Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Chánh Pháp và Hạnh Phúc

Hòa thượng Thích Minh Châu


11. SỐNG THEO LÝ TƯỞNG BỒ TÁT

Trong đạo Phật có hai tư trào, hai xu thế tựa hồ như mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra thì bổ sung hỗ trợ cho nhau; cả hai tư trào đó đều có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người hiện đại.

Thứ nhất là tư trào hướng nội, quay trở về cái mà đạo Phật thường gọi là bộ mặt thật xưa nay của chính mình, con người thật của mình.

Thứ hai là tư trào hướng ngoại, mà sách Phật thường gọi là lợi hạnh độ sanh. Lợi hạnh là làm tất cả mọi điều lợi ích cho tất cả mọi loài hữu tình. Độ sanh là giải thoát mọi loài hữu tình khỏi mọi nỗi bất hạnh, đặc biệt là nỗi bất hạnh lớn lao nhất là sống chết luân hồi. Thực chất của tự trào hướng ngoại này là đồng nhất cá nhân mình với toàn thể mọi người, mọi chúng sinh trong thế giới vũ trụ.

Cả hai xu hướng nói trên tiêu biểu cho hai hạnh lớn của đạo Phật là trí tuệ và từ bi, và đức Phật là bậc Thánh được Phật tử toàn thế giới ca ngợi, tôn sùng như là thể hiện một cách hoàn hảo nhất hai đức hạnh trí tuệ và từ bi đó.

Tôi xin lần lượt phân tích cặn kẻ hơn hai xu thế của đạo Phật, mà tôi tin rằng có một giá trị hiện sinh lớn (great exitstential dimension) đối với thời đại hiện nay của chúng ta.

1. Xu thế hướng nội: Quay về con người thật của chính mình.

Chúng ta có thể suy nghĩ gì về cuộc sống thác loạn, chạy theo lạc thú vật chất đang là đặc trưng nổi bật của những xã hội có trình độ văn minh vật chất cao, và cả của những xã hội đang phát triển, nhưng bị nền văn minh đó làm cho mê hoặc và chói lòa? Có sức mạnh sâu kín gì nằm ở đằng sau những tệ nạn xã hội như ma túy, tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, mãi dâm, loạn dâm và bạo dâm, đồng tính luyến ái, bệnh tâm thần, nạn tự sát cá nhân hay tập thể v.v ... ? ở đằng sau tất cả nếp sống thác loạn đó là xu thế của con người bất hạnh muốn thoát khỏi cái ta hạn hẹp và vị kỷ, muốn thoát khỏi một tâm trạng bất an và ưu tư dai dẳng, thường trực mà tiếng Anh gọi bằng danh từ chung là anxiety. Nhưng vì sao lại có tâm trạng bất an và ưu tư thường trực đó mà con người hiện đại muốn tìm sự lãng quên trong nếp sống thác loạn, đôi khi mất cả tính người.

Phải chăng là con người tưởng rằng, vì nội tâm đầy ưu tư và buồn chán, cho nên phải hướng ra bên ngoài để tìm lạc thú vật chất? Phải chăng con người tưởng rằng càng chiếm hữu nhiều của cải và tiện nghi vật chất, con người sẽ càng được thêm hạnh phúc, mọi nỗi ưu tư trong nội tâm sẽ được xóa bỏ.

Ảo tưởng này đâu có mới mẻ mà có tính muôn thuở ở ấn Độ cổ đại, đã từng có triết phái Duy vật (Carvaka) chủ trương như thế. Và ở thành phố Athène thời Socrates, có những triết gia thuộc phái ngụy biện (Sophistes) cũng đã từng bênh vực cho một lối sống khoái lạc vật chất tối đa như là một lối sống lý tưởng, xứng đáng được con người mơ ước.

Đạo Phật nói đó là ảo tưởng của những người khát nước mà còn ăn mặn, và càng ăn mặn càng bị khát. Đạo Phật vạch ra rằng, nỗi bất an và ưu tư nội tâm chỉ có thể giải quyết ở trong nội tâm, chứ không thể giải quyết ở bên ngoài. Phương pháp tu Thiền của đạo Phật – mà người phương Tây quen gọi là đạo Phật Thiền (Zen Buddhism) chính là phương pháp giúp cho con người trở về với nội tâm mình để giải quyết một cách căn bản mọi nỗi ưu tư và bất an của nội tâm. Nội tâm chúng ta không khác gì mặt nước hồ, bị những đợt gió dục vọng chạy theo ngoại cảnh làm cho nổi sóng và vẩn đục. Chúng ta ưu tư chúng ta bất an chính vì chúng ta hằng ngày sống với cái nội tâm nổi sóng đó, trong khi cả lớp nước hồ sâu thẳm, trong lặng thì chúng ta bỏ quên như là xa lạ, không phải của mình.

Mục đích của Thiền không ở ngoài việc chỉ bày cho chúng ta những phương pháp thích hợp để làm cho bề mặt của nội tâm ta không còn nổi sóng, không còn dao động, để có thể nhìn sâu vào những lớp nội tâm rộng lớn, trong lặng vốn là cái tâm thật của chúng ta, chân tâm của chúng ta.

Nội tâm con người, từ bề mặt cho đến những bề sâu, một khi được làm cho vắng lặng, thì sẽ trong sáng như gương, sẽ là nguồn an lạc và hạnh phúc, sẽ là chân lý là ánh sáng, là Niết Bàn. Phương pháp tu Thiền rất nhiều vì bản tính con người muôn vàn sai biệt, người thì độn căn, người lợi căn, có người nặng về tham, có người lại sân và si nhiều; hay là ngược lại. Thế nhưng mục đích cuối cùng phải đạt tới của mọi phương pháp tu Thiền là an tịnh nội tâm, làm vắng lặng và trong sáng nội tâm, biến nội tâm từ dao động trở thành yên tịnh, từ mê mở trở thành sáng suốt. Tâm sáng suốt, đó chính là trí tuệ Bát-nhã, chính là cái mà sách Anh ngữ thường gọi là trí tuệ siêu việt Transcendental wisdom. Có được trí tuệ Bát-nhã, thì tức là thành Phật, bậc Thánh nhìn thấy tất cả biết hết tất cả (Omnicient).

Một ông vua mà giới sử học quốc tế thường biết đến như là một anh hùng đã lãnh đạo quân dân Việt Nam hai lần chiến thắng đội quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, đội quân đã từng làm mưa làm gió trên các chiến trường châu âu, và Châu Á thời bấy giờ. Ông vua đó Trần Nhân Tông. Ông vua đó, sau khi đánh bại quân Nguyên Mông đã không chịu ở lại ngôi vua để tận hưởng vinh quang của chiến thắng, mà đã nhường ngôi cho con, xuất gia theo đạo Phật, trở thành vị Thiền sư lỗi lạc, lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Những tác phẩm Phật học của ông, toát lên nhiều tư tưởng kỳ đặc. Một trong những tư tưởng đó là theo nguyên văn lời ông.

"Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuẩy bổn nên ta tìm Bụt,
Cốc mới hay chính Phật là ta".
(Cư Trần Lạc
Đạo Phú - hội 5)

Nghĩa là theo Trần Nhân Tông, con người thật của chúng ta chính là Phật, và chính vì chúng ta quên mất cái bổn, cái gốc đó cho nên chúng ta mới là chúng sinh, có trí óc mê muội và thân tâm đau khổ bất hạnh. Niềm ưu tư, bất an có thường trực trong nội tâm của chúng ta chính là bắt nguồn từ ở chỗ chúng ta quên mất con người thật của chúng ta là Phật, sống với con người giả của chúng ta là chúng sinh. Đạo Phật của Trần Nhân Tông cũng như của đời Trần nói chung là một đạo Phật hướng nội rất rõ nét, rất sinh động. Trên từ vua cho đến các quan lại, tướng lãnh, binh sĩ, dân thường nếu mọi người đều tin rằng mình là những vị Phật sẽ thành, do đó ngay trong hiện tại phải sống xứng đáng với vị Phật ở trong mình, sống với những đức hạnh của Phật như là từ bi, trí tuệ, dũng khí, vô úy... thì hãy hỏi có giặc ngoại xâm nào, kể cả quân đội Nguyên Mông thiện chiến, có thể xâm phạm bờ cõi Việt Nam mà không bị đánh bại.

Cổ đức có câu:

"Khổ hải vô biên,
Hồi đầu thị ngạn
".

Nghĩa là:

"Biển khổ mênh mông,
Nhưng quay đầu lại thì sẽ thấy bờ ngay
".

Quay đầu lại hướng về nội tâm, quay đầu lại sống với con người thật của mình, và con người thật đó chính là Phật với đầy đủ hai đức hạnh trí tuệ và từ bi. Đó chính là phương thuốc mà đạo Phật có thể cống hiến cho con người hiện đại, con người hiện nay đang lãng đãng như khách phong trần trên khắp các nẻo đường, tìm kiếm sự thật và hạnh phúc, tuy biết rằng sự tìm kiếm đó là vô vọng. Đạo Phật nói: Thôi hãy đừng tìm kiếm đâu xa nữa? Hãy trở về với chính mình, với con người thật của mình.

Trần Nhân Tông, nhà vua–Thiền sư mà tôi đã giới thiệu trên đây có hai câu thơ chữ Hán:

"Gia trung hửu bán hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền
".

Nghĩa là:

"Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm
Lặng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền
".

Trong nhà có sẵn ngọc, không cần tìm kiếm đâu xa nữa, cũng như nói chính mình là Phật rồi, thôi đừng cầu Phật, tìm Phật ở đâu xa nữa. Và vì đã là Phật, cho nên ngoại cảnh dù có biến đổi, hấp dẫn như thế nào cũng không thể ảnh hưởng chi phối. Nội tâm con người vẫn bình lặng. Đã bình lặng thì sáng suốt, không gì không thấy, không biết. Và đó chính là Thiền rồi, cũng không cần học hỏi Thiền làm gì.

2. Xu thế hướng ngoại: Một cuộc sống hoàn toàn vô ngã, vị tha, tích cực, năng động, phong phú.

Con người, sau một quá trình tìm kiếm lâu dài không có kết quả, cuối cùng biết trở về với chính mình, thì bỗng thấy cái gọi mình là ta thực ra không tồn tại. Cả thân và tâm chỉ là một dòng, một chuỗi hiện tượng tâm và sinh lý biến chuyển liên tục trong từng sát na một và ở bên trong hay là ở đằng sau dòng chảy liên tục đó, không có một cái gì gọi là linh hồn hay là cái ta vĩnh cửu.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Suragama) một bộ kinh Đại thừa quan trọng đã minh họa thuyết Vô ngã của đạo Phật bằng một ảnh dụ rất sinh động và cụ thể: "Cũng như trăm ngàn biển cả trong lặng mênh mông, mà bỏ đi tất cả rồi chấp nhặt một bọt nước làm mình...". Chấp thân tâm này là ta, cũng như biển cả quên mình là biển cả rồi chấp nhặt một bọt sóng là biển cả.

Con người giác ngộ lý vô ngã của nhà Phật, phát hiện thấy mình không phải là cái bọt nước, mà là cả đại dương rộng lớn, mình là đồng một thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh, mọi loài hữu tình, và từ nhận thức đầy trí tuệ này, con người phát ra một lòng từ rộng lớn, lòng bi rộng lớn, nguyện làm tất cả những gì có thể làm được vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, của tất cả mọi loài. Sống như vậy, đạo Phật gọi là sống theo lý tưởng Bồ-tát (Bodhisattva ideal). Đó là lý tưởng sống hòa nhập vào mọi người, mọi chúng sinh, đúng theo nguyên lý mọi người, mọi chúng sinh đều bình đẳng, cùng một thể.

Tôi tin rằng lý tưởng Bồ-tát, như được trình bày trên đây, là một lý tưởng có giá trị hiện thực lớn đối với thế giới hiện đại, vì các tôn giáo lớn trên thế giới đều có thể chấp nhận và thực hiện lý tưởng Bồ-tát của đạo Phật trên những mức độ khác nhau, và với những tên gọi khác nhau.

Đạo Gia-tô nói: “Hãy thương người như thể thương mình". Đạo Hồi nói: “Người Hồi giáo trong bốn biển đều là anh em". Đạo Phật nói: “Hãy yêu thương tất cả chúng sinh như người mẹ yêu thương đứa con một của mình".

Tất cả những lời lẽ khác nhau đó đều nói lên một nội dung thống nhất là tình thương rộng lớn, bao trùm lên mọi người không phân biệt chủng tộc và dân tộc, màu da và giới tính v.v... Tình thương rộng lớn đó phải là nét đặc trưng nổi bật nhất của một trật tự đạo đức mới, rất cần thiết cho xã hội và thế giới hiện đại, ở phương Tây cũng như phương Đông.

