Tu học Phật pháp Phần 1: Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm Diệu Âm Trí Thành
Phẩm Quyết Chứng Quả Tối Cực viết: “Lại nữa A Nan, trong cõi Phật đó thảy đều không có ánh lửa bóng tối, mặt trời mặt trăng, tinh tú chiếu diệu, hiện tượng ngày đêm, cũng không có tên, tháng năm kiếp số, lại không chấp trụ vào các nhà cửa, đối tất cả nơi không có hình thức, không có danh hiệu, thủ xả phân biệt, chỉ thọ khoái lạc, thanh tịnh tối cực.”

Trước hết, kinh nói rõ về cảnh tướng vô phân biệt nơi cõi Cực Lạc. Kế đến kinh thuật rõ về tâm niệm không phân biệt của Bồ-tát trong cõi ấy. Cảnh và trí nhất như mới đúng thật là cảnh trí của Như Lai được nói trong kinh Kim Cang: “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”. Đây chính là điều kiện trọng yếu để chứng quả tối cực. Phẩm Lễ Phật Hiện Quang chép: “Bồ-tát Thanh văn, tất cả quang minh, thảy đều bị ẩn mờ, chỉ ánh sáng Phật, minh hiện chiếu diệu”.Nếu nói một cách dung hòa, tuy cõi ấy có mặt trời, mặt trăng và các tinh tú chiếu sáng, nhưng các ánh sáng ấy đều bị quang minh của Phật và thánh chúng che lấp, chẳng hiện ra được, nên cũng như chẳng có. Ngay cả quang minh của Bồ-tát còn bị phủ lấp bởi quang minh của Phật A Di Đà, huống là quang minh của ánh lửa, mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Nếu xét về mặt lý, cõi ấy phải không có mặt trời, mặt trăng mới hợp lẽ. Vì sao? Vì từ cõi trời Ðao Lợi trở lên đã không cần đến mặt trời, mặt trăng, huống là cõi Cực Lạc.

Khoa học cận đại đã thừa nhận thuyết của Einstein, một nhà Khoa học nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại, rằng: “Thời gian chỉ là do ảo giác của con người”. Thuyết này rất phù hợp với điều được nói trong kinh Phật. Trong thế gian này, địa cầu, mặt trăng, mặt trời và các hành tinh đều vận hành xoay chuyển, nên mới có các hiện tượng ngày đêm dần trôi. Thời gian sanh từ chuyển động, mà chuyển động lại phát sanh từ ý niệm. Cho nên, cái gốc sanh ra thời gian chính là ý niệm. Nói cách khác, do vọng niệm tiếp nối không gián đoạn nên mới có thời gian dần trôi ngừng nghĩ. Nếu không khởi sanh vọng niệm thì thời gian cũng chẳng có. Tâm địa của Thánh chúng nơi cõi Cực Lạc thanh tịnh bình đẳng, chẳng hề khởi vọng niệm, nên dẫu cho cõi ấy có mặt trời, mặt trăng và tinh tú đi nữa, chúng cũng đều ngừng giữa hư không, chẳng xoay chuyển vận hành, thì làm sao có thời gian, bốn mùa nóng lạnh và các hiện tượng ngày đêm sai khác. Do cõi ấy chẳng có thời gian biến đổi nên cũng có các tên tháng, năm, kiếp số.

