Con
đường cũ xa xưa (Bát Chánh Ðạo) Phần 7Ðặc tánh của Con đường Ðến đây chúng ta đã tuần tự xem qua mỗi chi của Bát Chánh Ðạo. Tám chi của Bát Chánh Ðạo liên quan với nhau rất mật thiết và không thể phát triển riêng rẽ từng chi một cách khả quan. Trong khi hiểu biết chân chánh ta cũng suy tư chân chánh. Khi tư tưởng chân chánh tức nhiên lời nói, việc làm và lối sanh sống cũng chân chánh. Thân khẩu trong sạch giúp chú niệm dễ dàng. Khi quán niệm chân chánh hiểu biết và tư tương càng phát triển tốt đẹp hơn. Và cứ thế hành giả dần dần tiến bước trên con đường. Bát Chánh Ðạo không phải là tám con đường chánh, cũng không phải là con đường chia làm tám giai đoạn nối tiếp nhau từ xa đưa đến gần mục tiêu, mà giống như một sợi thừng do tám tao nhợ se lại. Người muốn nương nhờ dây thừng để leo lên cao, mỗi lần chỉ nắm chặt lấy một số tao nhợ. Khi bỏ tay kia lên lại nắm vào một số tao nhợ khác, cao hơn. Hành giả mỗi lần chỉ thực hành một số chi. Hiểu theo nghĩa cùng tột, mỗi chi của Bát Chánh Ðạo là một tâm sở. Một loại tâm vương tại thế chỉ bao gồm một số nhiều hay ít các tâm sở này. Chỉ đến khi chứng ngộ Thánh quả thì toàn thể tám tâm sở đồng phát sanh cùng một lúc trong loại tâm siêu thế. Ðứng về phương diện thực hành, tức xem như một phương pháp tu tập, Bát Chánh Ðạo có thể phân làm ba là: 1. Ba chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng đề cập đến những lời không nên nói, những việc không nên làm và những nghề không nên hành. Ðó là giới luật, nêu lên nhưng sai lầm nên tránh. Nên hiểu rằng đây chỉ là khía cạnh tiêu cực, những gì không nên làm. Tuy nhiên, giới luật trong Phật Giáo cũng bao hàm phần tích cực. Thí dụ như không nên nói dối, nói đâm thọc, nói thô, nói nhảm cũng hàm ý nên nói lời chân thật, nói lời đem lại hòa hợp, lời thanh tao nhã nhặn, lời hữu ích v.v... 2. Ba chi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh đề cập đến công phu thanh lọc tâm bằng pháp môn hành thiền, thiền vắng lặng và thiền minh sát. 3. Hai chi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, vừa là bảng chỉ đường đưa khách lữ hành vào đúng con đường chân chính lúc sơ khởi, vừa là đuốc tuệ soi sáng con đường theo từng bước một của hành giả, vừa là Ánh Ðạo Vàng, Ánh Sáng Chân Lý cùng tột, sau khi hành giả đã hoàn mãn trải qua suốt Con Ðường, là thành quả của công phu hoàn tất mỹ mãn cuộc hành trình. Ánh Sáng Trí Tuệ đến đâu thì đêm tối của Vô Minh lui dần đến đó. Mãi đến khi chỉ còn Chánh Kiến, và Vô Minh hoàn toàn tan biến. Như vậy ta có thể sắp xếp tám chi của Bát Chánh Ðạo vào ba nhóm như sau:
Giới-Ðịnh-Tuệ là Con Ðường Giải Thoát. Khi kể tám chi cuả Bát Chánh Ðạo thì Chánh Kiến và Chánh Tư Duy đứng đầu. Ðến lúc xem như một pháp tu tập thì ba phần của Bát Chánh Ðạo được kể theo thứ tự Giới, Ðịnh, Tuệ. "Tuệ" gồm Chánh Kiến và Chánh Tư Duy lại được kể sau cùng. Như vậy nhìn vào toàn diện, có phải đây là một lối trình bày thiếu nhất trí hay không? Không phải thiếu nhất trí mà hợp lý. Chánh Kiến ở mức sơ khởi, là hiểu đúng con đường. Như