KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA - Bản dịch Việt ngữ số 1 Dịch giả: Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến (Được xếp vào Đại Chánh Tạng, tập T09 - Kinh số 276 - Tổng cộng kinh này có 1 quyển.) PHẨM THỨ NHẤT ĐỨC HẠNH Tôi nghe như thế này. Có một lúc, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật gần thành Vương Xá, cùng với các vị đại tỳ-kheo mười hai ngàn người, đại Bồ Tát là tám mươi ngàn người. Chư thiên, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, chư tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cùng hội đủ. Các vị vua đại chuyển luân, tiểu chuyển luân, kim luân, ngân luân, các luân vương khác, quốc vương, vương tử, quan, dân, sĩ thứ, nữ sĩ, đại trưởng giả trong nước, mỗi người đều có quyến thuộc đi theo đến số trăm ngàn vạn, cùng đến chỗ Phật, cúi đầu và mặt làm lễ dưới chân Phật, đi quanh Phật cả trăm ngàn vòng, đốt hương rải hoa cúng dường đủ món... Cúng dường xong, tất cả đều lui lại ngồi sang một bên. Trong hàng Bồ Tát có các vị: Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi, Pháp vương tử Đại Oai Đức Tạng, Pháp vương tử Vô Ưu Tạng, Pháp vương tử Đại Biện Tạng, Bồ Tát Di-lặc, Bồ Tát Đạo Thủ, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Dược Thượng, Bồ Tát Hoa Tràng, Bồ Tát Hoa Quang, Bồ Tát Đà-la-ni Tự Tại Vương, Bồ Tát Thường Tinh Tấn, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Bảo Tích, Bồ Tát Bảo Trượng, Bồ Tát Việt Tam Giới, Bồ Tát Tỳ-ma-bạt-la, Bồ Tát Hương Tượng, Bồ Tát Đại Hương Tượng, Bồ Tát Sư Tử Hống Vương, Bồ Tát Sư Tử Du Hý Thế, Bồ Tát Sư Tử Phấn Tấn, Bồ Tát Sư Tử Tinh Tấn, Bồ Tát Dõng Nhuệ Lực, Bồ Tát Sư Tử Oai Mãnh Phục, Bồ Tát Trang Nghiêm, Bồ Tát Đại Trang Nghiêm. Các vị đại Bồ Tát như vậy là tám mươi ngàn người cùng đến hội. Chư Bồ Tát này đều là các vị Pháp thân Đại sĩ, thành tựu Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát Tri kiến. Tâm ý thiền tịch, thường ở trong Tam-muội, điềm an đạm bạc, không còn hành vi tạo tác, không chỗ tham muốn; những tư tưởng điên đảo, rối loạn đều đã dứt sạch không còn trở lại; vắng lặng trong sạch đến chỗ huyền vi không tịch; chí nguyện không lay chuyển cho đến trăm ngàn kiếp; vô lượng pháp môn đều tự thấy biết trong hiện tại; đạt trí tuệ lớn, thông đạt các pháp, hiểu rõ và phân biệt tánh tướng chân thật: có không, dài ngắn... đều hiện rõ. Các ngài lại khéo biết được tánh dục của các căn; dùng phép Tổng trì, tài biện thuyết không ngăn ngại; khi chư Phật chuyển bánh xe Pháp, các ngài có thể tùy thuận chuyển theo. Trước hết, [các ngài] tưới nước pháp vi diệu làm êm lắng bụi bặm tham dục; mở cửa Niết-bàn, quạt gió giải thoát trừ bỏ phiền não nóng bức của thế gian, đặt vào nơi Pháp trong sạch mát mẽ. Kế đó, [các ngài] dạy cho [chúng sanh] pháp sâu xa là Mười hai nhân duyên để dập tắt ngọn lửa vô minh, già, bệnh, chết, đang thiêu đốt; gom bày hết các nỗi khổ dưới ánh sáng mặt trời [trí tuệ], rồi mới tưới mưa pháp Vô thượng Đại thừa, thấm nhuần hết thảy những chúng sanh có thiện căn. Các ngài gieo hạt giống lành trên ruộng công đức, khiến cho nảy mầm Bồ-đề. Trí tuệ các ngài chói sáng như mặt trời, mặt trăng; phương tiện linh hoạt biến chuyển như thời tiết, cùng giúp cho tăng trưởng sự nghiệp Đại thừa, khiến cho nhiều người được mau chóng thành quả Phật. Các ngài thường trụ nơi chỗ khoái lạc vi diệu chân thật, đem lòng đại bi vô lượng cứu khổ cho chúng sanh. Đối với chúng sanh, các ngài là thiện tri thức chân chánh, là ruộng phước tốt đẹp rộng lớn, là bậc thầy [dạy dỗ] không đợi cầu thỉnh, là nơi nương cậy an ổn, khoái lạc để chúng sanh theo về được chở che, giúp đỡ. Ở khắp mọi nơi, các ngài vì chúng sanh mà làm bậc thầy dạy đạo cao cả, dẫn dắt đưa về nẻo chánh. Các ngài thường làm mắt sáng cho người mù, làm tai nghe cho người điếc. Những người nào có các căn không đầy đủ hoặc bị hư hoại, các ngài đều khiến cho được lành lặn, đầy đủ. [Các ngài] vì kẻ điên cuồng, hoang loạn mà khiến cho vào sâu trong chánh niệm. Các ngài làm người đưa thuyền lớn, chuyên chở chúng sanh qua sông sanh tử, đến bờ Niết-bàn. Các ngài làm thầy thuốc giỏi, phân biệt rõ triệu chứng bệnh, hiểu rành tánh chất của thuốc, tùy bệnh mà cho khiến người bệnh vui lòng dùng thuốc. Các ngài làm bậc dạy dỗ điều phục, không có những nết phóng túng buông thả, như người khéo dạy voi ngựa, có thể điều phục hết tất cả. Các ngài như sư tử dũng mãnh, oai lực làm cho các thú đều tùng phục, khó lòng ngỗ nghịch. Các ngài dạo chơi trong các pháp ba-la-mật của hàng Bồ Tát, đối với địa vị Như Lai lập chí kiên cố không lay chuyển, trụ yên nơi nguyện lực, làm trong sạch khắp cõi Phật, không bao lâu nữa sẽ thành tựu quả Phật. Các vị đại Bồ Tát ấy đều có đủ các đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Trong hàng tỳ-kheo có các vị: Đại trí Xá-lợi-phất, Thần thông Mục-kiền-liên, Huệ Mạng Tu-bồ-đề, Ma-ha Ca-chiên-diên, Phú-lâu-na Di-đa-la-ni tử, nhóm các ông A-nhã Kiều-trần-như, Thiên nhãn A-na-luật, Trì luật Ưu-ba-ly, Thị giả A-nan, Phật tử La-vân, Ưu-ba-nan-đà, Ly-bà-đa, Kiếp-tân-na, Bạc-câu-la, A-châu-đà, Tá-già-đà, Đầu đà Đại Ca-diếp, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp và các vị đệ tử... Cả thảy mười hai ngàn người, đều là bậc A-la-hán đã dứt hết các mối phiền não trói buộc, chẳng bao giờ bị ràng buộc trở lại nữa, thật sự được giải thoát. Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm quán sát khắp chúng hội, biết rõ tâm ý của mỗi vị, liền cùng với tám mươi ngàn vị đại Bồ Tát đứng dậy tiến đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật, đi quanh Phật cả trăm ngàn vòng, rồi đốt hương trời, rải hoa trời cúng dường. Lại có những y phục, chuỗi ngọc, châu báu vô giá của cõi trời, từ trên không trung dần dần hiện xuống, bao quanh bốn phía cúng dường Phật. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong các chén bát cõi trời, hiện ra đầy đủ, dư dật. Chỉ cần nhìn và ngửi các món ăn ấy tự nhiên đã thấy no đủ rồi. Các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời được bày biện ra khắp nơi, trỗi lên âm nhạc cõi trời để cúng dường làm vui Phật. Liền đó, các vị Bồ Tát đều quỳ xuống, một lòng chắp tay cùng nhau đọc kệ tán thán Phật. Kệ rằng: "Lớn thay! Bậc giác ngộ, Thánh chủ! Dứt sạch cấu nhiễm, không sở trước. Bậc thầy điều phục khắp trời người, Đạo đức như hương xông khắp chốn. Trí tuệ, tình cảm đều ngưng lắng, Ý diệt, thức quên, tâm tịch tĩnh. Vĩnh viễn dứt trừ tưởng hư vọng, Không còn các đại, ấm, giới, nhập. Thân ấy chẳng có cũng chẳng không, Chẳng phải nhân duyên, chẳng đây kia, Chẳng vuông chẳng tròn, chẳng dài ngắn, Chẳng hiện, chẳng mất, chẳng sanh diệt. Cũng chẳng tạo tác, chẳng sanh khởi, Chẳng ngồi, chẳng nằm, chẳng đi đứng, Chẳng động, chẳng chuyển, chẳng giữ yên, Chẳng tới chẳng lui, chẳng an nguy. Chẳng đúng, chẳng sai, chẳng được mất, Chẳng đây, chẳng đó, chẳng đến đi. Cũng chẳng xanh vàng, chẳng đỏ trắng, Chẳng hồng, chẳng tía, mọi màu sắc. Sanh Giới, Định, Tuệ, Giải, Tri kiến. Được Tam minh, Lục thông, Đạo phẩm. Khởi Từ bi, Thập lực, Vô úy, Hiện ra theo nghiệp lành chúng sanh, Thân cao lớn sắc vàng chói sáng, Nghiêm trang tề chỉnh chiếu diệu hình. Đầu tỏa ánh dương, mày như nguyệt, Tóc xoáy xám xanh, đảnh nhục kế. Mắt sáng như gương, chiếu trên dưới, Mi, mày dài đẹp, miệng vuông vắn. Môi, lưỡi đỏ tươi như trái chín, Răng trắng như ngọc, đủ bốn mươi. Trán rộng, mũi cao, khuôn mặt lớn, Ngực hiện chữ vạn, ức sư tử, Tay chân mềm mại, đủ luân tướng, Hai nách đầy đặn, tay uyển chuyển. Cánh tay dài đẹp, ngón thon nhỏ. Da mềm, lông xoay về bên phải. Mắt cá, đầu gối chẳng lộ xương, Dương vật tự ẩn không dễ thấy, Gân nhỏ bao xương, chân sơn dương, Sáng suốt trong ngoài, sạch không bợn, Như nước sạch trong chẳng bụi trần. Đủ ba mươi hai tướng như thế. Tám mươi vẻ đẹp như hiện rõ, Nhưng thật không tướng, ngoài sắc tướng. Mỗi mỗi tướng hiện đều tuyệt hảo, Là tướng vô tướng, thân hiện tướng, Chúng sanh có tướng nên tùy hiện, Khiến cho chúng sanh hoan hỷ lễ. Tâm thành, cung kính, ân cần lễ, Nhân đó trừ tự cao, ngã mạn, Được sắc thân tốt đẹp như vậy. Chúng con nay đủ tám vạn người, Cùng nhau đảnh lễ về nương theo. Bậc khéo dứt tưởng, tâm, ý, thức, Bậc thánh Vô trước giỏi điều phục. Đảnh lễ nương theo Pháp sắc thân, Gồm Giới, Định, Huệ, Giải, Tri kiến. Đảnh lễ nương theo Muôn tướng tốt, Đảnh lễ nương theo Khó nghĩ bàn. Phạm âm như sấm vọng tám loại, Vi diệu, trong sạch, rất sâu xa. Tứ đế, Lục độ, Thập nhị duyên, Tùy tâm nghiệp chúng sanh thuyết dạy. Người nghe đều được mở tâm ý, Dứt sạch phiền não chốn sanh tử. Hoặc nghe, đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà, A-na, A-la-hán. Thành Duyên giác, vô lậu vô vi, Hoặc Bồ Tát, chẳng sanh chẳng diệt. Hoặc được vô lượng môn Tổng trì, Đại tài biện thuyết không ngăn ngại. Diễn thuyết kệ thâm sâu vi diệu, Dạo chơi, tắm mát ao Pháp lành, Hoặc bay, hoặc nhảy, hiện thần biến, Ra vào lửa, nước, thân tự do. Như vậy, tướng Pháp luân như vậy, Thanh tịnh vô biên khó nghĩ bàn. Chúng con lại cùng nhau đảnh lễ, Nương theo bánh xe Pháp chuyển rồi. Cúi đầu nương theo tiếng Phạm âm, Cúi đầu nương theo Pháp vô thượng. Đức Thế Tôn từ vô lượng kiếp, Cần khổ tu tập các đức hạnh. Vì khắp trời, người, rồng, quỷ thần, Cùng hết thảy muôn loại chúng sanh; Đã từng dứt bỏ điều khó bỏ, Như tài sản, vợ, con, cõi nước... Vì Pháp, trong ngoài đều chẳng tiếc, Đầu, mắt, tủy, não bố thí người; Phụng trì giới thanh tịnh chư Phật, Cho đến bỏ mạng, chẳng hủy phạm. Nếu kẻ cầm dao, gậy hại mình, Mắng nhiếc, mạ nhục, chẳng hề giận. Nhiều kiếp bỏ thân, chẳng lười nhác, Đêm ngày nhiếp tâm tại thiền định. Học khắp hết thảy các đạo pháp , Trí tuệ hiểu sâu căn chúng sanh. Cho nên nay được sức tự tại, Đối pháp tự tại thành Pháp vương. Chúng con lại cùng nhau đảnh lễ. Nương theo Bậc tinh cần khó làm. PHẨM THỨ NHÌ THUYẾT PHÁP (Phần chánh tông) Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm cùng với tám mươi ngàn vị đại Bồ Tát khác đọc kệ khen Phật như vậy rồi, cùng nhau bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Chúng con cả thảy tám mươi ngàn Bồ Tát, nay đối với giáo pháp của Như Lai có chỗ muốn thưa hỏi, chẳng biết Thế Tôn có rủ lòng thương mà nghe chăng?" Phật bảo Bồ Tát Đại Trang Nghiêm và tám mươi ngàn Bồ Tát ấy rằng: "Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, khéo biết đúng lúc thưa hỏi, hãy cứ tùy ý. Còn chẳng bao lâu Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Ta sẽ khiến cho sau đó chẳng còn ai nghi ngờ gì nữa. Như [các ông] có điều muốn hỏi, ta sẽ nhân đây mà giảng giải cho." Liền đó, Bồ Tát Đại Trang Nghiêm và tám mươi ngàn Bồ Tát đồng thanh bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Bồ Tát muốn mau thành quả Phật nên tu hành những pháp môn nào? Những pháp môn nào có thể khiến Bồ Tát mau thành quả Phật?" Phật bảo các vị Bồ Tát rằng: "Thiện nam tử! Có một pháp môn có thể khiến Bồ Tát mau thành quả Phật. Nếu Bồ Tát nào học pháp môn ấy, có thể mau thành quả Phật." "Bạch Thế Tôn! Pháp môn ấy gọi tên là gì? Ý nghĩa như thế nào? Bồ Tát phải tu hành như thế nào?" Phật dạy: "Thiện nam tử! Pháp môn ấy gọi là Vô lượng nghĩa. Bồ Tát muốn tu học pháp Vô lượng nghĩa ấy, nên quán sát hết thảy các pháp: từ xưa cho đến nay tánh tướng vốn không tịch, chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng sanh chẳng diệt, không phải trụ, không phải động, không tiến, không lùi, giống như hư không. Chẳng hề có hai pháp, nhưng chúng sanh hư vọng chấp kể rằng: đây là cái này, đây là cái kia, thế này là được, thế này là mất... khởi lên ý nghĩ chẳng lành, tạo ra những nghiệp dữ, luân hồi trong sáu nẻo, chịu mọi thứ khổ độc. Trải qua vô lượng kiếp, không thể tự ra khỏi được. Bồ Tát quán xét thật kỹ như vậy, sanh lòng thương xót, phát tâm đại từ bi, muốn cứu bạt hết thảy khổ nạn. "Rồi lại quán sâu vào hết thảy các pháp: pháp tướng như thế này, sanh ra pháp như thế này; pháp tướng như thế này, trụ pháp như thế này; pháp tướng như thế này, biến đổi pháp như thế này; pháp tướng như thế này, hoại diệt pháp như thế này. Pháp tướng như thế này có thể sanh ác pháp; pháp tướng như thế này có thể sanh thiện pháp. Các tướng trụ, dị, diệt lại cũng như vậy. Bồ Tát quán sát bốn tướng từ khởi đầu đến cuối cùng, tất theo đó mà hiểu biết được cùng khắp tất cả. "Kế đó lại quán xét hết thảy các pháp: trong từng giây phút chẳng hề trụ yên, liên tục sanh ra rồi diệt đi. Lại quán xét thấy cả bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt đều đồng thời xảy ra. Quán xét như vậy rồi, Bồ Tát hiểu rõ được căn tánh, chỗ tham muốn của từng chúng sanh. Vì tham muốn vô lượng, nên thuyết pháp vô lượng. Vì thuyết pháp vô lượng, nên nghĩa cũng vô lượng. "Vô lượng nghĩa ấy từ một pháp sanh ra. Một pháp ấy, tức là vô tướng. Cái vô tướng như thế là chẳng có tướng nào không phải tướng. Chẳng có tướng nào không phải tướng, gọi đó là thật tướng. "Bồ Tát trụ yên nơi tướng chân thật như thế rồi, có phát khởi lòng từ bi sẽ đúng thật minh bạch, chẳng hề hư vọng. Đối với chúng sanh, thật có thể cứu bạt mọi khổ nạn. Cứu bạt khổ nạn rồi, lại thuyết pháp cho nghe, khiến được thọ hưởng sự khoan khoái, vui vẻ. "Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát có thể theo như thế mà tu pháp môn Vô lượng nghĩa ấy, ắt sẽ mau đắc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. "Thiện nam tử! Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa này sâu xa, cao cả hơn hết, ý nghĩa chân thật, chính đáng, tôn quý hơn hết. Ba đời chư Phật đều giữ gìn, bảo hộ; chúng ma, ngoại đạo không thể xâm nhập vào. Tất cả tà kiến sanh tử không thể làm cho hư hoại được. "Thiện nam tử! Vì vậy nên Bồ Tát muốn mau thành Vô thượng Bồ-đề, nên tu học kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu, cao cả nhất này." Lúc ấy, Bồ Tát Đại Trang Nghiêm lại bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Chỗ thuyết pháp của Thế Tôn không thể nghĩ bàn. Căn tánh của chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn. Pháp môn giải thoát lại cũng không thể nghĩ bàn. Chúng con đối với các pháp mà Phật thuyết không còn nghi nan, nhưng vì tâm tánh chúng sanh còn sanh mê hoặc, nên phải thưa hỏi lại thế này. "Bạch Thế Tôn! Từ khi Như Lai đắc đạo đến nay, hơn bốn mươi năm, thường vì chúng sanh diễn thuyết các pháp: Nghĩa của bốn tướng, nghĩa khổ, nghĩa không, vô thường, vô ngã, không lớn không nhỏ, không sanh không diệt; một tướng vô tướng, từ xưa đến nay pháp tánh pháp tướng vốn là không tịch, chẳng đến, chẳng đi, chẳng hiện ra, chẳng biến mất. Người nghe thuyết pháp, hoặc được Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp, được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Bích-chi Phật, hoặc phát tâm Bồ-đề, được Đệ nhất địa, Đệ nhị địa, Đệ tam cho đến Đệ thập địa. Nghĩa của các pháp đã thuyết ngày trước với nghĩa được thuyết hôm nay có gì khác nhau chăng mà nói rằng: Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa sâu xa, cao cả nhất này, nếu Bồ Tát tu hành ắt mau được thành Vô thượng Bồ-đề? Việc ấy là thế nào? Nguyện đức Thế Tôn rủ lòng thương xót hết thảy chúng sanh mà phân biệt rõ, giúp cho người nghe pháp hôm nay cũng như về sau không còn nghi ngờ nữa." Liền đó, Phật bảo Bồ Tát Đại Trang Nghiêm rằng: "Lành thay, lành thay! Đại thiện nam tử, có thể thưa hỏi Như Lai về nghĩa Đại thừa thâm sâu, vi diệu, cao cả hơn hết như thế. Nên biết rằng ông có thể giúp nhiều lợi ích, an lạc cho người và chư thiên, cứu bạt khổ não cho chúng sanh. Thật là đại từ bi, có lòng tin chân thật chẳng thể hư hoại. Vì nhân duyên ấy, ông sẽ mau được thành Vô thượng Bồ-đề, lại khiến cho nhiều chúng sanh hiện tại và sau này được thành Vô thượng Bồ-đề. "Thiện nam tử! Từ khi ta ở nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dùng Phật nhãn quán sát thấy tất cả các pháp không thể tuyên thuyết được. Vì sao vậy? Vì căn tánh, lòng tham muốn của chúng sanh chẳng đồng như nhau. Vì căn tánh và lòng tham muốn chẳng đồng nhau, nên phải dùng nhiều phương cách thuyết pháp. Hơn bốn mươi năm qua ta dùng sức phương tiện mà thuyết pháp, thật chưa nói rõ được lẽ chân thật đệ nhất. Vì thế mà chúng sanh tuy đắc đạo nhiều bậc khác nhau, nhưng chẳng được mau thành Vô thượng Bồ-đề. "Thiện nam tử! Pháp tỷ như nước, có thể rửa sạch được sự dơ nhớp. Dù là nước giếng, nước ao, nước sông, nước biển... thảy đều rửa sạch được sự dơ nhớp. Pháp cũng như vậy, có thể rửa sạch được sự dơ nhớp phiền não của chúng sanh. "Thiện nam tử! Tánh của nước chỉ là một mà thôi, nhưng giếng, ao, sông, biển... thì khác nhau. Tánh của các pháp [môn] cũng vậy, đều rửa trừ được bụi bặm trần lao, không có khác biệt. Tuy nhiên, Tam pháp, Tứ quả, Nhị đạo là phân biệt, chẳng phải một. "Thiện nam tử! Nước ở các nơi tuy đều có thể dùng để rửa sạch được cả, nhưng giếng chẳng phải là ao, ao chẳng phải là sông, sông chẳng phải là biển. Như Lai là bậc Thế hùng tự tại đối với các pháp, thuyết diễn các pháp cũng giống như vậy. Những pháp mà ngài thuyết ra ban đầu, khoảng giữa, về sau, thảy đều có thể trừ sạch phiền não của chúng sanh. Tuy nhiên, ban đầu chẳng phải khoảng giữa, khoảng giữa chẳng phải về sau. Những pháp thuyết ra, văn từ tuy là một, nhưng vào lúc đầu, khoảng giữa, về cuối lại mang nghĩa khác nhau. "Thiện nam tử! Ta rời khỏi cây Thọ vương đến vườn Lộc dã thành Ba-la-nại, vì nhóm ông A-nhã Câu-lân năm người mà chuyển bánh xe pháp Tứ đế, thuyết dạy rằng: 'Các pháp xưa nay vốn không tịch, chuyển đổi không dừng nghỉ, niệm niệm sanh diệt.' "Khoảng thời gian sau đó, ta thuyết pháp ở đây và khắp mọi nơi khác, vì chư tỳ-kheo và Bồ Tát mà phân biệt giảng thuyết Mười hai nhân duyên, Sáu ba-la-mật. Cũng thuyết dạy rằng: 'Các pháp xưa nay vốn không tịch, chuyển đổi không dừng nghỉ, niệm niệm sanh diệt.' "Nay ta ở đây, diễn thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa. Cũng lại thuyết dạy rằng: 'Các pháp xưa nay vốn không tịch, chuyển đổi không dừng nghỉ, niệm niệm sanh diệt.' "Thiện nam tử! Vậy nên sự thuyết pháp [của Như Lai] lúc ban đầu, khoảng giữa, hiện nay, văn từ tuy là một nhưng nghĩa khác nhau. Bởi nghĩa khác nhau, nên chỗ hiểu của chúng sanh cũng khác nhau. Bởi chỗ hiểu khác nhau, nên sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo cũng khác nhau. "Thiện nam tử! Ban đầu ta thuyết Tứ đế với những người cầu Thanh văn, nhưng có tám trăm ngàn chư thiên cũng đến nghe pháp phát tâm Bồ-đề. "Thời gian sau đó, ta giảng thuyết Mười hai nhân duyên rất thâm sâu với những người cầu quả Phật Bích-chi, nhưng có vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ-đề, hoặc được đắc nhập vào pháp Thanh văn. "Về sau, ta thuyết dạy Mười hai bộ kinh Phương đẳng, Ma-ha Bát-nhã, Hoa nghiêm Hải không, nói việc Bồ Tát tu hành trải qua nhiều kiếp, nhưng có trăm ngàn tỳ-kheo, vạn ức người và chư thiên, vô lượng chúng sanh được đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, hoặc đắc nhập vào pháp nhân duyên của hàng Phật Bích-chi. "Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy, nên phải biết rằng sự thuyết dạy tuy giống như nhau nhưng nghĩa lại khác nhau. Bởi nghĩa khác nhau, nên chỗ hiểu của chúng sanh cũng khác nhau; sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo cũng khác nhau. "Thiện nam tử! Vậy nên từ khi ta thành đạo bắt đầu thuyết pháp, cho tới ngày nay diễn thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa, chưa có khi nào mà chẳng thuyết những lẽ khổ, không, vô thường, vô ngã, chẳng phải chân, chẳng phải giả, chẳng phải lớn, chẳng phải nhỏ, xưa vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt, một tướng vô tướng, pháp tánh pháp tướng chẳng đến chẳng đi; nhưng có sự chuyển đổi bốn tướng của chúng sanh. "Thiện nam tử! Hiểu theo nghĩa ấy, chư Phật chẳng nói hai lời, nhưng có thể dùng một thứ tiếng mà phổ ứng các thứ tiếng, có thể dùng một thân mà chỉ ra cho thấy số thân nhiều như số cát của trăm ngàn vạn ức na-do-tha vô lượng vô số sông Hằng. Mỗi một thân ấy, đều lại chỉ ra cho thấy các loại hình khác nhau nhiều như số cát của trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ sông Hằng. Mỗi một hình ấy, lại chỉ ra cho thấy số hình nhiều như số cát của trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ sông Hằng. "Thiện nam tử! Đó là cảnh giới thâm sâu không thể nghĩ bàn của chư Phật, chẳng phải chỗ mà hàng Nhị thừa có thể biết được. Cho đến Bồ Tát Thập trụ cũng không thấu đến, chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu rõ. "Thiện nam tử! Vậy nên ta nói rằng kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa là vi diệu, sâu xa, cao cả hơn hết; ý nghĩa chân thật, chính đáng, tôn quý hơn hết. Ba đời chư Phật đều giữ gìn, bảo hộ; chúng ma, ngoại đạo không thể xâm nhập vào. Tất cả tà kiến sanh tử không thể làm cho hư hoại được. Nếu Bồ Tát muốn mau thành Vô thượng Bồ-đề, nên tu học kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa, thâm sâu, cao cả hơn hết như thế này." Phật thuyết như vậy rồi, liền đó tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách. Tự nhiên trên không mưa xuống đủ các loại hoa cõi trời như ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-vật-đầu, phân-đà-lỵ. Lại mưa xuống vô số các loại hương cõi trời, các loại y phục, chuỗi ngọc, châu báu vô giá trên cõi trời. Các món ấy từ trên không trung dần dần hạ xuống cúng dường Phật và chúng Bồ Tát, Thanh văn. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong các chén bát cõi trời, hiện ra đầy đủ, dư dật. Các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời được bày biện ra khắp nơi, trỗi lên âm nhạc cõi trời để ca ngợi, tán thán Phật. Lại chấn động sáu cách lần nữa. Các thế giới chư Phật ở phương đông, nhiều như số cát sông Hằng, cũng mưa xuống những hoa, hương cõi trời, các loại y phục, chuỗi ngọc, châu báu vô giá trên cõi trời. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong các chén bát cõi trời; các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời trỗi lên âm nhạc cõi trời để ca ngợi, tán thán chư Phật cõi ấy và chúng Bồ Tát, Thanh văn. Ở phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ, phương trên, phương dưới cũng đều như vậy. Bấy giờ trong chúng hội có ba mươi hai ngàn vị đại Bồ Tát liền được phép Tam-muội Vô lượng nghĩa. Hai mươi bốn ngàn vị đại Bồ Tát được vô lượng vô số môn Tổng trì, có thể chuyển bánh xe Pháp của hết thảy chư Phật ba đời, chẳng để thối lui. Các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, vua đại chuyển luân, vua tiểu chuyển luân, các vua ngân luân, thiết luân..., quốc vương, vương tử, quan, dân, sĩ thứ, đại trưởng giả... và quyến thuộc trăm ngàn người tụ hội, nghe Phật thuyết kinh này rồi, hoặc được Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế gian đệ nhất pháp; hoặc đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật. Lại có những người được Vô sanh Pháp nhẫn của hàng Bồ Tát. Lại có những người được một môn Tổng trì, hai môn Tổng trì, ba môn Tổng trì, bốn môn Tổng trì, hoặc năm, sáu, bảy, tám, chín, mười môn Tổng trì. Lại có những người được trăm ngàn vạn ức môn Tổng trì. Lại có những người được số môn Tổng trì nhiều như số cát của vô lượng vô số a-tăng-kỳ sông Hằng; thảy đều có thể tùy thuận mà chuyển bánh xe Pháp chẳng để thối lui. Có vô lượng chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. PHẨM THỨ BA MƯỜI CÔNG ĐỨC Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm lại bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa vi diệu, thâm sâu, cao cả nhất này, thật rất thâm sâu, rất thâm sâu! "Vì sao vậy? Trong chúng hội này, các vị đại Bồ Tát và Tứ chúng, trời, rồng, quỷ thần, quốc vương, quan, dân... những chúng sanh nào nghe kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu, cao cả nhất này, ai ai cũng được các môn Tổng trì, Tam pháp, Tứ quả, hoặc phát tâm Bồ-đề. Nên biết rằng pháp này ý nghĩa chân thật, chánh đáng, tôn quý hơn hết. Ba đời chư Phật đều giữ gìn, bảo hộ; chúng ma, ngoại đạo không thể xâm nhập vào. Tất cả tà kiến sanh tử không thể làm cho hư hoại được. Vì sao vậy? Vì nghe được một pháp này có thể nắm hiểu tất cả các pháp. Nếu chúng sanh nào nghe được kinh này, ắt được lợi ích lớn. Vì sao vậy? Nếu biết tu hành theo kinh này, ắt được mau thành Vô thượng Bồ-đề. Chúng sanh nào chẳng nghe được kinh này, nên biết rằng đã mất đi lợi ích lớn, dù trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp không thể nghĩ bàn, cũng không bao giờ được thành Vô thượng Bồ-đề. Vì sao vậy? Vì chẳng biết con đường lớn thẳng tắt đến Bồ-đề, lại đi theo nẻo hiểm nguy, vướng nhiều tai nạn. "Bạch Thế Tôn! Kinh điển này thật chẳng thể nghĩ bàn. Xin đức Thế Tôn đem lòng thương xót, diễn giải rộng với đại chúng chỗ thâm sâu chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Bạch Thế Tôn! Kinh điển này từ đâu đến, sẽ đi về đâu, trụ ở nơi nào, mà lại có được vô lượng công đức, sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn như vậy, khiến người tu được mau thành quả Phật?" Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Đại Trang Nghiêm: "Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói đó. Thiện nam tử! Ta thuyết kinh này rất thâm sâu, quả thật rất thâm sâu. Vì sao vậy? Vì khiến cho người tu mau thành Vô thượng Bồ-đề; vì nghe được kinh này một lần, có thể nắm hiểu được tất cả các pháp; vì có lợi ích lớn đối với chúng sanh; vì là con đường lớn thẳng tắt đến Bồ-đề, không vướng tai nạn. "Thiện nam tử! Ông hỏi rằng kinh này từ đâu đến, sẽ đi về đâu, trụ ở nơi nào. Hãy khéo lắng nghe đây! "Thiện nam tử! Kinh này vốn từ trong nhà ở của chư Phật mà ra; sẽ đi đến chỗ phát tâm Bồ-đề của hết thảy chúng sanh; trụ vào chỗ trụ của chư Bồ Tát. "Thiện nam tử! Chỗ đến của kinh này là như vậy, chỗ đi là như vậy, chỗ trụ là như vậy. Cho nên kinh này có được vô lượng công đức, sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn, khiến người tu mau thành Vô thượng Bồ-đề. "Thiện nam tử! Kinh này lại có mười sức mạnh công đức chẳng thể nghĩ bàn, ông có muốn nghe chăng?" Bồ Tát Đại Trang Nghiêm thưa: "Con rất vui mừng được nghe." Phật dạy: "Thiện nam tử! Thứ nhất là, kinh này có thể khiến cho Bồ Tát chưa phát tâm sẽ phát tâm Bồ-đề. Với người không có lòng nhân từ, lại làm cho khởi lòng nhân từ; kẻ ưa giết hại khởi tâm đại bi; kẻ hay tật đố khởi tâm tùy hỷ; kẻ trói buộc nơi luyến ái khởi tâm xả bỏ; kẻ tham lam bủn xỉn khởi tâm bố thí; kẻ kiêu căng ngã mạn khởi tâm trì giới; kẻ hay sân nhuế khởi lòng nhẫn nhục; kẻ lười nhác khởi lòng tinh tấn; kẻ tán loạn khởi tâm thiền định; kẻ ngu si khởi tâm trí tuệ; kẻ chưa từng cứu độ người khác khởi tâm cứu độ; kẻ làm mười điều ác khởi tâm làm mười điều lành; kẻ thích hữu vi hướng đến vô vi; kẻ có lòng thối chuyển sanh tâm chẳng thối chuyển; kẻ theo hữu lậu khởi tâm vô lậu; kẻ nhiều phiền não khởi tâm trừ dứt. "Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ nhất chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ hai chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là, nếu chúng sanh nào được nghe kinh này, dù nghe qua hết một lần, hoặc chỉ một bài kệ, cho đến chỉ một câu thôi, ắt có thể thông đạt được trăm, ngàn, ức nghĩa của các pháp. Dù trải qua vô lượng số kiếp cũng không thể diễn thuyết cho hết các pháp đã nắm hiểu được. Vì sao vậy? Vì pháp hiểu được từ kinh này có vô lượng nghĩa. "Thiện nam tử! Kinh này ví như một hạt giống sanh ra trăm, ngàn, vạn hạt. Trong trăm, ngàn, vạn hạt này, mỗi hạt lại sanh ra đến số trăm, ngàn, mười ngàn. Cứ như vậy mà tăng dần cho đến vô lượng. Kinh điển này cũng vậy. Do một pháp mà sanh ra trăm, ngàn nghĩa. Trong trăm, ngàn nghĩa này mỗi nghĩa lại sanh ra đến số trăm, ngàn, mười ngàn. Cứ như vậy mà tăng dần cho đến vô lượng, vô biên nghĩa. Vì vậy mà gọi tên kinh này là Vô lượng nghĩa. "Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ hai chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ ba chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là, nếu chúng sanh nào được nghe kinh này, dù nghe qua hết một lần, hoặc chỉ một bài kệ, cho đến chỉ một câu thôi, thông đạt được trăm, ngàn, ức nghĩa của các pháp rồi, tuy có phiền não cũng như không phiền não; ra vào chốn sanh tử lòng không sợ sệt. Đối với chúng sanh, sanh lòng thương xót. Đối với hết thảy các pháp, sanh lòng mạnh mẽ, dũng mãnh. "Như người lực sĩ đủ sức gánh vác những thứ nặng nề. Người trì kinh này lại cũng như vậy, có thể nhận lấy nhiệm vụ nặng nề là Vô thượng Bồ-đề, gánh vác chúng sanh ra khỏi đường sanh tử. Tuy chưa độ thoát chính mình nhưng đã có thể độ cho kẻ khác. Cũng như người chèo thuyền, dù thân mang bệnh nặng, tay chân chẳng cử động, nằm yên nơi bờ sông bên này, nhưng đã có thuyền tốt, chắc chắn, lại đủ các dụng cụ để đưa khách, liền giúp người qua bờ sông bên kia được. Người trì kinh này lại cũng như vậy. Tuy mang xác thân nằm trong Năm nẻo, một trăm lẻ tám bệnh nặng thường bám lấy thân, chỉ nằm yên ở bờ bên này là vô minh, già, chết; nhưng đã có thuyền tốt, chắc chắn là kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa này, có thể cứu độ được chúng sanh. Nếu chúng sanh theo lời thuyết dạy mà làm, ắt vượt qua được con sông sanh tử. "Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ ba chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ tư chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: nếu chúng sanh nào được nghe kinh này, dù nghe qua hết một lần, hoặc chỉ một bài kệ, cho đến chỉ một câu thôi, sẽ được tư tưởng dũng mãnh, mạnh mẽ. Tuy chưa thể tự độ thoát chính mình, nhưng có thể cứu độ cho người khác; làm quyến thuộc với chư Bồ Tát. Chư Phật Như Lai thường hướng về người trì kinh mà diễn thuyết các pháp; được nghe rồi có thể thọ trì, tùy thuận chẳng nghịch; lại còn vì người khác mà tùy nghi thuyết rộng. "Thiện nam tử! Người ấy ví như vị hoàng tử mới sanh của vua và phu nhân. Dù mới sanh ra chỉ một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, hoặc một tháng, hai tháng, cho đến bảy tháng, hoặc được một tuổi, hai tuổi cho đến bảy tuổi, tuy chưa có thể lo liệu việc nước, nhưng đã được quan và dân tôn kính, lại thường kết giao với các vị con lớn của vua. Vua và phu nhân hết lòng chiều chuộng thương yêu, thường cùng trò chuyện. Vì sao vậy? Vì hoàng tử còn bé thơ. "Thiện nam tử! Người trì kinh này lại cũng như vậy. Chư Phật là vua, kinh này là phu nhân, hòa hiệp nhau mà sanh ra Bồ Tát. Nếu Bồ Tát được nghe kinh này, dù là một câu, một bài kệ, hoặc nghe qua hết một lần, hai lần, mười lần, trăm lần, ngàn vạn, ức vạn lần, cho đến nhiều lần như số cát sông Hằng, vô lượng vô số lần, tuy chưa đạt được tột cùng chân lý, chưa thể làm chấn động tam thiên đại thiên thế giới, phát tiếng Phạm âm như sấm rền mà chuyển Đại Pháp luân, nhưng đã được hết thảy Tứ chúng, Bát bộ tôn trọng, kính ngưỡng. Được các vị đại Bồ Tát nhận làm quyến thuộc. Thâm nhập vào các pháp bí mật của chư Phật, chỗ diễn thuyết không lỗi lầm, không bỏ mất; thường được chư Phật hộ niệm, đem lòng từ ái chở che cho. Vì là người mới tu học. "Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ tư chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ năm chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế, hoặc sau khi diệt độ, nếu có những kẻ nam, người nữ lòng lành, có thể thọ trì, đọc tụng sao chép kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu cao cả nhất này, những người ấy cho dù bị nhiều phiền não trói buộc, chưa thể lìa xa các việc phàm phu, nhưng lại có thể thị hiện đạo lớn Bồ-đề; có thể kéo dài một ngày ra thành trăm kiếp; có thể rút ngắn trăm kiếp thành một ngày, khiến cho chúng sanh hoan hỷ tin phục. "Thiện nam tử! Những kẻ nam người nữ lòng lành ấy cũng ví như rồng con, mới sanh được bảy ngày liền có thể kéo mây, làm mưa. "Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ năm chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ sáu chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế, hoặc sau khi diệt độ, nếu có những kẻ nam, người nữ lòng lành, có thể thọ trì, đọc tụng kinh điển này, dù vẫn còn nhiều phiền não, nhưng có thể vì chúng sanh mà thuyết pháp, khiến cho lìa xa phiền não sanh tử và dứt trừ hết thảy khổ não. Chúng sanh nghe thuyết pháp rồi tu hành đắc pháp, đắc quả, đắc đạo, so với Phật Như Lai không còn khác biệt. Ví như vị vương tử tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nếu vua đi tuần du hoặc gặp lúc có bệnh, ủy quyền cho vương tử ấy lo liệu việc trị nước, vương tử liền vâng lệnh truyền của vua, y theo phép tắc mà sai khiến hết thảy quan thuộc, nêu rõ chánh hóa. Nhân dân trong nước nhờ đó mà được an ổn cũng như khi vua cai trị, chẳng khác chi cả. "Người trì kinh này lại cũng như vậy. Trong khi Phật tại thế hoặc đã diệt độ, tuy chưa trụ được ở Sơ, Bất động địa, nhưng cũng y theo lời giảng dạy của Phật mà diễn bày ra, chúng sanh nghe rồi hết lòng tu hành, dứt trừ phiền não, đắc pháp, đắc quả, cho đến đắc đạo. "Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ sáu chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ bảy chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế hoặc đã diệt độ, nếu có những kẻ nam, người nữ lòng lành, được nghe kinh này, trong lòng vui vẻ, hoan hỷ tin nhận, cho đó là việc ít có, liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng giải, y theo pháp mà tu hành, phát tâm Bồ-đề, sanh khởi các thiện căn, vững lòng đại bi, muốn cứu độ tất cả chúng sanh khổ não. Khi chưa tu hành Sáu ba-la-mật, Sáu ba-la-mật tự nhiên hiện ra. Ngay trong đời này liền được Vô sanh Pháp nhẫn, phiền não sanh tử nhất thời liền dứt trừ hết sạch, thẳng lên địa vị thứ bảy của đại Bồ Tát. Tỷ như một người dũng mãnh, giúp trừ kẻ oán nghịch cho vua. Kẻ oán nghịch trừ xong, vua rất hoan hỷ, đem một nửa cõi nước mà phong thưởng cho. Người trì kinh này lại cũng như vậy, so trong những kẻ tu hành là bậc dũng mãnh hơn hết. Món pháp quý báu là Sáu ba-la-mật, tuy người chẳng cầu, mà tự nhiên hiện đến. Kẻ oán nghịch là sanh tử tự nhiên bị diệt mất, liền chứng Vô sanh nhẫn, được phong thưởng bằng một nửa cõi nước là món báu của Phật, khiến được an ổn, vui thỏa. "Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ bảy chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ tám chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế hoặc đã nhập diệt, nếu có kẻ nam, người nữ lòng lành nào gặp được kinh điển này, đem lòng kính trọng, tin nhận, chẳng khác gì như được thấy thân Phật; lại ưa thích, mến mộ kinh này, liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, hết sức cung kính, y như pháp mà vâng làm theo; vững vàng nơi giới luật, nhẫn nhục, cùng thực hành Bố thí ba-la-mật, phát tâm từ bi sâu vững; đem kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa này thuyết rộng với nhiều người khác. Nếu có người khi vừa mới đến chẳng tin việc tội phước, liền đem kinh này mà chỉ bảo cho, dùng đủ mọi phương tiện, cố giáo hóa cho họ được lòng tin. Nhờ oai lực của kinh này, khiến cho người ấy hốt nhiên hồi tâm. Đã khởi lòng tin rồi, nhờ sự dũng mãnh tinh tấn, có thể có được thế lực oai đức của kinh này, lại đắc đạo, đắc quả. "Cho nên những kẻ nam, người nữ có lòng lành, nhờ sự giáo hóa của kinh này mà ngay trong đời hiện tại được chứng Vô sanh Pháp nhẫn, lên tới Thượng địa làm quyến thuộc với chư Bồ Tát, nhanh chóng thành tựu cho chúng sanh, làm trong sạch cõi Phật, chẳng bao lâu sẽ được Vô thượng Bồ-đề. "Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ tám chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ chín chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế hoặc đã nhập diệt, nếu có kẻ nam, người nữ lòng lành nào gặp được kinh điển này, vui mừng sung sướng, cho là việc chưa từng có, liền thọ trì, đọc tụng, cúng dường, lại sao chép ra, vì mọi người khác mà phân biệt giảng nói nghĩa kinh. Người ấy liền được nhất thời dứt sạch mọi nghiệp chướng nặng nề từ đời trước, tâm liền được thanh tịnh, được đại tài biện luận, lần lượt hội đủ các ba-la-mật mà trang nghiêm đức hạnh; được các phép Tam-muội, Thủ-lăng-nghiêm Tam-muội, nhập vào môn đại Tổng trì; được sức chuyên cần tinh tấn, nhanh chóng vượt lên đến Thượng địa; có thể biến hóa phân thân ra khắp các cõi nước mười phương, cứu vớt tất cả chúng sanh khổ sở trong hai mươi lăm cảnh Hữu, khiến cho đều được giải thoát. Cho nên kinh này có được sức mạnh như vậy. "Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ chín chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Sức công đức thứ mười chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế hoặc đã nhập diệt, nếu có kẻ nam, người nữ lòng lành nào gặp được kinh điển này, hết sức vui mừng, cho là việc chưa từng có, liền tự mình thọ trì, đọc tụng, cúng dường, lại sao chép ra, rồi y theo lời dạy mà tu hành; lại khuyến khích được nhiều người tại gia, xuất gia cùng thọ trì, đọc tụng, cúng dường, sao chép kinh này, theo như pháp mà tu hành. Khiến cho kẻ khác tu hành, nhờ sức kinh này nên đắc đạo, đắc quả; đó đều là do sức khuyến hóa lòng lành của người trì kinh. Nên ngay trong đời này, người ấy liền được vô lượng các môn Tổng trì. Ở địa vị phàm phu mà tự nhiên có thể phát vô số a-tăng-kỳ lời thệ nguyện rộng lớn, có thể thừa sức cứu vớt hết thảy chúng sanh, thành tựu đức đại bi, cứu bạt những nỗi khổ rộng khắp, gom góp đủ các căn lành, làm lợi ích cho tất cả; lại tuôn mưa Pháp thấm nhuần tốt tươi cho những nơi khô hạn, dùng món thuốc Pháp mà ban cho chúng sanh, khiến hết thảy đều được an lạc; dần dần vượt lên đến Pháp vân địa, ban ân trạch thấm nhuần mọi chốn, lòng từ trải khắp nơi nơi, gồm thâu mọi khổ não của chúng sanh, khiến họ bước vào nẻo đạo. Do vậy, chẳng bao lâu người ấy sẽ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. "Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ mười chẳng thể nghĩ bàn của kinh này. "Thiện nam tử! Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa cao quý hơn hết này có sức đại oai thần như thế, tôn quý chẳng gì bằng, có thể giúp cho phàm phu được thành Thánh quả, mãi mãi dứt lìa sanh tử, thảy đều được tự tại. Vì vậy nên gọi tên kinh là Vô lượng nghĩa, có thể khiến cho hết thảy chúng sanh ở địa vị phàm phu sanh khởi vô lượng mầm đạo của chư Bồ Tát, làm cho cây công đức trở nên to lớn, sum sê. Vì vậy nên kinh này cũng có danh hiệu là Sức công đức chẳng thể nghĩ bàn." Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm cùng với tám mươi ngàn vị đại Bồ Tát đồng thanh bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu, vi diệu, cao cả hơn hết mà Phật đã thuyết, ý nghĩa chân thật, chánh đáng, cao quý hơn hết, chư Phật ba đời đều gìn giữ, hộ trì, chúng ma ngoại đạo không thể xâm nhập, tất cả tà kiến sanh tử không thể làm hư hoại. Cho nên kinh này mới có mười sức mạnh công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, làm lợi ích rất nhiều cho vô lượng hết thảy chúng sanh, khiến tất cả chư đại Bồ Tát đều được phép Tam-muội Vô lượng nghĩa, hoặc được trăm ngàn môn Tổng trì, hoặc được các địa vị trong Thập địa, các pháp nhẫn của Bồ Tát, hoặc được các quả Duyên giác, A-la-hán, chứng bốn Đạo quả. Đức Thế Tôn thương xót đã vui lòng giảng thuyết cho chúng con nghe pháp ấy, khiến được sự lợi ích rất lớn về giáo pháp. Thật là rất lạ, chưa từng có vậy! Chúng con thật khó báo đáp từ ân của Thế Tôn!" Lời ấy vừa nói xong, khắp tam thiên đại thiên thế giới liền chấn động sáu cách. Từ trên không trung, mưa xuống các thứ hoa trời như hoa ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lỵ, lại mưa xuống vô số hương cõi trời, các thứ y phục, anh lạc, châu báu vô giá cõi trời. Từ trên không trung, những thứ ấy dần dần hạ xuống cúng dường Phật cùng chư Bồ Tát, Thanh văn, đại chúng. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong chén bát cõi trời, hiện ra đầy đủ, dư dật. Chỉ cần nhìn và ngửi các món ăn ấy, tự nhiên đã thấy no đủ rồi. Các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời được bày biện ra khắp nơi, trỗi lên âm nhạc cõi trời để ca ngợi, tán thán Phật. Lại chấn động sáu cách lần nữa. Các thế giới chư Phật ở phương đông, nhiều như số cát sông Hằng, cũng mưa xuống những hoa, hương cõi trời, các loại y phục, chuỗi ngọc, châu báu vô giá trên cõi trời. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong chén bát cõi trời; chỉ cần nhìn và ngửi các món ăn ấy, tự nhiên đã thấy no đủ rồi. Các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời trỗi lên âm nhạc cõi trời để ca ngợi, tán thán chư Phật cõi ấy và chúng Bồ Tát, Thanh văn. Ở phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ, phương trên, phương dưới đều lại cũng như vậy. Lúc ấy Phật bảo Đại Bồ Tát Đại Trang nghiêm và tám mươi ngàn vị đại Bồ Tát rằng: "Đối với kinh này, các ông nên khởi lòng kính trọng sâu xa, y như pháp mà tu hành, giáo hóa cho hết thảy, hết lòng truyền bá, lưu hành, thường nên ân cần ngày đêm giữ gìn, bảo vệ, khiến cho chúng sanh đều được lợi ích về pháp. Các ông đúng thật là đại từ, đại bi, đã lập nguyện thần thông mà ưa thích bảo hộ kinh này, chớ để ngưng trệ. Về đời sau, nên lưu hành rộng khắp cõi Diêm-phù-đề, khiến cho tất cả chúng sanh đều được thấy, nghe, đọc tụng, cúng dường, sao chép ra. Nhờ vào việc ấy, sẽ giúp các ông cũng mau đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề." Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm với tám mươi ngàn đại Bồ Tát liền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đi quanh Phật cả trăm ngàn vòng, rồi cùng nhau quỳ xuống, đồng thanh bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Chúng con lấy làm vui thích được đức Thế Tôn đem lòng từ mẫn thuyết cho nghe kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu, vi diệu, cao cả hơn hết này. Chúng con kính vâng lời dạy của Phật, sau khi Như Lai diệt độ, chúng con sẽ làm cho khắp nơi được lưu hành kinh điển này, khiến cho hết thảy chúng sanh đều thọ trì, đọc tụng, cúng dường, sao chép thêm ra. Xin đức Thế Tôn đừng đem lòng lo lắng, chúng con sẽ dùng nguyện lực khiến cho hết thảy chúng sanh đều được oai thần phước lực của kinh điển này." Bấy giờ, Phật khen rằng: "Lành thay, lành thay! Các thiện nam tử! Nay các ông quả thật là Phật tử, đại từ, đại bi, có thể thừa sức cứu bạt khổ ách; là ruộng phước màu mỡ cho hết thảy chúng sanh; rộng vì hết thảy chúng sanh mà làm người dẫn dắt cho theo về đúng nẻo; làm chỗ nương dựa chắc chắn của chúng sanh; là bậc đại thí chủ, thường đem sự lợi ích về giáo pháp mà bố thí rộng rãi cho tất cả." Lúc ấy, hết thảy chúng hội đều vui mừng hoan hỷ, lễ bái đức Phật, thọ trì rồi lui ra. Hết phần nội dung Bản dịch Việt ngữ số 1 của KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA. -------------oooo0O0oooo------------- KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA - Bản dịch Việt ngữ số 2 Dịch giả: Hạnh Cơ (Được xếp vào Đại Chánh Tạng, tập T09 - Kinh số 276 - Tổng cộng kinh này có 1 quyển.) Phẩm 1 ĐỨC HẠNH Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, đức Phật ngự ở núi Kì-xà-quật[1], gần thành Vương-xá[2], cùng với sự hiện diện đông đủ của một vạn hai ngàn vị Tì-kheo lớn[3]; tám vạn vị Bồ-tát lớn[4]; tám bộ chúng[5] Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già; chư vị Tì-kheo, Tì-kheo-ni, Cận-sự-nam, và Cận-sự-nữ cũng đều tụ hội đầy đủ. Các vị đại Chuyển-luân vương, tiểu Chuyển-luân vương, Kim-luân vương, Ngân-luân vương và các Luân vương khác;[6] các vị quốc vương, vương tử, đại thần, quốc dân, quốc sĩ, phu nhân, đại trưởng giả, cùng quyến thuộc của họ đông đến hàng trăm, ngàn, vạn người, cùng nhau đi đến nơi Phật ngự, đầu mặt lạy sát chân Phật, đi nhiễu quanh Phật hàng trăm ngàn vòng, đốt nhiều loại hương, rải nhiều loại hoa để cúng dường Phật, sau đó thì lui ngồi về một bên. Các vị Bồ-tát trong pháp hội như Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử [7], Đại Uy Đức Tạng pháp vương tử, Vô Ưu Tạng pháp vương tử, Đại Biện Tạng pháp vương tử, Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Đạo Thủ, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dược Thượng, Bồ-tát Hoa Tràng, Bồ-tát Hoa Quang Tràng, Bồ-tát Đà La Ni Tự Tại Vương, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Bảo Trượng, Bồ-tát Việt Tam Giới, Bồ-tát Tì Ma Bạt La, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Đại Hương Tượng, Bồ-tát Sư Tử Hống Vương, Bồ-tát Sư Tử Du Hí Thế, Bồ-tát Sư Tử Phấn Tấn, Bồ-tát Sư Tử Tinh Tấn, Bồ-tát Dũng Nhuệ Lực, Bồ-tát Sư Tử Uy Mãnh Phục, Bồ-tát Trang Nghiêm, Bồ-tát Đại Trang Nghiêm, vân vân, các vị Bồ-tát lớn như thế, đông đến tám vạn, cũng đều vân tập đầy đủ. Các vị Bồ-tát trên đây đều là các bậc Pháp-thân Đại-sĩ [8], đã thành tựu giới, định, tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến[9]; tâm thường tĩnh lặng, an trụ nơi chánh định, an nhiên điềm đạm, dứt hết sợ hãi, không còn vọng động, không còn ham muốn; mọi thứ điên đảo, loạn tưởng không thể xâm nhập được. Các Ngài tâm tịch tĩnh lắng trong, chí trống rỗng huyền diệu, hằng giữ không vọng động trải hàng trăm ngàn ức kiếp. Vô lượng pháp môn đều hiện rõ trước mắt, mà với trí tuệ rộng lớn, các Ngài đều thông suốt tất cả, phân biệt rành rẽ, tánh tướng chân thật, không có tốt xấu, rõ ràng minh bạch. Các Ngài cũng biết rõ mọi căn tánh và ước muốn của chúng sinh, dùng biện tài[10] tổng trì[11] vô ngại, thỉnh Phật thuyết pháp, tùy thuận chúng sinh mà hóa độ, trước là làm cho thấm nhuần pháp nhũ để dập tắt dục trần, mở cửa niết bàn, quạt gió giải thoát để trừ sạch phiền não nóng bức ở thế gian, đạt được mọi điều tươi mát. Thứ đến là nói pháp sâu xa Mười hai nhân duyên, rửa sạch vô minh cho đến già bệnh chết, đốt cháy mãnh liệt mọi đau khổ từng tích tụ như ánh sáng mặt trời. Sau đó thì tưới nước pháp đại thừa vô thượng, thấm nhuần tất cả chúng sinh có thiện căn, gieo chủng tử lành vào khắp ruộng công đức, khiến cho tất cả đều phát sinh mầm mống bồ đề; lấy trí tuệ làm ánh sáng mặt trời mặt trăng, lấy phương tiện làm thời tiết, giúp chúng sinh khai thông và tăng trưởng sự nghiệp đại thừa, mau chứng quả Bồ-đề Vô-thượng, thường an trụ nơi cảnh giới an vui nhiệm mầu chân thật, dùng tâm đại bi vô lượng để cứu khổ chúng sinh. Các vị đó đều là chân thiện tri thức. Các vị đó đều là ruộng phước tốt đẹp. Các vị đó đều là bậc thầy không cần cầu thỉnh. Các vị đó là nơi nương tựa chắc chắn, đầy an lành, vui vẻ, là nơi được cứu độ, hộ trì. Nơi nào cũng là bậc đạo sư của mọi người, là cặp mắt sáng cho người mù tối, là tai cho người điếc, là mũi cho người bị xẻo mất mũi, là lưỡi cho người câm ngọng; làm cho những người có các căn bị khuyết tật thì lành lặn đầy đủ, những người điên khùng hoảng loạn được có chánh niệm; làm thuyền trưởng và thủy thủ để chở mọi người qua sông sinh tử, đến bờ niết bàn; làm y sĩ, dược sĩ, chẩn đoán bệnh trạng, hiểu rõ dược tính, tùy bệnh cho thuốc, giúp cho mọi người bình phục an vui; làm bậc điều ngự không có các hành vi buông lung, giống như người điều khiển voi ngựa có thể điều phục những voi ngựa khó điều phục, như sư tử hùng mạnh có uy lực khuất phục các loài thú khác; đó là bậc không ai có thể phá hoại, là Bồ-tát du hí [12] với đầy đủ các ba-la-mật[13], ở nơi lãnh địa của Như Lai, tâm luôn kiên cố, không vọng động, an trú nơi nguyện lực, làm cho khắp cõi Phật đều thanh tịnh, chẳng bao lâu được chứng quả Giác ngộ cao tột. Các vị đại Bồ-tát đó đều có công đức không thể nghĩ bàn như thế. Các vị Tì-kheo trong pháp hội như Đại-trí Xá Lợi Phất, Thần-thông Mục Kiền Liên, Tuệ-mạng Tu Bồ Đề, Đại Ca Chiên Diên, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, A Nhã Kiều Trần Như, Thiên-nhãn A Na Luật, Trì-luật Ưu Ba Li, Thị-giả A Nan, Phật tử La Vân[14], Ưu Ba Nan Đà, Li Bà Đa, Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Châu Đà, Sa Già Đà, Đầu-đà Đại Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp[15], vân vân cả thảy một vạn hai ngàn vị Tì-kheo như vậy, đều là các bậc A-la-hán đã dứt trừ hết phiền não, không còn bị lậu hoặc ràng buộc, được chân chánh giải thoát. Bấy giờ ngài Bồ-tát lớn Đại Trang Nghiêm quan sát khắp đại chúng, thấy mọi người tâm ý đều đã an định, bèn cùng với tám vạn vị Bồ-tát lớn ở trong chúng hội, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến trước Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, đi nhiễu hàng trăm ngàn vòng, đốt hương trời, rải hoa trời; lại có áo cõi trời, chuỗi anh lạc và các loại ngọc quí báu vô giá khác của cõi trời, từ trên hư không từ từ rơi xuống bốn phía như mây tụ để dâng cúng Phật; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí đựng trong bát trời, tràn đầy sung mãn, chỉ cần thấy sắc nghe mùi thì tự nhiên no đủ; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời đặt khắp các nơi, cùng hòa tấu để dâng cúng Phật. Tất cả các vị Bồ-tát lớn ấy cùng quì gối chắp tay trước Phật, một lòng đồng thanh nói bài kệ khen ngợi Phật rằng: “Cao cả thay bậc Thánh Đại Ngộ! Không dơ, không nhiễm, không đắm trước. Đấng Điều Ngự của cả trời người, Gió đạo, hương đức xông tỏa khắp. Trí, tình bình lặng, ngưng suy lự, Ý diệt, thức tiêu, tâm tịch tĩnh, Dứt huyễn mộng, sạch hết vọng tưởng; Không còn các đại, ấm, giới, nhập,[16] Thân Phật chẳng có cũng chẳng không, Chẳng nhân, chẳng duyên, chẳng tự tha, Chẳng vuông, chẳng tròn, chẳng dài ngắn, Chẳng lộ, chẳng ẩn, chẳng sinh diệt, Chẳng tạo, chẳng khởi, chẳng tác vi, Chẳng ngồi, chẳng nằm, chẳng đi đứng, Chẳng động, chẳng chuyển, chẳng nhàn tịnh, Chẳng tiến, chẳng lùi, chẳng an nguy, Chẳng phải, chẳng quấy, chẳng được mất, Chẳng kia, chẳng đây, chẳng đi lại, Chẳng xanh, chẳng vàng, chẳng đỏ trắng, Chẳng hồng, chẳng tím bao màu sắc; Giới, định, tuệ, giải, tri kiến[17] sinh, Ba minh[18], sáu thông[19], đạo phẩm[20] phát, Từ bi, mười lực[21], vô úy[22] khởi, Chúng sinh nương tựa sinh nghiệp lành. Hiện thân trượng sáu màu vàng kim, Nghiêm chỉnh phương phi chiếu sáng ngời, Mặt đẹp trăng tròn sáng mặt trời, Tóc xoắn thẩm xanh, đỉnh nhục kế, Mắt sáng trong thấy suốt mọi chiều, Lông mày biếc, miệng vuông, má đầy, Môi lưỡi đỏ đẹp như trái đỏ, Răng bốn mươi chiếc trắng thanh khiết, Trán rộng mũi thẳng mặt sáng rỡ, Ngực hiện chữ “Vạn” (卍)[23], ức sư tử, Tay chân mềm mại đủ ngàn xoáy, Nách tay trơn liền giữ trong ngoài, Ngón tay thon, cánh tay thẳng dài, Da mịn màng, lông xoáy bên phải, Gót gối không lộ, mã âm kín, Gân nhỏ, xương liền, ruột loài dê, Trong ngoài trong suốt sạch không dơ, Như nước sạch không hề dính bụi. Dường ấy ba mươi hai tướng tốt, Tám mươi vẻ đẹp có thể thấy, Mà thật không tướng, không sắc tướng, Tất cả tướng, mắt đối toàn không, Từ tướng không tướng, có tướng thân, Thân tướng chúng sinh, tướng cũng vậy; Khiến cho chúng sinh vui mừng lạy, Tâm chí thành cung kính ân cần, Nhân đó tiêu trừ lòng kiêu mạn. Thành tựu sắc thân đẹp như thế, Đệ tử chúng con gồm tám vạn, Xin cúi đầu kính lạy qui y, Đấng tư tưởng tâm ý tĩnh lặng, Bậc Thánh Điều Ngự không đắm trước. Cúi đầu qui y pháp, sắc thân, Đủ giới, định, tuệ, giải, tri kiến, Cúi đầu qui y bao tướng đẹp, Cúi đầu qui y khó nghĩ bàn. Tiếng sấm Phạm âm vang tám thứ[24], Vi diệu thanh tịnh rất sâu xa, Bốn đế, sáu độ, mười hai duyên, Tùy thuận chúng sinh nghiệp tâm chuyển, Ai nghe được tâm ý đều mở, Diệt vô lượng phiền não sinh tử. Người nghe hoặc chứng Tu-đà-hoàn, Tư-đà, A-na, A-la-hán, Bậc Duyên-giác vô lậu vô vi, Bậc Bồ-tát không sinh không diệt; Hoặc được vô lượng đà-la-ni[25], Đại biện tài thuyết pháp vô ngại, Diễn nói kệ sâu xa nhiệm mầu, Ao pháp trong thảnh thơi tắm gội, Hoặc bay, hoặc nhảy, hiện thần túc, Thân tự tại ra vào nước lửa. Pháp luân như thế, tướng như thế, Thanh tịnh vô biên khó nghĩ bàn. Chúng con lại cùng nhau cúi đầu, Qui y vào lúc xe pháp chuyển. Cúi đầu qui y tiếng Phạm âm, Cúi đầu qui y duyên, đế, độ [26]. Đức Thế Tôn vô lượng kiếp xưa, Cần khổ tu tập bao đức hạnh, Vì chúng con: người, trời, rồng, thần, Cùng tất cả các loài chúng sinh, Đã từ bỏ những gì khó bỏ, Của báu, vợ con và thành quách; Vì pháp, trong ngoài đều không tiếc, Đầu, mắt, tủy, não, đều cho người; Phụng trì tịnh giới của chư Phật, Dù cho mất mạng không trái phạm; Dù người dùng dao gậy làm hại, Mắng chưởi, nhục mạ, không hề giận; Trải bao kiếp nén mình không mỏi, Ngày đêm tâm trụ cảnh giới thiền; Học khắp tất cả các đạo pháp, Trí tuệ vào sâu căn chúng sinh, Cho nên nay được sức tự tại, Tự tại với pháp, là Pháp Vương. Chúng con xin cúi đầu qui y, Đấng thành tựu những việc khó làm.” Phẩm 2 THUYẾT PHÁP Khi đức Bồ-tát lớn Đại Trang Nghiêm cùng tám vạn vị Bồ-tát lớn khác nói bài kệ khen ngợi Phật xong, lại cùng nhau đồng bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Tám vạn Bồ-tát chúng con, hôm nay, trong giáo pháp của đức Thế Tôn, có điều muốn hỏi, chẳng biết đức Thế Tôn có rủ lòng thương xót chỉ dạy cho không?” Phật bảo Bồ-tát Đại Trang Nghiêm và tám vạn vị Bồ-tát rằng: “Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Thật là đúng lúc để các ông nêu câu hỏi. Không bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập niết bàn. Sau khi Như Lai nhập niết bàn thì sẽ không còn ai có điều nghi ngờ gì nữa. Vậy các ông muốn hỏi gì thì nên hỏi.” Bấy giờ Bồ-tát Đại Trang Nghiêm cùng tám vạn vị Bồ-tát, liền đồng thanh bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Hàng Bồ-tát lớn muốn chứng quả vị Giác ngộ cao tột một cách nhanh chóng, cần phải tu tập những pháp môn gì? Những pháp môn gì có thể giúp cho hàng Bồ-tát lớn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột?” Phật bảo Bồ-tát Đại Trang Nghiêm và tám vạn vị Bồ-tát rằng: “Này thiện nam tử! Có một pháp môn có thể giúp cho hàng Bồ-tát nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu có Bồ-tát nào tu tập pháp môn này thì có thể nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột.” “Bạch Đức Thế Tôn! Pháp môn đó tên gọi là gì? Nghĩa lí ra sao? Bồ-tát nên tu tập như thế nào?” Phật dạy: “Này thiện nam tử! Pháp môn đó được gọi là “Vô Lượng Nghĩa”. Bồ-tát muốn được tu học pháp môn Vô Lượng Nghĩa, cần phải quán sát tất cả các pháp, từ xưa đến nay, tánh tướng đều rỗng lặng; không lớn không nhỏ, không sinh không diệt, không tiến không lùi, không đứng yên cũng không lay động; giống như hư không, không có hai pháp. Nhưng chúng sinh thì hư vọng phân biệt chấp trước, có đây có kia, có được có mất, rồi khởi niệm bất thiện, tạo các nghiệp ác, luân hồi trong sáu nẻo, chịu đủ mọi điều đau khổ, trải vô lượng ức kiếp không thể tự thoát khỏi. Hàng Bồ-tát lớn quán sát thật kĩ càng như thế, sinh lòng thương xót, phát tâm từ bi rộng lớn, muốn đến cứu độ. Bồ-tát lại quán chiếu sâu xa, thâm nhập vào tất cả các pháp để thấy rõ: pháp có pháp tướng như thế thì sinh như thế; pháp có pháp tướng như thế thì trụ như thế; pháp có pháp tướng như thế thì dị như thế; pháp có pháp tướng như thế thì diệt[27] như thế; pháp tướng như thế thì hay sinh pháp ác, pháp tướng như thế thì hay sinh pháp thiện; ba tướng trụ, dị, và diệt cũng giống như vậy. Bồ-tát cứ như thế mà quán chiếu bốn tướng, từ lúc khởi đầu cho đến lúc cuối cùng, thảy đều biết rõ. Thứ đến lại quán chiếu tất cả các pháp, từng niệm từng niệm không đứng yên, lúc nào cũng có cái mới sinh, lúc nào cũng có cái mới diệt; lại quán chiếu để thấy rõ bốn tướng sinh trụ dị diệt đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại. Quán chiếu như thế rồi, Bồ-tát lại thâm nhập vào căn tánh ham muốn của chúng sinh, để thấy rõ rằng, tánh ham muốn của chúng sinh thật là vô lượng, cho nên nói pháp cũng phải vô lượng; nói pháp vô lượng thì nghĩa lí cũng vô lượng. Vô Lượng Nghĩa là do từ một pháp sinh ra; một pháp đó tức là “vô tướng”. Vô tướng như thế tức là không có tướng nào mà chẳng có tướng, chẳng có tướng nào là không tướng, đó gọi là “thật tướng”. Hàng Bồ-tát lớn đã an trụ nơi tướng chân thật như thế rồi, thì tâm từ bi phát khởi rõ ràng, chắc chắn, không hư dối; đối với chúng sinh thật có thể cứu khổ. Khổ đã cứu rồi thì lại thuyết pháp, khiến cho chúng sinh được an vui. “Này thiện nam tử! Nếu hàng Bồ-tát lớn có thể tu tập một pháp môn Vô Lượng Nghĩa như thế thì chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. “Này thiện nam tử! Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, văn lí sâu xa trên hết như thế, chân thật tôn quí không có gì sánh bằng, chư Phật ba đời đều cùng bảo hộ, không một ma vương ngoại đạo nào xâm nhập được, tất cả tà kiến sinh tử đều không thể phá hoại được. Cho nên, này thiện nam tử! Hàng Bồ-tát lớn nếu muốn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, phải nên tu học Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa trên hết này.” Bấy giờ Bồ-tát Đại Trang Nghiêm lại bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn nói pháp không thể nghĩ bàn, căn tánh chúng sinh cũng không thể nghĩ bàn, pháp môn giải thoát cũng không thể nghĩ bàn. Đối với các giáo pháp Đức Thế Tôn đã nói, chúng con không hề nghi hoặc; nhưng vì chúng sinh vẫn còn sinh tâm mê hoặc, cho nên chúng con lại xin hỏi tiếp: Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày Đức Thế Tôn thành đạo, cho đến nay đã hơn bốn mươi năm, thường vì chúng sinh mà nói ý nghĩa về bốn tướng của các pháp; những ý nghĩa về khổ, không, vô thường, vô ngã, không lớn, không nhỏ, không sinh, không diệt; tất cả đều là vô tướng; pháp tánh pháp tướng xưa nay vốn rỗng lặng, không đến, không đi, không hiện, không ẩn. Nếu có người nghe mà chứng được pháp Noãn, pháp Đảnh, pháp Thế-đệ-nhất;[28] hoặc chứng được các quả vị như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán[29], Bích-chi Phật;[30] hoặc phát tâm bồ-đề tiến lên các bậc Sơ-địa, Nhị-địa, Tam-địa, cho đến Thập-địa.[31] Ý nghĩa của các pháp Đức Thế Tôn đã nói ngày trước, có khác gì với pháp nói ngày hôm nay, mà Đức Thế Tôn nói đây là ‘kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa trên hết, hàng Bồ-tát tu tập chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột’? Việc này thế nào, cúi xin Đức Thế Tôn thương xót tất cả chúng sinh mà phân biệt giảng giải, khiến cho ở đời này và trong đời vị lai, nếu có ai nghe được pháp này thì không còn bị mắc trong lưới nghi nữa!” Bấy giờ đức Phật dạy Bồ-tát Đại Trang Nghiêm rằng: “Lành thay! Lành thay! Đại thiện nam tử! Ông đã có thể hỏi Như Lai được nghĩa lí đại thừa vi diệu sâu xa trên hết như thế, thì phải biết rằng ông là người có khả năng làm nhiều điều lợi ích và an lạc cho trời, người, cứu vớt đau khổ cho chúng sinh, đúng thật là tâm từ bi rộng lớn, đáng tin tưởng, không hư dối; do nhân duyên đó mà ông chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, và cũng giúp cho chúng sinh ở đời này và đời sau nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. “Này thiện nam tử! Từ khi ta ngồi sáu năm ở cội cây bồ-đề, chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, dùng Phật nhãn quán sát tất cả các pháp mà không thể tuyên nói, vì sao vậy? Vì tánh ham muốn của chúng sinh không giống nhau. Vì tánh ham muốn mỗi mỗi không giống nhau cho nên thuyết pháp phải dùng sức phương tiện, trải qua hơn bốn mươi năm chưa từng nói rõ nghĩa lí chân thật, đạo quả chúng sinh từng chứng được cũng sai khác, không nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. “Này thiện nam tử! Giáo pháp ví như nước, có thể rửa sạch các nhơ uế. Dù là nước giếng, nước ao, nước khe, nước suối, nước rạch, nước sông, hay nước biển cả, đều có thể rửa sạch nhơ uế; nước pháp kia cũng như vậy, có thể tẩy trừ mọi cấu uế phiền não cho chúng sinh. Này thiện nam tử! Tính chất của nước chỉ có một, nhưng nước giếng, nước ao, nước khe, nước suối, nước rạch, nước sông, nước biển cả thì khác biệt nhau; tính của pháp kia cũng như vậy, khả năng tẩy trừ phiền não thì không khác nhau, nhưng ba pháp[32], bốn quả[33], hai đường[34] thì không đồng nhau. Này thiện nam tử! Nước tuy rửa sạch tất cả, nhưng nước giếng không phải là nước ao, nước ao không phải là nước sông rạch, nước suối khe không phải là nước biển; Như Lai có hùng lực ở thế gian, đối với các pháp đều tự tại, các pháp từng nói ra cũng giống như vậy. Các pháp nói ở lúc đầu, nói ở lúc giữa, hay nói ở lúc sau, đều có thể tẩy trừ phiền não cho chúng sinh, nhưng pháp nói ở lúc đầu không phải là ở lúc giữa, ở lúc giữa không phải ở lúc sau; pháp nói ở lúc đầu, lúc giữa và lúc sau, văn từ tuy một mà nghĩa lí đều khác. “Này thiện nam tử! Khi ta từ cội cây bồ-đề đứng dậy, đi đến vườn Nai[35] ở thành Ba-la-nại[36], vì nhóm ông A Nhã Câu Lân vân vân năm người[37] mà chuyển bánh xe pháp[38], cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sinh diệt trong từng giây phút. Sau đó vào lúc giữa, ở tại đạo tràng này và nhiều nơi khác, ta vì chúng Tì-kheo và hàng Bồ-tát tuyên nói, biện giải Mười hai nhân duyên[39], Sáu pháp qua bờ[40], cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sinh diệt trong từng giây phút. Hôm nay lại ở nơi đây diễn nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sinh diệt trong từng giây phút. Vì vậy cho nên, này thiện nam tử, các pháp nói lúc đầu, nói lúc giữa, hay nói hôm nay, văn từ thì đồng nhất mà nghĩa lí thì sai khác. Vì nghĩa lí sai khác cho nên kiến giải của chúng sinh cũng sai khác. Vì kiến giải sai khác nên sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo[41] cũng sai khác. “Này thiện nam tử! Lúc ban đầu ta vì những người cầu các quả vị Thanh-văn mà nói pháp Tứ đế[42], vậy mà tám ức chư thiên đã hạ giáng nghe pháp và phát tâm Bồ-đề[43]. Lúc giữa ta vì những người cầu quả vị Bích-chi Phật mà nói pháp Mười hai nhân duyên ở khắp nơi, vậy mà đã có vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ-đề, hoặc an trú nơi các quả vị Thanh-văn. Tiếp đó ta nói các kinh phương đẳng[44], mười hai bộ kinh[45], các kinh Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm, nhằm nêu lên công hạnh tu hành của hàng Bồ-tát trải qua nhiều đời kiếp, vậy mà đã có đến hàng trăm ngàn Tì-kheo, vạn ức trời người, vô lượng chúng sinh chứng các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, hoặc an trụ nơi pháp nhân duyên của hàng Bích-chi Phật. Này thiện nam tử! Do ý nghĩa này mà biết rằng, pháp nói ra thì đồng nhau mà nghĩa lí thì sai khác; do nghĩa lí sai khác nên chúng sinh liễu ngộ khác nhau; do liễu ngộ khác nhau nên sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo cũng khác nhau. Vì vậy cho nên, này thiện nam tử, từ khi ta đắc đạo và khởi đầu nói pháp, cho đến hôm nay diễn nói kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, chẳng có lúc nào ta không nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, không phải chân, không phải giả, không phải lớn, không phải nhỏ, xưa vốn không sinh, nay cũng không diệt, tất cả là vô tướng, pháp tướng pháp tánh không đến không đi, mà bốn tướng của chúng sinh[46] thì cứ vẫn biến thiên. “Này thiện nam tử! Do ý nghĩa đó mà chư Phật không nói hai lời; chỉ dùng một âm mà ứng khắp các thứ tiếng; dùng một thân mà thị hiện trăm ngàn muôn ức na-do-tha vô lượng vô số hằng hà sa thân, trong mỗi một thân này lại thị hiện bao nhiêu trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kì hằng hà sa các thứ hình loại, trong mỗi một hình loại này lại thị hiện bao nhiêu trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kì hằng hà sa hình loại khác nữa. Này thiện nam tử! Thế thì cái cảnh giới sâu xa không thể nghĩ bàn của chư Phật, hàng Nhị-thừa[47] không thể biết được, ngay cả hàng Bồ-tát ở cấp Mười-trụ[48] cũng không theo kịp được, chỉ có Phật với Phật mới thấu rõ một cách rốt ráo mà thôi. Này thiện nam tử! Vì vậy cho nên ta nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa vi diệu sâu xa trên hết, văn lí chân thật tôn quí không có gì hơn, chư Phật ba đời đều cùng bảo hộ, không một ma vương ngoại đạo nào xâm nhập được, tất cả tà kiến sinh tử đều không thể phá hoại được, hàng Bồ-tát lớn nếu muốn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, phải nên tu học Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa trên hết này.” Đức Phật nói như thế rồi, ba ngàn đại thiên thế giới[49] rung động sáu cách[50], bỗng nhiên từ không trung mưa xuống rất nhiều thứ hoa trời như ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-vật-đầu, phân-đà-lị; lại rải xuống vô số các thứ hương trời, áo trời, chuỗi anh lạc và các thứ châu báu vô giá khác của cõi trời; tất cả các thứ ấy từ trên không trung xoay vòng rơi xuống, cúng dường Phật, chư vị Bồ-tát và đại chúng Thanh-văn[51]; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí đựng trong bát trời, tràn đầy sung mãn; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời đặt khắp các nơi, cùng hòa tấu để dâng cúng và khen ngợi Phật. Lại nữa, hằng hà sa thế giới chư Phật ở phương Đông cũng rung động sáu cách, cũng có mưa hoa trời, hương trời, áo trời, chuỗi anh lạc và các thứ châu báu vô giá khác của cõi trời; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời cùng hòa tấu để cúng dường và khen ngợi chư Phật, chư vị Bồ-tát và đại chúng Thanh-văn ở các thế giới ấy. Ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương góc[52], phương Trên và phương Dưới cũng đều như thế. Bấy giờ ở trong đại chúng có ba vạn hai ngàn vị Bồ-tát lớn chứng được chánh định Vô lượng nghĩa, ba vạn bốn ngàn vị Bồ-tát lớn đạt được vô lượng vô số môn đà-la-ni, có thể chuyển được bánh xe pháp bất thối chuyển của tất cả chư Phật trong ba đời. Các chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, cận sự nam, cận sự nữ, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già; các vua đại Chuyển-luân, tiểu Chuyển- luân, Ngân-luân, Thiết-luân cùng các Luân vương khác; các vị quốc vương, vương tử, đại thần, quốc dân, nhân sĩ, phu nhân, trưởng giả, cùng hàng trăm ngàn quyến thuộc của họ, khi nghe Phật nói kinh này rồi, đều chứng nhập được hoặc là các pháp Noãn, Đảnh, Thế-đệ-nhất; hoặc là các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật; hoặc chứng được Bồ-tát Vô sinh pháp nhẫn[53]; hoặc đạt được một môn đà-la-ni, hai môn đà-la-ni, ba môn đà-la-ni, hay bốn môn đà-la-ni, cho đến năm, sáu, bảy, tám, chín, mười đà-la-ni; hoặc đạt được đến trăm ngàn vạn ức, cho đến vô lượng vô số hằng hà sa a-tăng-kì đà-la-ni; tất cả đều có thể tùy thuận chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển, và vô lượng chúng sinh phát tâm bồ-đề vô-thượng. Phẩm 3 MƯỜI CÔNG ĐỨC Bấy giờ Bồ-tát Đại Trang Nghiêm lại bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thế Tôn nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa vi diệu sâu xa trên hết này, đúng thật là sâu xa, rất sâu xa, vô cùng sâu xa! Sở dĩ như thế là vì sao? Chư vị Bồ-tát lớn và bốn chúng[54], cùng trời, rồng, quỉ thần, quốc vương và thần dân, cho đến tất cả chúng sinh, khi được nghe Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa vi diệu sâu xa trên hết này, không ai là không đạt được các môn đà-la-ni, hoặc ba pháp, bốn quả, cho đến phát tâm bồ-đề vô-thượng. Nên biết rằng, kinh này văn lí chân chánh, được tôn quí không có gì sánh bằng, được chư Phật ba đời bảo hộ; các ma vương, ngoại đạo không thể xâm nhập được, tất cả các thứ tà kiến sinh tử không thể phá hoại được, vì sao? Vì một khi nghe được kinh này thì có thể gìn giữ tất cả pháp. Nếu có một chúng sinh nào được nghe kinh này thì được lợi ích rất lớn, vì sao? Vì chúng sinh đó nghe kinh này rồi tinh tấn tu tập, thì chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Còn những chúng sinh không được nghe kinh này, phải biết rằng, những chúng sinh đó bị mất lợi ích rất lớn, trải qua vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn a-tăng-kì kiếp, chắc chắn không thể chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, vì sao? Vì những chúng sinh ấy không biết đi thẳng theo con đường lớn đến quả vị Giác ngộ cao tột, lại đi theo con đường nhỏ đầy hiểm trở và mắc nhiều tai nạn. “Bạch Đức Thế Tôn! Kinh điển này không thể nghĩ bàn! Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót khắp cả đại chúng, giải bày những việc sâu xa không thể nghĩ bàn của kinh này. Bạch Đức Thế Tôn! Kinh điển này do từ đâu đến, sẽ đi tới đâu, trụ ở nơi nào, mà có vô lượng năng lực công đức không thể nghĩ bàn như thế, khiến cho chúng sinh nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột?” Bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Đại Trang Nghiêm rằng: “Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Đúng vậy. Đúng vậy. Đúng như ông đã nói. Này thiện nam tử! Ta nói kinh này rất sâu xa, vô cùng sâu xa, chân thật sâu xa. Vì sao như thế? Vì kinh này khiến cho chúng sinh nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, một khi được nghe thì có thể gìn giữ tất cả pháp, đối với chúng sinh có lợi ích rất lớn, vì đi con đường thẳng lớn không có hiểm nạn. “Này thiện nam tử! Ông hỏi kinh này do từ đâu đến, sẽ đi tới đâu, trụ ở nơi nào; vậy ông hãy nghe cho kĩ! “Này thiện nam tử! Kinh này do từ ngôi nhà của chư Phật mà đến, sẽ đi tới tất cả chúng sinh nào phát tâm bồ-đề vô-thượng, trụ nơi chư Bồ-tát ở. Này thiện nam tử! Kinh này đến như thế, đi như thế, trụ như thế; cho nên kinh này mới có vô lượng sức công đức không thể nghĩ bàn như thế, khiến cho chúng sinh nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. “Này thiện nam tử! Ông có muốn nghe kinh này lại còn có mười sức công đức không thể nghĩ bàn không?” Bồ-tát Đại Trang Nghiêm bạch: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con xin muốn được nghe.” Đức Phật dạy: “Này thiện nam tử! Thứ nhất là kinh này có thể khiến cho Bồ-tát chưa phát tâm thì phát tâm bồ-đề; người không có lòng nhân từ thì phát khởi lòng nhân từ; người từng thích giết hại thì khởi tâm đại bi; người hay ganh ghét thì khởi tâm tùy hỉ; người chỉ biết ôm giữ thì khởi tâm xả bỏ; người tham lam keo kiệt thì khởi tâm bố thí; người nhiều kiêu mạn thì khởi tâm hành trì giới luật; người sân hận ngập tràn thì khởi tâm nhẫn nhục; người biếng nhác thì khởi tâm tinh tấn; người thường bị rối loạn thì khởi tâm tu tập thiền định; người ngu si thì khởi tâm trí tuệ; người chưa độ người khác thì khởi tâm độ người khác; người hay làm mười điều ác thì khởi tâm làm mười điều thiện; người ưa thích tu pháp hữu vi thì khởi tâm quyết chí tu pháp vô vi; người có tâm thối lui thì làm cho tâm không còn thối lui; người tu phước hữu lậu thì khởi tâm tu phước vô lậu; người nhiều phiền não thì khởi tâm diệt trừ phiền não. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhất của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhì của kinh này, là nếu chúng sinh nào được nghe kinh này, hoặc nghe một lần, hoặc một bài kệ, cho đến chỉ một câu, thì có thể hiểu suốt trăm ngàn ức ý nghĩa, trải vô lượng vô số kiếp mà không thể nói hết những pháp môn đã được thọ trì, vì sao thế? Vì nghĩa lí của pháp này nhiều vô lượng vậy. Này thiện nam tử! Kinh này ví như từ một hạt giống mà sinh ra trăm ngàn vạn, rồi từ mỗi một trong trăm ngàn vạn hạt giống kia lại sinh ra trăm ngàn vạn nữa, cứ như thế dần dà cho đến vô lượng. Kinh điển này cũng giống như thế, từ một pháp sinh ra trăm ngàn nghĩa, rồi từ mỗi một trong trăm ngàn nghĩa ấy lại sinh trăm ngàn vạn nghĩa nữa, cứ như thế cho đến vô lượng vô biên nghĩa. Vì vậy cho nên kinh này có tên là Vô Lượng Nghĩa. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhì của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ ba của kinh này, là nếu có chúng sinh được nghe kinh này, hoặc nghe một lần, hoặc một bài kệ, cho đến chỉ một câu, liền thông suốt trăm ngàn vạn ức nghĩa lí; thông suốt nghĩa lí như thế rồi thì tuy có phiền não mà như không phiền não, ra vào sinh tử mà không hề có ý tưởng sợ sệt, đối với chúng sinh thì sinh tâm thương xót, đối với các pháp được ý tưởng mạnh mẽ, như người lực sĩ có thể vác, cầm các vật nặng. Người hành trì kinh này cũng giống như thế, có thể gánh vác trách nhiệm nặng nề của đạo quả Bồ-đề Vô-thượng, có thể mang chúng sinh vượt ra khỏi con đường sinh tử. Người đó tuy chưa độ được mình mà đã độ được người, giống như có ông thuyền trưởng gặp lúc bệnh nặng, tay chân bải hoải, phải nằm nghỉ trên bờ, nhưng nhờ có thuyền bè chắc chắn, lại có các vật dụng cần thiết, ông cũng có thể giúp cho hành khách sang được bên kia sông. Người hành trì kinh này cũng giống như thế, tuy thân bị ràng buộc trong năm nẻo hữu tình[55], thường bị 108 thứ bệnh nặng[56] hành hạ, phải nằm trên bờ vô minh già chết, nhưng nhờ có những trang bị chắc chắn của kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa này mà có thể cứu độ chúng sinh; chúng sinh y theo kinh này mà tu hành thì vượt thoát được biển sinh tử. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ ba của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tư của kinh này, là nếu có chúng sinh được nghe kinh này, hoặc một lần, hoặc một bài kệ, cho đến chỉ một câu, liền có được ý tưởng mạnh mẽ, dù chưa độ được mình, cũng có thể độ cho người khác, được chư vị Bồ-tát coi như quyến thuộc, được chư Phật nói pháp cho nghe. Người ấy nghe pháp rồi thì quyết tâm hành trì, luôn kính thuận mà không trái nghịch; lại tùy duyên vì người mà tuyên dương rộng rãi. Này thiện nam tử! Người ấy ví như vị phu nhân của vua vừa sinh vương tử, hoặc một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, hoặc một tháng, hai tháng, cho đến bảy tháng, hoặc một tuổi, hai tuổi, cho đến bảy tuổi, vị vương tử ấy tuy chưa có thể đảm nhiệm việc nước, nhưng đã được thần dân tôn kính, cùng sánh vai bạn bè với các vị vương tử lớn, thường được vua và phu nhân cưng quí nói cười, yêu thương hơn các vương tử khác, vì sao thế? Vì vị vương tử đó hãy còn quá bé nhỏ. Này thiện nam tử! Người hành trì kinh này cũng giống như thế. Chư Phật là quốc vương, kinh này là phu nhân, hòa hợp cùng sinh ra con là Bồ-tát. Nếu Bồ-tát đó nghe được kinh này, hoặc một câu hay một bài kệ, hoặc nghe một lần, hai lần, hoặc mười, một trăm, một ngàn, một vạn lần, hoặc một ức, một vạn ức, hay hằng hà sa vô lượng vô số lần, tuy chưa thể hội chân lí đến chỗ cùng cực, chưa làm chấn động được ba ngàn đại thiên quốc độ bằng pháp âm chuyển bánh xe đại pháp như sấm vang, nhưng đã được tất cả bốn chúng và tám bộ chúng tôn trọng kính ngưỡng, được chư vị Bồ-tát lớn coi là quyến thuộc, được thâm nhập vào pháp bí mật của chư Phật, những gì có thể nói ra đều không trái, không lỗi, thường được chư Phật hộ niệm, từ ái che chở, vì Bồ-tát đó hãy còn là kẻ tân học. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tư của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ năm của kinh này, là nếu người thiện nam hay thiện nữ nào, ở thời Phật đang tại thế, hoặc sau khi Phật diệt độ, được thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa trên hết này, người thiện nam hoặc thiện nữ ấy tuy vẫn còn bị phiền não trói buộc, chưa xa lìa được các sự việc phàm phu, nhưng có thể thị hiện đạo Giác ngộ, kéo dài một ngày ra bằng trăm kiếp, thu ngắn trăm kiếp lại bằng một ngày, khiến cho chúng sinh vui mừng tin phục. Này thiện nam tử! Người thiện nam hoặc thiện nữ ấy giống như rồng con mới sinh bảy ngày mà có thể làm nổi mây lên, cũng có thể làm mưa rơi xuống. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ năm của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ sáu của kinh này, là nếu có người thiện nam hoặc thiện nữ nào, ở thời Phật đang tại thế, hoặc sau khi Phật diệt độ, được thọ trì đọc tụng kinh điển này, tuy vẫn còn bị phiền não trói buộc nhưng có thể vì chúng sinh mà nói pháp, khiến cho chúng sinh tiêu trừ phiền não, dứt hết khổ đau. Chúng sinh nghe rồi liền tu hành đắc pháp, đắc quả, đắc đạo, sánh ngang bằng với chư Phật, không có gì khác biệt; ví như vị vương tử, tuy tuổi vẫn còn nhỏ, nhưng nếu vua đi tuần du hay bị bệnh nặng, ủy thác cho trách nhiệm trị nước, vị vương tử ấy, lúc bấy giờ sẽ y theo mạng vua mà ban hành mệnh lệnh đúng pháp, quần thần bá quan văn võ đem chánh lệnh giáo hóa, khắp cả quốc dân đều được an bình, giống như chính đức vua cai trị, không khác chút nào. Người thiện nam hay thiện nữ thọ trì kinh này cũng giống như thế; hoặc thời Phật đang tại thế, hoặc sau khi Phật diệt độ, người thiện nam hay thiện nữ ấy tuy chưa trụ nơi Sơ-địa[57] cho đến Bất-động-địa[58], nhưng y theo giáo pháp của Phật đã dạy mà diễn nói đúng như thế, chúng sinh nghe xong liền nhất tâm tu hành, đoạn trừ phiền não, đắc pháp, đắc quả, cho đến đắc đạo. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ sáu của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ bảy của kinh này, là nếu có người thiện nam hay thiện nữ nào, ở thời Phật đang tại thế hoặc sau khi Phật diệt độ, được nghe kinh này mà vui mừng tin nhận, cho là điều ít có, bèn thọ trì đọc tụng, biên chép giảng giải, theo đúng giáo pháp mà tu hành, phát tâm bồ-đề, sinh các căn lành, khởi tâm đại bi muốn cứu vớt tất cả khổ não cho chúng sinh, thì tuy chưa tu tập sáu pháp qua bờ mà sáu pháp ấy đã tự nhiên hiện ở trước mặt, và ngay nơi thân này mà chứng được pháp vô sinh nhẫn, mọi phiền não sinh tử liền bị tiêu trừ trong phút chốc, tức khắc đạt đến bậc Thất-địa[59] của hàng Bồ-tát lớn. Ví như người anh hùng vì vua dẹp giặc, khi giặc bị dẹp yên rồi, nhà vua hết sức vui mừng, đem một nửa nước phong thưởng cho. Người thiện nam hoặc thiện nữ thọ trì kinh này cũng giống như thế. Đó là người dũng mãnh nhất trong những người tu hành, sáu pháp qua bờ quí báu không cầu mà tự nhiên đến, giặc oán sinh tử tự nhiên tiêu trừ, chứng vô sinh nhẫn, được phong thưởng một nửa của báu ở nước Phật, an vui tự tại. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ bảy của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tám của kinh này, là nếu có người thiện nam hay người thiện nữ, ở thời Phật đang tại thế hoặc sau khi Phật diệt độ, nghe được kinh điển này mà cung kính tin nhận, coi đó như chính thân Phật không khác, yêu thích kinh ấy và thọ trì đọc tụng, biên chép, tôn kính như đội trên đầu, theo đúng giáo pháp tu hành, chí giữ giới và tâm nhẫn nhục vững chắc, thực hành bố thí, phát tâm từ bi sâu xa, đem kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa trên hết này giảng nói rộng rãi cho mọi người nghe; nếu những người đến trước là hạng người không tin tội phước, thì lấy kinh này mà chỉ dạy, dùng các thứ phương tiện giáo hóa mạnh mẽ, khiến cho họ tin theo, dùng uy lực của kinh này giúp cho tâm họ sáng suốt mà quay về với chánh đạo. Khi lòng tin đã phát sinh thì tinh tấn dũng mãnh, được nhờ thế lực và oai đức của kinh này mà đắc quả, đắc đạo. Vì vậy người thiện nam hay thiện nữ ấy liền ngay nơi thân này mà chứng được vô sinh pháp nhẫn, ở bậc Địa-thượng[60], trở thành quyến thuộc của chư vị Bồ-tát, nhanh chóng thành tựu cõi Phật thanh tịnh nơi cảnh giới chúng sinh, không bao lâu sẽ chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tám của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ chín của kinh này, là nếu có người thiện nam hay thiện nữ nào, ở thời Phật đang tại thế hay sau khi Phật diệt độ, nghe được kinh này thì vui mừng nhảy nhót, cho là được điều chưa từng có, liền thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, vì mọi người mà giảng giải nghĩa lí rõ ràng, thì bao nhiêu nghiệp chướng nặng nề từ nhiều kiếp trước còn sót lại, tức khắc đều được tiêu trừ hết sạch, thân tâm thanh tịnh, được biện tài lớn, lần lượt trang nghiêm các pháp qua bờ, đạt được các loại chánh định như chánh định Thủ-lăng-nghiêm, vào cửa tổng trì, được sức tinh tấn chuyên cần, nhanh chóng tiến lên bậc Địa-thượng, có thể phân thân vô số ở khắp mười phương quốc độ, cứu vớt tất cả chúng sinh đang chịu đau khổ cùng cực trong khắp hai mươi lăm cõi[61], khiến cho tất cả đều được giải thoát; cho nên kinh này có năng lực như thế. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ chín của kinh này. “Này thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ mười của kinh này, là nếu có người thiện nam hay thiện nữ nào, ở thời Phật đang tại thế hoặc sau khi Phật diệt độ, được nghe kinh này liền sinh tâm vui mừng cho là điều ít có, rồi tự mình thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, y theo kinh dạy mà tu hành, sau đó lại khuyến hóa rộng rãi mọi người trong hàng xuất gia cũng như tại gia cùng thọ trì đọc tụng, biên chép, giảng giải, cúng dường, theo đúng giáo pháp mà tu hành. Những người xuất gia và tại gia này tu hành, nhờ năng lực của kinh này mà đắc đạo, đắc quả, đó là đều do lòng từ bi và sức khuyến hóa của người thiện nam hay thiện nữ kia; cho nên người thiện nam hay thiện nữ ấy ngay nơi thân này liền đạt được vô lượng các môn đà-la-ni, ở địa vị phàm phu mà tự nhiên ngay lúc ban đầu có thể phát vô số a-tăng-kì thệ nguyện rộng lớn, thành tựu tâm đại bi, cứu vớt đau khổ rộng khắp chúng sinh, huân tập thiện căn sâu dầy, làm lợi ích cho tất cả, diễn nói giáo pháp làm cho thấm nhuần những chỗ khô cằn, lấy những phương thuốc giáo pháp ban phát cho chúng sinh, làm cho tất cả đều được an vui, dần dần tiến lên đến Pháp-vân-địa[62]. Ân đức của người thiện nam hay thiện nữ ấy thấm nhuần khắp nơi, lòng từ phủ khắp không có gì bị bỏ sót, nhiếp thọ hết chúng sinh đau khổ, dẫn dắt tất cả đều vào đường đạo. Cho nên chẳng bao lâu thì người thiện nam hay thiện nữ ấy chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Này thiện nam tử! Đó là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ mười của kinh này vậy. “Này thiện nam tử! Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa có sức oai thần rộng lớn cùng cực, trên hết là như thế, thật tôn quí không có gì sánh bằng, có thể khiến cho kẻ phàm phu thành tựu được thánh quả, vĩnh viễn xa lìa sinh tử, hoàn toàn tự tại; vì vậy mà nó có tên là Vô Lượng Nghĩa. Nó làm cho tất cả chúng sinh ở ngay nơi địa vị phàm phu mà sinh khởi vô lượng mầm mống của đạo Bồ-tát, khiến cho cây công đức cứ tăng trưởng mãi cho đến khi tươi tốt sum sê; cho nên kinh này có hiệu là Mười Sức Công Đức Không Thể Nghĩ Bàn”. Lúc bấy giờ Bồ-tát Đại Trang Nghiêm cùng tám vạn vị Bồ-tát lớn đồng thanh bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa mầu nhiệm hơn hết mà Đức Thế Tôn vừa nói, văn lí chân chánh, tôn quí không gì sánh bằng, được chư Phật ba đời cùng bảo hộ, ma vương ngoại đạo không thể xâm nhập được, tất cả tà kiến sinh tử không thể phá hoại được; vì vậy cho nên kinh này mới có mười sức công đức không thể nghĩ bàn, làm lợi ích rộng lớn cho tất cả chúng sinh, giúp cho tất cả các vị Bồ-tát lớn đều được chánh định Vô lượng nghĩa, hoặc được trăm ngàn môn đà-la-ni, hoặc được các địa, các pháp nhẫn của bậc Bồ-tát, hoặc chứng được Duyên-giác, La-hán, và bốn đạo quả[63]. Đức Thế Tôn đã thương xót chúng con mà nói ngay giáo pháp như thế, khiến cho chúng con hưởng được lợi ích lớn lao của giáo pháp, thật là kì diệu đặc biệt chưa từng có! Từ ân của Đức Thế Tôn thật khó báo đáp!” Lúc ấy cả ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách, trên không trung mưa xuống rất nhiều loại hoa trời, như hoa ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lị; lại mưa xuống nhiều loại hương trời, áo trời, chuỗi anh lạc và các châu báu vô giá khác của cõi trời; tất cả các thứ ấy từ trên không trung xoay vòng rơi xuống, cúng dường Phật, chư Bồ-tát và đại chúng Thanh-văn; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí đựng trong bát trời, tràn đầy sung mãn, chỉ cần thấy sắc nghe mùi thì tự nhiên no đủ; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời đặt khắp các nơi, cùng hòa tấu để dâng cúng và khen ngợi Phật. Lại nữa, hằng hà sa thế giới chư Phật ở phương Đông cũng rung động sáu cách, cũng có mưa hoa trời, hương trời, áo trời, chuỗi anh lạc và các thứ châu báu vô giá khác của cõi trời; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí đựng trong bát cõi trời, chỉ cần thấy sắc nghe mùi thì tự nhiên no đủ; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời cùng hòa tấu để cúng dường và khen ngợi chư Phật, chư vị Bồ-tát và đại chúng Thanh-văn ở các thế giới ấy. Ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương góc, phương Trên và phương Dưới cũng đều như thế. Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Đại Trang Nghiêm cùng tám vị Bồ-tát lớn rằng: “Các ông đối với kinh này nên đem lòng cung kính sâu xa, theo đúng giáo pháp mà tu hành, ngày đêm gìn giữ ân cần, quảng bá giáo hóa rộng rãi với tất cả lòng siêng năng, khiến cho tất cả chúng sinh đều được ích lợi của giáo pháp. Các ông thật là đại từ đại bi, lập nguyện với sức thần để bảo hộ kinh này, đừng để cho ngưng trệ. Trong đời vị lai phải lưu hành rộng rãi kinh này ở khắp cõi Diêm-phù-đề, khiến cho tất cả chúng sinh đều được thấy nghe, đọc tụng, biên chép, cúng dường. Những công hạnh đó cũng giúp cho các ông nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột.” Khi ấy Bồ-tát Đại Trang Nghiêm cùng tám vạn vị Bồ-tát lớn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến trước Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, đi nhiễu trăm ngàn vòng, rồi quì xuống trước Phật, đồng thanh bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con mong ơn Đức Thế Tôn thương xót, vì chúng con mà nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa nhiệm mầu trên hết này, chúng con xin cung kính thọ nhận lời dạy bảo của Đức Thế Tôn. Sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, chúng con sẽ đem kinh này lưu bố rộng rãi, khiến cho khắp cả chúng sinh thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường. Cúi xin Đức Thế Tôn đừng lo lắng việc ấy. Chúng con sẽ đem nguyện lực khiến cho tất cả chúng sinh được thấy nghe đọc tụng, biên chép cúng dường, được ích lợi lớn do sức oai thần của kinh pháp này.” Bấy giờ đức Phật liền khen ngợi rằng: “Lành thay! Lành Thay! Này các thiện nam tử! Các ông hôm nay chân chánh là các Phật tử! Tâm đại từ đại bi của các ông có thể cứu vớt mọi khổ ách. Các ông là những người hướng đạo tốt, tất cả chúng sinh đều nương vào các ông làm nơi y chỉ. Các ông thường đem lợi ích của giáo pháp ban phát rộng khắp cho tất cả chúng sinh, cho nên các ông cũng là những vị thí chủ lớn, làm ruộng phước tốt của tất cả chúng sinh.” Khi Phật nói xong, tất cả đại chúng trong pháp hội đều vui mừng cùng cực, xin nguyện thọ trì, rồi đảnh lễ Phật và lui ra.
CHÚ THÍCH: [1] Kì-xà-quật: là tiếng dịch âm từ chữ Phạn “Grdharakuta”, dịch nghĩa ra Hán ngữ là Thứu-phong hay Linh-thứu, là tên một ngọn núi nằm về phía Đông-Bắc, và cũng là ngọn núi lớn nhất trong năm ngọn núi bao quanh thành Vương-xá. Đỉnh núi trông giống như đầu chim thứu (tức chim kênh-kênh, thích ăn xác chết), lại trong núi có rất nhiều chim thứu, nên ngọn núi được đặt tên như vậy. Cảnh trí trên núi rất đẹp đẽ, có khe suối chứa nước trong lành, có nhiều hang động kín đáo, rất thuận tiện cho sự tu tập của chư tăng. Tu viện Trúc-lâm vẫn là đạo tràng chính ở thành Vương-xá, nhưng khoảng 15 năm sau ngày thành đạo, mỗi khi trở về Vương-xá hoằng hóa, đức Phật thường ngự trên núi Linh-thứu. Từ đó, núi này đã trở thành một đạo tràng nổi tiếng của đức Phật. Trên đỉnh núi có đàn nói pháp, có tịnh thất của Phật và của các vị đệ tử lớn của Ngài. Vua Tần Bà Sa La (vua của nước Ma-kiệt-đà thời Phật tại thế) đã cho xây mấy trăm bậc cấp bằng đá suốt từ chân núi lên đến đỉnh núi. Các thung lũng nhỏ được san bằng. Các khe suối thì vua cho bắc cầu để dễ qua lại. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy khắp thành Vương-xá. Các bậc cấp lên núi ngày nay vẫn còn. Các di tích khác từ thời Phật tại thế như nền đá của đàn nói pháp, các thạch thất của Phật và chư vị tôn giả, nơi Phật bị mảnh đá văng trúng chân (do Đề Bà Đạt Đa từ trên cao xô xuống để hại Phật), v.v... hiện nay vẫn còn. [2] Thành Vương-xá: là kinh đô nước Ma-kiệt-đà thời Phật tại thế (nay là xứ Rajgir, phía Nam thành phố Patna); và vị quốc vương đương thời là Tần Bà Sa La. Trước vua Tần Bà Sa La, kinh đô của nước Ma-kiệt-đà được đặt tại thành Thượng-mao-cung, cũng gọi là thành Cựu-vương-xá. Sau khi lên ngôi, vua Tần Bà Sa La đã chọn khu đất ở phía Bắc thành này, có năm ngọn núi bao bọc chung quanh, kiến tạo nên thành Vương-xá, rồi thiên đô về đó. Con của vua Tần Bà Sa La là thái tử A Xà Thế, sau khi lên ngôi kế vị, vẫn giữ kinh đô là thành Vương-xá; nhưng từ sau khi thôn tính nước Bạt-kì, đã thiên đô đến thành Hoa-thị (tức thành Ba-tra-liên-phất) ở tả ngạn sông Hằng (nay là thành phố Patna). Thành Vương-xá là một trong các trung tâm hóa đạo quan trọng nhất trong thời Phật tại thế, mà Trúc-lâm, Linh-thứu ở ngoại thành là hai đạo tràng trứ danh của đức Phật ở nước Ma-kiệt-đà. Thành này cũng là nơi thánh điển được kết tập lần đầu tiên sau ngày đức Thế Tôn nhập diệt. [3] Tì-kheo lớn (đại tì-kheo): chỉ cho các vị tì-kheo đã chứng quả A-la-hán. [4] Bồ-tát lớn (đại Bồ-tát): chỉ cho các vị Bồ-tát từ bậc Sơ-địa trở lên. [5] Tám bộ chúng (bát bộ chúng, hay thiên long bát bộ): chỉ cho các vị thần phát tâm bảo hộ Phật pháp: Thiên, Long, Dạ-xoa (một loài quỉ), Càn-thát-bà (thần âm nhạc), A-tu-la, Ca-lâu-la (loài chim thần cánh vàng), Khẩn-na-la (thần xướng ca), Ma-hầu-la-già (thần rắn). Các loài trên, vì được cảm hóa bởi uy đức của Phật cho nên đã trở thành quyến thuộc của Phật, phát tâm hộ trì Phật pháp và bảo hộ tất cả các quốc độ của chư Phật. [6] Chuyển-luân vương (hay Luân vương), nói cho đủ là Chuyển- luân thánh vương, là từ dịch ý của tiếng Phạn “cakra-varti-rajan”, nghĩa là người chủ của bánh xe báu xoay chuyển. Luân vương là vị có phước báo bậc nhất ở nhân gian, là vua của tất cả vua chúa trong thiên hạ. Tùy theo chất liệu làm thành bánh xe báu và giới hạn lãnh địa cai trị, nhất là phước báo riêng của từng vị, mà phân biệt có bốn bậc Luân vương: Thấp nhất là Thiết Luân vương (Luân vương có bánh xe bằng sắt), thống trị một châu là Nam Thiệm-bộ (tức châu Diêm-phù-đề); cao hơn là Đồng Luân vương (Luân vương có bánh xe bằng đồng), thống trị hai châu là Nam Thiệm-bộ và Đông Thắng-thân; trên nữa là Ngân Luân vương (Luân vương có bánh xe bằng bạc), thống trị ba châu là Nam Thiệm-bộ, Đông Thắng-thân và Tây Ngưu-hóa; tối cao là Kim Luân vương (Luân vương có bánh xe bằng vàng), thống trị cả bốn châu thiên hạ, gồm ba châu trên và châu Bắc Câu-lô. (Xin xem thêm “Bài 4”, sách Giáo Khoa Phật Học Cấp Hai, quyển Thượng, cư sĩ Hạnh Cơ dịch và chú thích bổ túc, Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam ấn hành, để biết rõ nhiều chi tiết hơn về Chuyển-luân thánh vương.) [7] Pháp vương tử: Đức Phật tự tại với tất cả các pháp, nên xưng Ngài là Pháp vương; do đó, các đệ tử của Phật được gọi là “pháp vương tử”. [8] Pháp-thân Đại-sĩ: Bồ-tát cũng gọi là “Đại-sĩ”. Pháp-thân Đại-sĩ tức là Pháp-thân Bồ-tát, là các vị Bồ-tát đã dầy công tu hành trải bao số kiếp, đã diệt hết phiền não, chứng được sáu thần thông, đoạn trừ một phần vô minh, hiển lộ một phần pháp tánh; một cách chính xác, đó là chư vị Bồ-tát lớn từ bậc Thập-địa trở lên. Ngược lại, các vị Bồ-tát chưa đoạn trừ hết phiền não thì gọi là “Sinh-thân Đại-sĩ”, hay “Sinh-thân Bồ-tát”. [9] Giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến là năm thứ công đức vốn có đầy đủ trong tự thể của Phật, được gọi là “năm phần pháp thân” (ngũ phần pháp thân). 1) Giới (tức giới pháp thân) là thân ngữ ý của Phật đều thanh tịnh, không bao giờ có một lầm lỗi nhỏ nhặt nào. 2) Định (tức định pháp thân) là chân tâm tịch tịnh của Phật, tự tánh bất động, hoàn toàn xa lìa mọi vọng niệm. 3) Tuệ (tức tuệ pháp thân) chính là căn bản trí, là chân tâm rỗng sáng của Phật, tự thể không hôn ám, thấu suốt pháp tánh. 4) Giải thoát (tức giải thoát pháp thân) là tự thể không hệ lụy của Phật, giải thoát tất cả mọi ràng buộc. 5) Giải thoát tri kiến (tức giải thoát tri kiến pháp thân) là tuệ giác của Phật chứng biết tự thể xưa nay vốn không nhiễm ô, đã thật sự giải thoát. Đôi khi HƯƠNG được đem dùng để ví dụ cho pháp thân, cho nên năm phần pháp thân cũng được gọi là “năm phần hương” (ngũ phần hương), tức giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, và giải thoát tri kiến hương. Năm phần pháp thân giải thích như trên là theo Phật giáo đại thừa; còn theo cách giải thích của Phật giáo tiểu thừa thì giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến là năm thứ công đức vô lậu tập hợp thành cảnh giới giác ngộ cao tột của bậc Vô-học (tức quả vị A-la-hán của Thanh-văn thừa và quả vị Phật-đà của Bồ-tát thừa), cho nên chúng được gọi là “năm uẩn vô lậu” (vô lậu ngũ uẩn). 1) Giới uẩn tức là hai nghiệp thân và ngữ vô lậu. 2) Định uẩn tức là ba thứ chánh định không, vô tướng và vô nguyện. 3) Tuệ uẩn tức là chánh tri, chánh kiến của bậc Vô-học. 4) Giải thoát uẩn tức là sự thắng giải tương ưng với chánh kiến. 5) Giải thoát tri kiến uẩn tức là tận trí (đoạn diệt hết phiền não mà chứng nhập trí tuệ vô lậu của bậc Vô-học) và vô sinh trí (trí tuệ biết rõ là trí tuệ của mình không bị thối thất. Đối lại với năm uẩn vô lậu đó là năm uẩn hữu lậu (tức sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là năm yếu tố làm thành hữu tình chúng sinh. [10] Biện tài: “Biện” là cách diễn bày bằng ngôn ngữ; “biện tài” là tài hùng biện, trong thuật ngữ Phật học nó đặc biệt được dùng để chỉ cho tài năng thuyết pháp. Chư Phật và Bồ-tát, trải từ bao nhiêu kiếp, do ngữ nghiệp thanh tịnh mà có đầy đủ các thứ biện tài như: thuyết mọi pháp môn không bị chướng ngại; giải rõ mọi nghĩa lí không bị chướng ngại; dùng từ để diễn đạt không bị chướng ngại; diễn nói một cách chính xác, tự tại, không bị chướng ngại. [11] Tổng trì là dịch ý từ tiếng Phạn “đà-la-ni”, tức là sức trí tuệ ghi nhớ có thể tổng nhiếp nhớ giữ vô lượng Phật pháp mà không để bị quên mất. [12] Du hí: Người đời thường dùng từ “du hí” để chỉ cho việc đi đây đó vui chơi không mục đích; trong Phật giáo, “du hí” có nghĩa là đi đó đây để giáo hóa độ sinh. Những ai đi đây đó giáo hóa độ sinh một cách tự tại, không bị bất cứ sức mạnh nào làm cho trở ngại, chùng bước, gọi là có “thần thông du hí”. [13] Các ba-la-mật: Tiếng Phạn “ba-la-mật” hay “ba-la-mật-đa”, dịch ra Hán ngữ là “cứu cánh” (rốt ráo), “độ” (qua sông), hay “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia), dùng để chỉ cho các pháp môn tu tập của hàng Bồ-tát. Bồ-tát tu tập các pháp môn này để tự mình đạt được giác ngộ giải thoát và giúp cho mọi người giác ngộ giải thoát. Một cách căn bản, có sáu pháp môn như vậy, được gọi là “lục ba-la-mật”, hay “lục độ” (sáu pháp qua bờ), gồm có: bố thí ba-la-mật, trì giới ba-la-mật, nhẫn nhục ba-la-mật, tinh tấn ba-la-mật, thiền định ba-la-mật, và trí tuệ ba-la-mật. (Xem chú thích số 40 ở sau.) [14] La Vân tức là tôn giả La Hầu La. [15] Trong số các vị Tì-kheo được nêu tên trên đây, 10 vị tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Đại Ca Chiên Diên, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, A Na Luật, Ưu Ba Li, A Nan, La Vân, và Đại Ca Diếp, được tôn xưng là “mười vị đệ tử lớn” (thập đại đệ tử) của Phật. (Để biết rõ tiểu sử, hành trạng của quí vị tôn giả này, xin xem sách Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật, cư sĩ Hạnh Cơ dịch, ấn bản mới nhất năm 2005 của chùa Liên Hoa và hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County.) [16] Đại, ấm, giới, nhập: 1) “Đại” tức là những nguyên tố lớn, có cùng khắp, hòa hợp với nhau mà làm nên vạn pháp trong vũ trụ; ví dụ: toàn thể sắc pháp (vật chất) trong vũ trụ và thân thể của các loài hữu tình (rõ nhất là thân thể con người) là do bốn nguyên tố lớn (tứ đại) sau đây hợp thành: đất (địa đại), nước (thủy đại), lửa (hỏa đại) và gió (phong đại); nếu thêm nguyên tố hư không (không đại) thì có “ngũ đại”. Nếu kể cả phần tinh thần của các loài hữu tình (rõ nhất là con người) thì phải thêm hai nguyên tố kiến (kiến đại – tánh thấy) và thức (thức đại - nhận thức phân biệt), như thế là có bảy nguyên tố lớn (thất đại). Lại nữa, vạn vật trong vũ trụ luôn luôn trôi chảy, cho nên đã có nguyên tố không gian thì đồng thời cũng có nguyên tố thời gian, vậy thời gian cũng là một nguyên tố lớn góp phần hình thành vạn pháp trong vũ trụ; do đó, nói về “đại” thì có tất cả là 8 đại (bát đại): địa, thủy, hỏa, phong, không, thời, kiến và thức. 2) “Ấm” tức là “uẩn”, là các yếu tố tinh thần và vật chất cùng hòa hợp để cấu tạo nên con người, gồm có 5 yếu tố (ngũ ấm, hay ngũ uẩn): sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Trong năm yếu tố này thì sắc thuộc về sắc pháp (vật chất); còn thọ, tưởng, hành và thức thì thuộc về tâm pháp (tinh thần). 3) Nhập là chỉ cho 6 căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, và ý) và 6 cảnh (hay 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp). Chữ “nhập” ở đây có nghĩa là tiếp xúc với nhau, tức là 6 căn và 6 cảnh tiếp xúc với nhau, như nhãn căn tiếp xúc với sắc cảnh, nhĩ căn tiếp xúc với thanh cảnh, ý căn tiếp xúc với pháp cảnh v.v... Ở đây, cảnh là đối tượng của căn, và vì căn với cảnh, mỗi bên đều có 6 pháp, cho nên gọi là “6 nhập” (lục nhập); lại vì căn thì ở trong tự thân con người, còn cảnh thì ở bên ngoài tự thân con người, nên 6 căn được gọi là “6 nhập trong” (lục nội nhập), và 6 cảnh thì được gọi là “6 nhập ngoài” (lục ngoại nhập). Cộng 6 nhập trong và 6 nhập ngoài thì có 12 nhập, nên “6 nhập” (lục nhập) cũng tức là “12 nhập” (thập nhị nhập). 4) Giới nghĩa là khu vực, tức là mỗi pháp có khu vực, giới hạn riêng của nó, pháp này không lẫn lộn được với pháp kia. Vạn pháp trong vũ trụ được bao hàm trong 18 khu vực (thập bát giới) gồm có: 6 căn, 6 cảnh (như vừa nói trên) và 6 thức. Khi một căn tiếp xúc với đối tượng của nó (cảnh) thì phát hiện ra một thức; ví dụ, khi nhãn căn tiếp xúc với sắc cảnh thì liền có nhãn thức, ý căn tiếp xúc với pháp cảnh thì liền có ý thức, v.v... Tóm lại, 6 căn (nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn, thân căn, ý căn), 6 cảnh (sắc cảnh, thanh cảnh, hương cảnh, vị cảnh, xúc cảnh, pháp cảnh) và 6 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức), cộng lại là 18 khu vực. Tất cả mọi sự mọi vật trong vũ trụ đều bao gồm trong 18 khu vực này. [17] Giới, định, tuệ, giải, tri kiến: tức giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến (như vừa trình bày trong chú thích số 9 ở trên). [18] Ba minh (tam minh): cũng gọi là “tam đạt”, là ba thứ trí sáng suốt của phật, biết rõ mọi sự việc phân minh rõ ràng; đó là: 1) Túc mạng minh: biết rõ từ một cho đến trăm ngàn vạn ức kiếp trước của chính mình và của chúng sinh. 2) Thiên nhãn minh: biết rõ tất cả các tướng trạng sinh tử của chúng sinh, như chúng sinh nào do tà pháp làm nhân duyên mà tạo ra các hành động ác, để rồi khi chết đi phải đọa vào các đường ác; hoặc chúng sinh nào do chánh pháp làm nhân duyên mà tạo ra các hành động thiện, sau khi chết được sinh về các nẻo thiện; v.v... 3) Lậu tận minh: chứng nhập lí tứ đế, thấy rõ tướng như thật của vạn pháp, diệt trừ hết sạch mọi thứ phiền não, hoàn toàn giác ngộ giải thoát. [19] Sáu thông (lục thông) tức là sáu thần thông, là sáu năng lực mầu nhiệm, tự tại vô ngại, siêu việt thế gian, không thể nghĩ bàn, do công phu tu tập thiền định mà đạt được. 1) Thần túc thông: tùy ý muốn đi đâu thì tự khắc đến đó; tùy ý muốn chuyển biến tướng trạng như thế nào thì tức khắc có tướng trạng đó; riêng đức Phật còn có năng lực tùy ý biến cải đối cảnh, tự tại vô ngại. 2) Thiên nhãn thông: thấy suốt các tướng khổ vui, sinh tử của chúng sinh trong sáu đường; thấy tất cả mọi loài mọi vật trong thế gian, bất luận xa gần, lớn nhỏ, có hình sắc hay không có hình sắc, không có gì ngăn cách, chướng ngại. 3) Thiên nhĩ thông: nghe rõ tất cả âm thanh, ngôn ngữ, những tiếng kêu than đau khổ, những lời mừng vui sung sướng của mọi loài chúng sinh trong sáu đường. 4) Tha tâm thông: biết rõ tâm ý, những tư tưởng lành dữ của mọi loài chúng sinh trong sáu đường. 5) Túc mạng thông: thấy rõ đời sống cùng những việc làm của chính mình và của mọi chúng sinh khác trong nhiều kiếp quá khứ. 6) Lậu tận thông: đoạn trừ tất cả phiền não (kiến tư hoặc) trong ba cõi, vĩnh viễn thoát li sinh tử luân hồi. Trong sáu thần thông trên, riêng pháp lậu tận thông thì chỉ có bậc A-la-hán và Phật mới chứng được; năm pháp thần thông còn lại, được gọi là “ngũ thông”, thì bất cứ ai, kể cả ngoại đạo, tu định đạt đến Tứ-thiền đều chứng được, nhưng không thù thắng bằng các bậc A-la-hán và Phật. Lại nữa, trong sáu thần thông trên, ba pháp thiên nhãn thông, túc mạng thông và lậu tận thông của Phật được gọi là “ba minh” (tam minh), như vừa trình bày trong chú thích số 18 kế trên. [20] Đạo phẩm: tức là 37 phẩm trợ đạo (tam thập thất trợ đạo phẩm), được coi là 37 pháp môn tu tập căn bản của đạo Phật, là 37 yếu tố làm trợ lực lớn cho hành giả trên đường tu tập cho đến khi đạt được đạo quả Giác ngộ cao tột. 37 pháp môn ấy được chia thành 7 nhóm: 1) 4 lãnh vực quán niệm (tứ niệm xứ): - quán niệm rằng thân thể là không trong sạch (quán thân bất tịnh); - quán niệm rằng mọi cảm thọ đều chỉ là đau khổ (quán thọ thị khổ); - quán niện rằng tâm ý là vô thường (quán tâm vô thường); - quán niệm rằng vạn pháp là vô ngã (quán pháp vô ngã). 2) 4 sự cần mẫn chân chánh (tứ chánh cần): - phải chấm dứt triệt để các hành động xấu (của cả thân, ngữ và ý) đã làm, không tái phạm, không để cho chúng tăng trưởng thêm (đoạn dĩ sinh chi ác); - phải ngăn ngừa, chận đứng các hành động xấu có thể, nhưng chưa xảy ra (sử vị sinh chi ác bất sinh); - phải thực hiện các việc tốt đáng thực hiện, nhưng chưa thực hiện (sử vị sinh chi thiện năng sinh); - phải tiếp tục đẩy mạnh và hoàn tất các việc tốt đang được thực hiện (sử dĩ sinh chi thiện năng tăng trưởng). 3) 4 pháp như ý (tứ như y túc): - lòng mong muốn đạt được đạo quả Giác ngộ (dục như ý túc); - tâm chuyên chú vào đạo quả Giác ngộ (niệm, hay định như ý túc); - chí kiên trì tiến tới đạo quả Giác ngộ (tinh tấn như ý túc); - tham cứu, tư duy, quán chiếu về thực tại để đạt được đạo quả Giác ngộ (quán, hay tư duy như ý túc). 4) 5 khả năng (ngũ căn): - lòng tin tưởng sâu đậm vào Ba Ngôi Báu (tín căn); - chí kiên trì tu học và hành đạo (tinh tấn căn); - thường trực sống trong chánh niệm (niệm căn); - tâm ý tập trung, tĩnh lặng, không vọng động (định căn); - quán chiếu để thấy rõ thật tướng của vạn pháp (tuệ căn). 5) 5 sức mạnh (ngũ lực): Khi tu tập năm khả năng như trên thì chính chúng sẽ trở thành năm sức mạnh để đánh tan mọi phiền não, chướng ngại: - lòng tin tưởng vào Tam Bảo trở nên lớn mạnh (tín lực) thì đánh tan mọi tin tưởng sai lầm; - chí kiên trì tu học và hành đạo trở nên lớn mạnh (tinh tấn lực) thì đánh tan tính lười biếng, buông lung, hôn trầm nơi bản thân; - nếp sống chánh niệm trở nên lớn mạnh (niệm lực) thì không còn những tư tưởng sai quấy, không nghĩ đến những điều vô ích; - sự tập trung tâm ý trở nên lớn mạnh (định lực) thì mọi loạn tưởng, vọng động sẽ tan biến hết; - trí tuệ quán chiếu trở nên lớn mạnh (tuệ lực) thì mọi phiền não, kiến chấp, tà kiến, vô minh đều bị bật hết gốc rễ, thật tướng của vạn pháp hiển lộ. 6) 7 yếu tố giác ngộ (thất giác chi): - an trú trong chánh niệm (niệm giác chi); - chọn lựa pháp môn (trạch pháp giác chi), cũng tức là tư duy, quán sát, phân biệt để thấy rõ thiện và bất thiện (phân biệt giác chi); - kiên trì tu tập (tinh tấn giác chi); - vui vẻ, ôn hòa (hỉ giác chi); - tâm thư thái nhẹ nhàng (khinh an giác chi); - tâm ý tĩnh lặng, không vọng động (định giác chi); - buông bỏ mọi kiến chấp về nhân ngã, bỉ thử để tâm được trong sáng (xả giác chi). 7) 8 nguyên tắc hành động chân chính (bát chánh đạo): - thấy biết chân chánh (chánh tri kiến); - suy nghĩ chân chánh (chánh tư duy); - nói năng chân chánh (chánh ngữ); - hành động chân chánh (chánh nghiệp); - mưu sinh chân chánh (chánh mạng); - siêng năng chân chánh (chánh tinh tấn); - nhớ nghĩ chân chánh (chánh niệm); - thiền định chân chánh (chánh định). [21] Mười lực (thập lực): cũng gọi là mười trí lực (thập trí lực) hay mười thần lực (thập thần lực), là mười sức trí tuệ chỉ có Phật mới có đầy đủ. Đó là trí tuệ chân thật, thấy rõ, thấu suốt tất cả, không ai có thể hơn được, không gì có thể phá hủy được. Mười sức trí tuệ đó là: 1) Sức trí tuệ biết rõ mọi điều đúng đạo lí hay không đúng đạo lí của chúng sinh. 2) Sức trí tuệ biết rõ nghiệp báo suốt ba đời của chúng sinh. 3) Sức trí tuệ biết rõ tiến trình giải thoát bằng thiền định của chúng sinh. 4) Sức trí tuệ biết rõ các căn tánh cao thấp của chúng sinh. 5) Sức trí tuệ biết rõ mọi hiểu biết của chúng sinh. 6) Sức trí tuệ biết rõ mọi lãnh vực khác nhau ở thế gian. 7) Sức trí tuệ biết rõ mọi đường đi chỗ đến của sáu nẻo luân hồi và cảnh giới niết bàn. 8) Sức trí tuệ biết rõ mọi việc đời vị lai của chúng sinh, như dùng thiên nhãn, không bị chướng ngại (tức là thiên nhãn minh). 9) Sức trí tuệ biết rõ các kiếp trước xa xôi của chúng sinh (tức là túc mạng minh). 10) Sức trí tuệ biết rõ tất cả các tập khí đều đã dứt tuyệt (tức lậu tận minh). [22] Vô úy là không sợ sệt, tức là đức tính tự tin, dũng mãnh, không có gì làm cho mình sợ sệt; nhờ đức tính này mà công việc giáo hóa độ sinh được dễ dàng, không bị trở ngại. Phật và Bồ-tát đều có bốn đức tính (tứ vô úy, hay tứ vô sở úy) này, nhưng không giống nhau: a. Bốn đức vô úy của Phật: 1) Phật biết rõ tất cả các pháp, luôn luôn trụ nơi chánh kiến, rất tự tin, không có gì làm cho sợ sệt. 2) Phật đã dứt tuyệt mọi phiền não, không một thứ chướng nạn nào làm cho sợ sệt. 3) Phật chỉ rõ các phương pháp tu tập để vượt chướng ngại, không một lời cật vấn nào làm cho sợ sệt. 4) Phật chỉ bày cặn kẽ con đường dứt tuyệt khổ đau mà không có gì làm cho sợ sệt. b. Bốn đức vô úy của Bồ-tát: 1) Bồ-tát thọ trì giáo pháp không xao lãng, cho nên rất tự tin khi thuyết pháp trước đại chúng, không có gì làm cho sợ sệt. 2) Bồ-tát biết rõ căn tánh của chúng sinh, cho nên khéo léo hướng dẫn chúng sinh tu tập, lòng rất tự tin, không có gì làm cho sợ sệt. 3) Bồ-tát khéo léo giải đáp tất cả mọi câu hỏi đúng như chánh pháp, không có gì làm cho sợ sệt. 4) Bồ-tát khéo léo giải tỏa tất cả mọi nghi nan đúng như chánh pháp, không có gì làm cho sợ sệt. [23] Chữ “VẠN” (卍): Thật ra đây không phải là một chữ, mà là hình dạng của một tướng tốt của đức Phật và chư vị Bồ-tát ở bậc Thập-địa và Đẳng-giác; biểu hiện cho đức cát tường. Người Trung-quốc còn viết nó thành chữ “萬” (vạn) để biểu ý rằng Phật có đủ vạn công đức thù thắng. Nguyên vào thời tối cổ của Ấn-độ, hình “卍” được coi là một phù hiệu, chính là sợi lông xoắn ở trên ngực trời Phạm Thiên, tiêu biểu cho sự cát tường, thanh tịnh và viên mãn. Trong thời Phật tại thế, phù hiệu ấy được cả Phật giáo, Bà-la-môn giáo và Kì-na giáo đều sử dụng. Riêng trong Phật giáo, nó được coi là một tướng tốt hiện trước ngực của Phật và chư vị Pháp-thân Bồ-tát; về sau nó dần dần trở thành một phù hiệu đặc biệt đại biểu cho Phật giáo. Ngoài Ấn-độ ra, các dân tộc thuộc giống người Aryan thời cổ như Ba-tư, Hi-lạp, Phổ (Đức) v.v... cũng dùng hình trên làm phù hiệu, tượng trưng cho ánh sáng mặt trời, ánh sáng điện, ánh sáng lửa v.v... [24] Tám thứ Phạm âm (bát Phạm, hay bát chủng Phạm âm thanh) cũng gọi là tám thứ âm thanh tịnh (bát chủng thanh tịnh âm), tức là âm thanh đức Phật phát ra, ngôn từ thanh nhã, có đủ tám thứ công đức thù thắng, khiến cho những ai được nghe liền hiểu rõ ràng; đó là: 1) Âm thanh hay cùng cực, nghĩa là, chư vị Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác, trời và người, tuy cũng có âm thanh hay nhưng chưa đạt đến chỗ cùng cực, chỉ có âm thanh của Phật là hay hơn hết, đạt đến chỗ cùng cực, khiến cho người nghe không biết nhàm chán, được thâm nhập vào đạo nhiệm mầu. 2) Âm thanh mềm mỏng, nghĩa là, đức Phật lấy từ bi làm tâm, âm thanh phát ra khéo léo thuận tình, khiến cho người nghe vui mừng, xả bỏ tính ương ngạnh. 3) Âm thanh hòa nhã, nghĩa là, đức Phật thường giữ mức trung đạo, dịu dàng thung dung, âm thanh phát ra hòa nhã, thích hợp, khiến cho người nghe đều được vừa ý, nhân âm thanh đó mà thể hội nghĩa lí. 4) Âm thanh tôn quí rõ suốt, nghĩa là, công đức của Phật ở địa vị tôn quí tối cao, tuệ tâm rỗng suốt, âm thanh phát ra làm cho người nghe tôn trọng, trí tuệ sáng tỏ. 5) Âm thanh không nhàm chán, nghĩa là, đức Phật thường an trú trong định “Thủ-lăng-nghiêm” (dũng mãnh kiên cố), có đức đại hùng, âm thanh phát ra khiến cho người nghe đều kính sợ, thiên ma ngoại đạo đều qui phục. 6) Âm thanh không lầm lẫn, nghĩa là, trí tuệ của Phật sáng suốt toàn vẹn, chiếu soi vô ngại, âm thanh phát ra rõ ràng chân thật, không chút sai lầm lẫn lộn, khiến cho người nghe đều đạt được chánh kiến. 7) Âm thanh thâm diệu, nghĩa là, trí tuệ của Phật sâu thẳm, địa vị tu hành cực cao, âm thanh phát ra từ gần đến xa, suốt đến mười phương, khiến cho tiếng gần mà nghe không lớn, tiếng xa mà nghe không nhỏ, ai nghe được đều tỏ ngộ nghĩa lí sâu xa. 8) Âm thanh không khô cạn, nghĩa là, Phật trụ nơi pháp tạng vô tận, hạnh nguyện của Phật vô tận, âm thanh phát ra khiến cho người nghe đều tìm hiểu ý nghĩa của lời nói không thể cùng tận. [25] Đà-la-ni là tiếng dịch âm của tiếng Phạn “dharani”, dịch nghĩa ra Hán ngữ là “tổng trì”, là tuệ lực ghi nhớ và gìn giữ vô lượng Phật pháp, không để cho quên mất. Đà-la-ni có công năng gìn giữ tất cả pháp thiện, cho nên cũng được dịch nghĩa là “năng trì”; lại có công năng ngăn ngừa tất cả pháp ác, cho nên cũng được dịch nghĩa là “năng già”. Bồ-tát lấy hạnh lợi tha làm chủ, cho nên, để giáo hóa chúng sinh một cách hữu hiệu, Bồ-tát cần phải đạt được đà-la-ni. Khi đã có được đà-la-ni, Bồ-tát sẽ ghi nhớ vô lượng Phật pháp, ở trước đại chúng sẽ thuyết giảng một cách tự do tự tại, không có gì làm cho lo lắng, sợ sệt. Luận Đại Trí Độ nói rằng: đà-la-ni là một thuật kí ức, nghĩa là ở trong một pháp mà giữ gìn tất cả pháp, ở trong một văn mà giữ gìn tất cả văn, ở trong một nghĩa mà giữ gìn tất cả nghĩa; do ghi nhớ một pháp, một văn, một nghĩa mà có thể liên tưởng đến tất cả pháp, giữ gìn vô lượng Phật pháp không để tản mất. Do vậy, về hình thức, đà-la-ni thường là ngắn, giống như thần chú, cho nên người sau đã lẫn lộn giữa đà-la-ni với thần chú, và gọi thần chú là đà-la-ni. Tuy nhiên, người ta thường y cứ vào câu dài ngắn để phân biệt: câu dài là “đà-la-ni”; câu ngắn là “chân ngôn” (tức thần chú); chỉ một hai chữ thì gọi là “chủng tử” (tức chữ Phạn mà các hành giả Mật tông dùng để quán tưởng). Về chủng loại, theo luận Đại Trí Độ, đà-la-ni có bốn loại: 1) Văn trì đà-la-ni: người có được đà-la-ni, nghe sự việc gì đều ghi nhớ hết. 2) Phân biệt tri đà-la-ni: người có được đà-la-ni sẽ có khả năng phân biệt rõ ràng tất cả những việc chánh tà, tốt xấu v.v... 3) Nhập âm thanh đà-la-ni: người có được đà-la-ni, nghe tất cả âm thanh ngôn ngữ đều hoan hỉ, không bao giờ sinh tâm buồn giận. 4) Tự nhập môn đà-la-ni: người có được đà-la-ni, khi nghe các mẫu tự (Phạn ngữ) như a, la, ba, già, na v.v..., liền thể nhập thật tướng các pháp. Luận Du Già Sư Địa thì ghi bốn loại đà-la-ni như sau: 1) Pháp đà-la-ni: sức ghi nhớ câu kinh, không quên mất. 2) Nghĩa đà-la-ni: sức lí giải nghĩa kinh, không quên mất. 3) Chú đà-la-ni: nương nơi định lực mà phát khởi chú thuật, có thể tiêu trừ khổ ách cho chúng sinh. 4) Nhẫn đà-la-ni: thông đạt thật tướng các pháp, xa lìa ngôn thuyết, an trú nơi pháp tánh. [26] Duyên, đế, độ: tức các giáo pháp thập nhị nhân duyên, tứ đế, và lục độ. (Xin xem các chú thích số 39, 42 và 40 ở sau.) [27] Sinh, trụ, dị, diệt là bốn tướng trạng (tứ tướng) của các pháp hữu vi: sinh ra, hiện hữu một thời gian, biến đổi hư hao, và hủy diệt. [28] Noãn, Đảnh, Thế-đệ-nhất: là các căn lành (thiện căn) mà người tu hành cần phải gia công tu tập để chuẩn bị tiến lên bậc Kiến-đạo (tức Sơ-địa Bồ-tát), tức là vượt khỏi hẳn địa vị phàm phu để bước vào dòng thánh. Trong thời gian tu tập các căn lành này, hành giả được ở vào một địa vị tu tập gọi là địa vị Gia-hạnh (Gia-hạnh vị); địa vị này, từ thấp lên cao, gồm có bốn bậc: 1) Bậc Noãn (Noãn vị): Ở bậc này, tuy ngọn lửa trí tuệ vô lậu chưa đủ sức phát sinh, nhưng hơi ấm của ánh sáng trí tuệ cũng đủ sức giúp hành giả tiêu trừ phiền não, sinh thiện căn hữu lậu, tiếp cận với trí tuệ vô lậu. 2) Bậc Đảnh (Đảnh vị): Ở bậc này, thiện căn của hành giả chưa thực sự vững vàng, còn giao động; nhưng từ chỗ giao động đó mà phát sinh được thiện căn tối thượng, quán sát và thấy rõ bốn sự thật, như đứng trên đỉnh núi mà nhìn thấy bốn phương. 