|
Người
Phật tử chân chánh
Phúc
Trung
I.-
Dẫn:
Khi người ta đi chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe chư Tăng, Ni
thuyết pháp, hay tự giới thiệu "Tôi là Phật
Tử", chúng ta biết những người ấy đều là Phật
Tử, nghĩa là con của Phật, nói khác hơn là họ đã tự
nguyện đi theo con đường của đức Phật, đáng cho chúng
ta quý trọng, bởi vì những người đó cùng chung lý tưởng
với chúng ta về tôn giáo, nhưng quý hơn hết phải là một
Phật Tử chân chánh.
II.-
Những đức tánh và bổn phận của người Phật tử chân
chánh:
Đạo Phật chẳng những là đạo từ bi mà còn
bình đẳng và tự do đối với hết thảy mọi chúng sanh,
cho nên Một Phật Tử Chân Chánh, nhất thiết đạo Phật không
đòi hỏi người ấy phải thực hành nhiều điều khó khăn,
nhưng những đòi hỏi phải có, chỉ cốt làm cho cá nhân người
ấy được thăng hoa, nói một cách khác là được tốt đẹp
hơn trong hiện tại, nhất là ở mai sau.
1) Những đức
tánh cần phải có:
A) Đức
tin: Người Phật Tử chân chánh trước tiên
phải tin rằng, đức Phật là một bậc Đại Giác Ngộ,
những điều Ngài giảng được ghi lại trong Kinh điển đều
là Chân lý, nhưng chúng ta nên nhớ sự tự do đầu tiên mà
đức Phật đã dạy chúng ta là: "Hiểu ta rồi hãy
tin ta, nếu tin ta mà chẳng hiểu ta, ấy là phỉ báng ta
vậy!"
Chúng ta tin rằng Đạo
Phật là con đường chấm dứt mọi khổ đau, làm cho chúng
ta an lạc trong hiện tại và giải thoát luân hồi trong tương
lai.
B) Giữ
giới: Trước khi đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài
dạy chư Tăng phải lấy giới luật làm Thầy, cho nên người
Phật Tử chân chánh nhứt thiết phải giữ Năm giới cho
được nghiêm mật, luôn luôn nhớ Giới là Thầy, Giới đứng
đầu Tam Học, có giữ Giới hạnh mới sanh Định, tâm có
định mới sanh ra Trí Huệ.
C) Tu học:
Một người Phật Tử nếu không chịu Học, Hỏi, Hiểu, Hành
thì sẽ rơi vào tà kiến, làm những điều sằng bậy như
những người bình thường khác. Trước tiên người Phật
Tử phải học hỏi, bằng cách nghe Thuyết pháp ở chùa hay
băng (tape) do quý Tăng, Ni giảng. Đọc kinh, sách, báo Phật
Giáo để hiểu những giáo lý đức Phật đã dạy. Nên thân
cận những bậc chân tu, những người thiện tri thức để
thấm nhuần học hạnh, gần gũi những bạn đạo đã tu
học nhiều năm, có đạo đức để học hỏi luận đàm cho
trí huệ mình được khai mở thêm.
Kế đến là phải
tu tập, công phu hằng ngày, tùy theo mình chọn lựa pháp môn
cho thích hợp với bản thân, hoặc ngồi Thiền, niệm
Phật, tụng kinh. Lúc mới đầu có nhiều khó khăn nhưng
phải cố gắng vượt qua, cần nhất là chuyên cần, ngày nào
cũng phải công phu, thời công phu luôn luôn đúng giờ. Để
tránh những khách khứa, giờ công phu tốt nhất là từ 5 đến
6 giờ sáng, sẽ không ai quấy rầy mình được cả, và là
lúc trời mát mẻ, không khí trong lành, yên tĩnh, giúp tâm
trí được an định và trong sáng, bắt đầu cho một ngày
mới.
Thứ nữa là tập
vun trồng lòng từ bi, nên cúng dường, nên bố thí; thứ
nhất tạo phước đức cho chúng ta, thứ hai là tập cho quen
tánh buông xả, để đến khi chết không tiếc thương, bận
bịu một cái gì, thanh thản ra đi, chỉ tưởng nhớ đến
Phật, nhờ đó Cận Tử Nghiệp (nghiệp lành dữ lúc gần
chết) sẽ giúp ta tái sinh về thiện giới.