người kia lạc nẻo, bỡ ngỡ trước nhiều ngả đường vì không biết phải chọn ngã nào thì may thay, chợt thấy một tấm bảng chỉ đường bên cạnh một con đường mòn. Bảng chỉ đường là Chánh Kiến. Ở giai đoạn đầu tiên Chánh Kiến là ánh sáng rọi vào chánh đạo, là sự hiểu biết dẫn dắt hành giả sơ cơ vào con đường chánh, và người có Chánh Kiến là người đã nhận ra con đường. Chánh Kiến, sự hiểu biết chân chánh, hay khả năng phân biệt chánh tà, phải dẫn đầu, phải hướng đạo toàn thể các chi khác của con đường, vì Chánh Kiến giúp hành giả có sự hiểu biết về con đường, về khởi điểm và hướng đi của con đường, về những gì hành giả sẽ gặp dài theo con đường và về mức đến cuối cùng của con đường. Muốn thực hành Giáo Pháp mà không có Chánh Kiến cũng giống như người kia leo lên xe, mở máy cho xe chạy mà không biết đường đi vì chưa xem bản đồ, cũng không hỏi han ai trước. Người ấy sẽ gặp nguy cơ là sẽ không đi về hướng mà mình muốn đi. Chánh Kiến cho hành giả một ý niệm về con đường. Chánh Tư Duy đặt hành giả vào con đường và chỉ hướng đi cho hành giả. Tuy nhiên vai trò của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy không chấm dứt tại đó. Khi hành giả vững bước đi suốt con đường, từ Giới, Ðịnh đến Tuệ thì giai đoạn Tuệ cuối cùng này là Chánh Kiến Chánh Tư Duy cao siêu, có hiệu năng đưa hành giả thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Phương pháp tu tập được trình bày theo thứ tự ba giai đoạn Giới, Ðịnh, Tuệ có thuận lý không? Ðể giải đáp thắc mắc này chúng ta hãy tìm hiểu mục tiêu cứu cánh của toàn thể Giáo Pháp, nói chung, và Bát Chánh Ðạo nói riêng là gì? Ðức Phật dạy rằng nước trong đại dương tuy mênh mông nhưng chỉ có một vị là vị mặn. Cùng thế ấy, giáo lý mà Như Lai truyền dạy tuy rộng rãi nhưng chỉ có một vị là vị giải thoát. Vậy mục tiêu của Giáo Pháp cũng như của Bát Chánh Ðạo là giải thoát, vượt ra khỏi mọi hình thức khổ đau của kiếp sinh tồn. Tại sao đau khổ ? -- Vì ái dục; và có ái dục là vì có vô minh. Vậy, muốn chấm dứt đau khổ phải phá tan vô minh. Vô minh là tối tăm, không thấy, không biết thực tứơng của sự vật. Trí tuệ là tri kiến, là ánh sáng, là thấy và hiểu biết sự vật, thấu triệt sự vật như thật sự sự vật là như vậy, là thấu đạt thực tướng của vạn pháp. Do đó, phương pháp tu tập của Phật Giáo là phát triển trí tuệ để đối trị, phá tan vô minh. Ðây là công trình dai dẳng và cần phải kiên trì cố gắng, liên tục tinh tấn. Tuy nhiên, khi ánh sáng trí tuệ được phát triển đến đâu thì đêm tối của vô minh bị đẩy lui đến đó, và chỉ dầu một tia nhỏ bé lu mờ của trí tuệ cũng cần phải được phát triển do tâm an trụ, vắng lặng, không phóng dật, không xao lãng. Muốn thành đạt trí tuệ phải có tâm định. Và muốn định tâm giới đức phải trang nghiêm. Một người tàn ác, gây tổn thương hay sát hại sanh linh, người trộm cắp, người tà dâm lăng loàn, người có lời nói giả dối, đâm thọc, thô lỗ, nhảm nhí, người có tật say sưa, tức nhiên không thể làm cho tâm an tĩnh. Tâm chao động không thể an trụ. Tâm không an trụ sẽ không định. Trí tuệ không thể phát sanh