3) Bậc Nhẫn (Nhẫn vị): Ở bậc này hành giả xác nhận rõ ràng bốn sự thật đúng là chân lí (đích thực là khổ, đích thực là nguyên nhân của khổ v.v...); thiện căn đã được an định, không còn bị thối lui vào các đường dữ. 4) Bậc Thế-đệ-nhất (Thế-đệ-nhất vị): Đây là địa vị cao tột (đệ nhất) trong thế gian, là đỉnh cao nhất của trí tuệ hữu lậu. Nhờ thiền định không gián đoạn mà phát sinh trí như thật, quán sát thấy rõ cả năng thủ và sở thủ đều không; chỉ trong sát na kế tiếp là nhập vào địa vị Kiến-đạo, thực sự bước vào dòng thánh. Bốn loại thiện căn trên đây tuy vẫn còn thuộc trong phạm vi thế gian hữu lậu, nhưng lại có công năng phát sinh loại thiện vô lậu của bậc Kiến-đạo, cho nên chúng được gọi là “thiện căn”, tức là gốc rễ của thiện pháp. [29] Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán: là bốn quả vị tu chứng của hành giả thừa Thanh-văn. 1) Sơ-quả Tu-đà-hoàn: dịch nghĩa ra Hán ngữ là Dự-lưu (dự vào dòng thánh), Nhập-lưu (vào dòng thánh), hay Nghịch-lưu (ngược dòng sinh tử). Nếu tu theo hạnh Thanh-văn, thì đây là bước đầu tiên hành giả ở vào dòng thánh. Khi còn ở địa vị phàm phu, hành giả phải tu tập để đoạn trừ 88 sử kiến hoặc của ba cõi (xem chú thích số 56 ở sau), mới chứng được quả này. 2) Nhị-quả Tư-đà-hàm: dịch ra Hán ngữ là Nhất-lai. Hành giả (ở cõi Người) sau khi đã chứng quả Tu-đà-hoàn (tức đã đoạn dứt kiến hoặc ba cõi), đến lúc mạng chung sẽ sinh lên một cõi trời Dục giới, rồi từ đó lại phải sinh trở lại cõi Người một lần nữa để tiếp tục tu tập đoạn trừ 6 phẩm đầu của tư hoặc cõi Dục. -- Tư hoặc cõi Dục gồm 4 thứ phiền não tham, sân, si, mạn (xem chú thích số 56 ở sau), vì có sâu có cạn, có phần vi tế khó đoạn trừ, có phần thô sơ dễ đoạn trừ, cho nên được chia làm 9 phẩm, từ nhẹ nhàng cho đến nặng nề nhất: thượng thượng (nhẹ nhàng nhất), thượng trung, thượng hạ, trung thượng, trung trung, trung hạ, hạ thượng, hạ trung, hạ hạ (nặng nề nhất). 6 phẩm tư hoặc đầu, từ thượng thượng cho đến trung hạ, là phần dễ đoạn trừ hơn 3 phẩm cuối. 3) Tam-quả A-na-hàm: dịch ra Hán nghữ là Bất-hoàn. Hành giả (ở cõi Người) đã đoạn trừ 6 phẩm đầu của tư hoặc cõi Dục, chứng quả Tư-đà-hàm, sau khi mạng chung liền sinh lên một cõi trời Dục giới, tiếp tục tu tập để đoạn trừ nốt 3 phẩm tư hoặc cuối cùng (hạ thượng, hạ trung, hạ hạ) của cõi Dục thì chứng quả A-na-hàm; sau đó lại sinh lên cõi trời Tịnh-cư ở Sắc giới (không trở lại Dục giới nữa) để tiếp tục tu tập cho đến khi chứng quả A-la-hán. 4) Tứ-quả A-la-hán: Đây là quả vị cao tột của thừa Thanh-văn. Sau khi chứng quả A-na-hàm, hành giả tiếp tục tu tập để đoạn dứt tư hoặc trong ba cõi, mới chứng được quả vị này. Như vậy, A-la-hán là vị thánh đã dứt hết mọi thứ phiền não thuộc kiến tư hoặc trong ba cõi, nên danh xưng “A-la-hán” có nghĩa là “sát tặc” (tức đã diệt trừ hết giặc phiền não). Vì đã diệt trừ hết kiến tư hoặc trong ba cõi, nên vị thánh ấy giải thoát ra khỏi thế gian, không còn tái sinh vào ba cõi nữa, do đó, danh xưng “A-la-hán” cũng có nghĩa là “vô sinh”. Vị thánh ấy đã giải thoát khỏi ba cõi, vĩnh viễn sống trong cảnh giới niết bàn, không còn phải tu tập gì nữa, cho nên được xưng là bậc “vô học”; và xứng đáng được thọ nhận sự cúng dường của cả trời, người làm ruộng phước cho thế gian, cho nên danh xưng “A-la-hán” cũng còn có nghĩa là “ứng cúng”. [30] Bích-chi Phật: là quả vị chứng đắc của hành giả thừa Duyên-giác. Quí vị hành giả trực tiếp được nghe Phật dạy nguyên lí “Mười hai nhân duyên”, hoặc sau khi Phật diệt độ mà có phước duyên được học tập giáo lí ấy, rồi theo đó mà quán chiếu tu tập, đạt được trí tuệ giác ngộ, gọi là hàng “Duyên-giác”, và quả vị chứng đắc của quí vị ấy được gọi là “Bích-chi Phật”. Mặt khác, quí vị hành giả sinh vào thời không có Phật, cũng không có Phật pháp, nhưng nhờ có công phu tu học sâu dầy từ đời trước, mà ở đời này, đứng trước cảnh biến chuyển sinh diệt của vạn pháp mà tự phát trí tuệ, thấy rõ tính chất vô thường của thế gian, tính chất vô ngã của mọi vật, tính chất duyên sinh của vạn pháp, nhân đó mà diệt trừ được tâm thức vô minh; hoặc giả họ ẩn cư trong chốn núi rừng, trông thấy cảnh hoa rơi lá rụng, rồi do một niệm sáng suốt làm cho tâm ý khai mở, màn vô minh bỗng chốc tiêu tan, tuệ giác hiển lộ; đó là những vị “Độc-giác”, và quả vị chứng ngộ của quí vị ấy cũng được gọi là “Phật Bích-chi”. [31] Sơ-địa, Nhị-địa, Tam-địa cho đến Thập-địa: tức là các bậc trong mười bậc Địa của Bồ-tát.: 1) Sơ-địa, tức Hoan-hỉ-địa: Bồ-tát đã diệt trừ hết kiến hoặc ba cõi, thấy rõ tâm tánh, vượt khỏi địa vị phàm phu, bước vào dòng thánh, chứng ngộ chân lí “hai không” (ngã và pháp đều không), thành tựu bố thí độ, phát sinh niềm hoan hỉ lớn. 2) Nhị-địa, tức Li-cấu-địa: Bồ-tát đã dứt trừ tư hoặc, không còn phạm giới, thành tựu trì giới độ, thân tâm thanh tịnh. 3) Tam-địa, tức Phát-quang-địa: Bồ-tát diệt trừ vô minh si ám, chứng được ba minh, thành tựu nhẫn nhục độ, tâm sáng chiếu phát sinh. 4) Tứ-địa, tức Diễm-tuệ-địa: Bồ-tát tu tập trọn vẹn 37 phẩm trợ đạo, thành tựu tinh tấn độ, trí tuệ sáng rỡ. 5) Ngũ-địa, tức Cực-nan-thắng-địa: Bồ-tát vì lợi ích chúng sinh, ngoài thì học tập các thứ kĩ thuật, trong thì định lực vững chắc, thành tựu thiền định độ; đạt được địa vị này thật là khó khăn. 6) Lục-địa, tức Hiện-tiền-địa: Bồ-tát tu tập và an trú trong ba pháp tam muội không, vô tướng và vô nguyện, bao nhiêu ý niệm phân biệt về vạn hữu đều diệt hết, thật tướng của vạn pháp hiển lộ ở trước mắt, thành tựu trí tuệ độ (trí tuệ thấy rõ thật tướng các pháp, thấu suốt diệu lí bình đẳng của vạn pháp). 7) Thất-địa, tức Viễn-hành-địa: Bồ-tát dứt trừ các nghiệp quả, thị hiện các hành tướng một cách tinh tế, phát khởi hạnh nguyện thù thắng để hóa độ chúng sinh, thành tựu phương tiện độ, chuẩn bị hành trang lương thực cho cuộc đi xa trên đường hóa độ chúng sinh. 8) Bát-địa, tức Bất-động-địa: Bồ-tát dứt hết mọi sự dụng công, thành tựu nguyện độ, trú trong “vô sinh nhẫn”, thân tâm tĩnh lặng, không còn xao động. 9) Cửu-địa, tức Thiện-tuệ-địa: Bồ-tát dứt bỏ cả tướng của tâm, chứng nhập trí tuệ tự tại, đầy đủ thần thông rộng lớn, khéo léo hộ vệ pháp tạng của chư Phật, thành tựu lực độ, khéo léo vận dụng trí tuệ để soi sáng mọi việc. 10) Thập-địa, tức Pháp-vân-địa: Bồ-tát tập hợp rộng lớn vô lượng pháp môn, tăng trưởng vô biên phước đức và trí tuệ, thấu suốt mọi tâm hành của tất cả chúng sinh, tùy căn cơ mà nói pháp ba thừa, thành tựu trí độ (trí tuệ biết rõ các pháp, giữ vững trung đạo, không chán sinh tử, không ham niết bàn, tâm xả rộng lớn), giống như đám mây lớn, đổ xuống những trận mưa pháp lớn. [32] Ba pháp (tam pháp): tức ba phương diện của Phật pháp là: 1) Giáo pháp: tất cả những lời dạy của đức Phật; 2) Hành pháp: người học Phật y theo giáo pháp mà tu hành; 3) Chứng pháp: người tu hành chứng ngộ chân lí. – Nói tắt là “giáo hành chứng”. Mặt khác, tâm, Phật và chúng sinh cũng được gọi là “ba pháp không sai khác” (tam pháp vô sai). [33] Bốn quả (tứ quả): tức bốn quả vị của Thanh-văn thừa: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán. (Xin xem chú thích số 29 ở trên.) [34] Hai đường (nhị đạo): Có nhiều thuyết về “hai đường” khác nhau: 1) Hai đường đoạn hoặc và chứng ngộ chân lí, phát xuất từ luận Câu Xá, gồm có: a) Đường không gián cách (vô gián đạo hay vô ngại đạo): vận dụng trí tuệ để đoạn trừ lậu hoặc (phiền não); trí tuệ này được vận dụng thường trực, không để cho lậu hoặc xen vào gián cách, trở ngại. b) Đường giải thoát (giải thoát đạo): vận dụng trí tuệ quán chiếu và chứng ngộ chân lí; trí tuệ này thoát khỏi sự ràng buộc của lậu hoặc, chứng nhập chân lí một cách tự tại. Vô gián đạo được coi là nhân đạo ở niệm trước; giải thoát đạo là quả đạo ở niệm sau. 2) Hai đường khó tu và dễ tu, nguyên là cách phán giáo của tông Tịnh Độ, phát xuất từ Bồ-tát Long Thọ: a) Đường khó tu (nan hành đạo): chỉ cho các giáo pháp không thuộc trong phạm vi tông Tịnh Độ; ví dụ: ở thế giới Ta-bà này mà tu tập “lục độ vạn hạnh” để chứng được quả thánh, là con đường khó tu. b) Đường dễ tu (dị hành đạo): chỉ cho giáo pháp thuộc tông Tịnh Độ; tức là niệm Phật cầu vãng sinh về cõi Tịnh-độ, rồi ở nơi cõi đó tiếp tục tu tập cho đến khi thành Phật, đó là con đường dễ tu. 3) Hai đường hữu lậu và vô lậu, cũng phát xuất từ luận Câu Xá: a) Đường hữu lậu (hữu lậu đạo): chỉ cho tất cả các pháp môn tu tập của hành giả khắp ba thừa trước khi bước vào dòng thánh (tức còn trong vòng phàm phu, chưa lên được địa vị Kiến-đạo). b) Đường vô lậu (vô lậu đạo): chỉ cho các pháp môn tu tập của hành giả khắp ba thừa sau khi đã thoát khỏi địa vị phàm phu, bước lên địa vị Kiến-đạo, nhập vào dòng thánh. 4) Hai đường giáo và chứng, xuất phát từ luận Thập Địa Kinh: a) Đường giáo (giáo đạo): chỉ cho các giáo thuyết do đức Phật phương tiện chỉ bày. b) Đường chứng (chứng đạo): chỉ cho lí chân thật mà chư Phật đã chứng ngộ. [35] Vườn Nai (Lộc-uyển, hay Lộc-dã, nay là Sarnath): là một khu rừng nằm cách khoảng 6 cây số về hướng Tây-Bắc của thành Ba-la-nại (nay là Varanasi, Ấn-độ), kinh đô của vương quốc Ca-thi (xem chú thích số 36 kế tiếp ở sau). Theo sự tích, vào thời quá khứ xa xăm, có vị quốc vương từ kinh thành Ba-la-nại đến khu rừng này săn bắn, đã giăng lưới bắt được cả ngàn con nai, trong đó có một con nai mẹ đang mang thai. Vì quá thương tâm, con nai chúa bèn xin nhà vua tha cho con nai đang có thai, rồi tự hủy mình trước nhà vua để chết thế. Quá cảm động trước sự việc bất ngờ, nhà vua tâm thần rúng động, liền truyền lệnh thả hết bầy nai, và dành hết khu rừng ấy cho nai ở, cấm tất cả thần dân không ai được tới đó săn bắn. Từ đó, bầy nai được sống an bình, và khu rừng đó được mọi người gọi là “Lộc-uyển” (hay Lộc-dã-uyển, Lộc-viên, nghĩa là vườn Nai). Ngày nay, nó là một trong các thánh tích quan trọng của Phật giáo. [36] Thành Ba-la-nại: là kinh đô của vương quốc Ca-thi (Kasi), một trong 16 nước lớn của bán đảo Ấn-độ thời Phật tại thế. Trong 16 nước đó thì Ma-kiệt-đà và Kiều-tát-la là hai nước phát triển hùng mạnh và giàu có nhất. Hai đạo tràng quan trọng nhất của Phật thời đó là tu viện Trúc-lâm ở kinh thành Vương-xá của nước Ma-kiệt-đà, và tu viện Kì-viên ở kinh thành Xá-vệ của nước Kiều-tát-la. Ma-kiệt-đà nằm ở phía Nam sông Hằng, Kiều-tát-la nằm ở phía Bắc sông Hằng; nước Ca-thi thì nằm giữa hai nước này, cho nên kinh thành Ba-la-nại của nó nghiễm nhiên trở thành một điểm nối liền, một địa phương quan trọng trên đường đi lại của đức Phật và giáo đoàn từ Ma-kiệt-đà đến Kiều-tát-la, và ngược lại. Trước khi hai đạo tràng Trúc-lâm và Kì-viên được xây dựng thì thành Ba-la-nại đã nổi tiếng, vì vườn Nai ở cách đó khoảng 6 cây số về hướng Tây-Bắc, đã là nơi đức Phật chuyển Bánh Xe Pháp lần đầu tiên sau ngày Thành Đạo, độ cho nhóm sa môn 5 người của ngài Kiều Trần Như, đều được chứng quả A-la-hán, trở thành những vị thánh tăng đầu tiên của giáo đoàn Phật giáo. Chính nơi vườn Nai của thành Ba-la-nại, ngôi Tam Bảo lần đầu tiên xuất hiện ở thế gian. Ba-la-nại và vườn Nai đã từng là thánh địa của Phật giáo trong một thời gian dài. Đến cuối thế kỉ 12, khi quân Hồi giáo xâm lăng Ấn-độ, Phật giáo ở vùng này nói riêng, và trên khắp lãnh thổ Ấn-độ nói chung, đã bị đám quân tàn bạo ấy tàn hại và hủy diệt, cơ hồ không một vết tích gì còn tồn tại. Trong thời kì cận đại, thành phố này được gọi là Benares, và hiện nay thì đổi tên lại là Varanasi như cũ, Phật giáo và Ấn giáo hiện tại cùng được thịnh hành ở đó. [37] A Nhã Câu Lân tức tôn giả A Nhã Kiều Trần Như. Đó là vị đệ tử lớn, nổi tiếng là người đệ tử xuất gia làm tì kheo và chứng quả A-la-hán đầu tiên của đức Phật. Từ lúc còn là đạo sĩ Bà-la-môn, cho đến lúc theo Phật xuất gia, ngài luôn luôn có bốn người bạn nữa cùng tu hành, làm thành một nhóm 5 người, mà trong các kinh thường gọi là “ngũ tì kheo”, gồm có: Kiều Trần Như (hoặc Câu Lân), A thị Thuyết (hoặc Át Bệ), Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, và Ma Ha Nam Câu Lị. [38] Chuyển bánh xe pháp (chuyển pháp luân): Bánh xe pháp (pháp luân) tức là Phật pháp. Cái bánh xe được dùng để thí dụ cho Phật pháp vì nó mang nhiều ý nghĩa: 1) Người Ấn-độ vào thời cổ đại đã dùng chữ “bánh xe” (cakra) để chỉ cho loại chiến xa dùng trên chiến trường. Nó có thể càn quét, đẩy lui quân địch; Phật pháp cũng vậy, có thể giúp chúng sinh diệt trừ tất cả vô minh phiền não để đạt được an lạc giải thoát. 2) Bánh xe là một vòng tròn đầy đặn, không có chỗ nào khuyết; Phật pháp cũng vậy, giáo pháp do đức Phật chỉ dạy thật tròn đầy, trọn vẹn, chân thật, không có bất cứ một khuyết điểm hay sai lầm nào. 3) Trách vụ của bánh xe là di chuyển không ngừng; Phật pháp cũng vậy, những lời Phật dạy không bao giờ nằm bất động ở một người nào hay đứng yên ở một mơi chốn nào, nhờ thế mà giúp ích cho tất cả chúng sinh ở mọi thời và mọi chỗ. Đức Phật hoằng dương giáo pháp của Ngài để chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh, gọi là “chuyển pháp luân”. Sau khi thành đạo, Ngài đã đến vườn Nai ở gần thành Ba-la-nại trước tiên, khai mở giáo pháp “TỨ ĐẾ” để độ cho nhóm sa môn Kiều Trần Như 5 người; đó là lần chuyển pháp luân đầu tiên của Ngài ở thế gian. [39] Mười hai nhân duyên (thập nhị nhân duyên): là mười hai điều kiện tương liên, là giáo lí căn bản của đạo Phật dùng để giải thích cái “bí ẩn” của hiện tượng sinh tử luân hồi, tức là sự hiện hữu của chúng sinh – mà trực tiếp là con người. Mười hai điều kiện ấy gồm có: 1) Vô minh: là trạng thái mê lầm, không sáng suốt, không nhận chân được thực tướng của vạn pháp, không thấy rõ tự tính của chính mình, do đó mà dẫn tới các hành động sai lầm, u tối. 2) Hành: là tác động vô thức của ý chí sinh tồn theo hướng vô minh đã thúc đẩy tạo nghiệp. Nó là khát vọng muốn sống một cách mù quáng. Tất cả những tư tưởng (ý), lời nói (ngữ) và hành động (thân) thiện hay bất thiện đều thuộc về hành. 3) Thức: Tất cả nghiệp nhân đã tạo ra đều được huân tập vào nghiệp chủng thức (hay nghiệp thức, tức a-lại-da thức). Thức này đi đầu thai và bắt đầu một sinh mạng mới. Lúc bà mẹ thụ thai, chính đó là lúc nghiệp thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ mà làm nên bào thai. Như vậy, THỨC chính là yếu tố nối tiếp giữa kiếp quá khứ và kiếp hiện tại, và là giai đoạn đầu tiên của đời sống hiện tại. 4) Danh sắc: Do nghiệp thức phát động mà phát hiện ra các hiện tượng tinh thần (danh) và vật chất (sắc) của bản thân con người. Đây là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại. Trong giây phút đầu tiên khi bà mẹ thụ thai -- tức là lúc nghiệp thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ, thì DANH chính là nghiệp thức, và SẮC chính là tinh trùng và noãn châu. 5) Lục nhập: Sáu giác quan (lục căn: nhãn, nhĩ, tị. thiệt, thân, ý) dần dần hiện rõ theo sự phát triển của bào thai, từ chỗ thật giản dị lúc mới được tượng hình, trở thành vô cùng phức tạp khi con người đã trưởng thành toàn diện. Chúng hoạt động một cách hoàn toàn tự nhiên, mầu nhiệm, như một guồng máy tinh diệu. Những giác quan đều có những hoạt động và đối tượng riêng biệt. Sáu giác quan là sáu chỗ để cho sáu đối tượng (lục cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phản ảnh vào, gọi chung là “lục nhập”. 6) Xúc: là sự tiếp xúc giữa các giác quan (căn) và đối tượng (cảnh) của chúng, như mắt tiếp xúc với cảnh vật, tai tiếp xúc với âm thanh, v.v... 7) Thọ: là cảm giác gây nên do sự tiếp xúc giữa các căn và cảnh. Có loại cảm giác dễ chịu, vui sướng, hạnh phúc, gọi là “lạc thọ”; có loại cảm giác khó chịu, buồn phiền, khổ đau, gọi là “khổ thọ”; có loại cảm giác trung tính, không dễ chịu cũng không khó chịu, gọi là “xả thọ”. 8) Ái: hay “ái dục”, là sự ham muốn, luyến áí, khao khát. Do có cảm giác mà sinh ra ái. Đối trước dục vọng trần cảnh (ngũ dục), con người sinh tâm luyến ái. Ái chính là sự luyến ái đối với sự sống, cho nên cái gì thích thì khao khát muốn có, cái gì không thích thì muốn tống khứ đi; đó là động cơ chính yếu thúc đẩy thân, ngữ ý tạo nghiệp. 9) Thủ: Khi đã luyến ái thì cố bám giữ lấy đối tượng. Vì luyến ái sự sống cho nên cố bám giữ sự sống; từ đó mà phát sinh những tư tưởng sai lầm là “có TÔI và có những cái THUỘC VỀ TÔI”. Mục đích của mọi ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động, dù thiện hay bất thiện, đều nhằm bảo vệ và củng cố cho cái TÔI và những cái CỦA TÔI đó. 10) Hữu: Vì đam mê và cố bám giữ lấy đối tượng cho nên phải vướng mắc vào nghiệp báo do sự sống của mình tạo ra. “Hữu” nghĩa là có, tức là có những nghiệp nhân (thiện hay bất thiện) đã tạo ra ở kiếp này, và dĩ nhiên, có những nghiệp quả (vui sướng hay khổ đau, cũng tức là những cảnh giới của các loài chúng sinh khác nhau) sẽ thọ nhận ở kiếp sau. 11) Sinh: Nghiệp nhân đã tạo (hữu) ấy lại được huân tập vào nghiệp chủng thức (a-lại-da thức), và chính đó là dẫn lực đưa tới việc ra đời của sinh mạng mới ở kiếp sau. 12) Lão tử: Đã có sinh ra thì phải có già và chết. [40] Sáu pháp qua bờ (lục độ) là sáu hạnh tu tập lớn lao của hàng Bồ-tát. Nhờ tu tập sáu đại hạnh này mà Bồ-tát có thể tự mình đến bờ giải thoát (tự độ) và đưa bao nhiêu người khác cùng đến bờ giải thoát (độ tha), gồm có: 1) Bố thí: san sẻ, giúp đỡ người khác bằng những gì mình có; có thể là những phương tiện vật chất như tiền bạc, của cải, cơm áo, thuốc men, v.v...; hay những phương tiện tinh thần như sự dạy dỗ, giảng thuyết để nâng cao trí tuệ, thấy rõ điều hay lẽ thật, quay về nếp sống cao thượng; hoặc bằng những lời hòa ái, khuyến khích, trấn an, và cả những hành động dũng cảm, đáng tin cậy để đưa người ra khỏi những nỗi sợ hãi, nghi nan, lo lắng, những tình trạng bế tắc, bối rối, khủng hoảng v.v... Tóm lại, trong tất cả mọi trường hợp, hành giả biết đem khả năng, thì giờ và tâm lực để phục vụ giúp đời, đều là những hành động bố thí chính đáng của người tu tập hạnh Bồ-tát. 2) Trì giới: giữ gìn giới hạnh để ngăn ngừa những hành động gây tội lỗi, tạo cho mình cái phong cách đoan trang, hành vi chánh đáng. Giới có khả năng giúp cho hành giả sống thường xuyên trong chánh niệm, tăng trưởng định lực và phát huy trí tuệ. 3) Nhẫn nhục: nhịn nhục và chịu đựng. Khi gặp nghịch cảnh không sinh tâm oán giận, không chất chứa oan cừu, gặp thuận cảnh không say mê tham đắm; tâm vững vàng, không bị lay động trước sức quyến rũ của ái dục, giàu sang, danh lợi, địa vị; không kiêu căng, tự mãn với những thành quả tốt đẹp do chính mình đạt được. Tóm lại, người có đức nhẫn nhục là người luôn luôn có thái độ hòa nhã, tâm an nhiên tự tại trong mọi trường hợp, nghịch cảnh cũng như thuận cảnh, thất bại cũng như thành công, chưa chứng đắc cũng như đã chứng đắc. 4) Tinh tấn: ý chí kiên trì, dũng mãnh của hành giả luôn luôn thăng tiến trên sự nghiệp giác ngộ. – Sống giữa hoàn cảnh xấu xa mà không bị ô nhiễm, gọi là “tinh”; tâm niệm lúc nào cũng hướng về sự nghiệp giác ngộ, gọi là “tấn”. 5) Thiền định: là trạng thái tĩnh lặng của tâm ý khi mọi loạn tưởng, vọng động đã hoàn toàn lắng đọng. 6) Trí tuệ: là tuệ giác sáng tỏ sau khi đã diệt trừ mọi phiền não, kiến chấp, vô minh, tâm ý hoàn toàn tĩnh lặng, thanh tịnh. [41] Đắc pháp, đắc quả, đắc đạo: “Đắc pháp” là tâm đắc về một pháp môn, hiểu rõ yếu nghĩa, tông chỉ và hành trì trọn vẹn pháp môn ấy, từ đó mà đạt được thành quả giác ngộ. “Đắc quả” là chứng đắc các quả vị của ba thừa như Tu-đà-hoàn, A-la-hán, Bích-chi Phật v.v... “Đắc đạo” là do tu tập giới định tuệ viên mãn mà chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, tức quả vị Phật. [42] Tứ đế: là bốn chân lí, bốn sự thật ở thế gian. Đó là bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết tại vườn Nai, thành Ba-la-nại, sau khi thành đạo. Tôn giả Kiều Trần Như và bốn người bạn đồng tu nhờ nghe được bài pháp này mà chứng quả A-la-hán, trở thành năm vị đệ tử xuất gia và chứng thánh quả đầu tiên của đức Phật. Có thể nói, đó là giáo lí căn bản của đạo Phật. Tất cả kinh điển, giới luật, hay luận thuyết (thuộc tiểu thừa cũng như đại thừa) đều nhằm phát huy ý nghĩa sâu xa của giáo lí Bốn Sự Thật mầu nhiệm này. 1) Sự thật thứ nhất: sự có mặt của khổ đau (khổ đế). Sự có mặt của khổ đau trong đời sống thế gian là sự thật hiển nhiên, không ai có thể chối bỏ được. Cứ nhìn những việc xảy ra trong đời sống hằng ngày của chính mình, của gia đình mình, của bạn bè mình, của mọi người chung quanh mình, và của nhân loại toàn thế giới; cho đến các loài động vật, cả các loài thực vật, không chỗ nào là không tràn ngập khổ đau; dù giàu, dù nghèo, dù sang, dù hèn, dù già, dù trẻ, dù nam, dù nữ, tất cả, không ai là không có kinh nghiệm về khổ đau. Ngoài những nỗi khổ về sinh, già, bệnh, chết, còn vô lượng nỗi khổ đau khác, không thể kể hết được! 2) Sự thật thứ hai: nguyên nhân sinh ra khổ đau (tập đế). Bất cứ một hiện tượng khổ đau nào cũng đều do một hoặc nhiều nguyên nhân sinh ra. Khổ đau vô lượng thì nguyên nhân của khổ đau cũng vô lượng; nhưng một cách tổng quát, Phật dạy rằng, sự thiếu sáng suốt (vô minh), tâm tham dục, sân hận, oán thù, kiêu căng, nghi ngờ, tà kiến, chấp trước, là những nguyên nhân căn bản nhất, to lớn nhất đã sinh ra mọi đau khổ. 3) Sự thật thứ ba: sự chấm dứt khổ đau, hay sự có mặt của an lạc giải thoát (diệt đế). Tuy khổ đau là sự thật hiển nhiên của cuộc sống, nhưng đó không phải là những sự kiện bền chắc, vĩnh cửu đến độ không thể phá vỡ được; trái lại, đó là những sự kiện mà chúng ta có thể làm cho vơi bớt, thậm chí có thể tiêu diệt, chấm dứt, vượt thoát được. Khổ đau càng vơi bớt thì niềm vui càng lớn lên, chấm dứt được khổ đau thì liền có an lạc, vượt thoát được khổ đau thì được giải thoát. Cho nên, nếu khổ đau là sự thật hiển nhiên của cuộc sống, thì an lạc giải thoát cũng là sự thật hiển nhiên của cuộc sống. 4) Sự thật thứ tư: con đường diệt khổ để đạt được an lạc giải thoát (đạo đế). Muốn chấm dứt khổ đau để có được an lạc giải thoát, người tu học Phật phải biết cách tu tập bằng những phương pháp cụ thể và hữu hiệu. Các giáo lí nói về ba môn học giải thoát (tam vô lậu học), bốn lĩnh vực quán niệm (tứ niệm xứ), năm khả năng (ngũ căn), sáu pháp qua bờ (lục độ), bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi), tám nguyên tắc hành động chân chính (bát chánh đạo), v.v... đều có thể coi là những hướng dẫn căn bản, cặn kẽ, chính đáng, cụ thể và hữu hiệu mà người tu học phải áp dụng triệt để trong đời sống hằng ngày, để vượt thoát khổ đau, đem lại nếp sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho đến cả muôn loài. [43] Phát tâm bồ-đề hay bồ-đề vô-thượng: tức là phát tâm dũng mãnh tu hành cho đến khi thành Phật. [44] Kinh phương đẳng: Phương đẳng, phương quảng, đại phương đẳng, hay đại phương quảng, là danh xưng dùng để chỉ chung cho các kinh điển đại thừa, có ý nói rằng, đó là những bộ kinh có văn từ phong phú, ý nghĩa vô cùng sâu xa, rộng lớn. Đó là một trong 12 bộ kinh (xin xem chú thích tiếp theo sau). [45] Mười hai bộ kinh: là 12 thể loại của toàn bộ kinh điển Phật dạy: 1) Khế kinh (trường hàng): những lời dạy của đức Phật bằng văn xuôi, thường được gọi tổng quát là “Kinh”. 2) Ứng tụng (trùng tụng): những bài kệ tụng (hình thức thơ cổ) dùng để tóm tắt ý nghĩa của Khế kinh, cho nên thường được đặt ở sau và luôn luôn tương ứng với phần Khế kinh. 3) Kí biệt (thọ kí): lời Phật thọ kí cho các đệ tử sẽ thành Phật trong đời vị lai. 4) Phúng tụng (cô khởi): một bài kinh Phật dạy toàn dùng kệ tụng để diễn đạt, nhưng không phải là những bài kệ tụng tóm tắt kinh văn Trường hàng như thể loại Trùng tụng (số 2 ở trên). 5) Tự thuyết: đức Phật tự mở lời khai thị mà không đợi có người thỉnh cầu chỉ dạy. 6) Nhân duyên: nêu lên cái nhân duyên đưa đến trường hợp thuyết giáo của Phật -- thường là phẩm “Tựa” ở đầu mỗi bộ kinh. 7) Thí dụ: những ví dụ Phật đưa ra trong lúc giảng thuyết để giúp thính chúng hiểu ý kinh dễ dàng hơn. 8) Bản sinh: các kiếp tu hành đời trước của đức Phật do chính Ngài thuật lại. 9) Bản sự: những hành vi cùng phẩm hạnh của các vị Bồ-tát và thánh chúng đệ tử trong các kiếp trước do đức Phật thuật lại. 10) Phương quảng: kinh điển Phật nói có văn từ phong phú, giáo nghĩa sâu xa rộng lớn; đặc biệt chỉ cho toàn thể kinh điển đại thừa. 11) Hi pháp (vị tằng hữu): những sự việc ít có của Phật và chư vị đệ tử được ghi chép trong kinh. 12) Luận nghị: những lời nghị luận rành mạch, rõ ràng của đức Phật nhằm giúp thính chúng hiểu rõ về thể tánh của vạn pháp. [46] Bốn tướng của chúng sinh: tức bốn tướng trạng sinh, già, bệnh, chết của tất cả chúng sinh. [47] Nhị-thừa: tức hai thừa Thanh-văn và Duyên-giác. Quả vị tối cao của thừa Thanh-văn là A-la-hán, và của thừa Duyên-giác là Bích-chi Phật. “Bậc Nhị-thừa” là danh xưng thường thấy trong kinh điển, dùng để chỉ chung cho các hành giả Thanh-văn và Duyên-giác. [48] Mười-trụ (Thập-trụ): Thể nhập lí bát nhã gọi là “trụ”. Mười-trụ là cấp thứ nhì (sau cấp Mười-tín) trong 7 cấp (gồm 52 bậc) trên tiến trình tu tập của hàng Bồ-tát. Cấp Mười-trụ gồm có 10 bậc như sau: 1) Trụ Phát-tâm: Hành giả phát khởi 10 lòng tin (thập tín), tín phụng Tam Bảo, không khởi tà kiến, không gây trọng tội, tu tập các pháp môn, học rộng, trí tuệ cao, ngộ nhập cảnh giới chân không, trụ ở tánh không. 2) Trụ Trì-địa: Hành giả đã trụ nơi tánh không cho nên tâm thường sáng tỏ, trong sạch; được như vậy là vì trong lúc hành giả mới phát tâm thì tâm ấy liền trở thành vi diệu, dùng làm nền tảng vững bền như đất. 3) Trụ Tu-hành: Trí tuệ từ hai bậc trước đã sáng tỏ, hành giả du hành trong mười phương mà không bị trở ngại. 4) Trụ Sinh-quí: Thọ nhận một phần khí lực của Phật, thông tỏ sâu xa, được nhập vào dòng giống Như Lai. 5) Trụ Phương-tiện cụ-túc: Tu tập vô lượng căn lành, tự lợi lợi tha, phương tiện đầy đủ, tướng mạo không chỗ nào khiếm khuyết. 6) Trụ Chánh-tâm: Tâm đồng với Phật. 7) Trụ Bất-thối: Thân tâm hòa hợp, ngày càng thăng tiến đến quả Phật, không còn thối lui. 8) Trụ Đồng-chân: Mười thân tướng thiêng liêng của Phật (thân bồ đề, thân nguyện, hóa thân, thân trụ trì, thân tướng tốt trang nghiêm, thân thế lực, thân như ý, thân phước đức, trí thân, pháp thân) đồng thời đầy đủ. 9) Trụ Pháp-vương-tử: Hành gỉa trở thành đứa con tinh thần của bậc Pháp Vương (Phật), thừa tiếp sự nghiệp của Phật. 10) Trụ Quán-đảnh: Với thân phận là Pháp-vương-tử, hành giả được Phật rưới nước trí tuệ lên đầu, như vị hoàng tử dòng Sát-đế-lị, lúc lên ngôi chịu lễ Quán-đảnh do một đạo sĩ Bà-la-môn chủ trì. [49] Ba ngàn đại thiên thế giới (tam thiên đại thiên thế giới): Trong kinh nói, trong cõi hư không có vô lượng vô số thế giới. Đơn vị nhỏ nhất của thế giới được gọi là “tiểu thế giới”, gồm có một quả núi Tu-di ở trung tâm; vây quanh bốn phía núi là bốn châu thiên hạ (Đông Thắng-thân châu, Nam Thiệm-bộ châu, Tây Ngưu-hóa châu, Bắc Câu-lô châu); phía trên có sáu cõi trời Dục-giới và cõi trời Sơ-thiền của Sắc-giới; phía dưới là các tầng địa-luân, kim-luân, thủy-luân, và phong-luân. Đó là phạm vi của một tiểu thế giới. Hợp lại một ngàn tiểu thế giới như thế, với cõi trời Nhị-thiền của Sắc-giới bao trùm ở trên, làm thành một “tiểu thiên thế giới”. Hợp lại một ngàn tiểu thiên thế giới như thế, với cõi trời Tam-thiền của Sắc-giới bao trùm ở trên, làm thành một “trung thiên thế giới”. Hợp lại một ngàn trung thiên thế giới như thế, với cõi trời Tứ-thiền của Sắc-giới và bốn cõi trời Vô-sắc-giới bao trùm ở trên, làm thành một “đại thiên thế giới”. Như vậy, một đại thiên thế giới gồm 3 bội số của một ngàn tiểu thế giới, tức bằng một tỉ tiểu thế giới; vì có ba bội số của một ngàn như thế cho nên được gọi là “ba ngàn đại thiên thế giới” (chứ không phải ba ngàn đại thiên thế giới là bằng ba ngàn tỉ tiểu thế giới). Dù tính ra được con số như thế, nhưng trong kinh điển, ba ngàn đại thiên thế giới cũng được gọi là “một đại ba ngàn thế giới” (nhất đại tam thiên thế giới), hoặc “ba ngàn thế giới” (tam thiên thế giới), chứng tỏ rằng, danh xưng “ba ngàn đại thiên thế giới” (hay “ba ngàn thế giới” v.v...) chỉ nói lên cái ý nghĩa vô hạn, chứ không phải là một con số nhất định; ngay chữ “đại” (大) trong danh xưng này cũng đã nói lên cái ý nghĩa rộng lớn, vô lượng vô số ấy. Và trong cõi hư không vô biên có vô số cái “ba ngàn đại thiên thế giới” như thế. Cũng theo trong kinh nói, ba ngàn đại thiên thế giới là phạm vi giáo hóa của một đức Phật, như vậy có nghĩa là, ba ngàn đại thiên thế giới là một Phật quốc. [50] Rung động sáu cách (lục chủng chấn động): Những lúc có sự việc vĩ đại xảy ra, như Phật đản sinh, thành đạo, chuyển pháp luân v.v... thì khắp đại địa rung động. Sự rung động này xảy ra sáu cách, được gọi là sáu tướng. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nêu ra sáu phương rung động như sau: bên Đông vọt lên bên Tây chìm xuống; bên Tây vọt lên bên Đông chìm xuống; bên Nam vọt lên bên Bắc chìm xuống; bên Bắc vọt lên bên Nam chìm xuống; bốn bên vọt lên chính giữa chìm xuống; chính giữa vọt lên bốn bên chìm xuống. Kinh Tân Hoa Nghiêm nêu ra sáu tướng rung động của đại địa gồm có: rung động, vùng dậy, vọt lên, vang dội, gầm rống, khua đập. [51] Đại chúng Thanh-văn: tức chư vị tì-kheo và tì-kheo-ni đã chứng hoặc chưa chứng quả A-la-hán. [52] Bốn phương góc (tứ duy): tức bốn hướng ở xen kẽ giữa bốn hướng chính (Đông, Nam, Tây, Bắc), đó là: Đông-Nam, Tây-Nam, Đông-Bắc, và Tây-Bắc. [53] Vô sinh pháp nhẫn (hay vô sinh nhẫn): Thật tướng chân như xa lìa hẳn các tướng sinh diệt, gọi là “vô sinh pháp”; chân trí tuệ an trú nơi pháp vô sinh này, không còn bị xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn” -- gọi tắt là “vô sinh nhẫn”. Bồ-tát dùng trí tuệ bát nhã quán chiếu thấy rõ tự tánh các pháp vốn là không, các pháp không hề có sinh khởi (cũng không có tiêu diệt), cho nên không hề bị xao động trước các pháp, gọi là Bồ-tát chứng “vô sinh pháp nhẫn”. [54] Bốn chúng (tứ chúng): tức là bốn chúng đệ tử Phật, gồm có: chúng tì-kheo, chúng tì-kheo-ni, chúng cận-sự-nam, và chúng cận-sự-nữ. [55] Năm nẻo hữu tình (ngũ thú, hay ngũ đạo): tức năm nơi hay năm cảnh giới trong vòng luân hồi sinh tử mà các loài hữu tình cứ tới lui quanh quẩn mãi; đó là: Trời, Người, Bàng-sinh, Ngạ-quỉ, và Địa-ngục. Trong kinh luận thường nói tới “sáu nẻo hữu tình” (lục đạo), tức ngoài năm cảnh giới trên lại lập thêm cảnh giới A-tu-la. Nhưng vì loài A-tu-la sống lẫn lộn trong loài Trời, loài Người và loài Ngạ-quỉ (được gọi là loài “phi thiên phi nhân” - chẳng phải Trời chẳng phải Người), cho nên tùy chỗ, nếu kể đó là một cảnh giới riêng biệt thì có danh xưng “sáu nẻo” (lục đạo), còn nếu không kể đó là một cảnh giới riêng biệt thì có danh xưng “năm nẻo” (ngũ đạo). [56] 108 thứ bệnh: tức 108 phiền não (bách bát phiền não). Phiền não của chúng sinh là vô lượng, nhưng trên thực tế, kinh luận đã phân tích và liệt kê thành 108 thứ. Theo luận Đại Trí Độ, 108 phiền não gồm có 10 triền (ràng buộc) và 98 kết (kết tụ, đóng cục, khó tiêu trừ, làm nguyên nhân cho sinh tử luân hồi). - 10 triền là 10 thứ phiền não trói buộc thân tâm con người, khiến cho không được tự do tự tại, gồm có: phẫn (nóng giận, bực tức, cộc cằn), phú (che dấu tội lỗi của mình), tật (ganh ghét), xan (bỏn sẻn, keo kiệt), vô tàm (làm lỗi mà không biết tự xấu hổ), vô quí (tài đức không bằng người mà không biết tự thẹn), trạo cử (thân tâm chao động không yên), hôn trầm (tâm mê muội, nặng nề, trì trệ), hối (tiếc nuối những việc xấu đã làm, hối hận về những việc thiện đã làm), miên (mê ngủ, suốt ngày dật dờ). - 98 kết cũng là 98 thứ phiền não trói buộc chúng sinh cứ phải luân chuyển trong sinh tử luân hồi. 98 kết gồm có 88 thứ kiến hoặc và 10 thứ tư hoặc trong ba cõi. a) Kiến hoặc là mê lầm về LÍ, tức con ngưòi không thấy rõ chân lí về Bốn Sự Thật (tứ đế) ở ba cõi thế gian. Sở dĩ gọi là “kiến hoặc” là vì các hành giả tu học Phật pháp cần phải đoạn trừ những thứ phiền não này mới tiến lên được địa vị Kiến-đạo (tức thoát khỏi địa vị phàm phu mà bước vào dòng thánh). Luận Câu Xá (tiểu thừa) phân tích rằng, tất cả phiền não của chúng sinh, dù nhiều đến đâu cũng chỉ bao gồm trong 10 loại phiền não gốc rễ (căn bản phiền não, hay căn bản hoặc), là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm thủ kiến. 10 thứ phiền não căn bản này luôn luôn đeo dính và sai sử chúng sinh tạo muôn vàn tội lỗi, cho nên chúng cũng được gọi là “10 sử” (thập sử). Kiến hoặc gồm trọn cả 10 sử ấy, dẫn chúng sinh trong ba cõi đến chỗ mê muội, chấp trước, không nhận chân được chân lí Bốn Sự Thật (tứ đế). Bốn sự thật Khổ, Tập, Diệt, Đạo đều bị mê hoặc khắp trong ba cõi, cho nên hành giả phải ra sức đoạn trừ sạch hết kiến hoặc mới chứng ngộ bốn chân lí ấy. Tuy nhiên, công phu quán chiếu và đoạn hoặc đối với mỗi sự thật (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) và ở mỗi cõi (Dục, Sắc, Vô-sắc) có khác nhau: a1) Ở cõi Dục, sự thật KHỔ đế bị mê hoặc mà sinh ra đủ 10 sử (nói trên); TẬP đế bị mê hoặc mà sinh ra 7 sử (tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, và kiến thủ kiến); DIỆT đế cũng giống như Tập đế; ĐẠO đế bị mê hoặc mà sinh ra 8 sử (tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm thủ kiến). Hợp chung lại, ở cõi Dục có cả thảy (10+7+7+8 =) 32 sử. a2) Ở cõi Sắc, sự thật KHỔ đế bị mê hoặc mà sinh ra 9 sử (không có phiền não sân); TẬP đế bị mê hoặc mà sinh ra 6 sử (tham, si, mạn, nghi, tà kiến, và kiến thủ kiến); DIỆT đế cũng giống như Tập đế; ĐẠO đế bị mê hoặc mà sinh ra 7 sử (tham, si, mạn, nghi, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm thủ kiến). Hợp chung lại, ở cõi Sắc có cả thảy (9+6+6+7 =) 28 sử. a3) Ở cõi Vô-sắc, giống như ở cõi Sắc. Cộng chung cả ba cõi (Dục, Sắc và Vô-sắc), có tất cả là (32+28+28 =) 88 sử. b) Tư hoặc là mê lầm về SỰ, tức là con người đem tình cảm mê chấp mà suy nghĩ, nhận thức mọi sự vật trong thế gian. Những thứ phiền não loại này, các hành giả ở địa vị Tu-đạo (cao hơn Kiến-đạo) phải đoạn trừ , cho nên chúng cũng được gọi là “tu hoặc”. Theo Luận Câu Xá (tiểu thừa), trong 10 sử kể trên thì 4 sử tham, sân, si, và mạn vừa thuộc kiến hoặc mà cũng vừa là tư hoặc. Bốn sử tư hoặc này cũng có khắp trong ba cõi: riêng cõi Dục thì có đủ cả 4 sử là tham, sân, si, và mạn; còn hai cõi Sắc và Vô-sắc, mỗi cõi chỉ có 3 sử tham, si, mạn mà thôi. Hợp chung cả ba cõi, có cả thảy là (4+3+3 =) 10 sử tư hoặc. Vậy, hợp chung lại 88 sử kiến hoặc và 10 sử tư hoặc thì có cả thảy là 98 phiền não; kể luôn cả 10 triền thì tất cả là 108 phiền não. [57] Sơ-địa: tức bậc đầu tiên của 10 bậc Địa Bồ-tát (xem lại chú thích số 31 ở trên). [58] Bất-động-địa: tức bậc thứ tám của 10 Địa Bồ-tát (xem lại chú thích số 31 ở trên). [59] Thất-địa: (Xem lại chú thích số 31 ở trên.) [60] Địa-thượng: chỉ chung cho các địa vị tu tập của Bồ-tát từ bậc Sơ-địa trở lên. Trái lại, ở các địa vị tu tập trước khi lên được Sơ-địa thì được gọi chung là Địa-tiền. Theo đó, danh xưng “Bồ-tát Địa-tiền” là chỉ chung cho các hành giả tu tập hạnh Bồ-tát ở a-tăng-kì kiếp thứ nhất, từ lúc mới phát tâm, trải qua các cấp Mười-tín (Thập-tín), Mười-trụ (Thập-trụ), Mười-hạnh (Thập-hạnh), và Mười-hồi-hướng (Thập-hồi-hướng); cả thảy là 40 bậc. Danh xưng “Bồ-tát Địa-thượng” chỉ cho các hành giả tu tập hạnh Bồ-tát ở a-tăng-kì kiếp thứ nhì và thứ ba, gồm