2) Bổn phận
của người Phật Tử: Phật đã dạy, người Phật
Tử có Bốn Ân quan trọng, chúng ta có bổn phận phải làm
để báo đáp những ân đó: Ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân
quốc gia xã hội và ân Tam Bảo.
A) Ân cha
mẹ: Cha mẹ có những ân nghĩa đối với con cái,
người nào làm cha mẹ rồi mới thấy rõ thâm ân nầy:
a) Ân sinh sản:
Làm mẹ phải chín tháng cưu mang, ăn uống phải kiêng
cử, phải giữ gìn khi đi, đứng, ngủ, nghỉ cẩn thận lúc
thai mang. Khi sinh con biết bao nhiêu là nguy hiểm, có khi
phải bị mất mạng. Cha phải lo tão tần làm lụng vất
vả, để lo cho mẹ tròn con vuông.
b) Ân nuôi
nấng: Từ khi mới sanh ra cho đến lúc lớn khôn, cha
mẹ phải tão tần, vất vả để nuôi nấng con cái, lo cho
con đủ ăn, lo cho con mặc đủ ấm, lo cho con an giấc
ngủ. Mong cho con ăn ngon, chóng lớn; mua thứ nọ, tạo
thứ kia luôn luôn muốn làm cho con cái mình được vui
vẻ.
c) Ân thuốc
thang: Khi con đau ốm, cha mẹ phải lo săn sóc, chữa
trị cho con, lo đến nỗi quên ăn bỏ ngủ, cốt làm sao để
bảo vệ sức khỏe, thân mạng cho con cái của mình.
d) Ân dạy bảo:
Cha mẹ phải dạy bảo con cười vui, đi đứng, ăn uống,
học hành, lễ phép và xử thế ở đời, những việc đó
cốt tập cho con mình từng bước đi vững vàng khi còn
nhỏ, và khôn lớn bước vào cuộc đời, tự kiếm sống
nuôi thân, làm điều hữu ích cho xã hội.
B) Ân
Thầy Bạn: Ở đời người ta thường dùng
ngạn ngữ: " Không thầy đố mầy làm nên",
Thầy dạy dỗ, còn bạn bè thì chỉ dẫn thêm. Ân nầy
gồm có:
a) Mở rộng
kiến thức: Thầy dạy cho chúng ta biết đọc, biết
viết, biết ăn ở hiền lành phải đạo làm người,
biết những điều cần phải biết, cốt để làm cho mình
trở thành con người tốt, hữu dụng cho xã hội.
b) Khai sáng trí
thức: Chẳng những Thầy dạy cho ta hiểu biết mà
Thầy và Bạn còn dạy cho ta biết nhận xét, lý luận làm
cho trí hiểu biết của chúng ta đạt được sự thông
suốt, chính xác và đúng đắn.
c) Khuyến khích:
Nhờ có Thầy và Bạn luôn luôn khuyến khích, nhờ đó chúng
ta được an ủi khi buồn vui, chúng ta mạnh dạn tiến bước,
làm được những điều hay, lẻ phải cho bản thân và xã
hội.
C) Ân
Quốc Gia Xã Hội: Chúng ta sống trong một nước,
giữa xã hội loài người, đời sống chúng ta được yên
ổn, ấm no và hạnh phúc; quốc gia và xã hội đem lại
những điều ấy cho chúng ta, chúng ta đã thọ những ân nghĩa
như sau:
a) Trị an: Chính
phủ của quốc gia nào cũng lo trị an để bảo vệ chế
độ, nhưng nếu vì lợi ích nhân dân, thì phải lo cho nhân
dân yên ổn làm ăn, nhờ đó nhân dân được ấm no hạnh
phúc.
b) Giữ vẹn biên
cương, bảo toàn độc lập: Nhờ có quốc gia giữ gìn,
bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, đất, biển
cả và bảo toàn sự độc lập. Nếu không được vậy, lãnh
thổ bị nước ngoài xâm lấn, đất nước bị đô hộ
hay lệ thuộc nước ngoài. Một nước mất độc lập thì
dân chúng bị sưu cao, thuế nặng, làm lụng vất vả để
cung phụng tài sản cho nước ngoài. Nước mất độc
lập, nhân dân không còn được ấm no và hạnh phúc.
c) Sự ấm no
hạnh phúc: Một người chúng ta không thể nào làm đủ
những nhu yếu cho chính bản thân mình dùng, chẳng hạn
một người không thể làm nghề nông để có đủ thức
ăn, không thể làm nghề thợ dệt để có đủ quần áo,
chăn mền mặc khi ấm lạnh, không thể làm ra đủ thuốc
thang để trị bệnh khi đau yếu, không thể có đủ kiến
thức để bảo vệ sự sống với thiên nhiên, không thể
tự mình làm ra đủ tiện nghi khác để mình dùng. Xã
hội đã phân công cho mỗi người một nghề, làm một công
việc để sản xuất ra tất cả nhu yếu và phương tiện
cho con người dùng.
