- 13 -

Kinh Hạnh Phúc
Mangala Sutta
 

 

 

 

 

Tóm Tắt

Kệ

Điềm lành

1 (1) Không gần kẻ ngu si. (2) Thân cận người hiền trí. (3) Cúng dường bậc xứng đáng
2 (4) Ở trú xứ thích hợp. (5) Quá khứ tạo nhân lành. (6) Hướng tâm theo lẽ chánh
3 (7) Học nhiều. (8) Nghề nghiệp giỏi. (9) Giới luật biết tu tập. (10) Có những lời khéo nói
4 (11) Hiếu dưỡng mẹ cha. (12) Biết nuôi nấng vợ con. (13) Việc làm không xung khắc
5 (14) Bố thí. (15) Đức hạnh đúng pháp. (16) Giúp đỡ họ hàng. (17) Hành xử không tỳ vết.
6 (18) Ghê sợ điều ác. (19) Tránh làm điều ác. (20) Không nghiện ngập. (21) Tinh tấn hành thiện pháp.
7 (22) Sống lễ độ. (23) Biết khiêm cung. (24) Sống tri túc. (25) Biết tri ân. (26) Đúng thời, nghe giảng Pháp
8 (27) Kham nhẫn. (28) Biết phục thiện. (29) Thường đến gặp các Sa-môn. (30) Ðúng thời, đàm luận Pháp
9 (31) Tự chế. (32) Sống phạm hạnh thanh cao. (33) Thấy chân lý nhiệm mầu. (34) Thực chứng quả Niết Bàn
10 (35) Tâm không động. (36) Tâm không sầu não. (37) Tâm không tham dục. (38) Sống an nhiên
11 Kết luận: Đi đến đâu, ở bất cứ nơi nào, không bao giờ suy thoái, lúc nào cũng sống an vui tự tại.

 

 

Tỳ khưu Khantipalo giải thích tu tập theo tiến trình tuần tự:

1. Sửa soạn:

A. Tạo dựng nền móng bằng các phương cách:

i) Thân cận các người thích hợp: (1), (2), (3)
ii) Có nơi ở thích hợp: (4)
iii) Được phước từ kiếp trước: (5)

B. Kế hoạch tốt: (6)
C. Huân tập tốt: (7), (8), (9), (10)

2. Cách sống trong đời:

A. Trách nhiệm căn bản: (11), (12) 13)
B. Trách nhiệm xã hội: (14), 15), (16), (17)
C. Tự bảo hộ: (18), (19), (20)
D. Bảo tồn phát triển: (21)
E. Trưởng dưỡng các phẩm hạnh: (22), (23), (24), (25), (26)

3. Phát triển tâm linh:

A. Điều kiện cơ bản: (27), (28)
B. Tiếp cận đời sống xuất ly: (29), (30)
C. Thực hiện đường tu: (31), (32), (33), (34)
D. Kết quả: (35), (36), (37), (38)

4. Kết luận:

Đỉnh cao của con đường: Tâm bất động trước các pháp thế gian, sống với hạnh phúc tuyệt đối.

 

 

Giới thiệu Kinh Điềm lành
(Mangala Sutta)

Bình Anson

-ooOoo-

Evam me sutam:
Ekam samayam Bhagavā
Sāvatthiyam viharati Jetavane
Anāthapindikassa ārāme.
Tôi được nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn
Gần nơi thành Xá vệ,
Tại Kỳ viên tinh xá
Của ngài Cấp-Cô-Độc.

Atha kho aññatarā devatā
abhikkantāya rattiyā
abhikkantavannā
kevalakappam Jetavanam obhāsetvā
yena Bhagavā tenupasankami
upasankamitvā
Bhagavantam abhivādetvā
ekamantam atthāsi.
Vào hạ tuần canh đêm,
Vị thiên tử hiện ra,
Với hào quang rực rỡ,
Chiếu sáng cả Kỳ viên,
Đến nơi Đức Phật ngự,
Đảnh lễ Đức Thế Tôn,
Rồi đứng sang một bên.

Ekamantam thitā kho sā devatā
Bhagavantam gāthāya ajjabhāsi:
Sau khi đã đứng yên,
Vị ấy bạch Thế Tôn,
Bằng lời kệ như sau:

Bahū devā manussā ca,
Mangalāni acintayum,
Ākankhamānā sotthānam,
Brūhi mangalam uttamam.
Chư thiên nhân thao thức,
Muốn biết về điềm lành,
Ðể sống đời an lạc,
Xin Thế Tôn chỉ dạy.

Đức Phật trả lời:

Asevanā ca bālānam,
Panditānañca sevanā,
Pūjā ca pūjanīyānam,
Etam mangalam uttamam.
Không gần kẻ ngu si,
Thân cận người hiền trí,
Cúng dường bậc xứng đáng,
Là điềm lành tối thượng

Đầu tiên là 3 điềm lành: tránh xa kẻ ngu (bāla, fool, ignorant), thân cận người hiền trí, thiện tri thức (pandita), cúng dường (pūjā) những bậc xứng đáng để được cúng dường. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Người ngu ở đây là người không biết phân biệt thiện ác và có khuynh hướng theo các điều xấu ác. Bậc trí hiền là những người có đạo đức, tinh cần học và hành trong giáo pháp. Tôn kính và dâng tặng phẩm vật đến các bậc tôn túc, phẩm hạnh thanh cao là một điều quý nên làm.

Patirūpadesavāso ca,
Pubbe ca katapuññatā,
Attasammāpanidhi ca,
Etam mangalam uttamam.
Ở trú xứ thích hợp,
Quá khứ tạo nhân lành,
Hướng tâm theo lẽ chánh,
Là điềm lành tối thượng

Có 3 điềm lành:

- Trú xứ (desa) thích hợp (patirūpa) là những nơi có môi trường văn hóa xã hội tốt cho sự tu tập. Ở bầu thì dài, ở ống thì tròn. Chúng ta thường bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội. Ở những nơi chỉ chuộng hình thức hào nhoáng bên ngoài, hưởng thụ vật chất, chạy theo nhu cầu dục lạc, lễ nghi rườm rà, chuộng các lời hoa mỹ rỗng tuếch thì cũng khó tu tập.