Đạo Phật khuyến cáo mọi người hãy quay về với người thật của mình, thế nhưng con người thật của chúng ta lại là vô ngã. Nó không hạn chế trong cái thân và tâm vô thường hạn hẹp này, nó là cũng một thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh và mọi loài hữu tình khác. Và sống hòa nhập với mọi người, mọi chúng sinh chính là lối sống vô ngã vị tha theo lý tưởng Bồ-tát.

Nói tóm lại, hướng nội để tìm con người thật của chính mình. Nhưng sau khi phát hiện con người thật của mình lại không có mình không có ta, lại là vô ngã, đồng nhất thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác, cho nên đạo Phật lại chủ trương một cuộc sống năng động tích cực, hướng ngoại không phải là để tìm và hưởng thụ những lạc thú vật chất tầm thường và phi đạo đức, mà là để mưu lợi ích và đem lại an lạc cho mọi người, mọi loài Trong cả hai xu thế hướng nội và hướng ngoại này, nổi bật lên chủ thuyết Vô ngã của đạo Phật, nó không khác gì sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ giáo lý, đạo đức và thực tiễn tu hành của đạo Phật.

Khi đức Phật còn tại thế và cả sau khi Ngài đã nhập diệt, tại bất cứ nơi nào đạo Phật có mặt thì lý tưởng vô ngã vị tha bao giờ cũng là chuẩn mức bất di dịch của nếp sống đạo đức Phật giáo, đối với người xuất gia cũng như người tại gia. Lý tưởng đó chói sáng Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo phát triển, Phật giáo Nam tông cũng như Phật giáo Bắc tông, hồi Phật còn tại thế cũng như mãi mãi về sau này. Bất cứ mọi người nào mà chối bỏ lý tường đó, sống ngược lại với lý tưởng đó, thời không thể được xem như là người Phật tử chân chính, chứ đừng nói gì đến bậc A-la-hán. Ấy thế mà vẫn có người viết sách phê phán, lý tưởng của A-la-hán là vị kỷ hẹp hòi. Họ không hiểu rằng muốn thành A-la-hán, điều kiện tiên quyết là phải diệt trừ mọi tư tưởng về cái ta, phải giác ngộ về lý vô ngã vị tha.

Chúng ta hãy nghe lại lời đức Phật khuyến dụ lớp học trò đầu tiên của Ngài:

"Này các Tỳ kheo, các người cần phải tu hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của chư Thiên và loài Người..." (Mahavagga, 19)

Cần nhắc lại rằng, sớm từ năm 300 trước Công nguyên, vào một thời mà đạo Phật Đại thừa chưa hưng khởi thì Hoàng đế Asoka ở Ấn Độ đã phái nhiều đoàn truyền giáo mang thông điệp của đức Phật Thích-ca đến tận các xứ Xiri, Hy Lạp, Ai Cập và Bắc Phi và nhiều vùng xa xôi khác trên thế giới. Theo truyền thuyết, một phái đoàn truyền giáo của Asoka đã đến tận nước Việt Nam, và có xây một bảo tháp ở đây. Truyền giáo ở đất nước xa xôi, bất chấp những trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán v.v... là một hành động không những vị tha mà còn dũng cảm nữa. Và đã có biết bao nhiêu người đi mà không trở về trong sự nghiệp truyền giáo của các tôn giáo lớn trên thế giới.

Thiếu sót cơ bản của con người hiện đại là đã đánh mất con người thật của chính mình, mà chạy theo cái Ta giả với những khao khát thèm muốn không bao giờ có thể thỏa mãn. Con người hiện đại ở xã hội văn minh phương Tây, có thể sống một đời sống tiện nghi vật chất thật đầy đủ, nhưng chỉ thiếu một cái là hạnh phúc, là sự an ổn nội tâm để thật sự thụ hưởng tất cả mọi của cải và tiện nghi vật chất đó.

Đúng như vậy, của cải và tiện nghi vật chất, lạc thú vật chất không thể là mục đích tự nó, và cứu cánh được Bởi vì, tối thiểu, con người phải có sự bình tĩnh và thanh thản của tâm hồn mới có thể tận hưởng những lạc thú vật chất hay tinh thần. Thế nhưng từ lâu, do cuộc sống thác loạn và hướng ngoại, mất hài hòa với bản thân, với thiên nhiên và xã hội, con người của xã hội văn minh phương Tây đã đánh mất sự bình tĩnh và thanh thản đó của tâm hồn, là điều kiện tiên quyết và cơ bản của một hạnh phúc chân chính và thật sự.

Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, Socrates đã vạch ra tất cả sự vô nghĩa lý của một lối sống tôn thờ khoái lạc vật chất như là độc nhất và tối thượng. Chúng ta có thể đọc lời phê phán sắc sảo đó của Socrates trong bài đối ngoại Phillebus của Plato. Trong cuộc đàm thoại, Socrates đã dẫn đối phương của mình là Protarchus đến kết luận vô lý này là con người chỉ cần hưởng lạc thú tối đa, ngoài ra thì không cần gì hết, kể cả lý trí, sự thông minh, trí nhớ, kiến thức và quan niệm đúng đắn. Nghĩa là theo Protarchus, con người miễn là được hưởng lạc thú tối đa, còn thì không cần gì nữa hết, kể cả sự thông minh, lý trí, trí nhớ v.v...

Socrates nói: "Như vậy thì không có trí nhớ làm sao ông nhớ được ông đã được hưởng lạc thú: bởi lẽ ngay sau khi hưởng lạc thú, ông không còn còn nhớ gì được hết, và hơn nữa, vì ông cũng không có quan niệm đúng đắn, ông cũng không nghĩ được rằng ông đã được hưởng lạc thú, và bởi vì ông cũng thiếu khả năng lý trí, ông cũng mất khả năng nhận thức được rằng ông sẽ còn được hưởng lạc thú trong tương lai. Ông phải sống cuộc sống của con sò hay là của những con vật sống nào khác mà trú xứ là đáy biển mà linh hồn bị dấu kín ở trong vỏ cứng. Có phải tất cả là như thế chăng, hay là chúng ta có thể nghĩ một cái gì khác?"

Protarchus: "Chúng ta không thể nghĩ khác được”.

Socrates: "Nếu vậy thì phải chăng chúng ta có thể nghĩ rằng một lối sống như thế là đáng mong ước?”

Protarchus: "Này Socrates, lập luận của ông làm tôi điếc cả tai ..."

Tôi dẫn chứng cuộc đàm thoại của Socrates để nói rằng con người hiện đại, sống một cuộc sống văn minh vật chất cao ở cuối thế kỷ XX này vẫn có thể tiếp tục suy nghĩ ấu trĩ như Protarchus ở Athenes cách đây hai mươi lăm thế kỷ.

Tất nhiên, đạo Phật một mặt lên án cuộc sống chạy theo những dục vọng vật chất thấp hèn, mặc khác cũng không phải đề cao cuộc sống nghèo đói, kham khổ, đạo Phật lại càng phê phán lối tu hành hạ xác thân, ép xác khổ hạnh, chỉ làm cho thân người bệnh hoạn và đầu óc con người u mê. Đức Phật khuyến chúng ta tránh cả hai cực đoan chạy theo dục lạc vật chất và sống ép xác khổ hạnh. Đức Phật khuyến cáo học trò mình cũng như tất cả mọi người sống nếp sống lành mạnh, giản dị, hướng thượng, chói sáng đạo đức, giới hạnh và trí tuệ, một nếp sống mà tất cả mọi người giàu hay nghèo, xuất gia hay tại gia, ở phương Đông hay phương Tây đều có thể sống hay hướng đến. Một nếp sống như vậy sẽ đem lại sự bình tĩnh nội tâm sự sáng suốt của trí tuệ, giúp cho con người có thể thấy được sự vật như thật. Chính nhờ đó mà con người có thể sống hài hòa với bản thân và làm chủ bản thân, sống hài hòa với xã hội, với thiên nhiên. Và trong nhịp sống hài hòa đó, với bản thân, với xã hội và thiên nhiên, con người mới tìm thấy hạnh phúc thật sự.

Nếu tất cả mọi người đều chấp nhận và sống nếp sống như vậy, thì cả thế giới chiến tranh và bất ổn này sẽ sớm trở thành một thế giới hòa bình và hạnh phúc, kỷ nguyên XXI sắp tới đây sẽ trở thành kỷ nguyên của con người, kỷ nguyên trong đó các giá trị nhân bản là thước đo, là chuẩn mức của mọi giá trị, đường ranh giới phân biệt thật hay giả, thành công hay thất bại, chánh kiến hay tà kiến. Một kỷ nguyên trong đó con người trở thành vị quan tòa tối thượng, đánh giá mọi hệ thống chính trị xã hội, xem hệ thống nào ưu việt, đầy sức sống, hệ thống nào lỗi thời, phải cương quyết tự cải tổ lại hay là rút lui khỏi vũ đài lịch sử.

Xu thế hướng nội, quay về với con người thật của chính mình không thể bị hiểu nhầm, là tiêu cực, tự thu mình trong tháp ngà. Trên đây, tôi có nói đến một xu thế khác của đạo Phật, xu thế hướng ngoại dẫn tới một cuộc sống vị tha tích cực, vì lợi lạc của tất cả mọi người, mọi chúng sinh. Trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, có ghi những lời dạy của đức Phật, khuyến cáo các đệ tử của mình hãy tích cực hoằng hóa độ sanh, và nhất là thực hành Bốn nhiếp pháp để gần gũi chúng sinh, mưu lợi lạc cho chúng sinh, gần gũi mọi người, đem lợi lạc cho mọi người.

Bốn nhiếp pháp đó là ái ngữ tức là lời nói dịu hiền, dễ nghe; bố thí tức là giúp đỡ chúng sinh trên các mặt cung cấp của cải vật chất, giảng giải đạo lý, giáo pháp của đức Phật, che chở, bảo vệ chúng sinh nếu cần thiết, và tùy hỷ với tất cả mọi điều lợi lạc cho chúng sinh; lợi hành và cuối cùng là đồng sự tức là cùng làm việc với chúng sinh v.v... Bốn nhiếp pháp, ái ngữ, bố thí, lợi hành, đồng sự là như vậy, chúng thể hiện nếp sống vị tha tích cực của đạo Phật. (Xem Tăng Chi I, 387). Cùng với Bốn nhiếp pháp, người Phật tử giác ngộ về thuyết vô ngã còn ra sức tu tập, thực hành Bốn vô lượng tâm, tức là mở rộng lòng từ lòng bi, lòng hỉ, lòng xả, bao trùm tất cả chúng sinh khắp mười phương. Đồng thời cũng tu tập thực hành sáu hạnh ba la mật, tức là bố thí, giới hạnh, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền định, trí tuệ. Sáu hạnh này được tu tập và thực hành đến chỗ hoàn hảo, triệt để sẽ giúp cho những người sống theo lý tưởng Bồ-tát, có thể vứt bỏ hoàn toàn cái Ta nhỏ hẹp, vị kỷ, sống hòa nhập vào tất cả chúng sinh, tất cả mọi người.

Đó là nếp sống của những người Phật tử giác ngộ về lý Vô ngã của đạo Phật. Nếp sống đó không có gì là tiêu cực thụ động. Trái lại, nó rất tích cực, năng động và phong phú, đa dạng. Mong rằng nó tỏ ra hấp dẫn đối với con người hiện đại, đối với xã hội hiện đại.


12. ĐẠO PHẬT VỚI NẾP SỐNG THIÊN NHIÊN

Sau thế chiến thứ hai, loài Người sống lo sợ một cuộc chiến tranh thế giới nguyên tử, biến quả đất thành một mùa đông giá rét vĩnh cửu, trong ấy mọi sinh vật kể cả loài Người, động vật, thực vật đều bị tiêu diệt, không một ai sống sót. Trong mấy năm gần đây, sự lo sợ một cuộc chiến tranh nguyên tử tiêu diệt nhân loại được cộng thêm với một lo sợ mới là tai họa hủy diệt môi sinh, tai họa này có thể đưa nhân loại vào cảnh diệt vong còn mau hơn tai họa chiến tranh. Như một nhà bảo vệ môi sinh học đã nói, nếu trong 50 năm nữa, thế giới không đồng loạt đứng lên bảo vệ môi sinh trên quả đất này, thời ngôi nhà chung của nhân loại có thể bị tiêu diệt, môi trường sống của chúng ta sẽ bị hủy hoại, không gì có thể cứu vãn được. Qua các tài liệu mới nhất của Tổ chức Liên Hiệp Quốc bảo vệ môi sinh và của một số Tổ chức quốc tế khác có liên quan, chúng ta có thể biết.

