỉnh giác xuất xứ từ chữ sa"mpajaana, có
nghĩa là "Người thấy đúng", "Người thấy đúng, chính xác,
trọn vẹn và quân bình". Một người được gọi là sa"mpajaana
khi họ đạt được trạng thái hay có tư cách sa"mpaja~n~na.
Như vậy, sa"mpaja~n~na là "thấy hay hiểu hoặc biện
biệt một cách đúng đắn, chính xác, trọn vẹn và quân bình".
Tiếp đầu ngữ "sam" trong chữ sa"mpaja~n~na có
nhiều nghĩa. Phụ chú giải đưa ra ba nghĩa chính của "sam":
- Ðúng hay chính xác.
- Trọn vẹn.
- Quân bình hay cân bằng.
* Ðúng hay chính xác: Thiền sinh phải quán sát đối tượng hay đề
mục một cách rõ ràng chính xác. Không được lầm lẫn đối tượng đang quán
sát với một đối tượng khác. Phải phân biệt Thân với Tâm hay phân
biệt Tâm với Thân, nghĩa là phải thấy Thân riêng biệt với và Tâm
riêng biệt với Thân. Không được lẫn lộn cái này là cái kia và cái kia
là cái này. Phải thấy một cách rõ ràng chính xác.
* Trọn vẹn: Thiền sinh phải hiểu đối tượng hay đề mục một
cách trọn vẹn. Hiểu trọn vẹn có nghĩa là hiểu mọi khía
cạnh của các hiện tượng Thân và Tâm. Phải hiểu đặc tính, công năng
và sự biểu hiện của đối tượng quán sát.
* Quân bình hay cân bằng: Thiền sinh phải hiểu cách quân bình Ngũ
căn - Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh, Huệ. Năm yếu tố này phải được quân
bình hài hòa: Tín quân bình với Huệ, Tấn quân bình với Ðịnh, Niệm
càng nhiều càng tốt. Sự quân bình giữa Tấn và Ðịnh đóng vai trò quan
trọng đặc biệt. Khi Ngũ căn không quân bình thì Ðịnh tâm bị rối
loạn, phân tán, và kết quả là thiền sinh không thấy rõ được bản
chất của sự vật.
"Tỉnh giác" có nghĩa là thấy chính xác, thấy trọn vẹn, thấy
trong sự quân bình ngũ căn. Yếu tố quân bình ngũ căn rất quan trọng,
vì ngũ căn có quân bình thì trí tuệ mới phát triển. Áp dụng tỉnh
giác có nghĩa là quán sát, ghi nhận đối tượng với sự chú tâm tinh tế,
tỉ mỉ, nhìn thấy chính xác, trọn vẹn trong sự quân bình ngũ căn.
Chú giải đề cập đến bốn loại tỉnh giác:
- Lợi ích tỉnh giác
- Thích nghi tỉnh giác
- Giới vực tỉnh giác
- Không tà kiến tỉnh giác, hay Chánh kiến tỉnh giác
Thiền sinh phải áp dụng bốn loại tỉnh giác này trong các oai nghi: đi,
đứng, nằm, ngồi (đại oai nghi) cũng như trong các tác động nhỏ nhặt khác:
co tay, duỗi tay, khom mình, ngẩng cổ, quay trước, quay sau... (tiểu oai
nghi)
1. Lợi ích tỉnh giác: Trước khi làm điều gì phải cân nhắc xem
điều đó có đem lại lợi ích không? Nếu thấy không đem lại lợi ích
thì đừng làm.
Chẳng hạn đi đến chùa tháp hay đi đến cây Bồ đề để lễ
bái là một việc làm có lợi ích cho người Phật tử. (Phật tử ở các quốc
gia Phật giáo như Miến Ðiện, Thái Lan, Tích Lan v.v... thường hay
đến cây Bồ Ðề để lễ bái. Họ tỏ lòng cung kính với cây Bồ
Ðề vì Ðức Phật đã giác ngộ đạo quả dưới cội cây này. Phật tử lễ
bái cây Bồ Ðề để tưởng nhớ công ơn của Ðức Phật). Phật tử
đến chùa, tháp hay cây Bồ Ðề để lễ bái hầu tạo phước báu và
phát triển các tâm sở thiện. Ðó là việc làm tốt đẹp và đem
lại lợi ích. Giảng giải cho người khác nghe, đặc biệt giảng giải Giáo
Pháp, là việc làm đem lại nhiều lợi ích. Thiền đề mục tử thi
để hiểu rõ bản chất của tử thi cũng là bản chất của chính cơ
thể mình hầu loại bỏ tham ái dính mắc cũng là một việc làm hữu ích.
Lễ bái chùa, tháp, cây bồ đề, thuyết pháp, thiền đề mục
tử thi là những việc làm tốt đẹp đem lại lợi ích. Tuy thế, trước
khi làm một việc gì, mình cho là tốt đẹp và hữu ích, phải đắn đo suy
nghĩ xem điều đó có thích nghi không? Xét đến sự thích nghi là
chúng ta đã bước sang sự tỉnh giác thứ hai, thích nghi tỉnh giác.
2. Thích nghi tỉnh giác: Ðôi khi việc làm có ích lợi nhưng không
thích nghi vì không đúng lúc, đúng chỗ. Chẳng hạn, đến nơi lễ bái,
chùa tháp hay đến cây Bồ Ðề là việc làm tốt đẹp và lợi ích.
Nhưng nếu ở những nơi đó đang có lễ lớn, Phật tử các nơi tề tựu
về đông đúc, ồn ào thì thiền sinh không nên đến. Ðến những
nơi đó, gặp nhiều người và thấy nhiều chuyện, thiền sinh sẽ
bị phân tâm và việc hành thiền của thiền sinh bị khuấy động. Bởi
vậy, mặc dầu đến chùa, tháp, đến cây Bồ Ðề là những việc
làm hữu ích nhưng nếu những nơi đó đang có người tụ họp ồn ào
thì thiền sinh không nên đến.
Thuyết pháp đem lại lợi ích cho cả người thuyết lẫn người nghe.