D) Ân Tam
Bảo: Đối với Phật-Pháp-Tăng người Phật
tử có những trọng ân như sau:
a) Ân Phật Bảo:
Vì sự khổ đau của chúng sanh, Thái Tử Tất Đạt Đa đã
đi tìm con đường giải thoát mọi ràng buộc khổ đau đó,
là Phật tử chúng ta phải nhớ đến ân đức của Ngài:
- Lìa bỏ ngôi báu,
gia đình: Ai đã làm được như Phật ? Ngài đã bỏ ngôi
báu Thái Tử của mình, bỏ cung vàng, điện ngọc, lìa xa
cha mẹ, vợ con để đi tìm con đường giải thoát mọi đau
khổ cho chúng sanh.
- Sáu năm khổ
hạnh nơi rừng già: Thái Tử Tất Đạt Đa đi tu trong sáu
năm cùng với nhóm ông Kiều Trần Như tu khổ hạnh, nhịn
đói, chịu rét trong chốn rừng già hiu quạnh.
- Thuyết pháp, giáo
hóa chúng sanh: Sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh cực đoan,
Ngài tham thiền và chứng đắc Phật quả, rồi đem chân lý
ra giảng dạy cho chúng sanh tu tập để giải thoát luân
hồi sanh tử. Nếu Ngài không giáo hóa làm gì chúng ta
biết được chân lý như ngày nay?
b) Ân Pháp Bảo:
Nhờ có kinh điển, ngày nay chúng ta mới biết giáo lý
của Đạo Phật, do đó Pháp Bảo có những ân:
- Chỉ đường
giải thoát: Nhờ có kinh điển, chúng ta hiểu được
cuộc đời là giả tạm, chịu nhiều khổ đau, phải tu
chứng đạt đến Niết Bàn để giải thoát mọi ràng
buộc khổ đau.
- Chỉ dạy phương
pháp tu học: Chẳng những Phật đã chỉ cho chúng ta thấy
sự đau khổ của cuộc đời, trong sinh tử luân hồi, kinh
điển còn ghi lại những phương pháp tu học để được
giải thoát.
- Tạo an lạc cho
ta, hòa bình cho thế giới: Phật dạy lánh ác làm thiện,
mọi người phải từ bi, nhân ái sống với nhau trong xã
hội, nhất là hàng ngày hàng giờ cho tận cùng hằng sát
na (một cái co tay và duỗi thẳng tay ra, có 60 sát na) giữ
cho tâm ta an lạc từng cá nhân, tất cả mọi người như
thế thì lo gì thế giới chẳng hòa bình.
c) Ân Tăng Bảo:
Tăng là những người đã lìa bỏ gia đình để tu giải
thoát cho mình và lo cứu giúp mọi chúng sanh, vì thế có
những ân:
- Duy trì chánh pháp:
Những vị Tăng giữ gìn giới luật, từ bi, bố thí
những điều đó làm cho giáo lý của Phật tồn tại ở
thế gian, nhờ đó chúng ta mới biết Đạo Phật, biết phương
pháp tu học giải thoát.
- Thay Phật hóa độ
chúng sanh: Tăng là những vị làm Sứ giả của Như Lai,
tức là thay Phật giáo hóa cho chúng sanh tu học.
- Truyền trao giới
pháp: Chúng ta muốn phát tâm cầu đạo, chúng ta phải quy
y Tam Bảo, chính vị Tăng đã thay Phật truyền trao Giới
luật và dạy cho chúng ta phương pháp tu học.
3) Phương
tiện đền trả bốn ân: Đối với bốn ân trọng
trên, người Phật tử phải đền đáp ân sâu ấy như sau:
A) Cách báo
ân cha mẹ:
- Hiếu hạnh: Luôn
luôn phải làm vui lòng cha mẹ. - Tuy nhiên những việc nào
không tốt thì nên tránh.