Hằng năm trên thế giới, hàng trăm triệu tấn đất mùn có giá trị nông nghiệp bị hủy hoại do tệ phá rừng và xử lý đất đai không hợp lý. Hàng năm trên dưới 3000 cây số vuông đất nông nghiệp màu mỡ bị mất do xây dựng nhà cửa và đường sá, chỉ tính riêng tại các nước phát triển. Ở các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba, môi trường tự nhiên bị hủy hoại theo một kiểu khác. Nông dân đốt rừng để làm rẫy, chặt cây để có củi đun nấu; ở một số nước xuất khẩu gỗ, nạn phá rừng đạt quy mô tệ hại, vì tiến hành với phương tiện kỹ thuật hiện đại. Một thí dụ, ở Thái Lan cách đây không đầy 50 năm, diện tích rừng chiếm 80% diện tích cả nước, hiện nay, tỷ lệ đó chỉ còn lại 20%. Nhiều loại cây quý, cùng với một số chim muông, dã thú bị mất tích. Nhân dân nhiều làng lâm vào cảnh thiếu nước ăn, nước uống, chỉ còn một cách là bỏ làng ra đi. Lụt hạn thường xuyên xảy ra. Lớp màu mỡ của nhiều vùng nông nghiệp bị hủy hoại, mùa màng thất bát, khiến nông dân bị cơ cực, nghèo đói. Nói tóm lại, kể cả Bắc cũng như Nam bán cầu ở các nước phương Tây có trình độ phát triển cao, cũng như ở các nước thuộc thế giới thứ ba nghèo nàn, lạc hậu, vấn đề hủy hoại môi trường sống đều đặt ra bức xúc và cấp bách, nhất là trong những năm gần đây.

Dù cho trong thời đức Phật còn tại thế, bảo vệ môi sinh chưa đặt thành vấn đề, nhưng đức Phật với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi cứu khổ của Ngài, với trách nhiệm của bậc Đạo sư cần tạo ra một môi trường tu học thích hợp cho những đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài, đức Phật đã chủ động tìm cách xây dựng cho mình và cho Hội chúng Tăng già một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, một đạo tràng tu tập thích hợp hướng tới giác ngộ và Niết Bàn.

Đức Phật là một bậc Giáo chủ độc nhất sinh ra dưới cây Vô ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, hành trì Thiền định cho đến giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Nai ở Ba-la-nại, và cuối cùng nhập Niết Bàn dưới hai cây Sa-la tại Kusinara.

Trong 45 thuyết pháp độ sanh, Ngài để lại cho chúng ta hình ảnh một bậc Đạo sư đi bộ từ làng này qua làng khác, từ đô thị này qua đô thị khác, sau khi khất thực trở về, thường ngồi trong một khu rừng gần đấy để an nghỉ hoặc thuyết pháp, hoặc ngồi Thiền cho đến chiều. Hình ảnh đó của đức Phật được ghi lại trong các câu thơ sau đây:

Một bát ăn ngàn nhà,
Một thân đi vạn dặm
Vì vấn đề sanh tử,
Giáo hóa độ ngày qua.

(Nhât bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Kỳ vị sanh tử sự,
Giáo hóa độ xuân thu).

Trong những bài thuyết pháp, Ngài thường dùng các ẩn dụ tìm thấy trong thiên nhiên, trong các động vật và thực vật và nhờ vậy các hình ảnh gợi lên rất sinh động tươi mát như chính mình sống giữa mây trời rộng rãi. Nói đến sự cách biệt giữa pháp thiện và pháp ác, Ngài dạy: "Rằng xa thật là xa khoảng cách giữa mặt đất và vòm trời. Rằng xa thật là xa khoảng cách giữa bờ bên này đến bờ bên kia. Rằng xa thật là xa, khoảng cách giữa mặt trời mọc và với chỗ mặt trời lặn, nhưng còn cách xa, cách xa hơn nữa là khoảng cách giữa pháp bậc thiện và pháp kẻ ác" (Tăng Chi tr. 410). Nói đến hương người đức hạnh là ví với hương của hoa thơm, nhưng giữa hai loại có sự sai khác:

"Không một hương hoa nào
Bay ngược chiều gió thổi
Chỉ hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
" (Pháp Cú 52)

Đức Phật thường dùng hình ảnh biển cả để so sánh với Chánh pháp: “Này Paharada, biển lớn chỉ có một vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, này Paharada pháp này của Ta cũng chỉ có một vị, là vị giải thoát". (Tăng III, tr 57).

Ồn ào của người ngu, sự yên lặng của người trí được đem ra so sánh với bể cả. Biển gần bờ thời ào ào, biển ngoài khơi thời lặng yên:

"Như chính giữa trung tâm
Của biển cả đại dương
Sóng biển không có sanh
Biển hoàn toàn đứng lặng.
Cũng vậy này Tỳ kheo,
Hãy đứng lặng không động,
Không xôn xao bồng bột
Đối sự gì ở đời
". (Kinh Tập, số 920)

Đức Phật luôn luôn tán thán núi rừng, và xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo.

"Làng mạc hay rừng núi,
Thung lũng hay đồi cao
La-hán trú chỗ nào
Đất ấy thật khả ái
".

"Khả ái thay núi rừng
Chỗ người phàm không ưa
Vị ly tham ưa thích
Vì không tìm dục lạc
" (Pháp Cú 98-99)

Khi Ngài thấy vị Tỳ kheo sống ở trong rừng, Ngài rất hoan hỷ:

"Ở đây này Nagita, Ta thấy một Tỳ kheo sống ở trong rừng, ngồi chưa đạt được Thiền định ở trong rừng. Này Nagita, đối với vị ấy, ta suy nghĩ: “Tôn giả này chưa đạt được Thiền định, nhưng sẽ thành tựu được Thiền định, và sẽ bảo vệ được tâm đã được Thiền định”. Do vậy này Nagita, Ta hoan hỷ về trú xứ tại rừng của Tỳ kheo ấy". (Tăng Chi II, tr. 336).

đây chúng ta chỉ cần nghe một số bài kệ, bài thơ của các vị Đại đệ tử đức Phật, khi đã chứng quả, nói lên lời ca tụng núi rừng để nhận thức rằng đời sống giữa rừng núi với thiên nhiên là những trú xứ, là những môi trưòng thích hợp nhất để thành tựu chánh trí. Ngài Sabbaka tuyên bố:

"Khi ta thấy con cò,
Trương đôi cánh trắng tinh
Sợ hãi đám mây đen
Tìm chỗ kín ẩn nấp,
Khi ấy chính con sông
A-ja-ta-ra-ni
Đem hoan hỷ cho ta.

Ai lại không thích thú,
Khi thấy ở tại đây
Trên cả hai dãy bờ
Có hàng cây Jam-bu
Làm chói sáng bờ sông,
Sau lưng cái hang lớn.

Hãy nghe những con nhái
Khéo thoát những đàn rắn
Kêu lên niềm hoan hỷ
Với tiếng kêu nhẹ nhàng.

Nay không phải là thời
Buông thả với núi rừng
Thật an ổn con sông
A-ja-ta-ra-ni
Thoải mái và an lành
Thật an vui thích thú".
(Trưởng Lão T
ăng kệ tr. 134)

Ngài Kassapa, sống trọn đời ở rừng núi nói lên vì sao ngài ưa thích núi rừng:

"Khu đất thật khả ái
Với những vòng tràng hoa
Hoa tên Ka-ra-ri
Trải rộng ra cùng khắp,
Với voi rú khả ý
Đồí núi ấy ta thích.

Những hồ nước trong mát
Tuyệt đẹp màu mây xanh
Che tán bởi loại bọ
Tên kẻ chăn In-da
Những ngọn núi đá ấy
Làm tâm ta thích thú.

Giống đồi mấy xanh biếc
Ví tháp đẹp lâu đài
Với vượn hú khả ý
Đồi núi ấy ta thích.

Được mưa ướt thấm nhuần
Đ
ất bằng thật khả ý
Đồi núi được ẩn sĩ
Làm thành nơi trú xứ
Vẳng lên tiếng chim công
Đồi núi ấy ta thích.

Tràn đầy hoa cây gai,
Như trời phủ làn mây
Đầy mọi loài chim chóc
Đồi núi ấy ta thích.

Dưới tảng đá hang đá
Có nước suối trong chảy
Có khỉ và có nai
Lai vảng sống gần bên
Cỏ cây bao trùm nước
Đồi núi ấy ta thích". (Trưởng Lão T
ăng Kệ, 252 -253)

Người Phật tử không những xem thiên nhiên như người mẹ hiền nuôi dưỡng mình bằng thức ăn, áo mặc, nhà ở v.v... mà còn xem thiên nhiên như là một nguồn bất tận những cảm hứng hướng thượng, giác ngộ giải thoát. Hoa rụng, lá rơi mùa Đông qua, mùa Xuân lại. Đó phải chăng là những bài học sinh động của thiên nhiên dạy chúng ta về cuộc đời là vô thường, mọi pháp là vô ngã, không xứng đáng cho con người phải tham đắm.

Các Thiền sư ngộ đạo đời Lý, đời Trần đã để lại cho chúng ta những bài thơ tả cảnh thiên nhiên, lời lẽ hay, hình ảnh đẹp, ý tứ sâu xa tuyệt vời.

Chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức lại bài thơ của Thiền sư Mãn Giác đời Lý:

"Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
".

(Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân t
àn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai).

Cảnh xuân đến xuân đi, hoa nở, hoa tàn, mọi sự việc ở đời trôi qua trước mắt, và tóc của người trên đầu bạc dần. Trong bức tranh toàn cảnh vô thường đó, Thiền sư vẫn cảm nhận sự sống là bất diệt trong cảnh hoa mai nở sau đêm xuân tàn.

Trần Nhân Tôn là ông vua kiêm Thiền sư đời Trần. Cảnh vật trong nhiều bài thơ của vua có màu sắc hư hư thực thực, phản ảnh chân lý vô thường, vô ngã của đạo Phật. Như bài Thiên Trường Văn Vọng sau đây;

"Thôn tiền thôn hậu đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
.
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
".

Dịch:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều dường có lại dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Cảnh sau hay trước thôn mờ ảo như trong khói, dường như có dường như không trong bóng chiều tà, theo tiếng sáo của mục đồng đã đón trâu về hết nhưng đồng ruộng lại rộn lên với đàn cò từng đôi từng đôi bay xuống đậu trên cánh đồng.

Đạo Phật vừa đề cao một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, vừa đề cao một nếp sống hài hòa với con người. Khi được Dandapani hỏi Ngài thuyết giảng những gì, đức Phật liền tuyên bố: "Theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, ác ma và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không tranh luận với một ai ở đời”. (Trung Bộ III 109-l09s). Một câu tuyên bố nữa nói lên thái độ không tranh chấp của đức Phật: “Này các Tỳ kheo Ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta. Người nói pháp không có tranh chấp với một ai ở đời”. (Tương ưng III, 165) .

Từ nếp sống hài hòa với thiên nhiên, với con người, đạo Phật tiến tới bước nữa, đề cao lòng từ bi đối với loài vật và cây cỏ, một thái độ tạo nên sự thông cảm giữa loài Người, loài vật và thiên nhiên. Trong kinh Thừa Tự, Trung Bộ I số 3, đức Phật dạy không nên đổ đồ ăn dư thừa trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng, sợ làm hại cỏ và côn trùng. Ngài dạy các đệ tử xuất gia phải dùng vải lọc nước để ngăn chặn giết hại các sinh vật. Trong thời kỳ mùa mưa an cư kiết hạ, đức Phật khuyên các Tỳ kheo không nên đi ra ngoài vì sợ dẫm dạp trên cỏ cây hoặc các loại côn trùng nẩy nở rất nhiều trên đất và trong không khi ẩm ướt. Ngài xác nhận không sát sanh là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại: "Vị thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem không làm hại cho vô lượng chúng sinh". (Tăng Chi III, 229) Ngài tuyên bố rất rõ, Ngài không chấp nhận vì Ngài hay vì đệ tử của Ngài mà giết hại các chúng sinh để cúng dường đồ ăn.

Ngài khuyên các đệ tử tại gia của Ngài không nên làm nghề buôn bán người hay buôn bán thịt. Trong đạo Phật có những tập tục nói lên truyền thống thương người, thương vật, thương cây cỏ của người Phật tử: Truyền thống thả chim, thả cá, phóng đăng, ăn chay, thọ bát quan trai là những hình ảnh tuyệt đẹp của lòng từ bi thương người, thương vật của đạo Phật. Để nuôi dưỡng lòng từ bi ấy, đức Phật dạy các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài phải hành trì Bốn vô lượng tâm: Tu tập lòng từ để đối trị lòng sân, tu tập lòng bi để không hại người hại vật, tu tập lòng hỷ để trừ diệt lòng ganh ghét và tu tập hạnh xả để đoạn diệt hận thù.