Nhưng nếu nơi thuyết pháp quá đông đúc ồn ào, hoặc đang có lễ lạc
diễn ra thì cũng không đúng thời, đúng chỗ để thuyết pháp và
nghe pháp. Ðối với nhà sư thì việc thuyết pháp cho phụ nữ nghe ở nơi
vắng vẻ, không có sự hiện diện của một người nam khác, cũng không
thích nghi.
Thiền đề mục tử thi để hiểu rõ bản chất của tử thi cũng
là bản chất của chính cơ thể mình hầu loại bỏ tham ái dính mắc cũng là
một việc làm hữu ích. Nhưng đề mục này cũng không thích hợp khi
thiền sinh quán sát tử thi với tâm tham ái. Ðây là trường hợp quán sát
tử thi của người khác phái hay và trường hợp của người đồng tính
luyến ái quán sát tử thi của người cùng phái. Như vậy, quán sát tử thi
là việc làm hữu ích nhưng không thích nghi trong các trường hợp này.
Hai loại tỉnh giác đầu tiên, "lợi ích tỉnh giác" và "thích
nghi tỉnh giác" có thể áp dụng trong các sinh hoạt hàng ngày. Áp dụng
hai loại tỉnh giác này vào những việc đang làm thì thiền sinh sẽ
tránh được những hành vi sai lầm, nhờ thế thiền sinh gặt hái được
kết quả tốt. Những người không hành thiền cũng có thể đạt
được nhiều thành quả tốt đẹp nếu biết áp dụng "lợi ích
tỉnh giác" và "thích nghi tỉnh giác"
3. Giới vực tỉnh giác: Giới vực của thiền sinh là hành thiền
nơi thanh vắng. Cư ngụ trong lãnh vực hay trong giới vực của mình thì
thiền sinh sẽ không gặp một sự tai hại nào vì không ai có thể quấy
rối hay làm phiền thiền sinh. Nhưng khi thiền sinh rời khỏi lãnh vực
hay giới vực của mình thì thiền sinh sẽ gặp nhiều phiền toái. Bởi
vậy, đức Phật thường nhắc nhở các Thầy Tỳ Khưu hãy sống trong lãnh vực
của mình. Lãnh vực hay giới vực của Thầy Tỳ Khưu là Tứ Niệm Xứ. ở
đây, giới vực tỉnh giác chỉ có một nghĩa đơn giản là hành Tứ Niệm
Xứ. Bất kỳ đi tới hay đi lui, nhìn trước hay nhìn sau thiền sinh đều
phải chánh niệm tỉnh giác. Giới vực tỉnh giác chỉ có nghĩa đơn giản là
hành thiền. Trong phần giới vực tỉnh giác và cách thực hành loại tỉnh
giác này, chú giải đề cập đến bốn loại tỳ khưu:
- Thầy tỳ khưu mang thiền vào làng nhưng không mang thiền trở về
chùa.
- Thầy tỳ thưu không mang thiền vào làng nhưng mang thiền trở về
chùa.
- Thầy tỳ khưu không mang thiền vào làng cũng không mang thiền trở
về chùa. (Ðây là loại tỳ khưu tệ nhất, chẳng hành thiền gì cả).
- Thầy tỳ khưu mang thiền vào làng và mang thiền trở về chùa.
(Ðây là hạng tỳ khưu xuất sắc hơn cả, luôn luôn hành thiền.)
a/. Thầy tỳ khưu mang thiền vào làng nhưng không mang thiền trở
về chùa là một vị tỳ khưu hành thiền. Thầy tỳ khưu này có
thể hành thiền suốt ngày, hết đi lại ngồi không ngưng nghỉ. Thầy
cũng hành thiền ban đêm suốt hai canh. Ðối với nhà sư đêm bắt đầu từ
sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng hôm sau. Ðêm chia làm ba canh, mỗi
canh bốn giờ. Canh đầu từ sáu giờ chiều đến mười giờ đêm. Canh hai
từ mười giờ đêm đến hai giờ sáng. Canh ba từ hai giờ sáng đến sáu
giờ sáng. Canh đầu canh cuối thầy tỳ khưu hành thiền, canh giữa thầy tỳ
khưu ngơi nghỉ. Như vậy thầy chỉ ngủ bốn tiếng mỗi đêm, từ mười
giờ đêm đến hai giờ sáng. Hành thiền như vậy gọi là hành
thiền suốt ngày và trọn hai canh.
Thức dậy thật sớm vào buổi sáng, thầy tỳ khưu làm những gì cần phải làm
cho chùa mình, đó là quét dọn chỗ cư trú, dọn sạch sẽ cốc liêu,
múc nước vv... Thầy làm việc trong chánh niệm. Sau khi ngồi thiền
một thời gian, thầy ôm bát vào làng khất thực. Thầy đi trong chánh niệm.
Thầy mang thiền vào làng nghĩa là thầy thực hành chánh niệm trong
khi đi: đi, đi, đi hay bước, bước, bước hay đạp, đạp, đạp hay trái phải,
trái phải, trái phải. Khi vào đến làng, có thể thầy được mời vào
nhà để thọ thực. Thầy có thể ăn tại đó hay mang thức ăn trong
bát về chùa. Trên đường về chùa có thể thầy gặp một vài thầy
tỳ khưu trẻ hay sa di và những vị này hỏi thầy về thí chủ dâng thực
phẩm: "Thí chủ có bà con với Sư không? Ði đến đó bao xa?..."
Thầy phải nói chuyện với họ. Thầy nói rất nhiều về người
dâng thực phẩm cho thầy. Vì nói chuyện quá nhiều thầy bị phân tâm,
không chánh niệm nên thầy không thể mang thiền trở về chùa.
Thầy tỳ khưu này là: Thầy tỳ khưu mang thiền vào làng nhưng không mang
thiền trở về chùa.
b/. Thầy tỳ khưu không mang thiền vào làng nhưng mang thiền trở
về chùa cũng hành thiền suốt ngày và trọn hai canh. Thầy tỳ
khưu này sáng thức dậy sớm, sau khi làm những việc cần làm, thầy ngồi
thiền một lát rồi vào làng khất thực. Thầy có sự tiêu hóa dễ dàng.