- Nếu trong quá khứ của đời này, hay trong các đời trước, đã tạo các công đức (katapuññatā), nay, quả phước lành sẽ được gặt hái trong hiện tại. Đây là một điềm lành. Bằng không, hãy nỗ lực làm việc thiện, để tạo nhân lành cho tương lai.

- Một điềm lành khác là tâm ta có định hướng chân chánh, đúng đắn (sammāpanidhi), hiệp theo lẽ đạo. Đây là điều quan trọng, phải có tác ý đúng.

Bāhu-saccañca sippañca,
Vinayo ca susikkhito,
Subhāsitā ca yā vācā,
Etam mangalam uttamam.
Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Giới luật biết tu tập,
Có những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành ở đây: được học và có nhiều hiểu biết (bāhu-saccam) , có nghề nghiệp tốt (sippam), biết hành trì các nguyên tắc giới luật đạo đức (vinayo), và biết dùng ngôn từ hòa ái, chân thật.

Mātāpitu upatthānam,
Puttadārassa sangaho,
Anākulā ca kammatā,
Etam mangalam uttamam.
Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Biết nuôi nấng vợ con.
Việc làm không xung khắc,
Là điềm lành tối thượng

Có 3 điềm lành: phụng dưỡng cha mẹ (mātāpitu), nuôi nấng gia đình (puttadārassa), có công việc làm không gây xung đột (anākulā) với người khác.

Dānañca dhammacariyā ca,
Ñātakānañca sangaho,
Anavajjāni kammāni,
Etam mangalam uttamam.
Bố thí, hành đúng pháp,
Giúp quyến thuộc họ hàng,
Hành xử không tỳ vết,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: có lòng bố thí rộng rãi (dānā), có phẩm hạnh trong sạch theo giáo pháp (dhammacariyā), biết giúp đỡ bà con họ hàng (ñātakā), có những hành động giao tiếp trong sạch, không bị chê trách (anavajjā).

Āratī viratī pāpā,
Majjapānā ca saññamo,
Appamādo ca dhammesu,
Etam mangalam uttamam.
Ghê sợ, tránh điều ác
Không nghiện ngập rượu chè,
Tinh tấn hành thiện pháp,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: biết ghê sợ (āratī) tội lỗi, biết tránh xa (viratī) tội lỗi (viratī pāpā), không rượu chè say sưa làm u mê (majjapānā), tinh tấn (appamādo) làm các điều lành, thiện pháp (dhammesu).

Gāravo ca nivāto ca,
Santutthī ca kataññutā,
Kālena dhammassavanam,
Etam mangalam uttamam.
Sống lễ độ, khiêm cung,
Tri túc và tri ân,
Đúng thời, nghe giảng Pháp,
Là điềm lành tối thượng.

Có 5 điềm lành: thái độ lễ phép có văn hóa (gāravo), tính khiêm hạ (nivāto), biết sống đủ, tri túc (santutthī), biết nhớ ơn, tri ân (kataññutā), và biết đến nghe Pháp (dhammassavanam) đúng thời, đúng lúc (kālena).

Khantī ca sovacassatā,
Samanānañca dassanam,
Kālena dhammasākacchā,
Etam mangalam uttamam.
Kham nhẫn, biết phục thiện,
Thường đến gặp Sa-môn,
Ðúng thời, đàm luận Pháp,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: biết kiên nhẫn (khantī) và chịu đựng, biết phục thiện dễ dạy (sovacassatā), thường thân cận các bậc tu hành (samana), và đàm luận, trao đổi học Pháp (dhammasākacchā).

Tapo ca brahmacariyañca,
Ariyasaccāna dassanam,
Nibbāna sacchikiriyā ca,
Etam mangalam uttamam.
Tự chế, sống phạm hạnh,
Thấy chân lý nhiệm mầu.
Thực chứng quả Niết Bàn
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: sống tinh cần tự chế (tapo), sống đời sống phạm hạnh (brahmacariya), thẩm thấu chân lý nhiệm mầu (ariyasaccā) – tức là tứ thánh đế, thực chứng Niết bàn (nibbāna sacchikiriyā).

Phutthassa lokadhammehi,
Cittam yassa na kampati,
Asokam virajam khemam,
Etam mangalam uttamam.
Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
An nhiên, không uế não,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: Tâm bất động, không lay chuyển khi bị gió đời hay pháp thế gian (lokadhamma) – khen chê, được mất, vinh nhục, buồn vui – thổi đến. Ba điềm lành khác: không còn sầu não (asoka), sống an nhiên (khema), không còn uế nhiễm (virajam).

Etādisāni katvāna,
Sabbatthamaparājitā,
Sabbattha sotthim gacchanti,
Tantesam mangalam uttaman’ti.
Ai sống được như thế,
Đến đâu không thối thất,
Đến đâu cũng an toàn,
Những điềm lành tối thượng.

Được như thế là đã nhập dòng thánh giải thoát. Khi ấy, cho dù sống trong dòng đời, đi đến đâu cũng không bao giờ bị tham sân si đánh bại (sabbattha aparājitā), đi đến đâu cũng bình an tự tại, an toàn (sabbattha sotthim gacchanti). Đó là điềm lành cao quý nhất.

*

Trong 11 câu kệ trên, Đức Phật đã đưa ra một bản hướng dẫn tổng quát cho người cư sĩ Phật tử, như là một cẩm nang tu học. Đầu tiên, người ấy phải biết tránh xa người ngu ác, chỉ biết chạy theo cám dỗ của ngũ dục. Phải biết thân cận bậc thiện tri thức để học hỏi, phải biết cung kính bậc tôn kính. Người ấy phải biết chọn nơi thích hợp để sinh sống, và biết tạo nhân lành để có phước báu tương lai. Phải biết hướng tâm theo đường chánh, học rộng và có tay nghề giỏi, có việc làm không gây tranh chấp, xung đột với người khác.