Chính từ, bi, hỷ, xả là bốn sức mạnh xây dựng sự thông cảm giữa người và người, giữa người và thiên nhiên, giữa người với loài vật. Và xây dựng được một môi trường như vậy thật là tốt đẹp cho hành tinh của chúng ta trong quá khứ cũng như trong hiện tại, thay vì phát động những cuộc chiến tranh, hủy diệt con người, hủy diệt động vật và hủy diệt thiên nhiên. Những lời dạy về lòng từ lòng bi thật là rộng rãi bao la, bao trùm mọi loại mọi sinh vật, như kinh Từ Bi trong Tiểu Bộ Kinh số 196 -152 trình bày:

"Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống
Kẻ yếu hay kẻ mạnh
Không bỏ sót một ai,
Thân dài hay thân ngắn,
Trung thấp loại lớn nhỏ,
Loài được thấy, không thấv,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sinh
Sống hạnh phúc an lạc.

Mong rằng không có ai,
Lường gạt lừa dốí ai,
Không có ai khinh mạn
Tại bât cứ chỗ nào,
Không vì giận hờn nhau
Không vì tưởng chống đối
Lại có người mong muốn
Làm đau khổ cho nhau.

Như tấm lòng người mẹ
Đối với con của mình
Trọn đời lo che chở
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy đối tất cả
Các hữu tình chúng sinh
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn;
Hãy tu tập từ tâm
Trong tất cả thế giới.

Hãy tu tập tâm ý
Không hạn lượng rộng lớn
Phía trên và phía dưới
Cũng vậy cả bề ngang
Không hạn chế trói buộc

Không hận, không thù địch.
Khi đứng hay khi đi
Khi ngồi hay khi nằm
Lâu cho đến khi nào
Khi đang còn tỉnh thức

Hãy an trú niệm này
Nếp sống này như vậy
Được đời đề cập đến
Là nếp sống tối thượng...
"

Đức Phật dạy người tu tập lòng từ có được những lợi ích như sau: “Ngủ được an lạc, thức được an lạc, không có ác mộng, được người khác ái mộ. Được loài phi nhân yêu kính, được loài Trời gia hộ". (Tăng Chi III, tr 11)

Một người có từ tâm với thiên nhiên, với các loài động vật, thì làm sao còn có ác tâm được với người khác, với đồng loại. Người Phật tử đối với thiên nhiên như đối với mẹ mình, dựa vào thiên nhiên để nuôi dưỡng thân mình, để cầu giải thoát và giác ngộ, chớ không phải khai thác thiên nhiên để thỏa mãn lòng tham của mình...

Phật tử đến với thiên nhiên như ong với hoa, hút nhụy của hoa nhưng không làm hại đến sắc và hương (Kinh Pháp Cú kệ số 49).

"Như ong chỉ lấy nhụy
Không hại hương sắc hoa,
Cũng vậy vị Sa-môn
Ra vào giữa thôn làng
".

Đối với người xuất gia, đức Phật đặc biệt chú trọng sự im lặng để có thể tập trung hành Thiền, tu tập quán hạnh. Hội chúng Tỳ kheo của đức Phật là một hội chúng thanh tịnh, ưa thích im lặng, tránh xa ồn ào. Đức Phật khuyên các vị Tỳ kheo nên lựa một trụ xứ "Không quá xa, không quá gần, thuận tiện cho đi và đến. Ban ngày không đông đúc, ban đêm không ồn ào. ít xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời và các loài rắn rít..." (Tăng Chi III, tr. 314). Vua Ajatasattu với lời giới thiệu của Jivaka đi đến yết kiến đức Phật. Khi đi gần đến hội chúng Tỳ kheo 1250 người mà không có tiếng động, tiếng đằng hắng, vua liền lo sợ không biết Jivaka có bội phản mình không. Khi được Jivaka giải thích Hội chúng của đức Phật tôn trọng sự im lặng như vậy đó, vua mới yên tâm đi đến yết kiến đức Phật. Một thời gia chủ Sandhana (Trường Bộ số IV, tr. 38), đến viếng thăm hội chúng của tu sĩ ngoại đạo. Sandhana ghi nhận sự sai khác của hai hội chúng: “Thật sai khác thay, khi các tôn giả ngoại đạo hội họp lại, quy tụ lại, ồn ào, cao giọng, lớn tiếng, họ sống bàn cãi những vấn đề phù phiếm...

Thật sai khác thay, Thế Tôn an trú các nhàn tịnh xứ, núi rừng tịch mịch, xa vắng ít tiếng động, có gió đồng thổi, lánh xa mắt người đời, thích hợp cho sự tĩnh tu”. Vua Pasenadi nước Kosala chứng kiến các buổi thuyết pháp của Thế Tôn có hàng trăm người dự. Nếu có người ho lên một vị ngồi bên trên khẽ đập vào đầu gối và nói: "Tôn giả hãy im lặng, Tôn giả chớ có làm ồn, Thế Tôn bậc Đạo sư của chúng ta đang thuyết pháp”. Cả một hội chúng đông người, trân trọng im lặng lắng nghe lời giảng pháp của Thế Tôn, hình thành một bầu không khí học tập tuyệt diệu cho các Phật tử. Đức Phật khuyến khích các đệ tử xuất gia của Ngài sống đời sống ít dục, biết đủ. Ngài dạy các Tỳ kheo, như lý quán sát thọ dụng y phục, "chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; thọ dụng các món ăn khất thực, chỉ để thân này được sống lâu và để bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ cho Phạm hạnh; thọ dụng sàng tọa chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi muỗi, gió, sức nóng mặt trời... chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.... thọ dụng các dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác thống khổ đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn..." (Trung Bộ I, tr. 98). Chỉ với một nếp sống thiểu dục tri túc như vậy người hành giả mới sống một đời sống lành mạnh hướng thượng, đạt đến giác ngộ giải thoát.

Như vậy, đạo Phật tán dương một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với loài Người, tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường tu học lý tưởng cho người đời cũng như cho người xuất gia.

Phật tử chúng ta ngày nay hãy học theo nếp sống của đức Bổn Sư, hãy sống gần thiên nhiên, yêu thiên nhiên, gần cỏ cây hoa lá, thở hít khí trời trong sạch và nếu có thể thì sống xa lánh những nơi ồn ào, bụi bặm. Dù có phải sống giữa thành phố, như Thành phố Hồ Chí Minh này, nếu có chút đất gần nhà thì hãy trồng cây, tạo bóng mát. Hãy đưa thiên nhiên vào tận trong nhà, lên lầu với những giàn hoa, những cây cảnh. Đặc biệt là các chùa, Thiền viện, quý vị Hòa thượng, Thượng tọa hay Đại đức trụ trì, quý Sư bà, Ni cô hãy tạo mỗi cảnh chùa thành như một ốc đảo yên tịnh sạch sẽ, đầy hoa lá và gió mát trong cái thành phố ồn ào và đông dân này, làm như vậy, tức là truyền đạo và hành đạo, vì yên tĩnh ở ngoại cảnh dẫn tới yên tĩnh trong tâm hồn. Yên tĩnh trong tâm hồn là giải thoát, là tự do tự tại.

Tất cả vấn đề là chư Tăng Ni có ý thức đầy đủ, tạo ra cho mọi Phật tử một môi trường tốt nhất, có đạo vị nhất giúp cho sự tiến bộ trí tuệ và cuộc sống an lạc của mọi người đến chùa. Đó là sự hòa hợp tốt đẹp giữa môi trường thiên nhiên và môi trường nhân văn. Tất nhiên, cảnh chùa tọa lạc ở một nơi phong cảnh đẹp đẽ, thoáng mát, nhiều hoa lá đã là một ốc đảo thanh tịnh đối với những người thế tục rồi. Nhưng cảnh chùa đó lại thêm tiếng mõ nhịp đều, tiếng chuông ngân nga trầm bổng, tiếng tụng kinh, niệm Phật và nhất là sự hiện diện của chư Tăng Ni, nghiêm trang và giải thoát, đầy đủ uy nghi và đức hạnh, nói ra những lời lẽ đầy lòng từ bi và chói sáng trí tuệ. Chúng tôi tin rằng quý vị Tu sĩ trụ trì sinh hoạt ở các chùa và Thiền viện chúng ta có khả năng và ý thức tạo ra, sắp xếp được một môi trường có đầy giá trị trí tuệ như vậy.

Tiện đây, tôi xin phát biểu vài ý kiến về một vấn đề có quan hệ tới môi trường và cảnh trí của chùa chiền Phật giáo. Đó là vấn đề hái lộc vào dịp Tết Nguyên đán. Chữ Hán Ital là điều phúc, điều tốt lành, theo đạo Phật làm điều thiện, điều phải; ngày hôm nay thì sẽ hái lộc mai sau, tức là được quả báo tốt lành sau này. Hái Lộc không phải là, từng đoàn người, đoàn người đến chùa, hái trụi lá trong vườn chùa! Chúng tôi không rõ từ đâu, dựa vào kinh điển Phật giáo nào, mà người ta bày vẽ ra một nhận thức và tập quán sai lầm về hái lộc như vậy. Tôi đề nghị thay tập quán phá cây, phá vườn chùa trong dịp Tết bằng phong trào đem cây mới đến trồng ở vườn chùa gọi là trồng lộc. Có những cây có tên rất đạo vị như cây Phật thủ, Thất Phật, cây La-hán v.v... Các chùa nên ươm sẵn những loại cây có tên như thế, để vào dịp Tết, Phật tử có thể bỏ công đến trồng ở vườn chùa. Nếu Phật tử có vườn nhà, thì nên ươm sẵn những loại cây như vậy, rồi vào dịp thuận tiện đem đến trồng ở chùa. Chúng tôi không quên nhắc tới cây mít, thường được trồng nhiều ở các chùa Việt Nam và Trung Hoa. Cây mít, người Trung Quốc gọi là ba la mật, nguyên chữ Phạn là Paramita. Còn người Việt Nam chúng ta thì gọi là cây mít. Ở các chùa ngoài Bắc từ lâu có tập tục dùng gỗ mít làm mõ và các đồ dùng để thờ, xem gỗ mít như là gỗ thiêng vậy.

Quý vị Phật tử, không phải chỉ riêng trong những ngày Tết, suốt năm, vào những dịp thuận tiện hãy trồng lộc thay vì hái lộc, không phải chỉ trồng ở chùa mà trồng cả ở vườn nhà, không phải chỉ cây mít, cây Thất Phật, cây La-hán mà tất cả mọi thứ cây có thể trồng được. Bởi lẽ, ở đâu có cây thì ở đấy có bóng mát, có gió, có hoa, có chim muông, có sự sống.

Hôm nay là ngày lẽ Vu-lan, ngày lễ báo đáp Bốn trọng ân của người Phật tử, ngày Lễ báo hiếu đặc biệt của những con người có tâm hiếu đạo. hôm nay cũng là Tự tứ của chúng Tăng sau ba tháng an cư nhập hạ, được gọi là ngày Hoan hỷ của chư Thiên và loài Người, vì được chứng kiến ba tháng nhiệt tâm tinh cần tu học của chư Tăng, Ni. Đức Phật dạy báo ân và báo hiếu không có gì tốt đẹp hơn là giúp đỡ mọi người mọi loài được nghe lời Phật dạy, được thực hành điều lành điều thiện về thân về lời và về ý. Và muốn vậy, trước hết chúng ta hãy cùng nhau cố gắng xây dựng Thiền Viện Vạn Hạnh này thành một môi trường tốt đẹp cho chư Tăng và các Phật tử tu học. Một môi trường trong ấy các Phật tử có thể đến lễ Phật, tụng kinh, ngồi Thiền, nghe pháp, thọ Bát quan trai, dự các buổi thuyết giảng, xem các cuộc triển lãm, tham dự các buổi trình diễn văn nghệ, làm một số công tác cứu tế xã hội v.v ... một môi trường tu học thích hợp và đem lại lợi ích cho mọi người đến Thiền viện, không những vậy, những Phật tử tại gia về tại gia đình của mình cũng cố gắng xây dựng gia đình của mình thành một môi trường thích hợp, đúng với tinh thần đạo, xây dựng những môi trường riêng biệt như thế nào, chúng ta đem đạo Phật vào đời vào với gia đình chúng ta và giúp cho mọi người trong gia đình hưởng thọ những ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật. Làm được như vậy chúng tôi nghĩ rằng chúng ta dã đóng góp một phần vào trách nhiệm bảo vệ môi sinh. Đây cũng là một cử chỉ tốt đẹp, có nhiều ý nghĩa nhất để báo đáp bốn trọng ân, báo hiếu cha mẹ và bà con trong bảy đời, nhân dịp Vu lan về và ngày Tự tứ hoan hỷ.