- Làm hiển danh cha
mẹ: Khi còn nhỏ cố gắng học hành đỗ đạt cao, để có
kiến thức trong nghề nghiệp, sẽ có những đóng góp
hữu ích cho Phật sự, tài bồi văn hóa, phụng sự xã
hội những công việc ấy cũng làm hiển danh cha mẹ như
người có chức trọng quyền cao. Tuy nhiên, chức trọng
quyền cao có khi chỉ là những cái danh hư ảo, giả tạm
của cuộc đời, chúng ta phải sáng suốt, tránh ham tranh
danh và đoạt lợi.
- Khuyến hóa cha
mẹ: Nếu cha mẹ còn sanh tiền, chưa thấm nhuần Đạo
Phật, chúng ta phải tìm cách cho cha mẹ đi chùa, niệm
Phật, làm thiện lánh ác.
- Cha mẹ đã qua đời:
Chúng ta phải thường xuyên hồi hướng công đức, cầu
nguyện cho cha mẹ sớm được sanh về cõi an lạc.
B) Cách báo
ân Thầy bạn:
- Siêng năng chăm
chỉ học hành: Chúng ta luôn luôn học hành chăm chỉ, sự
tiến bộ trong học tập làm cho Thầy bạn đều vui lòng.
- Cung kính lễ độ:
Đối với Thầy bạn chúng ta luôn luôn cung kính, vì Thầy
chẳng khác nào cha mẹ của chúng ta. Tục ngữ có câu:
"Mồng một ngày cha, mồng hai ngày mẹ, mồng ba ngày
thầy" (nghĩa là ngày Tết, mồng một đi lễ ở
họ Nội, mồng hai đi lễ ở họ Ngoại, mồng ba đi lễ
Thầy giáo), sự kính trọng Thầy ngày xưa có câu " Nhất
tự vi sư, bán tự vi sư " (Học với người một chữ
cũng là Thầy, thậm chí nửa chữ cũng là Thầy của mình).
- Thực hành lời
Thầy, bạn: Thầy ở đây là người đáng tôn kính, bạn
ở đây là bạn tốt, chỉ dạy cho ta điều hay, lẽ phải
do đó khi làm điều gì, ta phải làm những điều hay lẽ
phải như Thầy bạn đã chỉ dạy.
- Khuyến hóa Thầy
bạn: Nói chung là Phật tử chúng ta phải khuyến hóa
những người xung quanh, để cho họ làm lành lánh ác,
nhất là đời sống, lời nói, việc làm của ta phải làm
thế nào cảm hóa được họ, để họ làm theo, tức là
ta đã góp phần vào việc cải tạo xã hội, làm cho nó
trở nên tốt đẹp.
C) Cách báo
ân Quốc gia xã hội:
- Làm tròn bổn
phận công dân: Trước nhất phải giữ luật lệ của chánh
phủ, phải đóng góp vào việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh
thổ, sự độc lập của quốc gia, dân tộc, góp phần
bảo vệ các quyền lợi chánh đáng của người dân. Phát
huy kỷ nghệ, kinh doanh thương mại làm cho đất nước ngày
càng hưng thịnh.
- Phát huy văn hóa:
Người Phật tử cũng là công dân, có bổn phận phát huy
nền văn hóa dân tộc chúng ta, một dân tộc có trên 4 ngàn
năm lịch sử, chúng ta đáng tự hào về di sản văn hóa
ông cha ta để lại, cần phải gìn giữ và phát huy thêm.
- Bảo vệ truyền
thống dân tộc: Những truyền thống dân tộc chúng ta
chẳng hạn như tinh thần chống ngoại xâm của Hội Nghị
Diên Hồng, truyền thống độc lập dù chúng ta là giống
Bách Việt nhưng không bị đồng hóa và lệ thuộc nước
Tàu, dân tộc chúng ta luôn luôn biết thương yêu, đùm
bọc lẫn nhau. Những bài như "Nam quốc sơn hà Nam
đế cư " của Lý Thường Kiệt, "Bình Ngô
Đại Cáo" của Nguyễn Trãi là những Bản Tuyên Ngôn,
nêu cao truyền thống dân tộc chúng ta.
D) Cách báo
ân Tam bảo: Trong bốn ân, Tam bảo phải là ân sâu,
nghĩa trọng nhất, chúng ta phải báo ân nầy như sau:
- Ân Phật Bảo: Làm
theo lời Phật dạy, tưởng nhớ chư Phật, dâng hương
hoa, lễ bái, cúng dường để xây dựng chùa tháp thờ
Phật, làm cho nhiều người tin, theo Đạo Phật.