Trong phẩm Thọ Dụng Ðầy Ðủ của kinh này đã nói rõ, cảnh giới của sáu trần nơi cõi Cực Lạc hết sức trang nghiêm đẹp đẽ, lại biết tùy thuận theo ý muốn của mỗi người mà tự nhiên biến hóa khôn lường, chẳng có gì là cố định, nhằm mục đích thuyết pháp độ sanh. Kinh đưa ra một tỷ dụ, nhà cửa nơi cõi Cực Lạc tùy theo ý muốn của người ở trong nhà mà hoặc trụ ở trên hư không, hoặc trụ ở trên mặt đất, hoặc vuông tròn, rộng hẹp, lớn nhỏ v.v... Câu “không chấp trụ vào các nhà cửa” có ẩn ý biểu diễn pháp lý gì? “Nhà cửa” tượng trưng cho ngã. “Không chấp trụ vào các nhà cửa” tượng trưng cho vô ngã. Hội chúng trong cõi Cực Lạc, do nghe toàn những âm thanh vô ngã, nên tâm họ thanh tịnh một cách tương ứng với điều được nghe, không có các phân biệt. Thật vậy, đã không có ngã thì làm sao có ý tưởng nhà cửa của mình! Vì vậy, đối với nhà cửa, người trong cõi ấy chẳng hề chấp trước. Hơn nữa, do nhân và ngã đều không, nên mọi thứ trong nước ấy cần gì đến hình thức và danh hiệu. Hình thức và danh hiệu là những biểu tượng nhằm để phân biệt một cá nhân, chẳng hạn như tên của một con đường, huy hiệu của một quốc gia v.v… Những thứ này đều dùng để phân biệt. Trong thế gian này, khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, liền khởi tâm động niệm, sanh ra các ý niệm phân biệt chấp trước, nên trí và cảnh chẳng nhất như. Cõi ấy thì khác hẵn, do cảnh giới của sáu trần trong cõi ấy đều diễn thuyết vi diệu pháp, nên trong tâm Thánh chúng chỉ có vô lượng hỷ lạc, thường sanh trí huệ tương ứng với Chân như Tự tánh, trụ Chánh Định Tụ, quyết định thành Chánh Giác. Diệu cảnh nơi cõi Cực Lạc nói trên nhằm biểu thị pháp lý: Do trí và tâm xa lìa tạo tác và phân biệt lấy bỏ, nên vĩnh viễn thanh tịnh bình đẳng. Tâm tịnh ắt quốc độ phải tịnh, tâm bình ắt quốc độ cũng phải bình, tâm lìa phân biệt nên cảnh cũng chẳng phân biệt, tức không có thời gian và các hiện tượng ngày đêm, cũng không có hình thức và danh hiệu. Vì tâm ấy và cảnh ấy vốn chẳng phân biệt, nên trí và cảnh nhất như, đoạn tuyệt các trần cấu, tạp nhiễm, nên kinh ghi: “Thủ xả phân biệt, chỉ thọ khoái lạc, thanh tịnh tối cực”.

Kinh chép tiếp: “Nếu có thiện nam, nếu có thiện nữ, đã sinh sẽ sinh, thảy đều được trú trong Chánh Ðịnh Tụ, quyết định chứng đặng, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tại vì sao thế? Nếu là tà định và Bất Định Tụ, chẳng thấu triệt đặng, nhân tối cực đó”. Ðoạn kinh văn này nói về quả thành tựu của Nguyện 29: Trụ Chánh Định Tụ và Nguyện 12: Quyết định thành Chánh Giác của Đức Di Ðà. Ðây là điều cốt lõi của toàn bộ bổn hoài của Phật Di Ðà, là thánh quả của vô lượng diệu hạnh, là trí lực phương tiện đạt đến mức cùng cực, là chỗ rốt ráo của đại nguyện độ sanh của A Di Đà Phật.

Câu kinh văn này nhắc đến ba thứ: Chánh Định Tụ, Tà Định Tụ và Bất Định Tụ. Tụ có nghĩa là giống nhau, cùng một loại. Hễ cùng một tâm, cùng một nguyện, tự nhiên sẽ tụ lập lại một chỗ, thì đấy là ý nghĩa của chữ “tụ”. Tuy ba tụ này được các kinh luận của cả Tiểu thừa lẫn Ðại Thừa đề cập đến, nhưng nội dung sai khác rất nhiều. Tiểu thừa coi từ sơ quả Tu Đà Hoàn trở lên thuộc về Chánh Định Tụ, những kẻ tạo ngũ vô gián nghiệp thuộc về Tà Định Tụ, còn lại những kẻ khác chẳng thuộc về hai tụ trên thuộc về Bất Định Tụ. Ðại Thừa lại hiểu tam tụ theo nhiều cách khác nhau, Đại thừa lấy việc quyết định nhập Niết-bàn, hoặc lấy địa vị từ Tam hiền (Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập-hồi-hướng) trở lên, hoặc địa vị từ Thập Ðịa (Thập-tín, Thập thánh) trở lên, hoặc dùng địa vị Ðại Quả Giác làm tiêu chuẩn phán định Chánh Định Tụ. Cũng có Đại thừa cho là địa vị Tam hiền hay địa vị Thập thánh là Bất Định Tụ. Theo quan điểm của Đại thừa, các địa vị dưới Thập thánh, tức từ Tiểu thừa Thanh văn trở xuống, vẫn thuộc Tà Định Tụ. Thế mà kinh này lại nói, hễ chúng sanh nào sanh về cõi Cực Lạc, dù là hạ phẩm hạ sanh cũng đều trụ trong Chánh Định Tụ. Đây thật là một cảnh giới rất đặc biệt độc nhất, chỉ riêng mình Tây Phương Cực Lạc Thế Giới mới có.