nếu tâm không định. Bước đầu tiên của phương pháp tu tập là Giới. Nhờ có giới đức làm nền tảng hành giả trau dồi tâm trí, tiến đến Ðịnh và dùng tâm định soi sáng sự vật, phát triển trí tuệ. Trí tuệ phá tan Vô Minh, không vô minh tức không ái dục, và không ái dục tức không đau khổ. Vì lẽ ấy, Giới-Ðịnh-Tuệ là con đường giải thoát, là phương cách cởi mở mọi trói buộc, tận diệt mọi ô nhiễm, mọi hoặc lậu để thoát ra khỏi khổ đau, phiền lụy. Pháp này có ai kinh nghiệm thực hành chưa, có công hiệu không, và có phải dành riêng cho một hạng người tốt số nào không? Trong lịch sử được ghi nhận, Ðức Phật là người đầu tiên khám phá và thực hành Bát Chánh Ðạo. Ngài sanh ra là một người và không bao giờ tự xưng là Thần Linh hay hiện thân của Thần Linh. Một ngày tươi đẹp kia, tại Boddh Gaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) Ngài tận diệt mọi ô nhiễm, chứng ngộ thực tướng của vạn pháp và thành đạt Ðạo quả Phật. Sau ngày thành đạo, trọn 45 năm trường Ngài đi từ làng này đến làng khác, từ tỉnh nọ đến tỉnh kia, trên những con đường lớn và các nẻo nhỏ, cùng khắp miền Bắc xứ Ấn Ðộ để mang lại cho nhân loại bức thông điệp hòa bình và phúc lợi và để truyền dạy Giáo lý cao siêu. Các môn đệ Ngài đã đến với Ngài từ mọi từng lớp xã hội, giầu sang quyền qúi cũng như nghèo nàn khốn khổ, học rộng hiểu nhiều cũng như tối tâm dốt nát, đạo đức thánh thiện cũng như tội lỗi hư hèn, cả nam lẫn nữ, từ lão đến ấu, tất cả đều được Ngài thâu nhận như nhau và nhiều vị, nhờ tinh tấn chuyên cần tu tập, đã thành đạt nhiều Ðạo Quả cao thượng. Bát Chánh Ðạo là con đường cũ xa xưa mà bao nhiêu vị Phật đã trải qua trong quá khứ. Trên con đường ấy bao nhiêu vị Ðộc Giác Phật và bao nhiêu vị A La Hán đã trải qua. Ðức Phật chỉ khám phá chứ không tạo nên con đường,
Bằng cách nào Bát Chánh Ðạo là Con đường Giải thoát? Bằng cách nào chúng sanh bị trói buộc vào những kiếp sống đau khổ trong vòng luân hồi? Nguồn gốc của mọi đau khổ là ái dục. Ái dục vì vô minh, ái dục nằm trong vô minh. Vì vô minh và ái dục chúng ta không thấy đúng sự thật. Vì không thấy đúng sự thật chúng ta tự đồng hóa mình với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, xem ngũ uẩn là "Ta" là "Của Ta". Với sự hiểu biết lầm lạc ấy chúng ta hành động, tức tạo nghiệp. Nghiệp quá khứ đưa đến quả hiện tại là thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ. Tùy thuộc nơi thọ ái phát sanh. Do ái thủ phát sanh, do thủ hữu phát sanh và do hữu có sanh, lão tử phát sanh. Vòng lẩn quẩn cứ thế trở đi trở lại, mãi mãi từ vô lượng kiếp. Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Trong ba đường lối ấy ý dẫn đầu, ý là chủ. Có ý nghĩ mới có việc làm và lời nói. Ý nghĩ phát sanh do lục căn tiếp xúc với lục trần và chịu ảnh hưởng của những khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp (anusaya). Khuynh hướng tâm tánh này nằm trên nền tảng vô minh. Như vậy trong tiến trình đưa đến hành động chúng ta thấy có ba tầng lớp:
Hãy lấy cây quẹt làm hình ảnh cụ thể. Trên đầu cây quẹt có chất diêm, chứa đựng tiềm năng phát hỏa. Nếu để cây quẹt nằm yên thì không có gì xảy ra. Nhưng diêm có thể phực cháy bất luận lúc nào khi có người cầm cây quẹt quẹt trên hộp diêm. Cũng giống như vậy, tiềm tàng sâu ẩn bên trong tâm tánh chúng ta có những năng lực ngủ ngầm như vô minh ái dục v.v... Những năng lực này ngủ ngầm, bất động nhưng có thể khởi phát trổi dậy bất cứ lúc nào hội đủ cơ duyên. Ðó là tầng lớp dưới đáy sâu. Khi lục căn tiếp xúc với lục trần tức có lục thức. Thí dụ mắt xúc với hình thể tức có sự thấy và từ đó phát sanh những tư tửơng. Bản chất của những tư tưởng này như thế nào tùy nơi khuynh hướng tâm tánh vốn sẵn ngủ ngầm trong luồng nghiệp mà ta mang theo từ các kiếp sống quá khứ. Như cùng trong một cảnh ngộ mà người bẩm tánh nóng thì giận dữ còn người tâm tánh từ ái nhu hòa thì có những tư tưởng dịu hiền. Cùng đứng trước một pho tượng Phật, người Phật tử thuần thành thì có những tư tưởng tôn kính, người thường, không phải Phật tử thì dửng dưng, còn người đã sẵn có ác cảm với Phật Giáo thì sanh tâm bất mãn. Dầu sao, ngày nào chưa chứng đắc Quả A La Hán thì tâm tánh vẫn còn nằm trong vô minh. Ðó là tầng lớp thứ nhì, có thể so sánh với ý tưởng muốn cầm cây quẹt. Cuối cùng, do sự thúc đẩy của những tư tưởng vừa phát sanh -- như những ý nghĩ thấm nhuần từ, bi, hỷ, xả hay những tư tưởng tham lam, sân hận hay ganh tỵ v.v... -- ta có những hành động thanh cao hiền đức hay hung ác bạo tàn. Hành động này cũng như ngọn lửa phực lên vì có người cầm quẹt quẹt vào hộp diêm. Người ấy sẽ dùng lửa để thắp đèn, nấu bếp hay thiêu dốt một vật gì. Ðây là tầng lớp hiển hiện ra ngoài, lớp trên nhất, ví như băng tuyết trên mặt biển, chì để lộ lên trên mặt nước một phần nhỏ. Phần lớn thì chìm đắm trong nước, ta không thấy. Giới luật kỷ cương có khả năng kiểm soát những việc làm và những lời nói, tầng lớp trên hết. Chánh Ngữ kiểm soát khẩu nghiệp. Chánh Nghiệp và Chánh Mạng kiểm soát thân nghiệp. Ðịnh thanh lọc tư tưởng, tầng lớp thứ nhì. Chánh Niệm, theo dõi và phát giác các pháp thiện hay bất thiện, chưa hoặc đã phát sanh, hay biết bạn hay thù, đã đến hoặc chưa đến. Chánh Tinh Tấn ngăn chặn và diệt trừ bất thiện pháp, đồng thời phát triển và củng cố các thiện pháp, tức ngăn chận quân thù chưa đến, diệt trừ quân thù đã đến, dồng thời đón mừng và cố giữ bạn lành. Chánh Ðịnh củng cố Chánh Niệm để phát huy trí tuệ. Tuệ diệt trừ những ô nhiễm tiềm tàng ngủ ngầm trong luồng nghiệp, tầng lớp cuối cùng dưới đáy sâu. Ánh Sáng của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy lấn dần bóng tối của Vô Minh cho đến ngày tuyệt đối chỉ còn hào quang rực rỡ của trí tuệ. Với trí tuệ siêu phàm hành giả đã chứng ngộ thực tứơng của vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã. Nhận thức chắc thật rằng không có cái gì có thể gọi là "Ta" và "Của Ta" tự nhiên hành giả không còn ái và do đó chấm dứt tiến trình sanh tử, thoát ra khỏi vòng luân hồi, thành tựu trạng thái Vô Sanh Bất Diệt, Tịch Tịnh Trường Cửu, Niết Bàn. Ðứng về phương diện Thanh Tịnh Ðạo, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng tạo nên Giới Tịnh, giai đoạn đầu tiên. Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh đưa đến Tâm Tịnh, giai đoạn thứ nhì. Cuối cùng, Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, làm cho Tri Kiến Thanh Tịnh, gồm Kiến Tịnh, Ðoạn Nghi Tịnh, Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh và Kiến Tịnh. Như vậy Bát Chánh Ðạo thanh lọc chúng sanh trên suốt bảy giai đoạn của Con Ðường Trong Sạch, Thanh Tịnh Ðạo. Bát Chánh Ðạo là Con Ðường dẫn chúng sanh từ bờ mê đến bến giác, từ Phàm đến Thánh, là Con Ðường Giải Thoát, Con Ðường đưa đến hoàn toàn Tự Do. Ðó là con đường lên từng bậc, tuy dài dẳng nhưng châu toàn. Trong Kinh Mahã Parinibãna ( Ðại Niết Bàn), để trả lời một câu hỏi của đạo sĩ du khất Subhadda, Ðức Thế Tôn dạy :
Vì là Con Ðường Duy Nhất (ekayana), Bát Chánh Ðạo cũng là Con Ðường Cũ Xa Xưa mà tất cả chư Phật và chưa vị A La Hán quá khứ đều phải trải qua. Bát Chánh Ðạo là con đường, Ðức Phật là người vạch ra con đường. Chư Tăng, những vị hội viên của Giáo Hội Tăng Già là những người rọi sáng và dẫn dắt ta noi theo con đường. Nhưng chính ta phải tự lực cố gắng. Chánh Tinh Tấn là yếu tố cực kỳ trọng yếu của con đường. Trong toàn thể Bát Chánh Ðạo không có lời dạy nào khuyên ta van vái nguyện cầu để giải thoát.
Minh hạnh Trước khi quyết định truyền bá Giáo Pháp Ðức Phật dùng huệ nhãn quan sát thế gian xem có ai lãnh hội được Lời Dạy của Ngài chăng. Bài kinh Ariyapariyesana Sutta của Bộ Trung A Hàm, Majjhima Nikãya, ghi lại như sau :
Theo sách Puggala Pannati, Chỉ Danh Những Cá Tính của Tạng Luận bài 160 và bài số 153 của Bộ Tăng Nhứt A Hàm, Anguttara Nikaya, của Tạng Kinh, trong số những người có duyên lành được gặp Phật Pháp (Buddha sasana) có bốn hạng như sau : 1- Ugghãtitannu, người thấu hiểu tức khắc, là người gặp được chính Ðức Phật và có đủ khả ngăn thành đạt Ðạo và Quả tức khắc, sau khi chỉ nghe qua một lời dạy vắn tắt và ranh mạch. Ðó là những búp sen đã vựơt ra khỏi bùn nhơ nước đục, là những búp sen trong trắng chỉ chờ tia nắng đầu tiên của buổi ban mai để nở tung ra một cách huy hoàng rực rỡ. 2- Vipancitannu, người thấu hiểu sau khi được nghe giải thích cặn kẽ, là người không có khả năng thành đạt Ðạo và quả tức khắc sau khi chỉ nghe suông một lời dạy vắn tắt và rành mạch nhưng, nếu được giải thích dông dài và cặn kẽ thì sẽ chứng ngộ Ðạo Quả. 3- Neyya, người cần phài được dắt dẫn, được chở đi v.v... hàm ý là người cần phải được dạy dỗ, là người không thể thành đạt Ðạo và Quả sau khi nghe bài kinh vắn tắt và rành mạch, hoặc sau khi được nghe giải thích dong dài và cặn kẽ, nhưng cần phải chăm chú nghiên cứu, cần mẫn học hỏi và tinh tấn thực hành Giáo Pháp trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm mới có thể thành công. Những người trong hạng Neyya này lại được chia nhỏ ra làm nhiều tiểu phân hạng, tùy theo thời gian cần thiết phải thực hành của mỗi người để đến mục tiêu. Và thời gian này dài hay ngắn lại tùy thuộc nơi vốn liếng Ba La Mật (Parami) đã được