Trong gia đình, người ấy phải biết phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng vợ con, giúp đỡ quyến thuộc. Người ấy phải có lòng bố thí rộng rãi, tinh tấn giữ giới, không nghiện ngập say sưa, biết ghê sợ và tránh xa các điều tội lỗi. Người ấy có những hành động thiện lành, không bị chê cười, có những lời nói khéo léo, hòa ái.

Trong tiến trình tu học, người ấy phải biết lễ độ, khiêm tốn, không cống cao ngã mạn. Phải biết sống tri túc và lúc nào cũng có lòng biết ơn những người đã giúp, đã chỉ dạy mình. Người ấy phải sẵn sàng nghe và sửa đổi tâm tánh mình. Lúc nào cũng tinh tấn học và hành theo giáo pháp, gần gũi các bậc tu hành có đức hạnh cao quý.

Sống tự chế, tỉnh giác, có giới đức tốt, người ấy nổ lực để thấu đạt và thực chứng chân lý nhiệm mầu – tức là Tứ Diệu Đế, để nhập dòng thánh giải thoát, chứng đắc Niết bàn. Nếu được như thế, người ấy sống an nhiên tự tại, không xao động bởi các pháp thế gian. Đi đến đâu cũng an vui, ở nơi nào cũng không bao giờ bị tham sân si áp chế. Đó là phước lành cao thượng nhất trên đời.

Theo lời ngài Hòa thượng Narada trong quyển "Đức Phật và Phật Pháp":

Bài kinh nổi tiếng nầy, thường được trì tụng trong các nước Phật Giáo, là một bài tóm tắt minh bạch và đầy đủ các điều luân lý của đạo Phật, cho cá nhân và xã hội. Ba mươi tám điều phước đức trong bài đó là một hướng dẫn thiết yếu cho đường đời. Bắt đầu là "lánh xa kẻ xấu ác" vốn căn bản cho các tiến bộ luân lý và tâm linh, những điều Phước Ðức đưa đến thành tựu một tâm ý vô tham, vô úy an nhiên. Hành trì theo các lời dạy trong bài kệ là một con đường chắc chắn đưa đến đời sống hài hòa và tiến bộ của cá nhân cũng như của xã hội, quốc gia, và nhân loại.

Bình Anson
Perth, Tây Úc
tháng 10-2010

*

 

 

CẦU AN THEO TINH THẦN KINH PHƯỚC ĐỨC

Quảng Tánh

Mahamangala Sutta thuộc Sutta Nipata II, Tiểu Bộ kinh I, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch là Kinh Phước Đức, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là Kinh Ðiềm Lành Lớn (Kinh Ðại Hạnh Phúc), một bản kinh cầu phước đức rất nhiệm mầu, hiệu ứng an lành đích thực cho những ai tụng đọc, thực hành và ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Vào các ngày đầu xuân, những người con Phật lên chùa dâng hương cầu nguyện, mong ước một năm mới bình an, thịnh vượng. Bên cạnh việc lễ bái, cầu nguyện, cúng dường v.v..., nếu người nào hữu duyên được đọc tụng và hành trì theo kinh Phước Đức thì chắc chắn sẽ gặt hái được phước báo vạn sự cát tường như ý.

Bản kinh Phước Đức ngắn gọn, súc tích, nghĩa lý rõ ràng có thể đưa vào kinh Nhật tụng để mọi người đọc tụng mỗi ngày. Duyên khởi để Thế Tôn ban pháp thoại này phát xuất từ lời thỉnh cầu của một vị Trời mong muốn biết và thực hành gieo trồng phước đức nhằm xây dựng đời sống an lành. Chư thiên là loài được xem là có phước đức hơn hết so với các loài trong lục đạo mà còn thỉnh ý Thế Tôn nói về phước đức để kiện toàn phước báo cho tự thân, huống gì loài người, và nhất là Phật tử chúng ta.

* * *

Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất.

Theo Thế Tôn, phước đức lớn nhất, trước tiên là phát huy tuệ giác, thành tựu chánh kiến. Một trong những biểu hiện của chánh tri kiến là thấy rõ thiện và ác cùng với gốc rễ của nó (Kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I). Thấy rõ điều ác và người ác để tránh xa, đồng thời thấy rõ điều thiện và người hiền để thân gần, tôn kính các cá nhân đức hạnh, bậc mô phạm về đạo đức trong xã hội… chính là những nhân tố cực kỳ quan trọng để thành tựu phước đức. Đặc biệt, sự "tôn kính bậc đáng kính" vô cùng cần thiết cho việc thành tựu phước đức của cá nhân và cả quốc gia, xã hội. Bậc đáng kính là người có tài đức, bậc hiền tài, là nguyên khí của quốc gia. Thiếu trân quý, không trọng dụng hiền tài hoặc đặt để không đúng người, đúng việc, làm lãng phí tài và đức là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho phước đức của quốc gia suy giảm.

Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn môi trường sống và làm việc cho chính mình. Tất nhiên, thực tế thì ít khi toàn diện, được cái này thì mất cái kia, song điều cần tỉnh giác ở đây là những thuận lợi về phương diện vật chất không phải lúc nào cũng cần thiết để cho chúng ta nhắm mắt và sẵn sàng đánh đổi. Cần bình tâm để nhận diện rằng được sống, làm việc, học tập và phụng sự trong môi trường lành mạnh sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách cao thượng. Nhờ sống trong môi trường đạo đức và trí tuệ, xung quanh hầu hết là người tốt nên ta dần trở nên chín chắn, hiền thiện và an lành hơn.

Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.

Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Có chuyên môn cao ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều hữu dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho tự thân, gia đình và xã hội. Có tài năng nhưng phải được đạo đức định hướng và dẫn dắt thì mới xứng hiền tài. Tài mà không hiền thì vẫn vô phước vô phần, đôi khi trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu họ cậy tài để làm ác. Mặt khác, người có tài thì không nên tự cao, quát nạt, giấu nghề mà ngược lại, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dìu dắt và đào tạo thế hệ kế thừa với tất cả lòng thành, khiêm tốn và yêu thương. Được như vậy, xã hội ngày càng trở nên hoàn thiện, đất nước ngày càng phát triển ổn định hơn. Do đó mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ phải lập chí học hành để có một nghề nghiệp chân chính, có trình độ chuyên môn và thu nhập cao, phục vụ nhiều hơn cho cộng đồng. Đó chính là một trong những phương diện của phước đức.

Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất.

Những ai từng vì cuộc mưu sinh mà phải xa cha mẹ và người thân, sống nhờ nương nơi đất khách quê người, nhất là phải làm công việc nghịch tay trái nghề, mới thấm thía về sự thiếu phước. Ấy vậy mà có khá nhiều người đang nắm giữ phước đức trong tay nhưng lại không tự biết, thậm chí còn rúng rẫy xem thường khi đang có một công việc yêu thích ở gần nhà cùng với cha mẹ và những người thân. Cho nên, khi còn duyên lành sống với cha mẹ, anh em trong gia đình thì phải hiếu thuận hết lòng, có việc làm thích hợp (dù thu nhập không cao) cũng nên tận tâm vì đó là những chất liệu hình thành nên nguồn vui sống. Chính niềm hòa hiếu an vui của chúng ta, điều mà không thể đem các giá trị khác như danh tiếng, giàu sang để có thể hoán đổi, nên mới gọi là phước đức lớn nhất.

Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tì vết
Là phước đức lớn nhất.

Một người làm ăn lương thiện, tạo dựng cơ nghiệp từ bàn tay và khối óc của chính mình chính là phước đức lớn nhất. Càng phước đức hơn khi cuộc sống của bản thân đã tạm ổn, người ấy biết phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ người thân và sẻ chia với mọi người xung quanh, nhất là những người đang thực sự thiếu thốn. Sống trung thực, ngay thẳng, nhìn về quá khứ không có bất cứ điều gì phải dằn vặt, bận lòng. Tâm hồn trong sáng, hành xử đúng với ta mà cũng phải với người cùng với niềm kính trọng, yêu thương là nền tảng của bình an. Thiết lập được bình an là thành tựu phước đức.

Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhất.

Phước đức hình thành và tăng trưởng nhanh nhất khi chúng ta biết siêng năng làm các điều lành. Một người khi phát nguyện làm các điều lành thì đồng nghĩa với không làm các điều ác. Điều lành luôn mang các thuộc tính có lợi ích cho mình và người, tạo ra hiệu ứng an lành trong hiện tại và tương lai. Một điều rất thú vị ở đây là để tạo phước đức cho bản thân bằng cách làm các hạnh lành thì tuyệt nhiên không dính vào say và nghiện. Vì không nhiều người chú ý đến khía cạnh này nên chủ quan không cảnh giác rồi đánh mất mình khi lỡ sa vào say và nghiện. Nói cách khác, say sưa và nghiện ngập là hai yếu tố quan trọng khiến tổn giảm phước đức nhanh chóng. Do vậy, muốn tạo dựng và giữ gìn phước đức của bản thân thì hãy luôn tỉnh táo, làm chủ được mình.

Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhất.

Thành tựu phước đức rất khó, nhưng khi có chút phước rồi mà người hưởng phước biết khiêm cung, lễ độ với mọi người đồng thời luôn biết vừa đủ và tri ân lại càng khó hơn. Cái sự đời "giàu đổi bạn, sang đổi vợ" xưa nay không phải là chuyện hiếm. Có phước mà không biết gìn giữ và vun bồi nên chắc chắn sau một thời gian phước đức sẽ suy giảm. Với những người khi đã có cái ăn, cái mặc và chỗ ở rồi thì điều quan trọng không phải là cố gắng làm cho vinh thân phì gia thêm để thụ hưởng mà chính là vấn đề tu dưỡng phát huy đạo đức, an tịnh và thăng hoa tâm hồn. Những ai làm được như vậy thì phước đức ngày càng tăng thêm.

Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất.

Đi chùa, làm việc thiện, đi nghe pháp thoại, học đạo, tham thiền v.v… chính là những việc làm cao thượng, mang lại phước đức to lớn. Có nhiều vấn đề mà tiền bạc không mua được, danh vọng không đánh đổi được và uy quyền không lung lạc được… và chỉ có học đạo, tham thiền mới có thể giải quyết rốt ráo, mang lại niềm an ổn cho con người. Xưa kia thái tử Siddhartha và sau là vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên rừng tu đạo chính là đi tìm sự an tâm. Khi tâm đã an thì muôn sự đều bình an. Và chỉ có chuyên tâm học đạo mới có thể thành tựu phước đức to lớn này.

Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết-bàn
Là phước đức lớn nhất.

Trong quá trình hướng nội, thanh lọc thân tâm thì chứng đạt Niết-bàn là phước đức lớn nhất. Sự siêng năng chuyên cần tu tập, duy trì sự tỉnh thức thường trực là những nhân tố quan trọng để thành tựu đạo quả. Niết-bàn là sự giải thoát khỏi tất cả những ràng buộc phiền não, là ánh sáng phá tan u ám của bóng tối si mê, là sự chấm dứt khổ đau luân hồi sanh tử. "Việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống" rồi, hành giả thong dong tự tại làm đẹp cho đời.

Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên,
Là phước đức lớn nhất.

Với tâm giải thoát tự tại, hành giả an nhiên bất động trước vô vàn biến động, tự tại vào ra trong sanh tử để cứu độ chúng sanh, làm đẹp cuộc đời như sở hành của vị Bồ-tát, đây không chỉ là phước đức cho một người mà tất cả cộng đồng, nhân loại.

* * *

Thật rõ ràng, xuyên suốt nội dung bản kinh Thế Tôn dạy về "làm" phước mà không hề có chuyện "xin" phước. Nên trong đạo Phật có chủ trương cầu nguyện mà tuyệt không có cầu xin. Vì Phật không trực tiếp ban phước cho ta an lành mà chỉ dạy phương cách rồi chúng ta phải tự thực tập, hành trì để tạo ra phước đức và được bình an.

Mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức tự thân, được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý theo hướng thiện lành. Do đó, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây. l

Quảng Tánh
(Báo Giác Ngộ, Xuân Tân Mão-2001)

 

[ Home ]

28-10-2012

DLPP - Bai 13 - Kinh Hanh Phuc, Mangala Sutta

- 13 -

Kinh Hạnh Phúc
Mangala Sutta
 

 

 

 

 

Tóm Tắt

Kệ

Điềm lành

1 (1) Không gần kẻ ngu si. (2) Thân cận người hiền trí. (3) Cúng dường bậc xứng đáng
2 (4) Ở trú xứ thích hợp. (5) Quá khứ tạo nhân lành. (6) Hướng tâm theo lẽ chánh
3 (7) Học nhiều. (8) Nghề nghiệp giỏi. (9) Giới luật biết tu tập. (10) Có những lời khéo nói
4 (11) Hiếu dưỡng mẹ cha. (12) Biết nuôi nấng vợ con. (13) Việc làm không xung khắc
5 (14) Bố thí. (15) Đức hạnh đúng pháp. (16) Giúp đỡ họ hàng. (17) Hành xử không tỳ vết.
6 (18) Ghê sợ điều ác. (19) Tránh làm điều ác. (20) Không nghiện ngập. (21) Tinh tấn hành thiện pháp.
7 (22) Sống lễ độ. (23) Biết khiêm cung. (24) Sống tri túc. (25) Biết tri ân. (26) Đúng thời, nghe giảng Pháp
8 (27) Kham nhẫn. (28) Biết phục thiện. (29) Thường đến gặp các Sa-môn. (30) Ðúng thời, đàm luận Pháp
9 (31) Tự chế. (32) Sống phạm hạnh thanh cao. (33) Thấy chân lý nhiệm mầu. (34) Thực chứng quả Niết Bàn
10 (35) Tâm không động. (36) Tâm không sầu não. (37) Tâm không tham dục. (38) Sống an nhiên
11 Kết luận: Đi đến đâu, ở bất cứ nơi nào, không bao giờ suy thoái, lúc nào cũng sống an vui tự tại.

 

 

Tỳ khưu Khantipalo giải thích tu tập theo tiến trình tuần tự:

1. Sửa soạn:

A. Tạo dựng nền móng bằng các phương cách:

i) Thân cận các người thích hợp: (1), (2), (3)
ii) Có nơi ở thích hợp: (4)
iii) Được phước từ kiếp trước: (5)

B. Kế hoạch tốt: (6)
C. Huân tập tốt: (7), (8), (9), (10)

2. Cách sống trong đời:

A. Trách nhiệm căn bản: (11), (12) 13)
B. Trách nhiệm xã hội: (14), 15), (16), (17)
C. Tự bảo hộ: (18), (19), (20)
D. Bảo tồn phát triển: (21)
E. Trưởng dưỡng các phẩm hạnh: (22), (23), (24), (25), (26)

3. Phát triển tâm linh:

A. Điều kiện cơ bản: (27), (28)
B. Tiếp cận đời sống xuất ly: (29), (30)
C. Thực hiện đường tu: (31), (32), (33), (34)
D. Kết quả: (35), (36), (37), (38)

4. Kết luận:

Đỉnh cao của con đường: Tâm bất động trước các pháp thế gian, sống với hạnh phúc tuyệt đối.

 

 

Giới thiệu Kinh Điềm lành
(Mangala Sutta)

Bình Anson

-ooOoo-

Evam me sutam:
Ekam samayam Bhagavā
Sāvatthiyam viharati Jetavane
Anāthapindikassa ārāme.
Tôi được nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn
Gần nơi thành Xá vệ,
Tại Kỳ viên tinh xá
Của ngài Cấp-Cô-Độc.

Atha kho aññatarā devatā
abhikkantāya rattiyā
abhikkantavannā
kevalakappam Jetavanam obhāsetvā
yena Bhagavā tenupasankami
upasankamitvā
Bhagavantam abhivādetvā
ekamantam atthāsi.
Vào hạ tuần canh đêm,
Vị thiên tử hiện ra,
Với hào quang rực rỡ,
Chiếu sáng cả Kỳ viên,
Đến nơi Đức Phật ngự,
Đảnh lễ Đức Thế Tôn,
Rồi đứng sang một bên.

Ekamantam thitā kho sā devatā
Bhagavantam gāthāya ajjabhāsi:
Sau khi đã đứng yên,
Vị ấy bạch Thế Tôn,
Bằng lời kệ như sau:

Bahū devā manussā ca,
Mangalāni acintayum,
Ākankhamānā sotthānam,
Brūhi mangalam uttamam.
Chư thiên nhân thao thức,
Muốn biết về điềm lành,
Ðể sống đời an lạc,
Xin Thế Tôn chỉ dạy.

Đức Phật trả lời:

Asevanā ca bālānam,
Panditānañca sevanā,
Pūjā ca pūjanīyānam,
Etam mangalam uttamam.
Không gần kẻ ngu si,
Thân cận người hiền trí,
Cúng dường bậc xứng đáng,
Là điềm lành tối thượng

Đầu tiên là 3 điềm lành: tránh xa kẻ ngu (bāla, fool, ignorant), thân cận người hiền trí, thiện tri thức (pandita), cúng dường (pūjā) những bậc xứng đáng để được cúng dường. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Người ngu ở đây là người không biết phân biệt thiện ác và có khuynh hướng theo các điều xấu ác. Bậc trí hiền là những người có đạo đức, tinh cần học và hành trong giáo pháp. Tôn kính và dâng tặng phẩm vật đến các bậc tôn túc, phẩm hạnh thanh cao là một điều quý nên làm.

Patirūpadesavāso ca,
Pubbe ca katapuññatā,
Attasammāpanidhi ca,
Etam mangalam uttamam.
Ở trú xứ thích hợp,
Quá khứ tạo nhân lành,
Hướng tâm theo lẽ chánh,
Là điềm lành tối thượng

Có 3 điềm lành:

- Trú xứ (desa) thích hợp (patirūpa) là những nơi có môi trường văn hóa xã hội tốt cho sự tu tập. Ở bầu thì dài, ở ống thì tròn. Chúng ta thường bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội. Ở những nơi chỉ chuộng hình thức hào nhoáng bên ngoài, hưởng thụ vật chất, chạy theo nhu cầu dục lạc, lễ nghi rườm rà, chuộng các lời hoa mỹ rỗng tuếch thì cũng khó tu tập.