Các Ngài Tịnh Ảnh, Vọng Tây, Cảnh Hưng và Thiện Đạo Đại sư đều nói: “Hễ sanh về Tịnh độ thì chẳng luận là phàm hay thánh, đều quyết định hướng đến Niết-bàn, quyết định hướng đến thiện hạnh, quyết định sanh trong đường lành, quyết định hành lục độ, quyết định được giải thoát, nên cõi ấy chỉ có Chánh Định Tụ, không còn có hai thứ Tà định và Bất Định Tụ kia”. Sách Bình Giải dựa theo ý của Tổ Thiện Ðạo giải thích Chánh Định Tụ như sau: “Như Thích Ma-ha Diễn Luận giảng Chánh Định Tụ là từ Tam hiền, Thập Ðịa cho đến Phật quả. Chánh Định Tụ của Tịnh tông cũng giống như vậy. Dẫu hiện có các địa vị Tam hiền, Thập thánh v.v…, nhưng cuối cùng đều đạt đến Diệt Ðộ, chẳng qua là chỉ có một cõi Niết-bàn nhưng lại thị hiện sai biệt. Xét theo một pháp cú thì xét ngay nơi bản tướng, Thập Ðịa, Tam hiền chính là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân”. Thuyết của sách Bình Giải đã hiển thị sâu xa ý chỉ của kinh này, bởi vì Tây Phương Cực Lạc là Nhất Chân Pháp Giới, nên cảnh giới tướng và tâm niệm trong cõi ấy không hề có phân biệt. Trong cõi ấy, chủ là A Di Đà Phật lẫn bạn là Thánh chúng trong Tịnh độ đều là Ðại Thừa, đều trụ trong Chánh Định Tụ. Dẫu chư vị nơi cõi Cực Lạc thị hiện ở địa vị Thập Thánh, Tam hiền v.v…, nhưng về bản thể họ đều quyết định nhập Niết-bàn, nên ngay nơi tướng ấy chính là Pháp thân, vì thế kinh này mới nói: “Đều được trú trong Chánh Ðịnh Tụ, quyết định chứng đặng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã nói khẳng định bằng một câu thẳng thừng: “Đã sinh, sẽ sinh, thảy đều được trú trong Chánh Ðịnh Tụ”. Tất cả những người vãng sanh từ hạ phẩm hạ sanh cho đến thượng phẩm thượng sanh trong cõi ấy đều thuộc trong Chánh Định Tụ, quyết định thành Phật. Chẳng những người đã vãng sanh trụ trong Chánh Định Tụ, quyết chứng Vô Thượng Ðạo, mà hết thảy những người cầu vãng sanh Cực Lạc trong hiện tại hoặc trong tương lai chỉ cần phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm, thì đã tương ứng với bổn nguyện của Phật Di Ðà. Dẫu họ hiện đang ở trong uế độ, vẫn còn là phàm phu đầy dẫy nghiệp chướng, nhưng hễ vãng sanh liền trụ trong Chánh Định Tụ, quyết chứng Bồ-đề. Ðây thật là một điều siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn, là một phương tiện rốt ráo, dứt bặt phân biệt đối đãi một cách viên dung, hiển thị sâu sắc Di Ðà Đại Nguyện sâu rộng đến mức cùng cực. Bản Ðường dịch nói rõ ràng, chi tiết hơn: “Hoặc kẻ sẽ sanh đều sẽ rốt ráo Vô thượng Bồ-đề, đến chốn Niết-bàn, vì cớ sao? Nếu là Tà Định Tụ và Bất Định Tụ thì chẳng thể biết rõ, kiến lập nổi cái nhân ấy”. Đoạn kinh văn này nêu rõ điều kiện tất yếu cho người muốn vãng sanh Cực Lạc là phải kiến lập chánh nhân vãng sanh, rồi nương theo chánh nhân ấy mà đạt được cái quả vãng sanh. Tất nhiên, sau khi đã vãng sanh rồi, quyết định sẽ đạt tới địa vị Nhất Sanh Bổ Xứ, một đời thành Phật, nên kinh mới bảo: “Quyết định chứng đặng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Vì sao? Vì cảnh tướng bên ngoài và tâm niệm bên trong nơi cõi ấy hoàn toàn không có phân biệt, hết thảy đều trụ trong Chánh Định Tụ.