tích trữ của từng cá nhân và những ô nhiễm (kilesa) mà mỗi cá nhân cần phải gội rửa. Các tiểu phân hạng này bao gồm từ những cá nhân chỉ cần tận lực kiên trì tinh tấn trong bảy ngày đến những người phải cần đến ba mươi, hay sáu mươi năm mới đến mức. Trong phân hạng này lại có những trường hợp khác nhau. Thí dụ như người kia có đủ duyên lành và đủ tinh tấn để chứng ngộ Ðạo và Quả Tu Ðà Hoàn trong bảy ngày. Nếu người ấy tận lực cố gắng trong khi tuổi còn niên thiếu hoặc lúc trung niên thì sau khi đắc Quả Tu Ðà Hoàn còn thì giờ để cố gắng tiếp tục đến A La Hán Ðạo và A La Hán Quả. Nhưng nếu để đến tuổi già mới đắc quả Tu Ðà Hoàn thì lắm khi không còn đủ thì giờ để tiến đến tầng Thánh cùng tột trong kiếp sống hiện tiền. Lại nữa, người kia có đủ khả năng để thành đạt Ðạo Quả trong bảy ngày có nghĩa là người ấy phải hết sức nỗ lực trong bảy ngày để đến nơi. Nếu không tinh tấn đúng mức thì bảy ngày có thể trở thành bảy tháng, bảy năm hoặc lâu hơn nữa. Những vị này, nếu không thành đạt Thánh Quả trong thời kỳ của vị Phật hiện tại, phải chờ đến thời kỳ của một vị Phật tương lai, nếu có duyên lành gặp được, mới có cơ may giải thoát. Giữa thời kỳ của vị Phật hiện tại và thời kỳ của vị Phật tương lai có mọt khoảng thời gian trống, không có Phật Pháp, và trong suốt thời gian ấy không thể có giải thoát vì không có Giáo Pháp, tức không có Bát Chánh Ðạo. Bây giờ, vào thời kỳ của vị Phật tương lai chỉ có những vị đã được thọ ký -- niyata vyãkarana, những người đã được một vị Phật cho biết trứơc là sẽ đắc Ðạo Quả -- mới chắc chắn là gặp Phật Pháp. Còn những vị khác, mặc dầu đã tích trữ đầy đủ Ba La Mật và đã gội rửa mọi bợn nhơ trong tâm, có thể gặp, có thể không gặp được Phật Pháp để nương nhờ đó giải thoát ra khỏi vòng đau khổ của những kiếp sinh tồn triền miên liên tục. 4- Padaparama, là người mặc dầu đã gặp Phật Pháp và đã hết sức cố gắng học hỏi và thực hành Giáo Pháp nhưng không thể thành đạt Thánh Ðạo và Thánh Quả trong kiếp sống hiện tiền. Tất cả những gì mà vị này có thể làm được là tạo cho mình một đức tánh cao thượng và một năng lực tiềm tàng hữu dụng về sau. Ðó là những búp sen chưa sẵn sàng để nở trong ngày mai, khi mặt trời mọc. Họ là những ngó sen hoặc còn dưới sâu trong bùn non của vòng luân hồi, hoặc chưa lên khỏi mặt nước. Nhưng tất cả đều mang theo bên trong mình một tiềm năng để trở thành những đóa hoa tươi đẹp, màu sắc rực rỡ. Khả năng thành đạt Ðạo và Quả của chúng sanh khác nhau là vì trình độ " Minh" và "Hạnh" của mỗi cá nhân khác nhau. Minh (vijjã) là sáng suốt, thấu đạt thực chất của đời sống, là tuệ Minh Sát, có Tri Kiến của bậc Giác Ngộ, hay chứng ngộ Tứ Diệu Ðế. Minh cũng có nghĩa là thông suốt Thập Nhị Nhân Duyên, tức những yếu tố phát sanh do những yếu tố trứơc đó tạo duyên và trở lại làm duyên cho những yếu tố khác phát sanh. Và cứ thế mười hai yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau trong một vòng lẩn quẩn của những kiếp sống, sanh tử, tử sanh triền miên diễn tiến, gọi là vòng luân hồi. Do sự phá tan những bí ẩn