có cấp Mười-địa (Thập-địa), và 2 bậc Đẳng-giác, Diệu-giác; cả thảy là 12 bậc. Tính chung tất cả thời gian tu hành của Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật là 3 a-tăng-kì kiếp; trải qua một con đường dài gồm 52 bậc từ thấp lên cao. [61] Hai mươi lăm cõi (nhị thập ngũ hữu): Từ ba cõi mở rộng ra thì có 25 cõi: - Dục giới có 14 cõi: 6 tầng trời cõi Dục (Tứ-vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa-lạc, và Tha-hóa-tự-tại); 4 châu loài người (Đông Thắng-thân, Nam Thiệm-bộ, Tây Ngưu-hóa, và Bắc Câu-lô); 4 nẻo ác (A-tu-la, Bàng-sinh, Ngạ-quỉ, và Địa-ngục). - Sắc giới có 7 cõi: Sơ-thiền thiên, Đại-phạm thiên, Nhị-thiền thiên, Tam-thiền thiên, Tứ-thiền thiên, Vô-tưởng thiên, và Tịnh-cư thiên. - Vô-sắc giới có 4 cõi: Không-xứ thiên, thức-xứ thiên, Vô-sở-hữu-xứ thiên, và Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiên. Chữ “HỮU” (有) trong từ Hán ngữ “nhị thập ngũ hữu”, có nghĩa là do nhân quả nối tiếp không dứt mà có sự sống chết nối tiếp không dứt trong ba cõi luân hồi. [62] Pháp-vân-địa: (Xem lại chú thích số 31 ở trên.) [63] Bốn đạo quả: Quá trình tu tập của hàng Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, phải trải qua 7 cấp (Mười-tín, Mười-trụ, Mười-hạnh, Mười-hồi hướng, Mười-địa, Đẳng-giác và Diệu-giác), nhưng theo giáo lí “viên giáo”, nếu hành giả tu tập tinh tấn vượt bậc, thì có thể thành Phật ngay ở cấp đầu tiên là Mười-tín (Thập-tín). Do đó, tùy theo công phu và cường độ của sự quyết tâm, hàng Bồ-tát có thể thành Phật ở bốn giai vị: 1) khi đã viên mãn giai vị Mười-tín, gọi là “Tín mãn thành Phật”; 2) khi đã viên mãn giai vị Mười-trụ, gọi là “Giải mãn thành Phật”; 3) khi đã viên mãn giai vị Mười-địa, gọi là “Hành mãn thành Phật”; 4) khi đã viên mãn giai vị cao tột là Diệu-giác, gọi là “Chứng mãn thành Phật”. Hết phần nội dung Bản dịch Việt ngữ số 2 của KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA. -------------oooo0O0oooo------------- KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA - Bản dịch Việt ngữ số 3 Dịch giả: Nguyên Thuận (Được xếp vào Đại Chánh Tạng, tập T09 - Kinh số 276 - Tổng cộng kinh này có 1 quyển.) PHẨM 1: ĐỨC HẠNH TÔI NGHE NHƯ VẦY: Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần Đại thành Vương Xá, cùng với 12.000 vị đại Tỳ-kheo và 80.000 vị đại Bồ-tát. Lại có trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, và đại mãng xà; chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh Tín Nam, và Thanh Tín Nữ; đại Chuyển Luân Vương và tiểu Chuyển Luân Vương, như là kim Chuyển Luân Vương và ngân Chuyển Luân Vương; cũng như quốc vương, hoàng tử, đại thần, dân chúng, nam nữ, trưởng giả, và cùng với một tỷ quyến thuộc vây quanh. Tất cả họ đều đến chỗ của Phật, cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Ngài, và đi nhiễu trăm ngàn vòng. Khi đã thắp hương rải hoa và làm muôn sự cúng dường cho Đức Phật xong, họ lui xuống và ngồi qua một bên. Tên của các vị Bồ-tát, gồm có: - Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử, - Đại Uy Đức Tạng Pháp Vương Tử, - Vô Ưu Tạng Pháp Vương Tử, - Đại Biện Tạng Pháp Vương Tử, - Từ Thị Bồ-tát, - Đạo Thủ Bồ-tát, - Dược Vương Bồ-tát, - Dược Thượng Bồ-tát, - Hoa Tràng Bồ-tát, - Hoa Quang Tràng Bồ-tát, - Tổng Trì Tự Tại Vương Bồ-tát, - Quán Thế Âm Bồ-tát, - Đại Thế Chí Bồ-tát, - Thường Tinh Tấn Bồ-tát, - Bảo Ấn Thủ Bồ-tát, - Bảo Tích Bồ-tát, - Bảo Trượng Bồ-tát, - Việt Tam Giới Bồ-tát, - Vô Cấu Hiền Bồ-tát, - Hương Tượng Bồ-tát, - Đại Hương Tượng Bồ-tát, - Sư Tử Hống Vương Bồ-tát, - Sư Tử Du Hí Thế Bồ-tát, - Sư Tử Phấn Tấn Bồ-tát, - Sư Tử Tinh Tấn Bồ-tát, - Dũng Duệ Lực Bồ-tát, - Sư Tử Uy Mãnh Phục Bồ-tát, - Trang Nghiêm Bồ-tát, - Đại Trang Nghiêm Bồ-tát, - và chư đại Bồ-tát khác như thế; tổng cộng là 80.000 vị. Tất cả các vị Bồ-tát này đều là Pháp thân Đại Sĩ với giới, định, tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến thành tựu. Tâm của các ngài tịch tĩnh, luôn ở trong chánh định, điềm tĩnh vắng lặng, vô vi vô dục. Điên đảo và loạn tưởng chẳng còn khởi sanh. Tâm họ tịch tĩnh, thanh tịnh, thâm sâu, quảng đại, có thể giữ bất động đến trăm ngàn ức kiếp và được vô lượng Pháp môn đều hiện ra ở trước. Khi đã được đại trí tuệ và thông đạt các pháp, họ hiểu rõ chân thật, phân biệt tánh và tướng của chúng: có, không, dài, ngắn--thảy đều hiển hiện rõ rệt. Lại có thể khéo biết các căn tánh và điều mong muốn của chúng sanh. Với tổng trì và biện tài vô ngại, họ luôn thỉnh Phật chuyển Pháp luân và cũng có thể tùy thuận chuyển Pháp luân. Trước tiên, họ thấm ướt hại bụi của ái dục với những giọt nước nhỏ của giáo Pháp. Khi mở cánh cửa tịch diệt, họ quạt ngọn gió giải thoát, rồi chuyển nhiệt não của thế gian thành Pháp mát mẻ. Tiếp theo, họ mưa xuống Pháp Mười Hai Nhân Duyên thâm sâu để rưới lên vô minh, sanh già bệnh chết, và năm uẩn thống khổ đang bốc cháy hừng hực dữ dội như ánh nắng mặt trời. Rồi mới trút ào ạt Đạo lý của vô thượng Đại Thừa để thấm nhuần căn lành của chúng sanh ở ba cõi. Họ rải khắp những hạt giống lành xuống ruộng công đức, để khiến cho tất cả sẽ nảy mầm tuệ giác. Với trí tuệ như mặt trời và mặt trăng, cùng với phương tiện và thời gian, họ hỗ trợ và phát huy sự nghiệp Đại Thừa, khiến chúng sanh mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, và thường trụ trong an lạc của chân thật vi diệu. Với lòng đại bi vô lượng, chư Bồ-tát luôn cứu chúng sanh ra khỏi ách khổ. - Họ là Thiện Tri Thức chân thật của những chúng sanh này. - Họ là đại phước điền tốt lành của những chúng sanh này. - Họ là vị thầy không thỉnh mời của những chúng sanh này. - Họ là nơi an ổn, nơi cứu độ, nơi bảo hộ, và là nơi nương tựa rộng lớn của những chúng sanh này. - Họ làm bậc đại đạo sư ở mọi nơi cho các chúng sanh. - Họ có thể làm con mắt cho những ai mù lòa, làm tai mũi lưỡi cho những ai bị điếc, mất khứu giác, và ngọng. - Họ có thể khiến những ai với các căn khiếm khuyết được hoàn chỉnh, hoặc bị điên cuồng rối loạn được đại chánh niệm. - Như một đại thuyền trưởng trong những thuyền trưởng, họ chở chúng sanh ra khỏi sông sanh tử và đến bờ tịch diệt. - Như một đại y vương trong những y vương, họ phân biệt chứng bệnh, biết rõ tánh thuốc, tùy bệnh cho thuốc, và làm bệnh nhân hoan hỷ uống thuốc. - Như một huấn luyện viên giỏi trong những huấn luyện viên, họ không để phóng túng nảy sanh. - Như người huấn luyện voi ngựa, họ khéo điều phục những việc không dễ điều phục. - Như sư tử dũng mãnh uy phục các loài thú, họ du hí với các Pháp Đến Bờ Kia của Bồ-tát và không gì có thể trở ngại hay phá hoại được. Với tâm kiên cố bất động để đạt đến Đạo của Như Lai, họ an trụ trong nguyện lực để rộng thanh tịnh Phật độ. Không bao lâu, họ sẽ được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chư đại Bồ-tát này đều có công đức không thể nghĩ bàn như thế. Tên của các vị Tỳ-kheo, gồm có: - Đại trí Thu Lộ Tử, - Thần thông Đại Thải Thúc Thị, - Tuệ mạng Thiện Hiện, - Tôn giả Đại Văn Sức, - Tôn giả Mãn Từ Tử, - Tôn giả Liễu Bổn Tế, - Thiên nhãn Vô Diệt, - Trì luật Cận Thủ, - Thị giả Khánh Hỷ, - Phật tử Phú Chướng, - Tôn giả Hiền Hỷ, - Tôn giả Thất Tú, - Tôn giả Phòng Tú, - Tôn giả Thiện Dung, - Tôn giả Tiểu Lộ, - Tôn giả Thiện Lai, - Khổ hạnh Đại Ẩm Quang, - Tôn giả Mộc Qua Lâm Ẩm Quang, - Tôn giả Thành Ẩm Quang, - Tôn giả Hà Ẩm Quang, - và các Tỳ-kheo khác như thế; tổng cộng là 12.000 vị. Tất cả đều là những vị Ứng Chân, các lậu trừ sạch, không còn trói buộc, và được giải thoát chân chánh. Lúc bấy giờ, khi Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát quán toàn thể đại chúng đã an tọa và định ý xong, ngài cùng với 80.000 vị đại Bồ-tát ở trong Pháp hội, từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến chỗ của Phật. Họ cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, và đi nhiễu trăm ngàn vòng. Sau đó, họ rải hoa trời, hương trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Chúng từ hư không xoay lượn rơi xuống và tụ lại xung quanh như mây để phụng hiến Đức Phật. Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời; phàm ai thấy sắc và ngửi hương thì tự nhiên no đủ. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc trời trỗi lên để cúng dường Đức Phật. Tiếp đến, họ liền chắp tay và quỳ gối phải ở trước Phật, rồi nhất tâm đồng thanh nói kệ tán thán rằng: "Đại trí đại ngộ đại Thánh Chủ Vô cấu vô nhiễm vô sở trước Thiên nhân tượng mã điều ngự sư Đạo phong đức hương xông tất cả Trí yên tình lặng lo nghĩ dừng Ý diệt thức vong tâm cũng tịch Vĩnh đoạn mơ vọng tư tưởng niệm Chẳng còn bốn đại uẩn xứ giới Thân Ngài chẳng có cũng chẳng không Chẳng nhân chẳng duyên chẳng ta người Chẳng vuông chẳng tròn chẳng dài ngắn Chẳng hiện chẳng mất chẳng diệt sanh Chẳng tạo chẳng khởi chẳng làm nên Chẳng ngồi chẳng nằm chẳng đứng đi Chẳng động chẳng chuyển chẳng nhàn tĩnh Chẳng tiến chẳng thoái chẳng an nguy Chẳng đúng chẳng sai chẳng được mất Chẳng kia chẳng đây chẳng đến đi Chẳng xanh chẳng vàng chẳng đỏ trắng Chẳng hồng chẳng tím chẳng mọi màu Giới định tuệ giải tri kiến sanh Ba Minh Sáu Thông Đạo Phẩm thành Từ bi Mười Lực vô úy khởi Chúng sanh nghiệp lành nhân duyên xuất Thị hiện trượng sáu vàng tím sáng Đoan chánh chiếu sáng rực rỡ khắp Mày trắng uốn quăn rực hào quang Tóc quăn xanh biếc đảnh nhục kế Mắt sáng thanh tịnh nhìn trên dưới Lông mi mày xanh miệng má vuông Môi lưỡi đỏ tươi như trái gấc Bốn mươi răng trắng như kha tuyết Trán rộng mũi thẳng khuôn mặt mở Ngực như sư tử hiện chữ vạn Chân tay mềm mại đủ ngàn căm Lòng tay màng lưới nách không rỗng Ngón tay thon thẳng khuỷu tay dài Làn da mịn màng lông xoáy phải Mắt cá gối ẩn mã âm tàng Bắp thịt quấn xương như bắp nai Trong ngoài ánh triệt tịnh vô cấu Thân chẳng dính bụi nước không thấm Các tướng như thế ba mươi hai Tám mươi vẻ đẹp có thể thấy Nhưng thật vô tướng chẳng sắc tướng Bởi tướng trước mắt là rỗng không Tướng của vô tướng hiện tướng thân Thân tướng chúng sanh hiện cũng thế Khéo làm chúng sanh vui mừng lễ Kiền thành cung kính lòng ân cần Do trừ ngã mạn với tự cao Thành tựu như thế diệu sắc thân Chúng con cả thảy tám mươi ngàn Đều cùng cúi đầu và quy mạng Khéo diệt tư tưởng tâm ý thức Điều phục tượng mã vô trước Thánh Cúi đầu quy y Pháp sắc thân Giới định tuệ giải tri kiến tụ Cúi đầu quy y diệu tướng Tôn Cúi đầu quy y chẳng nghĩ bàn Tám loại Phạm âm như sấm rền Vi diệu thanh tịnh vang xa thẳm Bốn Đế Sáu Độ Mười Hai Duyên Tùy thuận chúng sanh tâm nghiệp chuyển Ai nghe thảy đều tâm ý khai Vô lượng sanh tử trói buộc đoạn Có vị hoặc đắc Quả Nhập Lưu Nhất Lai Bất Hoàn Đạo Ứng Chân Vô lậu vô vi Duyên Giác xứ Vô sanh vô diệt Bồ-tát Địa Hoặc đắc vô lượng môn tổng trì Vô ngại nhạo thuyết đại biện tài Diễn nói thâm sâu kệ vi diệu Du hí tắm gội hồ Pháp tịnh Hoặc nhảy bay lên hiện thần túc Tự do ra vào trong nước lửa Pháp luân như thế tướng như vậy Thanh tịnh vô biên chẳng nghĩ bàn Chúng con lại cùng đồng cúi đầu Quy y Pháp luân chuyển đúng thời Cúi đầu quy y tiếng Phạm âm Bốn Đế Sáu Độ Mười Hai Duyên Thế Tôn thuở xưa vô lượng kiếp Gian khổ tu tập các đức hạnh Vì ta trời người vua thần rồng Và khắp hết thảy các chúng sanh Khéo xả tất cả điều khó xả Tiền tài vợ con cùng thành quách Nội thí ngoại thí không keo tiếc Đầu mắt xương não thảy cho người Phụng trì chư Phật giới thanh tịnh Thậm chí mất mạng chẳng hủy hoại Dẫu người dao gậy đến gây hại Ác khẩu nhục mạ chẳng hề sân Nhiều kiếp thân tâm không mệt mỏi Ngày đêm nhiếp tâm luôn trong thiền Tu học tất cả mọi Pháp môn Trí tuệ vào sâu căn chúng sanh Cho nên nay được sức tự tại Tự tại nơi pháp làm Pháp vương Chúng con lại cùng đồng cúi đầu Gắng sức thực hành việc khó làm" PHẨM 2: THUYẾT PHÁP Lúc bấy giờ, khi Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát và 80.000 vị đại Bồ-tát đã nói bài kệ trên để tán thán Đức Phật xong, họ đồng bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Tất cả 80.000 Bồ-tát chúng con, nay muốn hỏi về Pháp của Như Lai, nhưng không biết Thế Tôn sẽ rủ lòng thương xót mà cho phép chăng?" Phật bảo Đại Trang Nghiêm Bồ-tát và 80.000 vị Bồ-tát rằng: "Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Nên biết bây giờ chính là lúc. Ông hãy cứ hỏi. Chẳng bao lâu nữa Như Lai sẽ vào Cứu Cánh Tịch Diệt. Sau khi Ta vào tịch diệt, hãy khiến cho tất cả đều không còn hoài nghi nào khác. Ông hãy thưa hỏi, và Ta sẽ thuyết giảng cho." Khi ấy, Đại Trang Nghiêm Bồ-tát và 80.000 vị Bồ-tát liền đồng thanh bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ-tát nào muốn mau được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì phải nên tu hành Pháp môn nào? Pháp môn nào sẽ có thể khiến các đại Bồ-tát mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?" Phật bảo Đại Trang Nghiêm Bồ-tát và 80.000 vị Bồ-tát rằng: "Này thiện nam tử! Có một Pháp môn mà sẽ khiến Bồ-tát mau đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu có Bồ-tát nào tu học Pháp môn này, thời sẽ có thể mau đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác." "Bạch Thế Tôn! Pháp môn này tên là gì? Nghĩa của nó như thế nào? Và Bồ-tát phải tu hành ra sao?" Đức Phật bảo: "Này thiện nam tử! Pháp môn này tên là Vô Lượng Nghĩa. Phàm Bồ-tát nào muốn tu học vô lượng nghĩa, họ nên quán sát tánh và tướng của hết thảy các pháp xưa nay vốn Không Tịch: không lớn, không nhỏ, không sanh, không diệt, không trụ, không động, không tiến, không thoái. Chúng tựa như hư không và chẳng có hai pháp. Tuy nhiên, các chúng sanh suy tính sai lầm cho đây với đó, được với mất. Họ khởi niệm bất thiện và tạo những nghiệp ác. Thế nên họ luân hồi trong sáu đường và chịu các khổ độc đến vô lượng ức kiếp mà không thể tự ra khỏi. Đại Bồ-tát hãy quán sát tường tận như thế, rồi sanh tâm thương xót và phát lòng đại từ bi để mong muốn cứu vớt họ. Lại nữa, họ hãy vào sâu hết thảy các pháp: - với pháp tướng như vậy nên pháp sanh như thế; - với pháp tướng như vậy nên pháp trụ như thế; - với pháp tướng như vậy nên pháp dị như thế; - với pháp tướng như vậy nên pháp diệt như thế; - với pháp tướng như vậy nên có thể sanh pháp ác; - với pháp tướng như vậy nên có thể sanh Pháp lành; - và đối với trụ, dị, diệt cũng lại như thế. Khi đã quán sát và biết rõ ngọn ngành của bốn tướng như thế xong, Bồ-tát tiếp theo quán sát tường tận hết thảy các pháp đều niệm niệm bất trụ và sanh diệt liên tục. Kế đến, họ lại quán sự diễn biến xảy ra tức khắc của sanh trụ dị diệt. Khi đã quán như thế xong, Bồ-tát sẽ nhìn thấu các căn tánh và điều mong muốn của chúng sanh. Bởi các căn tánh và điều mong muốn là vô lượng, nên Bồ-tát thuyết vô lượng Pháp. Do thuyết vô lượng Pháp, nên nghĩa cũng vô lượng. Vô Lượng Nghĩa là từ một pháp mà sanh ra. Một pháp này tức cũng là vô tướng. Tuy là vô tướng như thế, nhưng vô tướng chẳng rời khỏi tướng và tướng chẳng rời khỏi vô tướng, nên gọi là thật tướng. Khi đại Bồ-tát đã an trụ trong thật tướng, thì lòng từ bi phát khởi của họ là chân thật và không hư dối. Lúc đó Bồ-tát có thể thật sự bạt trừ khổ đau của chúng sanh. Khi đã cứu họ ra khỏi thống khổ xong, Bồ-tát lại thuyết Pháp để khiến các chúng sanh thọ hưởng vui sướng. Này thiện nam tử! Nếu Bồ-tát nào có thể tu một Pháp môn của Vô Lượng Nghĩa như vậy, thì họ tất sẽ mau được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử! Đây là diệu lý chân chánh và tôn quý tối thượng trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa, mà chư Phật ba đời đều cùng thủ hộ. Không có chúng ma và ngoại đạo nào có thể vào được, và nó cũng chẳng bị phá hoại bởi hết thảy tà kiến của sanh tử. Bởi vậy, thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào muốn mau chứng tuệ giác vô thượng, họ phải nên tu học diệu lý sâu xa này trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa." Lúc bấy giờ Đại Trang Nghiêm Bồ-tát lại bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Pháp của Phật nói thật chẳng thể nghĩ bàn, căn tánh của chúng sanh cũng chẳng thể nghĩ bàn, và Pháp môn giải thoát cũng chẳng thể nghĩ bàn. Chúng con không còn hoài nghi nào đối với Pháp của Phật thuyết giảng. Tuy nhiên, vì các chúng sanh với tâm mê muội, con cần thưa hỏi thêm lần nữa. Bạch Thế Tôn! Đã trên 40 năm kể từ khi Như Lai đắc Đạo cho đến nay, Ngài luôn diễn nói nghĩa lý về bốn tướng của các pháp cho chúng sanh, rằng chúng là khổ, không, vô thường, và vô ngã; chẳng lớn hay nhỏ, chẳng sanh hay diệt. Tất cả đều là vô tướng. Bổn lai của pháp tánh và pháp tướng là Không Tịch: chẳng đến hay đi, chẳng hiện hay mất. Nếu có ai nghe những lời dạy này, hoặc sẽ đắc Noãn Pháp, Đảnh Pháp, Nhẫn Pháp, hay Thế Gian Đệ Nhất Pháp; có vị đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân; có vị đắc Đạo Độc Giác; có vị phát khởi Đạo tâm và thăng lên Địa Thứ Nhất, thứ nhì, thứ hai, thứ ba, và cho đến Địa Thứ Mười. Thế nhưng, có sự khác biệt gì về nghĩa lý của các pháp đã thuyết giảng lúc xưa và đang thuyết giảng hôm nay, mà khiến Phật nói rằng, những Bồ-tát nào tu hành diệu lý sâu xa trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa, thời sẽ mau thành tựu tuệ giác vô thượng? Việc này là sao? Kính mong Thế Tôn hãy từ mẫn đối với tất cả chúng sanh, mà rộng phân biệt để khiến hết thảy những ai nghe Pháp này ở hiện tại cùng vị lai sẽ không còn rơi vào lưới nghi." Khi ấy Phật bảo Đại Trang Nghiêm Bồ-tát rằng: "Lành thay, lành thay, đại thiện nam tử! Ông có thể hỏi Như Lai về nghĩa lý vi diệu của vô thượng Đại Thừa, thời phải biết rằng, ông có thể làm nhiều sự lợi ích an vui cho hàng trời người và bạt trừ khổ đau cho chúng sanh. Lòng đại từ bi của ông là chân thật, không hư ngụy. Do nhân duyên ấy, ông nhất định sẽ mau thành tựu tuệ giác vô thượng, và cũng làm cho tất cả chúng sanh trong ba cõi ở hiện tại cùng vị lai sẽ thành tựu tuệ giác vô thượng. Này thiện nam tử! Sau khi ngồi ngay thẳng sáu năm dưới cội Đạo thụ ở Đạo Tràng, ta thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Sau đó Ta dùng Phật nhãn để quán hết thảy các pháp, và quyết định có những Pháp chưa nên tuyên nói. Vì sao thế? Bởi căn tánh và điều mong muốn của các chúng sanh không giống nhau. Do căn tánh và điều mong muốn của họ không giống nhau, nên Ta thuyết đủ mọi Pháp. Với sức phương tiện, tuy Ta thuyết đủ mọi Pháp trên 40 năm, nhưng chưa từng hiển lộ thật nghĩa. Thế nên, chúng sanh đắc Đạo cũng có sai khác, và họ không thể mau thành tựu tuệ giác vô thượng. Này thiện nam tử! Pháp ví như nước, có thể tẩy trừ cấu uế. Chẳng kể là nước từ giếng, ao hồ, suối nước, dòng sông, khe nước, kênh nước, hay biển cả--thảy đều có thể tẩy trừ những cấu uế. Và cũng thế, nước Pháp cũng có thể tẩy trừ các phiền não cấu uế của chúng sanh. Này thiện nam tử! Mặc dầu tánh của nước thì giống nhau, nhưng suối nước, dòng sông, giếng nước, ao hồ, khe nước, kênh nước, và biển cả mỗi đều khác nhau. Và cũng thế, tánh của Pháp cũng có thể tẩy trừ trần lao--không chút sai khác. Tuy nhiên, Ba Pháp [Giáo Pháp, Hành Pháp, và Chứng Pháp], Bốn Quả của bậc Sa-môn, và Nhị Đạo [Kiến Đạo, Tu Đạo] thì chẳng giống nhau. Này thiện nam tử! Tuy nước đều có thể tẩy rửa, nhưng giếng nước thì không phải là ao hồ, ao hồ không phải là suối nước hay dòng sông, và khe nước hoặc kênh nước thì không phải là biển cả. Đối với các Pháp thuyết giảng của Như Lai Thế Hùng, bậc tự tại nơi tất cả pháp, cũng lại như thế. Mặc dầu lời dạy ở lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối đều có thể tẩy trừ phiền não của chúng sanh, nhưng lúc đầu chẳng phải là lúc giữa, và lúc giữa chẳng phải là lúc cuối. Mặc dầu lời dạy ở lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối đều dùng văn từ giống nhau, nhưng nghĩa lý của chúng thì khác biệt. Này thiện nam tử! Sau khi đứng dậy từ dưới cội Đạo thụ vương, Ta đi đến vườn Nai ở gần thành Lộc Dã và chuyển Pháp luân Bốn Thánh Đế để độ nhóm năm người của Tôn giả Liễu Bổn Tế. Lúc ấy Ta cũng thuyết các pháp xưa nay vốn Không Tịch, biến đổi không ngừng, niệm niệm sanh diệt. Thời kỳ giảng dạy ở lúc giữa, Ta tuyên nói Mười Hai Nhân Duyên và Sáu Độ ở khắp mọi nơi cho các Tỳ-kheo và chư Bồ-tát. Lúc ấy Ta cũng thuyết các pháp xưa nay vốn Không Tịch, biến đổi không ngừng, niệm niệm sanh diệt. Và bây giờ Ta diễn nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, Ta cũng thuyết các pháp xưa nay vốn Không Tịch, biến đổi không ngừng, niệm niệm sanh diệt. Bởi vậy, thiện nam tử! Mặc dầu lời dạy ở lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối đều dùng văn từ giống nhau, nhưng nghĩa lý của chúng thì khác biệt. Do nghĩa lý khác biệt nên sự hiểu biết của chúng sanh cũng khác. Do sự hiểu biết khác nhau nên họ đắc Pháp, đắc Quả, và đắc Đạo cũng khác. Này thiện nam tử! Thời kỳ giảng dạy ở lúc đầu, khi Ta thuyết Bốn Thánh Đế cho những người cầu Quả Thanh Văn, có tám ức chư thiên bay xuống để nghe Pháp và phát khởi Đạo tâm. Thời kỳ giảng dạy ở lúc giữa, khi Ta thuyết Pháp Mười Hai Nhân Duyên ở khắp mọi nơi cho những người cầu Đạo Độc Giác, có vô lượng chúng sanh phát khởi Đạo tâm, hoặc trụ ở Quả Thanh Văn. Ta tiếp theo thuyết giảng các Kinh điển trong 12 bộ--như là Phương Quảng, Đại Trí Độ, và Hoa Nghiêm Hải Vân--để diễn nói sự tu hành của Bồ-tát trong nhiều kiếp, có trăm ngàn Tỳ-kheo, vạn ức hàng trời người, và vô lượng chúng sanh đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân, hoặc có vị trụ trong Pháp Nhân Duyên và đắc Đạo Độc Giác. Này thiện nam tử! Do đó phải biết rằng, tuy văn từ giống nhau nhưng nghĩa lý của chúng thì khác biệt. Do nghĩa lý khác biệt nên sự hiểu biết của chúng sanh cũng khác. Do sự hiểu biết khác nhau nên họ đắc Pháp, đắc Quả, và đắc Đạo cũng khác. Vì thế, thiện nam tử! Sau khi đắc Đạo, kể từ lúc bắt đầu thuyết Pháp cho đến hôm nay diễn nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, Ta chưa hề ngừng nghỉ để nói các pháp là khổ, không, vô thường, vô ngã, chẳng thật hay giả, chẳng lớn hay nhỏ, bổn lai chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt. Tất cả đều là vô tướng, bởi pháp tánh và pháp tướng chẳng đến chẳng đi. Tuy nhiên, chúng sanh thì vẫn cuốn theo bởi bốn tướng mà họ nhận thức nơi các pháp. Này thiện nam tử! Do bởi lẽ này nên chư Phật, bậc không bao giờ nói lời trái nghịch, có thể dùng một âm thanh để ứng khắp tất cả âm thanh, và có thể dùng một thân để hóa hiện tỷ ức nayuta vô lượng vô số Hằng Hà sa số thân. Trong mỗi thân lại có thể hóa hiện đủ mọi hình loại nhiều như số cát của vài tỷ ức nayuta vô số sông Hằng. Trong mỗi hình loại lại có thể hóa hiện vài tỷ ức nayuta vô số Hằng Hà sa số hình. Này thiện nam tử! Đây chính là cảnh giới thâm sâu không thể nghĩ bàn của chư Phật, chẳng phải hàng Nhị Thừa có thể biết, và cũng chẳng phải Bồ-tát ở Trụ Thứ Mười có thể lường. Duy Phật với Phật mới có thể hiểu rõ hoàn toàn. Cho nên, thiện nam tử! Ta tuyên thuyết diệu lý chân chánh và tôn quý tối thượng trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa vi diệu thâm sâu, mà chư Phật ba đời đều cùng thủ hộ. Không có chúng ma và ngoại đạo nào có thể vào được, và nó cũng chẳng bị phá hoại bởi hết thảy tà kiến của sanh tử. Nếu đại Bồ-tát nào muốn mau chứng tuệ giác vô thượng, họ nên tu học Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa thâm sâu như thế." Khi Phật nói lời ấy xong, Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới liền chấn động sáu cách. Trên không trung tự nhiên mưa xuống muôn loại hoa cõi trời, như là hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, và hoa sen trắng. Lại mưa xuống vô số muôn loại hương cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Chúng từ trên không trung xoay lượn rơi xuống để cúng dường Đức Phật cùng chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn thánh chúng. Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc trời trỗi lên để tán thán Đức Phật. Các thế giới nhiều như cát sông Hằng của chư Phật ở phương đông cũng lại chấn động sáu cách. Trên không trung cũng mưa xuống hương hoa cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc trời trỗi lên để tán thán Đức Phật cùng chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn thánh chúng. Nam tây bắc phương, bốn hướng ở bốn góc, cùng phương trên và phương dưới cũng lại như vậy. Bấy giờ trong đại chúng này có 32.000 vị đại Bồ-tát đắc Vô Lượng Nghĩa Chánh Định. 34.000 vị đại Bồ-tát được vô lượng vô số môn tổng trì và có thể chuyển tất cả Pháp luân không thoái chuyển của chư Phật ba đời. Bấy giờ chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh Tín Nam, và Thanh Tín Nữ; trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, và đại mãng xà; đại Chuyển Luân Vương và tiểu Chuyển Luân Vương, như là kim Chuyển Luân Vương và ngân Chuyển Luân Vương; cũng như quốc vương, hoàng tử, đại thần, dân chúng, nam nữ, trưởng giả, và cùng với một tỷ quyến thuộc, khi nghe Đức Phật Như Lai thuyết giảng Kinh này, - có vị đắc Noãn Pháp, Đảnh Pháp, Nhẫn Pháp, hay Thế Gian Đệ Nhất Pháp; - có vị đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân; - có vị đắc Đạo Độc Giác; - có vị đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ-tát; - có vị đắc một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, hay mười môn tổng trì; - có vị đắc một tỷ ức môn tổng trì; - có vị đắc vô số môn tổng trì nhiều như vô lượng số cát trong vô số sông Hằng. Tất cả đều có thể tùy thuận chuyển Pháp luân không thoái chuyển. Vô lượng chúng sanh phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. PHẨM 3: MƯỜI CÔNG ĐỨC Lúc bấy giờ Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát lại thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Ngài đã thuyết giảng Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa vi diệu thâm sâu. Đây thật là thâm sâu và vô cùng thâm sâu. Vì sao thế? Bởi chư đại Bồ-tát ở trong chúng hội đây, cùng bốn chúng đệ tử, trời, rồng, quỷ, thần, quốc vương, đại thần, dân chúng, và các chúng sanh, khi nghe Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa thâm sâu, chẳng ai là không đắc các môn tổng trì, Ba Pháp, Bốn Quả của bậc Sa-môn, hoặc phát khởi Đạo tâm. Phải biết diệu lý chân chánh và tôn quý tối thượng trong Kinh này được chư Phật ba đời đều cùng thủ hộ. Không có chúng ma và ngoại đạo nào có thể vào được, và nó cũng chẳng bị phá hoại bởi hết thảy tà kiến của sanh tử. Vì sao thế? Bởi ai nghe qua chỉ một lần, họ có thể trì tất cả Pháp. Nếu có chúng sanh nào nghe được Kinh này, họ sẽ được lợi ích to lớn. Vì sao thế? Bởi nếu có thể tu hành như Pháp, họ tất sẽ mau được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sanh nào chẳng nghe Kinh này, thời phải biết đó là một sự mất mát lớn lao cho họ. Dẫu có trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chẳng thể nghĩ bàn, họ vẫn không thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao thế? Bởi chẳng biết con đường lớn thẳng tiến đến tuệ giác, họ đi trên hiểm lộ nên gặp nhiều ách nạn. Thưa Thế Tôn! Kinh này thật chẳng thể nghĩ bàn! Kính mong Thế Tôn từ bi vì đại chúng mà rộng diễn nói những việc chẳng thể nghĩ bàn của Kinh điển thâm sâu này. Thưa Thế Tôn! Kinh này từ đâu đến, sẽ đi tới nơi nào, và trụ ở nơi đâu, mà có vô lượng công đức với sức chẳng thể nghĩ bàn để khiến chúng sanh mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như thế?" Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát rằng: "Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Như thị, như thị! Đúng như lời ông nói. Này thiện nam tử! Ta nói Kinh này thật là thâm sâu và vô cùng thâm sâu. Vì sao thế? - Bởi nó có thể khiến chúng sanh mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. - Bởi ai nghe qua chỉ một lần, họ có thể trì tất cả Pháp. - Bởi nó mang đến lợi ích to lớn cho các chúng sanh. - Bởi ai đi trên con đường thẳng lớn này, họ sẽ không gặp ách nạn. Thiện nam tử! Ông đã hỏi Kinh này là từ đâu đến, sẽ đi tới nơi nào, và trụ ở nơi đâu? Ông hãy lắng nghe. Thiện nam tử! Kinh này vốn từ trong cung điện của chư Phật mà đến, sẽ đi tới hết thảy chúng sanh nào phát khởi Đạo tâm, và trụ ở nơi tu hành của chư Bồ-tát. Thiện nam tử! Kinh này đến như vậy, đi như vậy, và trụ như vậy. Cho nên Kinh này mới có vô lượng công đức với sức chẳng thể nghĩ bàn để khiến chúng sanh mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như thế. Thiện nam tử! Kinh này lại có mười sức công đức chẳng thể nghĩ bàn, ông có muốn nghe chăng?" Ngài Đại Trang Nghiêm thưa rằng: "Dạ, con vui thích muốn nghe!" Đức Phật bảo: "Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhất của Kinh này là: - có thể khiến Bồ-tát nào chưa phát khởi Đạo tâm sẽ phát khởi Đạo tâm; - có thể khiến những ai chẳng có lòng nhân từ sẽ khởi lòng nhân từ; - có thể khiến những ai thích giết chóc sẽ khởi tâm đại bi; - có thể khiến những ai hay đố kỵ sẽ khởi tâm tùy hỷ; - có thể khiến những ai tham ái và chấp trước sẽ có thể khởi tâm buông xả; - có thể khiến những ai keo kiệt sẽ khởi tâm bố thí; - có thể khiến những ai lắm kiêu mạn sẽ khởi tâm trì giới; - có thể khiến những ai đầy sân hận sẽ khởi tâm nhẫn nhục ; - có thể khiến những ai ưa lười biếng sẽ khởi tâm tinh tấn; - có thể khiến những ai tán loạn sẽ khởi tâm thiền định; - có thể khiến những ai si mê sẽ khởi tâm trí tuệ; - có thể khiến những ai chưa có thể độ người khác sẽ khởi tâm độ người khác; - có thể khiến những ai làm mười nghiệp ác sẽ khởi tâm làm Mười Nghiệp Lành; - có thể khiến những ai thích pháp hữu vi sẽ khởi tâm vô vi; - có thể khiến những ai thoái chuyển sẽ khởi tâm không thoái chuyển; - có thể khiến những ai có hữu lậu sẽ khởi tâm vô lậu; - và có thể khiến những ai nhiều phiền não sẽ khởi tâm diệt trừ. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhất của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhì của Kinh này là: Nếu có chúng sanh nào nghe được Kinh này một lần, hoặc chỉ một bài kệ, hay cho đến chỉ một câu, thời sẽ có thể thông đạt trăm ngàn ức nghĩa, mà suốt vô lượng số kiếp họ chẳng thể diễn nói Pháp đã thọ trì. Vì sao thế? Bởi Pháp trong Kinh này có vô lượng nghĩa. Thiện nam tử! Kinh này ví như từ một hạt giống sanh ra một tỷ hạt giống. Rồi từ trong một tỷ hạt giống, mỗi hạt giống lại sanh ra một tỷ hạt giống khác. Triển chuyển như thế cho đến vô lượng. Kinh điển này thì cũng lại như vậy. Từ một Pháp sanh ra trăm ngàn nghĩa. Rồi từ trong trăm ngàn nghĩa, mỗi nghĩa lại sanh ra một tỷ nghĩa khác. Triển chuyển như thế cho đến vô lượng vô biên nghĩa. Cho nên Kinh này gọi là Vô Lượng Nghĩa. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhì của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ ba của Kinh này là: Nếu có chúng sanh nào đã nghe được Kinh này một lần, hoặc một bài kệ hay cho đến chỉ một câu, thời sẽ có thể thông đạt trăm ngàn ức nghĩa. Mặc dầu họ vẫn có phiền não, nhưng sẽ như chẳng có phiền não. Họ sẽ trải qua sanh tử với tâm tưởng không có sợ hãi. Họ sẽ khởi lòng thương xót đối với các chúng sanh. Đối với tất cả pháp, họ sẽ được ý chí dũng mãnh. Đây ví như vị tráng sĩ khỏe mạnh có thể gánh vác những đồ vật nặng. Người trì Kinh này thì cũng lại như vậy. Họ có thể gánh vác châu báu nặng của tuệ giác vô thượng và cõng mang chúng sanh ra khỏi đường sanh tử. Mặc dầu họ chưa có thể tự độ, nhưng đã có thể độ người khác. Đây ví như vị thuyền trưởng ở bờ bên này do thân mắc trọng bệnh và tứ chi không còn linh hoạt, nhưng ngài có một chiếc thuyền vững chắc rất tốt được chuyên dùng chở người qua bờ, và ngài đã đưa nó cho người khác để lái đi. Người trì Kinh này thì cũng lại như vậy. Mặc dầu họ lưu chuyển trong năm đường, với các thân hữu lậu thường luôn bị 108 trọng bệnh siết trói và phải trú ở vô minh của bờ sanh tử bên này, nhưng người ấy có Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa kiên cố này và có thể độ chúng sanh. Hễ ai như thuyết tu hành, thời họ sẽ ra khỏi sanh tử. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ ba của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tư của Kinh này là: Nếu có chúng sanh nào nghe được Kinh này một lần, hoặc một bài kệ hay cho đến chỉ một câu, thời họ sẽ được ý chí dũng mãnh. Tuy chưa có thể tự độ, nhưng họ sẽ có thể độ người khác và với chư Bồ-tát làm quyến thuộc. Chư Phật Như Lai sẽ thường diễn nói Pháp cho người ấy. Khi nghe rồi, người ấy đều có thể thọ trì và tùy thuận chẳng nghịch. Họ lại triển chuyển và tùy lúc mà rộng nói cho người khác. Thiện nam tử! Người ấy ví như vị hoàng tử mới chào đời của đức vua và hoàng hậu. Hoặc đã lớn lên được một ngày, hai ngày, hay cho đến bảy ngày; hoặc được một tháng, hai tháng, hay cho đến bảy tháng; hoặc được một tuổi, hai tuổi, hay cho đến bảy tuổi. Mặc dầu vẫn chưa có thể xử lý quốc sự, nhưng tiểu hoàng tử đã được thần dân cung kính. Tiểu hoàng tử sẽ được làm bạn lữ với các hoàng tử lớn, được vua cha và hoàng hậu với lòng thương yêu tha thiết thường hay cùng chuyện trò. Vì sao thế? Bởi tiểu hoàng tử còn rất nhỏ. Thiện nam tử! Người trì Kinh này thì cũng lại như vậy. Chư Phật ví như đức vua và Kinh này ví như hoàng hậu. Với sự hòa hợp nên cùng sanh ra người con là Bồ-tát. Nếu có Bồ-tát nào nghe được Kinh này--hoặc một câu hay một bài kệ, hoặc một lần hay hai lần, hoặc 10, 100, 1.000, 10.000, ức vạn ức, hay cho đến vô lượng vô số lần nhiều như cát sông Hằng--tuy vẫn chưa có thể liễu giải chân lý tối diệu, và tuy vẫn chưa có thể chuyển đại Pháp luân với Phạm âm như sấm rền để chấn động Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nhưng họ đã được tất cả bốn chúng đệ tử cùng thiên long bát bộ kính ngưỡng, và với chư đại Bồ-tát làm quyến thuộc. Họ vào sâu Pháp bí mật của chư Phật và lời thuyết giảng đều chẳng trái nghịch hay sai lầm. Bởi họ là những đệ tử mới học Pháp, nên luôn được chư Phật hộ niệm và từ bi che chở. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tư của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ năm của Kinh này là: Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, mà thọ trì đọc tụng và biên chép Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa thâm sâu này, mặc dầu người ấy vẫn còn đầy phiền não bủa vây và vẫn chưa có thể xa rời các việc của phàm phu, nhưng họ sẽ có thể thị hiện Phật Đạo quảng đại. Họ có thể kéo dài 1 ngày thành 100 kiếp và thu giảm 100 kiếp thành 1 ngày để khiến các chúng sanh kia hoan hỷ tín thọ. Thiện nam tử! Các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó ví như con của rồng, chỉ mới sanh bảy ngày thì liền có thể nổi mây và cũng có thể làm mưa. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ năm của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ sáu của Kinh này là: Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, mà thọ trì đọc tụng Kinh điển này, mặc dầu vẫn còn đầy phiền não, nhưng người ấy sẽ có thể thuyết Pháp để khiến chúng sanh xa rời sanh tử phiền não và đoạn trừ mọi thống khổ. Khi chúng sanh nghe rồi và tu hành, họ đắc Pháp, đắc Quả, và đắc Đạo cũng như được dạy chính từ chư Phật Như Lai--không chút sai khác. Đây ví như tiểu hoàng tử, tuy vẫn còn rất nhỏ, nhưng nếu trong lúc vua cha đi tuần du hay đang mắc bệnh, ngài sẽ ủy thác quốc sự cho vị hoàng tử đó xử lý. Bấy giờ hoàng tử y theo chiếu chỉ của phụ vương mà quản lý triều chính đúng phép để mang đến thịnh vượng. Vương quốc và nhân dân sẽ sống an bình như vua cha trị vì--không chút sai khác. Các thiện nam tử và thiện nữ nhân thọ trì Kinh này cũng lại như vậy. Nếu đương lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, tuy vẫn chưa được trụ ở Hoan Hỷ Địa, nhưng họ sẽ có thể nương theo lời dạy của Phật mà diễn giải giáo Pháp. Khi chúng sanh nghe rồi và nhất tâm tu hành, họ sẽ đoạn trừ phiền não, đắc Pháp, đắc Quả, và cho đến đắc Đạo. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ sáu của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ bảy của Kinh này là: Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, khi nghe được Kinh này mà lòng hoan hỷ tín mến, sanh tâm hy hữu, rồi thọ trì đọc tụng, biên chép giảng giải. Họ lại như Pháp tu hành, phát khởi Đạo tâm, phát triển các căn lành, và khởi lòng đại bi để muốn độ tất cả chúng sanh khổ não. Tuy họ vẫn chưa tu hành Sáu Độ, nhưng Sáu Độ sẽ tự nhiên hiện ra ở trước và liền đắc Vô Sanh Nhẫn. Ngay khi ấy, phiền não của sanh tử lập tức đoạn trừ. Họ liền thăng lên Địa Thứ Bảy và ngồi vào vị trí của đại Bồ-tát. Đây ví như có một người dũng mãnh dẹp trừ oán địch cho vua. Sau khi dẹp xong oán địch, nhà vua rất vui mừng, phong thưởng một nửa lãnh thổ và ban cho mọi thứ. Thiện nam tín nữ thọ trì Kinh này cũng lại như vậy. Trong số người tu hành, họ là bậc dũng mãnh nhất. Khi ấy, Pháp bảo Sáu Độ không cầu tự đến và sanh tử oán địch tự nhiên diệt trừ. Họ sẽ chứng Vô Sanh Nhẫn và được phong thưởng một nửa cõi Phật báu để sống an vui. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ bảy của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tám của Kinh này là: Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, khi có được Kinh điển này, người ấy tín thọ và tôn kính như thân của Phật--không chút sai khác. Họ yêu mến Kinh này, thọ trì đọc tụng, biên chép, đội mang trên đỉnh đầu, và như Pháp phụng hành. Với trì giới và nhẫn nhục kiên cố, họ còn thực hành Bố Thí Độ. Họ phát lòng từ bi thâm sâu và rộng giảng Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa này cho người khác. Nếu thính giả trước khi đến là những người đều chẳng tin có nghiệp tội hay phước báo, vị ấy sẽ dùng Kinh này và thiết lập mọi phương tiện mà chỉ bày để khiến họ tin tưởng. Do bởi uy lực của Kinh, nên sẽ khiến cho tâm của những người bất tín này hốt nhiên quay về. Một khi phát khởi tín tâm, họ sẽ tinh tấn dũng mãnh. Do uy lực và uy đức của Kinh này, họ sẽ đắc Đạo và đắc Quả. Và như thế, các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó liền ở trong đời hiện tại đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn và thăng lên Địa cao hơn. Chư Bồ-tát là quyến thuộc của họ. Họ sẽ mau có thể giáo hóa thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, và không lâu sẽ chứng đắc tuệ giác vô thượng. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tám của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ chín của Kinh này là: Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, khi có được Kinh điển này, họ vui mừng hớn hở và được điều chưa từng có, rồi thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, và rộng phân biệt giảng giải nghĩa lý của Kinh này cho người khác, thì những nghiệp ác và trọng chướng còn sót lại ở đời trước sẽ đồng thời diệt sạch. Họ liền được thanh tịnh và có đại biện tài, tuần tự chứng các Pháp Đến Bờ Kia, và đắc các môn chánh định. Với Cứu Cánh Kiên Cố Chánh Định, họ sẽ vào môn đại tổng trì. Khi đã được sức tinh tấn chuyên cần, họ sẽ mau thăng lên Địa cao hơn. Họ sẽ khéo có thể phân thân đến khắp các cõi nước trong mười phương để cứu vớt tất cả chúng sanh trong 25 cõi, và đều khiến họ giải thoát. Cho nên, Kinh này có uy lực như thế. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ chín của Kinh này. Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ mười của Kinh này là: Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, khi có được Kinh điển này, họ rất vui mừng và sanh tâm hy hữu, rồi liền tự mình thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, và như thuyết tu hành. Họ lại có thể rộng khuyên người tại gia lẫn hàng xuất gia thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường, giảng giải và như Pháp tu hành. Khi những người ấy tu hành và do bởi uy lực của Kinh này, họ sẽ đắc Đạo hoặc đắc Quả. Sự thành tựu của họ đều là do lòng từ bi và nỗ lực khuyên nhủ của các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó. Các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó sẽ chứng vô lượng môn tổng trì ngay trong đời hiện tại. Mặc dầu còn ở địa vị phàm phu, nhưng họ sẽ tự nhiên có thể phát vô lượng vô số đại hoằng thệ nguyện để rộng cứu độ hết thảy chúng sanh. Họ thành tựu đại bi, rộng có thể cứu khổ, và vun bồi căn lành để làm lợi ích cho tất cả. Họ diễn nói Pháp vị để thấm nhuần chúng sanh khô héo và dùng Pháp dược ban cho các chúng sanh để tất cả được an vui. Họ sẽ dần dần thăng lên Pháp Vân Địa. Kể từ đó, ân huệ với từ bi sẽ rưới khắp không chướng ngại, và nhiếp độ chúng sanh khổ đau để khiến họ tiến vào Chánh Đạo. Cho nên, người ấy không lâu sẽ được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ mười của Kinh này. Thiện nam tử! Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa này có sức uy thần cực đại và tôn quý tối thượng. Nó có thể khiến các phàm phu đều thành tựu thánh Quả và lìa xa sanh tử vĩnh viễn để được tự tại. Do đó Kinh này mới tên là Vô Lượng Nghĩa. Nó có thể khiến tất cả chúng sanh ở địa vị phàm phu sanh khởi vô lượng mầm Đạo của chư Bồ-tát. Nó có thể khiến cây công đức tươi tốt và trợ giúp tăng trưởng. Bởi vậy, Kinh này gọi là Mười Sức Công Đức Không Thể Nghĩ Bàn." Khi ấy, Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát và 80.000 vị đại Bồ-tát liền đồng thanh thưa với Phật rằng: "Thưa Thế Tôn! Đức Phật tuyên thuyết diệu lý chân chánh và tôn quý tối thượng trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa vi diệu thâm sâu, mà chư Phật ba đời đều cùng thủ hộ. Không có chúng ma và ngoại đạo nào có thể vào được, và nó cũng chẳng bị phá hoại bởi hết thảy tà kiến của sanh tử. Cho nên Kinh này mới có mười loại sức công đức không thể nghĩ bàn như thế để làm lợi ích rộng lớn đến vô lượng hết thảy chúng sanh. Nó có thể khiến tất cả chư đại Bồ-tát đắc Vô Lượng Nghĩa Chánh Định. Có vị đắc vô lượng trăm ngàn môn tổng trì. Có vị đắc các Địa và các Nhẫn của Bồ-tát. Có vị đắc Đạo Duyên Giác, hoặc chứng Bốn Quả của bậc Sa-môn. Với lòng từ mẫn, Thế Tôn đã khéo thuyết Pháp này để khiến chúng con có được lợi ích to lớn của Pháp. Đây thật là kỳ đặc và chưa từng có bao giờ. Ân huệ từ bi của Thế Tôn thật khó có thể báo đáp." Bấy giờ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách. Ở trên không trung lại mưa xuống muôn loại hoa cõi trời, như là hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, và hoa sen trắng. Lại mưa xuống vô số muôn loại hương cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Chúng từ trên không trung xoay lượn rơi xuống để cúng dường Đức Phật cùng chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn thánh chúng. Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời; phàm ai thấy sắc và ngửi hương thì tự nhiên no đủ. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc trời trỗi lên để tán thán Đức Phật. Các thế giới nhiều như cát sông Hằng của chư Phật ở phương đông cũng lại chấn động sáu cách. Trên không trung cũng mưa xuống hương hoa cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời; phàm ai thấy sắc và ngửi hương thì tự nhiên no đủ. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc trời trỗi lên để tán thán Đức Phật cùng chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn thánh chúng. Nam tây bắc phương, bốn hướng ở bốn góc, cùng phương trên và phương dưới cũng lại như vậy. Lúc bấy giờ Phật bảo Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát và 80.000 vị đại Bồ-tát rằng: "Các ông nên khởi lòng cung kính thâm sâu đối với Kinh này và như Pháp tu hành. Hãy rộng giáo hóa tất cả, hết lòng lưu truyền Kinh này, và ngày đêm phải luôn ân cần thủ hộ để khiến khắp chúng sanh có được lợi ích của Pháp. Các ông thật là đại từ đại bi! Hãy dùng thần thông nguyện lực mà thủ hộ Kinh này. Đừng cho phép nó rơi vào sự hoài nghi mà khiến phải đình trệ. Ở vào đời vị lai, các ông hãy rộng lưu hành đến khắp châu Thắng Kim để khiến tất cả chúng sanh được thấy nghe, đọc tụng, biên chép, và cúng dường. Và do thực hành như thế, nó cũng sẽ giúp các ông mau đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác." Khi ấy Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát và 80.000 vị đại Bồ-tát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ của Phật, cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, rồi liền quỳ gối phải ở trước. Họ đồng thanh thưa với Phật rằng: "Thưa Thế Tôn! Chúng con thật may mắn được Thế Tôn từ mẫn thuyết giảng Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa vi diệu thâm sâu cho chúng con. Chúng con xin kính thọ giáo sắc của Phật. Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con sẽ rộng lưu truyền Kinh điển này để khiến tất cả thọ trì đọc tụng và biên chép cúng dường. Kính mong Thế Tôn chớ lo lắng. Chúng con sẽ dùng nguyện lực để làm cho hết thảy chúng sanh thấy nghe, đọc tụng, biên chép, cúng dường, và được sức uy thần của Kinh Pháp này." Bấy giờ Đức Phật ngợi khen rằng: "Lành thay, lành thay, các thiện nam tử! Các ông nay đích thật là con của Phật. Với lòng đại từ đại bi, các ông rộng có thể cứu vớt chúng sanh ra khỏi khổ ách. Các ông là phước điền tốt lành của hết thảy chúng sanh, rộng làm vị đạo sư giỏi cho tất cả, là nơi nương tựa rộng lớn của hết thảy chúng sanh, là vị đại thí chủ của hết thảy chúng sanh, và luôn dùng lợi ích của Pháp để rộng bố thí cho tất cả." Lúc đó, đại chúng trong Pháp hội đều rất vui mừng. Họ thọ trì lời Phật dạy, đảnh lễ và cáo lui. Kinh Vô Lượng Nghĩa Hết phần nội dung Bản dịch Việt ngữ số 3 của KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA. -------------oooo0O0oooo------------- KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA - Bản dịch Anh ngữ số 1 Dịch giả: Rulu (Được xếp vào Đại Chánh Tạng, tập T09 - Kinh số 276 - Tổng cộng kinh này có 1 quyển.) Thus I have heard: At one time the Buddha was staying on the Gṛdhrakūṭa Mountain, near the city of Rājagṛha, together with 12,000 great bhikṣus and 80,000 Bodhisattva-Mahāsattvas, as well as gods, dragons, yakṣas, gandharvas, asuras, garuḍas, kiṁnaras, and mahoragas. Also present were bhikṣus, bhikṣuṇīs, upāsakas, and upāsikās, as well as great Wheel-Turning Kings and lesser Wheel-Turning Kings, such as gold wheel kings and silver wheel kings, as well as kings, princes, state ministers, citizens, men, women, and elders, surrounded by their retinues in the billions. They all came to the Buddha, bowed their heads down at His feet, and circled Him 100,000 times. They burned incense, scattered flowers, and presented various kinds of offerings. Having made their offerings to the Buddha, they stepped back and sat on one side. Among the 80,000 Bodhisattva-Mahāsattvas were Mañjuśrī the Dharma Prince, Great Awesome Virtue Store the Dharma Prince, Carefree Store the Dharma Prince, Great Eloquence Store the Dharma Prince, Maitreya Bodhisattva, Guiding Leader Bodhisattva, Medicine King Bodhisattva, Medicine Superior Bodhisattva, Flower Banner Bodhisattva, Flower Radiance Banner Bodhisattva, Dhāraṇī Sovereign King Bodhisattva, Avalokiteśvara Bodhisattva, Great Might Arrived Bodhisattva, Persistent Energetic Progress Bodhisattva, Jewel Seal Hand Bodhisattva, Treasure Pile Bodhisattva, Jewel Staff Bodhisattva, Beyond the Three Realms Bodhisattva, Vimalabhadra Bodhisattva, Fragrant Elephant Bodhisattva, Great Fragrant Elephant Bodhisattva, Lion’s Roar King Bodhisattva, Lion Frolic World Bodhisattva, Lion Vigor Bodhisattva, Lion Advance Bodhisattva, Valiant Force Bodhisattva, Lion Fierce Subjugation Bodhisattva, Magnificence Bodhisattva, and Great Magnificence Bodhisattva. All of these Bodhisattva-Mahāsattvas are great ones who have realized their dharma body through perfecting [its five aspects:] precepts, samādhi, wisdom, liberation, and the knowledge and views of liberation. Their minds, silent and meditative, are constantly in samādhi, peaceful, reserved, asaṁskṛta, and free from desire. Inverted thoughts and perceptions no longer arise. Silent, lucid, profound, and vast, their minds can remain still for 100,000 koṭi kalpas, as innumerable Dharma Doors are all present before them. Having unfolded great wisdom and penetrated all dharmas, they understand the true reality of dharmas, which, differentiated by their natures and appearances, clearly manifest as existence or nonexistence, long or short. Moreover, they are adept in identifying the capacities, natures, and desires of sentient beings. Equipped with dhāraṇīs and unimpeded eloquence, they always request Buddhas to turn the Dharma wheel. Likewise, they are also able to turn it. They first dampen the dust of desire with drizzling drops [of teachings]. As they open the door to nirvāṇa and fan the wind of liberation, they turn the heat of the afflictions of the world into the coolness of the Dharma. They next rain down the profound principle of the Twelve Links of Dependent Arising upon the blazing, glowing sunlight of suffering that runs from ignorance to old age, illness, and death. Then, they cascade a downpour of unexcelled Mahāyāna [teachings] to water the roots of goodness of sentient beings in the Three Realms of Existence. They scatter the seeds of goodness everywhere in merit fields, enabling all to germinate bodhi sprouts. With their wisdom like the sun and the moon, using skillful means and timing, they promote and expand the mission of the Mahāyāna, enabling sentient beings to attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly and to abide in bliss and inconceivable true reality. As these Bodhisattva-Mahāsattvas rescue longsuffering sentient beings with immeasurable great compassion, they are their true beneficent learned friends, their great fortune fields, and their unasked teachers. For sentient beings, they serve as sanctuaries of peace and joy and as places of rescue, protection, and great reliance. In every way they are the great guiding teachers to sentient beings. They can be the eye for those who are born blind and be the ear, nose, and tongue for those who are deaf, unable to smell, and mute. They can complete those who are incomplete in their faculties and can make the deranged think straight. Like the captain, the great captain, of a ship, they carry sentient beings across the river of birth and death to the shore of nirvāṇa. Like the medicine king, the great medicine king, they differentiate the symptoms of diseases, know the properties of medicines, dispense medicines according to the diseases, and make patients enjoy taking them. Like the animal trainer who can train elephants and horses without fail, they, the tamers, the great tamers, always refrain from unrestrained actions. Like the brave fierce lion that subdues all animals, totally undefeatable, they playfully practice the Bodhisattva pāramitās. Unshakably resolved to attain the Tathāgata Ground, they rely on the power of their vows to purify Buddha Lands. Before long, they will attain anuttara-samyak-saṁbodhi. These Bodhisattva-Mahāsattvas all have such inconceivable merits as described. Among the 12,000 bhikṣus were Śāriputra the Great Wisdom, Maudgalyāyana the Transcendental Power, Subhūti the Wisdom Life, Mahākātyāyana, Pūrṇa (Maitrāyaṇī’s son), Ājñātakauṇḍinya, Aniruddha the God-Eye, Upāli the Upholder of the Vinaya, Ānanda (the Buddha’s attendant), Rāhula (the Buddha’s son), Upananda, Revata, Kapphiṇa, Vakkula, Mahāmaudgalyāyana, Svāgata, Mahākāśyapa the Foremost in Dhūta Training, Uruvilvākāśyapa, Gayākāśyapa, and Nadīkāśyapa. All of them were Arhats, who, having ended their afflictions and the discharges thereof, were free from bondage and truly liberated. At that time Great Magnificence Bodhisattva-Mahāsattva, seeing the multitude settled calmly, together with the 80,000 Bodhisattva-Mahāsattvas in the assembly, rose from his seat and came to the Buddha. They bowed their heads down at the feet of the Buddha, and circled him 100,000 times. As an offering to the Buddha, celestial incense smoke, flowers, garments, necklaces, and priceless jewels fell spiraling down from the sky and gathered around like clouds. Celestial serving dishes and bowls were filled with delicacies of one hundred celestial flavors, gratifying all with their colors and aromas. Placed everywhere were celestial banners, flags, and canopies, as well as wonderful musical instruments, playing celestial music to entertain the Buddha. Before the Buddha, they joined their palms and knelt on their right knees. With one mind and one voice, they presented their tribute in verse: Sublime is the holy lord, the great enlightened one! With no taint, no defilement, and no attachment, He is the tamer of gods and men as well as of elephants and horses. The influence of His Way and the fragrance of His virtue permeate everywhere. His wisdom is peaceful, His emotions serene, and His cares at rest. His mental faculty and mental consciousness are still, and His mind silent, Having forever ceased dreaming, thinking, perception, and rumination. He no longer takes as real the [six] domains, the [five] aggregates, the [eighteen] spheres, and the [twelve] fields. Born from neither causes nor conditions, neither self nor others, His [dharma] body is neither existent nor nonexistent, Neither square nor round, neither long nor short, Neither appearing nor disappearing, with neither birth nor death, Neither constructed nor arisen, neither made nor formed, Neither sitting nor lying, neither walking nor standing still, Neither moving nor turning, neither noisy nor tranquil, Neither advancing nor retreating, neither safe nor perilous, Neither right nor wrong, neither gaining nor losing, Neither this nor that, neither coming nor going, Neither blue nor yellow, neither red nor white, Neither scarlet nor purple, nor in a variety of colors. It is realized through achieving [its five aspects:] precepts, samādhi, wisdom, liberation, and the knowledge and views of liberation. Accomplished are the Three Clarities, the six transcendental powers, and the [Thirty-seven] Elements of Bodhi. Arisen are lovingkindness, compassion, the Ten Powers, and the Four Fearlessnesses. In response to the good karmic conditions of sentient beings, He has appeared in a body ten feet and six inches tall, purple-tinged golden, Resplendent, radiant, and well proportioned. The white hair between His eyebrows curls like the new moon, and His halo is like sunlight. His curling hair is dark blue, and a fleshy mound is on his crown. His clear eyes are bright, gently looking up and down. His eyebrows and eyelashes are dark blue, and His mouth and cheeks well formed. His lips and tongue are red, like a crimson flower. His forty teeth are white like snow. His forehead is broad, His nose straight, and His face open. On His lion chest is the symbol of a svastika. His palms and soles are soft, marked with a thousand spokes. His armpits are not hollow, His fingers are webbed, His arms are long, and His fingers straight and slender. His skin is fine and soft, with hair curling to the right. His ankles and knees are not bony, and His male organ is hidden like that of a horse. Fine muscles wrap His leg bones, like those of the deer-king. His body is radiant, pure, and fresh, [Like a lotus flower] untouched by water and untainted by dirt. His thirty-two physical marks And eighty excellent characteristics seem to be visible. In true reality, there is neither form nor appearance Because appearances before the eye are empty. As the appearance of no appearance is manifested as His body, In the same way it is manifested as the bodies of sentient beings. His appearance enables sentient beings to make obeisance joyfully, And to pay their respects sincerely and earnestly. By discarding self-elevation and self-arrogance, He has acquired such a wonderful body. All of us together, 80,000 in this multitude, Make obeisance to and take refuge in the holy one who, without attachment, Has skillfully transformed His thinking, perception, mind, mental faculty, and mental consciousness, As well as tamed elephants and horses. We bow down to take refuge in the physical form of His dharma body, A combination of precepts, samādhi, wisdom, liberation, and the knowledge and views of liberation. We bow down to take refuge in the appearance of the wondrous being. We bow down to take refuge in the inconceivable one. His Brahma tone thunders in eight ways, Wondrous, pure, and far-reaching, Announcing the Four Noble Truths, the six pāramitās, and the Twelve Links of Dependent Arising, According to the mind karmas of sentient beings. None of the hearers will fail to open his mind, And to shatter the bondage of his immeasurable cycle of birth and death. Some voice-hearers become Srotāpannas, Sakṛdāgāmins, Anāgāmins, or Arhats. Some become Pratyekabuddhas, free from afflictions and attachment to saṁskṛta dharmas. Some realize the no birth and no death of dharmas and ascend to the Bodhisattva Grounds. Some acquire innumerable dhāraṇīs And delight in expounding the Dharma with great eloquence. They pronounce profound, wondrous stanzas, Playing and bathing in the pure lake of the Dharma. Some display transcendental powers as they jump up and fly Or freely go in and out of water or fire. Such are the manifestations of the Dharma wheel, Pure, boundless, and inconceivable! Again we all bow down together to take refuge In the Dharma wheel that turns at the right time. We all bow down to take refuge in the Brahma tones. We all bow down to take refuge in the [principle of] dependent arising, the Four Noble Truths, and the six pāramitās. For innumerable kalpas in the past, The World-Honored One arduously trained in virtuous actions. For Himself, humans, gods, dragons, spirits, kings, And all other sentient beings, He was able to abandon all that was hard to abandon, Such as wife, children, riches, throne, and kingdom. Never begrudging dharmas, internal or external, He gave others his head, eyes, bone marrow, and brain. Observing the pure precepts of Buddhas, He never caused any harm, even to save His life. He never became angry when struck by knives or clubs Or attacked by insults and abusive words. For kalpas, He was never tired or indolent in His endeavor. Day and night, He has kept his mind in meditation. Having learned all the ways in the Dharma, He can penetrate the capacities of sentient beings with His wisdom. Hence, He has now achieved commanding power, Becoming the Dharma King in command of dharmas. We all bow down together to take refuge, So that we can endeavor to do what is hard to do. Chapter 2 Expounding the Dharma Great Magnificence Bodhisattva-Mahāsattva and the 80,000 Bodhisattva-Mahāsattvas, having finished the stanza in praise of the Buddha, asked the Buddha, “World-Honored One, all of us 80,000 Bodhisattvas now would like to ask about the Dharma of the Tathāgata. We do not know whether the World-Honored One will grant us permission.” The Buddha told Great Magnificence Bodhisattva and the 80,000 Bodhisattvas: “Very good! Very good! Good men, you best know that this is the right time. You may ask any questions. Before long, the Tathāgata will enter parinirvāṇa, and there should be no doubts remaining after my parinirvāṇa. You may ask me any questions you wish.” Then Great Magnificence Bodhisattva and the 80,000 Bodhisattvas asked the Buddha with one voice, “World-Honored One, if Bodhisattva-Mahāsattvas wish to attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly, through what Dharma Door should they train? What Dharma Door will enable Bodhisattva-Mahāsattvas to attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly?” The Buddha replied to Great Magnificence Bodhisattva and the 80,000 Bodhisattvas: “Good men, there is one Dharma Door through which Bodhisattvas can attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly. If there are Bodhisattvas who learn this Dharma Door, they can attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly.” “World-Honored One, what is this Dharma Door called? What is its meaning? How should Bodhisattvas train themselves?” The Buddha replied, “Good men, this one Dharma Door is called Immeasurable Meaning. Bodhisattvas who wish to study and learn the immeasurable meaning should observe that dharmas have always been empty in nature and in appearance. With neither birth nor death, dharmas are neither large nor small, neither moving nor standing still, neither advancing nor retreating. Like space, they are non-dual. However, sentient beings mistakenly calculate this versus that, gain versus loss. They elicit bad thoughts, do evil karmas, and hence transmigrate through the six life-journeys, undergoing dreadful suffering. For innumerable koṭis of kalpas, they are unable to transcend the cycle by themselves. Having observed them carefully in this way and wishing to rescue them, Bodhisattva-Mahāsattvas feel sympathy and exude great lovingkindness and compassion. Moreover, they deeply penetrate all dharmas: with such a dharma appearance, such a dharma is arising; with such a dharma appearance, such a dharma is staying; with such a dharma appearance, such a dharma is changing; with such a dharma appearance, such a dharma is perishing; such a dharma appearance can produce evil dharmas; such a dharma appearance can produce good dharmas. In the same way each dharma stays, changes, and perishes. Having fully observed and understood the ins and outs of the four appearances [of every saṁskṛta dharma], Bodhisattvas next observe intently that all dharmas arise and perish instantly, as thoughts, one after another, never stay. They also observe the instantaneous birth, stay, change, and death of all dharmas. Having made these observations, Bodhisattvas then penetrate the capacities, natures, and desires of sentient beings. Because their capacities, natures, and desires are immeasurable, Bodhisattvas pronounce immeasurable Dharmas. As the Dharmas pronounced are immeasurable, their meanings are also immeasurable. The immeasurable meanings are born from one dharma. This one dharma is no appearance, which is not apart from appearance. The truth that appearance and no appearance are not apart from each other is called true reality. As Bodhisattva-Mahāsattvas abide in this true reality, the lovingkindness and compassion they exude are genuine, not false. They can truly end sentient beings’ suffering. Having rescued them from suffering, Bodhisattvas pronounce the Dharma to them, enabling them to experience happiness. “Good men, if Bodhisattvas can train in this one Dharma Door of Immeasurable Meaning, they will quickly attain anuttara-samyak-saṁbodhi. Good men, this profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning is true in its principle and supreme in its dignity. It is protected by all Buddhas of the past, present, and future. No māras or non-Buddhists can enter it, nor can it be corrupted by the wrong views that perpetuate birth and death. Therefore, good men, Bodhisattva-Mahāsattvas who wish to attain the unsurpassed bodhi should study and learn this profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning.” Great Magnificence Bodhisattva next said to the Buddha, “World-Honored One, the Dharma pronounced by You is inconceivable, the capacities of sentient beings are also inconceivable, and the explanations of the Dharma Doors are inconceivable as well. We no longer have doubts about the Dharma pronounced by the Buddha. However, I need to restate my question because sentient beings have bewildered minds. World-Honored One, since the Tathāgata’s attainment of bodhi, for over forty years, You have often expounded to sentient beings that the meaning of the four appearances of every dharma is impermanence, pain, emptiness, and no self. With neither birth nor death, dharmas are neither large nor small, but in the one appearance of no appearance. Dharma nature and dharma appearance have always been empty, neither coming nor going, neither appearing nor disappearing. Of those who have heard these teachings, some have completed [one of the Four Preparatory Trainings:] Warmth, Pinnacle, Endurance, and Foremost in the World; some have become Srotāpannas, Sakṛdāgāmins, Anāgāmins, or Arhats; some have activated the bodhi mind and ascended to the First, Second, Third, or even the Tenth Ground. “What is the difference in the meaning between the Dharma You have pronounced in the past and what You have stated today, that prompted You to say that Bodhisattvas who train according to this profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning will attain the unsurpassed bodhi quickly? What is the reason? I pray only that the World-Honored One, out of His lovingkindness and compassion for all, will widely explain it to sentient beings, enabling present and future hearers of the Dharma not to have a web of doubts remaining.” Then the Buddha told Great Magnificence Bodhisattva, “Very good! Very good! Man of great goodness, you are able to ask the Tathāgata about such subtle meaning of this profound, unexcelled Mahāyāna. We know that you are able to bring a great many benefits to gods and humans and to rescue suffering sentient beings, giving them all peace and joy. Your great lovingkindness and compassion are true, not false. Because of these causes and conditions, you will definitely attain the unsurpassed bodhi quickly. You will also enable sentient beings in the Three Realms of Existence to attain the unsurpassed bodhi in their present or future lives. “Good man, after sitting properly for six years under the bodhi tree in my bodhimaṇḍa, I attained anuttara-samyak-saṁbodhi. I then observed all dharmas with my Buddha-eye and decided that some [Dharmas] should not yet be pronounced. Why? Because the natures and desires of sentient beings are varied. Because their natures and desires are varied, my teachings have also been varied. Pronouncing various Dharmas with the power of skillful means for over forty years, I did not reveal the definitive meaning. As a result, there are differences in the bodhi attained by sentient beings, and they are unable to attain the unsurpassed bodhi quickly. “Good man, the Dharma is like water, which can wash off filth and dirt. Whether water comes from a well, a lake, a stream, a river, a brook, a channel, or an immense ocean, it all can wash off different kinds of dirt. Likewise, the Dharma water can cleanse sentient beings’ filthy afflictions. “Good man, the nature of water is the same, but a stream, a river, a well, a pool, a channel, and an immense ocean are different from one another. Likewise, the nature of the Dharma is the same, and there is no difference in its washing away of filthy afflictions. However, the three dharmas, the four [voice-hearer] fruits, and the Two Paths are not the same. “Good man, although water from any source washes off dirt just the same, a well is not a pool, a pool is neither a stream nor a river, and a brook or a channel is not an immense ocean. The Dharma pronounced by the Tathāgata, the hero in the world, who has command of all dharmas, is like water. Although what is taught at the beginning, in the middle, and at the end all can cleanse sentient beings’ afflictions, the beginning is not the middle, nor is the middle the end. The teachings given at the beginning, in the middle, and at the end use the same words but their meanings are different. “Good man, after I rose from under the bodhi tree, the king of trees, I went to Deer Park in Vārāṇasī and turned the Dharma wheel of the Four Noble Truths for the five people, including Ājñātakauṇḍinya. I pronounced that dharmas have always been empty, changing nonstop, as thoughts arise and perish, thought after thought. During the middle period of my teachings, I expounded everywhere to bhikṣus and Bodhisattvas the Twelve Links of Dependent Arising and the six pāramitās. I also pronounced that dharmas have always been empty, changing nonstop, as thoughts arise and perish, thought after thought. As I now expound this Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning, I again pronounce that dharmas have always been empty, changing nonstop, as thoughts arise and perish, thought after thought. Therefore, good man, the teachings at the beginning, in the middle, and at the end use the same words, but with different meanings. Because the meanings are different, sentient beings’ understandings are different. Because their understandings are different, the Dharma, the fruit, and bodhi they acquire are also different. “Good man, at the beginning, as I pronounced the Four Noble Truths to those who wanted to be voice-hearers, eight koṭi gods who descended [from their heavens] to hear the Dharma, activated the bodhi mind. In the middle period [of my teaching], as I pronounced everywhere the profound Twelve Links of Dependent Arising to those who wanted to become Pratyekabuddhas, innumerable sentient beings activated the bodhi mind, while others remained as voice-hearers. I next pronounced sūtras in the twelve categories, including the vaipulya sūtras and the mahāprajñā sūtras, like a splendid ocean of clouds, and I expounded how Bodhisattvas would train themselves for kalpas. However, of the hundreds of thousands of bhikṣus and tens of thousands of koṭis of humans and gods, a countless number became Srotāpannas, Sakṛdāgāmins, Anāgāmins, or Arhats, abiding in the Dharma of Dependent Arising realized by Pratyekabuddhas. Good man, for this reason, know that although the words are the same, their meanings are different. Because the meanings are different, the understandings of sentient beings are different. As their understandings differ, the Dharma, fruit, and bodhi they achieve also differ. “Good man, after attaining the great bodhi, from the time I started pronouncing the Dharma, to this day on which I expound the Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning, I have never stopped explaining suffering, emptiness, impermanence, and no self. Nor have I stopped explaining that dharmas, neither real nor unreal, neither large nor small, have never been born, nor do they die. The one appearance of all dharmas is no appearance, as dharma appearance and dharma nature are neither coming nor going. However, sentient beings continue to be driven by the four appearances they perceive [in dharmas]. “Good man, this means that Buddhas, who never speak contradictory words, can respond with one tone universally to all sounds. They each can use one body to manifest as many copies of that body as the sands of immeasurable, uncountable billions of koṭis of nayutas of Ganges Rivers. Each copy can in turn manifest as many kinds of forms as the sands of asaṁkhyeyas billions of koṭis of nayutas of Ganges Rivers. Each form can further manifest as many shapes as the sands of asaṁkhyeya billions of koṭis of nayutas of Ganges Rivers. Good man, the inconceivable profound state of Buddhas is unknowable to riders of the Two Vehicles and beyond Bodhisattvas on the Tenth Ground. It is understood only by Buddhas. “Therefore, good man, I pronounce this wondrous, profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning, which is true in its principle and supreme in its dignity. It is protected by all Buddhas of the past, present, and future. No māras or non-Buddhists can enter it, nor can it be corrupted by the wrong views that perpetuate birth and death. If Bodhisattva-Mahāsattvas wish to attain the unsurpassed bodhi quickly, they should study and learn this profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning.” After the Buddha had finished these words, this Three-Thousand Large Thousandfold World quaked in six different ways. The sky spontaneously rained down various kinds of celestial flowers, such as utpala, padma, kumuda, and puṇḍarīka. As an offering to the Buddha and the huge multitude of Bodhisattvas and voice-hearers, innumerable kinds of celestial incense, garments, necklaces, and priceless jewels fell spiraling down from the sky. Celestial serving dishes and bowls were filled with delicacies of one hundred celestial flavors. Placed everywhere were celestial banners, flags, canopies, and musical instruments. As celestial music and songs were performed to praise the Buddha, the world again quaked in six different ways. In the east, in Buddha Lands as numerous as the sands of the Ganges, their skies also rained down celestial flowers, incense, garments, necklaces, and priceless jewels. Their celestial serving dishes and bowls too were filled with delicacies of one hundred celestial flavors. Also placed everywhere were celestial banners, flags, canopies, and musical instruments. Celestial music and songs were performed as well, praising their Buddhas and their huge multitude of Bodhisattvas and voice-hearers. Just the same were worlds in the south, west, and north, as well as in the four in-between directions, and toward the zenith and nadir. Then in the multitude, 32,000 Bodhisattva-Mahāsattvas attained the Samādhi of Immeasurable Meaning, and 24,000 Bodhisattva-Mahāsattvas acquired innumerable, immeasurable Dhāraṇī Doors and were enabled to turn the no-regress Dharma wheel of Buddhas of the past, present, and future. The bhikṣus, bhikṣuṇīs, upāsakas, upāsikās, gods, dragons, yakṣas, gandharvas, asuras, garuḍas, kiṁnaras, and mahoragas, as well as great Wheel-Turning Kings and lesser Wheel-Turning Kings, such as silver wheel kings and iron wheel kings, as well as kings, princes, state ministers, citizens, men, women, and