Trong buổi sáng, bụng thầy trống, lửa tiêu hóa hay nước tiêu hóa tấn công
dạ dày nên thầy cảm thấy xót xa. Thầy thấy dường như có sức nóng hay một
chất gì đó đang đốt bao tử mình nên bụng cồn cào không thể hành
thiền, không thể giữ tâm trên đề mục được. Có thể thầy
toát mồ hôi và có thể thầy bị xây xẩm. Vì quá đói nên trong khi đi
vào làng khất thực thầy khó chú tâm vào đề mục. Thầy bỏ hành thiền
và đi vội vào làng.
Sau khi nhận được một ít thức ăn, có thể là một ít cháo, thầy vào
một phước xá trong làng để thọ thực. Thọ thực xong thầy cảm thấy
thoải mái vì nước chua trong bụng đã tác dụng vào thức ăn mà không còn
tấn công bao tử thầy. Thầy cảm thấy thoải mái dễ chịu nên có thể hành
thiền một cách dễ dàng. Thầy ăn trong chánh niệm. Trong khi ăn thầy ghi
nhận kỹ càng mọi tác động trong sự ăn. Với chánh niệm thầy thọ
thực và mang thiền trở về chùa. Thầy có thể mang thiền về
chùa vì giờ đây thầy đã hoàn toàn thoải mái. Bụng thầy không còn cồn cào
nên thầy có thể dễ dàng tập trung tâm ý trên đề mục hành
thiền. Trong chú giải có ghi rằng nhiều thầy tỳ khưu đã giác ngộ
trong khi ăn nhờ giữ chánh niệm. Bởi vậy, trong khóa thiền, giờ ăn
cũng là giờ hành thiền. Chú giải cũng đề cập rõ ràng việc ghi
nhận chánh niệm trong khi ăn.
c/. Thầy tỳ khưu không mang thiền vào làng cũng không mang thiền
trở về chùa là loại tỳ khưu phóng dật, thiếu chánh niệm,
không muốn cũng không có hứng thú trong việc hành thiền. Thầy tỳ khưu
loại này chẳng biết hành thiền là gì. Việc hành thiền có vẻ
xa lạ đối với thầy. Thầy chỉ ăn, nói chuyện và sống lẫn lộn với người
đời. Thầy hoàn toàn không hành thiền. Thầy không mang thiền vào làng,
nghĩa là thầy đi vào làng không chánh niệm. Nhận thức ăn và đi về
chùa cũng không chánh niệm. Thầy là một vị tỳ khưu thiếu bổn phận
và bỏ quên lợi ích của việc hành thiền. Các vị tỳ khưu không nên
làm như vậy.
d/. Thầy tỳ khưu mang thiền vào làng và mang thiền trở về
chùa. Ðây là hạng tỳ khưu suất sắc và tuyệt hảo hơn cả. Thầy
hành thiền trong khi đi vào làng và hành thiền trong khi đi trở về
chùa. Thầy đã đào luyện tâm có đủ khả năng để hành thiền.
Thầy hành thiền suốt ngày và trọn hai canh. Thức dậy thật sớm vào
buổi sáng, thầy tỳ khưu làm những gì cần phải làm cho chùa: quét dọn,
làm sạch sẽ cốc liêu, múc nước vv... Thầy làm việc trong chánh niệm.
Sau đó thầy ngồi thiền một lúc rồi ôm bát vào làng khất thực. Thầy
đi trong chánh niệm. Thầy mang thiền vào làng nghĩa là thầy thực hành
chánh niệm trong khi đi: đi, đi, đi hay bước, bước, bước hay đạp, đạp
,đạp hay trái phải, trái phải, trái phải. Ðây là hạng tỳ khưu tốt nhất
trong bốn hạng tỳ khưu đã được chú giải nói đến. Thầy đã mang
thiền vào làng và mang thiền trở về chùa.
Thầy hành thiền liên tục, tinh tấn trong mọi lúc. Khi đang ở trong
một khóa thiền các bạn phải làm như vị tỳ khưu này. Các bạn phải hành
thiền trong mọi lúc, duy trì tinh tấn, chánh niệm từ khi thức giấc
cho đến khi đặt mình xuống ngủ.
Ở những thế kỷ trước đây, có những vị tỳ khưu hành thiền
rất tinh tấn. Các thầy mang thiền vào làng và mang thiền trở về
chùa. Ðôi khi có đến ba bốn chục thầy tỳ khưu sống, hành thiền chung
với nhau. Các thầy thỏa thuận cùng nhau hành thiền thật nghiêm túc. Các
thầy thường nhắc nhở nhau: "Chúng ta trở thành những vị tỳ khưu không
phải vì bị chủ nợ thôi thúc hay sợ vua chúa trừng phạt cũng không phải vì
nghèo đói. Chúng ta trở thành tỳ khưu vì chúng ta muốn thoát vòng sinh tử,
vượt khỏi khổ đau. Bởi vậy phải nỗ lực tinh tấn hành thiền."
Các thầy quyết định hành thiền và quyết định loại trừ
phiền não ngay khi chúng hiện khởi. Chẳng hạn, trong khi đi, nếu
phiền não đến thì các thầy cố gắng loại trừ phiền não ngay trong
lúc đi mà không để chúng nhảy vào trong các tư thế khác. Các thầy
đã thực hành một loại qui tắc đặc biệt. Trong khi đang đi nếu thầy
tỳ khưu nào nhận ra một tư tưởng bất thiện hay phiền não trong tâm,
thầy ấy liền cố gắng loại bỏ ngay. Nếu thầy không thành công trong
việc loại bỏ này, thầy bèn đứng lại. Khi thầy đứng lại thì những thầy
tỳ khưu đi sau thầy cũng đứng lại.
Khi đứng lại, thầy tự nhủ: "Những thầy tỳ khưu khác biết rằng ta
đang có phiền não. Không nên để phiền não tồn tại trong tâm. Ta
phải cố gắng loại bỏ phiền não này". Và thế là thầy cố gắng
loại bỏ phiền não trong khi đang đứng. Cho đến khi thành công trong
việc loại trừ phiền não này, thầy mới tiếp tục cất bước. Nếu
không thể loại bỏ phiền não trong khi đứng, thầy bèn ngồi xuống và
cố gắng trừ khử chúng trong khi đang ngồi. Thế là những thầy tỳ khưu
khác cũng ngồi xuống theo. Rồi thầy tự khuyên nhủ mình rằng thầy có thể
loại bỏ phiền não và thầy có thể giác ngộ.