(Bài giảng Đại lễ Vu-lan 2535-1991 tại Thiền Viện Vạn Hạnh)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

 

Chân thành cám ơn đạo hữu HTM đã gửi tặng bản vi tính và đạo hữu TĐH đã giúp dò soát.
(Bình Anson, 03-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-03-2004

Thich Minh Chau - Chanh Phap & Hanh Phuc
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Chánh Pháp và Hạnh Phúc

Hòa thượng Thích Minh Châu


11. SỐNG THEO LÝ TƯỞNG BỒ TÁT

Trong đạo Phật có hai tư trào, hai xu thế tựa hồ như mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra thì bổ sung hỗ trợ cho nhau; cả hai tư trào đó đều có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người hiện đại.

Thứ nhất là tư trào hướng nội, quay trở về cái mà đạo Phật thường gọi là bộ mặt thật xưa nay của chính mình, con người thật của mình.

Thứ hai là tư trào hướng ngoại, mà sách Phật thường gọi là lợi hạnh độ sanh. Lợi hạnh là làm tất cả mọi điều lợi ích cho tất cả mọi loài hữu tình. Độ sanh là giải thoát mọi loài hữu tình khỏi mọi nỗi bất hạnh, đặc biệt là nỗi bất hạnh lớn lao nhất là sống chết luân hồi. Thực chất của tự trào hướng ngoại này là đồng nhất cá nhân mình với toàn thể mọi người, mọi chúng sinh trong thế giới vũ trụ.

Cả hai xu hướng nói trên tiêu biểu cho hai hạnh lớn của đạo Phật là trí tuệ và từ bi, và đức Phật là bậc Thánh được Phật tử toàn thế giới ca ngợi, tôn sùng như là thể hiện một cách hoàn hảo nhất hai đức hạnh trí tuệ và từ bi đó.

Tôi xin lần lượt phân tích cặn kẻ hơn hai xu thế của đạo Phật, mà tôi tin rằng có một giá trị hiện sinh lớn (great exitstential dimension) đối với thời đại hiện nay của chúng ta.

1. Xu thế hướng nội: Quay về con người thật của chính mình.

Chúng ta có thể suy nghĩ gì về cuộc sống thác loạn, chạy theo lạc thú vật chất đang là đặc trưng nổi bật của những xã hội có trình độ văn minh vật chất cao, và cả của những xã hội đang phát triển, nhưng bị nền văn minh đó làm cho mê hoặc và chói lòa? Có sức mạnh sâu kín gì nằm ở đằng sau những tệ nạn xã hội như ma túy, tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, mãi dâm, loạn dâm và bạo dâm, đồng tính luyến ái, bệnh tâm thần, nạn tự sát cá nhân hay tập thể v.v ... ? ở đằng sau tất cả nếp sống thác loạn đó là xu thế của con người bất hạnh muốn thoát khỏi cái ta hạn hẹp và vị kỷ, muốn thoát khỏi một tâm trạng bất an và ưu tư dai dẳng, thường trực mà tiếng Anh gọi bằng danh từ chung là anxiety. Nhưng vì sao lại có tâm trạng bất an và ưu tư thường trực đó mà con người hiện đại muốn tìm sự lãng quên trong nếp sống thác loạn, đôi khi mất cả tính người.

Phải chăng là con người tưởng rằng, vì nội tâm đầy ưu tư và buồn chán, cho nên phải hướng ra bên ngoài để tìm lạc thú vật chất? Phải chăng con người tưởng rằng càng chiếm hữu nhiều của cải và tiện nghi vật chất, con người sẽ càng được thêm hạnh phúc, mọi nỗi ưu tư trong nội tâm sẽ được xóa bỏ.

Ảo tưởng này đâu có mới mẻ mà có tính muôn thuở ở ấn Độ cổ đại, đã từng có triết phái Duy vật (Carvaka) chủ trương như thế. Và ở thành phố Athène thời Socrates, có những triết gia thuộc phái ngụy biện (Sophistes) cũng đã từng bênh vực cho một lối sống khoái lạc vật chất tối đa như là một lối sống lý tưởng, xứng đáng được con người mơ ước.

Đạo Phật nói đó là ảo tưởng của những người khát nước mà còn ăn mặn, và càng ăn mặn càng bị khát. Đạo Phật vạch ra rằng, nỗi bất an và ưu tư nội tâm chỉ có thể giải quyết ở trong nội tâm, chứ không thể giải quyết ở bên ngoài. Phương pháp tu Thiền của đạo Phật – mà người phương Tây quen gọi là đạo Phật Thiền (Zen Buddhism) chính là phương pháp giúp cho con người trở về với nội tâm mình để giải quyết một cách căn bản mọi nỗi ưu tư và bất an của nội tâm. Nội tâm chúng ta không khác gì mặt nước hồ, bị những đợt gió dục vọng chạy theo ngoại cảnh làm cho nổi sóng và vẩn đục. Chúng ta ưu tư chúng ta bất an chính vì chúng ta hằng ngày sống với cái nội tâm nổi sóng đó, trong khi cả lớp nước hồ sâu thẳm, trong lặng thì chúng ta bỏ quên như là xa lạ, không phải của mình.

Mục đích của Thiền không ở ngoài việc chỉ bày cho chúng ta những phương pháp thích hợp để làm cho bề mặt của nội tâm ta không còn nổi sóng, không còn dao động, để có thể nhìn sâu vào những lớp nội tâm rộng lớn, trong lặng vốn là cái tâm thật của chúng ta, chân tâm của chúng ta.

Nội tâm con người, từ bề mặt cho đến những bề sâu, một khi được làm cho vắng lặng, thì sẽ trong sáng như gương, sẽ là nguồn an lạc và hạnh phúc, sẽ là chân lý là ánh sáng, là Niết Bàn. Phương pháp tu Thiền rất nhiều vì bản tính con người muôn vàn sai biệt, người thì độn căn, người lợi căn, có người nặng về tham, có người lại sân và si nhiều; hay là ngược lại. Thế nhưng mục đích cuối cùng phải đạt tới của mọi phương pháp tu Thiền là an tịnh nội tâm, làm vắng lặng và trong sáng nội tâm, biến nội tâm từ dao động trở thành yên tịnh, từ mê mở trở thành sáng suốt. Tâm sáng suốt, đó chính là trí tuệ Bát-nhã, chính là cái mà sách Anh ngữ thường gọi là trí tuệ siêu việt Transcendental wisdom. Có được trí tuệ Bát-nhã, thì tức là thành Phật, bậc Thánh nhìn thấy tất cả biết hết tất cả (Omnicient).

Một ông vua mà giới sử học quốc tế thường biết đến như là một anh hùng đã lãnh đạo quân dân Việt Nam hai lần chiến thắng đội quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, đội quân đã từng làm mưa làm gió trên các chiến trường châu âu, và Châu Á thời bấy giờ. Ông vua đó Trần Nhân Tông. Ông vua đó, sau khi đánh bại quân Nguyên Mông đã không chịu ở lại ngôi vua để tận hưởng vinh quang của chiến thắng, mà đã nhường ngôi cho con, xuất gia theo đạo Phật, trở thành vị Thiền sư lỗi lạc, lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Những tác phẩm Phật học của ông, toát lên nhiều tư tưởng kỳ đặc. Một trong những tư tưởng đó là theo nguyên văn lời ông.

"Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuẩy bổn nên ta tìm Bụt,
Cốc mới hay chính Phật là ta".
(Cư Trần Lạc
Đạo Phú - hội 5)

Nghĩa là theo Trần Nhân Tông, con người thật của chúng ta chính là Phật, và chính vì chúng ta quên mất cái bổn, cái gốc đó cho nên chúng ta mới là chúng sinh, có trí óc mê muội và thân tâm đau khổ bất hạnh. Niềm ưu tư, bất an có thường trực trong nội tâm của chúng ta chính là bắt nguồn từ ở chỗ chúng ta quên mất con người thật của chúng ta là Phật, sống với con người giả của chúng ta là chúng sinh. Đạo Phật của Trần Nhân Tông cũng như của đời Trần nói chung là một đạo Phật hướng nội rất rõ nét, rất sinh động. Trên từ vua cho đến các quan lại, tướng lãnh, binh sĩ, dân thường nếu mọi người đều tin rằng mình là những vị Phật sẽ thành, do đó ngay trong hiện tại phải sống xứng đáng với vị Phật ở trong mình, sống với những đức hạnh của Phật như là từ bi, trí tuệ, dũng khí, vô úy... thì hãy hỏi có giặc ngoại xâm nào, kể cả quân đội Nguyên Mông thiện chiến, có thể xâm phạm bờ cõi Việt Nam mà không bị đánh bại.

Cổ đức có câu:

"Khổ hải vô biên,
Hồi đầu thị ngạn
".

Nghĩa là:

"Biển khổ mênh mông,
Nhưng quay đầu lại thì sẽ thấy bờ ngay
".

Quay đầu lại hướng về nội tâm, quay đầu lại sống với con người thật của mình, và con người thật đó chính là Phật với đầy đủ hai đức hạnh trí tuệ và từ bi. Đó chính là phương thuốc mà đạo Phật có thể cống hiến cho con người hiện đại, con người hiện nay đang lãng đãng như khách phong trần trên khắp các nẻo đường, tìm kiếm sự thật và hạnh phúc, tuy biết rằng sự tìm kiếm đó là vô vọng. Đạo Phật nói: Thôi hãy đừng tìm kiếm đâu xa nữa? Hãy trở về với chính mình, với con người thật của mình.

Trần Nhân Tông, nhà vua–Thiền sư mà tôi đã giới thiệu trên đây có hai câu thơ chữ Hán:

"Gia trung hửu bán hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền
".

Nghĩa là:

"Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm
Lặng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền
".

Trong nhà có sẵn ngọc, không cần tìm kiếm đâu xa nữa, cũng như nói chính mình là Phật rồi, thôi đừng cầu Phật, tìm Phật ở đâu xa nữa. Và vì đã là Phật, cho nên ngoại cảnh dù có biến đổi, hấp dẫn như thế nào cũng không thể ảnh hưởng chi phối. Nội tâm con người vẫn bình lặng. Đã bình lặng thì sáng suốt, không gì không thấy, không biết. Và đó chính là Thiền rồi, cũng không cần học hỏi Thiền làm gì.

2. Xu thế hướng ngoại: Một cuộc sống hoàn toàn vô ngã, vị tha, tích cực, năng động, phong phú.

Con người, sau một quá trình tìm kiếm lâu dài không có kết quả, cuối cùng biết trở về với chính mình, thì bỗng thấy cái gọi mình là ta thực ra không tồn tại. Cả thân và tâm chỉ là một dòng, một chuỗi hiện tượng tâm và sinh lý biến chuyển liên tục trong từng sát na một và ở bên trong hay là ở đằng sau dòng chảy liên tục đó, không có một cái gì gọi là linh hồn hay là cái ta vĩnh cửu.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Suragama) một bộ kinh Đại thừa quan trọng đã minh họa thuyết Vô ngã của đạo Phật bằng một ảnh dụ rất sinh động và cụ thể: "Cũng như trăm ngàn biển cả trong lặng mênh mông, mà bỏ đi tất cả rồi chấp nhặt một bọt nước làm mình...". Chấp thân tâm này là ta, cũng như biển cả quên mình là biển cả rồi chấp nhặt một bọt sóng là biển cả.

Con người giác ngộ lý vô ngã của nhà Phật, phát hiện thấy mình không phải là cái bọt nước, mà là cả đại dương rộng lớn, mình là đồng một thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh, mọi loài hữu tình, và từ nhận thức đầy trí tuệ này, con người phát ra một lòng từ rộng lớn, lòng bi rộng lớn, nguyện làm tất cả những gì có thể làm được vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, của tất cả mọi loài. Sống như vậy, đạo Phật gọi là sống theo lý tưởng Bồ-tát (Bodhisattva ideal). Đó là lý tưởng sống hòa nhập vào mọi người, mọi chúng sinh, đúng theo nguyên lý mọi người, mọi chúng sinh đều bình đẳng, cùng một thể.

Tôi tin rằng lý tưởng Bồ-tát, như được trình bày trên đây, là một lý tưởng có giá trị hiện thực lớn đối với thế giới hiện đại, vì các tôn giáo lớn trên thế giới đều có thể chấp nhận và thực hiện lý tưởng Bồ-tát của đạo Phật trên những mức độ khác nhau, và với những tên gọi khác nhau.

Đạo Gia-tô nói: “Hãy thương người như thể thương mình". Đạo Hồi nói: “Người Hồi giáo trong bốn biển đều là anh em". Đạo Phật nói: “Hãy yêu thương tất cả chúng sinh như người mẹ yêu thương đứa con một của mình".

Tất cả những lời lẽ khác nhau đó đều nói lên một nội dung thống nhất là tình thương rộng lớn, bao trùm lên mọi người không phân biệt chủng tộc và dân tộc, màu da và giới tính v.v... Tình thương rộng lớn đó phải là nét đặc trưng nổi bật nhất của một trật tự đạo đức mới, rất cần thiết cho xã hội và thế giới hiện đại, ở phương Tây cũng như phương Đông.