của kiếp nhân sinh bằng cách thấu hiểu trọn vẹn và đầy đủ mối liên quan giữa mưới hai yếu tố trên, bậc Thánh Nhân cũng đập vỡ tung cái kính ảo kiến mà từ vô lượng kiếp xuyên qua đó ta thấy giả ngỡ là thật, thấy vô thừơng là vĩnh cửu trừơng tồn, xem đau khổ là hạnh phúc và cái vô ngã là linh hồn trừơng cửu và tin có một Thần Linh Tạo Hóa trong khi chỉ có sự phát sanh của những yếu tố tùy thuộc và những yếu tố trứơc đó. Hạnh (carana) là đức dộ của người luôn luôn trau giồi tâm tánh để ngày càng trở nên trong sạch và cao thượng. Cái gì làm cho tâm ta nhơ bẩn và kéo ta xuống? Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) dạy rằng nguồn cội của tất cả những tánh hư tật xấu là tham, sân, si. Ngưười Phật Tử thuần thành phải là một chiến si can đảm và bất khuất. Họ chiến đấu. Nhưng không phải bằng cách thả bom, nhả đạn. Họ giết chóc. Nhưng không giết đàn ông, đàn bà, trẻ con vô tội. "Họ chiến đấu chống chính họ, bởi vì con người là kẻ thù tệ hại nhất của con người. Tâm là địch thủ độc hiểm nhất mà cũng là người bạn tốt nhất. Không chút xót thương người Phật Tử tàn sát và tận diệt những khát vọng tham ái, sân hận và si mê trong tâm họ". Và võ khí của họ là Giới, Ðịnh, Tuệ. Giới làm cho việc làm và lời nói trong sạch. Ðịnh thanh lọc tư tương, Tuệ tận diệt những ô nhiễm (kilesa) và những lậu hoặc (asava) ẩn tiềm ngủ ngầm trong luồng nghiệp từ vô lượng kiếp. Giới và Ðịnh trau dồi Hạnh. Tuệ phát triển Minh. Ðối với con người, minh như cặp mắt sáng, hạnh như tay chân. So với loài chim, minh như đôi mắt, hạnh như cặp cánh. Hạnh mà không minh như người tay chân liền lạc mà mù cả hai mắt. Minh mà không hạnh như người mắt sáng mà chân tay qùe quặt. Có đủ minh và hạnh cũng như người đầy đủ tay chân và có cặp mắt sáng. Một trong những phẩm hạnh của Ðức Phật là Minh Hạnh Túc, đầy đủ minh hạnh. Thiếu cả minh lẫn hạnh như người vừa mù mắt vừa thiếu tay chân và do đó không trọn vẹn là con người. Trong số những người sống trong thời kỳ còn Phật Pháp (Buddha-sàsana), tức thời kỳ còn giáo lý của một vị Phật đang được lưu truyền, có người cố gắng thực hành giới và định, tức trau giồi hạnh, nhưng không tích trữ đủ hột giống trí tuệ, tức minh, như hiểu biết sâu sắc bản chất của đời sống. Nhờ hạnh cao, người này có nhiều cơ may được gặp Phật Pháp trong thời kỳ của vị Phật vị lai, kế sau Ðức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, vì thiếu hột giống minh, dầu có gặp Phật hay Phật Pháp, không thể chứng đắc Thánh Quả. Bao nhiêu người, bao nhiêu chúng sanh đã có duyên lành được sanh vào thời Ðức Phật còn tại tiền. Hơn nưã bao nhiêu người bao nhiêu chúng sanh được sống dưới chân Ðức Phật, chẳng hạn như những vị Tỳ Khưu, những thân bằng quyến thuộc của Bồ Tát, những vua chúa thời bấy giờ và bao nhiêu người khác, đã được nghe chính bản thân Ðức Phật dạy -- có người cũng cố gắng thực hành Giáo Pháp -- nhưng vì không tích trữ đủ mầm giống minh nên không thành tựu được Thánh Quả. Mặc dầu vậy, nhờ sự cố gắng này, các vị ấy sẽ thành công trong một kiếp sống tương