- Nếu trong quá khứ của đời này, hay trong các đời trước, đã tạo các công đức (katapuññatā), nay, quả phước lành sẽ được gặt hái trong hiện tại. Đây là một điềm lành. Bằng không, hãy nỗ lực làm việc thiện, để tạo nhân lành cho tương lai.

- Một điềm lành khác là tâm ta có định hướng chân chánh, đúng đắn (sammāpanidhi), hiệp theo lẽ đạo. Đây là điều quan trọng, phải có tác ý đúng.

Bāhu-saccañca sippañca,
Vinayo ca susikkhito,
Subhāsitā ca yā vācā,
Etam mangalam uttamam.
Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Giới luật biết tu tập,
Có những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành ở đây: được học và có nhiều hiểu biết (bāhu-saccam) , có nghề nghiệp tốt (sippam), biết hành trì các nguyên tắc giới luật đạo đức (vinayo), và biết dùng ngôn từ hòa ái, chân thật.

Mātāpitu upatthānam,
Puttadārassa sangaho,
Anākulā ca kammatā,
Etam mangalam uttamam.
Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Biết nuôi nấng vợ con.
Việc làm không xung khắc,
Là điềm lành tối thượng

Có 3 điềm lành: phụng dưỡng cha mẹ (mātāpitu), nuôi nấng gia đình (puttadārassa), có công việc làm không gây xung đột (anākulā) với người khác.

Dānañca dhammacariyā ca,
Ñātakānañca sangaho,
Anavajjāni kammāni,
Etam mangalam uttamam.
Bố thí, hành đúng pháp,
Giúp quyến thuộc họ hàng,
Hành xử không tỳ vết,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: có lòng bố thí rộng rãi (dānā), có phẩm hạnh trong sạch theo giáo pháp (dhammacariyā), biết giúp đỡ bà con họ hàng (ñātakā), có những hành động giao tiếp trong sạch, không bị chê trách (anavajjā).

Āratī viratī pāpā,
Majjapānā ca saññamo,
Appamādo ca dhammesu,
Etam mangalam uttamam.
Ghê sợ, tránh điều ác
Không nghiện ngập rượu chè,
Tinh tấn hành thiện pháp,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: biết ghê sợ (āratī) tội lỗi, biết tránh xa (viratī) tội lỗi (viratī pāpā), không rượu chè say sưa làm u mê (majjapānā), tinh tấn (appamādo) làm các điều lành, thiện pháp (dhammesu).

Gāravo ca nivāto ca,
Santutthī ca kataññutā,
Kālena dhammassavanam,
Etam mangalam uttamam.
Sống lễ độ, khiêm cung,
Tri túc và tri ân,
Đúng thời, nghe giảng Pháp,
Là điềm lành tối thượng.

Có 5 điềm lành: thái độ lễ phép có văn hóa (gāravo), tính khiêm hạ (nivāto), biết sống đủ, tri túc (santutthī), biết nhớ ơn, tri ân (kataññutā), và biết đến nghe Pháp (dhammassavanam) đúng thời, đúng lúc (kālena).

Khantī ca sovacassatā,
Samanānañca dassanam,
Kālena dhammasākacchā,
Etam mangalam uttamam.
Kham nhẫn, biết phục thiện,
Thường đến gặp Sa-môn,
Ðúng thời, đàm luận Pháp,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: biết kiên nhẫn (khantī) và chịu đựng, biết phục thiện dễ dạy (sovacassatā), thường thân cận các bậc tu hành (samana), và đàm luận, trao đổi học Pháp (dhammasākacchā).

Tapo ca brahmacariyañca,
Ariyasaccāna dassanam,
Nibbāna sacchikiriyā ca,
Etam mangalam uttamam.
Tự chế, sống phạm hạnh,
Thấy chân lý nhiệm mầu.
Thực chứng quả Niết Bàn
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: sống tinh cần tự chế (tapo), sống đời sống phạm hạnh (brahmacariya), thẩm thấu chân lý nhiệm mầu (ariyasaccā) – tức là tứ thánh đế, thực chứng Niết bàn (nibbāna sacchikiriyā).

Phutthassa lokadhammehi,
Cittam yassa na kampati,
Asokam virajam khemam,
Etam mangalam uttamam.
Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
An nhiên, không uế não,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: Tâm bất động, không lay chuyển khi bị gió đời hay pháp thế gian (lokadhamma) – khen chê, được mất, vinh nhục, buồn vui – thổi đến. Ba điềm lành khác: không còn sầu não (asoka), sống an nhiên (khema), không còn uế nhiễm (virajam).

Etādisāni katvāna,
Sabbatthamaparājitā,
Sabbattha sotthim gacchanti,
Tantesam mangalam uttaman’ti.
Ai sống được như thế,
Đến đâu không thối thất,
Đến đâu cũng an toàn,
Những điềm lành tối thượng.

Được như thế là đã nhập dòng thánh giải thoát. Khi ấy, cho dù sống trong dòng đời, đi đến đâu cũng không bao giờ bị tham sân si đánh bại (sabbattha aparājitā), đi đến đâu cũng bình an tự tại, an toàn (sabbattha sotthim gacchanti). Đó là điềm lành cao quý nhất.

*

Trong 11 câu kệ trên, Đức Phật đã đưa ra một bản hướng dẫn tổng quát cho người cư sĩ Phật tử, như là một cẩm nang tu học. Đầu tiên, người ấy phải biết tránh xa người ngu ác, chỉ biết chạy theo cám dỗ của ngũ dục. Phải biết thân cận bậc thiện tri thức để học hỏi, phải biết cung kính bậc tôn kính. Người ấy phải biết chọn nơi thích hợp để sinh sống, và biết tạo nhân lành để có phước báu tương lai. Phải biết hướng tâm theo đường chánh, học rộng và có tay nghề giỏi, có việc làm không gây tranh chấp, xung đột với người khác.