Ngay trong kinh Di Đà cũng có một đoạn kinh văn tương tự với lời giáo thuyết này: “Nếu có kẻ đã phát nguyện, nay phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh cõi Phật A Di Ðà, thì những người ấy đều đắc Bất Thoái Chuyển nơi A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ-đề”. Rõ ràng, hết thảy những ai đã phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh độ trong quá khứ, hiện tại hay tương lai đều được Bất Thoái Chuyển nơi Vô thượng Bồ-đề, đủ thấy cái lợi ích thù thắng của Bất Thoái Chuyển hiện hữu cho suốt cả chúng sanh trong hết thảy các cõi, thật tương đồng với huyền chỉ của A Di Ðà Phật đại nguyện đại lực được nói trong đoạn kinh văn này. Đối với pháp môn Niệm Phật vãng sanh, những người chẳng thể thật sự vì sanh tử phát tâm Bồ-đề, hoặc chẳng thể dùng tín nguyện sâu xa trì danh hiệu Phật cầu sanh Cực Lạc, đều bị Phật xếp vào loại Tà Định Tụ và Bất Định Tụ. Vì sao vậy? Kinh bảo: Vì họ chẳng thể biết rõ và kiến lập nổi cái nhân tối cực ấy! Cái nhân tối cực ấy là gì? Thiện Ðạo Đại sư đời Ðường là bậc thâm nhập kinh tạng, Ngài đã chỉ rõ cái nhân tối cực đó nằm ngay trong Đại Nguyện 29 - Trụ Chánh Định Tụ của Phật Di Ðà, nhằm tạo lợi ích cho cả nhân dân cõi Cực Lạc lẫn chúng sanh trong mười phương pháp giới. Trong Sách Bình Giải, Ngài viết: “Chánh Định Tụ trong cõi này là mật ích, Chánh Định Tụ cõi kia là hiển ích”. Ngài còn viết: “Mật ích ngay trong đời này chính là giáo nghĩa bất cộng của kim gia”. Người được vãng sanh phải là người đã thật sự phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm, cầu sanh Cực Lạc. Tuy hiện thời thân của họ đang ở trong cõi Sa-bà, nhưng đã được hưởng lợi ích bí mật là nhập vào Chánh Định Tụ. Đây chính là diệu nghĩa thù thắng bất cộng được gọi là “mật ích” của Tổ sư Thiện Đạo.

Phẩm Quyết Chứng Quả Tối Cực đã khế hợp cảnh và trí nơi cõi Cực Lạc với nhau, hiển bày nhân quả đồng nhất, rồi lại kết luận: “Nếu là Tà Định và Bất Định Tụ, chẳng thấu triệt đặng, nhân tối cực đó.” Sách Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận quy kết phẩm Quyết Chứng Quả Tối Cực về Tự tâm như sau: “Các sự trang nghiêm, các việc Phật sự đã nói trên chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, như trăng trong nước, như hình tượng được vẽ ra, như người được hóa hiện bởi huyễn thuật. Chúng đều là do Phật lực tùy tâm của chúng sanh mà xuất hiện. Ta nên biết rằng thần lực của hết thảy chúng sanh và thần lực của Như Lai vốn không hai, không khác. Nếu chẳng có đại nguyện, đại hạnh để phát khởi cái nhân thù thắng thì chẳng biết, chẳng hay, trầm luân muôn kiếp. Nếu có thể trong nhất niệm xoay trở lại nhận rõ cái tánh sáng suốt thì mới hay của gia bảo sẵn có, như vào núi báu nhặt của cải vô tận, như vào hương quốc, chạm vào chỗ nào cũng thơm ngát. Phải đạt đến nơi mới ngơi nghỉ, chứ đừng nửa đường bỏ cuộc”.


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.