elders, together with their retinues in the hundreds of thousands, having heard the Buddha pronounce this sūtra, all received benefits. Some achieved [one of the Four Preparatory Trainings:] Warmth, Pinnacle, Endurance, and Foremost in the World. Some achieved the [voice-hearer] fruits, becoming Srotāpannas, Sakṛdāgāmins, Anāgāmins, or Arhats. Some became Pratyekabuddhas. Some attained the Bodhisattva Endurance in the Realization of the No birth of Dharmas. Some acquired one, two, three, four, five, six, seven, eight, nine, or even ten dhāraṇīs; some acquired a billion koṭi dhāraṇīs; some acquired as many dhāraṇīs as the sands of innumerable, countless asaṁkhyeyas of Ganges Rivers. All were enabled to turn the no-regress Dharma wheel. Innumerable sentient beings activated the anuttara-samyak-saṁbodhi mind. Chapter 3 The Ten Virtues Great Magnificence Bodhisattva-Mahāsattva next said to the Buddha, “World-Honored One, You have pronounced this wondrous, profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning. Truly it is very profound, very profound, very profound. Why? Because in this multitude of Bodhisattva-Mahāsattvas, Your four groups of disciples, gods, dragons, spirits, kings, state ministers, citizens, and sentient beings, having heard this profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning, no one has failed to acquire the Dhāraṇī Doors, the Three Dharmas, the four [voice-hearer] fruits, or the bodhi mind. Know that this sūtra is true in its principle and supreme in its dignity. It is protected by all Buddhas of the past, present, and future. No māras or non-Buddhists can enter it, nor can it be corrupted by the wrong views that perpetuate birth and death. Why not? Because by hearing it only once, one is enabled to uphold all Dharmas. “If there are sentient beings that have heard this sūtra, it is to their great benefit. Why? Because if they train accordingly, they will attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly. If there are sentient beings that are unable to hear this sūtra, know that it is a great loss to them. Even after passing immeasurable, limitless, inconceivable asaṁkhyeyas of kalpas, they still will not attain anuttara-samyak-saṁbodhi. Why not? Because not knowing the great Way to bodhi, they take perilous paths which lead to many tribulations. “World-Honored One, this sūtra is inconceivable! I pray only that the World-Honored One, out of lovingkindness and sympathy, will broadly expound to this huge multitude the profound and inconceivable things about this sūtra. World-Honored One, where does this sūtra come from, where does it go, and where does it stay, to have such immeasurable virtue and inconceivable power, enabling sentient beings to attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly?” Then the World-Honored One told Great Magnificence Bodhisattva-Mahāsattva, “Very good! Very good! Good man, indeed, indeed, it is just as you say. Good man, I say that truly this sūtra is very profound, very profound, very profound. Why? Because it enables sentient beings to attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly. Hearing it once enables them to uphold all Dharmas. It brings great benefits to sentient beings, and it enables them to walk the great right path without tribulations. Good man, you ask where this sūtra comes from, where it goes, and where it stays. Hearken well! Good man, this sūtra comes from the abode of Buddhas, goes to sentient beings for them to activate the bodhi mind, and stays in the action range of Bodhisattvas. Good man, this sūtra comes in this way, goes in this way, and stays in this way. Indeed, this sūtra has immeasurable virtue and inconceivable power, and can enable sentient beings to attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly. Good man, would you like to hear the ten inconceivable powers of this sūtra’s virtue?” Great Magnificence Bodhisattva replied, “I would be delighted to hear.” The Buddha said: “Good man, first, this sūtra can enable Bodhisattvas who have not activated the bodhi mind to activate the bodhi mind; enable those who have no lovingkindness to invoke the mind of lovingkindness; enable those who enjoy killing to awaken the mind of compassion; enable those who are jealous to open the mind of sympathetic joy; enable those who have love and attachment to cultivate the mind of equability; enable those who are miserly and greedy to unleash the mind of generosity; enable those who are arrogant to observe their precepts; enable those who are easily angered to endure [their own displeasure]; enable those who are negligent and indolent to strive for energetic progress; enable those who are disorderly to develop the meditative mind; enable those who are foolish to unfold the wisdom mind; enable those who are unable to deliver others to have the will to deliver others; enable those who do the ten evil karmas to be motivated to do the ten good karmas; enable those who delight in saṁskṛta dharmas to realize the asaṁskṛta mind; enable those with a regressive mind to invoke the mind that never regresses; enable those who discharge their afflictions to uncover the mind with no affliction to discharge; and enable those who have a great many afflictions to resolve to eradicate them. Good man, these are called the first inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the second inconceivable power of this sūtra’s virtue. If there are sentient beings that have acquired this sūtra, whether in its entirety or just one stanza or one verse, they will be enabled to penetrate 100,000 koṭi meanings in the Dharma which, for innumerable kalpas, they have upheld but been unable to expound. Why? Because the Dharma in this sūtra has immeasurable meaning. Good man, by analogy, a seed can produce hundreds, thousands, and tens of thousands of seeds. Each seed in turn can produce hundreds, thousands, and tens of thousands of seeds. The seeds successively produced in this way are innumerable. Likewise this sūtra expands. One Dharma gives rise to hundreds and thousands of meanings. Each meaning in turn evokes hundreds, thousands, and tens of thousands of meanings. Expanding in this way, immeasurable, boundless meanings are revealed. Therefore, this sūtra is called Immeasurable Meaning. Good man, these are called the second inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the third inconceivable power of this sūtra’s virtue. If there are sentient beings that have heard this sūtra, whether in its entirety or just one stanza or one verse, they will be enabled to penetrate a billion koṭi meanings. Although they still have afflictions, they will carry on as if without afflictions. They will go through birth and death without thoughts of fear. They will have sympathy for sentient beings and courage to face all dharmas. As a strong man can carry heavy loads, so too can the upholders of this sūtra shoulder the onerous undertaking for the unsurpassed bodhi and carry sentient beings away from the journey of birth and death. Although they have not delivered themselves, they will be able to deliver others. As an analogy, a severely ill captain of the ship stays on this shore because of his physical disability, but he owns a sturdy ship equipped for transporting people, so he gives it to others to sail away. So too do the upholders of this sūtra. Transmigrating through the five life-paths, with their bodies fettered by 108 grave diseases, they will continue their ignorance, grow old, and die on this shore [of saṁsāra]. However, they have this sturdy Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning and can deliver others. Sentient beings that train according to its tenets will be delivered from [their cycle of] birth and death. Good man, these are called the third inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the fourth inconceivable power of this sūtra’s virtue. If there are sentient beings that have heard this sūtra, whether in its entirety or just one stanza or one verse, they will acquire bravery. Although they have not delivered themselves, they will be enabled to deliver others and to have Bodhisattvas as their spiritual family. Buddha-Tathāgatas will often expound the Dharma to them. After hearing it, they will be able to accept and uphold it accordingly, not countering it. They will in turn pronounce it widely to others where appropriate. Good man, they are like the youngest prince born to the king and queen, whether one or two or up to seven days old, whether one or two or up to seven months old, whether one or two or up to seven years old. Although he is unable to administer the affairs of the state, he is already respected by his people. He is in the company of older princes, and the king and queen, with doting love, regularly talk to him. Why? Because he is very young. Good man, fortunate as well are the upholders of this sūtra. Buddhas are the king and this sūtra is the queen. Their union gives birth to Bodhisattva-sons. If these Bodhisattvas have heard this sūtra, whether only one verse or one stanza, whether once or twice, whether ten, one hundred, one thousand, ten thousand times, or even as innumerable times as the sands of tens of thousands of koṭis of Ganges Rivers, although they are yet unable to realize the ultimate truth, nor can they turn the great Dharma wheel with the thundering Brahma tone to shake the Three-Thousand Large Thousandfold World, they are already respected by [my] four groups of disciples and the eight classes of Dharma protectors, and have great Bodhisattvas as their spiritual family. Penetrating deeply into the secret Dharma of Buddhas, they can expound it without contradictions or faults. Because they are beginning students, they are always protected and remembered by Buddhas and embraced in their lovingkindness. Good man, these are called the fourth inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the fifth inconceivable power of this sūtra’s virtue. If good men and good women, during the Buddha’s life or after His parinirvāṇa, accept and uphold this profound unsurpassed Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning and recite and copy it, they will be able to indicate the great Bodhi Way, though they are still fettered by afflictions and unable to keep away from the matters of ordinary beings. They will be able to lengthen one day to one hundred kalpas and shorten one hundred kalpas into one day, winning the appreciation and trust of sentient beings. Good man, these good men and good women are like a dragon-son who, only seven days old, already can stir up clouds and pour down rains. Good man, these are called the fifth inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the sixth inconceivable power of this sūtra’s virtue. If good men and good women, during the Buddha’s life or after His parinirvāṇa, accept and uphold this sūtra and read and recite it, though still with afflictions, they will pronounce the Dharma to sentient beings, enabling them to stay far away from afflictions and saṁsāra and to end all suffering. Having heard it from them, sentient beings that train accordingly will acquire the Dharma, [holy] fruits, and bodhi, just as if taught by Buddha-Tathāgatas, without any difference. As an analogy, although the prince is still very young, if the king is traveling or ill, he appoints the prince to administer the affairs of the state. The prince, following the great king’s order, properly commands his retinues and one hundred state ministers to proclaim the true Dharma. His kingdom and people will live in peace, just as if ruled by the great king, without any difference. The good men and good women who uphold this sūtra can do the same. Whether during the Buddha’s life or after his parinirvāṇa, although they have not ascended to the First Bodhisattva Ground called Joy, they will be able to expound the teachings by relying on the Buddha’s spoken words. Having heard [the teachings] from them, sentient beings that train single-mindedly will be able to eradicate their afflictions and acquire the Dharma, [holy] fruits, and even bodhi. Good man, these are called the sixth inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the seventh inconceivable power of this sūtra’s virtue. If good men and good women, during the Buddha’s life or after His parinirvāṇa, have heard this sūtra, with joy and faith they appreciate its precious rarity. Moreover, they accept and uphold it, read and recite it, and copy and explain it; they train in accordance with the Dharma and activate the bodhi mind; and they develop their roots of goodness and invoke the mind of great compassion, resolved to deliver all suffering sentient beings. Although they have not practiced the six pāramitās, the six pāramitās will spontaneously be present before them. Then they will achieve in their present lives the Endurance in the Realization of the No Birth of Dharmas. They will eradicate at once the afflictions of birth and death and ascend to the Seventh Ground, each assuming the position of a great Bodhisattva. By analogy, a strong man vanquishes the enemy for the king. With the enemy eliminated, the king in his delight bestows half of his kingdom upon him. Men and women who uphold this sūtra can do the same. These spiritual trainees are truly courageous and vigorous. The six pāramitās, the Dharma treasure, will come to them without their quest, the enemy—birth and death—will perish spontaneously, and they will achieve the Endurance in the Realization of the No Birth of Dharmas. They will be awarded the treasure, half of a Buddha Land, to live in peace and bliss. Good man, these are called the seventh power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the eighth power of this sūtra’s virtue. Suppose good men and good women, during the Buddha’s life or after His parinirvāṇa, having acquired this sūtra, revere and believe it, regarding it as the Buddha’s body, without any difference. Delighting in this sūtra, they accept and uphold it, read and recite it, copy it, and respectfully train in accordance with the Dharma. They fortify their observance of precepts and their endurance as they practice almsgiving. Exuding profound lovingkindness and compassion, they widely pronounce to others this unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning. If the hearers initially do not believe that sin and merit exist, they will show the hearers this sūtra and devise various skillful, persuasive ways to help them believe. By virtue of the awesome power of this sūtra, the minds [of nonbelievers] will be turned around. Once their faith is kindled, they will courageously make energetic progress. Because of the power and virtue of this sūtra, they will acquire the Way and achieve [holy] fruits. Moreover, these good men and good women, because of their merit of transforming others, will in their present lives achieve the Endurance in the Realization of the No Birth of Dharmas and ascend to the next higher Ground [Eighth Ground], and they will have Bodhisattvas as their spiritual family. They will enable sentient beings quickly to come to [spiritual] achievement, and they will purify Buddha Lands. Before long, they will attain the unsurpassed bodhi. Good men, these are called the eighth inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the ninth inconceivable power of this sūtra’s virtue. If good men and good women, during the Buddha’s life or after His parinirvāṇa, have acquired this sūtra, with joy and exuberance they appreciate it as something that never existed before. If they accept and uphold it, read and recite it, copy it, make offerings to it, and explain its meaning to others, their past karmas, remaining sins, and severe hindrances will all be expunged at once. They will acquire purity and great eloquence, achieve the pāramitās one after another, and attain samādhis. Through the Śūraṅgama Samādhi, they will enter the great Door of Total Retention. Having gained the power of energetic progress, they will quickly ascend to the next higher Ground [Ninth Ground]. They will be adept in manifesting copies of their bodies everywhere in worlds in the ten directions. They will be able to rescue sentient beings in extreme suffering in the twenty-five forms of existence, enabling them to achieve liberation. Indeed, this sūtra has such powers. Good man, these are called the ninth inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, here is the tenth inconceivable power of this sūtra’s virtue. Suppose good men and good women, during the Buddha’s life or after His parinirvāṇa, having received this sūtra, express great joy in appreciation of its precious rarity. They not only accept and uphold it, read and recite it, copy it, make offerings to it, and train accordingly, but also convince lay and monastic people to accept and uphold it, read and recite it, copy and explain it, make offerings to it, and train in accordance with the Dharma. Those people will acquire the Way and achieve the [holy] fruit because of their training and the power of this sūtra. Their achievement is credited to the mind of lovingkindness and the power of persuasion of these good men and good women. For this reason, these good men and good women will in their present lives acquire innumerable Dhāraṇī Doors. Though still standing on the ground of ordinary beings, they will spontaneously be able to make innumerable asaṁkhyeyas of great vows to rescue with great compassion all sentient beings in suffering. They will bulk up their roots of goodness as they benefit all. Like channeling water to parched land, they will expound the Dharma as if giving Dharma medicine to sentient beings, and they will give peace and joy to all. They will gradually ascend to the Dharma Cloud Ground [Tenth Ground]. Hereupon, their charity will be universal and their lovingkindness all-encompassing, drawing suffering sentient beings to the right path. Therefore, before long, these good men and good women will attain anuttara-samyak-saṁbodhi. Good man, these are called the tenth inconceivable power of this sūtra’s virtue. “Good man, this unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning has great awesome spiritual power. Supreme in its dignity, it can enable ordinary beings to achieve the holy fruit, forever free from their cycle of birth and death. Therefore, this sūtra is called Immeasurable Meaning. It can cause sentient beings on the ground of ordinary beings to germinate immeasurable Bodhisattva bodhi sprouts. It can cause their trees of merit to flourish and expand. Hence this sūtra is called The Inconceivable Power of Virtue.” Then Great Magnificence Bodhisattva-Mahāsattva and the 80,000 Bodhisattva-Mahāsattvas said to the Buddha with one voice: “World-Honored One, this wondrous, profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning pronounced by the Buddha is true in its principle and supreme in its dignity. It is protected by Buddhas of the past, present, and future. No māras or non-Buddhists can enter it, nor can it be corrupted by the wrong views that perpetuate birth and death. Hence this sūtra has these ten inconceivable powers of virtue, to give immeasurable great benefits to all sentient beings. It can enable Bodhisattva-Mahāsattvas each to attain the Samādhi of Immeasurable Meaning. Some will acquire 100,000 Dhāraṇī Doors; some will achieve endurance on the Bodhisattva Grounds; some will become Pratyekabuddhas or achieve the four [voice-hearer] fruits. World-Honored One, out of lovingkindness and sympathy, You have directly pronounced to us such teachings, giving us great Dharma benefits. This is so extraordinary, so unprecedented. The kindness and grace of the World-Honored One are truly hard to requite.” That having been said, the Three-Thousand Thousandfold World quaked in six different ways. The sky rained down various kinds of celestial flowers, such as utpala, padma, kumuda, and puṇḍarīka. As an offering to the Buddha and the huge multitude of Bodhisattvas and voice-hearers, various kinds of celestial incense, garments, necklaces, and priceless jewels fell spiraling down from the sky. Celestial serving dishes and bowls were filled with delicacies of one hundred celestial flavors, which gratified all with their colors and aromas. Placed everywhere were celestial banners, flags, and canopies, as well as wonderful musical instruments. As celestial music and songs were performed to praise the Buddha, the world again quaked in six different ways. In the east, in Buddha Lands as numerous as the sands of the Ganges, their skies also rained down celestial flowers, incense, garments, necklaces, and priceless jewels. Their celestial serving dishes and bowls too were filled with delicacies of one hundred celestial flavors, which gratified all with their colors and aromas. Placed everywhere as well were celestial banners, flags, and canopies. Their wonderful celestial musical instruments also played celestial music, praising their Buddhas and their huge multitudes of Bodhisattvas and voice-hearers. Just the same were the worlds in the south, west, north, as well as in the four in-between directions, and toward the zenith and nadir. Then the Buddha told Great Magnificence Bodhisattva-Mahāsattvas and the 80,000 Bodhisattva-Mahāsattvas: “You all should invoke the reverent mind for this sūtra and train in accordance with the Dharma. You should widely circulate this sūtra and transform all people. Day and night you should diligently protect this sūtra and enabling sentient beings to receive Dharma benefits. You all truly have great lovingkindness and great compassion! Use your transcendental powers and the power of your vows to protect this sūtra. Do not allow it to be subject to doubts or blockages. Circulate it widely in Jambudvīpa far into the future and enable all sentient beings to see and hear it, read and recite it, copy it, and make offerings to it. Because of your effort, you all will be able to attain anuttara-samyak-saṁbodhi quickly.” Great Magnificence Bodhisattva and the 80,000 Bodhisattva-Mahāsattvas rose from their seats, came forward to the Buddha, and bowed their heads down at His feet. They circled the Buddha 100,000 times. Then they knelt on their right knees and said to the Buddha with one voice, “World-Honored One, we are so fortunate that the World-Honored One has bestowed His loving sympathy on us and has pronounced to us this wondrous, profound, unexcelled Mahāyāna Sūtra of Immeasurable Meaning. We respectfully accept the Buddha’s command. After the parinirvāṇa of the Tathāgata, we will widely circulate this sūtra, enabling all to accept and uphold it, read and recite it, copy it, and make offerings to it. We pray only that the World-Honored One will not be worried. We will use the power of our vows to enable all sentient beings to acquire the awesome spiritual power of this sūtra.” The Buddha praised, “Very good! Very good! Good men, you now are truly the sons of the Buddha and are able to rescue, with great lovingkindness and great compassion, those who are in suffering and tribulations. As you widely give Dharma benefits to all, you are the good fortune field for all sentient beings, the competent guide for all sentient beings, the great refuge for all sentient beings, and the noble benefactor for all sentient beings.” All in the huge assembly greatly rejoiced. They made obeisance to the Buddha, accepted and upheld the teachings, and departed. —Sūtra of Immeasurable Meaning Translated from the digital Chinese Canon (T09n0276) Hết phần nội dung Bản dịch Anh ngữ số 1 của KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA. -------------oooo0O0oooo------------- KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA - Bản dịch Anh ngữ số 2 Dịch giả: BIONA (Được xếp vào Đại Chánh Tạng, tập T09 - Kinh số 276 - Tổng cộng kinh này có 1 quyển.) Chapter I: Virtues Thus Have I Heard. Once the Buddha was staying at the city of royal palaces on mount Grdhrakuta with a great assemblage of great Bhikkhus, in all twelve thousand. There were eighty thousand Bodhisattva-Mahasattvas. There were gods, dragons, yakshas, gandharvas, asuras, garudas, kimnaras, and mahoragas, besides all the bhikshus (monks), Bhiksunis (nuns), Upasakas (laymen), and Upasikas (laywomen). There were Great wheel rolling kings, small wheel rolling kings, and kings of the golden wheel, silver wheel, and other wheels; further kings and princes, ministers and people, men and women, and great rich persons, each encompassed by a hundred thousand myriad followers. They went up to the Buddha, made obeisance at his feet, burned incense, and scattered flowers. After they variously worshipped, they retired and sat to one side. Those Bodhisattvas' names were Son of the Law-King Manjushri, Son of the Law-King Great Dignity Treasury, Son of the Law-King Great Eloquence Treasury, The Bodhisattva Maitreya, The Bodhisattva Leader, The Bodhisattva Medicine King, The Bodhisattva Medicine Lord, The Bodhisattva Flower Light Banner, The Bodhisattva King Commanding Dharanis At Will, The Bodhisattva Regarder Of The Cries Of The World, The Bodhisattva Great Power Obtained, The Bodhisattva Ever Zealous, The Bodhisattva Precious Stick, The Bodhisattva Above The Triple World, The Bodhisattva Vimabhara, The Bodhisattva Scented Elephant, The Bodhisattva Great Scented Elephant, The Bodhisattva King Of The Lions Roar, The Bodhisattva Lion's Playing In The World, The Bodhisattva Lion's Force, The Bodhisattva Lion's Assiduity, The Bodhisattva Brave Power, The Bodhisattva Lion's Overbearing, The Bodhisattva Adornment, And The Bodhisattva Great Adornment: such Bodhisattva-Mahasattvas as these, eighty thousand in all. Of these Bodhisattvas there is none who is not a great saint of the Law Body. They have attained commands, meditations, Wisdom, emancipation, and the knowledge of emancipation. With Tranquil minds and constantly in contemplation they are peaceful, Indifferent, non-active, and free from desires. They are immune from any kind of delusion or distraction. Their minds are calm and clear, profound and infinite. They remain in this state for hundreds of thousands of kotis of kalpas, and all of the innumerable teachings have been revealed to them. Having obtained the great wisdom, they penetrate all things, they completely understand the reality of their nature and form, and clearly discriminate existing and non-existing, long and short. Moreover, well knowing the capacities, natures, and inclinations of all, with Dharanis and the unhindered power of discourse, they roll the law wheel just as Buddhas do. First, dipping the dust of desire in a drop of the teachings, they remove the fever of the passions of life and realize the serenity of the law by opening the gate of nirvana, and fanning the wind of emancipation. Next, raining the profound law of the twelve causes, they pour it on the violent and intense rays of suffering--ignorance, old age, illness, death and so on; then pouring abundantly the supreme Mahayana, they dip all the good roots of living beings in it, scatter the seeds of goodness over the fields of merits, and make all put forth the sprout of Buddha hood. With their wisdom brilliant as the sun and the moon and their timely tactfulness, they promote the work of the Mahayana and make all accomplish Perfect Enlightenment speedily; and with eternal pleasure wonderful and true, and through infinite compassion, they relieve all from suffering. These are the true good friends for all living beings, these are the great field of blessings for all living beings, these are the unsummoned teachers for all living beings, and these are the peaceful place of pleasure, relief, protection, and great support for all living beings. They become great good leaders or great leaders for living beings everywhere. They serve as eyes for blind beings, and as ears, nose, or tongue for those who are deaf, who have no nose, or who are dumb; make deficient organs complete; turn the deranged to the great right thought. As the master of a ship or the great master of a ship, they carry all living beings across the river of life and death to the shore of Nirvana. As the king of medicine or the great king of medicine, they discriminate the phases of a disease, know well the properties of medicines, dispense medicines according to the disease, and make people take them. As the controller or the great controller, they have no dissolute conduct; they are like a trainer of elephants and horses who never fails to train well, or like a majestic and brave lion that inevitably subdues and overpowers all beasts. Bodhisattvas, playing in all the paramitas, being firm and immovable at the stage of Tathagata, and purifying the Buddha-country with the stability of their vow power, will rapidly accomplish Perfect Enlightenment. All these Bodhisattvas-mahasattvas have such wonderful merit as seen above. Those bhikshus names were Great Wisdom Shariputra, Supernatural Power Maudgalyayana, Wisdom Life Subhuti, Maha-Katyayana, Maitrayani's son Purna, Ajnata-Kaundinya, Divine Eye Aniruddha, Precept Keeping Upali, Attendant Ananda, Buddha's son Rahula, Upananda, Revada, Kapphina, Vakkula, Acyuta, Svagata, Dhuta Maha-Kasyapa, Uruvilva-Kasyapa, Gaya-Kasyapa, and Nadi-Kasyapa. There are twelve thousand bhikshus such as these. All are Arhats, unrestricted by all bonds of faults, free from attachment, and truly emancipated. At that time the Bodhisattva-Mahasattva Great Adornment, seeing that all the groups sat in settled mind, rose up from his seat, went up to the Buddha with the eighty thousand bodhisattvas-mahasattvas in the assembly, made obeisance at his feet, a hundred thousand times made procession round him, burned celestial incense, scattered celestial flowers, and presented the Buddha with celestial robes, garlands, and jewels of priceless value which came rolling down from the sky and gathered over all like clouds. The celestial bins and bowls were filled with all sorts of celestial delicacies, which satisfied just by the sight of their color and the smell of their perfume. They placed celestial banners, flags, canopies, and playthings everywhere; pleased the Buddha with celestial music; then went forth to kneel with folded hands, and praised him in verse, saying with one voice and one mind: "Great! The Great Enlightened, The Great Holy Lord, In Him there is no defilement, no contamination, no attachment. The Trainer of Gods and men, elephants and horses, His moral breeze and virtuous fragrance Deeply permeate all. Serene is his wisdom, calm his emotion, And stable his prudence. His thought is settled, his consciousness extinct, And thus his mind is quiet. Long since, he removed false thoughts And conquered all the laws if existence. His body is neither existing nor non-existing; Without cause or condition, Without self or others; Neither square nor round, Neither long nor short; Without appearance or disappearance, Without birth or death; Neither created nor emanating, Neither made nor produced; Neither sitting nor lying, Neither walking nor stopping; Neither moving nor rolling, Neither calm nor quiet; Without advance or retreat, Without safety or danger; Without right or wrong, Without merit or demerit; Neither that nor this, Neither going nor coming; Neither blue nor yellow, Neither red nor white; Neither crimson nor purple, Without a variety of colour. Born of commandments, meditation, Wisdom, Emancipation, and Knowledge; Merit of contemplation, the six divine facilities, And the practice of the way; Sprung of benevolence and compassion, The ten powers, and fearlessness; He has come in response To good karmas of living beings. He reveals his body, Ten feet, six inches in height, Glittering with purple gold, Well proportioned, brilliant, And highly bright. The mark of hair curls as the moon, In the nape of the neck there is a light as of the sun. The curling hair is deep blue, On the head there is there is a protuberance. The pure eyes, like a stainless mirror, Blink up and down. The eyebrows trail in dark blue, The mouth and cheeks are well formed. The lips and tongue appear pleasantly red, Like a scarlet flower. The White teeth, forty in number, Appear as snowy agate. Broad the forehead, high bridged the nose, And majestic the face. The chest, with a swastika mark, Is like a lion's breast. The hands and feet are flexible, With the mark of a thousand spokes. The sides and palms are well rounded, And show in fine lines. The arms are elongated, And the fingers are straight and slender. The skin is delicate and smooth, And the hair curls to the right. The ankles and knees are well defined, And the male organ is hidden Like that of a horse. The fine muscles and collarbone, And the thigh bones are slim Like those of a deer. The chest and back are shining, Pure and without blemish, Untainted by any muddy water, Unspotted by any speck of dust. There are thirty two such signs, The eighty kinds of excellence are visible, And truly there is nothing Of form or non-form. All visible forms are transcended; His body is formless and yet has form. This is also true Of the form of the body of all living beings. Living beings adore him joyfully, Devote their minds to him, And pay their respects wholeheartedly. By cutting off arrogance and egotism, He has accomplished such a wonderful body. Now we, the assemblage of eighty thousand, Making obeisance all together, Submit ourselves to the saint of nonattachment, The Trainer of Elephants and horses, Detached from the state of thinking, Mind, thought, and perception. We make obeisance, And submit ourselves to the Law Body, To all commands, meditation and wisdom, Emancipation and knowledge. We make obeisance, And submit ourselves to the wonderful character. We make obeisance, And submit ourselves to the unthinkable. The sacred voice sounds eight ways, As the thunder sounds. It is sweet, pure, and greatly profound. He preaches the four noble truths, The six paramitas, the twelve causes, According to the working of the minds of living beings. One never hears without opening one's mind And breaking the bonds of the infinite chain of life and death. One never hears without reaching srota-apanna, Sakrdagamin, Ana gamin, and arhat; Reaching the state of pratyekabuddha, Of non-fault and non condition; Reaching the state of Bodhisattva, Of non life and non death; Of obtaining infinite dharani And the unhindered power of discourse, With which ones recites profound and wonderful verses, Plays and bathes in the pure pond on the law, Or displays supernatural motion By jumping and flying up, Or freely goes in or out of water and fire, The aspect of the Tathagata 's Law-wheel is like this. It is pure, boundless, and unthinkable. Making obeisance all together, We submit ourselves to him When he rolls the Law-wheel. We make obeisance , And submit ourselves to the sacred voice. We make obeisance, And submit ourselves to the Causes, Truths, and Paramitas. For infinite past kalpas, The World Honored One has practiced All manner of virtues with effort To Bring benefits to us human beings, Heavenly beings, and dragon kings, Universally to all living beings. He abandoned all things hard to abandon, His treasures, wife, and child, His country, and his palace. Unsparing of his person and possessions, He gave all, his head, eyes, and brain, To people as alms. Keeping the Buddha's precepts of purity, He never did any harm, Even at the cost of his life. He never became angry, Even though beaten with swords and staff, Or though cursed and abused. He never became tired, In spite of long exertion. He kept his mind at peace both day and night, And was always in meditation. Learning all the law ways, With his deep wisdom He has seen into the capacity of living beings. As a result, obtaining free power, He became the law king, Who is free in the Law. Making obeisance again all together, We submit ourselves to the one who has completed all hard things." Chapter II: Preaching AT THAT TIME the