Các thầy tỳ khưu phải hành thiền trong mọi lúc; luôn luôn giữ
thiền với mình, ngay cả khi đi vào làng lẫn khi trở về chùa.
Có vài câu chuyện liên quan đến loại tỳ khưu thứ tư này. Chẳng
hạn, có một tỳ khưu tên là Phussadeva (người sống ở hành lang). Thầy có tên
như vậy vì thầy sống trong vườn. Thầy thực hành qui tắc mang thiền
đến và đi. Có nghĩa là thầy hành thiền trong khi đi vào làng và
trong khi trở về chùa. Thầy hành thiền tinh tấn trong mười chín năm.
Trong khi đang đi vào làng hay trong khi đi trở về chùa mà thầy có một
hành động gì không chánh niệm thì thầy đi trở lại chỗ mình thất
niệm và làm lại từ đầu. Khi đã đi bốn năm bước không chánh niệm
thì thầy sẽ đi lại chỗ bước đầu tiên và bắt đầu bước trở lại. Dân
làng làm việc ngoài đồng thấy thầy như vậy tưởng thầy đi lạc đường
hay đánh rơi vật gì nên phải trở lại để tìm. Thế nhưng thầy chẳng
hề chú ý đến họ: Vào năm thứ hai mươi, thầy đắc quả A la
hán. Thầy đạt kết quả nhờ hành thiền liên tục. Thầy mang thiền
vào làng và mang thiền trở về chùa.
Khi vào làng, thầy tỳ khưu không nói chuyện. Nhưng khi có ai hỏi
chuyện gì, nhất là những câu hỏi có liên quan đến Phật pháp, thì
thầy phải trả lời. Chỉ những lúc thật cần thiết thầy tỳ khưu mới nói
chuyện còn những lúc khác thầy phải giữ im lặng.
Một vị trưởng lão khác tên là Mahaa Naagathera sống ở tu viện
Hắc Ðằng. Vị trưởng lão này suy tưởng đến nỗ lực phấn đấu của
Ðức Phật để thành đạo. Noi theo Ðức Phật, vị trưởng lão thực hành qui
tắc mang thiền vào làng và mang thiền về chùa trong bảy năm. Trong
suốt bảy năm này thầy chỉ đứng hành thiền, không khi nào nằm xuống.
Thầy nỗ lực hành trì trong suốt bảy năm nhưng vẫn chưa thành đạo.
Không chán nản thầy tiếp tục hành theo qui tắc này trong mười sáu năm
nữa, tất cả là hai mươi ba năm. Cuối năm thứ hai mươi ba, thầy đắc quả A
la hán. Ðể đạt thành quả này thầy chỉ làm có một điều: khi đi vào
làng khất thực, thầy ngậm một ít nước trong miệng để khỏi nói. Khi
thiện tín đãnh lễ nhà sư, nhà sư phải nói vài câu: "Cầu mong Phật
tử sống lâu" hay "Cầu mong Phật tử an vui, hạnh phúc"... Nhưng
ngay cả những câu này thầy cũng không muốn nói, bởi vì khi nói như vậy thầy
sẽ bị trượt ra khỏi đề mục hành thiền. Do đó, để khỏi phải
nói một cách thiếu chánh niệm, thầy ngậm một búng nước trong khi đi
vào làng. Khi có ai hỏi câu gì thật cần thiết thầy sẽ nuốt ngụm nước
ấy trước khi trả lời. Như vậy thầy có thể giữ được qui tắc mang
thiền vào làng và mang thiền trở về chùa. Nhờ kiên trì thực hành
như vậy nên cuối năm thứ hai mươi ba thầy đắc quả A la hán.
Một thời khác, có năm trăm vị tỳ khưu sống trong một ngôi chùa có tên
là Kalamba Landing, cũng thực hành một phương pháp tương tự như vậy. Các
thầy ngậm một ngụm nước khi đi vào làng. Khi không có ai hỏi các thầy câu
nào, các thầy sẽ nhổ ngụm nước ấy ở cổng. Nhìn vào dấu nước dưới đất
người ta có thể biết được có bao nhiêu tỳ khưu đã đi vào làng:
"Hôm nay có năm thầy tỳ khưu đến" hay "Hôm nay có mười
thầy tỳ khưu đến". Những vị tỳ khưu này chỉ trong ba tháng đắc quả
A la hán.
Ðó là cách mà các tỳ khưu ở các thế kỷ đầu tiên áp dụng
"giới vực tỉnh giác", tỉnh giác trong khi hành thiền. Các thầy
luôn luôn sống trong giới vực. Ngay khi đi vào làng để khất thực hay khi
trở về chùa các thầy cũng không rời giới vực. Khi áp dụng giới vực tỉnh
giác, các thầy tỳ khưu cũng thực hành qui tắc mang thiền vào làng và mang
thiền trở về chùa.
Có một vị tỳ khưu tên là Mahaathera hành thiền theo qui tắc mang
thiền đi và về: "mang thiền vào làng và mang thiền về
chùa". Một ngày nọ, trong khi đang ở trong chùa, một vài vị tỳ khưu
khác đến gặp thầy và hỏi vài câu hỏi. Thầy phải nói chuyện với các
vị tỳ khưu này. Trong khi nói chyện, thầy làm một động tác không chánh
niệm, có lẽ di chuyển thân thể, duỗi tay hay khom mình. Trong khi
đang làm như thế, thầy chợt chánh niệm trở lại. Thầy bèn ngưng hẳn
tác động, đưa tay về vị trí cũ và di chuyển từ từ trở lại. Các
thầy tỳ khưu khác thắc mắc tại sao thầy làm như vậy. Thầy trả lời: "Từ
lúc tôi bắt đầu hành thiền, tôi chẳng bao giờ làm tác động gì mà
không chánh niệm. Hôm nay, trong lúc nói chuyện với quí thầy, tôi đã
làm một tác động không chánh niệm; bởi vậy, tôi đưa tay về vị trí
cũ và làm lại từ đầu để duy trì việc hành thiền của tôi".