Đạo Phật khuyến cáo mọi người hãy quay về với người thật của mình, thế nhưng con người thật của chúng ta lại là vô ngã. Nó không hạn chế trong cái thân và tâm vô thường hạn hẹp này, nó là cũng một thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh và mọi loài hữu tình khác. Và sống hòa nhập với mọi người, mọi chúng sinh chính là lối sống vô ngã vị tha theo lý tưởng Bồ-tát.

Nói tóm lại, hướng nội để tìm con người thật của chính mình. Nhưng sau khi phát hiện con người thật của mình lại không có mình không có ta, lại là vô ngã, đồng nhất thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác, cho nên đạo Phật lại chủ trương một cuộc sống năng động tích cực, hướng ngoại không phải là để tìm và hưởng thụ những lạc thú vật chất tầm thường và phi đạo đức, mà là để mưu lợi ích và đem lại an lạc cho mọi người, mọi loài Trong cả hai xu thế hướng nội và hướng ngoại này, nổi bật lên chủ thuyết Vô ngã của đạo Phật, nó không khác gì sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ giáo lý, đạo đức và thực tiễn tu hành của đạo Phật.

Khi đức Phật còn tại thế và cả sau khi Ngài đã nhập diệt, tại bất cứ nơi nào đạo Phật có mặt thì lý tưởng vô ngã vị tha bao giờ cũng là chuẩn mức bất di dịch của nếp sống đạo đức Phật giáo, đối với người xuất gia cũng như người tại gia. Lý tưởng đó chói sáng Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo phát triển, Phật giáo Nam tông cũng như Phật giáo Bắc tông, hồi Phật còn tại thế cũng như mãi mãi về sau này. Bất cứ mọi người nào mà chối bỏ lý tường đó, sống ngược lại với lý tưởng đó, thời không thể được xem như là người Phật tử chân chính, chứ đừng nói gì đến bậc A-la-hán. Ấy thế mà vẫn có người viết sách phê phán, lý tưởng của A-la-hán là vị kỷ hẹp hòi. Họ không hiểu rằng muốn thành A-la-hán, điều kiện tiên quyết là phải diệt trừ mọi tư tưởng về cái ta, phải giác ngộ về lý vô ngã vị tha.

Chúng ta hãy nghe lại lời đức Phật khuyến dụ lớp học trò đầu tiên của Ngài:

"Này các Tỳ kheo, các người cần phải tu hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của chư Thiên và loài Người..." (Mahavagga, 19)

Cần nhắc lại rằng, sớm từ năm 300 trước Công nguyên, vào một thời mà đạo Phật Đại thừa chưa hưng khởi thì Hoàng đế Asoka ở Ấn Độ đã phái nhiều đoàn truyền giáo mang thông điệp của đức Phật Thích-ca đến tận các xứ Xiri, Hy Lạp, Ai Cập và Bắc Phi và nhiều vùng xa xôi khác trên thế giới. Theo truyền thuyết, một phái đoàn truyền giáo của Asoka đã đến tận nước Việt Nam, và có xây một bảo tháp ở đây. Truyền giáo ở đất nước xa xôi, bất chấp những trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán v.v... là một hành động không những vị tha mà còn dũng cảm nữa. Và đã có biết bao nhiêu người đi mà không trở về trong sự nghiệp truyền giáo của các tôn giáo lớn trên thế giới.

Thiếu sót cơ bản của con người hiện đại là đã đánh mất con người thật của chính mình, mà chạy theo cái Ta giả với những khao khát thèm muốn không bao giờ có thể thỏa mãn. Con người hiện đại ở xã hội văn minh phương Tây, có thể sống một đời sống tiện nghi vật chất thật đầy đủ, nhưng chỉ thiếu một cái là hạnh phúc, là sự an ổn nội tâm để thật sự thụ hưởng tất cả mọi của cải và tiện nghi vật chất đó.

Đúng như vậy, của cải và tiện nghi vật chất, lạc thú vật chất không thể là mục đích tự nó, và cứu cánh được Bởi vì, tối thiểu, con người phải có sự bình tĩnh và thanh thản của tâm hồn mới có thể tận hưởng những lạc thú vật chất hay tinh thần. Thế nhưng từ lâu, do cuộc sống thác loạn và hướng ngoại, mất hài hòa với bản thân, với thiên nhiên và xã hội, con người của xã hội văn minh phương Tây đã đánh mất sự bình tĩnh và thanh thản đó của tâm hồn, là điều kiện tiên quyết và cơ bản của một hạnh phúc chân chính và thật sự.

Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, Socrates đã vạch ra tất cả sự vô nghĩa lý của một lối sống tôn thờ khoái lạc vật chất như là độc nhất và tối thượng. Chúng ta có thể đọc lời phê phán sắc sảo đó của Socrates trong bài đối ngoại Phillebus của Plato. Trong cuộc đàm thoại, Socrates đã dẫn đối phương của mình là Protarchus đến kết luận vô lý này là con người chỉ cần hưởng lạc thú tối đa, ngoài ra thì không cần gì hết, kể cả lý trí, sự thông minh, trí nhớ, kiến thức và quan niệm đúng đắn. Nghĩa là theo Protarchus, con người miễn là được hưởng lạc thú tối đa, còn thì không cần gì nữa hết, kể cả sự thông minh, lý trí, trí nhớ v.v...

Socrates nói: "Như vậy thì không có trí nhớ làm sao ông nhớ được ông đã được hưởng lạc thú: bởi lẽ ngay sau khi hưởng lạc thú, ông không còn còn nhớ gì được hết, và hơn nữa, vì ông cũng không có quan niệm đúng đắn, ông cũng không nghĩ được rằng ông đã được hưởng lạc thú, và bởi vì ông cũng thiếu khả năng lý trí, ông cũng mất khả năng nhận thức được rằng ông sẽ còn được hưởng lạc thú trong tương lai. Ông phải sống cuộc sống của con sò hay là của những con vật sống nào khác mà trú xứ là đáy biển mà linh hồn bị dấu kín ở trong vỏ cứng. Có phải tất cả là như thế chăng, hay là chúng ta có thể nghĩ một cái gì khác?"

Protarchus: "Chúng ta không thể nghĩ khác được”.

Socrates: "Nếu vậy thì phải chăng chúng ta có thể nghĩ rằng một lối sống như thế là đáng mong ước?”

Protarchus: "Này Socrates, lập luận của ông làm tôi điếc cả tai ..."

Tôi dẫn chứng cuộc đàm thoại của Socrates để nói rằng con người hiện đại, sống một cuộc sống văn minh vật chất cao ở cuối thế kỷ XX này vẫn có thể tiếp tục suy nghĩ ấu trĩ như Protarchus ở Athenes cách đây hai mươi lăm thế kỷ.

Tất nhiên, đạo Phật một mặt lên án cuộc sống chạy theo những dục vọng vật chất thấp hèn, mặc khác cũng không phải đề cao cuộc sống nghèo đói, kham khổ, đạo Phật lại càng phê phán lối tu hành hạ xác thân, ép xác khổ hạnh, chỉ làm cho thân người bệnh hoạn và đầu óc con người u mê. Đức Phật khuyến chúng ta tránh cả hai cực đoan chạy theo dục lạc vật chất và sống ép xác khổ hạnh. Đức Phật khuyến cáo học trò mình cũng như tất cả mọi người sống nếp sống lành mạnh, giản dị, hướng thượng, chói sáng đạo đức, giới hạnh và trí tuệ, một nếp sống mà tất cả mọi người giàu hay nghèo, xuất gia hay tại gia, ở phương Đông hay phương Tây đều có thể sống hay hướng đến. Một nếp sống như vậy sẽ đem lại sự bình tĩnh nội tâm sự sáng suốt của trí tuệ, giúp cho con người có thể thấy được sự vật như thật. Chính nhờ đó mà con người có thể sống hài hòa với bản thân và làm chủ bản thân, sống hài hòa với xã hội, với thiên nhiên. Và trong nhịp sống hài hòa đó, với bản thân, với xã hội và thiên nhiên, con người mới tìm thấy hạnh phúc thật sự.

Nếu tất cả mọi người đều chấp nhận và sống nếp sống như vậy, thì cả thế giới chiến tranh và bất ổn này sẽ sớm trở thành một thế giới hòa bình và hạnh phúc, kỷ nguyên XXI sắp tới đây sẽ trở thành kỷ nguyên của con người, kỷ nguyên trong đó các giá trị nhân bản là thước đo, là chuẩn mức của mọi giá trị, đường ranh giới phân biệt thật hay giả, thành công hay thất bại, chánh kiến hay tà kiến. Một kỷ nguyên trong đó con người trở thành vị quan tòa tối thượng, đánh giá mọi hệ thống chính trị xã hội, xem hệ thống nào ưu việt, đầy sức sống, hệ thống nào lỗi thời, phải cương quyết tự cải tổ lại hay là rút lui khỏi vũ đài lịch sử.

Xu thế hướng nội, quay về với con người thật của chính mình không thể bị hiểu nhầm, là tiêu cực, tự thu mình trong tháp ngà. Trên đây, tôi có nói đến một xu thế khác của đạo Phật, xu thế hướng ngoại dẫn tới một cuộc sống vị tha tích cực, vì lợi lạc của tất cả mọi người, mọi chúng sinh. Trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, có ghi những lời dạy của đức Phật, khuyến cáo các đệ tử của mình hãy tích cực hoằng hóa độ sanh, và nhất là thực hành Bốn nhiếp pháp để gần gũi chúng sinh, mưu lợi lạc cho chúng sinh, gần gũi mọi người, đem lợi lạc cho mọi người.

Bốn nhiếp pháp đó là ái ngữ tức là lời nói dịu hiền, dễ nghe; bố thí tức là giúp đỡ chúng sinh trên các mặt cung cấp của cải vật chất, giảng giải đạo lý, giáo pháp của đức Phật, che chở, bảo vệ chúng sinh nếu cần thiết, và tùy hỷ với tất cả mọi điều lợi lạc cho chúng sinh; lợi hành và cuối cùng là đồng sự tức là cùng làm việc với chúng sinh v.v... Bốn nhiếp pháp, ái ngữ, bố thí, lợi hành, đồng sự là như vậy, chúng thể hiện nếp sống vị tha tích cực của đạo Phật. (Xem Tăng Chi I, 387). Cùng với Bốn nhiếp pháp, người Phật tử giác ngộ về thuyết vô ngã còn ra sức tu tập, thực hành Bốn vô lượng tâm, tức là mở rộng lòng từ lòng bi, lòng hỉ, lòng xả, bao trùm tất cả chúng sinh khắp mười phương. Đồng thời cũng tu tập thực hành sáu hạnh ba la mật, tức là bố thí, giới hạnh, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền định, trí tuệ. Sáu hạnh này được tu tập và thực hành đến chỗ hoàn hảo, triệt để sẽ giúp cho những người sống theo lý tưởng Bồ-tát, có thể vứt bỏ hoàn toàn cái Ta nhỏ hẹp, vị kỷ, sống hòa nhập vào tất cả chúng sinh, tất cả mọi người.

Đó là nếp sống của những người Phật tử giác ngộ về lý Vô ngã của đạo Phật. Nếp sống đó không có gì là tiêu cực thụ động. Trái lại, nó rất tích cực, năng động và phong phú, đa dạng. Mong rằng nó tỏ ra hấp dẫn đối với con người hiện đại, đối với xã hội hiện đại.


12. ĐẠO PHẬT VỚI NẾP SỐNG THIÊN NHIÊN

Sau thế chiến thứ hai, loài Người sống lo sợ một cuộc chiến tranh thế giới nguyên tử, biến quả đất thành một mùa đông giá rét vĩnh cửu, trong ấy mọi sinh vật kể cả loài Người, động vật, thực vật đều bị tiêu diệt, không một ai sống sót. Trong mấy năm gần đây, sự lo sợ một cuộc chiến tranh nguyên tử tiêu diệt nhân loại được cộng thêm với một lo sợ mới là tai họa hủy diệt môi sinh, tai họa này có thể đưa nhân loại vào cảnh diệt vong còn mau hơn tai họa chiến tranh. Như một nhà bảo vệ môi sinh học đã nói, nếu trong 50 năm nữa, thế giới không đồng loạt đứng lên bảo vệ môi sinh trên quả đất này, thời ngôi nhà chung của nhân loại có thể bị tiêu diệt, môi trường sống của chúng ta sẽ bị hủy hoại, không gì có thể cứu vãn được. Qua các tài liệu mới nhất của Tổ chức Liên Hiệp Quốc bảo vệ môi sinh và của một số Tổ chức quốc tế khác có liên quan, chúng ta có thể biết.