Trong gia đình, người ấy phải biết phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng vợ con, giúp đỡ quyến thuộc. Người ấy phải có lòng bố thí rộng rãi, tinh tấn giữ giới, không nghiện ngập say sưa, biết ghê sợ và tránh xa các điều tội lỗi. Người ấy có những hành động thiện lành, không bị chê cười, có những lời nói khéo léo, hòa ái.

Trong tiến trình tu học, người ấy phải biết lễ độ, khiêm tốn, không cống cao ngã mạn. Phải biết sống tri túc và lúc nào cũng có lòng biết ơn những người đã giúp, đã chỉ dạy mình. Người ấy phải sẵn sàng nghe và sửa đổi tâm tánh mình. Lúc nào cũng tinh tấn học và hành theo giáo pháp, gần gũi các bậc tu hành có đức hạnh cao quý.

Sống tự chế, tỉnh giác, có giới đức tốt, người ấy nổ lực để thấu đạt và thực chứng chân lý nhiệm mầu – tức là Tứ Diệu Đế, để nhập dòng thánh giải thoát, chứng đắc Niết bàn. Nếu được như thế, người ấy sống an nhiên tự tại, không xao động bởi các pháp thế gian. Đi đến đâu cũng an vui, ở nơi nào cũng không bao giờ bị tham sân si áp chế. Đó là phước lành cao thượng nhất trên đời.

Theo lời ngài Hòa thượng Narada trong quyển "Đức Phật và Phật Pháp":

Bài kinh nổi tiếng nầy, thường được trì tụng trong các nước Phật Giáo, là một bài tóm tắt minh bạch và đầy đủ các điều luân lý của đạo Phật, cho cá nhân và xã hội. Ba mươi tám điều phước đức trong bài đó là một hướng dẫn thiết yếu cho đường đời. Bắt đầu là "lánh xa kẻ xấu ác" vốn căn bản cho các tiến bộ luân lý và tâm linh, những điều Phước Ðức đưa đến thành tựu một tâm ý vô tham, vô úy an nhiên. Hành trì theo các lời dạy trong bài kệ là một con đường chắc chắn đưa đến đời sống hài hòa và tiến bộ của cá nhân cũng như của xã hội, quốc gia, và nhân loại.

Bình Anson
Perth, Tây Úc
tháng 10-2010

*

 

 

CẦU AN THEO TINH THẦN KINH PHƯỚC ĐỨC

Quảng Tánh

Mahamangala Sutta thuộc Sutta Nipata II, Tiểu Bộ kinh I, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch là Kinh Phước Đức, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là Kinh Ðiềm Lành Lớn (Kinh Ðại Hạnh Phúc), một bản kinh cầu phước đức rất nhiệm mầu, hiệu ứng an lành đích thực cho những ai tụng đọc, thực hành và ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Vào các ngày đầu xuân, những người con Phật lên chùa dâng hương cầu nguyện, mong ước một năm mới bình an, thịnh vượng. Bên cạnh việc lễ bái, cầu nguyện, cúng dường v.v..., nếu người nào hữu duyên được đọc tụng và hành trì theo kinh Phước Đức thì chắc chắn sẽ gặt hái được phước báo vạn sự cát tường như ý.

Bản kinh Phước Đức ngắn gọn, súc tích, nghĩa lý rõ ràng có thể đưa vào kinh Nhật tụng để mọi người đọc tụng mỗi ngày. Duyên khởi để Thế Tôn ban pháp thoại này phát xuất từ lời thỉnh cầu của một vị Trời mong muốn biết và thực hành gieo trồng phước đức nhằm xây dựng đời sống an lành. Chư thiên là loài được xem là có phước đức hơn hết so với các loài trong lục đạo mà còn thỉnh ý Thế Tôn nói về phước đức để kiện toàn phước báo cho tự thân, huống gì loài người, và nhất là Phật tử chúng ta.

* * *

Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất.

Theo Thế Tôn, phước đức lớn nhất, trước tiên là phát huy tuệ giác, thành tựu chánh kiến. Một trong những biểu hiện của chánh tri kiến là thấy rõ thiện và ác cùng với gốc rễ của nó (Kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I). Thấy rõ điều ác và người ác để tránh xa, đồng thời thấy rõ điều thiện và người hiền để thân gần, tôn kính các cá nhân đức hạnh, bậc mô phạm về đạo đức trong xã hội… chính là những nhân tố cực kỳ quan trọng để thành tựu phước đức. Đặc biệt, sự "tôn kính bậc đáng kính" vô cùng cần thiết cho việc thành tựu phước đức của cá nhân và cả quốc gia, xã hội. Bậc đáng kính là người có tài đức, bậc hiền tài, là nguyên khí của quốc gia. Thiếu trân quý, không trọng dụng hiền tài hoặc đặt để không đúng người, đúng việc, làm lãng phí tài và đức là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho phước đức của quốc gia suy giảm.

Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn môi trường sống và làm việc cho chính mình. Tất nhiên, thực tế thì ít khi toàn diện, được cái này thì mất cái kia, song điều cần tỉnh giác ở đây là những thuận lợi về phương diện vật chất không phải lúc nào cũng cần thiết để cho chúng ta nhắm mắt và sẵn sàng đánh đổi. Cần bình tâm để nhận diện rằng được sống, làm việc, học tập và phụng sự trong môi trường lành mạnh sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách cao thượng. Nhờ sống trong môi trường đạo đức và trí tuệ, xung quanh hầu hết là người tốt nên ta dần trở nên chín chắn, hiền thiện và an lành hơn.

Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.

Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Có chuyên môn cao ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều hữu dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho tự thân, gia đình và xã hội. Có tài năng nhưng phải được đạo đức định hướng và dẫn dắt thì mới xứng hiền tài. Tài mà không hiền thì vẫn vô phước vô phần, đôi khi trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu họ cậy tài để làm ác. Mặt khác, người có tài thì không nên tự cao, quát nạt, giấu nghề mà ngược lại, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dìu dắt và đào tạo thế hệ kế thừa với tất cả lòng thành, khiêm tốn và yêu thương. Được như vậy, xã hội ngày càng trở nên hoàn thiện, đất nước ngày càng phát triển ổn định hơn. Do đó mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ phải lập chí học hành để có một nghề nghiệp chân chính, có trình độ chuyên môn và thu nhập cao, phục vụ nhiều hơn cho cộng đồng. Đó chính là một trong những phương diện của phước đức.

Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất.

Những ai từng vì cuộc mưu sinh mà phải xa cha mẹ và người thân, sống nhờ nương nơi đất khách quê người, nhất là phải làm công việc nghịch tay trái nghề, mới thấm thía về sự thiếu phước. Ấy vậy mà có khá nhiều người đang nắm giữ phước đức trong tay nhưng lại không tự biết, thậm chí còn rúng rẫy xem thường khi đang có một công việc yêu thích ở gần nhà cùng với cha mẹ và những người thân. Cho nên, khi còn duyên lành sống với cha mẹ, anh em trong gia đình thì phải hiếu thuận hết lòng, có việc làm thích hợp (dù thu nhập không cao) cũng nên tận tâm vì đó là những chất liệu hình thành nên nguồn vui sống. Chính niềm hòa hiếu an vui của chúng ta, điều mà không thể đem các giá trị khác như danh tiếng, giàu sang để có thể hoán đổi, nên mới gọi là phước đức lớn nhất.

Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tì vết
Là phước đức lớn nhất.

Một người làm ăn lương thiện, tạo dựng cơ nghiệp từ bàn tay và khối óc của chính mình chính là phước đức lớn nhất. Càng phước đức hơn khi cuộc sống của bản thân đã tạm ổn, người ấy biết phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ người thân và sẻ chia với mọi người xung quanh, nhất là những người đang thực sự thiếu thốn. Sống trung thực, ngay thẳng, nhìn về quá khứ không có bất cứ điều gì phải dằn vặt, bận lòng. Tâm hồn trong sáng, hành xử đúng với ta mà cũng phải với người cùng với niềm kính trọng, yêu thương là nền tảng của bình an. Thiết lập được bình an là thành tựu phước đức.

Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhất.

Phước đức hình thành và tăng trưởng nhanh nhất khi chúng ta biết siêng năng làm các điều lành. Một người khi phát nguyện làm các điều lành thì đồng nghĩa với không làm các điều ác. Điều lành luôn mang các thuộc tính có lợi ích cho mình và người, tạo ra hiệu ứng an lành trong hiện tại và tương lai. Một điều rất thú vị ở đây là để tạo phước đức cho bản thân bằng cách làm các hạnh lành thì tuyệt nhiên không dính vào say và nghiện. Vì không nhiều người chú ý đến khía cạnh này nên chủ quan không cảnh giác rồi đánh mất mình khi lỡ sa vào say và nghiện. Nói cách khác, say sưa và nghiện ngập là hai yếu tố quan trọng khiến tổn giảm phước đức nhanh chóng. Do vậy, muốn tạo dựng và giữ gìn phước đức của bản thân thì hãy luôn tỉnh táo, làm chủ được mình.

Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhất.

Thành tựu phước đức rất khó, nhưng khi có chút phước rồi mà người hưởng phước biết khiêm cung, lễ độ với mọi người đồng thời luôn biết vừa đủ và tri ân lại càng khó hơn. Cái sự đời "giàu đổi bạn, sang đổi vợ" xưa nay không phải là chuyện hiếm. Có phước mà không biết gìn giữ và vun bồi nên chắc chắn sau một thời gian phước đức sẽ suy giảm. Với những người khi đã có cái ăn, cái mặc và chỗ ở rồi thì điều quan trọng không phải là cố gắng làm cho vinh thân phì gia thêm để thụ hưởng mà chính là vấn đề tu dưỡng phát huy đạo đức, an tịnh và thăng hoa tâm hồn. Những ai làm được như vậy thì phước đức ngày càng tăng thêm.

Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất.

Đi chùa, làm việc thiện, đi nghe pháp thoại, học đạo, tham thiền v.v… chính là những việc làm cao thượng, mang lại phước đức to lớn. Có nhiều vấn đề mà tiền bạc không mua được, danh vọng không đánh đổi được và uy quyền không lung lạc được… và chỉ có học đạo, tham thiền mới có thể giải quyết rốt ráo, mang lại niềm an ổn cho con người. Xưa kia thái tử Siddhartha và sau là vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên rừng tu đạo chính là đi tìm sự an tâm. Khi tâm đã an thì muôn sự đều bình an. Và chỉ có chuyên tâm học đạo mới có thể thành tựu phước đức to lớn này.

Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết-bàn
Là phước đức lớn nhất.

Trong quá trình hướng nội, thanh lọc thân tâm thì chứng đạt Niết-bàn là phước đức lớn nhất. Sự siêng năng chuyên cần tu tập, duy trì sự tỉnh thức thường trực là những nhân tố quan trọng để thành tựu đạo quả. Niết-bàn là sự giải thoát khỏi tất cả những ràng buộc phiền não, là ánh sáng phá tan u ám của bóng tối si mê, là sự chấm dứt khổ đau luân hồi sanh tử. "Việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống" rồi, hành giả thong dong tự tại làm đẹp cho đời.

Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên,
Là phước đức lớn nhất.

Với tâm giải thoát tự tại, hành giả an nhiên bất động trước vô vàn biến động, tự tại vào ra trong sanh tử để cứu độ chúng sanh, làm đẹp cuộc đời như sở hành của vị Bồ-tát, đây không chỉ là phước đức cho một người mà tất cả cộng đồng, nhân loại.

* * *

Thật rõ ràng, xuyên suốt nội dung bản kinh Thế Tôn dạy về "làm" phước mà không hề có chuyện "xin" phước. Nên trong đạo Phật có chủ trương cầu nguyện mà tuyệt không có cầu xin. Vì Phật không trực tiếp ban phước cho ta an lành mà chỉ dạy phương cách rồi chúng ta phải tự thực tập, hành trì để tạo ra phước đức và được bình an.

Mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức tự thân, được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý theo hướng thiện lành. Do đó, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây. l

Quảng Tánh
(Báo Giác Ngộ, Xuân Tân Mão-2001)

 

[ Home ]

28-10-2012