Các thầy tỳ khưu nghe thế rất lấy làm hoan hỉ nói: "Lành thay! Thầy
tỳ khưu thật sự hành thiền phải làm như thầy". Thầy tỳ khưu này
về sau cũng đắc quả.
Bằng cách này, suốt trong những thế kỷ đầu tiên, các thầy tỳ khưu
đã thực hành qui tắc mang thiền đến và đi, các thầy đã "mang
thiền vào làng và mang thiền về chùa".
"Mang thiền vào làng và mang thiền về chùa" là thời gian
khó nhất đối với các thầy tỳ khưu muốn giữ việc hành thiền của
mình được tốt đẹp. Khi thầy tỳ khưu ở trong chùa, ở nhà hay trong trường
thiền thì không có nhiều chuyện làm thầy phân tâm nên rất dễ duy
trì việc hành thiền. Khi thầy đi vào làng để khất thực thì thầy
phải đi bộ, và trong khi đi bộ thì thầy phải thận trọng coi chừng đường
đi, thú vật, xe cộ v,v... nên rất khó giữ tâm chánh niệm. Nhưng ngay cả
những lúc khó khăn nhất thầy tỳ khưu cũng phải duy trì việc hành
thiền.
Những câu chuyện kể trên cho ta thấy tầm quan trọng của loại
tỉnh giác thứ ba: "giới vực tỉnh giác".
4. Không tà kiến tỉnh giác hay chánh kiến tỉnh giác: có nghĩa
là không lẫn lộn các động tác khác nhau khi đi tới và đi lui. Bạn phải
nhận ra chúng và hiểu biết rõ ràng sự khác biệt của chúng. Khi
bạn hiểu biết và phân biệt chúng một cách rõ ràng là bạn áp
dụng không tà kiến tỉnh giác hay chánh kiến tỉnh giác. Không tà
kiến tỉnh giác hay chánh kiến tỉnh giác sẽ đến với bạn khi bạn
áp dụng trọn vẹn "giới vực tỉnh giác". Bạn đừng băn khoăn lo
lắng về "không tà kiến tỉnh giác hay chánh kiến tỉnh
giác". Tỉnh giác này sẽ tự động đến với bạn khi bạn có "giới
vực tỉnh giác" hay sự thực hành được thuần thục lão luyện. Bởi
vậy, việc thực hành "giới vực tỉnh giác" rất quan trọng.
Ðiều này có nghĩa là bạn phải áp dụng chánh niệm tỉnh giác vào bất
cứ việc gì bạn đang làm, dầu bạn đang đi tới hay đi lui. Trong chương
này Ðức Phật đã dạy:
Lại nữa, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu tỉnh giác trong khi đi
đến và trong khi đi lui.
Tất cả các loại tỉnh giác đều có thể áp dụng ở đây. Trước khi
ra đi hay trước khi trở về, thiền sinh phải xem xét có lợi ích hay
không. Thiền sinh cũng phải xem xét việc đi đến và việc đi
trở về có thích nghi hay không nữa. Nếu có lợi ích nhưng không thích
nghi cũng không làm. Khi ra đi hay đi trở về cũng phải áp dụng giới vực
tỉnh giác, có nghĩa là áp dụng tỉnh giác trong khi ra đi và ghi nhận: "đi
ra, đi ra, đi ra" và khi đi trở về ghi nhận: "trở
về, trở về, trở về". Ghi nhận như vậy là thiền sinh
đã tự giữ chánh niệm trong khi ra đi và trong khi trở về.
Khi bạn tiếp tục ghi nhận hay chánh niệm sự ra đi và sự trở về
thì đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy bản chất sự ra đi và sự trở
về. Bạn sẽ không tìm thấy một thực thể vĩnh cửu nào tạo nên sự đi.
Bạn cũng sẽ không tìm thấy một linh hồn hay tự ngã nào đã tác động vào
sự ra đi hay sự trở về. Bạn sẽ thấy rằng chẳng có người nào tham dự
vào tác động ra đi hay trở về. Bạn chỉ thấy ý muốn và sự đi tạo ra
bởi ý muốn đó. Khi bạn thấy rõ ràng rằng chỉ có hai yếu tố danh sắc
xảy ra tại mỗi thời điểm đi thì bạn đã có được "không tà
kiến tỉnh giác hay chánh kiến tỉnh giác". Khi có được loại tỉnh
giác này thì sự hiểu biết hay ý thức của bạn sẽ không bị mê mờ,
lầm lẫn mà trái lại chính xác, trọn vẹn, kịp thời, đúng chỗ và
đúng mục tiêu.
Thầy tỳ khưu tỉnh giác khi nhìn thẳng tới trước và khi nhìn sang hai
bên.
Ðiều này có nghĩa là khi thiền sinh nhìn thẳng về phía trước
hay nhìn sang hai bên, thiền sinh đều phải ghi nhận: "nhìn, nhìn,
nhìn" để có thể tỉnh giác về những gì mà mình
đang làm. Khi nhìn thẳng phía trước hay nhìn sang hai bên thiền sinh cũng
đều áp dụng bốn loại tỉnh giác. Chỉ khi nào việc nhìn về phía
trước đem lại lợi ích và thích nghi thiền sinh mới nhìn, đó là
thiền sinh áp dụng hai loại tỉnh giác: "lợi ích tỉnh giác" và
"thích nghi tỉnh giác". Khi thiền sinh chánh niệm
mỗi khi nhìn, nhìn thẳng về phía trước hay nhìn hai bên, thì thiền
sinh cũng đã áp dụng "giới vực tỉnh giác". Khi việc hành
thiền của thiền sinh đạt đến chỗ thuần thục, chín muồi thì
thiền sinh sẽ thấy rằng chỉ có hai yếu tố trong sự nhìn thẳng về
phía trước và trong sự nhìn sang hai bên đó là: tâm và thân, ý muốn
nhìn và tác động nhìn, ngoài ra chẳng có một thực thể vĩnh cửu nào.
Thấy như vậy là thiền sinh đã có loại tỉnh giác thứ tư: "không
tà kiến tỉnh giác" hay "chánh kiến tỉnh giác".