- Ân Pháp bảo:
Kinh ghi chép lời Phật dạy, thường xuyên đọc kinh điển
để mở mang trí tuệ, đóng góp tiền bạc để in kinh sách,
phổ biến giáo lý của đức Phật đến mọi người, để
cho nhiều người biết đến, tin theo và làm đúng lời
Phật dạy.
- Ân Tăng Bảo: Tăng,
Ni là những người thay mặt Phật giáo hóa chúng ta, chúng
ta có bổn phận phải tôn kính chư Tăng, như mẫu chuyện
đạo "Con Sư Tử trọng Pháp" , phải cúng dường
chư Tăng về bốn thứ (Tứ sự cúng dường): Y phục,
thức ăn, giường nằm (nơi ngủ nghỉ), thuốc thang. Ngày
nay, người ta cúng dường tiền bạc và những thứ khác
nhưng tốt nhất nên cúng dường những nhu yếu, cố tránh
những gì có thể làm tha hóa Tăng, Ni.
4.- Bổn phận
trong gia đình: Bổn phận trong gia đình có đối
với cha mẹ đã nói trong phần bốn ân ở trên, ngoài ra còn
đối với người bạn đời (chồng hay vợ) và con cái.
A) Đối
với người bạn đời: Là người ở bên cạnh
ta, chia sẽ cùng ta những vui buồn, sang hèn, ta phải chăm lo
cho người bạn đời của mình từ vật chất đến tinh
thần, nhất là phải cùng nhau sách tấn tu học, cả chồng
lẫn vợ cùng nhau tu học sẽ rất dễ dàng tinh tấn.
B) Đối
với con cái: Cha mẹ luôn luôn có bổn phận chăm
lo cho dưỡng dục con cái, chẳng những lo chúng ăn no, mặc
ấm mà cha mẹ nào cũng muốn cho con mình ăn ngon, mặc đẹp,
lo cho con học hành thành tài để có một nghề sống ở đời
hay có danh phận với xã hội, tất cả những cái đó là
những thứ thường tình của thế gian. Chúng ta có bổn
phận thiêng liêng hơn, phải dẫn dắt con cái mình bước vào
con đường Đạo, chẳng những nó hữu ích cho hiện tại mà
còn hữu ích cho tương lai. Làm cha mẹ, chúng ta nên chăm sóc,
khuyến khích con cái mình như sau:
- Lúc chúng còn
nhỏ: Trẻ con từ 3 đến 12 tuổi, mỗi lần đi chùa, chúng
ta nên dẫn chúng theo, đến chùa tập cho chúng biết quỳ,
biết lạy, biết dâng hương hoa, tỏ lòng cung kính đức
Phật. Có người nói một cách dí dỏm rằng: Ngày nay tôi
đi chùa bởi vì hồi còn nhỏ, tôi theo cha mẹ đến chùa
ăn kiểm hay chè xôi. Nếu có Gia Đình Phật Tử nên cho chúng
đi sinh hoạt với đoàn thể nầy.
- Lúc đã lớn:
Chừng 13 tuổi trở đi cho đến tuổi đôi mươi, là tuổi
đang tìm hiểu, học hỏi. Chúng ta nên khuyến khích con cái
đi chùa, tìm những sách báo Phật Giáo cho chúng đọc, để
chúng được thấm nhuần giáo lý đạo Phật.
III.
- Kết luận:
Đức Phật đã dạy Tăng, Ni là những vị có trách nhiệm
duy trì chánh pháp; còn cư sĩ là những người có trách
nhiệm hộ trì chánh pháp, cho nên mỗi Phật tử chúng ta
phải làm tròn trách nhiệm của mình, muốn vậy chúng ta
phải hiểu thế nào là người Phật tử chân chánh và ta làm
tròn bổn phận của người Phật tử chân chánh của chúng
ta đối với Đạo pháp. Đừng quên chúng ta có bổn phận:
Phải xây dựng gia đình mình, và góp phần vào việc cải
tạo xã hội trở nên Chân, Thiện, Mỹ theo tinh thần Phật
Giáo.
Phúc
Trung
Louisville, USA
24-12-1996
Sách tham khảo:
Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Đức
Tâm (1951). "Phật Pháp". Sài Gòn. |