Hằng năm trên thế giới, hàng trăm triệu tấn đất mùn có giá trị nông nghiệp bị hủy hoại do tệ phá rừng và xử lý đất đai không hợp lý. Hàng năm trên dưới 3000 cây số vuông đất nông nghiệp màu mỡ bị mất do xây dựng nhà cửa và đường sá, chỉ tính riêng tại các nước phát triển. Ở các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba, môi trường tự nhiên bị hủy hoại theo một kiểu khác. Nông dân đốt rừng để làm rẫy, chặt cây để có củi đun nấu; ở một số nước xuất khẩu gỗ, nạn phá rừng đạt quy mô tệ hại, vì tiến hành với phương tiện kỹ thuật hiện đại. Một thí dụ, ở Thái Lan cách đây không đầy 50 năm, diện tích rừng chiếm 80% diện tích cả nước, hiện nay, tỷ lệ đó chỉ còn lại 20%. Nhiều loại cây quý, cùng với một số chim muông, dã thú bị mất tích. Nhân dân nhiều làng lâm vào cảnh thiếu nước ăn, nước uống, chỉ còn một cách là bỏ làng ra đi. Lụt hạn thường xuyên xảy ra. Lớp màu mỡ của nhiều vùng nông nghiệp bị hủy hoại, mùa màng thất bát, khiến nông dân bị cơ cực, nghèo đói. Nói tóm lại, kể cả Bắc cũng như Nam bán cầu ở các nước phương Tây có trình độ phát triển cao, cũng như ở các nước thuộc thế giới thứ ba nghèo nàn, lạc hậu, vấn đề hủy hoại môi trường sống đều đặt ra bức xúc và cấp bách, nhất là trong những năm gần đây.

Dù cho trong thời đức Phật còn tại thế, bảo vệ môi sinh chưa đặt thành vấn đề, nhưng đức Phật với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi cứu khổ của Ngài, với trách nhiệm của bậc Đạo sư cần tạo ra một môi trường tu học thích hợp cho những đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài, đức Phật đã chủ động tìm cách xây dựng cho mình và cho Hội chúng Tăng già một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, một đạo tràng tu tập thích hợp hướng tới giác ngộ và Niết Bàn.

Đức Phật là một bậc Giáo chủ độc nhất sinh ra dưới cây Vô ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, hành trì Thiền định cho đến giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Nai ở Ba-la-nại, và cuối cùng nhập Niết Bàn dưới hai cây Sa-la tại Kusinara.

Trong 45 thuyết pháp độ sanh, Ngài để lại cho chúng ta hình ảnh một bậc Đạo sư đi bộ từ làng này qua làng khác, từ đô thị này qua đô thị khác, sau khi khất thực trở về, thường ngồi trong một khu rừng gần đấy để an nghỉ hoặc thuyết pháp, hoặc ngồi Thiền cho đến chiều. Hình ảnh đó của đức Phật được ghi lại trong các câu thơ sau đây:

Một bát ăn ngàn nhà,
Một thân đi vạn dặm
Vì vấn đề sanh tử,
Giáo hóa độ ngày qua.

(Nhât bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Kỳ vị sanh tử sự,
Giáo hóa độ xuân thu).

Trong những bài thuyết pháp, Ngài thường dùng các ẩn dụ tìm thấy trong thiên nhiên, trong các động vật và thực vật và nhờ vậy các hình ảnh gợi lên rất sinh động tươi mát như chính mình sống giữa mây trời rộng rãi. Nói đến sự cách biệt giữa pháp thiện và pháp ác, Ngài dạy: "Rằng xa thật là xa khoảng cách giữa mặt đất và vòm trời. Rằng xa thật là xa khoảng cách giữa bờ bên này đến bờ bên kia. Rằng xa thật là xa, khoảng cách giữa mặt trời mọc và với chỗ mặt trời lặn, nhưng còn cách xa, cách xa hơn nữa là khoảng cách giữa pháp bậc thiện và pháp kẻ ác" (Tăng Chi tr. 410). Nói đến hương người đức hạnh là ví với hương của hoa thơm, nhưng giữa hai loại có sự sai khác:

"Không một hương hoa nào
Bay ngược chiều gió thổi
Chỉ hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
" (Pháp Cú 52)

Đức Phật thường dùng hình ảnh biển cả để so sánh với Chánh pháp: “Này Paharada, biển lớn chỉ có một vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, này Paharada pháp này của Ta cũng chỉ có một vị, là vị giải thoát". (Tăng III, tr 57).

Ồn ào của người ngu, sự yên lặng của người trí được đem ra so sánh với bể cả. Biển gần bờ thời ào ào, biển ngoài khơi thời lặng yên:

"Như chính giữa trung tâm
Của biển cả đại dương
Sóng biển không có sanh
Biển hoàn toàn đứng lặng.
Cũng vậy này Tỳ kheo,
Hãy đứng lặng không động,
Không xôn xao bồng bột
Đối sự gì ở đời
". (Kinh Tập, số 920)

Đức Phật luôn luôn tán thán núi rừng, và xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo.

"Làng mạc hay rừng núi,
Thung lũng hay đồi cao
La-hán trú chỗ nào
Đất ấy thật khả ái
".

"Khả ái thay núi rừng
Chỗ người phàm không ưa
Vị ly tham ưa thích
Vì không tìm dục lạc
" (Pháp Cú 98-99)

Khi Ngài thấy vị Tỳ kheo sống ở trong rừng, Ngài rất hoan hỷ:

"Ở đây này Nagita, Ta thấy một Tỳ kheo sống ở trong rừng, ngồi chưa đạt được Thiền định ở trong rừng. Này Nagita, đối với vị ấy, ta suy nghĩ: “Tôn giả này chưa đạt được Thiền định, nhưng sẽ thành tựu được Thiền định, và sẽ bảo vệ được tâm đã được Thiền định”. Do vậy này Nagita, Ta hoan hỷ về trú xứ tại rừng của Tỳ kheo ấy". (Tăng Chi II, tr. 336).

đây chúng ta chỉ cần nghe một số bài kệ, bài thơ của các vị Đại đệ tử đức Phật, khi đã chứng quả, nói lên lời ca tụng núi rừng để nhận thức rằng đời sống giữa rừng núi với thiên nhiên là những trú xứ, là những môi trưòng thích hợp nhất để thành tựu chánh trí. Ngài Sabbaka tuyên bố:

"Khi ta thấy con cò,
Trương đôi cánh trắng tinh
Sợ hãi đám mây đen
Tìm chỗ kín ẩn nấp,
Khi ấy chính con sông
A-ja-ta-ra-ni
Đem hoan hỷ cho ta.

Ai lại không thích thú,
Khi thấy ở tại đây
Trên cả hai dãy bờ
Có hàng cây Jam-bu
Làm chói sáng bờ sông,
Sau lưng cái hang lớn.

Hãy nghe những con nhái
Khéo thoát những đàn rắn
Kêu lên niềm hoan hỷ
Với tiếng kêu nhẹ nhàng.

Nay không phải là thời
Buông thả với núi rừng
Thật an ổn con sông
A-ja-ta-ra-ni
Thoải mái và an lành
Thật an vui thích thú".
(Trưởng Lão T
ăng kệ tr. 134)

Ngài Kassapa, sống trọn đời ở rừng núi nói lên vì sao ngài ưa thích núi rừng:

"Khu đất thật khả ái
Với những vòng tràng hoa
Hoa tên Ka-ra-ri
Trải rộng ra cùng khắp,
Với voi rú khả ý
Đồí núi ấy ta thích.

Những hồ nước trong mát
Tuyệt đẹp màu mây xanh
Che tán bởi loại bọ
Tên kẻ chăn In-da
Những ngọn núi đá ấy
Làm tâm ta thích thú.

Giống đồi mấy xanh biếc
Ví tháp đẹp lâu đài
Với vượn hú khả ý
Đồi núi ấy ta thích.

Được mưa ướt thấm nhuần
Đ
ất bằng thật khả ý
Đồi núi được ẩn sĩ
Làm thành nơi trú xứ
Vẳng lên tiếng chim công
Đồi núi ấy ta thích.

Tràn đầy hoa cây gai,
Như trời phủ làn mây
Đầy mọi loài chim chóc
Đồi núi ấy ta thích.

Dưới tảng đá hang đá
Có nước suối trong chảy
Có khỉ và có nai
Lai vảng sống gần bên
Cỏ cây bao trùm nước
Đồi núi ấy ta thích". (Trưởng Lão T
ăng Kệ, 252 -253)

Người Phật tử không những xem thiên nhiên như người mẹ hiền nuôi dưỡng mình bằng thức ăn, áo mặc, nhà ở v.v... mà còn xem thiên nhiên như là một nguồn bất tận những cảm hứng hướng thượng, giác ngộ giải thoát. Hoa rụng, lá rơi mùa Đông qua, mùa Xuân lại. Đó phải chăng là những bài học sinh động của thiên nhiên dạy chúng ta về cuộc đời là vô thường, mọi pháp là vô ngã, không xứng đáng cho con người phải tham đắm.

Các Thiền sư ngộ đạo đời Lý, đời Trần đã để lại cho chúng ta những bài thơ tả cảnh thiên nhiên, lời lẽ hay, hình ảnh đẹp, ý tứ sâu xa tuyệt vời.

Chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức lại bài thơ của Thiền sư Mãn Giác đời Lý:

"Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
".

(Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân t
àn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai).

Cảnh xuân đến xuân đi, hoa nở, hoa tàn, mọi sự việc ở đời trôi qua trước mắt, và tóc của người trên đầu bạc dần. Trong bức tranh toàn cảnh vô thường đó, Thiền sư vẫn cảm nhận sự sống là bất diệt trong cảnh hoa mai nở sau đêm xuân tàn.

Trần Nhân Tôn là ông vua kiêm Thiền sư đời Trần. Cảnh vật trong nhiều bài thơ của vua có màu sắc hư hư thực thực, phản ảnh chân lý vô thường, vô ngã của đạo Phật. Như bài Thiên Trường Văn Vọng sau đây;

"Thôn tiền thôn hậu đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
.
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
".

Dịch:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều dường có lại dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Cảnh sau hay trước thôn mờ ảo như trong khói, dường như có dường như không trong bóng chiều tà, theo tiếng sáo của mục đồng đã đón trâu về hết nhưng đồng ruộng lại rộn lên với đàn cò từng đôi từng đôi bay xuống đậu trên cánh đồng.

Đạo Phật vừa đề cao một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, vừa đề cao một nếp sống hài hòa với con người. Khi được Dandapani hỏi Ngài thuyết giảng những gì, đức Phật liền tuyên bố: "Theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, ác ma và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không tranh luận với một ai ở đời”. (Trung Bộ III 109-l09s). Một câu tuyên bố nữa nói lên thái độ không tranh chấp của đức Phật: “Này các Tỳ kheo Ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta. Người nói pháp không có tranh chấp với một ai ở đời”. (Tương ưng III, 165) .

Từ nếp sống hài hòa với thiên nhiên, với con người, đạo Phật tiến tới bước nữa, đề cao lòng từ bi đối với loài vật và cây cỏ, một thái độ tạo nên sự thông cảm giữa loài Người, loài vật và thiên nhiên. Trong kinh Thừa Tự, Trung Bộ I số 3, đức Phật dạy không nên đổ đồ ăn dư thừa trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng, sợ làm hại cỏ và côn trùng. Ngài dạy các đệ tử xuất gia phải dùng vải lọc nước để ngăn chặn giết hại các sinh vật. Trong thời kỳ mùa mưa an cư kiết hạ, đức Phật khuyên các Tỳ kheo không nên đi ra ngoài vì sợ dẫm dạp trên cỏ cây hoặc các loại côn trùng nẩy nở rất nhiều trên đất và trong không khi ẩm ướt. Ngài xác nhận không sát sanh là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại: "Vị thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem không làm hại cho vô lượng chúng sinh". (Tăng Chi III, 229) Ngài tuyên bố rất rõ, Ngài không chấp nhận vì Ngài hay vì đệ tử của Ngài mà giết hại các chúng sinh để cúng dường đồ ăn.

Ngài khuyên các đệ tử tại gia của Ngài không nên làm nghề buôn bán người hay buôn bán thịt. Trong đạo Phật có những tập tục nói lên truyền thống thương người, thương vật, thương cây cỏ của người Phật tử: Truyền thống thả chim, thả cá, phóng đăng, ăn chay, thọ bát quan trai là những hình ảnh tuyệt đẹp của lòng từ bi thương người, thương vật của đạo Phật. Để nuôi dưỡng lòng từ bi ấy, đức Phật dạy các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài phải hành trì Bốn vô lượng tâm: Tu tập lòng từ để đối trị lòng sân, tu tập lòng bi để không hại người hại vật, tu tập lòng hỷ để trừ diệt lòng ganh ghét và tu tập hạnh xả để đoạn diệt hận thù.