Bất kỳ thiền sinh nhìn lên, nhìn xuống hay nhìn ra đàng sau, thiền
sinh đều áp dụng tỉnh giác. Nói như thế, nhưng người hành thiền
tránh nhìn lên, nhìn xuống và nhìn ra sau. Ðó là lý do tại sao những tác
động không thích hợp này không được ghi trong kinh. Tuy nhiên, bạn phải
hiểu rằng, khi bạn cần phải nhìn lên nhìn xuống hay nhìn ra sau thì bạn
cũng phải áp dụng tỉnh giác.
Thầy tỳ khưu tỉnh giác trong khi co tay hay duỗi tay.
Thiền sinh chỉ co hay duỗi khi sự co hay duỗi này có lợi ích và
thích nghi. Khi thiền sinh co không đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ đau
đớn hoặc mất chánh niệm. Vào thời xưa có một thiền sinh duỗi tay
vào nơi không thích nghi nên bị rắn cắn. Một thầy tỳ khưu khác bị bỏng khi
nướng thức ăn trên lửa không chánh niệm v.v... Bởi vậy, thiền sinh
phải nhìn kỹ trước khi co hay duỗi. Phải xét xem tác động co duỗi đó
có ích lợi và thích nghi không. Khi áp dụng giới vực tỉnh giác thì bạn phải
ghi nhận: "co, co, co" hay "duỗi, duỗi,
duỗi". Có như thế thì bạn mới thấy được rằng chỉ khi nào
có ý định thì mới có sự co. Chỉ có ý định và sự co mà chẳng có
người hay tự ngã gì cả.
Thầy tỳ khưu tỉnh giác khi mặc y tăng già lê và các y khác, và trong
khi mang bát.
Câu trên có nghĩa là thầy tỳ khưu phải mặc y và ôm bát một cách thích
nghi. Ðối với vị tỳ khưu không chịu được lạnh thì y dày thích nghi, đối
với tỳ khưu không chịu được nóng thì y mỏng thích nghi v.v... Cũng vậy, bát
làm bằng sắt rất nặng nên không thích hợp với thầy tỳ khưu yếu đuối.
Ðối với người tại gia cư sĩ thì điều này có nghĩa là phải mặc áo
quần gọn gàng thoải mái. Thiền sinh yếu đuối không nên mặc áo
quần quá nặng. Những điều trên đây là "lợi ích tỉnh giác và
thích nghi tỉnh giác".
Khi mặc áo quần bạn ý thức rõ ràng tác động đang làm và ghi nhận: "mặc,
mặc, mặc" hay "thay, thay, thay" hoặc "mang,
mang, mang" như thế là bạn áp dụng giới vực tỉnh giác.
Khi sự tỉnh giác của bạn thuần thục, chín muồi thì bạn thấy chỉ có hai
yếu tố Danh và Sắc đang làm các công việc mà không có một thực
thể hay một chúng sanh nào đang tác động. Như thế là bạn có "không
tà kiến tỉnh giác" hay có "chánh kiến tỉnh
giác".
Thầy tỳ khưu tỉnh giác trong khi ăn, uống, nhai, nuốt .
Ăn có nghĩa là "tiêu dùng vật thực cứng" như gạo, bánh mì.
Uống có nghĩa là "uống chất lỏng". Nhai có nghĩa là "nhai bánh
hay nhai kẹo", và "Saayana" (mút) như trường hợp bạn dùng
mật ong. Khi thiền sinh làm những điều này thì phải áp dụng tỉnh
giác. Khi ăn, bạn phải dùng thực phẩm thích hợp. Không nên ăn thực phẩm
độc hại hay không thích hợp với cơ thể bạn. Có những thực phẩm thích
hợp với người này nhưng trở thành chất độc đối với người khác. Khi bạn
áp dụng chánh niệm và tỉnh giác vào những gì bạn đang ăn thì loại tỉnh
giác thứ tư tức là "không tà kiến tỉnh giác" hay "chánh
kiến tỉnh giác" phát sinh. Bạn sẽ thấy rằng chỉ có tâm này muốn
ăn và cơ thể này đang ăn, ngoài ra chẳng có gì nữa cả.
Thầy tỳ khưu tỉnh giác trong khi đại tiện, tiểu tiện.
Trong khi hành Thiền Minh Sát không được bỏ sót một tác động nào,
thiền sinh phải ghi nhận tất cả mọi tác động. Nhờ thiền sinh luôn
luôn ghi nhận mọi tác động của mình nên thiền sinh luôn luôn tỉnh
giác trong mọi tác động dù đó là đại oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi
hay tiểu oai nghi như các tác động nhỏ nhặt khác (co tay, duỗi tay, khom
mình...). Khi vào nhà cầu bạn cũng phải tỉnh giác chánh niệm vào tất cả
mọi tác động của mình. Bạn cũng phải vào nhà cầu lúc thích nghi nữa.
Thầy tỳ khưu tỉnh giác trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, im lặng.
Như vậy, khi thiền sinh đi, phải đi với sự tỉnh giác, đi với
thiền. Thiền sinh đứng với thiền. Thiền sinh ngồi với thiền.
Thiền sinh nằm ngủ với thiền. Khi nằm xuống, chưa rơi vào giấc ngủ,
thiền sinh tiếp tục hành thiền cho đến khi ngủ. Khi bạn nằm
xuống, bạn phải ghi nhận hơi thở, khi buồn ngủ tới bạn phải ghi nhận: "buồn
ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ" và để cơn ngủ đến với bạn.
Khi thức dậy thì những giây phút đầu tiên của sự thức dậy rất khó ghi
nhận, nhưng hãy cố gắng ghi nhận những giây phút đầu tiên này càng sớm
càng tốt. Ngay khi thức dậy, bạn phải niệm: "thức dậy, thức dậy,
thức dậy". Khi ta đang nói thì phải ghi nhận rằng mình đang nói. Khi
ngừng nói và giữ im lặng cũng phải ghi nhận một cách tỉnh giác. Khi bạn thực
hành "giới vực tỉnh giác'' thì "không tà kiến tỉnh
giác" hay "chánh kiến tỉnh giác" sẽ tự động
đến với bạn. Trong những tác động trên, chỉ có tâm và thân hay chỉ có
ý muốn làm một điều gì và tác động thể hiện ý định
đó. Ngoài hai điều này ra chẳng có chúng sanh hay một thực thể vĩnh
cửu nào tham dự vào.