lai. Có người khác, đủ minh nhưng thiếu hạnh. Nếu được gặp một vị Phật và được nghe Giáo Pháp ắt có thể chứng đắc Thánh Quả vì có đầy đủ minh. Nhưng vì thiếu hạnh, người này có rất ít cơ may được gặp Giáo Pháp của một vị Phật. Trong hiện tại -- và trong thời gian dài dẵng giữa thời kỳ hai vị Phật -- vì không đức hạnh, người ấy không nghiêm túc trì giới, gây những nghiệp bất thiện, tạo cho mình một bản chất giống như bản chất của những chúng sanh trong bốn đường ác đạo và do đó, sau kiếp sống hiện tiền sẽ tái sanh vào bốn cảnh giới thấp kém ấy. Một khi đã lọt vào giữa đám những chúng sanh tội lỗi, tham lam, hung tợn dữ dằn ấy và phải tranh đấu để tồn tại, thật rất khó mà tự tạo một bẩm tánh thanh cao đạo đức hầu trồi lên trở lại những cảnh giới mà có thể hưởng được hương vị của Giáo Pháp. Trên đây là hai hạng người, hoặc không thể gặp Phật Pháp, hoặc có gặp cũng không thể trọn vẹn thừa hưởng hương vị. Bây giờ, trong số những người có tích trữ đầy đủ mầm giống minh và hạnh cũng có nhiều mức độ khác nhau. Có những hột giống trửơng thành đúng mức, sẵn sàng nở mộng và đâm chồi để mọc lên thành cây con. Có những hột khác, ở vào thời kỳ đang trửơng thành. Cũng có những hột hư thúi. Khi đọc tụng câu kinh, có người để hết tâm trí vào, thông suốt ý nghĩa và thực hành đúng Lời Dạy. Có người chăm chú ít hơn và ít cố gắng thực hành hơn. Cũng có người không hiểu gì hết mặc dầu miệng đọc những lời vàng ngọc của Giáo Pháp, tay vẫn lần chuỗi Bồ Ðề. Vì lẽ ấy chúng sanh trưởng thành có cao thấp khác nhau, giống như ngó sen trong đầm. Có ai biết rõ số lượng Ba La Mật mà mình đã tích trữ? Dầu sao quá khứ đã trôi qua. Ðiều tốt hơn hết và cũng rất cần thiết là nên tích trữ đồng đều Minh và Hạnh bằng cách thực hành đầy đủ Giới-Ðịnh-Tuệ. Người thiếu minh, kém sáng suốt mà giới hạnh trang nghiêm sẽ có cơ may gặp Phật Pháp và nhờ đó, phất triễn trí tuệ để rồi dần dần, sẽ có ngày thành công giải thoát. Lối sang Bờ Giác đã được rọi sáng. Chính tự mỗi người chúng ta phải đặt chân lên con đường và thận trọng tiến bước. Hãy lắng nghe lời khuyên của Ðại Ðức Kassapa: "Những bộ chân cừơng tráng dũng mãnh tiến bước trên con đường đầy gay go cam khổ, giữa đám giông tố bão lớn và trải qua bao nguy hiểm gian lao để lần hồi trèo lên đỉnh núi. "Người yếu sức nghiêng ngả bên này bên kia theo chiều gió, vẫn còn quanh quẩn dưới chân đồi và, vì qúa mệt mỏi, dừng bước lại nhiều lần để nghỉ. "Con Ðường Tám Chi ( Bát Chánh Ðạo) dẫn đến nơi an vui hạnh phúc cũng dường thế ấy. Người mạnh kẻ yếu, người cao thượng kẻ thấp hèn, chúng ta cùng nỗ lực lần hồi tiến bước trên con đường ấy. Có những bẩm tánh cương quyết, không ngại bão bùng giông tố. Cũng có những tâm hồn ươn hèn, mỏi mệt, dừng bước nghỉ chân bên đàng. "Tất cả chúng ta đều có đủ tiềm năng vượt qua cơn giông tố để rồi một ngày kia bước chân lên tận đỉnh núi cao, nơi tuyết phủ trắng trong, rực rỡ chói lọi trong ánh sáng mặt trời." [Hết] Trở về: [Mục lục] |
[Thư Mục chính] |
Last updated: 24-01-2001 |
Web master:
binh_anson@yahoo.com |