Chính từ, bi, hỷ, xả là bốn sức mạnh xây dựng sự thông cảm giữa người và người, giữa người và thiên nhiên, giữa người với loài vật. Và xây dựng được một môi trường như vậy thật là tốt đẹp cho hành tinh của chúng ta trong quá khứ cũng như trong hiện tại, thay vì phát động những cuộc chiến tranh, hủy diệt con người, hủy diệt động vật và hủy diệt thiên nhiên. Những lời dạy về lòng từ lòng bi thật là rộng rãi bao la, bao trùm mọi loại mọi sinh vật, như kinh Từ Bi trong Tiểu Bộ Kinh số 196 -152 trình bày:

"Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống
Kẻ yếu hay kẻ mạnh
Không bỏ sót một ai,
Thân dài hay thân ngắn,
Trung thấp loại lớn nhỏ,
Loài được thấy, không thấv,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sinh
Sống hạnh phúc an lạc.

Mong rằng không có ai,
Lường gạt lừa dốí ai,
Không có ai khinh mạn
Tại bât cứ chỗ nào,
Không vì giận hờn nhau
Không vì tưởng chống đối
Lại có người mong muốn
Làm đau khổ cho nhau.

Như tấm lòng người mẹ
Đối với con của mình
Trọn đời lo che chở
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy đối tất cả
Các hữu tình chúng sinh
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn;
Hãy tu tập từ tâm
Trong tất cả thế giới.

Hãy tu tập tâm ý
Không hạn lượng rộng lớn
Phía trên và phía dưới
Cũng vậy cả bề ngang
Không hạn chế trói buộc

Không hận, không thù địch.
Khi đứng hay khi đi
Khi ngồi hay khi nằm
Lâu cho đến khi nào
Khi đang còn tỉnh thức

Hãy an trú niệm này
Nếp sống này như vậy
Được đời đề cập đến
Là nếp sống tối thượng...
"

Đức Phật dạy người tu tập lòng từ có được những lợi ích như sau: “Ngủ được an lạc, thức được an lạc, không có ác mộng, được người khác ái mộ. Được loài phi nhân yêu kính, được loài Trời gia hộ". (Tăng Chi III, tr 11)

Một người có từ tâm với thiên nhiên, với các loài động vật, thì làm sao còn có ác tâm được với người khác, với đồng loại. Người Phật tử đối với thiên nhiên như đối với mẹ mình, dựa vào thiên nhiên để nuôi dưỡng thân mình, để cầu giải thoát và giác ngộ, chớ không phải khai thác thiên nhiên để thỏa mãn lòng tham của mình...

Phật tử đến với thiên nhiên như ong với hoa, hút nhụy của hoa nhưng không làm hại đến sắc và hương (Kinh Pháp Cú kệ số 49).

"Như ong chỉ lấy nhụy
Không hại hương sắc hoa,
Cũng vậy vị Sa-môn
Ra vào giữa thôn làng
".

Đối với người xuất gia, đức Phật đặc biệt chú trọng sự im lặng để có thể tập trung hành Thiền, tu tập quán hạnh. Hội chúng Tỳ kheo của đức Phật là một hội chúng thanh tịnh, ưa thích im lặng, tránh xa ồn ào. Đức Phật khuyên các vị Tỳ kheo nên lựa một trụ xứ "Không quá xa, không quá gần, thuận tiện cho đi và đến. Ban ngày không đông đúc, ban đêm không ồn ào. ít xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời và các loài rắn rít..." (Tăng Chi III, tr. 314). Vua Ajatasattu với lời giới thiệu của Jivaka đi đến yết kiến đức Phật. Khi đi gần đến hội chúng Tỳ kheo 1250 người mà không có tiếng động, tiếng đằng hắng, vua liền lo sợ không biết Jivaka có bội phản mình không. Khi được Jivaka giải thích Hội chúng của đức Phật tôn trọng sự im lặng như vậy đó, vua mới yên tâm đi đến yết kiến đức Phật. Một thời gia chủ Sandhana (Trường Bộ số IV, tr. 38), đến viếng thăm hội chúng của tu sĩ ngoại đạo. Sandhana ghi nhận sự sai khác của hai hội chúng: “Thật sai khác thay, khi các tôn giả ngoại đạo hội họp lại, quy tụ lại, ồn ào, cao giọng, lớn tiếng, họ sống bàn cãi những vấn đề phù phiếm...

Thật sai khác thay, Thế Tôn an trú các nhàn tịnh xứ, núi rừng tịch mịch, xa vắng ít tiếng động, có gió đồng thổi, lánh xa mắt người đời, thích hợp cho sự tĩnh tu”. Vua Pasenadi nước Kosala chứng kiến các buổi thuyết pháp của Thế Tôn có hàng trăm người dự. Nếu có người ho lên một vị ngồi bên trên khẽ đập vào đầu gối và nói: "Tôn giả hãy im lặng, Tôn giả chớ có làm ồn, Thế Tôn bậc Đạo sư của chúng ta đang thuyết pháp”. Cả một hội chúng đông người, trân trọng im lặng lắng nghe lời giảng pháp của Thế Tôn, hình thành một bầu không khí học tập tuyệt diệu cho các Phật tử. Đức Phật khuyến khích các đệ tử xuất gia của Ngài sống đời sống ít dục, biết đủ. Ngài dạy các Tỳ kheo, như lý quán sát thọ dụng y phục, "chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; thọ dụng các món ăn khất thực, chỉ để thân này được sống lâu và để bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ cho Phạm hạnh; thọ dụng sàng tọa chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi muỗi, gió, sức nóng mặt trời... chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.... thọ dụng các dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác thống khổ đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn..." (Trung Bộ I, tr. 98). Chỉ với một nếp sống thiểu dục tri túc như vậy người hành giả mới sống một đời sống lành mạnh hướng thượng, đạt đến giác ngộ giải thoát.

Như vậy, đạo Phật tán dương một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với loài Người, tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường tu học lý tưởng cho người đời cũng như cho người xuất gia.

Phật tử chúng ta ngày nay hãy học theo nếp sống của đức Bổn Sư, hãy sống gần thiên nhiên, yêu thiên nhiên, gần cỏ cây hoa lá, thở hít khí trời trong sạch và nếu có thể thì sống xa lánh những nơi ồn ào, bụi bặm. Dù có phải sống giữa thành phố, như Thành phố Hồ Chí Minh này, nếu có chút đất gần nhà thì hãy trồng cây, tạo bóng mát. Hãy đưa thiên nhiên vào tận trong nhà, lên lầu với những giàn hoa, những cây cảnh. Đặc biệt là các chùa, Thiền viện, quý vị Hòa thượng, Thượng tọa hay Đại đức trụ trì, quý Sư bà, Ni cô hãy tạo mỗi cảnh chùa thành như một ốc đảo yên tịnh sạch sẽ, đầy hoa lá và gió mát trong cái thành phố ồn ào và đông dân này, làm như vậy, tức là truyền đạo và hành đạo, vì yên tĩnh ở ngoại cảnh dẫn tới yên tĩnh trong tâm hồn. Yên tĩnh trong tâm hồn là giải thoát, là tự do tự tại.

Tất cả vấn đề là chư Tăng Ni có ý thức đầy đủ, tạo ra cho mọi Phật tử một môi trường tốt nhất, có đạo vị nhất giúp cho sự tiến bộ trí tuệ và cuộc sống an lạc của mọi người đến chùa. Đó là sự hòa hợp tốt đẹp giữa môi trường thiên nhiên và môi trường nhân văn. Tất nhiên, cảnh chùa tọa lạc ở một nơi phong cảnh đẹp đẽ, thoáng mát, nhiều hoa lá đã là một ốc đảo thanh tịnh đối với những người thế tục rồi. Nhưng cảnh chùa đó lại thêm tiếng mõ nhịp đều, tiếng chuông ngân nga trầm bổng, tiếng tụng kinh, niệm Phật và nhất là sự hiện diện của chư Tăng Ni, nghiêm trang và giải thoát, đầy đủ uy nghi và đức hạnh, nói ra những lời lẽ đầy lòng từ bi và chói sáng trí tuệ. Chúng tôi tin rằng quý vị Tu sĩ trụ trì sinh hoạt ở các chùa và Thiền viện chúng ta có khả năng và ý thức tạo ra, sắp xếp được một môi trường có đầy giá trị trí tuệ như vậy.

Tiện đây, tôi xin phát biểu vài ý kiến về một vấn đề có quan hệ tới môi trường và cảnh trí của chùa chiền Phật giáo. Đó là vấn đề hái lộc vào dịp Tết Nguyên đán. Chữ Hán Ital là điều phúc, điều tốt lành, theo đạo Phật làm điều thiện, điều phải; ngày hôm nay thì sẽ hái lộc mai sau, tức là được quả báo tốt lành sau này. Hái Lộc không phải là, từng đoàn người, đoàn người đến chùa, hái trụi lá trong vườn chùa! Chúng tôi không rõ từ đâu, dựa vào kinh điển Phật giáo nào, mà người ta bày vẽ ra một nhận thức và tập quán sai lầm về hái lộc như vậy. Tôi đề nghị thay tập quán phá cây, phá vườn chùa trong dịp Tết bằng phong trào đem cây mới đến trồng ở vườn chùa gọi là trồng lộc. Có những cây có tên rất đạo vị như cây Phật thủ, Thất Phật, cây La-hán v.v... Các chùa nên ươm sẵn những loại cây có tên như thế, để vào dịp Tết, Phật tử có thể bỏ công đến trồng ở vườn chùa. Nếu Phật tử có vườn nhà, thì nên ươm sẵn những loại cây như vậy, rồi vào dịp thuận tiện đem đến trồng ở chùa. Chúng tôi không quên nhắc tới cây mít, thường được trồng nhiều ở các chùa Việt Nam và Trung Hoa. Cây mít, người Trung Quốc gọi là ba la mật, nguyên chữ Phạn là Paramita. Còn người Việt Nam chúng ta thì gọi là cây mít. Ở các chùa ngoài Bắc từ lâu có tập tục dùng gỗ mít làm mõ và các đồ dùng để thờ, xem gỗ mít như là gỗ thiêng vậy.

Quý vị Phật tử, không phải chỉ riêng trong những ngày Tết, suốt năm, vào những dịp thuận tiện hãy trồng lộc thay vì hái lộc, không phải chỉ trồng ở chùa mà trồng cả ở vườn nhà, không phải chỉ cây mít, cây Thất Phật, cây La-hán mà tất cả mọi thứ cây có thể trồng được. Bởi lẽ, ở đâu có cây thì ở đấy có bóng mát, có gió, có hoa, có chim muông, có sự sống.

Hôm nay là ngày lẽ Vu-lan, ngày lễ báo đáp Bốn trọng ân của người Phật tử, ngày Lễ báo hiếu đặc biệt của những con người có tâm hiếu đạo. hôm nay cũng là Tự tứ của chúng Tăng sau ba tháng an cư nhập hạ, được gọi là ngày Hoan hỷ của chư Thiên và loài Người, vì được chứng kiến ba tháng nhiệt tâm tinh cần tu học của chư Tăng, Ni. Đức Phật dạy báo ân và báo hiếu không có gì tốt đẹp hơn là giúp đỡ mọi người mọi loài được nghe lời Phật dạy, được thực hành điều lành điều thiện về thân về lời và về ý. Và muốn vậy, trước hết chúng ta hãy cùng nhau cố gắng xây dựng Thiền Viện Vạn Hạnh này thành một môi trường tốt đẹp cho chư Tăng và các Phật tử tu học. Một môi trường trong ấy các Phật tử có thể đến lễ Phật, tụng kinh, ngồi Thiền, nghe pháp, thọ Bát quan trai, dự các buổi thuyết giảng, xem các cuộc triển lãm, tham dự các buổi trình diễn văn nghệ, làm một số công tác cứu tế xã hội v.v ... một môi trường tu học thích hợp và đem lại lợi ích cho mọi người đến Thiền viện, không những vậy, những Phật tử tại gia về tại gia đình của mình cũng cố gắng xây dựng gia đình của mình thành một môi trường thích hợp, đúng với tinh thần đạo, xây dựng những môi trường riêng biệt như thế nào, chúng ta đem đạo Phật vào đời vào với gia đình chúng ta và giúp cho mọi người trong gia đình hưởng thọ những ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật. Làm được như vậy chúng tôi nghĩ rằng chúng ta dã đóng góp một phần vào trách nhiệm bảo vệ môi sinh. Đây cũng là một cử chỉ tốt đẹp, có nhiều ý nghĩa nhất để báo đáp bốn trọng ân, báo hiếu cha mẹ và bà con trong bảy đời, nhân dịp Vu lan về và ngày Tự tứ hoan hỷ.

(Bài giảng Đại lễ Vu-lan 2535-1991 tại Thiền Viện Vạn Hạnh)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

 

Chân thành cám ơn đạo hữu HTM đã gửi tặng bản vi tính và đạo hữu TĐH đã giúp dò soát.
(Bình Anson, 03-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-03-2004