Những lời chỉ dẫn trong các khóa thiền đều được đặt căn bản
trên các lời dạy của Ðức Phật, đặc biệt trong mục này và trong hai
tiểu mục cuối.
Như vậy, tỳ khưu quán sát thân trong nội thân hay tỳ khưu quán sát
thân trong ngoại thân hay tỳ khưu quán sát thân trong nội thân và ngoại thân
Tỳ khưu quán sát yếu tố sinh khởi (sự sinh khởi) của thân hay tỳ khưu
quán sát yếu tố diệt tận (sự diệt tận) của thân, hoặc tỳ khưu
quán sát yếu tố sinh khởi và diệt tận (sự sinh khởi và sự diệt
tận) của thân.
Hoặc Tỳ khưu chỉ thuần chánh niệm "trên thân mà thôi"
Và chánh niệm này cần được thiết lập để giúp cho sự phát
triển trí tuệ và chánh niệm về sau.
Tỳ khưu không tham ái và tà kiến mà lệ thuộc hay dính mắc vào bất
cứ vật gì.
Tỳ khưu không dính mắc vào bất cứ vật gì trên thế gian do ngũ uẩn
hợp thành nàỵ
Như vậy, này các thầy Tỳ khưu, Tỳ khưu quán sát thân trong thân.
Quán sát theo cách này thì thiền sinh không còn bám víu vào bất kỳ
vật gì. Qua "không tà kiến tỉnh giác" hay "chánh
kiến tỉnh giác", bạn sẽ thấy bản chất thực sự của mọi vật
và bạn không tìm thấy được vật gì đáng để dính mắc vào. Không còn
chấp trước vào ngũ uẩn thủ nên không còn chấp trước vào bất cứ một vật
gì trên đời. Như vậy là "tỳ khưu quán sát thân trên thân".
Chú giải phân oai nghi hay tư thế ra làm ba loại tùy theo thời gian dài
ngắn mà tư thế này thể hiện: Oai nghi dài (chậm), oai nghi trung
bình, và oai nghi ngắn (nhanh). Trong phần trước chúng ta đã nói đến oai
nghi dài như đi, đứng, nằm, ngồi. Trong phần này các oai nghi như đi tới, đi
lui, nhìn thẳng, nhìn hai bên, cong, duỗi... được xem là oai nghi trung bình
vì các oai nghi này không dài (chậm) cũng không ngắn (nhanh). Oai nghi ngắn
(nhanh) gồm có đi, đứng, ngồi, nằm ngủ, thức dậy, nói và giữ im lặng... Nên
hiểu rằng đi, đứng, ngồi, nằm trong khoảng thời gian dài thuộc về
phần trước và đi, đứng, ngồi trong thời gian ngắn thuộc về phần này. Do
đó, sự mau chậm của tư thế đã được nói đến trong hai phần này.
Dầu bạn đang ở trong tư thế nào đi nữa, bạn cũng phải tỉnh giác. Bạn
phải làm các tác động trong tỉnh giác và chánh niệm. Ðôi lúc bạn
gọi là "tỉnh giác", đôi lúc bạn gọi "biết",
đôi lúc bạn gọi "theo dõi". Tất cả những danh từ này đều
có nghĩa tương đương để chỉ sự chánh niệm của bạn trong khi làm
các tác động. Khi bạn cố gắng giữ tâm trên đối tượng, bạn cần phải có
tinh tấn, chánh niệm, định tâm và hiểu biết. Bạn phải duy trì bốn
đặc tính này càng nhiều càng tốt. Khi bạn thực hành theo lời chỉ dẫn
trên là bạn đã áp dụng tỉnh giác. Như vậy, "tỉnh giác" hay
"hiểu biết trọn vẹn" hay "biết một cách rõ
ràng" hay "thấy một cách rõ ràng" đều có cùng một nghĩa.
Trong khi hành thiền, nếu bạn tinh tấn chú tâm vào đề mục và
không để tâm bị lang bạt đi nơi khác như vậy là được rồi. Ðừng bận
tâm về việc phải làm thế nào để thấu suốt được bản chất
của sự vật; bởi vì khi bạn tinh tấn chánh niệm ghi nhận những gì đang
xảy ra trong hiện tại thì trí tuệ sẽ tự động đến.
Tóm lại, trong lúc hành thiền, bạn hãy chú tâm ghi nhận tất cả những
gì đang xuất hiện trong hiện tại và để trí tuệ tự phát sinh.
Tới đây chấm dứt mục thứ ba về "Chánh niệm và tỉnh
giác".
Muốn hành thiền về ba mươi hai thể trược, thiền sinh phải
học bảy thiện xảo trong việc học tập, gồm:
- tụng ra miệng
- tụng thầm
- học về màu sắc
- hình dáng
- phương hướng
- vị trí
- giới vực.
Trước tiên là phải tụng thuộc lòng. Ðiều này có nghĩa là phải
biết rõ ba mươi hai thể trược bằng tâm và đọc thuộc lòng tên ba
mươi hai thể trược nhiều lần. Bất kỳ làm việc gì, bất kỳ lúc
nào, suốt từ sáng đến tối, đều phải luôn luôn tụng đọc. Trong
kinh có ghi lại rằng dù thiền sinh có thuộc lòng tam tạng kinh điển đi
nữa, muốn hành thiền đề mục này, cũng phải đọc thuộc lòng tên
của ba mươi hai bộ phận trong cơ thể. Việc tụng đọc thuộc lòng ba
mươi hai thể trược này phải được thực hành một cách tinh tấn trong một
trăm sáu mươi lăm ngày. Ðể cho dễ nhớ, người ta chia ba mươi hai bộ
phận của cơ thể ra làm năm nhóm. Nhóm đầu gọi là "nhóm năm
da", bởi vì nhóm này nói đến năm bộ phận và bộ phận kể
đến sau cùng là "da". Nhóm thứ hai là "nhóm năm thận",
bởi vì nhóm này nói đến năm bộ phận và bộ phận kể đến sau
cùng là "thận". Cũng vậy, ta có "nhóm năm phổi", "nhóm
năm óc", "nhóm sáu mỡ", " nhóm sáu nước tiểu". Như
vậy, có bốn nhóm "năm thành phần" và hai nhóm "sáu thành
phần".