Bodhisattva-Mahasattva Great Adornment, with the eighty thousand Bodhisattva-Mahasattvas, finished praising the Buddha with this verse and said to the Buddha in unison: "World Honored One, we, the assemblage, of the eighty thousand Bodhisattvas, want to ask you about the Tathagata 's law. We are anxious That the World Honored One should hear us with sympathy." The Buddha Addressed the Bodhisattva Great Adornment and the eighty thousand Bodhisattvas: "Excellent! Excellent! Good sons, you have well known that this is the time. Ask me what you like. Before long, the Tathagata will enter Pari-nirvana. After Nirvana, there shall not be a doubt left to anybody. I will answer any question you wish to ask." Thereupon the Bodhisattva Great Adornment, with the eighty thousand Bodhisattvas, said to the Buddha in unison, with one voice: "World Honored One! If the Bodhisattva-Mahasattvas want to accomplish perfect enlightenment quickly, what doctrine should they practice? What doctrine makes Bodhisattva-Mahasattvas attain perfect enlightenment quickly?" The Buddha addressed the Bodhisattva Great Adornment and the eighty thousand Bodhisattvas: "Good Sons, there is one doctrine which makes Bodhisattvas attain perfect enlightenment quickly. If a Bodhisattva learns this doctrine, then he will accomplish perfect enlightenment." "World Honored One! What is this doctrine called? What is it's meaning? How does the Bodhisattva practice it?" The Buddha said "Good Sons! This one doctrine is called the doctrine of Innumerable Meanings. A Bodhisattva, If he wants to learn and master the doctrine the doctrine of Innumerable Meanings, should observe that all laws were originally, will be, and are in themselves void in nature and form; They are Neither great nor small, Neither appearing nor disappearing, Neither fixed or movable, and neither advancing nor retreating; they are non dualistic, just emptiness. All living beings, however, discriminate falsely: "It is this" or "it is that", and "It is advantageous" or "It is disadvantageous"; they entertain evil thoughts, make various evil karmas, and thus transmigrate within the six realms of existence; and they suffer all manner of miseries, and cannot escape from there during infinite kotis of kalpas. Bodhisattva-Mahasattvas, observing rightly like this, should raise the mind of compassion, display the great mercy desiring to relieve others of suffering, and once again penetrate deeply into all laws. According to the nature of a law, such al law settles. According to the nature of a law, such a laws changes. According to the nature of a law, such a law vanishes. According to the nature of a law, such an evil law emerges. According to the nature of a law, such a good law appears. Settling, changing, and vanishing are also like this. Bodhisattvas, having completely observed and known these four aspects from beginning to end, should next observe that none of the laws settle down for even a moment, but all emerge and vanish anew every moment; and observe that they emerge, settle, change, and vanish instantly. After such observation, we see all manner of natural desires of living beings. As natural desires are innumerable, preaching is innumerable, and as preaching is innumerable, meanings are innumerable. The Innumerable Meanings originate from one law. This one law is, namely, non form. Such non form is formless, and not form. Being not form, and formless, it is called the real aspect of things. The mercy which Bodhisattva-Mahasattvas display after stabilizing themselves in such a real aspect is real, and not vain. They excellently relieve living beings from sufferings. Having given relieve from suffering they preach the law again, and let all living beings obtain pleasure. "Good Sons! A Bodhisattva, if he practices completely the doctrine of Innumerable Meanings like this, will soon accomplish Perfect Enlightenment without fail. Good sons! The Sutra of Innumerable Meanings, such a profound and supreme Great-vehicle, is reasonable in its logic, unsurpassed in its worth, and protected by all the Buddhas of the three worlds. No kind of demon or heretic can break into it, nor can any wrong view of life and death destroy it . Therefore, good sons! Bodhisattva-mahasattvas, if you want to accomplish supreme Buddha hood quickly, you should learn and master the Sutra of Innumerable Meanings, such a profound and supreme great vehicle. "At that time the Bodhisattva Great Adornment said to the Buddha again: World-honored one! The preaching of the World-honored one is incomprehensible, the natures of living beings are also incomprehensible, and the doctrine of emancipation is also incomprehensible. Though we have no doubt about the laws preached by the Buddha, we repeatedly ask the World-honored one for fear that all living beings should be perplexed. For more then forty years since the Tathagata attained enlightenment, you have continuously preached all the laws to living beings--the four aspects, suffering, void ness, transience, selflessness, non-large, non-small, non-birth, non-death, one aspect, no-aspect, the nature of the law, the form of the law, void from the beginning, non-coming, non-going, non-appearance, and non-disappearance. Those who have heard it have obtained the law of warming, the law of the highest, the law of the best in the world (The law of warming, highest, and best in the world are three stages passed through by disciples not yet free of desire when they try to understand the Four Noble Truths.), the merit of srota-apanna, the merit of sakrdagamin, the merit of Ana gamin, the merit of arhat, and the way of pratyekabuddha; have aspired to enlightenment; and ascending the first stage, the second stage, and the third stage, have attained the tenth stage. Because of what difference between your past and present preaching on laws do you say that if a bodhisattva practices only the Sutra of Innumerable Meanings, a profound and Great-vehicle, he will soon accomplish supreme Buddha hood without fail? World-honored one! Be pleased to discriminate the Law widely for living beings out of compassion for all, and to leave no doubt to all Law-hearers in the present and future. "Hereupon the Buddha said to the Bodhisattva Great Adornment: Excellent! Excellent! Great good sons, you have well questioned the Tathagata about such a wonderful meaning of the profound and supreme Great-vehicle. Do you know that you will bring many benefits, please men and gods, and relieve living beings from sufferings. It is truly the great benevolence, and the truth without falsehood. For this reason you will surely and quickly accomplish supreme Buddha hood. You will also make all living beings in the present and future accomplish supreme Buddha hood. "Good Sons! After six years right sitting under the Bodhi tree of the wisdom throne, I could accomplish Perfect Enlightenment. With the Buddha's eye I saw all the laws and understood that they were inexpressible. Wherefore? I knew that the natures of all living beings were not equal. As their natures and desires were not equal, I preached the law variously. It was with tactful power that I preached the law variously. In forty years and more, the truth has not been revealed yet. Therefore living beings' powers of attainment are too different to accomplish supreme Buddha hood quickly. "Good sons! The law is like water that washes off dirt. As a well, a pond, a stream, a river, a valley stream, a ditch, or a great sea each alike effectively washes off all kinds of dirt, so the law-water effectively washes off the dirt of all delusions of living beings. "Good sons! The nature of water is one, but a stream, a river, a well, a pond, a valley stream, a ditch, and a great sea are different from one another. The nature of the law is like this. There is equality and no differentiation in washing off the dirt of delusions, but the three laws, the four merits, the and the two ways are not one and the same. "Good Sons! Though each washes equally as water, a well is not a pond, a pond is not a stream or a river, nor is a valley stream or ditch a sea. As the Tathagata, the worlds hero, is free in the law, all the laws preached by him are also like this. Though preaching at the beginning, the middle, and the end all alike, effectively wash off the delusions of living beings, the beginning is not the middle, and the middle is not the end. Preaching at the beginning, in the middle, and at the end are the same in expression, but different in one another in meaning. "Good Sons!" When I rolled the law wheel of the four noble truths for the five men, Ajnata-Kaundinya and the others, at the deer park in Varanasi after leaving the king of trees, I preached that the laws are naturally vacant, ceaselessly transformed, and instantly born and destroyed. When I discoursed explaining the twelve causes and the six paramitas for all the Bhikshus and Bodhisattvas in various places during the middle period, I preached also that all laws are naturally vacant, ceaselessly transformed, and instantly born and destroyed. Now in explaining the Sutra of Innumerable Meanings, a Great Vehicle, at the this time, I preach also that all laws are naturally vacant, ceaselessly transformed, and instantly born and destroyed. Good Sons! Therefore the preaching at the beginning, in the middle, and at the end are the same in expression but different from one another in meaning. As the meaning varies, the understanding of living beings varies. As the understanding varies, the attainment of the law, the merit, and the way also varies. "Good sons! At the beginning, though I preached the Four Truths for those who sought to be Sravakas, eight Kotis of heavenly beings came down to hear the law and raised the desire for enlightenment. In the middle, though I preached in various places, the profound Twelve Causes, for those who sought to be Pratyekabuddha, Innumerable living beings raised the aspiration for enlightenment, or, remained in the stage of Sravaka. Next, although I explained the long term practice of Bodhisattvas (Religious exercises extending over billions of years), through preaching the twelve types of sutras of Great Extent, The Maha-Prajna, and the void ness of the Garland Sea, a hundred thousand Bhikshus, Myriad Kotis of men and gods, and innumerable living beings could remain in the merits of Srota-apanna, Sakrdagamin, Ana Gamin, and Arhat, or in the law appropriate to the pratyekabuddha. Good Sons! For this reason, it is known that the preaching is the same, but the meaning varies, as the meaning varies, the understanding of living beings varies. As the understanding varies, the attainment of the law, merit, and the way also varies. So Good Sons! Since I attained the way, and stood to preach the law for the first time, till I spoke the Sutra Of Innumerable Meanings, The Great-vehicle, today, I have never ceased from preaching suffering, void ness, transience, selflessness, non truth, non reality, non large, non small, non birth and origin and also non death at present, one aspect, non aspect, the form of the law, the nature of the law, non coming, non going, and the four aspects by which all the living are driven. "Good Sons! For this reason, all the Buddhas, without a double tongue, answer widely all voices with one word, though having one body, reveal bodies innumerable, and numberless as the sands of the Ganges of a hundred thousand myriad Kotis Nayutas; in each body, display various forms, countless as the sands of some hundred thousand myriad kotis nayutas asamkhyeya Ganges, and in each form show shapes countless as the sands of some hundred thousand myriad kotis nayutas asamkhyeya Ganges. Good Son! This is, namely, the incomprehensible and profound world of Buddhas. Men of the two vehicles cannot apprehend it, and even Bodhisattvas of the Ten stages cannot attain it. Only a Buddha, together with a Buddha can fathom it well. "Good Sons! Thereupon I say: The Sutra Of Innumerable meanings, the wonderful, profound, and supreme Great vehicle, is reasonable in it's logic, unsurpassed in it's worth, and protected by all the Buddhas of the three worlds. No kind of demon or heretic can break into it, nor can any wrong view of life or death destroy it. Bodhisattva-Mahasattvas, if you want to accomplish supreme Buddha hood quickly, you should learn and master the Sutra of Innumerable Meanings, such a profound and supreme Great-vehicle. "After the Buddha had finished explaining this, the three-thousand-great-thousand fold world was shaken in the six ways; various kinds of celestial flowers, such as utpala, padma, kumuda, and pundarika, rained down naturally from the sky; and innumerable kinds of celestial perfumes, robes, garlands, and treasures of priceless value also rained and came rolling down from the sky, and they were offered to the Buddha, all the Bodhisattvas and Sravakas, and the great assembly. So, too, was it in the southern, western, and northern quarters, in the four intermediate directions, in the zenith and the nadir. "At this time thirty two thousand Bodhisattva-mahasattvas in the assembly attained to the contemplation of the innumerable meaning. Thirty four thousand Bodhisattva-Mahasattvas obtained the numberless and infinite realms of dharani and came to roll the never retrogressing law wheel of Buddhas all over the three worlds. All the Bhikshus and Bhiksunis, Upasakas, Upasikas, gods, dragons, yakshas, gandharvas, asuras, garudas, kimnaras, mahoragas, great wheel rolling kings, small wheel rolling kings, kings of the silver wheel, iron wheel, and other wheels, kings and princes, ministers and people, men and women, and great rich persons, and all the groups of a hundred thousand followers, hearing together, the Buddha, Tathagata preaching this sutra, obtained the law of warming, the law of the highest, the law of the best in the world, the merit of srota-apanna, the merit of sakrdagamin, the merit of Ana gamin, the merit of Arhat, and the merit of Pratyekabuddha; attained to the Bodhisattvas assurance of the law of no birth; acquired one Dharani, two Dharanis, three Dharanis, four Dharanis, five, six, seven, eight, nine, ten Dharanis, a hundred thousand myriad kotis of Dharanis, and asamkhyeya Dharanis as innumerable as the sands of the Ganges; and all came to roll the never retrogressing law wheel rightly. Infinite living beings gained the aspiration to perfect enlightenment. Chapter III: Ten Merits AT THAT TIME the Bodhisattva-Mahasattva Great Adornment said to the Buddha again: "World Honored One! The World Honored One has preached this sutra of Innumerable Meanings, a wonderful, profound, and supreme Great Vehicle. It is truly profound. Wherefore? In this assembly, all the Bodhisattva-Mahasattvas, all the four groups, gods, dragons, demons, kings, subjects, and all the living beings, hearing this Sutra Of Innumerable Meanings, a profound and supreme great vehicle, never fail to obtain the realm of Dharanis, the three laws, the four merits, and the aspiration to enlightenment. It should be known that this law is reasonable in it's logic, unsurpassed in it's worth, and protected by all the Buddhas of the three worlds. No kind of demon or heretic break into it, nor an any wrong view of life and death destroy it. Wherefore? Because hearing it but once is keeping all the laws. "If a living being can hear this sutra, he will acquire a great benefit. Wherefore? If he practices it sincerely, he will quickly accomplish supreme Buddha hood without fail. If a living being cannot hear it should be known that he loses a great benefit. He will never accomplish supreme Buddha hood even a after a lapse of infinite boundless, inconceivable asamkhyeya kalpas. Wherefore? Because he does not know the great way to enlightenment, he meets with many sufferings in walking steep ways. "World Honored One! This sutra is inconceivable. World Honored One! Be pleased to explain the profound and inconceivable matter of this sutra out of benevolence for all the people. World Honored One! From What Place does this sutra come? From what place does it leave? At what place does it stay? Whereupon does this sutra make people quickly accomplish perfect enlightenment, having such infinite merits and inconceivable powers? "At that time the World Honored One Addressed the Bodhisattva-Mahasattva Great Adornment: Excellent! Excellent! Good Sons; Just So, Just So, Just as you say. Good Sons! I preach this sutra as profound, profound, and truly profound. Wherefore? Because it makes people quickly accomplish supreme Buddha Hood; hearing it but once is keeping all the laws; it greatly benefits all the living; There is no suffering practicing the great direct way. Good Sons! You ask where this sutra comes from, where it leaves for, and where it stays. Do listen attentively. Good Sons! This sutra originally comes from the abode of all the Buddhas, leaves for the aspiration of all the living, and stays at the place where all the Bodhisattvas practice. Good Sons! This sutra comes like this, leaves like this, and stays like this. Therefore this sutra, having such infinite merits and inconceivable power, makes people quickly accomplish supreme Buddha hood. "Good Sons! Do you want to hear how this sutra has ten inconceivable merit powers? The Bodhisattva Great Adornment Said: "we heartily want to hear. And the Buddha said: Good Sons! First, this sutra makes the un-awakened Bodhisattva aspire to Buddha hood, makes a merciless one raise the mind of mercy, Makes a homicidal one raise the mind of great compassion, makes a jealous one raise the mind of joy, makes an attached one raise the mind of detachment, makes a miserly one raise the mind of donation, makes an arrogant one raise the mind of keeping the commandments, makes an irascible one raise the mind of perseverance, makes an indolent one raise the mind of assiduity, makes a distracted one raise the mind of meditation, makes an ignorant one raise the mind of wisdom, makes one who lacks concern for saving others raise the mind of saving others, makes one who commits the ten evils raise the mind of the ten virtues, makes one who wishes for existence aspire to the mind of non existence, makes one who has an inclination toward apostasy build the mind of non retrogression, makes one who commits defiled acts raise the mind of un defilement, and makes one who suffers from delusions raise the mind of detachment. Good Sons! This is called the first inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Secondly the inconceivable merit power of this sutra is as follows: If a living being can hear this sutra but once, or only one verse and phrase, he will penetrate into a hundred thousand kotis of meanings, and the law kept by him cannot be explained fully even in infinite kalpas. Wherefore? It is because this sutra has innumerable meanings. "Good Sons! Suppose that from one seed, a hundred thousand myriad seeds grow, from each of a hundred thousand myriad seeds, another hundred thousand myriad seeds grow, and in such a process seeds increase to an unlimited extent. This sutra is like this. From one law a hundred thousand meanings grow, from each of a hundred thousand meanings, a hundred thousand myriad meanings grow, and in such a process meanings increase to an unlimited and boundless extent. Such being the case, this sutra is called innumerable meanings. Good Sons This is the second inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Thirdly, the inconceivable merit power of this sutra is as follows: If a living being can hear this sutra but once, or only one verse and phrase, he will penetrate into a hundred thousand myriad kotis of meanings. After that, his delusions, even though existent, will become as if non existent; he will not be seized with fear, though he moves between birth and death; he will raise the mind of compassion for all of the living, and obtain the spirit of bravery to obey all the laws. A powerful wrestler can shoulder and hold any heavy thing. The keeper of this sutra is also like this. He can shoulder the heavy treasure of supreme Buddha hood, and carry living beings on his back out of the way of birth and death. He will be able to relieve others, even though he can not yet relieve himself. Just as a ferry master though he stays on this shore owing to his serious illness and unsettled body, can be made to cross over by means of a good and solid ship that has the quality of carrying anyone without fail, so also is it with the keeper of this sutra. Although he stays on this shore of ignorance, old age and death, owing to the hundred and eight kinds of serious illness (the one hundred and eight illusions, or obstacles to enlightenment), with which his body under the existence of all the five states is seized and ever afflicted, he can deliver from birth and death this strong Mahayana Sutra of Innumerable Meanings as it is preached, which realizes the deliverance of living beings. Good Sons! This is called the third inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Fourthly the inconceivable merit power of this sutra is as follows: if a living being can hear this sutra but once, only one verse and phrase, he will obtain the spirit of bravery, and relieve others, even though he cannot yet relieve himself. He will become the attendant of the Buddhas together with all of the Bodhisattvas, and all the Buddha-Tathagatas will always preach the law to him. On hearing it, he will keep the law entirely and follow it without disobeying. Moreover, he will interpret it for people extensively as occasion calls. "Good Sons! Suppose that a new prince is born of a king and queen. A day, two days, or seven days, and a month, two months, or seven months passing away, he attain the age of one, two, or seven. Although he cannot yet manage national affairs, he will come to be revered by people and take all the great kings sons into his company. The King And Queen will always stay and converse with him, with special and deep affection because he is their little child. Good Sons! The keeper of this sutra is also like this. The King--The Buddha-- and the queen--this sutra--come together, and this son--a Bodhisattva-- is born of them. If the Bodhisattva can hear one phrase or verse of this sutra once, twice, ten times, a hundred times, a thousand time, myriad times, myriad kotis of time, or innumerable and numberless times like the sands of the Ganges, he will come to shake the Three-Thousand Great Thousand fold world, though he can not yet realize the Ultimate Truth, and will take all great Bodhisattvas into his attendance, while being admired by all of the four classes and eight guardians, though he can not yet roll the great law wheel, with the sacred voice like the roll of thunder. Entering deeply into the secret law of the Buddhas, he will interpret it without error or fault. He will always be protected by all of the Buddhas, and especially covered with affection, because he is a beginner in learning. Good Sons! This is called the fourth inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Fifthly, the inconceivable merit power of this sutra is as follows: If good sons or good daughters keep, read, and recite and copy the Sutra Of Innumerable Meanings, such a profound and supreme great vehicle, either during the Buddhas lifetime or after his extinction, they will realize the way of great Bodhisattvas though they cannot yet be delivered from all the faults of an ordinary man, and are still wrapped in delusions. They will fill with joy and convince those living beings, extending a day to a hundred Kalpas, or shortening a hundred Kalpas to a day. Good Sons! These good sons or good daughters are just like a dragon's son who can raise clouds and cause a rainfall seven days after his birth. Good Sons! This is called the fifth inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Sixthly, the inconceivable merit power of this sutra is as follows: if good sons or good daughters keep, read, and recite this sutra either during the Buddhas lifetime, or after his extinction, even though clothed in delusions, they will deliver living beings from the life and death of delusions, and make them overcome all sufferings, by preaching the law for them. After hearing it, living beings will put it into practice, and attain the law, the merit, and the way, where there will be equality, and no difference from the Buddha Tathagata. Suppose that a king, in journeying, or falling ill, leaves the management of national affairs to his prince, though he is an infant. Then the prince, by order of the great king, leads all of the government officials according to the law, and propagates the right policy, so that every citizen of the country follows his orders exactly as if the king were governing. It is the same with good sons or good daughters keeping this sutra. During the Buddhas lifetime, or after his extinction, these good sons will propagate the doctrine, preaching exactly as the Buddha did, though they themselves cannot live in the first stage of immobility, and if living beings, after hearing their preaching, practice it intently, they will cut off delusions, and attain the law, the merit, and the way. Good Sons! This is called the sixth inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Seventhly, the inconceivable merit power of this sutra is as follows: If good sons or good daughters, hearing this sutra either during the Buddhas lifetime or after his extinction, rejoice, believe, and raise the rare mind; keep, read, recite, copy, and expound it; practice it as it has been preached; aspire to Buddha hood; cause all the good roots to sprout; raise the mind of great compassion; and want to relieve all living beings of sufferings, the six paramitas will be naturally present in them, though they cannot yet practice the six paramitas. They will attain the assurance of the law of no birth in their bodies; life and death, and delusions will be instantly destroyed; and they will rise to the seventh stage of Bodhisattva. "Suppose there is a vigorous man who tries to destroy an enemy on behalf of his king, and after the enemy has been destroyed, with great joy, the king gives him half the kingdom as a prize. Good Sons or Good Daughters who keep this sutra are like this. They are the most vigorous of all ascetics. They come to attain the law treasure of the six paramitas, even though they are not consciously seeking it. The enemy of death and life will be naturally destroyed, and they will be made comfortable by the prize of a fief, realizing the assurance of no birth as the treasure of half the Buddha-country. Good Sons! This is called the seventh inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Eighthly the inconceivable merit power of this sutra is as follows: If good sons or good daughters, either during the Buddhas lifetime, or after his extinction, see someone who has received this sutra, they will make him revere and believe it exactly as if he saw the body of the Buddha; they will keep, read, recite, copy and worship this sutra with joy; serve and practice it as the law; firmly keep the commandments and perseverance; they will also practice almsgiving; raise a deep benevolence; and explain the sutra of Innumerable Meanings, this supreme great vehicle, widely to others. To one who for a long time does not at all recognize the existence of sinfulness and blessedness, they will show this sutra, and force him to have faith in it with all sorts of expedients. By the strong power of the sutra, he will be made to stir up faith and to convert suddenly. After stirring up faith, he will endeavor so valorously that he can acquire the virtue and power of this sutra, and attain the way and the merit. In this way, these good sons or good daughters will attain they assurance of the law of no birth in their bodies of men or women by the merit of having been enlightened, reach the upper stage, become the attendants of the Buddhas, together with all the Bodhisattvas convert living beings, quickly, purify Buddha lands, and attain supreme Buddha hood before long. Good Sons! This is called the eight inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Ninthly, the inconceivable merit power of this sutra is as follows: If good sons or good daughters, receiving this sutra either during the Buddhas lifetime or after his extinction, leap for joy; acquire the unprecedented; keep, read, recite, copy, and adore this sutra; and explain it's meaning discriminately and widely for living beings, they will instantly destroy the heavy barrier of sins resulting from previous karma and become purified, acquire great eloquence, gradually realize all paramitas, accomplish all Samadhis and Suramgama-samadhi, enter the great gate of dharani and rise up to the upper stage quickly with strenuous efforts. They will spread their divided bodies in all of the lands of ten directions, and relieve and emancipate entirely all living beings who suffer greatly in the twenty five abodes. Thus such a power can be seen in this sutra. Good Sons, This is called the ninth inconceivable merit power of this sutra. "Good Sons! Tenthly, the inconceivable merit power of this sutra is as follows: if good sons or good daughters, receiving this sutra either during the Buddhas lifetime or after his extinction, greatly rejoice; raise the rare mind; keep, read, recite, copy, adore, and expound this sutra, and practice it as the law, these good sons or good daughters will obtain the innumerable realms of Dharani in their bodies because it is wholly by the merciful and friendly instruction of these good sons or good daughters that other people obtain the way and the merit through the power of the practice of this sutra. They will make vast oaths and great vows of numberless asamkhyeya naturally and from the beginning in the stage of ordinary men, and raise a deep desire to relieve all living beings. They will realize the great compassion, thoroughly abolish all sufferings, gather many good roots, and bring benefit to all. They will explain the flavor of the law, and greatly enliven the withered; give all living beings the medicine of the law and set all at ease; gradually elevate their view, to live in the stage of the Law-Cloud (The stage of the Law-Cloud is the tenth and highest stage of the Bodhisattva-Way). They will spread favor extensively, grant mercy to all suffering living beings, and lead them to the Buddha way. Thereupon these persons (Good sons and daughters) will accomplish Perfect Enlightenment before long. Good Sons! This is called the tenth inconceivable merit power of this sutra. Good sons! The sutra of innumerable meanings, such a supreme Great-Vehicle, has an extremely great divine power and is unsurpassed in it's worth. It makes all ordinary men accomplish the sacred merit, and makes them free from life and death forever. Thereupon this sutra is called Innumerable Meanings. It makes all the living sprout the innumerable ways of all the Bodhisattvas in the stage of ordinary men, and makes the tree of merit grow dense, thick, and tall. Therefore this sutra is called inconceivable merit power. At that time the Bodhisattva-Mahasattva Great Adornment, with the eighty thousand Bodhisattva-Mahasattvas, said to the Buddha with one voice: "World Honored One! The Sutra of Innumerable Meanings, Such a profound, Wonderful, and supreme great vehicle preached by the Buddha, is reasonable in it's logic, unsurpassed in it's worth and protected by all the Buddhas of the three worlds. No kind of demon or heretic can break into it, nor can any wrong view of life or death destroy it. Thereupon this sutra has ten such inconceivable merit powers. It greatly benefits innumerable living beings, makes all Bodhisattva-Mahasattvas attain the contemplation of innumerable meanings, a hundred thousand realms of Dharani, all the stages and assurances of Bodhisattva, and the accomplishments of the four way merits of pratyekabuddha and arhat. The World Honored One has preached such a law willingly for us in compassion, and made us attain the benefits of the law abundantly. This is immensely marvelous and unprecedented. It is difficult to repay the merciful favor of the World Honored One. At the close of these words, the three thousand, Great thousand fold world was shaken in the six ways; various kinds of celestial flowers, such as utpala, padma, kumuda, and Pundarika rained down from the sky; and numberless kinds of celestial perfumes, robes, garlands, and treasures of priceless value also rained and came rolling down from the sky, and they were offered to the Buddha, all the Bodhisattvas and Sravakas, and the great assembly. The celestial bins and bowls were filled with all manner of celestial delicacies, which gave satisfaction naturally to anyone who just saw them and smelled their perfume. The celestial banners, flags, canopies, and playthings, were placed everywhere, and celestial music was played in praise of the Buddha. Also the Buddha worlds, as numerous as the sands of the Ganges, in the east were shaken in the six ways; celestial flowers, perfumes, robes, garlands, and treasures of priceless value rained down; the celestial bins and bowls, and all sorts of celestial delicacies gave satisfaction to anyone who just saw them and smelled their perfume. The celestial banners, flags, canopies, and playthings were placed everywhere, and celestial music was played in praise of those Buddhas, those Bodhisattvas and Sravakas, and the great assembly. So, too, was it in the southern, western, and northern quarters, in the four intermediate directions, and in the Zenith, and Nadir. At that time the Buddha addressed the Bodhisattva-Mahasattva Great Adornment and the eighty thousand Bodhisattva-mahasattvas: You should entertain a deep respect for this sutra, practice it as the law, instruct all widely, and propagate it earnestly. You should protect it heartily day and night, and make all living beings attain the benefits of the law. This is truly great mercy, and great compassion, so, offering the divine power of a vow, you should protect this sutra and not let anybody put obstacles in its way. Then you should have it practiced widely in Jambudvipa, and make all the living observe, read, recite, copy, and adore it without fail. Because of this you will be made to attain perfect enlightenment rapidly. At that time the Bodhisattva-Mahasattva Great Adornment rose up from his seat, went up to the Buddha with the eighty thousand Bodhisattva-Mahasattvas, made obeisance at his feet, a hundred thousand times made procession around him, and then going forth to kneel, said to the Buddha with one voice: World Honored One! We have been placed under the mercy of the World Honored One to our delight. The sutra of Innumerable Meanings, This profound, wonderful, and supreme great vehicle, has been preached for us. We will widely propagate this sutra after the Tathagatas extinction in obedience to the Buddhas command, and let all keep, read, recite, copy, and adore it. Be pleased to have no anxiety! With the vow-power, we will let all the living observe, read, recite, copy, and adore this sutra, and acquire the marvelous merit of this sutra. At that time the Buddha said in praise: Excellent! Excellent! All good sons; you are really and truly the Buddhas sons. You are persons who abolish sufferings and remove calamities thoroughly with great mercy and great compassion. You are the good field of blessings for all living beings. You have been the great good leaders extensively for all. You are the great support for all living beings. You are the great benefactors of all living beings. Always bestow the benefits of the law extensively on all. At that time all in the great assembly, greatly rejoicing together, made salutation to the Buddha and, taking possession of the sutra, withdrew. Hết phần nội dung Bản dịch Anh ngữ số 2 của KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA. -------------oooo0O0oooo-------------