Thiền sinh phải tụng nhóm thứ nhất (nhóm năm da) trong mười lăm ngày.
Thiền sinh phải tụng năm bộ phận theo thứ tự xuôi trong năm ngày rồi lại
tụng ngược trong năm ngày; sau đó, tụng xuôi và tụng ngược trong năm ngày
nữa.
Thiền sinh phải tụng như sau:
Tóc, lông, móng, răng, da;
tóc, lông, móng, răng, da;
tóc, lông, móng, răng, da ....
(tụng xuôi như thế trong năm ngày).
Da, răng, móng, lông, tóc;
da, răng, móng, lông, tóc;
da, răng, móng, lông, tóc....
(tụng ngược như thế trong năm ngày).
Tóc, lông, móng, răng, da;
da, răng, móng, lông, tóc;
Tóc, lông, móng, răng, da;
da, răng, móng, lông, tóc;
Tóc, lông, móng, răng, da;
da, răng, móng, lông, tóc.....
(tụng xuôi, ngược như thế trong năm ngày).
Khi tụng "nhóm năm thận" phải cần ba mươi ngày. Bởi vì phải tụng
như "nhóm năm da" trong mười lăm ngày, rồi tụng nhập chung với
"nhóm năm da" trong mười lăm ngày khác. Nhóm này phải tụng như sau:
Thịt, gân, xương, tủy, thận;
Thịt, gân, xương, tủy, thận;
Thịt, gân, xương, tủy, thận...
(tụng xuôi như thế trong năm ngày).
Thận, tủy, xương, gân, thịt.
Thận, tủy, xương, gân, thịt.
Thận, tủy, xương, gân, thịt ...
(tụng ngược như thế trong năm ngày).
Thịt, gân, xương, tủy, thận;
thận, tủy, xương, gân, thịt.
Thịt, gân, xương, tủy, thận;
thận, tủy, xương, gân, thịt.
Thịt, gân, xương, tủy, thận; thận, tủy, xương, gân, thịt...
(tụng xuôi, ngược như thế trong năm ngày).
Tóc, lông, móng, răng, da;
thịt, gân, xương, tủy, thận;
Tóc, lông, móng, răng, da;
thịt, gân, xương, tủy, thận;
Tóc, lông, móng, răng, da;
thịt, gân, xương, tủy, thận...
(tụng xuôi như thế trong năm ngày).
Thận, tủy, xương, gân, thịt;
da, răng, móng, lông, tóc;
Thận, tủy, xương, gân, thịt;
da, răng, móng, lông, tóc;
Thận, tủy, xương, gân, thịt;
da, răng, móng, lông, tóc...
(tụng ngược như thế trong năm ngày).
Tóc, lông, móng, răng, da;
thịt, gân, xương, tủy, thận;
Thận, tủy, xương, gân, thịt;
da, răng, móng, lông, tóc.
Tóc, lông, móng, răng, da;
thịt, gân, xương, tủy, thận;
Thận, tủy, xương, gân, thịt;
da, răng, móng, lông, tóc...
(tụng xuôi, ngược như thế trong năm ngày).
Những nhóm còn lại cũng tụng đọc trong ba mươi ngày: Mười lăm ngày
cho nhóm riêng đó, và mười lăm ngày tụng nhập chung với các nhóm trước.
Như vậy, phải cần đến một trăm sáu mươi lăm ngày hay gần nửa năm
để hoàn thành việc tụng đọc.
Sau khi đã qua giai đoạn tụng đọc trong một trăm sáu mươi lăm ngày,
bây giờ đến giai đoạn tụng thầm, cũng cùng một cách trên, trong một
trăm sáu mươi lăm ngày nữa. Ðây là thiện xảo thứ hai trong việc
học tập.
Sau giai đoạn tụng đọc ra miệng và tụng thầm, bây giờ đến giai
đoạn thiền sinh phải học về màu sắc (ba), hình dáng (bốn), phương
hướng (năm), vị trí (sáu) và giới hạn (bảy).
"Phương hướng" ở đây có nghĩa là phần cơ thể mà ta chú
ý đến nằm ở phần trên hay phần dưới của cơ thể.
"Vị trí" có nghĩa là bộ phận đó nằm ở chỗ nào.
Có hai loại "giới vực": "giới vực giống nhau" và
"giới vực khác nhau". "Giới vực giống nhau" là biết
được bộ phận đó được tiếp giáp trên, dưới và chung quanh bởi những
gì. "Giới vực khác nhau" là biết được bộ phận đó không phải
là những bộ phận khác hay những bộ phận khác không phải là bộ phận đó.
Như vậy bạn phải học bảy thiện xảo: tụng đọc ra miệng, tụng
thầm, màu sắc, hình dáng, phương hướng, vị trí và giới vực.
Ðể dễ hiểu cách thực hành, chúng ta thử lấy Tóc làm đề mục
thực hành.
- Màu sắc: Tóc có màu đen (Tóc người Tây phương có màu vàng,
nâu...)
- Hình dáng: Tóc giống như một cái que dài, nhỏ.
- Hướng: Tóc nằm ở phần trên của cơ thể.
- Vị trí: Tóc có gốc ở trong phần nội bì (phần da ướt bên trong)
bao bọc sọ, phần trước ra đến trán, phần sau ra đến gáy, bao
quanh tai.
- Giới vực: Về "giới vực giống nhau": Bên dưới, gốc tóc
được bao bọc và nằm bên trong phần da ướt bao phủ đầu, gốc tóc lớn cỡ
đầu hạt lúa. Bên trên, tóc tiếp xúc với không gian và tiếp giáp với
những sợi tóc khác; giữa hai sợi tóc có một khoảng cách. Về "giới
vực khác nhau" thì tóc không phải là lông, và lông không phải là tóc.
Thêm vào đó, tóc không thể trộn lẫn với ba mươi mốt thể trược còn
lại. Tóc là một phần riêng biệt của cơ thể.
Tương tự như thế, thiền sinh quán sát ba mươi hai thể trược
từng phần một.